Từ đời vào văn

3/5
2:43 PM 2017

MỘT NGÀY VỚI NHÀ THƠ HÀN QUỐC KO UN

LÊ ĐĂNG HOAN-Tôi đang ngơ ngác tìm theo địa chỉ ghi trên giấy thì từ xa đã thấy bà Lee Sang-hwa vừa chạy ra, vừa tươi cười chào đón "Đây rồi, vất vả quá phải không?". Sau vài câu đáp lễ, bà dắt tay vợ tôi bước vào cổng nhà. Đó là một ngôi nhà 3 tầng kiểu biệt thự được lắp đặt bằng gỗ sáng bóng, trên một khoảng đất rộng, xung quanh cây cối đã ngã sang màu vàng óng của mùa thu. Bà mời vợ chồng tôi vào nhà, rồi gọi ông.

Từ tầng 2, nhà thơ Ko Un nhẹ nhàng bước xuống, nhìn thấy chúng tôi, ông gọi to "Le Dang Hoan!" rồi vội vàng chạy đến ôm chầm lấy tôi cùng lời chào mà người Hàn Quốc thường chào đón nhau sau lâu ngày gặp lại "Ôi mừng quá, lâu lắm rồi!"...

Bà Lee đưa ra mấy đĩa hoa quả đã chuẩn bị sẵn, và chúng tôi cùng ngồi xuống sàn nhà.

Tôi như được trở lại nhà mình, thân quen, thoái mái...

Một ngày trôi đi với những câu chuyện vừa tình cảm vừa hàn huyên, để rồi tôi có thể hiểu hơn về một nhà thơ, một nhân cách, mà như ông Do Jong-hwan, nhà thơ, nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc nói "Ko Un là văn học sử của Hàn Quốc, là tổng hợp của thơ thế giới, là nhà thơ hiếm có trên thế giới này!".

Sau khi ngồi yên vị, chúng tôi bắt đầu cau chuyện mà tôi đã xin phép ông trước khi đến đây.

Ông mở đầu bằng một câu rất thân thiết.

- Thôi bây giờ, Anh Hoan xem trong quá trình dịch Vạn nhân phổ (Vạn đời người), có gì cần hỏi, ta cùng bàn với nhau.

Tôi nói rằng, những nội dung dịch không hiểu tôi đã tập trung lại gửi E-mail cho ông, bà, nhờ giải thích nhiều rồi. Con hôm nay tôi muốn tìm hiểu về ông, bà và về sự ra đời của đại sử thi Vạn nhân phổ.

Thế là cuộc nói chuyện bắt đầu với những câu hỏi-đáp (không mang tính chất phỏng vấn) bắt đầu:

- Thưa ông, ông có biết ông Song Gi-han không ạ? (Tôi vừa hỏi vừa đưa cho ông quyến sách Con đường của văn học Dân tộc do tác giả Song Gi-han viết về nhà thơ Ko Un)

- À, tôi biết, Song Gi-han viết quyển sách này về tôi cách đây đã lâu, tuy nhiên những nội dung trong sách có thể tin được.

- Thế khi tôi viết về ông, tôi có thể sử dụng tài liệu này, còn tài liệu về Vạn nhân phổ (1), tôi có thể tìm ở đâu thưa ông.

- Bà Lee Sang-hwa (vợ nhà thơ Ko Un): Hiện nay tài liệu nghiên của về Vạn nhân phổ rất nhiều. Trong đó có thể lấy tài liệu trong "Diễn đàn Quốc tế kỷ niệm ngày hoàn thành" tác phẩm lớn này. Đặc biệt cách đây không lâu, một nhà nữ nghiên cứu ở Pháp đã làm luận án tiến sĩ về Vạn nhân phổ. Tôi sẽ cho ông xem.

Nói xong bà chạy lên gác đưa luận án Tiến sĩ của bà Park Sang-hyen cho tôi xem. Quyển luận văn tiến sĩ của bà ở Pháp (Viện nghiên cứu Khoa học xã hội Cao đẳng Pháp) có tên là Vạn nhân phổ nhìn trên quan điểm lịch sử.

- Vâng, rất cảm ơn bà, Ông có thể cho biết, ý nghĩ nào đã đưa ông đến việc sáng tác tác phẩm này?

- Vốn dĩ ý nghĩ viết Vạn nhân phổ xuất phát từ hồi tôi ở trong nhà tù, vào năm 1980. Dạo đó trong phòng giam nhỏ, không ánh sáng lọt vào, nằm suy nghĩ lại người thân và những người tôi đã gặp, đã quen biết, bỗng tôi nhớ họ vô cùng và nảy ra ý nghĩ rằng, nếu được ra tù tôi sẽ viết thơ từng người, như những bài ca về họ. Sau đấy tôi được ra tù, nhưng đến năm 1986 tôi mới bắt đầu viết, mãi đến năm 2010, sau 25 năm, trọn 30 tập Vạn nhân phổ bài ca về hơn 5600 người mới hoàn thành.

- Tôi đã dịch xong 108 bài được ông, bà giúp lực chọn từ tập 1 đến tập 10 và cũng xem qua từ tập 10 đến tập 30 tập Vạn nhân phổ, tôi không hiểu làm sao mà ông có thể nhớ được tính cách, suộc sống của hàng ngàn người như vậy?

- Vâng, nhiều người hỏi tôi câu hỏi đó. Đối với người thân thích, họ hàng, làng xóm, và bạn bè, tôi viết theo trí nhớ của tôi, nhưng những nhân vật lịch sử, tôi phải đọc, nghiên cứu và đặt tôi vào họ để suy diễn, phán đoán phong cách, cuộc sống của họ trong giai đoạn lịch sử đó.

- Bà Lee đã giới thiệu và làm thủ tục cho tôi được gia nhập vào Học hội Ko Un vừa thành lập trong năm 2015, hiện nay Học hội đang hoạt động như thế nào ạ?

- Bà Lee Sang-hwa: Hiện nay không những Học hội Ko Un, mà còn có một số tổ chức nghiên cứu về Ko Un đã được thành lập, như Akademic Vạn nhân phổ ở Ahn-Seong; Hội quán Văn học Ko Un (quỹ Ko Un); Hội quán "Vạn nhân phổ" ở Gun-san (quê hương Ko Un).

Từ ngày 23 đến ngày 25 tháng này (tháng 10/2015) có Lễ hội văn học Ko Un ở Gun-san, nếu anh Hoan tham gia được thì sẽ rất bổ ích. Chúng tôi sẽ giới thiệu để ở đó tiếp đón anh.

- Vâng, rất cảm ơn, tôi sẽ sắp xếp công việc để tham dự sự kiện này. Như ông nói thì suy nghĩ viết tác phẩm Vạn nhân phổ đã hình thành trong nhà tù?

- Đúng vậy, Những tác phẩm được hình thành từ trong nhà tù, ngoài tác phẩm này còn có Bạch Đầu sơn (2).

- Trong cuộc đời mình, quãng đời nào ông thấy khó khăn nhất?

- Chiến tranh - Đó là thời gian chiến tranh. Sự đổ nát của chiến tranh, sự trả thù, căm hận lẫn nhau đưa đến tàn sát lẫn nhau là thời gian khó khăn nhất đối với tôi. Mọi nẩy sinh tiêu cực, ý thức về sự hư vô của cuộc sống hình như hình thành từ đây.

- Thế trong cuộc đời của mình, ông cho rằng cái gì là quý nhất?

- (Cười). Biết nói thế nào nhỉ! Mỗi thời kỳ sẽ có điều đáng quý khác nhau. Không ai lường trước được điều gì sẽ đến phía trước, nên cái quý giá nhất cũng không biết được. Tùy người và tùy thời thôi.

- Sau Vạn nhân phổ ông còn viết nữa không?

- Tôi đang viết và còn viết nhiều nữa. Tôi sẽ đưa anh lên phòng sách của tôi. Có hai gian chuyên dành cho những tác phẩm đang viết.

- Hôm qua trong cuộc hội thảo về Sự xâm nhập vào thế giới của sách Hàn Quốc, K-Book do Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc tổ chức, nhiều người có nhắc đến giải Nobel văn học năm nay, trong đó họ đang hy vọng ông có thể sẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá. Ông nghĩ thế nào?

- Có lẽ không nên nói nhiều về điều này. (Ông cười và nói sang chuyện khác)

- Trong thi đàn Hàn Quốc hiện nay, loại thơ truyền thống như si-jo (thời điệu) có ai viết nữa không?

- Còn, còn nhiều người viết lắm. Đó là thể thơ truyền thống của Hàn Quốc còn sống đến bây giờ.

- Tôi có đọc tập thơ thiền của ông, thơ ngắn chỉ 2-3 dòng, có phải ông theo kiểu thơ Haiku Nhật Bản không?

- Không phải, Thơ ngắn nhưng không phải thơ Haiku Nhật.

- Khi dịch Vạn nhân phổ của ông, là loại thơ chân dung, nên ngoài cái khó về nội dung, việc chuyển sang thơ Việt rất khó, ngoài ra trong mỗi bài thơ ở những câu cuối luôn có những biến thể cả về ý nghĩa cả về ngôn ngữ rất khó dịch. Ông nghĩ thế nào về điều này.

- Vâng, đúng thế, khi dịch và đọc Vạn Nhân phổ, nhiều người cũng nói như ông. Nhưng đó là nghệ thuật thơ mà.

- Hiện nay việc dịch tập thơ thư nhất Vạn nhân phổ ra tiếng Việt trên cơ sở lựa chọn các bài tập 1 đến tập 10, tôi đã hoàn thành, và đang chờ xuất bản vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Nếu sang năm Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam lại tổ chức buổi giới thiệu tập thơ dịch này ở Việt Nam và mời sang tham dự thì ông bà có sang được không?

- Hãy cho chúng tôi lịch thời gian để sắp xếp vì sang năm cũng nhiều nước mời lắm, nhưng ấn tượng về Việt Nam lần trước đã làm cho chúng tôi rất cảm động. Tôi xin cảm ơn Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và các vị trong Hội Nhà văn, và NXB của Hội. Tôi mong rằng có dịp sẽ sang Việt Nam, và lần này tôi sẽ đi thăm con đường Hồ Chí Minh lịch sử mà tôi đã có kế hoạch từ lâu.

- Xin cảm ơn ông bà.

...Trong lúc trò chuyện, bà Lee vẫn không quên chuẩn bị bữa trưa.

12 giờ 30 phút, bà vội đứng dậy dọn cơm, và mời chúng tôi vào bàn ăn. Bữa cơm có đầy đủ các món ăn truyền thống Hàn Quốc, 3-4 loại kim chi, lá kim, cà dê luộc trộn với tương, tương ớt, thịt bò, cá... Ông Ko Un chỉ vào chai rượu sâm nói: "Chai rượu này đã ngâm cách đây 25 năm, hôm ở Ahn-seong, dọn nhà lên đây(3). Khi dọn kho mới phát hiện ra bình rượu này, và đưa về đây luôn, củ sâm ngâm trong bình to hiếm thấy, do ai đó tặng lâu lắm rồi, ít ra cách đây 25 năm. Hôm nay có hai vợ chồng anh Hoan đến chúng tôi mới đưa ra để cùng thưởng thức!". Thế rồi ông mở bình rượu, hai tay nâng lên rót vào chén rượu cho tôi và vợ tôi theo phong tục người Hàn mời khách. Sau đó tôi xin được đỡ ông bình rượu, rồi hai tay kính cẩn rót cho hai ông bà. Tôi bày tỏ, mong rằng uống rượu này ta sẽ được sống hơn bình thường 5 năm... Ông Ko Un cười và chúng tôi uống rượu, ăn uống, nói cười tự nhiên như người một nhà. Bà Lee liên tục gắp thức ăn cho vợ tôi, và cứ hỏi ở Hàn Quốc có gì bất tiện không, ăn uống thế nào...

Sau khi ăn xong bà chủ lại pha càphê. Bà có bộ xay cà phê hạt và pha trực tiếp. Bà nói rằng từ lần đến Việt Nam đến nay, bà chỉ thích uống cà phê Việt Nam, đậm đà mà hương rất thơm.

Ông Ko Un dục chúng tôi uống, để còn đi dạo xung quanh vườn nhà.

Nhà vợ chồng nhà thơ Ko Un hiện ở Su-won, cách Seoul một tiếng đồng hồ đi xe buýt, nghe nói là do chính quyền thành phố Su-wol cấp cho ông. Đó là một ngôi nhà 3 tầng kiểu biệt thự. Trước khi đi ra vườn, ông đưa tôi lên phòng làm việc của hai ông bà. Phòng làm việc của bà ở bên phải. Bà là giáo sư dạy tiếng Anh ở trường Đại học, về hưu, bây giờ bà lại sử dụng kiến thức tiếng Anh của mình chuyên dịch thơ Ko Un ra tiếng Anh. Bên trái là một dãy có 3 gian. Đó quả thật là một thư viện, đầy sách. Chỗ nhà thơ ngồi làm việc lọt thỏm giữa những tủ sách cao quá hai đầu người. Tôi đề nghị ông cho chụp ảnh kỷ niệm, ông cười (nụ cười thật hiền lành, nụ cười mà tôi luôn yêu mến, bởi nó toát lên sự gần gũi, thân tình và chân thật, đầy sức thu hút). Thế là vợ tôi chụp mấy bức ảnh kỷ niệm ngay trong phòng làm việc của ông. Từ phòng ông nhìn ra ngoài vườn nhà, thấy cả một vùng cây cối đã sang thu màu vàng đỏ rực rỡ, xa xa là một con đường nhỏ và bên cạnh chạy sát theo con đường là con suối nhỏ. Tôi trầm trồ xem, và thích thú với phong cảnh nên thơ này. Đang say mê nhìn xuống dưới, thì nhà thơ Ko Un, bảo tôi cùng xuống vườn đi dạo với ông.

Dẫm qua lên nền cỏ êm trước cửa nhà rẽ xuống con đường nhìn sang đồi cây bên kia là quả đồi thoai thoải, cây cối đủ mọi sắc màu, phía sau nhà là mấy cây ngân hạnh lá vàng ánh, trĩu quả. Những quả ngân hạnh rơi xuống cùng lá vàng khô trải thành một tấm thảm tuyệt đẹp, rất tượng trưng cho mùa thu Hàn Quốc. Đi xuống một đoạn, là bóng một cây cao to, lá nhỏ đang chuyển màu, nhà thơ nói với tôi đây là cây Neu-ty (zeikova). Tôi nói với ông rằng trong thơ của nhà thơ Kim Kwang Kyu, có bài thơ Cây Neu-ty tôi đã dịch nhưng hôm nay mới thấy nó đẹp và tỏa bóng râm rát đến như vậy. Ông cho tôi biết thêm về giống cây này được trồng ở các nơi cao ráo của làng quê Hàn Quốc để làm nơi hóng mát, tụ tập của dân làng. Ông cùng tôi ngồi xuống chiếc ghế dưới bóng cây Neu-ty, ngắm cảnh chiều mùa thu đầy sắc màu, và tôi biết rằng, chính phong cảnh và tâm hồn hợp nhau, đã đem đến cho nhà thơ những sang tạo trong sang tác của mình. Tôi nói ý nghĩ này, ông cười và nhìn về phương xa như suy nghĩ điều gì đó.

Trời chiều, ông cùng tôi đứng dậy, đã đến lúc tôi phải về... Ông dẫn tôi đi một đoạn nữa rồi đi ra con đường ra cổng. Bà Lee Sang-hwa đã đưa ô tô ra để đưa chúng tôi về. Ông bắt chặt tay tôi, định quay bước vào nhà, chợt còn ngoảnh lại gọi to "Le Dang Hoan!!!".

Nguồn: Tạp chí Thơ HNV

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *