Từ đời vào văn

30/3
9:01 PM 2017

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: ĐƯỜNG KIẾM ĐƯỜNG BÚT KIÊN GIANG

VanVN.net -Tổ chức các trại viết và những đợt thâm nhập thực tế là cách mà 60 năm qua Hội nhà văn Việt Nam cùng các chi hội thuộc cácngành nghề cácđịa phươngđã tích cực thực hiện để tạo cảm hứng và điều kiện hình thành tác phẩm văn học.

                                          Các nhà văn TPHCM đi thực tế sáng tác

“Đường kiếm đường bút Kiên Giang” là tập văn thơ hình thành sau đợt thâm nhập thực tế miềnTây Nam Bộ của các nhà văn đang sống tại TP.HồChí Minh. Xin giới thiệu vài hình ảnh trên đương thực tế và một bài kí lấy từ tập sách.

 

ĐƯỜNG KIẾM ĐƯỜNG BÚT KIÊN GIANG

                                                                                Bút ký- Trần QuốcToàn

1.Đến miền biên viễn này, vùng biển cực tây của non nươc Việt cũng đã nhiều lần, lạ thay, lần nào cũng như lần đầu! Vì lần nào cũng tìm ra, cũng nhìn thấy, cũng được sống thêm, sống lại, được cộng sinhvới những mới mẻ, những xưa cũ mình chưa từng.

    Còn nhớ hồi 1987 được hội văn nghệ Đồng Tháp “cơ cấu” vào một đoàn thập nhập thực tế Kiên Giang gồm các văn nghệ sĩ của hội văn nghệ TP.HCM và một số tỉnh miền Tây, tôi háo hứng theo đoàn ngay từ đầu và khi có cơ hội, tôi lại háo hức xin tách đoàn, một mình theo sông Trẹm đi sâu hơn vào U Minh, huyện An Biên, được ngủ hai đêm trong rừng sâu với chú Hai Lạc anh Út Hà những nông trường viên giữ chốt canh rừng. Để rồi sớm hôm ấy được gặp thím Chín, một nguyên mẫu phụ nữ Nam Bô “đi trước về sau” mà hình như rừng U Minh cất giữ làm qùa tặng cho tôi, người mới lần đầu vào đây. Thím Chín cho quá giang vì cũng có việc lên nông trường bộ, Thím lên xin chiếc xuống bị nông trường bắt giữ vì con thím, mải bứt chọi, ăn ong, đi lạc vào địa phận nông trường. Tôi còn ghi trong nhật kí của mình: “9/4/1987 sớm quá giang xuồng thím Chín người có 41 vết sẹo do lựu đạn ta gài, một vết mổ của bác sĩ Mỹ. Mất 3 ngón chân. Có 12 đứa con”.

   Trời cho tôi nguyên mẫu này, cho tôi được ngồi bên một người, không phải như, mà thiệt là một bà mẹ anh hùng! Vĩ đại đấy mà vẫn chân chất, nhỏ nhẻ, kín đáo giữa các tán rừng U Minh, một bà mẹ quê khi xuống phố chợ lại bất ngờ anh hùng với một ứng xử ngoại giao cương trực mà mềm mỏng của mình! Trong truyện ngắn tôi viết sau chuyến đi Kiên Giang ấy, nhân vật thím Chin của tôi lên tiếng kể, thím cho tôi những câu văn hay nhất trong đời văn của mình:

“Có tuồng tích cả con ạ. Hồi thím mang bầu thằng thứ Sáu, rủi đạp nhằm trái gài. Mà trái đằng mình nghe con. Nhà thím huyện đội đóng. Mấy đứa gài trái quanh quanh, phòng lính càn bất tử. Gài mà không kịp nói má hay. Đến khi bấy hai giò má đây, tụi quân y huyện đội cũng bó tay, phải nhờ bà con hợp pháp đưa má lên Rạch Giá. Thằng bác sĩ quân y mang soi, gắp hết miểng rồi gói vào cái khăn tay của má, nói khích: “Bà nhờ giao liên chuyển vào bưng cho ông nhà”. Là nó muốn chích cho mình đau thêm. Quân ác đức. Con coi nè, ba lăm vết thẹo chưa kể cái ngón út cụt nè. Vậy rồi cũng lành. Về được tới rừng, cái thằng bộ đội gài trái ôm chân thím mếu máo “Má ơi, con biết thường má cách chi”. Thím bật cười, không giận mà thương nó quá, thím mới biểu “con thường má cái tên con, để má gọi đứa em con đang còn trong bụng má đây”. Nó tên Út Việt. Sanh thằng thứ sáu, má lập khai sanh Lê Út Việt liền. Hòa bình tới giờ chưa thấy nó về thăm, nghe nói làm tới tỉnh đội rồi”.

  Vẫn nhân vật ấy, người mẹ ấy nói về vết sẹo thứ 41 trên người mình:

“…Nó sanh bốn ký đó Hai. Lại ngược ngôi, mấy bà mụ vườn chịu thua, cũng lại phải ra đến Rạch Giá. Chứ biết đi đâu. Sanh cho thím lần này là một thằng Mỹ. Bộ cái xứ Huê Kỳ hết đàn bà con gái rồi sao mà tuyển mụ đàn ông. Thím đau muốn nín thở mà thằng Mỹ còn nhờ thông dịch hỏi “Đàn ông đâu sao không theo nuôi?”. Thím nói đại, đi lính. Nó cười nhếch mép, chỉ tay ra chợ rồi chỉ lên rừng hỏi lính quốc gia hay cộng sản. Thím nén đau nhờ nói lại “Ông làm phúc cứu lấy con tôi, tôi còn được sống, tôi ghi ơn ông”. Thím nhớ lời mình. Mà khỏi có quên được đi, còn cái thẹo dài cả tấc, mở cửa cho  nhỏ kia ra, nằm trên bụng thím đây. Kể cũng có lỗi, mình không hỏi tên người ta, thôi thì cứ nhớ đại về cái xứ bên tây bên u ấy. Đó, nó tên Lê Thị Hòai Mỹ là vậy đó”.

 Mấy năm sau, duyên văn lại cho tôi được thể hiện bằng nghệ thuật một đường mổ khai sinh khác ở Kiên Giang. Lần này không phải bằng dao giải phẫu Mỹ quốc như đã kể trên kia, mà bằng dao găm chiến binh. Tôi viết kịch bản phim tài liệu “Mẹ đánh giặc mẹ làm thơ” vinh danh bà Mười Mẫn vốn là bộ đội nữ giả trai từ thời đánh Pháp. Trong kịch bản có đoạn: “Chữ mẹ Việt Nam trong tấm bằng dẫn người xem tới bức tượng mẹ Việt Nam ở Nhà bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Đặc tả bức tượng với nhiều góc máy khác nhau. Trong nhà bảo tàng, máy lướt qua nhiều hiện vật rồi dừng lại nơi con dao găm và bức hình Ngọc Hân, cô bé  được chính con dao ấy mở đường sống… Ngọc Hân ngồi bên của sổ nhà mình kể chuyện xưa…”

    Chuyện rằng 1974, máy bay Mỹ ném bom xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời.Một phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh - chị Năm Sương, dính miểng chết. Đứa bé trong bụng giãy giụa, chòi đạp tìm đường sống vào đúng thời khắc nữ chiến binh Mười Mẫn hành quân qua đây. Mười Mẫn cầm dao găm, cấp thời xuống tay rạch đường sống trên bụng người mẹ đã chết, cứu lấy bé gái sơ sinh. Rồi chính bà mẹ chiến sĩ chì trí như lương y Mười Mẫn nuôi bé thành người mẹ Ngọc Hân trong khuôn hình phim tài liệu trên kia.

   Hai đường dao thật khác mà cũng giống nhau quá. Rất trận mạc lại nhân sinh đến điều! Thế rồi sau hai đường đoản đao cứu mạng ấy, một lấn khác tới đây, nhóm bạn văn quê Thái Bình - quê hương kết nghĩa với Kiên Giang thời đất nước chia hai, các anh Nguyễn Khoa Đăng, Hà Văn Thùy… những công dân mới của đất Kiên Giang, trong một cuộc rượu ở quán lấn biển Rạch Giá, mở sách cho coi một đường kiếm đẹp mà người Thái Bình, tay kiếm  An Tây mưu lược tướng Doãn Uẩn (1795 – 1848) người được vua Thiệu Trị khắc danh tính và công trang lên ngực đỉnh thứ nhất trong cửu đỉnh bày ở sân triều kinh thành Huế, đã múa thành đường văn vào một đêm không trăng sao, thời quân Xiêm La còn khinh nhờn nước Việt dám chọc phá phên dậu cực Tây này:

“ Mùa thu năm ngóai ta vâng kiếm lệnh của nhà vua đi dẹp giặc cỏ nơi sơn cùng thủy tận, nhân đó có dịp tới Hà Tiên. Cảnh vẫn còn đó mà người xưa đâu tá? Vừa rời khỏi yên ngựa, áo vẫn nồng khói đạn, lưng vẫn nặng trĩu gươm lệnh, chưa kịp nhắp chén rựơu tẩy trần, ta đã hạ lệnh cho tướng sĩ mau dâng lên Hà Tiên thập cảnh đề của Mạc tướng công [Mạc Thiên Tích]…

     Mùa thu, nửa đêm, trời không trăng sao…Ta quên ăn quên ngủ đọc liền một mạch. Mắt có nhìn thấy cảnh vật đâu, nhưng qua thơ Mạc tướng công, cảnh vật cứ như hiển hiện trước mặt mình.

      Bấy giờ là nửa đêm chăng, ta không nhớ kĩ nữa vì thơ và rượu làm người say ngầy ngật, ta đương trầm ngâm đọc Trống đêm ở Giang Thành của Mạc tướng công trong thư phòng của chính người xưa. Cũng chính bấy giờ, từ đồn Giang Thành, trống quân báo giặc tới bỗng thúc lên từng hồi…Ta vốn cúc cung tận tụy vì mệnh vua, vội tiếc rẻ gài thơ hay vào bao gươm lệnh, rồi cùng tướng sĩ lên mình ngựa xông pha vào chốn lằn tên mũi đạn mà dẹp tan bọn giặc cỏ ngu si mê cuồng…

     Tiệc rượu khao quân cử ngay trước trận, ngay bên gò đống xác giặc. Tướng sĩ nói:

 -          Rượu ngon. Giá có đồ nhắm thì tuyệt…

 Sực nhớ, ta cười ha hả, rút bài thơ hay trong bao gươm lệnh ra, sang sảng nói:

 -          Thức nhắm đây! Rồi sang sảng đọc lớn bài Trống đêm ở Gianh Thành…”

     “Bài thơ hay trong bao gươm lệnh” đã đủ chất để thành một biểu tượng cho Kiên Giang chưa ông nhỉ? Cô sinh viên tên Thường Xuyên học ngành tiếng Anh, khoa du lịch gặp tôi chiều 3-11-2016 ở khách sạn Pháo Đài hỏi thế. Cháu mới trở về  từ đường khảo sát tuyến mới ngoài đảo Nam Du dành riêng cho du khách Pháp, bắt đầu từ non bộ Hòn Tre mà ông chủ điền  Le Nestur đắp thành non bộ xi măng trang trí cho biệt thư vườn nhà mình ngay trên đảo Hòn Tre.

   Tôi nói với cháu, thì tượng đá hoa cương Mạc Thiên Tích đứng ngay cửa vào Hà Tiên đón du khách đã chẳng tay kiếm tay thơ đó sao. Này cháu, nếu có tầm mắt lịch sử mà nhìn ra tờ biển xanh ngoài kia, cái câu hát ru đau đớn mà dân gian thay bà Phi Yên - Lê Thị Răm,  hát ru vong hoàng tử Cải mấy trăm năm nay  gió đưa cây cải về trời / rau răm ở lại chịu đời đắng cay  chẳng phải có máu kiệt, có mạng chìm trong ki kịch vua tôi đối nghịch, phu phụ tương tàn, phụ tử đoạn tình thời Gia Long bôn tẩu đó sao. Cái câu thơ đứt ruột ấy chẳng phải đã viết bằng mũi kiếm!

   Theo đường kiếm, đường thơ ấy hai bác cháu rủ nhau sáng mai cùng vào viếng lăng Mạc Cửu.

2.Lại nhớ lần đầu vào lăng (đi cùng nhóm các biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng), chúng tôi bất ngờ gặp bạn văn Cánh đồng bất tận Cà Mau, Nguyễn Ngọc Tư. Tôi hỏi Tư, em đi theo đoàn nào. Tư cười: Đoàn họ Mạc. Em là cháu ngoại nhà này mà! Hôm nay nhà có đám giỗ, em từ Cà Mau lên  lo việc đèn nhang. Lại một bất ngờ. Lại một mạch truyện có thể khai thác. Cô gái học Mạc hay chữ nào đã làm dâu nhà họ Nguyễn để sinh cho đất Việt mình một văn tài? Chẳng phải những biến động lịch sử, những địa chấn chính trị đã tạo những hợp lưu dòng họ như thế.

   Những hợp lưu tích cực tạo cho  sông suối thượng nguồn những dòng chảy mạnh. Bài học này tôi học đươc từ sinh thời giáo sư Trần Quốc Vương, cũng học ngay trên đất Kiên Giang khi được theo giáo sư điền dã miệt Thứ mảnh đất kì bí nối hai tỉnh Kiên Giang – Cà Mau,  đẻ cho văn học dân gian Việt Nam, một nhân vật lớn- Bác Ba Phi. Trên chuyến xe 14 chỗ chở các nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian ở các trung tâm đại học trên cả nước, chỉ có tôi - nhà báo và anh lái xe là nghiệp dư, là ngoại đạo. Vậy mà giáo sư chỉ tôi và anh lái xe nói với các nhà khoa học trên xe: Anh Toàn với tôi họ Trần rặc nên quê kệch thế này. Muốn  đẹp trai mặt hoa da phấn như cậu lái xe người Cà Mau kia là cứ phải lại tạo máu huyết.

   Tôi hiểu giáo sư muốn dùng chữ lai tạo theo nghĩa giao duyên, kiểu Đến đây thì ở lại đây / bao giờ bén rễ xanh cây mới về. Kiên Giang còn mênh mông đất để người hôm nay làm tiếp việc xanh  cây bén rễ mà bao đời ông cha ta đã làm.  Đến xã An Sơn trong quần đảo Nam Du lần này tôi nghỉ trong khách sạn mini Trung Ngân của một sĩ quan đồn biên phòng quần đào này - đại úy Trung. Nghỉ phòng hai người, có máy lạnh. Anh Trung người Bắc vô huyện Kiên Hải làm nghĩ vụ quân sự, cùng đồng đội trấn giữ  lãnh địa, lãnh hải Nam Du gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ (9 hòn còn hoang vu) và riêng mình thì “trấn giữ” một người đẹp tên Ngân của xứ cá xương xanh này, loài cá “ giấu biển trong mình xanh đến tận cả xương”. Chồng Trung vợ Ngân, quân và dân góp vốn làm du lịch.

     Đất nước thời bình, quân đội được phép giúp dân làm giàu, nương vào dân mà lớn mạnh, đồn biên phòng của đại úy Trung cũng có tầu du lịch. Chúng tôi theo tàu du lịch quân đội đi câu cá Nam Du, tắm biển Nam Du. Sướng chưa, mấy mươi năm mới lại được “trăng đã lên rồi khơi bếp hồng lên nhé” nướng cá tự câu. Khơi thứ bếp hồng biên viễn lẫn vào lửa chài, bập bùng nối nhau kéo dài thêm, kéo dài mãi, đường kiếm, đường bút Kiên Giang.

                                                                                          25-11-2016

                                                                                             T.Q.T

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *