Nhà văn - Tác phẩm

15/8
10:26 PM 2016

CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN-TÁC PHẨM:NHÀ THƠ HỮU THỈNH

Nhà thơ Hữu Thỉnh (tên khai sinh Nguyễn Hữu Thỉnh), sinh năm 1942, quê Tam Dương, Vĩnh Phúc, trong chiến tranh vào bộ đội tăng, thiết giáp chiến đấu ở Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào, Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh.

                                                                                     Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam                      

Ông  đã in 10 tập thơ, được trao nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn VN, báo Văn Nghệ, Giải thưởng văn học Asean, Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Ông hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

   Trong bốn thập niên cuối thế kỷ 20, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có nhiều thành tựu đóng góp cho thi ca chiến tranh cách mạng qua những bài thơ và các trường ca khá nổi tiếng của ông. Nhiều bài thơ của ông thuộc loại thơ hay và hàm súc. Nhà thơ Hữu Thỉnh có những đổi mới về thi pháp một cách có hệ thống từ đã lâu, nhưng các tìm tòi này được biểu đạt dưới dạng chuyển hóa rất nhuyễn các nhịp điệu của thi ca truyền thống để hướng tới một cách nói mới, giầu nội hàm tư tưởng hơn cách nói cũ nghiêng về phía bộc lộ cảm xúc của người viết. Ở nhiều bài thơ, các hình ảnh liên tưởng khá độc đáo và những suy tư giầu chất nhân văn trong thơ Hữu Thỉnh thường mang lại các phát hiện rất bất ngờ, khiến cho những câu thơ tài hoa của ông phát sáng kỳ ảo ở các chiều kích khác nhau. Và cái nét mới nổi trội trong thơ Hữu Thỉnh chính là những cuộc đối thoại rất sinh động và mang màu sắc triết lý của nhà thơ với thiên nhiên, với cuộc sống, với con người…để bồi đắp cho vẻ đẹp chân-thiện-mỹ mà thi ca ngàn đời vẫn hướng tới. Trong thơ Hữu Thỉnh, cảm tính và lý tính đã hòa quyện trong mạch liên tưởng của những tứ thơ được tạo dựng khá công phu và chặt chẽ. Thật ra, để đạt được sự hài hòa giữa tính cảm xúc và tính tư tưởng trong sáng tạo thi ca, người viết phải có một phẩm chất tài năng thật sự và phải có sự trải nghiệm cả về mặt kinh nghiệm đời sống và văn chương và Hữu Thỉnh là một nhà thơ có được những phẩm chất vượt trội đó.   

   

THƠ HỮU THỈNH

 

NGHE TIẾNG CUỐC KÊU

 

Những đám mây bay đi

Tôi với người ở lại

Cuốc kêu ngoài bến sông

 

Cuốc kêu vì bẫy hiểm

Bèo leo theo nước lên

Tôi âm thầm gọi tên

Bàn ghế và quần áo cũ

Tuổi trẻ đột ngột về

Ngơ ngác nhìn tôi

Những cánh diều để chỏm

Vui hơn điều đáng vui

Bánh đa phồng giữa chợ

Che bớt một phần buồn

Tôi ngồi gọi tên những quân bài tam cúc

Xe pháo mã những ngả đường xa lắc

Còn lại thôi hồi tiếng cuốc kêu.

Cuốc kêu từ ngày chưa ai đặt tên cho cuốc

Cha tôi nhào đất đắp đường

 

Ông táo bằng đất

Chiếc chén bằng đất

Những người uống rượu lần lượt bỏ đi

Cha tôi cầm chiếc chén lên

Như cầm một phần đời mình

Đã khô ra thành đất

 

Cuốc kêu ngoài bãi xa

 

Cuốc kêu từ ngày cây tre chưa đủ lá đan sàng

Trên đất ướt có người đến ở

Họ bắt đầu như một chiếc rễ nâu

Họ làm ra mọi thứ để nuôi nhau

Mong con cái có ngày mở mặt

Trời tối thì cậy ngọn đèn

Ngọn đèn bấc thắp bằng dầu lạc

Ngọn đèn bấc gió nhiều phen cướp mất

 

Cuốc kêu ngoài bến xa!

 

Cuốc kêu từ ngày em lạy mẹ lạy cha

Đi theo một sợi tơ hồng

Về với anh thành vợ thành chồng

Tình yêu nhiều đứt nối

Ta xin rừng một chiếc giường con

Xin đất một chiếc ấm nhỏ

Một đời người mà chiến chinh nhiều quá

Em níu giường níu chiếu đợi anh

Em tránh những người con trai đẹp

Đợi anh

Chỉ mong anh về

Áo rách cũng thơm

Chiếc chạn nhỏ với vài đôi đũa mộc

Anh cứ tưởng sau chiến tranh thì toàn là hạnh phúc

Chúng ta đã từng vỏ võ đợi nhau

Nhưng không phải em ơi, cuốc kêu không phải thế

 

*

 

Trưa nay có điều gì mà cuốc kêu như xé

Tôi mất hai người anh

Cả hai đều rất trẻ

Sáng nay lại có người hàng xóm chạy sang

Mỗi lần sau đám tang

 

Lòng ai cũng héo

Dạ ai cũng sầu

Tôi cứ tưởng không ai còn xấu nữa

Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ

 

Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế.

Giếng nước than lắm kẻ chao chân

Khu vườn than: có những con sên ngấp nghé lên trời

 

Qua mùa hoa thì bướm cũng bay đi

Tôi ngồi buồn như lá sen rách

 

Cuốc kêu gì mà khắc khoải trưa nay

 

Tôi ngồi buồn tôi đếm ngón tay

Có mười ngón tay đếm đi đếm lại

Đếm đi đếm lại trời ngả sang chiều.

 

Chúng ta bị cái chết gạt về một phía

Bị hư danh gạt về một phía

Phải vượt mấy trùng khơi mới bắt gặp nụ cười.

 

Vừa bắt gặp nụ cười

Thì lại nghe tiếng cuốc.

 

XA VẮNG

 

Xa xắng quá bồn chồn đi hỏi cát

Đường đông người, đâu nhỉ dấu chân em

 

Xa vắng quá một mình đi hỏi bến

Người sang đò có dặn sóng gì thêm

 

Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ

Người mua gương dạo ấy có hay về?

 

Người mua gương đã một lần trở lại

Soi tưng bừng, rồi lặng lẽ quay đi

 

 

PHAN THIẾT CÓ ANH TÔI

 

Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ 
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ 
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi 

Chính ở đây anh thấy biển lần đầu 
Qua cửa hầm 
Sau những ngày vượt dốc 
Biển thì rộng căn hầm quá chật 
Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai 

Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi 
Tim anh đập không sao ghìm lại được 
Gió nồng nàn hơi nước 
Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi 
Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya 
Những người lính mở đường đi lấy nước 
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp 
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi 
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người 
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở 
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ 
Mất chỉ còn cách nước một vài gang 

Anh ở đây mà em mãi đi tìm 
Em hy vọng để lấy đà vượt dốc 
Tân Cảnh 
Sà Thầy 
Đắt Pét 
Đắc Tô 
Em đã qua những cơn sốt anh qua 
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp 
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết 
Em một mình đứng khóc ở sau xe 

Cánh rừng còn kia trận mạc còn kia 
Vài bước nữa thì tới đường số Một 
Vài bước nữa 
Thế mà 
Không thể khác 
Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi 

Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì 
Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng 
Anh chưa biết đã tan cơn báo động 
Chưa biết tin nhà không nhận ra em. 
Không nằm trong nghĩa trang 
Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ 

Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình 
Đồi ở đây cũng là con của mẹ 

Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em 
 

Tiếng còi xe Phan Thiết bước vào đêm 
Đèn thành phố soi người đi câu cá 
Anh không ngủ người đi câu không ngủ 
Biển đêm đêm trò chuyện với hai người 
 

Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi

 

 

TIẾNG GÀ TRÊN ĐẢO

 

Ai mang quê ra đảo

Ló một tiếng gà trưa

Bao nhiêu là súng pháo

Ngây thơ như cày bừa

 

Nước dồn trong bi-đông

Nằm mơ về mạch đá

Cát sang màu rơm rạ

Đảo lui về thiếu niên

 

Biển luôn ở cạnh mình

Bao điều còn cửa khép

Gió từ nơi xa khuất

Lại rung nhành sim tươi

 

Bàng thiếu trẻ con chơi

Cuối năm không nỡ rụng

Biển thu bớt sóng về

Để mênh mông hơn biển

 

 

CHẠM CỐC VỚI XA-IN

 

Dãy núi A-la-tau có vẽ mặt đáng kính của một nỗi buồn 
Nho lại bắt đầu, không có gì mới 
Xin nâng chén vì anh! Ta chúc những gì đây 
Tuyết quê anh nhiều, xin cho tôi như tuyết. 

Những đôi trai gái ôm hoa vào phòng cưới 
Họ yêu nhau không có kinh nghiệm gì 
Họ nhảy và hát không có kinh nghiệm gì? 
Họ chia tay nhau không có kinh nghiệm gì. 

Tôi và anh không có kinh nghiệm gì 
Càng viết càng thấy mình yếu đuối 
Đường nhân nghĩa chừng nào còn lắm bụi 
Anh hiểu vì sao tôi ít lời. 

Anh hiểu vì sao tôi hay nhắc mẹ tôi 
Nỗi ám ảnh suốt đời day dứt 
Đối với mẹ sẽ là đòn đau nhất 
Có kẻ nào rình ném bẩn lên tôi. 

Giữa tiệc rượu và hoa, tưởng chừng không đúng lúc 
Nhắc đến nỗi đau những uất ức ở đời 

Làm sao được, rượu hoa thường ít 
So với chia ly, gian dối, dập vùi. 

Miếng cơm manh áo che khuất mẹ tôi 
Sự vô tình che khuất mẹ 
Người thường vắng mặt trong các cuộc vui 
Tóc bay trắng trong buổi chiều gió bạc. 

Thơ mỗi ngày người càng ít đọc hơn 
Nhưng con chọn thứ vũ khí này bênh vực mẹ 
Con đi trong mưa, mài trên đá 
Gặp niềm vui càng thương mẹ nhiều hơn. 

Xa-in ơi, anh không có vỏ bọc nào đáng ngại 
Sống mỗi ngày nguyên chất cho thơ 
Xin nâng chén mừng anh 
Hoa táo nở.


1987

 

CHIỀU SÔNG THƯƠNG

 

Đi suốt cả ngày thu 
vẫn chưa về tới ngõ 
dùng dằng hoa quan họ 
nở tím bên sông Thương 

nước vẫn nước đôi dòng 
chiều vẫn chiều lưỡi hái 
những gì sông muốn nói 
cánh buồm đang hát lên 

đám mây trên Việt Yên 
rủ bóng về Bố Hạ 
lúa cúi mình giấu quả 
ruộng bời con gió xanh 

nước màu đang chảy ngoan 
giữa lòng mương máng nổi 
mạ đã thò lá mới 
trên lớp bùn sếnh sang 

cho sắc mặt mùa màng 
đất quê mình thịnh vượng 
những gì ta gửi gắm 
sắp vàng hoe bốn bên 

hạt phù sa rất quen 
sao mà như cổ tích 
mấy cô coi máy nước 
mắt dài như dao cau 

ôi con sông màu nâu 
ôi con sông màu biếc 
dâng cho mùa sắp gặt 
bồi cho mùa phôi thai 

nắng thu đang trải đầy 
đã trăng non múi bưởi 
bên cầu con nghé đợi 
cả chiều thu sang sông.

 

CHUYẾN ĐÒ ĐÊM GIÁP RANH

 

Tiếng bìm bịt bập bềnh trong đêm nước lên 
cỏ lác, cỏ lăn cứa vào đêm ram ráp 
ếch nhái nghiến răng sao mà sốt ruột 
chớp nhì nhằng lô cốt méo bên sông 

bến đò chìm trong đêm mênh mông 
con đò vớt lên phù sa đong một nửa 
người lái đò trẻ hay già? Chúng tôi không rõ 
chỉ nghe "các anh lên" rồi vội vã quay đi 

gió thổi dài ẩm ướt về khuya 
con sóng nói nhịp chèo cũng nói 
tiếng thì nghe mà mặt người chẳng thấy 
đêm căng như tờ giấy 
chia đều sang hai trang 
người lái đò cố giấu đi hình dáng thật của mình 
ý nghĩ chúng tôi sẫm dần thành kỷ niệm 
 

cánh lính trẻ lại tha hồ được dịp 
tưởng tượng bằng cái vốn mang theo 
tất cả bắt đầu bằng nhịp chèo cắt nước 
đồng chí quê mạn ngược 
quả quyết người lái đò có vạt áo chàm tươi 
các đồng chí dưới xuôi 
ngỡ gặp lại mẹ già đon đả 
đêm giáp ranh ngặt chuyện trò tâm sự 
chúng tôi bơi trong thương nhớ của riêng mình 

bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau 
tiếng nước vỗ tan ra rồi chập lại 
đêm chỉ thực bằng âm thanh chừng ấy 
tất cả là ru, tất cả là mơ 

con đò rướn cao, sực đã tới bờ 
chúng tôi bước lên. Cát buổi chiều còn ấm 
đêm giáp ranh có cái gì đầm đậm 
ở đầu môi, ở trong tóc, khắp làn da 

đêm qua sông không nhìn rõ con đò 
và người lái, dồn bao nhiêu câu hỏi 
chúng tôi đi còn tần ngần ngoái lại 
chỉ thấy vầng trăng cuối tháng mới quăng lên 

chúng tôi đi với một niềm tin 
vầng trăng ấy chở chúng tôi cập bến.


Đắc Tô 21-3-1975

 

 

HẠNH PHÚC

 

Ra sông với đám củi rều 
Cha tôi mang về những khúc ca trôi nổi 
Cây khế có thêm một vị buồn 
Sấm hứa hẹn chân mây mà cơn mưa bay mất 

Một lũ con thơ 
Một căn nhà chật 
Ngoài ngõ vẫn đông người đi 
Hàng xóm vẫn mịt mù cánh cửa 

Mẹ tôi hát nghìn câu có một câu chưa hát 
Cha tôi gặp trăm điều có một điều chưa gặp 
Hạnh phúc 

Cây rơm vẫn mơ thành đám mây vàng...


Thu 1989

 

QUA CẦU TRÀNG HƯƠNG

 

Mây Mải lên với Mã - pí - lèng 
Bỏ quên dòng Nho Quế 
Tôi bước lên cầu Tràng Hương 
Nắng chang chói bên Thượng Phùng, Sơn Vĩ 

Tôi bắt gặp lần đầu Nho Quế 
Nước vắt ra từ núi đá dựng bờm 
Cuối dòng sông là non nước Cao Bằng 
Trên đỉnh núi đồng đội tôi đang khát. 

Đồng đội tôi thay nhau đi cõng nước 
Chiếc "can" cao quá đầu chằng chéo những bi-đông 
Nước dồn lại từ những đôi vai ấy 
Mấy năm qua đủ tưới cả cánh đồng 

Đồng đội nhìn thắc thỏm xuống dòng sông 
Nắng gay gắt khi mình còn quá trẻ 
Gió thỉnh thoảng đưa mây về chiếu lệ 
Rồi tan mau 
Hơi đá lại nung người 

Khăn mặt xếp hàng trên dây phơi 
Khô như mẻ bánh đa nỏ nắng 
Những cánh tay trần hai mươi, mười tám 
Bao năm rồi khỏa nước trong mơ 

Xin cám ơn những hàng cây sa-mu 
Ngả bóng xuống căn hầm của bạn tôi khi ấy 

Bên này Giàng-chú-phìn 
Bên kia là Sín-Cái 
Tôi bước lên cầu Tràng Hương 
Mang trang thơ lên cùng đồng đội 
Có lá dong lá chít ở Trường Sơn 
Đêm xua muỗi tắt đèn âm ỉ hát 

Tôi ao ước thơ mang dù chỉ ít 
Dòng Nho Quế ngọt ngào lên với các anh.

Hà Tuyên, 1979-1983

 

BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP

 

Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện 
Rau muống xanh như hái tự ao nhà 
Trời còn đầy ắp hoa và pháo 
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra 

Màu xanh - sân cỏ xanh mải miết 
Quây quần đồng đội đến vui chung 
Hàng cây so đũa cùng ta đó 
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng 

Khách thường: Thường mấy anh nhà báo 
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày 
Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận 
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây 

Tăng vẫn dàn theo hình chiến đấu 
Xích còn vương đất đỏ Phan Rang 
Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận 
Chia thêm tổng-thống-ngụy-đầu-hàng 

Kìa gắp đi anh, ai nấy giục 
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời 
Tự do xanh quá, mênh mông quá 
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi 

Bỏ lại đằng sau bao trận đánh 
Kịp vào thành phố sáng tên Người 
Độc lập theo tăng vào cổng chính 
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi! 

Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm 
Ta reo trời đất cũng reo cùng 
Ta no cười nói, say đôi mắt 
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông


 

 

CÁT THỜ

 

Bạn xông nhà cho quà bằng cát

cát Hoàng Sa vằng vặc mây xưa

Tôi đặt lên bàn thờ

vời vợi cát trùng dương vời vợi biển

 

Tôi thờ thuở hồng hoang đất nước

đảo bàng hoàng đội biển nhô lên

đảo non bấy sinh ra từ mẹ biển

Trời đặt tên

Đất Việt

Chủ quyền

 

Tôi thờ bác ngư dân thứ nhất

cắm chân

buộc biển

dựng nhà

Tôi thờ những cánh buồm bợt nắng

ngực trần

bạt gió

ló quê xa

 

Tôi thờ những gian nan vạn kiếp

Máu vô danh cho Đảo thành danh

Tôi thờ những tiếng kêu nức nở

Cát Hoàng Sa đang gọi đất liền

 

Tôi thờ sống người dân chài xứ Quảng

quật tử thần ra đảo thăm quê

mang về cát

vẹn nguyên

chỉ cát

đem cho tôi nóng bỏng lời thề

                        (Hà Nội 6 giờ sáng 7.11.2012)

 

TRƯỚC TƯỢNG BAY-ON

 

Ở đây Trời bị bỏ quên

Hoa biếng nở, đá đá chen hết người

 

Đá đang rợn ngợp trước tôi

Cánh tay đeo ngấn bao đời còn say

Quân kia, voi đấy, võng này

Mặt người với giọng đắng cay thuở nào

Tài tình chất một núi cao

Tài không che kín khổ đau kiếp người

Ba-on quay mặt vào tôi

Còn ba mặt nữa? Với người đâu đâu...

 

Trời đang chớp gió trên đầu

Nụ cười ẩn giữa binh đao, nói gì?

Ngất cao ấy một thành trì

Cửa nào? Ai mở? Bước đi chập chờn

Tự mình là cả núi non

Vẫn không thoát khỏi cô đơn giữa trời

 

Bốn phương với bốn mặt cười

Gần xa mờ tỏ sự đời Bay-on.

 

 

THƠ VIẾT Ở BIỂN

 

Anh xa em 
Trăng cũng lẻ 
Mặt trời cũng lẻ 
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế 
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn 

Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn 
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím 
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến 
Vì sóng đã làm anh 
Nghiêng ngả 
Vì em...

 

 

NHỮNG KẺ CHẶT CÂY

 

Những hàng cây lặng lẽ bảo vệ mình 
Bằng chính búp của thói quen đem tặng 
Trời bỗng gần hơn mây bớt vắng 
Cây gày gò bừng thức có tình sao 

Cùng lúc đó một tên dậy sớm 
Đi tìm dao như mọi sáng đi tìm 
Và nó chặt 
Và tiếng chim tan vỡ... 

Không hiểu vì sao bóng mát bị trả thù 
Bị xua đuổi tội tình đến vậy 
Tôi thành kẻ bị lột trần trơ trẽn 
Cả lũ nhìn nhau côi cút dưới bầu trời. 

Kìa nó đấy, kẻ chặt cây lại đến 
Tôi lặng lẽ lo âm cho những người đứng cạnh.


Đêm 20-1-1988

 

 

MƯỜI HAI CÂU

 

Nguyễn Du viết Kiều hơn hai trăm năm 
Gió vẫn lạnh trên vai người phận bạc 
Chèo Quan Âm trẻ già đều thuộc 
Nỗi oan khuất ở đời nào đã chịu vơi đâu 

Lép Tôn-xtôi viết "Chiến tranh và hòa bình" 
Với hy vọng đó là cuộc chiến tranh cuối cùng trên trái đất 

Mùa đậu xuống mộ Ông với màu cây thành thực 
Có ai ngờ lại thấy máu nhiều thêm 

Tôi đã gặp những dòng sông hùng dũng đẩy băng đi 
Nhưng rút cuộc cầm tù trong rét buốt 
Nho biết vậy buông những chùm quả ngọt 
Đến tay người gấp gáp trước mùa Đông

2-1988

 

NHA TRANG NGÀY EM ĐẾN

 

Nha Trang ngày em đến 
Mùa xuân cũng trở về 
Có gì không rõ rệt 
Như mưa phùn theo đi 

Bãi biển bước sang chiều 
Nắng về thưa trên lá 
Bờ mặc sóng dào đêm 
Không nói gì thêm cả 

Một đầu ghế bỏ không 
Quay về vùng cách biệt 
Biển thì rộng vô cùng 
Không đỡ gì em được 

Trời thách trăm ngọn núi 
Đành chỉ biết cao thôi 
Người đi qua nhiều lắm 
Nhưng người đi có người 

Gió vơi những hoa dừa 
Rơi vàng nơi đầu ghế 
Mùa xuân không nỡ tẻ 
Dẫu chỉ một mình em


 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *