Văn học với đời sống

2/6
8:32 AM 2017

CÓ QUYỀN KHÁT VỌNG VÀO DỰ HƯỚNG TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC TRÀO LƯU VĂN HỌC MỚI

Nguyễn Xuân Thủy (VNQĐ phỏng vấn khách văn)-Lê Hưng Tiến sinh năm 1981 tại Ninh Thuận. Đã xuất bản:Xanh mãi cây đời (Nhạc, Nxb Thuận Hóa, 2002)Chân dung ảo (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2007)Ễn lên đêm (Trường ca, Nxb Hội Nhà văn, 2011). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam Hiện giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận

                                                          Nhà thơ-nhạc sĩ Lê Hưng Tiến

- Xin chào Lê Hưng Tiến! Nhắc đến tên anh, những người viết trẻ thường nghĩ ngay đến thơ tân hình thức. Với 2 tập thơ đã xuất bản và hành trình hàng chục năm theo đuổi những sáng tạo thơ tân hình thức Việt, anh có thể chia sẻ nó đã tìm đến anh như thế nào?
+ Vâng, chào anh! Thực sự, thơ tân hình thức đến với tôi là một cái duyên và cũng là một quá trình có ý thức. Nhớ lại thuở còn thơ, tôi đã có một thời rất mê thơ, đọc thơ và làm thơ. Đến thời sinh viên, tôi may mắn được sống gần cậu mợ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ, từ đó, tôi đã tiếp xúc với nhiều tên tuổi văn học khắp nơi trong nước, và cả ở nước ngoài khi họ đến thăm cậu mợ. Mỗi lần tiếp xúc với họ, tôi được học và được tiếp thu nhiều luồng văn hóa mới, nhiều ý hướng mới trong sáng tạo lẫn cả phong cách tài tử. Ngay cả trong nhà cậu mợ, nói đến khối lượng sách thôi, cũng để lại giá trị kiến thức cho tôi vô số điều gợi mở và mơ ước. Đúng, chính từ những hoài bão và mơ ước đó, tôi muốn tìm riêng cái mới để khẳng định tư duy sáng tạo của mình.
Thời điểm đó, ở quê tôi, nhà thơ Inrasara cũng đã tạo được tiếng vang trong thơ ca của cả nước. Và thế là, tôi đi tìm anh. Và tôi đã được anh khơi dậy nhiều luồng sinh khí mới qua các trào lưu văn học mới mà anh đã cất công nghiên cứu - sáng tạo. Đồng thời, qua Internet, tôi tìm hiểu và biết nhiều các trường phái thơ ca trên thế giới từ trước đến nay. Và để có hướng đi riêng trong đột phá cái mới thơ ca của mình, tôi quyết định chọn tân hình thức Việt do nhà thơ Khế Iêm (Mĩ) chủ trương khai phóng.

- Và khi nhắc đến thơ tân hình thức, người ta cũng thường nghĩ đến cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học. Sự “trói buộc” này là hợp lí hay anh có cách hiểu nào rộng mở, linh hoạt hơn?
+ Trước hết chúng ta cần định nghĩa những thuật ngữ cho rõ ràng, trước khi đề cập tới nội dung câu trả lời. Thơ hiện đại và hậu hiện đại là những thuật ngữ để chỉ hai thời kì của thơ tự do Mĩ. Thơ hiện đại từ 1910 tới 1950, và thơ hậu hiện đại từ 1950 tới cuối thập niên 1980. Thơ tân hình thức có nghĩa là thể thơ mới. Có sự liên hệ giữa thơ tân hình thức và thơ hậu hiện đại Mĩ không? Có thể nói thơ tân hình thức Mĩ đã chấm dứt thơ hậu hiện đại Mĩ, còn thơ tân hình thức Việt thì ngược lại, thoát thai từ chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng cũng như chủ nghĩa tân chiết trung của kiến trúc, vượt ra khỏi chủ nghĩa hậu hiện đại, trở thành một dòng thơ mới. Câu chuyện như sau: Vào thập niên 1980, thơ ngôn ngữ là một phong trào tiền phong cuối cùng của thơ hậu hiện đại Mĩ, phát triển mạnh trong giới đại học, nhà thơ cũng là những nhà lí thuyết hậu cấu trúc và hậu hiện đại. Họ đẩy thơ tới mức khó hiểu, giữa triết học và ngôn ngữ, và cùng thời điểm đó, một số những nhà thơ trẻ phản ứng bằng cách quay về sáng tác bằng thơ thể luật. Số người sáng tác bằng thể luật càng ngày càng tăng và trở thành một phong trào rộng lớn (có thể tham khảo thêm tiểu luận Ai đã giết thơ? của Joseph Epstein trên Tạp chí Sông Hương).
Còn thơ tân hình thức Việt, bắt đầu từ mùa xuân năm 2000, lại là một thể thơ hoàn toàn mới, dùng lại những thể thơ truyền thống Việt, thay thế vần bằng kĩ thuật vắt dòng, một kĩ thuật chính của thơ thể luật tiếng Anh. Thơ tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm nên khi sử dụng kĩ thuật vắt dòng, những ý tưởng có thể liên tục nối kết với nhau từ dòng này qua dòng khác, tạo nên tư tưởng trong thơ. Còn thơ vần điệu Việt vì vướng vào vần nên khó chuyển ý tưởng từ dòng này qua dòng khác nên chủ đề thơ bị hạn chế, đa số chỉ là thơ tình. Thơ tân hình thức Việt kết nạp thêm kĩ thuật lặp lại của thơ tự do tiếng Anh để tạo nhịp điệu. Trường hợp này lại ngược lại, thơ tiếng Anh vì là ngôn ngữ đa âm nên khi sử dụng kĩ thuật này không đủ mạnh, và đã thất bại. Trong khi tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm nên kĩ thuật này có hiệu quả mạnh hơn. Sự nối kết giữa thể thơ và kĩ thuật thơ, giữa thơ tiếng Việt và thơ tiếng Anh là quan điểm tân chiết trung của kiến trúc hậu hiện đại Mĩ.

- Nhà phê bình Phùng Gia Thế trong một chuyên luận xuất bản mới đây bằng những bằng chứng, cứ liệu thuyết phục đã cho thấy văn xuôi Việt Nam đương đại có khuynh hướng hậu hiện đại nhưng để thành trào lưu thì chưa. Còn với thơ thì dường như chưa ai có một cái nhìn hệ thống mang tính khoa học. Góc nhìn của anh thế nào?
+ Trước hết, chúng ta cần am hiểu tiến trình của thơ tự do, nó bắt đầu từ đâu và đang ở đâu trong thời điểm hiện tại. Muốn thế, chúng ta phải nhìn ra tiến trình từ cội nguồn của nó, ở phương Tây. Còn thơ Việt, kể từ Thơ mới thập niên 1930, ảnh hưởng chủ nghĩa tượng trưng (cuối thế kỉ 19), và thơ tự do, từ thơ siêu thực Pháp (thập niên 1920), cho tới bây giờ vẫn như thế, không hề có một biến chuyển nào cả. Trong khi suốt thế kỉ 20, thơ tự do đã khai phá ở mọi khía cạnh từ ngôn ngữ đến triết lí, đẩy thơ đến mức tối ưu của nó. Thơ tự do khởi đầu từ nhà thơ Mĩ Walt Whitman, nửa cuối thế kỉ 19, rồi lan ra khắp thế giới, kể cả Pháp. Nhưng kể từ lúc ra đời tập thơ Lá cỏ (Leaves of Grass), phải đợi nửa thế kỉ sau, mới hình thành thơ tự do hiện đại, với trường phái hình tượng (Imagism), 1910, do hai nhà thơ Mĩ T.S. Eliot và Ezra Pound thành lập. Nhưng hai nhà thơ này lại ảnh hưởng tính duy lí và khó hiểu từ thơ Pháp, với những nhà thơ tượng trưng Pháp như Stephan Mallarme, Charles Baudelaire ...
Nửa đầu thế kỉ 20 chỉ có trường phái hình tượng (thơ tự do Mĩ), chủ nghĩa DaDa và siêu thực Pháp (khoảng thập niên 1920). Nhưng sau thập niên 1950, thơ tự do, chủ yếu phát triển mạnh ở Mĩ, được gọi là thơ hậu hiện đại, với rất nhiều phong trào tiền phong khác nhau, từ thế hệ Breat, trường phái Black Mountain, trường phái New York, thơ tự thú (Confessionalism), thơ ngôn ngữ ....
Thơ Việt từ thời Thơ mới tới thập niên 1960 phát triển nhờ ảnh hưởng của thơ Pháp. Nhưng từ đó đến nay, những nhà thơ ảnh hưởng văn hóa Pháp không còn, vì thế thơ bị bất động. Trường phái siêu thực ra đời từ thập niên 1920, xấp xỉ một thế kỉ rồi, mà đến bây giờ vẫn cứ siêu thực khó hiểu. Mãi rồi thơ trở thành xơ xác, vô cảm. Nếu bây giờ muốn thơ trở lại có sức sống, phải tìm hiểu và đồng hành với những nền thơ lớn khác. Trong điều kiện Internet hiện nay, điều đó không có gì khó khăn nữa.

- Trong các đánh giá, tổng kết văn học, mốc thời gian 1986 thường được sử dụng. Với văn chương hậu hiện đại cũng vậy. Nhưng nhìn sâu hơn vào lịch sử thi ca Việt Nam thì từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, những thứ gọi là cảm thức hậu hiện đại người ta cũng có thể bắt gặp trong thơ Trần Dần, Lê Đạt… nhưng rồi suốt nửa thế kỉ, chúng vẫn chỉ là những tiếng nói đơn lẻ. Phải chăng, cái gì lạ thì thường hiếm. Vậy theo anh, có nên kì vọng vào cái gọi là trào lưu với văn chương hậu hiện đại?
+ Thế hệ những nhà thơ Việt vào những năm 1960 của thế kỉ trước tiếp nhận ảnh hưởng thơ siêu thực Pháp thập niên 1920. Còn thơ hậu hiện đại là giai đoạn thơ tự do Mĩ bắt đầu từ thập niên 1950. Thơ Việt, từ thập niên 1960 cho đến bây giờ vẫn cứ dài dài là siêu thực. Vả lại văn chương hậu hiện đại Mĩ cũng đã chấm dứt từ những thập niên 1990 rồi. Vấn đề bây giờ là chúng ta có bắt kịp với dòng chảy của thời đại để không còn bị bỏ đằng sau cả thế kỉ nữa hay không. Muốn vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải cung cấp những thông tin cần thiết cho những thế hệ sau họ làm những cuộc thay đổi. Thay đổi là phải thay đổi toàn bộ từ hình thức đến nội dung. Nếu không, chúng ta chỉ thay đổi trong những cái cũ.

- Tôi tạm thời đồng ý với anh là chúng ta cần thay đổi. Và trong bài viết “Đối thoại về con đường đi vào văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam” nhà thơ Inrasara, vị tiền bối đồng hương Ninh Thuận với anh đã bày tỏ niềm tin rằng, văn thơ hậu hiện đại đang mở rộng ra các vùng miền, các thành phần, các thế hệ, và ông tin rằng, trong một tương lai không xa, văn học Việt sẽ là một nền văn học đa trung tâm. Anh có chung niềm tin vào điều này hoặc nghĩ đến việc một ngày, các sáng tác tân hình thức hay các sáng tác cảm thức hậu hiện đại sẽ đàng hoàng tiến vào vị trí trung tâm và đứng trên sân khấu chính?
+ Tính đa dạng đến nay không còn quan trọng, mà là câu hỏi thơ có hồi phục lại được chức năng và bản chất của nó không, phục hồi như thế nào. Điều này cần có những nghiên cứu cụ thể chứ chúng ta không thể suy xét theo cảm tính được nữa. Nhưng, có thể nói, trong nhiều năm qua, với sự cống hiến không ngơi nghỉ trong sáng tạo thơ ca cũng như những nghiên cứu về tiến trình văn học trong và ngoài nước, thì cá nhân tôi cho rằng, Inrasara xứng đáng là sứ giả văn học của thời đại mới. Đứng trước tâm thế sáng tạo lẫn tâm thức thời cuộc như thế, thì tôi cũng như nhà thơ Inrasara có quyền khát vọng vào dự hướng tồn tại và phát triển của các trào lưu văn học mới không bao xa, là điều nghiễm nhiên.
 

   "Trải qua 15 năm thực hành, thơ tân hình thức Việt đã có được những tác phẩm giá trị, song hành với thơ vần điệu và tự do. Bây giờ, khi nhắc tới thơ tân hình thức Việt, chúng ta chỉ cần biết, đó là một thể thơ là đủ. Một yếu tố quan trọng nữa, với kết cấu một thể thơ, mà khi chuyển dịch qua một ngôn ngữ khác, vẫn giữ được nhịp điệu, để đọc như một bài thơ sáng tác, thơ tân hình thức Việt, dự phóng cho một thể thơ trong thời đại toàn cầu hóa. Và những tập thơ tân hình thức Việt dịch qua tiếng Anh, đã được những nhà thơ và người đọc Mĩ đọc như là thơ sáng tác của họ".
 

   (Nhà thơ, nhà nghiên cứu Khế Iêm)

 


- Vâng! Nhưng cho tôi “chất vấn” một chút. Cũng từ nước Mĩ, nhà thơ, dịch giả Charles Simic trong tiểu luận “Vấn đề của thơ” lại cho rằng: “Bất cứ nỗ lực nào nhằm cải cách thơ, khiến nó mô phạm và đạo đức, thậm chí giới hạn nó vào trường phái văn chương nào đó đều là hiểu sai bản chất của thơ. Thơ hay thì không bao giờ chệch hướng khỏi mục đích của nó như một nguồn vô tận của những nghịch lí về nghệ thuật và tình cảnh con người.” Anh có thực sự tin, với những trào lưu mới, thơ Việt sẽ “phục hồi chức năng và bản chất” của nó?
+ Thơ thay đổi khi nền văn minh thay đổi. Chẳng hạn, thế kỉ thứ 19, phương Tây bắt đầu cuộc cách mạng kĩ nghệ lần thứ hai, thì đến giữa thế kỉ 19, thơ tự do ra đời ở Mĩ, với nhà thơ Walt Whitman, và ở Pháp, với trường phái tượng trưng. Đến đầu thế kỉ 20, xã hội phương Tây trở thành xã hội kĩ nghệ, thơ tượng trưng chấm dứt ở đầu thế kỉ, và thơ tự do hiện đại Mĩ ra đời. Cho đến nửa sau thế kỉ 20, xã hội phương Tây tiến tới xã hội hậu kĩ nghệ, thơ hiện đại trở thành thơ hậu hiện đại. Khoảng thập niên 1990, nhân loại bước vào nền văn minh vi tính, những phát minh về công nghệ hoàn toàn khác với những thời kì trước đó. Internet, iPhone, iPad ... ra đời, thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của mọi con người, xã hội trở thành xã hội tiêu thụ hay kinh tế thị trường gì gì đó.
Trở lại thơ tự do, đây là một thể thơ ưu thế của thế kỉ 20, đã phát triển hết mức, và cũng làm mất hoàn toàn người đọc. Thơ không có người đọc, điều này đã hiển nhiên, ai cũng biết. Nhưng nếu không tìm ra nguyên nhân, thơ sẽ mãi luẩn quẩn và không đi tới đâu. Cuối thế kỉ 20, không những công nghệ mới với nhiều phát minh khó tưởng tượng nổi, song song đó là những tiến bộ vượt bậc về y học, phân tâm học, não bộ học... giúp chúng ta trả lời câu hỏi khó này. Thơ tự do khi phủ nhận truyền thống, đã làm mất “chức năng và bản chất” của thơ, bây giờ muốn hồi phục, phải hồi phục lại các thể thơ, và sáng tác bằng cả tâm thế lẫn tâm thức thời cuộc của mình. Thơ ở các nước phương Tây dễ hơn, vì đa số là ngôn ngữ đa âm (tiếng Anh, Pháp, Ý...), họ có thể quay về với thể luật truyền thống, lơi lỏng luật tắc, và thay đổi ngôn ngữ sử dụng là được (thơ Tân hình thức Mĩ sử dụng ngôn ngữ đời thường). Nhưng thơ tiếng Việt, vì là ngôn ngữ đơn âm, nên phải cải biên lại những thể thơ, thay thế vần ở cuối dòng bằng kĩ thuật vắt dòng, như thơ tân hình thức Việt.

- Cũng trong một bài viết về thơ Việt đương đại, nhà phê bình Phạm Duy Nghĩa khẳng định: “Những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI ở Việt Nam, nếu như diện mạo văn xuôi đã định hình khá rõ nét trong hành trình đổi mới thể loại và nhận được nhiều đồng thuận trong đánh giá, nhận định của giới nghiên cứu, thì về cơ bản thơ vẫn đang ở trong giai đoạn tìm đường”. Anh có đồng ý với nhận định này, hay vốn dĩ thơ vẫn đi những nẻo đường của riêng mình còn những nhận định này kia chỉ là võ đoán hay sản phẩm của trí tưởng tượng?
+ Vấn đề là tìm đường như thế nào? Nếu những nhà thơ chỉ loay hoay tìm đường theo cách nghĩ của mình thì sẽ cứ luẩn quẩn đổi mới trong cái cũ như bao nhiêu người từ trước đến nay. Vấn đề thơ của thế kỉ mới sẽ không đơn giản như thế. Đổi mới phải có đủ những kiến thức về mọi thể loại thơ, mọi dòng thơ, từ đó rút ra những điểm mạnh và điểm yếu, hồi sinh lại tác động của thơ nơi người đọc. Hiện tại, không ai còn đọc thơ, ngay cả những nhà văn, thơ chỉ còn là những nhóm nhỏ nhà thơ đọc và tung hứng lẫn nhau, còn những người đọc bình thường, hầu như coi thơ chẳng còn mảy may gì liên quan tới họ nữa.

- Trò chuyện với anh tôi có cảm giác, Lê Hưng Tiến đang ôm ấp khát vọng “thay máu cho thơ Việt”. Nhà văn Do Thái người Ý Primo Levi trong tiểu luận “Tại sao chúng ta viết” có đưa ra 9 lí do, trong đó lí do “vĩ đại” hơn cả để mỗi người viết là muốn cải tạo thế giới. Nhưng có vẻ như trong lịch sử, nếu tác phẩm văn chương góp phần gì đó vào việc cải tạo thế giới mà người viết có dự phần thì thường ở hướng “viết cái gì” nhiều hơn là “viết như thế nào”. Anh có nghĩ nếu viết theo thể tân hình thức Việt thì tác phẩm sẽ tầm cỡ hơn, mang chở nhiều giá trị nghệ thuật và nhân sinh hơn?
+ “Viết cái gì” là nội dung, “viết như thế nào” là hình thức. Hình thức và nội dung gắn bó mật thiết với nhau, hình thức làm thay đổi nội dung. Ví dụ, thơ tân hình thức Việt thay đổi những thể thơ 5 chữ, 7 chữ, lục bát bằng cách thay vần ở cuối dòng thơ bằng kĩ thuật vắt dòng. Lí do, ý tưởng dễ dàng chuyển từ dòng này qua dòng khác, làm cho chủ đề và nội dung bài thơ có thể mở rộng, không giới hạn. Trong khi thơ vần điệu khó chuyển tải tư tưởng vì vướng vào luật vần.
Thơ tân hình thức Việt chủ trương kết hợp giữa ý tưởng, nhịp điệu và cảm xúc, đưa thơ Việt ra ngoài thế giới, sánh với những nền thơ lớn khác như thơ Anh, thơ Mĩ. Thơ sử dụng ngôn ngữ thông thường để dễ chuyển dịch, và người đọc từ một ngôn ngữ khác sẽ đọc như một bài thơ sáng tác, chứ không phải một bài thơ dịch. Bởi vì, thơ tân hình thức Việt áp dụng kĩ thuật lặp lại những chữ kép (bằng, trắc) để tạo nhịp điệu, nên khi chuyển qua một ngôn ngữ khác, nhịp điệu vẫn không bị mất đi. Có điều, ngôn ngữ càng đơn giản, ý tưởng càng sâu sắc, sáng tác càng không dễ một chút nào.
Dĩ nhiên, thơ tân hình thức Việt vẫn chưa khai thác được hết những tiềm năng mong muốn, vì số người tham gia còn quá hạn chế. Khuyết điểm hiện nay của thơ tân hình thức là những nhà thơ chưa phát huy được sức sáng tạo, cảm xúc và tưởng tượng, chủ đề chưa thoát khỏi những khái niệm như thơ tự do, và chưa mang được đời sống vào thơ. Bất cứ bộ môn nào, từ âm nhạc, kịch nghệ đến tiểu thuyết, đều đang đóng góp và phản ánh những sinh hoạt xã hội, tạo sự cảm thông giữa con người với nhau, mang tính nhân bản, chỉ có thơ là không. Trong khi thơ có khả năng cân bằng nền văn minh, nâng cao tầm nhìn văn hóa của cả một dân tộc, hơn bất cứ bộ môn nào. Nhưng một con én chẳng bao giờ làm được mùa xuân, phải cần cả nghìn con én. Chúng ta hãy nhìn thấy thơ, đừng chỉ nhìn thấy những nhà thơ.

- Lại bàn về giải Nobel văn học gây xôn xao gần đây, khi thay vì trao giải cho thơ, người ta lại trao giải cho ca từ trong các ca khúc, nơi mà thơ thường được “gả bán”. Là một người sáng tác thơ nhưng lại giảng dạy về âm nhạc, anh có góc nhìn nào khác về việc trao giải Nobel văn học cho ca từ trong ca khúc của Bob Dylan vừa rồi?
+ Thơ hay bất cứ bộ môn nào khác, từ văn học đến triết học, đều phải thay đổi theo mỗi thời đại. Thơ tự do Mĩ, đặc trưng của thế kỉ 20, mang đầy tính chất hàn lâm, thiếu tính nhân bản, khó hiểu và không có người đọc. Những phát triển về phân tâm học, y học, não bộ học đang giúp cho chúng ta hiểu những chức năng não bộ trong việc sáng tác thơ. Thơ thế kỉ 20, đặc biệt là thơ tự do Mĩ đa phần sáng tác bằng lí trí, thiếu cảm xúc nên mất độc giả. Giải Nobel văn học trao cho nhạc sĩ Bob Dylan như một lời khẳng định, thơ cần trở về với bản chất đích thực của thơ nếu muốn thơ sống còn và phát triển.

- Vâng! Tôi thấy ý kiến này có vẻ thuyết phục và rất thơ nữa. Trở lại với thơ tân hình thức Việt. Tôi cứ hình dung giả sử một nhạc sĩ tìm kiếm thơ để phổ nhạc và rồi gặp một bài thơ tân hình thức/hậu hiện đại… và không hiểu cuộc hôn phối này sẽ dẫn tới điều gì. Liệu nó có “chắp cánh cho thơ” như đối với thơ truyền thống thường nhận được lời cảm ơn từ các nhà thơ được phổ nhạc hay sẽ bị tác giả thơ trách cứ vì làm hỏng bét cấu trúc và những nét đặc sắc trong đứa con của mình? Có lẽ anh hình dung về điều này tốt hơn tôi…
+ Thơ hay thì khó phổ nhạc. Hiện nay thơ tân hình thức Việt chưa quan tâm tới chuyện phổ nhạc thơ, mà quan tâm tới nội dung và tính sáng tạo của thơ. Thơ tự do quan tâm tới thế giới khái niệm, làm thơ bằng những ý tưởng trừu tượng trong tâm trí. Trong khi thơ tân hình thức Việt quan tâm tới việc nắm bắt thế giới thực tại, thông qua năm giác quan. Vì vậy, nội dung cũng như hình thức thơ phải khác nhau. Khuyết điểm của thơ tân hình thức Việt hiện nay là người làm thơ vẫn chưa thoát khỏi những tư duy của thơ tự do, nên những sáng tác vẫn chưa đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, thơ vẫn còn một đường dài cả thế kỉ ở phía trước.

- Bên cạnh kĩ thuật vắt dòng thì một trong những đặc trưng của thơ tân hình thức là tính truyện/chuyện. Tuy nhiên, trong một hội thảo về thơ tân hình thức, nhà phê bình Phan Tuấn Anh (cũng là một nhà thơ) đã phản biện rằng đó không phải là thế mạnh của thơ và làm như vậy là lấy sở đoản làm sở trường. Tôi thấy phản biện này đáng để suy ngẫm, anh thấy thế nào?
+ Phải nói lại, tính truyện/chuyện không phải là thế mạnh của thơ tự do, nhưng lại là thế mạnh của thơ. Thơ tự do đã bỏ sở trường truyện kể của thơ, để đi theo sở đoản là làm đứt đoạn ý tưởng, mất đi tác dụng của thơ đối với người đọc. Những tác phẩm lớn thuộc về những nhà thơ tài năng của nhân loại đều là những truyện kể như: Homer, Shakerspeare, Goethe, Wordsworth, Nguyễn Du (Truyện Kiều), Đoàn Thị Điểm (Chinh phụ ngâm)... Nhưng ở phương Tây, từ khi tiểu thuyết lấy mất tính truyện kể của thơ, thì thơ chỉ còn thể thơ Ballad dùng để kể truyện, thường là chuyện tình. Thơ tân hình thức Việt chưa có những bài thơ kể chuyện, tuy nhiên tính truyện trong thơ Tân hình thức Việt để chỉ tính liên tục của ý tưởng, điều mà thơ tự do không làm được, vì thế đọc một bài thơ tự do dài hết trang này qua trang khác, người đọc không hiểu bài thơ muốn nói gì.

- Vâng! Và sau tất cả, anh vẫn theo đuổi những sáng tạo có tên tân hình thức. Điều gì khiến nó trở thành máu thịt với anh đến vậy?
+ Tôi xin trả lời câu hỏi này theo một chiều kích rộng hơn. Điều gì thơ tân hình thức Việt hướng tới khiến nó trở thành một dòng thơ hi vọng cho tương lai và lôi kéo những nhà thơ trẻ? Từ khởi đầu thơ tân hình thức Việt tự coi như một dòng thơ chuyển đổi thế kỉ khi ra mắt vào mùa xuân năm 2000. Những nhà thơ khởi đầu đã nắm bắt được cách làm thơ và chiều hướng phát triển của nhiều thể loại thơ, từ thơ vần điệu đến thơ tự do. Họ nhận ra rằng, thơ tự do là dòng thơ chủ yếu của thơ thế kỉ 20, đã phát triển tới cùng độ (thơ hậu hiện đại Mĩ), không còn là dòng thơ của thế kỉ mới nữa, và đã làm mất đi người đọc. Lấy một ví dụ: những khám phá về chức năng não bộ trong vòng hai thập niên qua, giúp chúng ta nhận thức rằng, thơ tự do là một dòng thơ của lí trí, thường gọi là dòng thơ trí tuệ, và những nhà thơ chỉ khai thác thơ ở phần lí trí của não bộ thuộc bán cầu não trái. Trong khi thơ vần điệu Việt, vì bị vướng vào vần, nên chỉ thiên về bán cầu não phải, thiếu hẳn phần tư tưởng. Thơ thật sự phải sáng tác với toàn thể bộ não, bao gồm cả bán cầu não trái và phải. Chức năng của bán cầu não trái là ngôn ngữ, lí luận, trừu tượng, toán học. Chức năng của cầu não phải là âm nhạc, ý nghĩa, cảm xúc, tưởng tượng và sáng tạo. Đó cũng là lí do tại sao, thơ tân hình thức Việt nối kết giữa thơ tự do và thơ vần điệu để tạo thành một dòng thơ mới. Chúng ta thường đặt ra câu hỏi: Thơ đi về đâu? Thưa, thơ đi về chỗ nó đứng. Thơ mới đến 1945 thì đứng lại, thơ tự do tới năm 2000 thì đứng lại. Bây giờ vẫn tiếp tục có rất nhiều người làm thơ vần điệu và thơ tự do, đa số là khác, nhưng tất cả đều hướng về những chỗ đứng đó, không thể đi xa hơn ngoài quá khứ của nó.

- Vâng! Dù làm thơ thể nào thì cũng cần đam mê và tâm huyết, và tôi nhận thấy điều này rất rõ ở anh. Tôi nghĩ rằng, dù mỗi nhà thơ chủ trương khai thác bán cầu não trái hay bán cầu não phải nơi người đọc, hoặc có thể chẳng chủ trương gì cả, thì có lẽ một bài thơ, dù truyền thống hay cách tân, sống được sau khi “chạm vào các bán cầu não” nó cũng phải lưu lại nơi tâm thất hay tâm nhĩ của trái tim nữa. Cám ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ!
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *