Nhà văn - Tác phẩm

25/7
10:52 AM 2016

NHÀ VĂN- TÁC PHẨM NGUYỄN CÔNG HOAN (1903-1977)

Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6-3-1903 quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

                                                                                         Nhà văn Nguyễn Công Hoan (nguồn: Internet)

Ông sinh trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này. Ông có ba người em trai đều tham gia hoạt động cách mạng và giữ cương vị quan trọng là Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương) Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Công Bồng nguyên Phó Tổng Giám đốc Nha Công an và Nguyễn Công Mỹ nguyên Tổng Giám đốc đầu tiên của Nha bình dân học vụ

Năm 1926, ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, làm nghề dạy học ở nhiều nơi (như Hải Dương, Lào Cai, Nam Định,...) cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Nguyễn Công Hoan viết văn từ sớm, tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan (viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923) là một đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ. Sau đó ông gia nhập Vệ quốc quân, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, giám đốc trường Văn hóa quân nhân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo. Ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1948. Năm 1951 ông làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và sách Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950 dùng cho lớp 7 hệ 9 năm. Ông cũng viết bài cho báo Giáo dục nhân dân, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Bộ Quốc gia giáo dục lúc bấy giờ. Từ sau năm 1954, ông trở lại nghề văn với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam(khóa đầu tiên 1957-1958), ủy viên Ban Thường vụ trong Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa sau đó. Ông cũng là ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ nhiệm tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ).

Nguyễn Công Hoan mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội. Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội, đoạn giữa hai phố Ngọc Khánh và Nguyễn Chí Thanh.Tại thành phốĐồng Hới, Quảng Bình có con đường mang tên Nguyễn Công Hoan ở phường Bắc Lý. Nguyễn Công Hoan được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm1996. Ông để lại một di sản nghệ thuật với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học, các tác phẩm chính của ông là: Kiếp hồng nhan (truyện ngắn, 1923); Răng con chó của nhà tư sản (truyện ngắn, 1929; đăng Annam tạp chí số 23 năm 1931 với nhan đề Răng con vật nhà tư bản); Hai thằng khốn nạn (truyện ngắn, 1930); Thật là phúc (truyện ngắn, 1931; Người ngựa, ngựa người (truyện ngắn, 1931);Thế là mợ nó đi tây (truyện ngắn, 1932); Xin chữ cụ nghè (truyện ngắn, 1932); Tắt lửa lòng (truyện dài, 1933); Lá ngọc cành vàng (tiểu thuyết, 1934); Kép Tư Bền (tập truyện ngắn, 1935); Cô làm công (tiểu thuyết, 1936); Oẳn tà roằn (truyện ngắn, 1937); Vợ (truyện ngắn, 1937); Bước đường cùng (tiểu thuyết, 1938); Tinh thần thể dục (truyện ngắn, 1939); Phành phạch (truyện ngắn, 1939); Cái thủ lợn (tiểu thuyết, 1939); Nông dân và địa chủ (truyện ngắn, 1955); Tranh tối tranh sáng (truyện dài, 1956); Người cặp rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn 1930 (1960); Hỗn canh hỗn cư (truyện dài, 1961); Đống rác cũ (tiểu thuyết, 1963); Ðời viết văn của tôi (hồi ký, 1971); Tuyển tập Nguyễn Công Hoan (3 tập, Nhà xuất bản. Văn học, 1983 - 1986); Năm 1936, truyện dài Tắt lửa lòng của ông đã được Trần Hữu Trang chuyển thể thành vở cải lương nổi tiếng Lan và Điệp.

Nguyễn Công Hoan là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Tác phẩm Kép Tư Bền (viết năm 1927, xuất bản năm 1935) đã gây chấn động trên văn đàn, và là đề tài cho cuộc bút chiến giữa hai quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh lúc bấy giờ. Nhiều tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông các cấp.

...Nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú như một "bách khoa thư", một "tấn trò đời" mà đặc trưng là xã hội phong kiến của thực dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có nhiều nét gần vớitruyện cười dân gian, tiếp thu được truyền thống lạc quan của nhân dân muốn dùng tiếng cười như một "vũ khí của người mạnh" để tống tiễn cái lạc hậu, cái xấu xa vào dĩ vãng... Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan với đặc điểm của nó đã nâng cao khả năng nhận thức và khám phá các hiện tượng xã hội phức tạp... Chúng ta có quyền tự hào về Nguyễn Công Hoan và coi ông là bậc thầy truyện ngắn... Nguyễn Công Hoan là nhà văn có công khai phá, mở đường cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại... Nguyễn Công Hoan đã đột phá vào những thành trì, khuôn khổ của giáo huấn và tiếp nhận, tuân theo một chủ nghĩa khách quan lịch sử khi miêu tả hiện thực. Giới nghiên cứu văn học khi bàn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí của Nguyễn Công Hoan, người có những tác phẩm được coi là "cổ điển" trong nền văn học hiện đại."[3]

Từ điển bách khoa Việt Nam đánh giá:

Có thể nói Nguyễn Công Hoan là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam... Nguyễn Công Hoan đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng. Từ những truyện đầu tiên, ông đã tìm đề tài trong những người nghèo khổ, cùng khốn của xã hội. Đa số nhân vật phản diện của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và quan lại, cường hào. Toàn những cảnh xấu xa, bỉ ổi, những chuyện bất công, ngang ngược, những con người ghê tởm, đáng khinh bỉ. Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót.

Ngoài sáng tác, những bài tiểu luận, phê bình văn học của ông cũng được đánh giá cao vì có cái nhìn, cách tiếp cận sắc sảo về các tác giả văn học Việt Nam. Ông từng có mặt trong Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên Xô từ thập niên 1960.

                              

             TRUYỆN NGUYỄN CÔNG HOAN

 

RĂNG CON CHÓ CỦA NHÀ TƯ SẢN


Lúc ấy, độ sáu giờ chiều. Một cái ô tô đằng xa chạy lại. ánh sáng hai ngọn đèn pha chiếu tóe đến chân trời. Xe qua cầu, đến trước cái nhà tây có giậu sắt thì còi bóp ran như ếch kêu và dừng lại. Khi ô tô chưa đỗ hẳn, thì đã thấy con chó nhảy vọt từ trên xuống đất, ngoe nguẩy đuôi vừa sủa, vừa chồm lên hai người đương bước xuống. Hai người đó, một người là chủ nhà này, còn một người là khách. 

Đèn xe tắt. Cửa xe đóng. Chủ khách bước vào nhà. Họ đều âu phục, mặc lối đi săn, trên đôi ghệt còn bê bết những bùn, vai đeo súng, tay xách xâu chim nặng trĩu. Con chó chạy trước, vừa chạy vừa quay cổ lại, vừa vẫy đuôi, vừa ẳng. 

Chủ mời khách vào xa lông. Buồng này bày biện đúng kiểu tân thời, toàn đồ bằng gỗ lát đánh bóng nhoáng. Tường nhà quét vôi xanh, gạch chỉ xanh, lại được ngọn đèn măng sông ánh sáng cũng xanh xanh. Cứ trông buồng khách, cũng đủ đoán tất ông chủ nhà này là một nhà giàu, ăn chơi lịch thiệp. 

Bà chủ vừa trang điểm xong, ra ngồi đó để tiếp khách. Trên chiếc ghế thứ tư, con chó nhảy tót lên, ngồi chồm chỗm, thè lưỡi, nhìn hết người nọ đến người kia. 

Người đời ai được phú quý cũng hay khoe của. Cho nên, dù khôn ngoan khéo léo hơn người, ông chủ nhà này cũng mắc phải cái bệnh ấy. Nay cái dinh cơ này, cái ô tô này, cái bộ buồng khách, buồng ăn này, đối với ông, đã là cũ rồi, khoe lắm cũng chán miệng, cho nên ông nói đến cái mới. Cái mới đây, là con chó Lu. 

- Ấy, chính nó là giống Bleu d'Auvergne đấy, bác ạ. Tôi mua nó mất ba trăm bảy mươi đồng. Cái người Tây bán nó cho tôi, vì nể tôi lắm, mới để rẻ thế. Cứ kể ra thì những hơn bốn trăm kia! Cũng có con đẹp hơn thế này, những hơn năm trăm. Nhưng kể ra An Nam mà đã dám bỏ ra ngót bốn trăm bạc để mua chó, thì đã là ngông lắm rồi! Vả lại, người mình mấy ai chơi chó sành, cho nên mua con nhiều tiền quá cũng phí mất. Này, bác ngắm kỹ nó mà xem. Giống chó này tai to, mũi lúc nào cũng ướt ướt, chân cao và to, lốm đốm. ấy, không biết nhận xét thì lầm với giống khác đấy. Con này, tôi chỉ yêu về cái đầu vuông như chữ điền, này, nét ngang đây nhé nét sổ đây nhé,, thần tình không? Con nào được cái bụng thon, mõm ngắn, nhất là hai lườn phình ra như lườn dê thế này, là khoẻ và nhanh lắm đấy. Hẳn ban nãy, bác đã thấy cái dáng nó oai vệ là ngần nào rồi đấy nhỉ. Có phải bao giờ nó cũng đi trước tôi mười thước không? Cứ lấy thước mà đo, cũng chả sai mấy tí đâu. Lúc đi như thế, cái mắt nó đưa đưa cái mũi nó ngửi ngửi, trông đẹp đáo để. Khi nào nó đánh hơi thấy chim nấp ở trong bụi, thì nó gục đầu xuống, khẽ ngỏng ngỏng cái đuôi. Thế là tôi biết hiệu. Lúc tôi lắp đạn xong, tôi "chutt!" một tiếng, thì nó chồm ngay vào con chim. Anh chim bay ra, "Pan!" thôi còn chạy đằng trời! Mười lượt như thế cả mười, chẳng sai một lượt nào! 

Lúc ấy, con Lu ngồi trên ghế, đối diện với chủ, chúm chúm cái mõm để nghe chuyện. 

- Không những nó săn giỏi, mà giữ nhà, tìm đồ đánh mất cùng tài. Bây giờ bác thử đưa cái kính của bác cho nó ngửi hơi một lúc, rồi bác giấu vào trong vườn, tôi bảo nó tìm cho mà xem. 

Được ông bạn cũng là người hâm mộ chó, cho nên thử biệt tài con Lu. Quả nhiên, chưa được năm phút, con Lu đã ngoạm cái kính, ngoe nguẩy đuôi, đưa trả khách. 

Ông chủ đắc chí, cười ha hả, vuốt ve, vỗ mãi má nó, rồi bế nó vào lòng, hôn lấy hôn để, vui thú như được cậu con hay chữ vậy! 

- Tôi nuôi nó cẩn thận lắm. Tôi không cho nó ăn dưới đất bao giờ. Cho nên nó quen thói sạch sẽ và khôn ngoan lắm. Thế mới biết cái giống chó Tây nó cũng hơn cái giống chó An Nam mình thực. Chó An Nam thì lông đã xấu, lại hay ăn bẩn, đã ăn bẩn lại hay cắn càn. Lắm bận, nó lừ lừ ở đằng sau mình, rồi đớp trộm ngay một miếng vào quần, mới nan du chứ! Con này, hễ đã lên tiếng thì y như có kẻ gian vào nhà. Nó chồm hẳn lên mặt mà cắn, thằng trộm nào vô phúc vào nhà này thì hẳn là mất chỗ đội nón! Nhưng chỉ từ mười giờ đêm trở đi, nó mới sủa mà thôi. 

Lúc ấy, cơm bưng lên, để trên bàn ăn. Chủ khách đang mời nhau lại ngồi, thì con chó đã nhảy tót lên bàn, chồm chỗm ngồi trước chủ. 

- Con Lu này được cái lễ phép lắm. Tôi dạy mãi mới được đấy. Này, đĩa đồ ăn của nó đây nhé, cơm trộn với thịt, ngon lành thế này, nhưng tôi chưa cho ăn, thì đố dám ăn. Ngay khuất mắt mình cũng vậy. 

Ông chủ cầm đĩa đồ ăn của con chó, mang ra sân đằng trước. Khách và con vật đi theo sau. 

Con Lu vẫy đuôi, ra dáng mừng rỡ. Ông chủ để đĩa cơm ở giữa sân. Con Lu cúi cổ xuống ngửi. Nó sắp ăn, thì chủ nó mắng ngay bằng tiếng tây: 

- Tăng xông [1]

Thấy không được phụng dưỡng tử tế như mọi khi, con Lu từ từ lui ra. 

- Ta không cần phải coi. Lúc ta ăn xong, mà đĩa này nó vẫn không dám đụng đến đâu. Thôi, mời bác vào xơi cơm. 

Lúc bấy giờ, giá ông chủ có ý một tí, thì chắc đã thấy một vật gì đen đen, lù lù ở ngay ngoài cổng. Đó là một người ăn mày, ngồi bó giò ở đấy. Người ấy đội cái nón toạc tung cả cạp, đã đóng khố, lại mặc cái áo rách cụt cả tay. Thành ra bốn chân tay khẳng khiu, đen thui thủi, dài ngoằng ngoẵng. Cái bị bẹp há hốc miệng, nằm chờ bên cạnh cái dạ dày lép kẹp. 

Người ăn mày chờ đấy từ lâu. Thấy trong nhà lạch cạch tiếng đũa bát, mùi đồ xào theo chiều gió đưa ra, hắn gào lên xin, mà cũng chẳng có ai nghe tiếng. Lúc hai người ra sân, hắn lạy van vã bọt mép. Nhưng hai ông còn đương dở bận chơi với chó, không ai để ý đến người. 

Người ăn mày biết thế, nên lại cố lấy sức để gào to. Nhưng cái tiếng hết hơi của hắn đập đến màng tai ông chủ, thì ông chủ trợn mắt, hầm hầm quát: 

- Làm gì mà léo nhéo lên thế? Làm át cả câu chuyện của người ta! Bước ngay! Không ông đá cho một cái thì chết bây giờ! 

Người khốn nạn im thin thít. Chủ khách bèn vào buồng ăn cơm. 

Lúc ấy, hai con mắt người ăn xin chòng chọc nhìn vào đĩa cơm của con chó. Hắn thèm quá. Nước dãi chảy ròng ròng, không nuốt kịp. Muốn vào ăn trộm một miếng, nhưng chỉ sợ con chó cắn cho một miếng thì chết! Hắn thấy con chó cứ đứng gần đĩa cơm mà không ăn, thì không hiểu ra làm sao. Hắn tưởng con chó chê cơm nhạt, không thèm ăn, thì hắn muốn đánh đổi số phận hắn cho con chó nhà giàu! 

Giá con chó biết tiếng người, hẳn hắn đã lân la đến gần để đánh bạn, rồi kể lể nỗi đói khát, có lẽ, chỗ anh em, con chó cũng động tâm mà lấy tình "nhân đạo" nhường cho hắn đĩa cơm ấy. Hay là vì hắn xù xù ngồi đó, cho nên con chó phải đứng canh chăng? Hắn liền lẩn ra sau cái cột cổng để dòm vào. Một lúc, quả hắn thấy con chó lừ lừ ra nằm chỗ khuất bóng ở cạnh tường. 

Được dịp may, người ăn mày đánh liều dồ ra, tiến gần lại mấy bước. Nhưng con chó lập tức đứng dậy, cũng tiến gần lại mấy bước, vừa đi vừa gừ. Thằng người giương hai mắt nhìn con chó, con chó cũng giương hai mắt nhìn lại thằng người. Thành ra đĩa cơm ở giữa, người tiến thì chó cũng tiến, người lui thì chó cũng lui. Hai bên hầm hè nhau, người lườm chó, chó lườm người đều cùng giữ miếng nhau, như hai kẻ thù không đội trời chung vậy. 

Cứ như thế, không bên nào chịu bên nào. Độ hơn mười phút, người ăn mày cùng thế, nghĩ ngay được một kế. Tay hắn vớ được hòn đá to tướng, thu thu đằng sau, chạy tọt lại đĩa cơm, rón một miếng rõ nhanh, đút tỏm vào mồm. 

Nhưng con chó nhanh hơn. Nó cũng chồm vọt lại, nhẩy xổ lên, há mồm, nhe răng ra cắn. Người ăn mày giơ thẳng cánh tay, nhằm giữa mồm con chó, uỵch hòn đá một cái rõ mạnh. Con chó ẳng lên một tiếng, rồi nhanh như chớp, nó vật được kẻ thù xuống đất, giơ hai chân ra cào mặt và móc mồm. Nhưng nó bị ngay một cái đấm nữa vào đầu. Nó chịu buông thằng người ra, nằm sóng soài, ẳng rầm lên. 

Ông chủ đương ăn cơm, nghe tiếng chó kêu, vội bỏ cả bát đũa, lẫn vợ, lẫn khách, ông cầm đèn hấp tấp chạy ra: 

- Thôi chết rồi! Con Lu làm sao thế này! Ối giời ơi! Nó gãy hai cái răng rồi! Khổ tôi quá! 

Thế rồi thét người nhà váng lên, ông bế con Lu vào. Còn mình thì chạy ra cổng xem ai đánh chó. Bỗng ông trông thấy ở đằng xa, có cái bóng đen đen, chạy nhanh tít, ông bèn bấm đèn ôtô để chiếu theo, thì trông rõ người ăn mày ban nãy đương chạy. 

- À, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng! 

Nói đoạn, ông tắt đèn pha, phóng xe hết sức nhanh để đuổi theo... 
 

KÉP TƯ BỀN

 

Các ngài thích xem hát bội, hẳn chẳng ai là không biết tên Kép Tư Bền. Ấy anh ta chỉ nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta, các khán quan cũng đủ phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp.

Anh ta ở Sài Gòn ra hát ở Hà Nội đã ba năm nay. Vì anh ta có tài riêng mà tính lại thích tự do, nên anh chẳng chịu làm chuyên cho một rạp nào. Nhưng hễ rạp nào khéo dùng anh một độ, là cũng đông khách. Cho nên, tối nào bà con Hà thành đọc chương trình hay xem báo, thấy kép Tư Bền đóng vai giễu là cũng nô nức đi xem. Lắm người đến chậm, phải mang tiền về không, phàn nàn rằng rạp chật quá!

Cho nên những tối hát có anh giúp, thì các hý viện đều trưng lên là buổi hát đặc biệt.

Nhưng đã hơn một tháng nay, anh không diễn ở đâu cả. Vì đã hơn một tháng nay, cha anh ta ốm. Đã hơn một tháng nay, lúc nào trong cái gác tối om ở gian nhà ngay đầu ngõ Sầm Công, cái tiếng rền rĩ của ông cụ cũng hòa lẫn với tiếng rầu rĩ của siêu thuốc mà làm anh Tư Bền phải rầu gan nát ruột, chẳng thiết đến sự làm ăn. Bệnh cha anh càng ngày càng nặng, thuốc thang chữa chạy, nào anh có quản ngại gì. Nhưng cái số tiền để dành của một vai kép dần dần cũng đi bài tẩu mã, đến nỗi anh phải đi vay trước của các ông chủ rạp hát ít nhiều.

Một hôm, ông chủ rạp Kịch trường đến nhà anh ta chơi. Sau một vài câu hỏi thăm chiếu lệ, ông ta nghiêm sắc mặt, nhắc đến món nợ:

- Sao? Cái số tiền đó, cậu đã có để trả tôi chưa?

- Thưa ngài, xin ngài hãy thư cho ít bữa, khi nào thư thả, tôi sẽ đi làm và nộp sau.

Ông chủ bĩu môi, nói:

- Thôi, biết bao lần rồi! Cậu không trả, tôi sẽ đem ra tòa đó.

Anh Tư Bền cười lạt cho xong chuyện, nhưng lại thấy ông chủ ngọt ngào dỗ:

Bấy lâu cậu nghỉ hát ở các rạp, khách nhắc nhở luôn đấy. Vậy cậu liệu liệu mà đi làm ăn chứ?

- Vâng, tôi định thế...

- Tôi mới nhờ một nhà văn sĩ đại danh soạn cho một vở hài kịch theo lối tuồng cổ. Vậy cậu ra giúp tôi vai chính. Vì phi cậu, không còn ai xứng đáng.

- Diễn vở mới thì phải học, thưa ngài?

- Phải, phải học và tập diễn trong độ nửa tháng.

- Trong nửa tháng! Chà!

Anh Tư Bền nhắc lại ba tiếng đó, nhưng trong anh lẩn vẩn nghĩ ngợi biết bao nhiêu điều: Trong nửa tháng, trong mười lăm hôm trời, mỗi ngày anh phải xa cách cha mấy tiếng đồng hồ để đi học diễn. Cha anh ốm. Trong khi anh vắng nhà, ai trông nom săn sóc thay anh? Nghĩ vậy anh đáp phắt:

- Thôi, xin lỗi ông, tôi bận quá mà!

Rồi anh trỏ vào màn và nói tiếp:

- Cha tôi yếu, tôi phải ở nhà.

Lúc ấy, ở trên giường bệnh, ông cụ ho sù sụ, rồi thò tay ra cái ghế đẩu kê cạnh, để với lấy cái ống nhổ. Nhưng lật bật cầm không vững, cụ đánh rơi ngay xuống sàn gác, đờm rãi nổi lềnh bềnh.

Anh Tư Bền giật mình, chạy lại đỡ cha:

- Sao ông không gọi con?

Rồi anh đỡ lấy chổi quét chỗ nước lênh láng đi, đoạn nét mặt rầu rầu, anh nói.

- Đó, ông coi, vắng tôi sao đặng.

- Không, cậu cứ nhận lời giúp tôi, tôi sẽ sai người đến trông nom hộ cậu.

- Đa tạ ông, nhưng tôi không yên tâm.

Lúc ấy, trong màn có tiếng keng keng của chiếc đũa đập vào bát sứ. Đó là hiệu gọi. Anh Tư Bền lật đật chạy lại gần cha. Giọng khàn khàn của ông cụ sai anh rót chén nước.

Nhân muốn gây cảm tình, ông chủ rạp Kịch trường lại gần giường, mở màn, rồi hỏi:

- Chào cụ, cụ có biết tôi là ai không.

Ông già giương hai mắt lên. Rồi như đã nhận biết, bèn nhăn bộ răng ra cười, cái cười khó đăm đăm, và gật gật mấy cái, rồi run lẩy bẩy, giơ tay ra bắt.

Các ngài đừng tưởng rằng ông cụ quen gọi lối tây, nên mới bắt tay đâu. Đến phải nhăn bộ răng ra cười còn là sự bất đắc dĩ nữa là. Nay sở dĩ ông cụ phải bắt tay, vì là tiếp khách theo lối lịch sự của những người mà con mình có nhờ vả.

- Cụ cũng không yếu lắm nhỉ. Sao cậu Tư Bền không nhận lời cho tôi?

Ông cụ hất hàm, có ý hỏi.

- Tôi sắp cho tập vở mới, định nhờ cậu ấy sắm vai chính.

Ông cụ lại nhăn răng ra cười và gật, nhưng anh Tư Bền nói ngay với cha.

- Ông mệt lắm, con phải ở nhà.

Ông cụ cau mặt. Chỉ có anh Tư Bền hiểu. Bởi vì ông cụ chẳng muốn vì mình mà con làm trái lòng người chủ nợ. Ông chủ dỗ dành, nói:

- Cậu cứ giúp tôi đi. Cậu mà nhận lời, thì món tiền ấy, cậu để đến bao giờ cũng được. Còn tiền hỏa hồng khi diễn tấn "Ông huyện ba phải" này, cậu cứ lấy cả để thuốc thang cho ông cụ.

Cái sức làm cho anh kép Tư Bền có thể nghĩ đến sự bỏ cha ốm một mình là ở câu nói ấy. Mà cha anh cũng vì câu nói ấy mà nở nang cả lồng xương ngực. Ông cụ cố thở mạnh mấy cái cho khoan khoái trong lòng.

- Cậu nghĩ sao?

- Nhưng nửa tháng trời! Ai trông nom cho cha tôi?

- À, thôi, thế này thì cậu bằng lòng nhé. Cậu cứ ở nhà mà học vở. Đến hôm diễn thử lần cuối, cậu hãy đến rạp cũng được. Vì tôi biết cậu thông minh và có tài hơn người khác. Tội chi, có dịp trổ tài, vả lại để cho thiên hạ nhớ mong lâu cũng không tiện!

Nghe câu nói sau cùng như được ăn miếng bánh thánh, anh Tư Bền có vẻ nghĩ ngợi. Anh nhìn cha. Ông cụ thấy con còn ngần ngừ, thì lộ ra vẻ không bằng lòng. Cụ nhăn mặt, cố cất lên cái tiếng khàn khàn để gắt:

- Nhận lời đi!

Nói xong, lại ho sù sụ.

Anh Tư Bền cảm động, nhìn ông chủ rạp Kịch trường và trả lời.

- Vâng!

Ông chủ vì chờ cái tiếng vâng này mất nhiều công quá, nên sợ nó không được chắc chắn. Đến hôm diễn, mà cha anh Tư Bền có làm sao, anh cứ vắng mặt ở rạp hát, thì lỡ bét. Ông bắt anh làm giấy giao kèo.

Bà con sính xem hát, hôm đó thấy ôtô quảng cáo chạy rong khắp phố để thả chương trình, và vải căng ở các ngã tư, đều nô nức rủ nhau đi xem buổi biểu diễn đặc biệt, có Tư Bền sắm vai chính.

Tối đến, cửa rạp Kịch trường đèn thắp sáng trưng như ban ngày, chiếu rõ cái cảnh người đứng lô nhô như luống hoa trăm hồng ngàn tía, bướm ong chờn vờn. Trên thềm, dưới bậc, giữa đường, non nghìn thiếu niên nam nữ túm tụm lại, tìm chỗ để đứng ngắm nhau cho đỡ nóng ruột lúc chờ đợi. Tiếng nhạc hòa trong rạp, du dương trầm bổng, chứa chan biết bao tình tứ ái ân, như câu, như kéo, làm cho người ta quên hẳn, mà bất giác moi túi lấy tiền mua vé.

Rồi cái làn sóng người dần dà tràn vào trong. Trên các hàng ghế, chỗ nọ nhắc lại câu bông lơn của kép Tư Bền, chỗ kia bắt chước điệu bộ của kép Tư Bền. Ai nấy đều nóng ruột sốt lòng, mong cho chóng đến giờ mở màn sân khấu, để được cười, được vỗ tay, được học thêm vào lối pha trò mới, để mai làm nhếch mép người yêu.

Vinh dự thay, anh kép Tư Bền! Nhưng mà khốn nạn thân anh! Người ta biết đâu rằng hiện giờ này, ở nhà, cha anh đương dở chứng khò khè, chỉ chờ từng phút để thở một hai hơi nữa là hết nợ, và ở trong buồng trò, anh cũng đương nẫu ruột nhầu gan. Thật vậy, ai ngó vào trong buồng trò mới thấy được cái khổ tâm của anh Tư Bền. Anh ngồi ủ rũ trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì nhăn nhó, nhưng tay vẫn phải sờ vào hộp phấn hồng để đánh mặt, quệt vào đĩa mực để bôi nhọ cái mồm. Rồi anh phải mặc trái cái áo lụng thụng thêu, lận đôi hia xanh và đội cái cánh mũ chuồn ngược. Anh đóng vai này, trông ra phết giàu sang sung sướng. Chốc nữa, anh còn phải làm cho chủ anh bằng lòng, các bạn anh trông anh mà gắng sức, các khán quan được một phen cười vỡ bụng vỗ rát tay kia mà! Nhưng mà cha anh Tư Bền sắp chết! Ban nãy lúc anh ở nhà ra đi, đã thấy nguy lắm rồi. Thôi! nhưng mà mặc kệ. Anh phải quên đi, mà bông, mà đùa, mà pha trò trên sân khấu, cho chúng tôi cười, hét lên mà cười, cười đến nỗi lăn ra cả đất chứ?

*
*  *


Một hồi chuông vừa dứt, màn kéo lên. Một tràng vỗ tay đôm đốp như pháo nổ để hoan nghênh ông chúa khôi hài. Anh Tư Bền lững thững bước ra, cúi đầu chào, rồi đứng thần người ra như phỗng một lúc. Tiếng reo, tiếng hò, tiếng vỗ tay lại làm dữ hơn trước! Mà khách quan thấy anh ăn mặc ngộ nghĩnh, cái mồm bôi nhọ nhem, thì ai nhịn cười được! Càng thấy anh đứng yên, họ càng được ngắm, và cho là anh muốn pha trò như thế, nên càng cười già! ác thật! Vai anh Tư Bền hôm ấy cứ phải đứng trên sâu khấu. Nhất là anh phải làm nhiều điệu bộ hơn mọi khi. Lắm lúc còn phải rặn ra mà cười ha hả!

Hết cảnh đầu. Sao mà lâu thế! Anh được nghỉ một chốc, mới nhờ người về xem tình hình cha anh ra làm sao. Rồi anh lại phải ra trò. Anh lại phải hò, phải hét phải dằn từng tiếng, phải ngân từng câu, phải làm những điệu bộ, phải cười ha hả như cảnh thứ nhất. Người xem hát thì cứ trông thấy anh là cũng đủ cười rồi. Nào họ có để ý và nhìn rõ đâu được cái vẻ lo âu của anh, nó hiện ra ở trước mắt. Bỗng khi anh đương phệnh phạo trên sân khấu, khi người ta đương vỗ tay đôm đốp, thì anh nghe thấy có người ở trong phòng nói ra:

- Nguy hơn ban nãy. Đã cấm khẩu rồi!

Cha anh cấm khẩu rồi! Đành vậy, nhưng chính là bây giờ mới nhiều cái vui trò. Khán giả dưới kia, hàng mấy nghìn con mắt, đương chăm chắm vào anh và im phăng phắc. Họ chỉ chờ anh há miệng là họ được lăn ra mà cười và vỗ tay mà thôi.

Cảnh thứ hai cũng lâu như cảnh đầu, mãi mới hết. Lúc anh đang ngồi thừ trong buồng trò, thì anh lại nhận được tin báo nữa, là hiện nay cha anh đã mê đặc, chân tay lạnh cả rồi.

Còn gì đau đớn hơn cái tin ấy nữa! Anh Tư Bền bỗng ứa hai hàng nước mắt, rồi khóc nức nở:

- Cha ơi!

Ông chủ thấy vậy, sợ quá. Anh mà bỏ dở vở kịch đương vui thì nguy. Ông cố khuyên giải, và cấm không ai được báo tin gì cho anh biết hết.

Sân khấu bài trí đã gần xong. Ông chủ bắt anh đánh lại tý phấn cho thêm xuân sắc, và sửa lại bộ áo mũ cho có vẻ ngộ nghĩnh hơn. Ông thấy anh vừa dắt lại dải áo, vừa sụt sịt mếu máo, thì bắt anh im đi, chùi nước mắt. Rồi ông đẩy anh ra sân khấu. Anh lại phải hò, hét, ngâm, cười, múa, nhảy, để mua gượng lấy những tràng vỗ tay. Cái cảnh thương tâm của anh Tư Bền, đi đôi với cái bông lơn, cứ diễn ra mãi, mỗi chốc lại càng thương tâm hơn lên. Mà càng thấy vắng bặt tin nhà, ruột anh càng nhàu như dưa, xót như muối.

Cái cảnh cuối cùng mà anh cho là lâu tới, thì khán giả cho anh là chóng quá. Cho nên khi sắp hạ màn, anh cúi chào, thì cả rạp vỗ tay đôm đốp thật dài, dài mãi. Anh tưởng phen này quyết hết nợ, quyết được về cạnh giường bệnh của cha để nhìn mặt cha một lượt sau cùng trước khi tắt nghỉ, thì ở hàng ghế hạng nhất, người ta kêu ầm:

- Bis! Bis! (1)

Ông chủ rạp lại cho kéo màn lên. Anh Tư Bền lại phải giấu bộ mặt rầu rầu mà anh thích - vì nó hợp với tâm lý anh hơn, - để vui vẻ mà diễn lại đoạn cuối lượt nữa.

Rồi khi bài kèn chào nổi lên, hồi vỗ tay sau cùng như làm vỡ rạp. Cái màn từ từ buông xuống. Anh cúi đầu thong thả chào. Nhưng bao nhiêu người, chẳng để chậm thì giờ, đã tranh nhau chạy lên gần anh. Người thì tặng hoa, người thì bắt tay, người thì véo mũi, người thì khen. Làm cho anh ruột càng như thiêu đốt.

Khi không còn phải thở dài để hoan nghênh những cái hoan nghênh của công chúng, anh Tư Bền mới lật đật chạy vào buồng trò, cởi vội mũ áo và rửa quàng mặt mũi.

Lúc ấy, trong khi anh đang rối beng nghĩ đến cha anh, không biết bây giờ đã lạnh tới đâu, thì một người bạn hát chạy đến, vội vã ấn vào tay anh tập giấy bạc của ông chủ để sẵn cho anh, và nói:

- Mau mà về. Anh Tư! Hỏng từ ban nãy mất rồi! Khốn nạn thân anh quá! 

 

THẾ LÀ MỢ NÓ ĐI TÂY
 

Cậu. 
Trời ơi, thực là tôi để lụy đến cậu! Nếu biết trước rằng cảnh ly biệt nó xé tan nát gan ruột tôi như thế này, thà cứ chịu ở nhà dạy học, đỡ cậu mỗi tháng ba bốn chục bạc lương, thì được gần gụi gia đình, sớm tối vui thú với cậu, với con, việc gì đòi xuất dương du học, đến nỗi bây giờ vất vả một mình, thân gái dặm trường, khóc thầm với bóng! 

Từ lúc con tàu chạy xa, nhìn vào bờ, chỗ cậu đứng bế con, chỉ thấy cái mùi soa bay phấp phới mà thôi, thì tôi bồi hồi tấc dạ, giọt lệ khôn cầm, tâm sự ấy bút nào tả xiết! Chỉ tiếc ngày thường không chịu nghiên cứu văn chương An Nam, để lúc ấy tôi làm một bài thơ kỷ niệm sự biệt ly!

Vào đến buồng, nằm lả trên giường, tôi không buồn dậy nữa. Đã toan lấy bút ghi chép mấy câu vào quyển sổ tay, nhưng thảm quá, nước mắt đã tràn trụa, không nghĩ ra câu nào mà viết! Cậu ơi! Cậu có làm thế nào cho tôi đỡ nhớ không?

Nhưng nay biết làm thế nào bây giờ? Con tầu ác nghiệt nó cứ mỗi lúc một làm cho mình xa nơi xứ sở thân thích, rồi nó lại che kín bằng bức màn sương. Nghĩ lại lúc mới cạo răng, mặc bộ quần áo đầm, lúc mới bước chân xuống tàu, trong bụng hăm hở thế nào, thì bây giờ nhớ đến cái tình vợ chồng, cái tình mẹ con, tối tối được xum họp cùng nhau dưới ngọn đèn, thì ruột tôi lại cũng đau như cắt thế!

Nhưng đã trót đi thì cứ dấn, tôi không nản chí đâu, cậu ạ! ở Hà Nội, thì chín khoa đã trượt cả, thì sang Tây phen này, ba năm ắt giật được mảnh bằng tú tài. Cậu sẽ chẳng xấu hổ mất tiền cho vợ du học đến nỗi tay trắng về không. Tôi buồn thực. Nhưng buồn bao nhiêu, tôi nhớ cậu bấy nhiêu. Tôi nhớ cậu bao nhiêu, tôi lại càng không dám phụ công cậu nuôi cho ăn học.

Thằng chó con, trông ảnh nó, tôi nhớ nó quá! Nó có hỏi tôi luôn không? Nó có biết rằng mợ nó đi Tây không? Mấy hôm nay, nó có hay quấy không? Cậu nhớ cho nó chủng đậu đi nhé. Mẹ tôi ở nhà có buồn không? Nếu cậu thương nhớ tôi, thì nhờ cậu thay tôi, thỉnh thoảng đi lại khuyên giải mẹ tôi cho khuây khỏa. Viết đến đây, nghĩ đến mẹ già, tôi lại tủi. Chẳng may nhà nghèo, đến nỗi bao nhiêu phí tổn đi Tây học, tôi để phần cậu chịu cả! Tôi thương cậu quá. Thực là một người chịu khó nhọc một mình để kiếm lương nuôi vợ đi du học như cậu, ít có lắm.

Nhưng cậu cũng nên thương tôi mà đừng chơi bời gì cả. Lúc nào cậu cũng nên nghĩ đến tôi, thui thủi quê người, vì thương cậu mà đêm ngày cố công đèn sách. Tôi nói thế, chứ chắc chả đời nào cậu lại phụ lòng yêu của tôi nhỉ! Quái, sao hôm nay tôi thấy lao đao thế này, hay là say sóng rồi đây?

À quên, cái hộp phấn của tôi dùng dở để ở bàn, cậu cho mang lại đằng chị Diệp hộ, vì chị ấy xin, mà tôi quên đi mất.

Xin chúc cậu và con mạnh khỏe luôn.
Tạ Tuyết Anh

 

* * *



A bord du Chantilly, le 1er Janvier 1928

Cậu,


Những thư trước tôi gửi về, chắc cậu tiếp được cả rồi. Lá thư thứ nhất và thứ ba, có lẽ cậu xem lấy làm buồn lắm thì phải. Sự đó tôi cũng biết lỗi, đáng lẽ người đi phải yên ủi kẻ ở bằng những câu vui vẻ, chứ tôi lại kể nỗi lòng thương nhớ chồng con, cho cậu phải phiền, thật bây giờ tôi lấy làm hối hận quá. 

Gần tới Marseille rồi, cậu ạ. Từ khi con tàu qua kênh Suez, vào địa phận bể Méditerranée tới nay, tôi thấy phấn chấn trong lòng lắm. Trời tây bảng lảng bóng vàng, cái không khí êm đềm, nhẹ nhõm, làm cho tôi được thấy như khỏe mạnh hơn. Nhất là từ khi tôi được quen mấy bà người Pháp cùng đi một chuyến, thì những lúc nhớ nhà, nói chuyện cũng được khuây buồn. Cho nên càng khuây buồn bao nhiêu, tôi càng nhớ đến cậu bấy nhiêu. Chỉ thương cho cậu lúc này, có lẽ đang nằm thừ trên giường mà nghĩ đến vợ, lênh đênh giữa bể, không biết có bình yên mạnh khỏe không. Nhưng cậu nên yên tâm nhé. Vợ cậu buồn thì vợ cậu được thở than với bạn được viết thư nói chuyện với cậu, chứ những lúc cậu nhớ vợ cậu thì cậu than thở cùng ai? Cậu chỉ ngậm mối sầu trong bụng mà không viết được ra thư, vì thư của cậu dù có gửi ngay, tôi cũng chưa tiếp được! Sự đau lòng mà không tỏ ra được mới thật là nên thương! 

Quái tôi lại nói chuyện buồn rồi! Thế nào? Hôm lễ Noel vừa rồi, cậu có mua cho con thức gì cho nó chơi hay không? Hôm nay cậu có đi chào Tết hay không? Chào những ai? ở dưới tàu, sáng ngày, hành khách cũng tụ họp để chúc nhau, vui đáo để. Mẹ tôi vẫn được mạnh khỏe đấy chứ? Cậu đã khỏi thực đau mắt chưa? Hỏi thế khí lẩm cẩm, ngót một tháng rồi, còn gì mà chưa khỏi nhỉ! 

Thôi, hôm nào tới Marseille, tôi sẽ đánh dây thép báo cậu biết. 

Vợ yêu cậu
Tuyết Anh

 

* * *



Aix-en-Provence, le 7 Janvier 1928 

Cậu,


Ban nãy tới Marseille, tôi đã đánh dây thép về cho cậu biết rồi. Chắc cậu đã tiếp được hơn một tháng nay, mà biết đâu, trong khi cái thư này vượt biển về Hải Phòng, nó không gặp cái thư của cậu gửi cho tôi sang Pháp. Thế mà chúng nó không bắt tay nhau, tệ nhỉ!

Tôi tới Aix mới được hơn một giờ đồng hồ! Tuy trong người vẫn còn lao đao như khi ở dưới tàu, nhưng không thể nào ngồi yên mà không thảo vài câu để nói chuyện với cậu biết được. 

Ông bà Madron ra tận Marseille đón, cậu ạ. Ông bà ấy vẫn vui vẻ như xưa, duy ông ấy thì trông khác trước vì bây giờ cạo trụi cả râu đi rồi. Ông bà ấy nhận ra tôi chứ giá để kệ, có lẽ tôi không biết ông ấy nữa. Bà ấy có hơi già hơn trước, và nói rằng từ ngày về Pháp, thì sự làm ăn có vất vả hơn ở Hà Nội ta. Thằng Robert nó còn nhớ tôi! Bây giờ nó lớn lắm, bằng con người ta lên mười ấy! Ông bà Madron được mấy chai nước mắm của tôi biếu thì mừng rơn, nói rằng từ ngày về Tây, chỉ nhớ nhất là thứ đồ ăn đặc biệt ấy. Ông bà ấy quý lắm, đem cất kỹ vào trong tủ.

À quên, từ Marseille đến Aix, chỉ có 29 km thôi, chứ có phải 39 km đâu mà trước cậu cứ cãi mãi. Tôi đi xe điện chứ không đi xe lửa, chỉ độ ngót một giờ thì tới. Hai bên đường phong cảnh đẹp lắm, nhưng vì tôi mệt, nên chưa quan sát kỹ, để một thư sau, tôi sẽ tả rõ. 

Mai tôi nhờ ông Madron giới thiệu hộ với giáo sư Bourguignon độ đến tháng Octobre này thì có thể thi vào lớp 1ère ở Lycée Mignet được. 

Kính chúc cậu và thằng chó mạnh khỏe,

Je t'embrasse
Tuyết Anh

 

* * *



Aix, le 12 Janvier 1928

Cậu, 

Từ nay, cậu viết thư cho tôi, thì cứ đề về No 2 phố Eméric David là nhà tôi thuê. 

Tôi sở dĩ phải thuê nhà, là vì ở đằng ông bà Madron chật quá, không có chỗ tĩnh để học, mà chính bà Madron giữ ý, không muốn để tôi ở đằng ấy. Nhưng thế là tiện lắm. Nhà thuê mất 200 f một tháng. Rẻ đấy, vì chủ nhà là người bà con với ông Madron. Chỗ ở xinh lắm, lại được gần nhà hội quán của tụi học sinh An Nam, số nhà 25. Từ nhà tôi đến nhà ông Bourguignon cũng gần. Ông Bourguignon ở đầu phố, giáp ngay Cours Mirabeau. Mỗi khi tới đây, thấy xe điện chạy về phía Marseille, thì tôi lại nhớ nhà lắm. Nhất là ở trước cửa nhà trọ, có một cái cây sao mà giống cái cây trước cửa nhà ta thế! Cũng có cái cành cụt, trước cậu vẫn bảo như cái nắm tay giơ ra để ục nhau ấy mà! 

À, gớm chiều hôm nay, ở Café Leaydet, gần phố tôi ở, có một chuyện xảy ra ghê cả người. Có hai người học sinh ta họ cãi nhau về nghĩa lý văn bài thế nào, thành ra to tiếng. May có anh em vào can mới yên. Học sinh An Nam ta, cứ chiều tối là hay ngồi đó. Học sinh người mình ở Aix có độ ngót trăm. Nhiều người học hành xuất sắc lắm, nhưng lắm bố con nhà giàu thì chỉ chơi bời mà thôi! Có ít người cũng ở phố David, vì gần hội quán, lại gần Lycée Mignet, đi độ 5, 6 phút thì tới. 

Tối mai, bà Madron rủ tôi đi xem cinéma, cách chỗ tôi ở một quãng, tôi đã nhận lời. Tôi xin thề rằng sẽ hết sức học hành để khỏi phụ lòng cậu trông cậy, xin cậu yên tâm. Ông Bourguignon giỏi khoa văn chương lắm, nghe ông giảng như nước chảy, mê cả tâm thần! 
Chắc vài hôm nữa, tôi sẽ tiếp thư cậu. ở nhà có việc gì lạ, xin cậu đừng giấu tôi. 


Tạ Tuyết Anh
 

* * *



Aix, le 4 Février 1928

Cậu, 


Đọc thư cậu, nước mắt tôi tràn trụa đầy cả ra giấy. Trời ơi! Biết thế này, thì tôi chẳng đi Tây cho nó đành! 

Thôi cậu ạ, cậu có thương tôi, thì cậu nên nghe tôi, cậu đừng đi làm thêm giờ nữa. Vẫn biết mỗi tối làm thêm vài giờ chẳng là bao, cuối tháng cũng được ba bốn chục bạc phụ cấp, nhưng cậu cứ cặm cụi quá sức thế thì đến kiệt lực mà ho lao mất! Cậu có khỏe gì bằng ai, tôi tưởng chả nên tham việc quá thế. Thì ra chỉ tại tôi mà đến nỗi một mình cậu vất vả, cậu làm cho tôi thương cậu đến nỗi ốm mất. 

Cậu ơi! Cậu nên tĩnh dưỡng, nên coi sức khỏe làm trọng mới được. Lương cậu hiện đã được 140 đồng mỗi tháng, chỉ phải gửi cho tôi có 80 đồng, còn ăn tiêu ở nhà cũng tiệm đủ rồi, thì thôi, tôi xin cậu, đừng nên quá tham, lỡ có mang bệnh, lại để tôi ân hận suốt đời vì con vi trùng ho lao có nể người tốt bụng đâu? 

Nếu cậu không nghe tôi, thà rằng cậu cho tôi xuất tàu để tôi về còn hơn. 

Nhân tiện xin nói để cậu biết, cậu nghĩ vậy mà khuyên tôi như thế cũng là phải. Nhưng tuy tôi là thân gái một mình ở nước tự do, song, xin cậu biết rằng ở đây tự do thật, nhưng là cái tự do có giáo dục, chứ không như ở bên ta đâu. Vả lại bao giờ đi ra ngoại quốc cũng phải giữ sĩ diện cho nòi giống chứ. Tôi nói quá như thế để cậu yên tâm, chứ nào cậu có ngờ gì tôi đâu. Xin cậu biết cho rằng không phút nào là tôi không nhớ cậu, nhớ con, là hai người thân nhất của đời tôi. Trừ những khi mắt để vào quyển sách, thì lúc nào tôi cũng nhìn lên ảnh cậu và ảnh con để ngay trước bàn mà ngắm cho khỏi nhớ. 

Ở đây, tháng Février này rét lắm. Sáng hôm nay có mưa tuyết. Chiều đến, ở Cours Mirabeau, trẻ con nắm tuyết ném nhau trông thật vui mắt. 

Mưa tuyết xong, tiếp luôn mấy trận gió mistral thổi rét thấu xương. Đường phố lội nhơm nhớp, bẩn quá. à, tôi đã nói chuyện cho cậu nghe cái lối đỗ ôtô ở phố chưa nhỉ? Mới trông lạ mắt, buồn cười lắm. Nó không đỗ theo dọc đường, sát hè phố như bên ta đâu. Xe nào cũng đứng ngang đường, quay mũi ra ngoài. Bây giờ trông quen, không thấy lạ nữa, mấy hôm đầu, đi sát vào mũi, tưởng hình như nó sắp xéo bẹp mình! Cậu đã nhận được áo đan chưa, sao không thấy nói trong thư? Cậu viết cho tôi đi, dài vào nhé! Nhớ cậu quá! 

Tuyết Anh 
 

* * *



Aix, le 2 Mai 1928

Cậu,

Khốn nạn thân tôi, sao cái tin đau đớn của tôi, cậu không báo cho tôi biết bằng dây thép. Đành rằng mẹ tôi chết, dù có biết sớm cũng không làm gì được, nhưng sao cậu ác nghiệt quá thế, trời ơi! 

Cậu ơi! Tôi bất hiếu quá, mà ông trời kia sao khéo lừa dối tôi làm vậy, bắt tôi đi xa rồi đem mẹ tôi đi đâu? 

Ông bà Madron thấy tôi có tin buồn, sang khuyên giải và tiêm cho tôi liều thuốc bổ. Bây giờ tôi không mê man như lúc mới tiếp tin nữa. Khốn nạn, dù tôi có than khóc hết hơi cũng không sao thấu được đến cửu tuyền, để yên ủi linh hồn mẹ. Sao tôi chẳng được chết đi cho rồi! 

Nhưng đến trường hợp này, tôi mới rõ bụng cậu. Thực là ít thấy có. Mà nhà tôi cũng là đại phúc, nên trời kia xui khiến tôi được hầu hạ cậu. Mẹ tôi chẳng may chết đi, có tôi là lớn lại đi vắng, nhưng được cậu ở nhà, lấy tình rể cũng như con, mà cáng đáng lo lắng cho các việc ma chay, cái ơn trời bể ấy, tôi biết lấy gì đền lại. Tôi chỉ khấn cho cậu sẽ được trông thấy tôi công thành danh toại, một mai về nước, đem tiếng thơm về đền ơn trả nghĩa cậu mà thôi. Nếu kiếp luân hồi mà có thực, thì tôi xin cả kiếp sau cũng tìm được cậu để được trả nghĩa cho trọn cái ơn này. 

Cậu ơi, tôi nói không sao xiết ý được. Mà nhất là trong lúc tôi gặp cảnh đau đớn này, thì tôi chỉ biết than thở, khóc lóc mà thôi. Còn thằng em bé tôi đấy, tôi cũng xin cậu trông nom cho nó được nên người, để tôi yên tâm học tập. Xin cậu vì thương tôi mà thương đến nó, chứ bây giờ tứ cố vô thân, nếu cậu không đoái hoài đến nó thì thật không còn bấu víu vào đâu được nữa. Khốn nạn cho tôi, ở vào cái cảnh nghèo! Tôi nghẹn lời, không sao viết được thêm nữa. 

À, thư trước viết bằng tiếng tây là ý để cậu biết sức học của tôi bây giờ thế nào, chứ có dám nghĩ như thế đâu, cậu miễn trách cho. Cậu đừng chơi bời gì nhé, nên thương đến tôi. 

Vợ khốn nạn của cậu 
Tuyết Anh trăm lạy
 
 

* * *



Aix, le 29 Juillet 1929

Cậu,


Thế nào? Sao cậu không mời docteur cho con, uống thuốc ta, tôi tưởng chả ăn thua gì đâu. Nhưng nó cũng mệt xoàng thôi đấy chứ? Đầu tháng này, có kết quả kỳ thi tú tài, tôi trông thấy người đỗ, mà lại lo, chẳng biết sang năm, số phận mình ra sao.

Nhưng mà xem ra tôi học tấn tới lắm, cậu ạ. Cậu cứ yên tâm mà làm ăn. Cái bát họ của chị Tham, cậu nhận như thế cũng phải. Thà mua sớm mà trả nợ, còn hơn là để nó dây dưa, rồi đến hẹn, phải lo một món to. Cậu cứ chịu khó ăn sẻn để dành, nay mai phúc nhà còn vượng, tôi đỗ về, thì lúc bấy giờ ta làm giầu!

Nghĩ đến tương lai thì phấn chấn trong lòng, mà nghĩ lại riêng mình cậu khó nhọc, thì tôi lại đau từng khúc ruột. Vì tôi mà cậu mang công mắc nợ, một mình lo lắng năm canh! Nào cho tôi đi học, nào lo lắng ma chay cho mẹ vợ, nào nuôi cho em vợ đã đỗ được nên người.

Độ này cậu phải đi làm thêm như thế có mệt lắm không? Cậu nên mua thuốc bổ mà uống. Nếu không thì lại đằng ông lang Hai mà mua lấy mấy lạng cao ban long để ăn. Cậu chớ nên coi thường sức khỏe làm vậy.

Năm nay ở bên này nắng lắm, cái nắng khô khan ở miền Nam này, lắm lúc tôi cũng thấy khó chịu, nhưng vẫn được mạnh khỏe.

Tôi gửi theo đây gói đồ chơi cho con, nó mừng rỡ thế nào, cậu cho tôi biết. Cái ảnh cậu mới gửi sang, sao tôi trông gầy thế? Mà mũi con có vết gì đau, hay cái vết sờn trong ảnh, cậu cho tôi biết.

Tôi khỏi ốm ngay tối hôm tôi viết thư về cậu. Nếu biết rằng cậu lo, thì tôi chẳng nói cho xong.

Mille baisers 
Tuyết Anh

 

* * *


Aix, le 15 Aout 1930

Cậu,


Thật là từ ngày tôi sang bên này tới nay, tôi tiếp thư nào ở nhà cũng lấy làm buồn bực, ân hận. 

Ai ngờ vừa tháng trước đánh dây thép báo tin đỗ cho cậu biết, thì nay đã tiếp được tin cậu như sét đánh ngang tai. 

Thế nào, cậu ho ra làm sao mà có máu thế? Tôi nói có sai bao giờ đâu. Cậu chả nghe tôi, cậu chả bổ dưỡng sức khỏe, để đến nỗi mang bệnh vào mình. Nếu cậu ho lao, thì cái vô phúc, trăm phần tôi xin chịu cả. Thà rằng tôi chết cho cậu được sung sướng, còn hơn tôi để cậu phải cáng đáng một mình hết nỗi nọ đến nỗi kia. 

Cái ảnh phổi cậu chụp xong, cũng cho tôi xem với. Nếu thầy thuốc chiếu điện mà đã nói thế, thì tôi tưởng chỉ nên nghỉ việc đi là hơn. 

Nhưng làm thế nào? Cậu trồng cây sắp tới ngày ăn quả. Đến sang năm, tôi thi nốt phần thứ hai kỳ tú tài rồi, vậy cậu nghĩ tôi thế nào, tôi cũng xin vâng theo. 

Ở bên này, ông Madron mấy hôm nay cũng ốm, đến nay bệnh vẫn chưa thấy lui. 

Thì ra xung quanh mình, tôi chỉ thấy những sự buồn mà không đủ sức để can ngăn nó được. Tôi khổ lắm! 

Bệnh tình cậu hiện nay thế nào, từ nay xin cứ mỗi kỳ tàu, cậu nhớ cho tôi biết. Con thế nào? Vẫn chơi ngoan đấy chứ? Chuyện gì bí mật mà tôi hỏi trong ba bức thư luôn, cậu chưa trả lời thế? Đừng chơi bời gì nhé! 

Nay kính thư 
Tuyết Anh
 

* * *


Aix, le Septembre 1931

Thưa cậu,


Tôi bất đắc dĩ cầm bút viết bức thư này để tạ tội cùng cậu, xin cậu tha thứ cho người vợ bạc bẽo, phản bội này. 

Tôi chịu ơn cậu rất nhiều, cũng mong đến ngày công thành danh toại, về để hầu hạ cậu, giúp đỡ cậu trong lúc ốm đau. Nhưng mà... tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi, cậu cũng cầm lòng như tôi hư mà cậu bỏ tôi từ trước, hoặc duyên đôi ta giữa đường đứt quãng, thì từ nay xin cậu coi tôi như không có nữa mà thôi. 

Sự vợ chồng ông trời đã định sẵn, có lẽ duyên nợ của cậu với tôi, đã hết từ ba năm trước, lúc đưa nhau ở bến tàu Sáu Kho. 

Cậu cũng đừng nghĩ, đừng tìm tôi nữa, tôi sẽ ở Nam Kỳ với một người bạn học tôi mới đậu Y khoa bác sĩ. 

Nay vĩnh quyết 
Tuyết Anh

 

 

ĐỒNG HÀO CÓ MA

 

Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. Thuyết ấy sai. Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả. Thì đấy, các ngài cứ hãy nhìn ông huyện Hinh, hẳn các ngài phải chịu ngay rằng tôi không nói đùa. 
Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm ra nói một câu sáo rằng: "Nhờ bóng quan lớn", là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. Tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp. Mà rồi thằng khốn nạn ấy, ông truy cho đến kỳ cùng, không còn có thể làm ăn mở mày mở mặt ra được. Bởi vì ông có sẵn trong tay hàng mớ pháp luật, thì ông ngại gì không khép thằng bảo quan béo vào tội "làm rối cuộc trị an". Thế là việc công việc tư, ông đều được trọn vẹn. Vì không những ông được hả giận, lại còn được tiếng mẫn cán là khác nữa. 

Nhưng cớ sao từ ngày xuất chính tới nay, hai mươi năm trời rồi, ông vẫn còn lẹt đẹt tri huyện mãi. Cái đó không quan hệ. Các bạn học cùng ông, họ đều thăng đường quan cả, vẫn thường phàn nàn hoạn lộ quá chậm chạp của ông. Trước mặt họ, nghe câu nói thành thực ấy, ông chắp tay, cúi đầu, làm ra vẻ buồn rầu. Nhưng lúc quay lưng đi, ông bĩu môi, chửi thầm một câu, bụng bảo dạ: 

- Làm bố chánh có vặn xỉ ra mà ăn! 

Lý lịch của ông huyện Hinh cũng xấu thật. Bởi vì ngồi huyện nào, ông cũng bị dân kiện. Mà quan trên xét ra ông lại trễ nải việc quan. Đời làm quan của ông chỉ có hai việc chính: đánh bạc và chơi gái. 

Năm nay, ông đã ngoại tứ tuần. Ông vẫn lấy cái tuổi của ông để lên mặt tiền bối, khinh những ông huyện trẻ khác, nếu tụi này dám chỉ coi ông là bậc ngang hàng. Ông liền khoe thằng Cả nhà ông đã hai mươi nhăm, rồi ông cặp ngón tay trỏ và ngón tay cái với nhau, vê vê trên mép. Trên mép ông, ông đã bao công trình mới cấy được từng ấy râu. Ông để râu, cho khác hẳn với tụi huyện trẻ nhãi. Nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá, nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá, đến nỗi râu không có chỗ nào lách ra ngoài được. Đến nỗi năm bốn mươi tuổi, mà mặt ông nó cứ nhẵn thín như thường. Ông bực mình, bèn ra lệnh cấm thợ cạo lia lưỡi dao lên môi ông một dao, để ông nuôi râu. Thì sau hết, những lông tơ nó cũng dài ra, và trông rõ hơn. Và đến bây giờ, đứng ở hai bên miệng ông, nó thành hai cái dấu chua nghĩa (...). 

Buổi hầu sáng hôm ấy. 

Con mẹ Nuôi, tay cầm lá đơn, đứng ở sân công đường. Nó hớt hơ hớt hải qua cổng chòi, rồi sợ sệt bỡ ngỡ, không biết quan ngồi buồng nào. Bỗng một người mặc áo cánh nái nhuộm vỏ già chạy xồng xộc đến trước mặt nó, và hỏi: 

- Đi đâu? 

Con mẹ biết ngay rằng đó là cậu lính lệ. Và như hiểu rõ phép vào quan, nó giúi đưa cậu lệ hai hào đã cầm sẵn ở trong tay, rồi nói nhỏ: 

- Nhờ cậu bẩm quan cho tôi vào hầu. 

Cậu lệ tuy đã cầm tiền, nhưng làm như ta không để ý đến việc nhỏ nhen ấy, bèn vừa thò tay, vừa nói to: 

- Đưa xem đơn, việc gì? 

Rồi trong khi nhà Nuôi kể lể, thì cậu lệ đánh vần để đọc lá đơn. Đoạn cậu lắc đầu, nhăn mặt bảo: 

- Vào kia, nhờ bác nho Quý bác ấy làm hộ cho. Đơn này không được. 

Con mẹ tái mặt, hỏi: 

- Không được thế nào, thưa cậu? 

Cậu lệ giơ hai tay ra giảng: 

- Nghĩa là nếu nhà chị muốn việc chóng xong, nghe chưa? 

- Thưa cậu, cậu cứ vào trình quan hộ. Chả nói giấu gì cậu, nhà tôi bị mất trộm hết sạch cả đồ đạc lẫn tiền nong. Sáng nay, vay mãi mới được đống hai bạc, để đi trình quan, cậu làm ơn thương hộ cho. 

Cậu lệ nhìn nét mặt nằn nì của nhà Nuôi, song vẫn thản nhiên: 

- Tôi bảo nhà chị không nghe thì tôi mặc kệ. Tôi thấy nhà chị ăn mặc thế này, lại bị lúc vận hạn đen đủi, tôi lại chẳng động lòng hay sao? Nhưng ở đây, cái lệ nó thế. Tôi tử tế, nên bảo trước. Nếu nhà chị không theo, thì quan quở, chớ có trách tôi đấy. 

Muốn chứng thực lời nói của mình, mẹ Nuôi cởi nút dải yếm ra, rồi xỉa năm đồng hào đôi còn lại lên gan bàn tay, và nói: 

- Đây này, chẳng tin, cậu đếm mà xem, chỉ còn vừa vặn tiền trình thôi. 

Cậu lệ lắc đầu. Con mẹ vừa buộc lại tiền, vừa nhăn nhó, van lơn: 

- Lạy cậu, thương cháu, cho cháu được nhờ. Cậu cứ vào bẩm quan hộ. Hễ quan bắt làm lại đơn, thì cháu xin ra nhờ bác nho Quý ngay. 

Bỗng một tiếng chuông gọi. Cậu lệ dạ giật một tiếng, rồi ù té chạy. Con mẹ Nuôi nhìn theo, biết rằng buồng quan ngồi ở chỗ ấy. Nó đánh liều tiến đến, vừa tiến, vừa lo. Nó bước chân lên thềm, trống ngực bắt đầu nổi mạnh. Nó đã trông thấy quan. Nó lại sợ nữa. Vì lo sợ quá, nên quên đứt rằng chính nó đi trình việc mất trộm. Nó lại tưởng như nó là đứa trộm vậy. Nó rón rén, đứng nép vào cạnh cửa, thập thò, ghé vào trong, và lắng tai nghe. Nó thấy quan đang dặn cậu lệ xuống bảo nhà bếp ninh cho thật dừ cái chân giò. 

Và đến khi cậu lệ dạ tiếng cuối cùng và đi vào sân sau, mé cửa trong, thì nó hiểu ngay rằng đã mất toi hai hào cho thằng xỏ lá nó chẳng bẩm cho mình một tiếng nào. 

Bỗng hai con gà tây béo sù quàng quạc kêu ở sân trước. Nó thốt giật nảy mình. Quan đang ngồi, choàng một cái, ngài đứng dậy, chạy vội ra hiên, đứng ngay cạnh nhà Nuôi, và gọi váng: 

- Có đứa nào đấy, lừa hai con gà vào cho tao! 

Tức thì, người ta chạy tán loạn để xua gà, và nhà Nuôi thì chắp hai tay, quỳ ngay xuống gạch, và nâng ngang đầu cái lá đơn. 

Khi đôi gà đã chạy về, quan bèn nhìn con mẹ và bảo: 

- Vào đây. 

Nó mừng quá, lóp ngóp đứng dậy, vội vã theo vào trong buồng giấy. 

Nó đứng ở cạnh bàn, run lên bần bật. Nó liếc nhìn quan. Ngài oai vệ quá. Nó lại sợ hơn nữa. Nhưng dù run hay sợ, nó cũng không quên được việc vi thiềng quan. 

Nhưng tiền trình diện quan, nó lại buộc vào trong dải yếm. Nó cởi ra mới lấy được. 

Nó mới lúi húi rút cái nút buộc ra. Nó sợ quan chờ lâu, nên phải vội vàng. Mà vì vội vàng, lại lo quan gắt, nên nó lóng cóng. Cái nút vừa xổ ra, thì loẻng xoẻng, cả món tiền rơi tiệt cả xuống gạch. 

Năm đồng hào đôi nảy lên mấy cái, và từng ấy tiếng kêu làm nó giật mình. Tự nhiên, nó choáng cả người và hoa cả mắt. Nó cúi nhìn chỗ nhiều hào rơi nhất, ngay bên cạnh nó. Đồng thì chui nằm ẹp gần chân nó, đồng thì xoay tít mấy vòng, đồng thì bắn ra góc buồng. Mấy đồng nữa thì thi nhau lăn ra tận chỗ xa. 

Nó không thấy quan nói gì, nên cũng hơi tĩnh tâm. Nó bèn cúi xuống để nhặt tiền. Một đồng, hai đồng. Đồng thứ ba nghiêng ở mé tường. Nó tìm đồng thứ tư. Mãi nó mới thấy ở tận gần chân bàn giấy của quan. Nó tìm đồng thứ năm. Quái, nó tìm mãi, mà không thấy đâu cả. 

Nó phải có năm hào đôi. Năm hào đôi mới thành đồng bạc được. Vừa ban nãy, nó giở ra cho cậu lệ xem, và lại buộc cẩn thận vào dải yếm. Không lẽ đồng hào ấy có ma, đã biến đi đâu mất chóng thế được. Vậy chỉ quanh quẩn ở trong buồng này mà thôi. Nhưng nó đã tìm kỹ lắm rồi. Mà trình đơn tám hào, tất nó bị quan chửi. Không biết làm thế nào được, nó tần ngần chắp hai tay, vái: 

- Lạy quan lớn ạ. 

Rồi nó lùi lùi bước ra cửa. Rồi nó đi về... 

Ông huyện Hinh cứ ngồi yên sau bàn giấy để nhìn theo con mẹ khốn nạn. Rồi khi thấy nó đã đi khuất, ông mới đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giầy ra một tý. Và vẫn tự nhiên như không, ông cúi xuống thò tay, nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giầy bám vào, rồi bỏ tọt vào túi. 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *