Chuyện văn chương

6/5
9:43 AM 2016

Những giai thoại văn chương (3)

CẦM BẰNG THỨC SUỐT ĐÊM NAY...

Tết năm 1952, quân ta đang triển khai chiến dịch giải phóng Hòa Bình, là lính của sư đoàn 308, các nhà văn Hữu Mai, Hồ Phương cũng có mặt tại mặt trận với tư cách là những phóng viên mặt trận của tờ Quân Tiên phong. Đêm ba mươi, tranh thủ lúc toàn mặt trận hưu chiến, hai nhà văn (lúc ấy mới hơn hai mươi tuổi) lần mò vào một bản người Mường chơi, vừa là để chúc Tết đồng bào vừa có thực tế để viết. Một gia đình tỏ ra quyến luyến hai anh “vệ quốc quân - nhà báo” hết mức, đến nỗi cả hai muốn ra về mấy lần mà không được. Cô ún (cô em) thì đặc biệt thích “Vệ Phương”. Cô đơm xôi, chắt rượu ra mời hai anh lính, rồi cùng uống với hai anh. Sau còn hát cho hai anh nghe nữa... Phút giao thừa sắp tới, Hữu Mai đã nóng lòng về doanh trại, cứ “bấm”, “nháy” Hồ Phương liên tục. Biết vậy, cô gái trẻ tuổi vừa độ trăng tròn kia bèn hát một câu hết sức tự nhiên:

Cầm bằng thức suốt đêm nay

Sáng mai ta lại lấy ngày làm đêm

 

CHẲNG MẤT ĐỒNG NÀO

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu mê bóng đá không kém gì thơ. Nhưng trong các trận, anh mê nhất là những trận có đội Thể Công thi đấu. Cái sự mê say đá banh của anh nhanh chóng lây sang các con anh. Rất nhiều lần thấy anh dắt con trai đến sân vận động Cột Cờ và thường xuyên thấy cả nhà anh ngồi trước màn ảnh nhỏ để xem các trận cầu. Một bữa, thấy anh đến tài vụ đổi lấy toàn tiền 5.000 mới cứng. Tưởng anh sắp đi mừng đám cưới. Không phải. Anh sung sướng giãi bày: “Chiều nay 15 giờ Thể Công sẽ ra quân trong trận quyết định để giành chức vô địch quốc gia. Mình sẽ thưởng cho các con mình đồng đều năm ngàn mỗi khi Thể Công ghi được một bàn thắng”. Có người hỏi: “Nhỡ Thể Công ghi được 6, 7 bàn thì sao?”. “Thì càng mừng, đã sẵn sàng nhiều “cơ số” rồi”… Sáng sau, đến cơ quan mọi người thấy anh không vui lắm. Anh móc số tiền năm ngàn mới tinh ra và than thở: “Chẳng mất đồng nào, buồn quá!”. Thì ra trong trận đấu chiều qua, đội bóng “bồ ruột” của nhà thơ mặc dầu đá rất hay nhưng chịu hòa, không ghi được dù chỉ một bàn thắng trước đội đối phương ngang tài ngang sức.

 

CHÂN DÀI TAY ĐẠI SẢI

Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chỉnh, cho đến bây giờ người ta vẫn còn chưa hiểu ngọn ngành vì sao ông lại lấy bút danh là Vũ Cao. Có nhiều cách lý giải, nhưng cách lý giải rằng do ông có vóc người cao lớn (có dễ đến thước tám và được xếp vào hàng các nhà thơ hiện đại Việt Nam có chiều cao cao nhất!) xem ra hợp lý hơn cả. Lúc thiếu thời, Vũ Cao vì ham thơ phú mà có lúc quên chuyện đèn sách. Rốt cuộc là trong một kỳ thi bậc thành chung, ông bị “trật vỏ chuối”. Ông rất buồn, chú ông là nhà thơ Côi Vị đã từ quê Nam Định gửi cho ông một bài thơ vui để an ủi. Bài thơ nói rằng, Chỉnh nên tiếp tục học và nếu ... chẳng may có trượt nữa thì chắc hẳn rằng ông giời đã cho Chỉnh được tự do, tự do: Vác cả túi thơ cùng bút vẽ? Lang thang cho thỏa chí giang hồ. Rồi Côi Vị tiếp tục... vẽ ra cái chân dung của ông cháu trẻ bằng những nét biếm họa khiến Vũ Cao không thể nén được cười. Côi Vị “vẽ” Vũ Cao như sau:

Bán tranh: bán chữ chẳng ai mua

Thì Chỉnh ra sông Chỉnh chống đò

Được cái chân dài, tay đại sải

Tha hồ cho cả gió giông to.

 

 

                       

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *