Từ đời vào văn

22/3
2:21 PM 2017

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: NHÀ VĂN LÊ VĂN THẢO TRONG LÒNG ĐỒNG NGHIỆP

VanVN.net- sáng sáng 21.3.2017, tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt thân mật giới thiệu tác phẩm Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp (NXB Hội Nhà văn 2017). Nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016) - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Dù có khai sinh ghi rõ, Lê Văn Thảo sinh ngày 1/10/1939 tại Thủ Thừa Long An nhưng chính nhà văn và những người thân trong gia đình xác định, ông sinh tại Sài Gòn, lúc nhỏ ở Long Xuyên, học tiểu học ở chiến khu Đồng Tháp Mười, sau 1954 ra học trung học, đại học ở Sài Gòn, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ đây…

   Cuốn sách do nhà thơ Phan Hoàng chủ biên, tập hợp các bài kí chân dung, các bài nghiên cứu tác phẩm Lê Văn Thảo của các tác giả:: Trần Văn Tuấn, Huỳnh Như Phương, Phạm Sỹ Sáu, Tô Hoàng, Trung Trung Đỉnh, Trần Thanh Phương, Trần Thế Tuyển, Triệu Xuân, Lê Tiến Dũng, Lê Minh Quốc, Trầm Hương, Bích Ngân, Trần Nhã Thuỵ, Trần Hoài Anh, Trần Thị Thắng, Thu Trang, Tôn Nữ Thu Thuỷ, Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Nguyễn Thị Phương Thuý, Phan Thị Hường, Lê Văn Duy…

  Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi giới thiệu sách và bài viết của nhà văn nhà báo Lê Dụng lấy từ sách này!

P.V

 

ĐÀN GÀ CỦA NHÀ VĂN LÊ VĂN THẢO

LÊ DỤNG

 Những ngày cuối năm này đi đâu cũng thấy hình ảnh Con gà 2017, chợt nhớ chuyện đàn gà của anh Lê Văn Thảo hồi nào…

 Đầu năm 1972, tổ biên tập và đội quay phim vừa được tách ra khỏi văn phòng và các bộ phận khác của Cục Điện ảnh, thành lập căn cứ riêng tại một khu rừng gần Tiểu ban Văn nghệ R. Bốn anh em chúng tôi là những người đầu tiên có mặt ở căn cứ mới này dựng căn nhà ở chung: anh Lê Văn Duy biên kịch (nay là đạo diễn), anh Thái Thành Công quay phim, anh Hai tôi - Lê Trầm Tư quay phim (nay là đạo diễn Lê Dũng) và tôi mới vừa từ Sài Gòn ra chiến khu.Đó là những ngày chúng tôi sống cuộc sống rất chan hòa vui vẻ, trí óc thảnh thơi như người ta nói “có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”. Cơm là chuyện thường ngày ai cũng như ai, suất nào như suất nấy chị nuôi dưới bếp chia phần cho đồng đều. Cháo thì chúng tôi thích hơn, vì đó là bữa ăn thêm tự cải thiện, là cháo gà rừng, cháo rắn, cháo ếch, cháo cá, cháo cheo, cháo kỳ đà… Cháo nào múc vô chén cũng thơm ngon phưng phức.

 Thực ra cả 4 chúng tôi đều không có tài săn bắn, nhưng có chút tài nấu nướng, nhứt là anh Công. Anh làm món rất nhanh và rất ngon. Cho nên mấy anh em ở các nhà khác, săn được mồi thường đem tới đây, hè hè! Ăn cái gì ăn, chúng tôi không bao giờ ăn khỉ, chuột, cù lần, cù là… À không, không có cù là, chỉ có con cù lần. Bắt được con nầy, thấy thương lắm, mình nhìn nó, nó e thẹn không nhìn mình, chỉ lấy tay che mặt quay đi, ai mà nỡ lòng nào ăn thịt!

 Hàng ngày 3 ông anh trong nhà, người  5 năm người 7, 8 năm kháng chiến đều đã có danh phận rạch ròi, ai làm việc nấy. Tôi, lính mới toàn thân, được Cục trưởng Mai Lộc gọi lên làm việc, nói:

 - Sắp tới Cục sẽ mở Trường điện ảnh giải phóng Khóa 2. Cậu sẽ vào đó học, học xong mới giao việc!

 - Nhưng trường chưa có, vậy cháu làm gì?

 - Đọc! Cậu mới ở trong Sài Gòn ra, chưa hiểu biết về cách mạng bao nhiêu đâu, cho nên phải tranh thủ đọc.

 Thật tình tôi không thể hiểu một cách rành mạch, ngắn gọn “tranh thủ” nghĩa là gì? Nhưng tự cảm nhận được thủ trưởng nói vậy là mình phải ráng đọc, đọc  sách. Cục Điện ảnh R có cái nhà hầm đầy sách do chú Hai Son, một người hiền lành, có phần bẽn lẽn trông giữ và ở luôn tại đó, tôi được phép tới mượn đọc bất cứ cuốn nào. “Nhà sách Hai Son” này có bao nhiêu sách tôi không rõ, nhưng cuốn nào ông chủ tiệm đưa cho tôi cũng đều là sách cũ, trang sách úa vàng bốc mùi ẩm mốc (trong rừng, cái gì cũng mau “xuống”, sách lại càng mau xuống, đã vậy còn để trong thùng kín dưới hầm tránh mối mọt), mỗi lần lật trang tôi không dám thấm nước miếng đầu ngón tay. Tuy vậy với tôi tất cả những cuốn sách đó đều là sách mới, nội dung mới mẻ, mới lạ. Tôi đọc đủ các loại sách chính trị, xã hội, văn hóa nghệ thuật, các giáo trình điện ảnh về công tác biên tập, quay phim, dàn dựng, âm thanh, ánh sáng… Đọc luôn mấy cuốn sách thuộc loại gối đầu giường giảng dạy trong các trường Đảng sơ, trung cấp (mặc dù lúc ấy tôi chỉ là “quần chúng”, thậm chí không biết ngày nào mới được xem xét nâng lên đối tượng Đoàn).

Một buổi trưa rừng im ắng, tôi nằm trên võng vẩn vơ nhớ Sài Gòn… Chợt, anh Lê Văn Duy đến bên cạnh:

 - Bản thảo nầy của anh Lê Văn Thảo, em đọc thử coi!

 Anh đưa cho tôi, đó là tập bản thảo đánh máy trên giấy pơ-luya mỏng, có đóng bìa… nhưng bìa cũng mỏng, màu xanh nhạt. Tôi chưa được gặp anh Lê Văn Thảo, chỉ mới biết anh qua lời anh Lê Văn Duy từ hôm ở chung nhà.  Anh Thảo là anh Hai của anh Duy, năm 1962 đang học năm thứ 2 MPC tại Khoa học đại học đường Sài Gòn thì bỏ vào rừng kháng chiến. Mấy năm đầu anh đi bộ đội, tỏ ra có năng khiếu viết nên được Tiểu ban Văn nghệ R xin về, hiện anh là cán bộ sáng tác của Tổ văn. Cầm tập bản thảo của anh Lê Văn Thảo trên tay tôi cảm động lắm, biết nó là kết tinh của cả 10 năm qua anh đã sống cuộc sống kháng chiến và viết trong rừng. Đó là bản thảo cuốn sách đầu tiên của đời văn anh: Đêm Tháp Mười, tập truyện và ký!

 Tôi đọc Đêm Tháp Mười xong, gởi trả lại anh Duy. Anh hỏi:

 - Em thấy thế nào?

 Tôi nói:

 - Đọc nhiều sách ở Sài Gòn, quen rồi. Giờ đọc của mình, cứ thấy… khác khác!

 Anh Duy nhìn tôi một lúc, mắt hơi tròn tròn (đây là một đặc điểm… dễ mến của nhà biên kịch này), rồi gật đầu một cái rất nhẹ: “Vậy hả?” Cái tiếng vậy hả này, âm giọng nghe thật ân cần, gần gũi, về sau tôi còn nghe rất nhiều lần, nhưng người nói là anh Thảo! Thực ra lúc đó tôi nghĩ: hôm nào mình sẽ nhờ anh Duy đưa sang Tổ Văn chơi, thăm và chào ra mắt anh Lê Văn Thảo. Lúc đó nếu anh Thảo hỏi, mình sẽ nói: Anh viết rất thực, cái chân thực nhiều quá đã lấn át hết cái trữ tình, lãng mạn. Lý trí nhiều nên câu văn không bay bổng lả lướt như cách viết của một số nhà văn ăn khách Sài Gòn. Các nhân vật của anh là những con người rõ ràng, không có nội tâm phức tạp, những con người sống dũng cảm, chân chất, hết lòng với quê hương làng xóm. Thiếu những nhân vật sang trọng lịch lãm, những công tử tiểu thư, vắng bóng hoàn toàn những chàng nàng với những mối tình đẫm lệ, sướt mướt… Anh viết như vậy là rất khác với cách viết của Sài Gòn. Còn hay hay dở, nên hay không thì em không biết!

 Mấy hôm sau tôi lân la sang B12 A (Đoàn Ca múa Giải phóng) xem những bông hoa đẹp nhứt rừng xanh tập tiết mục (múa, thưa phải; tập hát thì có gì xem). Lúc trở về, vừa bước vào sân nhà mình thì hai chân khựng lại, miệng không khỏi “ồ” một tiếng reo: Trước mặt tôi là một đàn gà mười mấy con đang nhảy nhót la hét, chen lấn loạn xạ xô vào trước mặt nhà quay phim Thái Thành Công. Anh Công ngồi xổm giữa sân một tay cầm cái tổ mối cây giông giống như trái sầu riêng ghìm xuống đất, tay kia cầm con dao găm vạc nhè nhẹ từng miếng tổ mối mỏng tróc ra… Mấy con mối cây nhỏ xíu, to hơn hạt mè một chút màu trắng trắng ngà ngà sậm sậm rơi ra, rớt xuống đất chưa kịp hoàn hồn bò đi đâu đã bị đàn gà mổ tới tấp lượm sạch! Đàn gà, 13 con cả thảy, nhìn thấy mê, lớn đều tăm tắp cỡ cổ chân mình, khỏe mạnh, lanh lợi hứa hẹn sẽ mau lớn và trở thành những con gà… hết xẩy (đấy, vô rừng mấy tháng rồi tôi thỉnh thoảng vẫn xài tiếng Sài Gòn, xin lỗi!). Đây là giống gà tôi thấy được nuôi nhiều trong các phum sóc người Khơ me, cổ dài, đuôi dài, lông ít thịt nhiều, chân cao và to bước chạy bước nhảy nghe uỵch uỵch. Chúng giống đến 95% loại gà đòn của người Việt - là loại gà quý thường được chủ nhân chọn lọc nuôi chăm sóc làm gà đá. Khi lâm trận gà đòn nạp đối phương những cú như trời giáng bằng đôi chân bự, khỏe, cứng như sắt của chúng, làm con gà kia chấn thương, gãy cổ gãy cánh. Chúng thắng bằng sức mạnh một cách minh bạch, không có những đường cựa hiểm hóc có thể chuyển bại thành thắng, đơn giản vì… cựa gà đòn tuy to nhưng ngắn ngủn. Ta có thể hình dung con gà đòn là chàng dũng sĩ sử dụng song búa, không xài song kiếm.

- Gà… ở đâu vậy, anh Công? – Giọng tôi rất vui vẻ hỏi to.

 Anh Công khẽ nhìn nhanh qua anh Lê Văn Duy đang ngồi gần đó, nói:

 - Anh Lê Văn Thảo cho!

- Nhưng… Sao anh Thảo không nuôi mà lại cho?

 Anh Công lại nhìn qua anh Lê Văn Duy, rồi quay sang tôi:

- Ảnh… đi chiến trường! Hồi sáng ghé lại đây tạm biệt anh em mình và tặng cho đàn gà này!

 Anh Thảo đi chiến trường! Thì ra vậy. Giờ thì tôi biết vì sao nãy giờ anh Lê Văn Duy ngồi đó mà dường như chẳng nghe chúng tôi nói gì? Đi chiến trường. Bạn ơi, nếu những ngày tháng đó sống ở hậu phương, Hà Nội hay Sài Gòn chẳng hạn, có thể bạn sẽ hỏi: Các ông đang ở chiến trường, sao lại còn đi chiến trường? Câu hỏi của bạn khiến chúng tôi thật lòng cảm kích, nhưng với tất cả những người đang sống ở Tiểu ban Văn nghệ R ngày ấy, thì chúng tôi: đang sống ở nhà! Đi chiến trường nghĩa là một (hay nhiều) người sẽ rời nhà theo phân công của lãnh đạo cơ quan (hoặc có khi đề xuất của chính mình) để đi đến những nơi đang nóng bỏng chiến sự nhứt. Nơi đó có thể là một xã ven đô cuộc sống người dân đang trong cảnh ngày Quốc gia đêm Việt cộng. Có thể là một ấp chiến lược người dân đang ngột ngạt tù túng trong những vòng rào kẽm gai kín mít, chỉ muốn bung trở về nhà cửa ruộng vườn cũ có mồ mả ông bà cha mẹ mình. Cũng có thể người cán bộ của Tiểu ban văn nghệ R sẽ đến sống với một đội du kích xã, đêm đêm đi phát loa tuyên truyền cho đồng bào và rồi một đêm không trăng sẽ kéo nhau đi đánh đồn. Và cũng có thể người cán bộ ấy đang cùng hành quân với một đơn vị bộ đội chính quy bước vào chiến dịch… Tóm lại, người cán bộ Tiểu ban Văn nghệ R đi chiến trường thì phải chịu đựng nhiều gian khổ hơn, cận kề với hiểm nguy và cả cái chết nhiều hơn. Ba tôi, nhạc sĩ Hoàng Việt, cán bộ Tiểu ban Văn nghệ R đi chiến trường năm 1967 và… không còn trở về! Mà ngay chính anh Lê Văn Thảo đó thôi, trong lần đi chiến trường năm 1968 với người bạn cùng Tổ văn là nhà thơ Lê Anh Xuân; nhà thơ nổi tiếng của quê dừa Bến Tre đã nằm lại chiến trường, anh Thảo may mắn hơn.

 Lúc này, tôi nhìn lại anh Lê Văn Duy mới thấy gương mặt anh lộ vẻ bần thần, đôi mắt nhìn xa xăm ra trước… như muốn xuyên qua đám cây rừng dày đặc…  ra tới con lộ 7 Đông Dương (trên đất bạn) xa tít ngoài kia. Trên con lộ đó có lẽ anh Lê Văn Thảo vừa ra khỏi cửa rừng… Tôi ân hận bấy lâu nay mình vẫn chưa sang chào ra mắt anh Lê Văn Thảo!

 Ít lâu sau tôi quảy bòng sang khu rừng mới, cùng mọi người xây dựng Trường điện ảnh giải phóng, khóa 2. Việc chưa xong tôi lại được xin về Tiểu ban Văn nghệ Khu Sài Gòn - Gia Định (T4) để làm thủ tục ra Hà Nội học. Trước ngày lên đường, mấy anh bên nhà gọi tôi về liên hoan chia tay, làm món gà  nấu cháo trộn gỏi rau rừng… Bầy gà lúc này lớn xộn, trống mái rõ ràng dáng oai vệ, mỡ màng. Nhưng chủ nhân của chúng, anh Lê Văn Thảo đi chiến trường vẫn chưa về.

 6 năm sau. Báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ra đời, phát hành số đầu tiên là tờ báo Xuân Mậu Ngọ 1978, anh Lê Văn Thảo và tôi từ ngày ấy chung một mái nhà…

 - Ủa, anh Thảo! Sao anh… ở đây? – Tôi ngạc nhiên quá, kêu lên.

 Anh Lê Văn Thảo cười cười không nói gì, ngồi xuống xa lông, đặt cái túi xách khá to bên cạnh. Anh ngước nhìn quanh rồi hỏi:

 - Hôm nay tao tới sớm hay anh em tới trễ, Dụng?

 Tôi vẫn còn quá ngạc nhiên, không trả lời!

 Anh rót cốc trà… nhưng không uống, để đó. Rồi lục trong túi xách lấy ra một xấp bản thảo, chọn một bản cầm lên đọc… Phải! Đúng là vậy! Mỗi sáng tới tòa soạn anh Thảo luôn ngồi đó trên cái ghế xa lông dài 4 chỗ, đọc bản thảo cộng tác viên. Anh đã đọc như vậy từ lúc tóc đen, mắt chưa đeo kiếng… cho đến ngày mái tóc muối tiêu, gọng kiếng lão cũ kỹ nặng xệ trên sóng mũi, anh vẫn đọc.

 - Anh đã đọc suốt hai mươi năm làm biên tập ở tòa soạn báo Văn Nghệ thành phố này. Có lẽ một vạn bản thảo rồi đó? – Tôi nói.

 Anh Thảo không nói gì, vẫn đọc.  Rồi anh hạ cái bản thảo đang cầm trên tay xuống, nhìn tôi:

 - Một vạn là bao nhiêu, Dụng? Mười ngàn phải không?

 Mười ngàn đó, anh Thảo! Anh đã đọc mười ngàn bản thảo của thiên hạ rồi. Giờ anh đã ra đi! Anh là người tiên rồi! Anh còn đọc nữa hay sao? Anh ơi, thảnh thơi đi. Đọc, là mọi người đọc anh! Mà người ta đang đọc đó, những Đêm Tháp Mười, Con đường xuyên rừng, Ông cá hô, Cơn giông… của nhà văn Lê Văn Thảo người đời còn đọc dài lâu lắm.

 Cuối năm 2016

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *