Văn học với đời sống

15/5
8:05 AM 2017

THẢ QUỶ- TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Nhà nằm trên núi Ba Hương. Tên núi gắn liền với những ngôi mộ nằm la liệt khắp các gốc cây hốc núi. Đa phần là chôn trẻ con chết vì bệnh tật, người già chết vì đói ăn. Những cuộc tiễn đưa lầm lũi trong bóng tối bằng một manh chiếu rách và tiếng khóc than thút thít của đàn bà.

                                           Ảnh minh họa-Internet

Bạ nơi nào chôn nơi đó. Đàn ông đào một lỗ huyệt vừa nhỏ vừa nông. Thắp lên đó ba que hương rồi quay lưng đi. Có thể họ sẽ chẳng bao giờ trở lại vì những mùa đói kéo dài vắt kiệt cả tinh thần và sức lực của người còn sống. Nếu có trở lại họ cũng không nhận ra đâu là mộ người thân mình. Gió cát và những cơn mưa rào trút từ đỉnh núi xuống đã san phẳng mọi mô đất ở đây. Thỉnh thoảng có người tìm đến chân núi, họ thắp ba nén hương vái vọng rồi lại lặng lẽ đi. Chỉ có mấy nhà giàu sống dưới chân núi là năm nào cũng làm một mâm cúng với đầy đủ đồ lễ vào ngày xá tội vong nhân. Vì họ cho rằng những linh hồn bị bỏ đói thường đi quấy phá người ở dương gian. Không rõ các cô hồn xuống núi có được no bụng không nhưng người sống thì được một phen tranh cướp. Mâm cúng vừa bày ra đã có nhiều người nghèo đứng quanh chầu chực. Họ không đợi được đến lúc tàn hương đã xông vào cướp. Người bát cháo, kẻ củ khoai củ sắn. Họ đi rồi bát đĩa vứt lại chỏng chơ. Chỉ có vàng mã bay phất phơ ngoài đường, nhem nhuốc gót chân người dẫm đạp.

 

Cũng như mọi năm, hôm ấy đúng rằm tháng bảy, nhà Sáu Gỗ soạn một mâm cúng cô hồn. Muối một đĩa, gạo một đĩa. Cháo trắng nấu loãng mười hai bát nhỏ. Tiền vàng, khăn áo, bánh kẹo, bỏng ngô, khoai sắn luộc. Thêm năm loại quả và vài khúc mía. Ba ly nước nước nhỏ đặt lên rồi nến nhang thắp đỏ. Vợ Sáu vừa bưng mâm ra chân núi còn chưa kịp giở sách cúng thì bỗng đâu có người đàn bà bụng mang dạ chửa ăn mặc rách rưới xông lại cướp đồ cúng nhét vội vào mồm. Nhìn người đàn bà khốn khổ nhai nhồm nhoàm nghẹn lồi mắt mà vợ Sáu chỉ biết than trời. Người sống ở nơi này có khi còn đói hơn cả cô hồn. Sáu Gỗ đứng từ trong nhà nhìn thấy cảnh tượng ấy, sẵn cơn say hắn lao vào đạp ngã ngửa người đàn bà rách rưới. Thị ngã xuống còn cố giữ chặt miếng sắn sượng đang muốn bật ra khỏi mồm. Một tiếng khóc vang lên như xẻ núi xé trời. Thằng Núi ra đời trong ngày dương gian vất vưởng đầy ngạ quỷ.

Thằng Núi lớn lên bằng những bữa ăn dựa vào lòng núi. Lúc bé thì lên núi kiếm củi bán cho nhà giàu lấy tiền đong gạo. Hái nấm, hái rau dại, bắn chim, bắt rắn, bẫy mèo cho những bữa ăn. Núi thoắt ẩn thoắt hiện. Nhanh như chim cắt. Loài vật chỉ cần nghe thấy bước chân Núi là vội vàng chạy về nơi ẩn nấp. Núi nhìn mọi vật xung quanh bằng con mắt háu đói. Thứ gì có thể bỏ vào miệng thì lập tức nằm trong tầm ngắm của nó. Trên đồng ruộng có chim. Dưới sông sâu có cá. Từng xâu chim sẻ nướng giòn. Từng đĩa cò rang chấm muối ớt. Cá thì bắt từ con nhỏ để kho đến con to để nướng. Núi là kẻ thù hủy diệt của muôn loài vì chẳng mấy chốc mà xứ này vắng tiếng chim ca và thưa thớt tiếng mèo hoang gọi bạn tình. Người ta gọi Núi là thằng quỷ nhỏ. Mẹ Núi, người đàn bà tên Hin quanh năm suốt tháng làm không đủ nuôi đàn con nheo nhóc. Thị lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện đi vay. Vay tứ phương nhưng chẳng bao giờ thấy trả. Thị luôn hứa “chừng nào thằng Núi lớn lên, nó sẽ kiếm tiền thay tôi trả nợ”. Trong sáu đứa con chỉ có thằng Núi là kiếm được miếng ăn. Những đứa khác chỉ ham học, ham chơi. Thị đã mấy lần nhìn thùng gạo cạn đáy mà quẳng sách vở của lũ con đi. Học làm gì? Học có no cái bụng được không? Học lắm chữ cũng không bằng thằng Núi. 

Núi lớn lên vạm vỡ. Ăn không biết no, lúc nào cũng nghe thấy tiếng sủi bụng ùng ục. Như nhiều thanh niên khác trong làng, Núi đi làm thuê cho nhà Sáu Gỗ kiếm cơm. Thời gian đầu Núi theo đám người đi chặt trộm gỗ ở rừng nguyên sinh. Cơm rượu được tính bằng những vết rìu bập vào cây sắc ngọt. Nhưng thằng Núi sinh ra đâu phải để đi làm đầy tớ mãi. Núi ma mãnh và liều lĩnh. Chẳng mấy chốc mà Núi lên làm chủ, gom những thanh niên vạm vỡ nhàn rỗi đi theo mình. Toàn những kẻ vừa dám chặt rừng vừa dám chém người. Núi nâng chén rượu máu lên trước mắt đàn em hô vang “Liều thì sống. Không liều thì chết”. Dốc cạn ly này rót đầy ly khác Núi lại hô “Chặt phẳng. San phẳng. Sằng phẳng”. Đó là chặt phẳng rừng. San phẳng mọi chướng ngại vật. Sằng phẳng với anh em chiến hữu, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Thằng nào phản bội là chết dưới tay Núi ngay. Làm nghề này chỉ nói chuyện bằng tiền và máu.

Có tiền Núi bắt đầu hưởng thụ. Hắn nói một trong bốn cái tứ khoái của con người là làm tình. Lũ đệ tử xu nịnh thường mang cúng cho Núi gái trinh. Chẳng biết hắn làm gì mà những cô gái vào tay hắn qua một đêm đều hóa điên hóa dại. Còn Núi thì trẻ khỏe như vừa hút được nguồn dương khí quý. Nhưng những kẻ thân cận thường rỉ tai nhau “Người Núi toát ra toàn khí lạnh”. Lạnh như mũi dao. Lạnh như tiền. Núi Ba Hương chẳng mấy chốc đã trọc lốc. Rừng nguyên sinh bị lâm tặc móc nối với kiểm lâm phá sạch. Những trận mưa lớn dội từ đỉnh núi xuống ào ào, xối xả tạo thành lũ quét. Cơn giận dữ của đất trời dìm nhà cửa vật nuôi ngập trong biển nước. ý trời và lòng người dâng lên uất hận. Cơn lũ đi qua để lại cảnh tan hoang. Dưới chân núi thỉnh thoảng người ta thấy những ống xương nổi lên vương vãi. Không rõ xương thú hay xương người.

Người dân lầm lũi dựng lại căn nhà, đào hố chôn xác vật nuôi chết trương phình, bới tìm đồ đạc, vét sạch giếng ăn. Tiếng người mẹ nào khóc con ai oán. Ri rỉ tiếng người tiếng dế ma mị trong đêm tăm tối mịt mùng. Những người chết trong trận lũ quét lại được khênh lên núi Ba Hương. Khi  nhát rìu tắt lịm thì đến những nhát cuốc bổ xuống đào huyệt chôn những phận người. Không cần đợi đến rằm tháng bảy, thỉnh thoảng người dân vẫn làm lễ cúng cô hồn. Vì người ta tin rằng có những con quỷ bị xổng khỏi ngục tù xiềng xích, thoát khỏi sự cai quản của Diêm Vương đi phá phách xóm làng. Trong đó có cả những con quỷ sống đội lốt người như thằng Núi.

Thằng Núi rời núi xuống phố gây dựng thủ phủ của mình, trở thành ông trùm buôn lậu gỗ. Đêm đến, đầu hắn vang lên tiếng rìu chặt cây. Tới tấp, dồn dập. Đau buốt từng cơn. Hắn thường tìm đến gái và cần sa để quên đi cơn đau. Trong cơn phê thuốc hắn thấy mình là con chim đơn độc cứ chao liệng trên bầu trời mà không có chỗ đậu. Hắn bay mãi, bay mãi vẫn chỉ thấy những cánh rừng trọc lốc không một chấm xanh. Hắn bay cho đến khi kiệt sức rơi xuống khoảng trống bên dưới rồi đâm phập vào một gốc cây bị chặt nhọn hoắt như một mũi tên. Hắn thoi thóp nghe tim mình rỉ máu nhìn xung quanh chỉ thấy bóng dáng của những nhát rìu, những gốc cây nhựa ứa ra khô cứng. Tỉnh thuốc hắn thấy mình kiệt sức hệt con chim nhỏ.

Lũ đàn em rỉ tai nhau “Dạo này đại ca mê tín gớm”. Ngày sinh nhật Núi, cũng chính là ngày xá tội vong nhân. Ban đêm Núi đến vũ trường nốc rượu mạnh và ve vuốt những ả đàn bà. Nhưng ban ngày Núi thuê thầy cúng về nhà làm lễ. Đồ cúng có heo quay, cháo yến, thịt rừng. Tiền lẻ chuẩn bị cả bao tải. Thầy cúng xong Núi đứng trên ban công cầm từng vốc tiền vứt xuống nhìn người ta dẫm đạp lên nhau tranh cướp. Đồ lễ cũng được vứt xuống, lỡ tay quăng theo cả bát đĩa trúng đầu người cướp lộc. Núi thấy cảnh tranh cướp này hay ho hơn cả chọi trâu, chọi gà. Nó cho Núi cái cảm giác của kẻ bề trên. Cứ có tiền là có thể tiêu khiển bầy người từ già đến trẻ. Kể mà thỉnh thoảng buồn mang tiền lẻ vung chơi cũng đủ vui. Mà đời Núi kiểu gì cũng phải vui. Vui để quên đi cái ký ức về người mẹ đã từng lao vào cướp miếng sắn luộc trong mâm cúng cô hồn thời đói khát. Mà thật ra hắn nên cảm ơn cái gốc tích nghèo khó của mình. Nếu không có cú đá của tên Sáu Gỗ thì chắc gì đời Núi được như bây giờ. Cú đá ấy thức tỉnh thân phận nghèo hèn. Mỗi lần nghĩ đến miếng sắn luộc chẹn ngang cổ mẹ là Núi chẳng thấy gì đáng sợ bằng cái đói.

*

Núi không sao chạy thoát được giấc mơ về cánh chim đơn độc. Những nhát rìu cứ bổ xuống đầu Núi ngày càng dữ dội. Dần dần Núi thấy đầu mình nham nhở những gốc cây ứa nhựa. Nhưng hắn bất chấp và tìm mọi cách xua đuổi những ý nghĩ ma mị điên rồ. Đời thằng Núi nếu biết sợ đã chẳng dám đi theo con đường nhuốm máu. Hàng ngày Núi thích được ngồi trong căn phòng bí mật, xoay chiếc ghế bí mật, mở cánh cửa bí mật để bước vào căn phòng bí mật trong nhà. Hắn ngồi nhìn những cọc tiền xếp chồng lên nhau cảm thấy sự đê mê chạy rần rật trong từng mạch máu. Nếu phải chết thằng Núi nhất định phải chết nghẹn vì tiền chứ không thể chết nghẹn vì sắn luộc.

Có chuyến hàng nhìn thấy rõ những cái bẫy được giăng sẵn khắp nơi nhưng chỉ vì đồng tiền nên Núi vẫn lao đầu. Mà giang hồ cũng có luật giang hồ. Ngoài luật rừng còn có luật tình luật nghĩa. Khổ nỗi thằng Núi chỉ thích dùng luật rừng. Hắn sằng phẳng quá hóa tàn độc nên anh em nhiều mà kẻ thù cũng đâu có ít. Núi bị đâm sau lưng nhiều vố chí mạng. Càng hung hăng thì càng dễ bị thương. Càng bấn loạn thì càng mù quáng. Cuối cùng đường dây buôn lậu gỗ do Núi cầm đầu cũng bị lộ. Núi rời thủ phủ lẩn trốn trong một vùng núi heo hút. Để tránh sự truy lùng của công an, Núi cắt đứt mọi liên lạc với đàn em. Vì không có bất cứ sự giúp đỡ nào nên Núi bắt đầu quay trở lại cảnh luồn rừng kiếm ăn từng bữa. Hắn cay đắng nhận ra có những lúc tiền không giúp được gì đời hắn.

Nhưng Núi đi đâu cũng gặp những cánh rừng trọc lốc. Cây cối không đủ cho Núi ẩn nấp an toàn. Có hôm đói mệt lả, Núi nằm mơ về thời thơ nhỏ. Lúc ấy cây cối um tùm, chim muông kéo về từng bầy làm tổ trên những tán xanh. Núi lấy trộm trứng chim mang về luộc ăn. Mẹ hắn dặn mỗi tổ chỉ lấy vài quả, không được lấy hết vì ít ra còn để lại hy vọng cho chim mẹ. Nhưng hắn không nghe, mỗi lần lấy trộm sạch trứng hắn bỏ vào tổ vài hòn sỏi trắng. Hắn không biết chim mẹ có bị đánh lừa mà ấp con trong mòn mỏi khô rạc cả người hay không. Hắn chỉ thấy những mùa sau chim về ít dần. Rồi không còn nghe thấy tiếng chim con ríu rít gọi nhau. Những con chim mẹ cuối cùng cũng chết dưới tay Núi. Thịt chim ngon không phải bởi mùi thơm, vị ngọt. Mà ngon còn bởi cảm giác khoái chí khi nhìn con chim giãy giụa, thoi thóp trên đống than đỏ ửng. Nghĩ đến là Núi nuốt nước bọt. Nhưng khốn thay nước bọt cũng không có mà nuốt. Cổ Núi khô ran như cánh đồng mùa hạn. Thêm cơn vật thuốc, Núi lả đi trong một hang động ít người qua lại.

Núi nằm mê man cho đến khi thấy cổ họng mình mát lạnh. Một người dân lên núi tìm cây thuốc cho nhà chùa đã tìm cách cứu Núi. Núi tá túc trong nhà ân nhân một tuần thì bất ngờ nghe thấy tiếng chuông chùa. Tâm trí sục sạo kiếm chỗ ẩn thân của hắn như được thức tỉnh. Hắn theo ân nhân vào chùa chăm chỉ băm thuốc phơi thuốc nấn ná gần sư chủ trì. Hắn vờ làm kẻ  đầy đau đớn tuyệt vọng xin nương náu cửa chùa. Cửa chùa từ bi mở lòng đón Núi. Chủ trì giao hắn việc hàng ngày quét dọn nhà chùa và nấu cháo đổ ra lá đa cúng cô hồn. Chùa nằm nơi hẻo lánh ngày thường ít người lui tới nhưng ngày rằm, mồng một thì khách thập phương kéo đến rất đông. Họ đến vì chùa linh thiêng, còn một số người thì đến xin những thang thuốc quý. Núi thường hạn chế tiếp xúc với người lạ. Thân xác nương náu cửa chùa nhưng hắn vẫn mang linh hồn quỷ dữ. Hắn ma mãnh lấy trộm tiền công đức tìm cách mua thuốc phiện mang vào chùa hút. Không ai mảy may nghi ngờ hắn, một kẻ chăm gõ mõ tụng kinh giả bộ hiền lành một con kiến không nỡ giết. Có ai biết đâu lúc cúi lạy phật chính là lúc lòng tham của Núi dâng lên. Lúc ngồi tụng kinh ở chánh điện mắt Núi hấp háy nhìn vào pho tượng cổ.

Buổi sáng hôm ấy sư trụ trì thức dậy khá sớm để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng trong năm. Lúc bước ra chánh điện sư thầy bỗng lặng người đi khi nhìn thấy Núi. Núi ngồi khoanh chân, đầu cúi gập xuống đất, trên tay vẫn cầm tràng hạt. Sư thầy lay gọi nhưng Núi không tỉnh lại. Núi chết dưới chân đức Phật khi đọc dở bài kinh sám hối. Sư thầy nghĩ có lẽ sáng nay Núi đã nhìn thấy bóng dáng của Đức Phật. Nhìn thấy quầng sáng rực rỡ từ miền cực lạc nên rời bỏ cõi trần. Sư thầy đâu biết rằng Núi chết chính trong ý nghĩ sẽ chờ thời cơ lấy trộm bức tượng phật cổ tuồn ra ngoài bán. Sư thầy cũng đâu có biết miệng Núi tụng kinh mà trong đầu vang lên tiếng của những nhát rìu bổ xuống. Dồn dập, tới tấp cho đến khi Núi gục đầu tắt lịm như một thân cây vừa đổ xuống. Sư thầy nói nhỏ một câu lúc đỡ đầu Núi nằm xuống “đời người trong hơi thở”. Hôm ấy chính là ngày xá tội vong nhân. Sư thầy nấu cháo trắng mở cửa chùa đón các linh hồn vất vưởng và ngạ quỷ khắp nơi…

Trên chánh điện vẫn là nụ cười nghìn năm Đức Phật.

Nguồn Văn nghệ số 12/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *