Chuyện văn chương

6/5
5:21 PM 2016

Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai ?

Lịch sử văn học bao giờ cũng là cuộc chạy tiếp sức không mệt mỏi của các thế hệ văn học. Mỗi chặng lớn luôn có sự góp mặt của nhiều thế hệ khác nhau.

                                                                                  Nhà phê bình Chu Văn Sơn đọc đề dẫn tại Hội thảo khoa học "Thế hệ nhà văn sau 1975"

Các thế hệ vừa có tiếp bước, song hành, vừa có đan xen, chuyển hóa trên hành trình văn học để kiến tạo nên hệ thẩm mỹ thời mình. Nhưng bao giờ vai trò chủ lực cũng thuộc về một thế hệ nào đó. Thế hệ ấy mới là chủ thể đích thực của chặng ấy. Phần cốt yếu của bức tranh văn học ở chặng đó được vẽ bởi ngòi bút của họ. Trong thế kỉ XX, ở ta, do những tác động của lịch sử và vận động của bản thân văn học, có thể thấy bốn chặng lớn, mỗi chặng nổi lên một thế hệ chủ lực : 1900 – 1945 thế hệ Hiện đại hóa, 1945 - 1954 thế hệ kháng Pháp, 1954 – 1975 thế hệ chống Mỹ[1], và sau 1975 là một thế hệ văn học mới. Họ từng được gọi là “Thế hệ hậu chống Mỹ”, “Thế hệ Hậu chiến”, “Thế hệ Đổi mới” vv… Mỗi cách định danh ấy có cái lí riêng, cũng có phiến diện riêng. Ở đây, họ mang một cái tên giản dị : Thế hệ nhà văn sau 1975.

                                            *

Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai ?

Chưa dễ trả lời câu hỏi này, nếu thiếu cái nhìn thích hợp. Ai cũng biết, sáng tạo vĩnh viễn là chuyện cá nhân. Nhưng, một thế hệ văn học không giản đơn là tổng số các cá nhân. Nhìn nhận một thế hệ văn học, bởi thế, cũng không phải là phép mô tả lần lượt từng người viết. Mà phải nhìn vào gương mặt nghệ thuật chung của cả một lớp người. Thêm nữa, việc này không thể bỏ qua ngoại lệ, nhưng căn cứ chính không thể là ngoại lệ.

Cũng chưa thể giải ngay được câu hỏi này, nếu chưa mở được ba cái nút vốn thắt buộc lẫn nhau : thế nào là một chặng đường văn học ? thế nào là một hệ giá trị thẩm mỹ ? và sát sạt, thế nào là một thế hệ văn học ?

Lịch sử văn học đồng hành nhưng không đồng nhất với lịch sử xã hội. Không phải chặng nào cũng có thể cắm chung một mốc giới. Về căn bản, một chặng đường văn học cần được xác lập dựa trên việc đã kiến tạo được hay chưa một hệ giá trị thẩm mỹ mới cùng một diện mạo mới cho nền văn học. Một chặng đường lớn phải là một hệ giá trị mới được kiến tạo với những khác biệt lớn so với chặng trước đó. Thông thường, khi hệ giá trị này đã hoàn mãn, phía sáng tạo đã bão hòa, phía tiếp nhận đã bội thực, thì một hệ giá trị mới tất sẽ ra đời. Một chặng đường văn học mới cũng theo đó mở ra. Nhờ nguồn sinh lực của hệ giá trị mới mà diện mạo mới của văn học dần đỏ da thắm thịt. Đồng thời, nhờ sức vóc và dung nhan của văn học mà hệ giá trị mới được tôn vinh. Về sau, hành trình văn học sẽ tiến dần vào khúc ngoặt để sang chặng mới, khi phía trước lấp ló một hệ giá trị khác kế tiếp. Chưa làm xong việc này nghĩa là một chặng đường hãy còn dang dở. Vì vậy, về bản chất, chặng đường văn học thực sự phải là quá trình vận động trọn vẹn của một hệ giá trị thẩm mỹ nào đó trong văn học.

Về hệ giá trị thẩm mỹ có thể có những quan niệm khác nhau. Tuy nhiên, dù khác thế nào, cuối cùng, vẫn gặp nhau trên những nét cơ bản. Cụ thể, một hệ giá trị thẩm mỹ phải được hiện hình qua cách ứng xử của một lớp người viết trong ba mối quan hệ : với hiện thực, với ngòi bút và với người đọc. Và, trong phần cốt lõi nhất, nó gồm một chuẩn mực đặc thù về cái đẹp, một điệu tình cảm thẩm mỹ nổi bật và một hệ thống thi pháp tương ứng. Hệ thẩm mỹ ấy được kiến tạo bằng cả phủ định và kế thừa đối với cái cũ, nhưng chủ yếu bằng thử nghiệm và sáng lập cái mới. Một chặng đường văn học thực sự phải là một tiến trình sống động trong đó hệ giá trị thẩm mỹ vừa được kiến tạo bởi thực tiễn sáng tạo vừa âm thầm kiến tạo nên chính thực tiễn đó. Nghĩa là, một hệ giá trị bao giờ cũng vừa là động lực vừa là sản phẩm của một chặng đường văn học.

 Từ đó, có thể xác định : một thế hệ văn học thực sự phải là chủ thể cốt lõi của một chặng đường văn học. Đó là một lớp người cầm bút được kết nối bởi cùng một hệ giá trị chung của thời mình. Họ vừa là kẻ sản sinh lại vừa là con đẻ của hệ giá trị đó. Nhìn vào lực lượng cầm bút trong mỗi chặng đường lớn, người ta thấy một cơ cấu gồm ba lớp người được phân vai khá rõ. Tạm gọi là lớp trước, lớp giữa và lớp sau. Lớp trước, vốn là chủ lực của chặng trước. Họ là đại diện cho một hệ giá trị đã lên ngôi và ngự trị giai đoạn trước đó. Có thể có người đến lúc này vẫn còn tỏa sáng. Thản hoặc, có người mãi khi này mới bừng sáng. Nhưng về căn bản, độ sung sức nhất trong ngòi bút của cả thế hệ đã ở sau lưng. Có thể có cá nhân tinh anh nào đó của lớp ấy còn tự phủ định, tự lột xác, tự dò đường để tiếp tục thắp sáng trong hệ giá trị mới. Nhưng cực hiếm. Và, dù sao, kí ức của hệ giá trị trước vẫn trầm tích sâu nặng trong sáng tác mới của họ. Bởi thế, họ vẫn là chính chủ của chặng trước dù kiêm khách VIP của chặng này. Còn lớp sau thì đã bắt đầu góp mặt và hăng hái đồng hành. Hơn thế, có thể ít nhiều đã thành tựu. Nhưng, về căn bản, họ sẽ là nguồn lực của chặng sắp tới, những chồi mầm của hệ giá trị kế tiếp. Thành thử, chủ lực của một chặng đường văn học bao giờ cũng là lớp giữa. Họ là lớp người có sứ mạng chính trong việc kiến tạo, xác lập và hoàn thiện hệ giá trị của thời mình. Không lớp nào tranh chấp được với họ và họ cũng không thể đùn đẩy được cho lớp khác. Sáng tạo của họ vừa là chân dung tự họa riêng của thế hệ mình vừa quyết định đến gương mặt nghệ thuật chung của cả chặng. Nhìn vào từng cá nhân, có thể có trường hợp vượt khung, ngoại cỡ. Nhưng, nhìn chung, các cá nhân trên mỗi chặng thường thuộc về một trong ba lớp người như vậy. Đây là dạng phổ biến. Không phải lúc nào, ở đâu cũng nhất nhất như thế. Riêng thực tiễn văn học Việt Nam hiện đại thì khá chuẩn với mô hình chung đó[2].

                                                *

Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai ?

Những đường viền đầu tiên của bức chân dung thế hệ, đương nhiên, phải là độ tuổi và thời điểm đầu quân. Trừ một ít ngoại lệ, về căn bản, một thế hệ phải có sự gần gũi nhau về độ tuổi. Nếu phổ tuổi của thế hệ Hiện đại hóa là  +/- 1x, thế hệ kháng Pháp là +/- 2x, thế hệ chống Mỹ chủ yếu là 3x - 4x, thì thế hệ sau 1975, chủ yếu là 5x – 6x. Và, thế hệ này chỉ thực sự bước lên văn đàn từ sau 1975. Nói “thực sự”, vì ngoài phần đại thể, có thể có người đã cầm bút từ trước đó. Song, quãng trước, họ mới mon men, ngoại vi, chầu rìa, thậm chí, còn mờ, lạc. Phải sau 1975, họ mới đĩnh đạc cất tiếng.

Ở văn xuôi, họ là các cây bút Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Cao Duy Sơn, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Triều Hải, Nguyễn Trọng Tín, Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Một, Trần Thùy Mai, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Dạ Ngân, Bích Ngân, Thu Trân, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Trần Vũ, Lê Minh Hà v.v… Ở thơ là những gương mặt : Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Trần Quang Quý, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Hùng, Inrasara, Dương Thuấn, Trương Đăng Dung, Trần Tiến Dũng, Bùi Chí Vinh, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Trọng Khơi, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Phạm Công Trứ, Đặng Huy Giang, Mai Quỳnh Nam, Mai Linh, Trần Tuấn, Giáng Vân, Tuyết Nga, Lê Thị Kim, Thu Nguyệt, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Đức Tùng, Phan Nhiên Hạo v.v… Ở lí luận phê bình là : Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Inrasara, Huỳnh Như Phương, Trương Đăng Dung, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Đoàn Cầm Thi, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Đào Duy Hiệp, Bùi Việt Thắng, Phan Huy Dũng, Hồ Thế Hà, Mai Bá Ấn, Hoàng Dũng, Vu Gia, Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ, Bích Thu, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lý Hoài Thu, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Phan Trọng Thưởng, Trần Đăng Suyền, Trần Đăng Khoa, Văn Chinh, Nguyễn Hòa, Đông La v.v… Và dịch thuật là : Phạm Xuân Nguyên, Trương Đăng Dung, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Đình Thành, Hữu Việt, Trương Hồng Quang, Đỗ Trung Lai, Vũ Khánh v.v… Bên cạnh đại thể đó, không thể bỏ qua những ngoại lệ. Ấy là những cây bút, về độ tuổi có thể thuộc 4x, nhưng thời điểm gia nhập văn đàn thực sự và khẳng định thành tựu thì lại sau chống Mỹ, thuộc hệ giá trị sau 1975. Trong thơ, là những Trúc Thông, Y Phương, Hoàng Hưng, Dư Thị Hoàn, Hoàng Trần Cương …, trong văn xuôi là những Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn…, trong lý luận phê bình là Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Lã Nguyên vv…

Với màn điểm danh đại khái (hẳn còn nhiều thiếu sót) như vậy, đã có thể khẳng định thế hệ nhà văn sau 1975 là một lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được.  

Song, nghệ thuật là lĩnh vực của chất lượng. Làm nên gương mặt và tầm vóc của một thế hệ không phải là quân số. Điều cốt yếu phải là thành tựu. Thành tựu riêng bầu lên mỗi cá nhân, thành tựu chung bầu lên một lớp người. Bằng những thành tựu phong phú của mình, thế hệ nhà văn sau 1975 đã kiến tạo nên một hệ giá trị mới, đưa lịch sử văn học Việt Nam sang một chương/trang mới.

Đành rằng, một thế hệ nghệ thuật mới thường ra đời trong cuộc đối thoại liên tục và nhiều chiều với các nguồn ảnh hưởng khác nhau. Nhưng cuộc đối thoại quan trọng nhất vẫn là với chặng nghệ thuật ngay trước đó. Có tương tác với cả thế giới xung quanh đang chuyển mình sang tâm thức Hậu hiện đại, có tương tác với cả bộ phận văn học một thời bên kia chiến tuyến, nhưng hệ thẩm mỹ sau 1975 hình thành chủ yếu bởi cuộc đối thoại với hệ thẩm mỹ tiền nhiệm. Bởi thế, muốn hình dung rõ gương mặt nghệ thuật chặng này, không thể không điểm lại hệ mỹ học của chặng trước. 

Nhận diện gương mặt văn học chống Mỹ, người ta đã quen với nhận định chính thống : đó là giai đoạn văn học của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Và ngoài chính thống : giai đoạn văn học phải đạo, giai đoạn văn nghệ minh họa, văn học đồng phục, văn học của dàn đồng ca… Mỗi cách hình dung ấy đều có lí do riêng. Từ cách ứng xử với hiện thực, với ngòi bút và người đọc của thế hệ này, có thể gọi hệ mỹ học của văn học chống Mỹ là mỹ học thời chiến, với ba nét chính : chuẩn mực đặc thù của cái đẹp là cái phi thường, điệu tình cảm bao trùm là một chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến và hệ thống thi pháp của nó xoay quanh chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

   Không hề khó hiểu, khi hệ thẩm mỹ ấy đã định đoạt toàn diện gương mặt nghệ thuật của thế hệ chống Mỹ. Từ 1945 đến 1975, đất nước lâm vào hai cuộc chiến tranh liên tiếp. Sự tồn vong của tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu. Lòng yêu nước của mọi công dân đều được kích hoạt quyết liệt. Dùng ngòi bút để cổ vũ tinh thần chiến đấu hy sinh cho tổ quốc là yêu cầu bức thiết của hoạt động tuyên truyền. Vì thế, văn học Việt Nam tất phải vận hành theo mỹ học thời chiến. Nó tất phải là mỹ học của cái phi thường. Chiến tranh là chuyện bất thường, hòng cướp đi đời sống bình thường của mỗi người dân. Muốn tồn tại, cần phải có một sức mạnh phi thường. Vì thế, hiện thực kháng chiến là một hiện thực phi thường. Trong hệ thẩm mỹ thời chiến, cái phi thường tất phải lên ngôi. Và nó có tên là chủ nghĩa anh hùng. Xu hướng thẩm mỹ bao trùm của thời chiến là làm nổi bật cái phi thường/cái anh hùng. Âm hưởng chủ đạo tất phải là âm hưởng anh hùng ca. Phương cách làm nổi bật cái phi thường trùm lên tư duy thẩm mỹ cả thời đại ấy là : tìm cái bình thường trong cái bất thường, và bình thường hóa cái bất thường chính là sự phi thường. “Ra ngõ gặp anh hùng”, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, “Thế đấy giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”, “Tất cả như là trong báo động / Tất cả như là trong báo yên”, … là cái tứ chung của cả thời đại, không chỉ ở riêng thi ca. Chúng ta hiểu vì sao ý thức hệ giai cấp lại thành khung tư tưởng chung của mọi người cầm bút chính thống, tư duy phân tuyến giản đơn ta - địch, với lược đồ : ta tốt – địch xấu, ta cao - địch thấp, ta sang – địch hèn, ta thắng – địch thua đã quy định cách mô tả mọi tình thế của hiện thực ấy. Ta cũng hiểu vì sao đó là chặng đường văn học của chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến. Thế giới tình cảm cảm xúc vốn vô cùng phong phú, nhưng lúc này, tựu trung, tất cả chỉ là các sắc thái khác nhau của cùng một tâm thế / một điệu cảm xúc bao trùm : niềm bằng an thời chiến. Bằng an trở thành bản lĩnh, thành điệu sống tưới tắm cho mọi tiếng nói văn học. “Họ đã sống và chết/ giản dị và bình tâm”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”, “trong căn hầm cháy khét lửa na pan / em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc/…  em vẫn viết lòng dạt dào cảm xúc / và em gọi đó là hạnh phúc”...  Và  ta hiểu vì sao hệ thống thi pháp chủ yếu phải xoay quanh cái trục xuyên suốt là một phương pháp mà mỗi thao tác nghệ thuật của nó, dù phù phép thế nào, cuối cùng vẫn phải tạo ra hình ảnh một hiện thực tươi sáng, toàn hảo, ấy là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chặng đường văn học ấy dừng lại, khi thế hệ chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo hệ thẩm mỹ đó một cách vẻ vang. Họ là hình ảnh chuẩn của mẫu nhà văn chiến sĩ.

Sau 1975, đất nước trở lại hòa bình. Sau hai cuộc đụng độ biên giới, cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường. Mỹ học của cái phi thường tỏ ra không còn phù hợp. Nhưng quán tính của nó vẫn chưa hết lai rai câu giờ. Một số cây bút tinh anh của thế hệ chống Mỹ đã sớm nhận ra, họ muốn phủ định nó. Một số, sau những trăn trở dò đường, đã vật vã lột xác để thành người lữ hành của chặng mới. Với những thành tựu đáng giá, họ đã tạo tiền đề, đã khởi động cho những bước sau. Tất nhiên, do trầm tích của chặng trước nặng đè, thuộc hẳn về hệ thẩm mỹ mới là không dễ. Dầu vậy, hệ thẩm mỹ mới không thể không ơn huệ những cây bút lớp trước như Việt Phương, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Ý Nhi, Hữu Thỉnh vv… trong thơ, những Nguyễn Trọng Oánh, Thái Bá Lợi, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải vv… trong văn xuôi, những Lê Đình Kỵ, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn vv... trong lí luận phê bình. Họ là chính chủ chặng trước cũng là tiền nhân của chặng sau. 

Tuy nhiên, suốt quãng giao thời 75 – 85, mỹ học thời chiến còn lẽo đẽo đeo bám. Phải đến 1986, khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với hàng loạt truyện ngắn đình đám mà cú shock đầu tiên là Tướng về hưu, tiếp đến là những Phạm Thị Hoài với Thiên sứ, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, trong thơ là Dư Thị Hoàn với Lối nhỏ, Dương Kiều Minh với Củi lửa, Nguyễn Lương Ngọc với Từ nước, Ngày sinh lại và đặc biệt là Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa, thì một thế hệ cầm bút mới mới chính thức khai hỏa, một sự nổi loạn trong thẩm mỹ chính thức bắt đầu. Mỹ học thời chiến lùi hẳn vào hậu trường nhường chỗ cho mỹ học hậu chiến.

Đó là mỹ học của cái ngày thường muôn thuở. Cái ngày thường không còn Ta – Địch, chỉ có con người và những phiền tạp bất tận của nhân gian. Trong thực tại ngày thường, việc sống cho ra con người là bận tâm sâu thẳm nhất. Phẩm tính nhân bản mới là vẻ đẹp đích thực muôn đời. Bởi thế, bồi đắp phẩm tính nhân bản cho con người trong cái đời thường đầy phiền tạp là tiếng gọi bức thiết đối với nghệ thuật. Trong cái bình lặng yên ả của thực tại ngày thường, những giá trị người cứ bị ăn mòn, tính người cứ bị băng hoại bởi những thứ a xit vô hình nào đó. Chính vì thế, phát hiện cái bất thường trong cái bình thường là tư duy thẩm mỹ bao trùm của chặng đường này. Tìm cái bất thường ẩn náu tinh vi sau cái vẻ bình thường vừa là sứ mệnh vừa là thách thức lớn đối với tư duy nghệ thuật. Trong mỹ học thời chiến, để tiếp cận cái phi thường thì chủ nghĩa yêu nước cần được ưu tiên. Còn trong mỹ học hậu chiến, muốn tiếp cận cái bất bình thường của đời thường, thì điều cần ưu tiên là chủ nghĩa nhân bản. Chủ nghĩa nhân bản mới giúp con mắt nhà văn rọi được vào những góc khuất của đời sống, nhìn ra bóng tối của ánh sáng, bóng ma giữa ban ngày, cái ác trong cái thiện, cái loạn của trật tự, mặt hậu của thiên đường, mặt trái của huân chương. Dù viết về muôn mặt của cái đời thường đương đại, dù viết về các cuộc chiến đã qua như là hiện thực đặc thù của chặng trước, thì văn học chặng này cũng sẽ nhìn cuộc chiến bằng tư duy mới đó. Và điều này dường như đã kích hoạt việc kiến tạo nên diện mạo nghệ thuật chung của thế hệ này.

Điều đập ngay vào sự tiếp nhận là : thay vì ca ngợi hiện thực, thế hệ này tập trung tra vấn hiện thực. Do tinh thần tra vấn mà khuynh hướng sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho khuynh hướng thế sự và đời tư, cảm hứng lãng mạn thoái vị nhường ngôi cho cảm hứng phản tư, đối thoại. Hoài nghi và đối thoại trở thành nhu cầu thời đại. Do cảm hứng phản tư, đối thoại thúc đẩy mà trong hệ thẩm mỹ này, việc ru vỗ ve vuốt con người thành viên, con người đoàn thể mất dần hấp dẫn, thay vào đó là việc phục hồi mối quan tâm tới con người cá thể và rồi chuyển mạnh sang đào bới con người bản thể. Về điểm này có thể thấy rõ, các cây bút lớp trước, những người từng đào khá sâu vào con người công dân/con người thành viên, giờ có xông pha chặng này, thì đa phần chỉ dừng lại nơi con người cá thể. Đó là sức mạnh cũng là giới hạn của họ. Còn khoan xoáy sâu vào những miền tối thuộc bản thể, khám phá con người bản thể là cảm hứng lớn cũng là sức mạnh lớn của các ngòi bút chính chủ chặng văn học này. Nói cách khác, trong mỹ học hậu chiến, mối bận tâm về con người công dân đã bị soán ngôi bởi mối quan hoài về Con người phổ quát - Con người viết hoa. Ta hiểu vì sao, sau một hồi hào hứng với việc quay về làm mới con người cá thể thời khói lửa, thời vừa ngớt đạn bom, với những Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Mùa lá rụng trong vườn… thì các ngòi bút ấy dường chững lại. Con người bản thể của thực tại hậu chiến, thực tại đời thường muôn thuở lại phải trông chờ vào thế hệ có nhãn quan phức tạp hơn cùng công cụ đào bới sắc bén hơn với những Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Sương Nguyệt Minh, Trần Vũ, Trần Thùy Mai, Bích Ngân, Thu Trân, Y Ban, Võ Thị  Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Đoàn Minh Phượng, Thuận…

Ta hiểu vì sao, những mâu thuẫn và nghịch lí của đời sống, những nhức nhối âm ỉ trong con người hậu chiến được các cây bút của thế hệ này phơi bày ráo riết và thấm thía như vậy. Nó hiện diện phong phú trong các chủ đề văn học vừa tiếp ứng nhau vừa nhất loạt ra đời trong chặng này : văn học chống tiêu cực, văn học chấn thương, văn học giải mê/giải ảo, văn học nữ quyền, văn học sinh thái, văn học dục tính, văn học đồng giới v.v… Chưa bao giờ ta gặp một thực tại loạn cờ, mê lộ đến thế như ở Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, một thực tại chiến tranh nghiền nát phận người và hủy diệt tính người ghê rợn thế như ở Bảo Ninh, Sương Nguyệt Minh, một hiện thực phố phường u uẩn phi lí tinh vi thế như ở Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà. Và chưa bao giờ những khuất khúc, những bí mật ẩn sâu trong vùng mờ của bản thể gồm cả tâm trí, tâm linh lẫn bản năng lại được soi rọi bạo dạn, sắc sói như chặng này. Ta gặp những day dở miên man mà nhức nhối ở Tạ Duy Anh, u uẩn mê mị ma quái ở Nguyễn Bình Phương, khao khát nữ tính và dục tính thầm kín mà quyết liệt ở Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, vần vụ tâm linh huyền hoặc ở Trần Thùy Mai, Võ Thị Hảo, khắc khoải vô phương ở Đoàn Minh Phượng, hoài nghi bất tận ở Thuận …  Người đọc quen tiếp nhận hình ảnh một hiện thực được cho là đang “vận động trong quá trình phát triển cách mạng của nó” sẽ luôn thấy khó khăn khi tiếp nhận hình ảnh một thực tại bất toàn, đặc biệt là sự bất toàn của con người được văn học khám phá ở chặng này.

Một cách ứng xử với hiện thực như thế tất phải dẫn đến hệ quả về điệu cảm xúc bao trùm. Thấm thía vào mọi tiếng nói văn học không còn là niềm hân hoan nồng nhiệt dễ dãi của một chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến, mà phải là nỗi băn khoăn day dứt, là nỗi buồn cao cả, là mối quan hoài khôn cầm của chủ nghĩa phản tư. Niềm Bằng an thời chiến đã mất ngôi hoàn toàn vào tay nỗi Bất an thời bình. Giữa ngày yên mà xao xác, giữa đám đông mà bơ vơ, giữa quê hương mà lưu lạc, giữa tươi thắm mà nhạt phai, giữa thành được mà mất mát, giữa vui tươi mà tan nát…  Những nỗi niềm thời thế, thân thế, nhân thế ùa vào văn chương. Nỗi cô đơn cá thể được sẻ chia. Nỗi cô đơn bản thể được trân trọng. Trong nỗi bất an của thời bình, người ta thấy đâu đâu cũng dậy lên những niềm Thương nhớ đồng quê, Nỗi buồn chiến tranh, Nỗi lo âu kiếp người, Sự mất ngủ của lửa Thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Tiến Dũng, Đỗ Trọng Khơi, Phạm Công Trứ, Inrasara, Trương Đăng Dung, Nguyễn Đức Tùng, Dương Thuấn, Trần Hùng, Giáng Vân, Tuyết Nga, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, kẻ đậm người nhạt, đều là những bi cảm hiện đại của con người bản thể … Những điều đó đã đem đến cho chặng văn học này một âm hưởng mới mang một chiều kích khác hẳn chặng trước : ấy là nỗi băn khoăn triết luận về phận người.

Ta hiểu vì sao từ văn xuôi đến thơ, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tùy bút tản văn, tạp văn, từ thơ cực ngắn đến những bản trường ca của chặng này đều thấm đượm những cung bậc day dứt, trăn trở, đều thấm thía những lo âu, hoang hoải, đều khắc khoải những bất an và trang văn nào dường như cũng nặng trĩu triết luận buồn. Những người đọc quen thụ hưởng tiếng nói vui vẻ, quen đinh ninh hoan mới là tích cực còn bi là không tích cực, sẽ khó mà tiếp nhận được nét cao quí của loại bi cảm nhân bản, những bi cảm nâng cao phẩm tính con người như vậy.

Sự ra đời một hệ thẩm mỹ mới thực sự trong nghệ thuật bao giờ cũng phải là cuộc đảo chính về thi pháp. Sự độc tôn của một hệ thống thi pháp đã bị phế bỏ bởi nhu cầu dân chủ hóa ngày một mạnh mẽ. Tự do hóa về thi pháp là đặc trưng của hệ thẩm mỹ chặng này. Thi pháp của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từng điều phối sáng tạo văn học chặng trước giờ được miễn nhiệm nghỉ ngơi để chứng kiến sự đua chen về thi pháp trong sáng tạo của thế hệ mới. Có thể khẳng định sân chơi sáng tạo chặng này không còn sự độc tôn của riêng một phương pháp nào, khuynh hướng nào. Tinh thần hậu hiện đại được hấp thụ. Tôn trọng sự khác biệt vốn là linh hồn của nó. Cho nên, sự thoải mái trong lựa chọn những chiêu nghệ thuật riêng cũng như thử nghiệm những chiêu mới để thỏa mãn cá tính mình là nét phổ biến trong sáng tạo ở chặng này. Hệ quả và thành quả cuối cùng của cuộc đảo chính nghệ thuật là sự nổi loạn về ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ đơn sắc, đơn giọng, qui lát, đồng phục thời chiến tỏ ra nghèo, lũa trước thực tại đời thường. Một ngôn ngữ đa sắc, đa âm, đa tầng có khả năng sinh sự, gây hấn với những lối tiếp nhận quen mòn đã mang lại sức sống mới cho ngôn ngữ của thế hệ này. Chưa bao giờ ngôn ngữ văn học lại được làm mới với những khả năng biểu đạt bằng những góc cạnh đầy bất ngờ, được kết nối với ngôn ngữ của nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng như công nghệ khác mạnh tay như vậy.

Văn xuôi bao giờ cũng đi tiên phong. Sau những “bạo động” về thi pháp của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, thì văn xuôi ta đã không thể viết như trước. Cuộc bứt phá đa dạng và liên tục về thi pháp đã được châm ngòi. Người ta thấy những nỗ lực tự sự được tiếp ứng ở hàng loạt cây bút Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Trần Thùy Mai, Đỗ Phước Tiến, Trần Vũ, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Trần Trọng Vũ … Ta hiểu vì sao, các khuynh hướng văn chương của thế hệ này lại phong phú thế. Các lề lối kiến tạo thế giới nghệ thuật như tượng trưng, siêu thực, huyền ảo, kinh dị, viễn tưởng, dã sử/giả sử, cổ tích/giả cổ tích… được huy động. Các kĩ thuật tự sự hiện đại xâm nhập mạnh vào văn xuôi như đa dạng hóa ngôi kể, dịch chuyển điểm nhìn, tô đậm/tẩy trắng giọng điệu, kĩ thuật dòng ý thức, tảng băng trôi, kết cấu phân mảnh, đan xen bè mảng, lai ghép thể điệu, phi tâm hóa… Chưa bao giờ văn xuôi Việt Nam lại phong phú về cấu trúc, biến ảo về phương thức và cách thức trần thuật như vậy. Nhiều thể loại mới bùng nổ, và ngay trong những thể loại quen thuộc, thì hình thái thể loại cũng hoàn toàn khác trước.

Tuy sau một chút, nhưng thơ bao giờ cũng là người hoàn tất một cuộc đổi mới. Chừng nào thơ thay đổi thì văn học mới thực sự thay đổi. Khi Nguyễn Quang Thiều âm thầm tâm nguyện : “Tôi hát bài hát về cố hương tôi / Khi tất cả đã ngủ say / Dưới những vì sao ướt át … Góc vườn khuya cỏ thức một mình…” và lĩnh mệnh thơ canh giữ nỗi buồn thiêng : Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ / Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”, khi Dương Kiều Minh xác định điệu sống mới của thơ là ở những “Điều gì dào lên trong những hạt li ti”, ở “Màu xanh rưng rức dậy buồn”, và trước đó, khi Nguyễn Lương Ngọc dõng dạc tuyên bố nỗi dị ứng với cái cũ : “Khi mắt đã no nê / Những quy tắc lên men / Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật / Có gì không ổn / Có gì như bệnh tật / Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sĩ / Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ / Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ / Đã cho anh chiếc lăng kính này đây” rồi quyết liệt tìm kiếm thi pháp mới “đập vụn mình ra mà ghép lại / Nung chảy mình ra mà tìm lõi / Xé toang mình ra mà kết cấu”, thì xem như khuynh hướng thơ của thế hệ này đã được “bẻ ghi”. 

Và thế rồi cuộc cách tân thơ loang rộng. Chưa bao giờ thơ Việt Nam lại dồi dào về lối kiến tạo thi ảnh và táo bạo về thi liệu cùng vật liệu đến như vậy. Chưa bao giờ các kĩ năng trữ tình tân kì hấp thụ từ cả Đông lẫn Tây được nhập tịch vào thơ rộng đường như thế. Nếu Nguyễn Lương Ngọc sắc sói lập thể, thì Dương Kiều Minh lại mê miết ấn tượng. Nguyễn Quang Thiều vạm vỡ với thứ thơ phồn thể, trường khí, phức cảm, thì Mai Văn Phấn gần đây lại tiết chế, kiệm kiệt với lối thơ giản thể. Nếu Trần Quang Quý tìm tới cái thô tháp cho sự trầm uất nương náu, thì Trần Hùng Lại tìm tới cái tinh trong để gửi gắm nỗi xao xác. Nếu Inrasara hỗn dung nhiều chiêu tân kì từ thế giới đương đại, thì Y Phương, Dương Thuấn lại chuyên chú phục hưng nét truyền thống dân tộc mình. Trần Anh Thái, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh… thì tương tác với thi pháp thời chiến để làm mới. Đỗ Trọng Khơi, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, Bùi Chí Vinh, Trương Nam Hương, Đoàn Thị Lam Luyến, Thu Nguyệt… lại tái hồi với cổ điển và dân gian để làm giàu. Trong khi Giáng Vân, Tuyết Nga, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh… tìm đến một tinh thần tượng trưng đương đại, thì Trương Đăng Dung, Nguyễn Đức Tùng, Trần Tuấn… lại tìm đến chất siêu thực đời mới, Đặng Huy Giang, Mai Quỳnh Nam, Phan Thị Vàng Anh lại gia tăng chất suy lí tân thời  vv…

Cùng một tinh thần ấy, chưa bao giờ lí luận phê bình Việt Nam lại cập nhật các lí thuyết mới, các cách đọc mới và ứng dụng chúng linh hoạt đến thế để khảo tả, cảm luận các giá trị văn chương như vậy. Ta gặp nào thi pháp học, ngôn ngữ học, phân tâm học, văn hóa học, cấu trúc luận, nữ quyền luận, hậu thực dân luận, diễn ngôn luận, sinh thái luận… mỗi hướng đều có những công trình và gương mặt nổi lên. Không thể phủ nhận được rằng từ đầu chặng này, thi pháp học đã truyền vào phê bình nghiên cứu Việt Nam một nguồn sinh lực mới mà người truyền lửa là cây bút thuộc top 4x nhưng mãi đầu những năm 80 mới khởi bút : Trần Đình Sử. Cho đến nay nó vẫn là khuynh hướng nổi trội với hoạt động của những ngòi bút Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Nguyễn Bá Thành, Trần Khánh Thành, Lý Hoài Thu, Lưu Khánh Thơ, Bích Thu, Nguyễn Thị Bình, Phan Huy Dũng, Nguyễn Thành Thi, Mai Bá Ấn,… Khi những cây bút Phạm Xuân Nguyên, Huỳnh Như Phương, Lê Ngọc Trà kiên định lối tiếp cận mỹ học với một tinh thần mới, thì Đỗ Lai Thúy, Hồ Thế Hà mải mê với hướng phân tâm học, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn cần mẫn với hướng triết mỹ và văn hóa… Lã Nguyên, Trương Đăng Dung, Trịnh Bá Đĩnh, Đào Duy Hiệp, Lê Huy Bắc, Đoàn Cầm Thi dường như lại đam mê với kí hiệu học và cấu trúc. Và dù hoạt động trong một phổ khá rộng, nhưng điểm tụ của ngòi bút Lại Nguyên Ân, Nguyễn Hữu Sơn vẫn là phê bình đậm chất khảo tả văn bản, còn Nguyễn Thị Minh Thái kết hợp hướng ấn tượng với báo chí, Nguyễn Thị Thanh Xuân lại nghiêng về cổ mẫu với lịch sử phê bình vv …

 Toàn bộ những bứt phá và chuyển động đồng loạt đó đã khiến văn học của thế hệ này luôn thách thức với thói quen thẩm mỹ chặng trước vốn quá trọng cái “thực”, chuộng cái “lạc”, say giọng “ngợi ca”, ưa sự “giản đơn”. Và, tất nhiên, lối đọc của chặng trước khó tránh khỏi nhiều lúc đã dị ứng, kì thị, thậm chí xung đột với hệ thẩm mỹ mới này. Điều đó âu cũng là bình thường đối với sự vận động thẩm mỹ trong đời sống tinh thần một dân tộc cũng như mọi dân tộc.

                                                *

Cái nhìn khái lược và sơ lược trên đây chắc chắn chưa bao quát hết toàn cảnh chặng đường văn học cũng như gương mặt văn học của thế hệ sau 1975. Nhưng, đến đây, vẫn cần chung đúc.

Trên nét lớn, thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai ?

Họ là chủ thể cốt lõi của hệ thẩm mỹ hậu chiến. Với sự xuất hiện của họ, mẫu nhà văn chiến sĩ/cán bộ thời chiến đã nhường chỗ hoàn toàn cho mẫu nhà văn kẻ sĩ/trí giả hiện đại thời bình. Với sự xuất hiện của họ, một cách ứng xử mới với hiện thực lên ngôi : tinh thần ca ngợi hiện thực lu mờ bởi tinh thần tra vấn hiện thực, một cách ứng xử mới với ngòi bút được nhấn mạnh : ngòi bút không phải vũ khí cổ vũ tuyên truyền của cán bộ mà là công cụ đối thoại, thức tỉnh của trí giả, một quan hệ mới với người đọc được xác lập : không tuyên giáo, ru vỗ mà tương tác, tương tri. Với sự xuất hiện của họ, một tư duy thẩm mỹ khác thắng thế : tìm cái bất thường trong cái bình thường, một nhãn quan nhân sinh mới trỗi dậy : chủ nghĩa nhân bản, một chiều sâu mới của thực tại nhân sinh được đào bới : con người bản thể, một điệu cảm xúc mới được khơi nguồn : nỗi bất an thời bình, và một xu thế mở trong lối viết : tự do hóa thi pháp. Họ mới thực là chính chủ của chặng đường văn học sau 1975.

Với những thành quả sáng giá nhất trong chặng này, họ đã tạo nên một tầm vóc mới, một uy tín mới cho văn học nước nhà. Dù rằng, hệ giá trị được kiến tạo chưa phải đã hoàn tất và người đọc vẫn có quyền đòi hỏi họ nhiều hơn.

Bằng những tên tuổi nổi bật nhất, họ đã góp vào sơn hệ văn học nước nhà không ít những đỉnh cao. Dù rằng, vẫn còn những ngọn mà hôm nay chưa dễ nhìn ra đỉnh.

Bó đuốc trên tay họ đến nay vẫn không ngừng tỏa sáng. Dù rằng, trên đường chạy trường kì của lịch sử văn học nước nhà đã rậm rịch bước chân của lớp người sau. 

                                                                              CHU VĂN SƠN

 

 


[1] Về mặt nào đó, hai chặng này cũng như hai thế hệ tương ứng có thể gộp làm một. Và trong thời kì này ở bên kia giới tuyến cũng có những thế hệ văn học chưa gộp được vào đây.

[2] Các chặng trước 45, chống Pháp, chống Mỹ đều trình hiện một tình hình như vậy. Ví dụ, chặng trước 45. Có thể thấy sự góp mặt của những Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Tử Siêu, Phan Khôi… thuộc lớp trước. Và đến cuối chặng, đã thấp thoáng bóng dáng Tố Hữu, Hoàng Cầm, Trần Dần … , nhưng họ sẽ là những cây bút chủ chốt của chặng sau - chặng chống Pháp. Còn chủ lực lúc này vẫn là thế hệ của những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam… vv…. Cũng như thế, ở chặng chống Pháp. Có thể các cây bút tiền chiến đã lột xác để nhập cuộc vào thời mới, nhưng đại diện cho hệ giá trị mới của thời này vẫn phải là những cây bút của lứa Tố Hữu, Tô Hoài, Kim Lân, Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Trần Dần… Lúc này, những cây bút như Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc đã xuất hiện, nhưng họ sẽ là hạt giống mẩy của chặng tiếp theo. Chặng chống Mỹ, vẫn có sự góp mặt của các nhà văn từng thành danh ở các chặng trước, tuy nhiên, lực lượng chính làm nên diện mạo chặng này vẫn là thế hệ của những Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn rung Thành, Nguyễn Minh Châu, Lê Anh Xuân, Bùi Minh Quốc, Phan Tứ, Tô Nhuận Vĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt…

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *