Văn học với đời sống

24/5
3:34 PM 2017

NGƯỜI LƯỠNG BỘT-TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN HUY SỨC

Quan thông ngôn dịch lại câu trả lời tri phủ của thím Xã Đá cho Chappelle và hai lính Pháp nghe. Tri phủ quắc mắt lên nhìn thím Xã Đá. Thím Xã Đá cũng giương đôi mắt sắc lẹm nhìn tri phủ. Để tránh đôi mắt của thím Xã Đá, tri phủ đưa mắt sang hai bên, khi này trai tráng trong làng người thì gậy tre, người thì đòn xóc, người thì mã tấu, trường côn, có người còn mang cả súng kíp trong tay kéo vào sân Bảng Môn Đình ngày một đông.

1

Đêm hôm ấy, sắp hết giờ Tý, nghĩa quân Cần Vương Lưỡng Bột mới đưa được thi hài ông huyện Kim Anh, ông huyện Bình Lục(*), hai cậu tú về làng. Người nhà Cụ Bố, lý trưởng Lê Huy Chuyên, tú tài Nguyễn Thiện Thông cùng một số nghĩa quân vừa khóc vừa dùng nước thơm lau rửa, thay quần áo cho hai ông huyện và hai cậu tú. Lắp thủ cấp vào thân thể cho đúng với từng người. Khâm liệm xong, mọi người đứng trước bốn chiếc quan tài, lý trưởng Lê Huy Chuyên khấn xin được hạ huyệt. Ông hứa với hai ông Huyện và hai cậu Tú: “Chúng tôi, nghĩa quân Cần Vương Lưỡng Bột, xin hứa sẽ giết bọn Pháp, diệt lũ tay sai bán nước hại nòi để trả thù cho các ngài. Các ngài sống khôn, chết thiêng thì phù hộ cho mọi người, mọi nhà trong làng xã được mạnh khỏe, mọi việc được hanh thông”. Bốn quan tài được hạ huyệt. Thửa ruộng được hoàn thổ bằng phẳng. Các cây bông, cây lạc đang tung phơi từ trước được đưa trả lại như tại đây chưa hề xảy ra việc chôn cất. Đó là những mộ thật của hai ông huyện và hai cậu tú đã chôn cất kín theo như ý nguyện của mẹ, của bà các ông - phu nhân của cố quan bố chính  Quảng Nam. Bà huyện Kim Anh, bà huyện Bình Lục, hai mợ tú và các cháu nhỏ được các người hầu gái đưa đi tản cư mỗi người một nơi do cụ bà bố chính đã định và căn dặn. Cụ bà bố chính không đi tản cư, cụ nói với ông lý Chuyên: “Các anh nghe ta, cứ lo cho lũ trẻ đi. Đó là việc giữ cho đời sau. Còn ta phải ở lại nhà. Nếu ta đi, bọn chúng sẽ lấy cớ là nhà ni theo Cần Vương mà đốt phá cơ ngơi quan bố chính đã dày công xây đắp để thờ phụng tổ tiên, để sống với làng xã. Ta ở nhà còn có bà con làng xóm, còn có các anh”.

 

Sắp tàn canh năm. Nhà quan Bố chính tiến hành làm lễ nhập quan và phát tang cho hai ông huyện và hai cậu tú theo kiểu hình nhân thế mạng.

Suốt ba ngày qua, bà con Lưỡng Bột với dân các làng xung quanh người nối người đến viếng.

Cuối giờ Thìn hôm nay mới đưa tang, nhưng từ mờ sáng người chít khăn trắng đã chật cả đường làng. Các võ quan Nguyễn Hách, Nguyễn Mễ, tú tài Nguyễn Thiện Thông, Lê Huy Bổng ở lại đám tang. Lý trưởng Lê Huy Chuyên đã giao hẹn với võ quan Lê Huy Chân, Lê Quang, Nguyễn Vệ, Nguyễn Cành cùng các nghĩa quân Cần Vương và số Văn thân trong hai làng cứ ở nhà làm việc bình thường, nhưng phải nghe ngóng, sẵn sàng. Nếu nghe gióng trống cù một hồi ba tiếng thì mọi người ai có dao cấu, mã tấu, trường côn, súng kíp, đòn xóc, nhanh chóng tới các nhà ở ven đường làng và các nhà quanh Bảng Môn Đình, ngồi ếm ở đó. Trống cù gióng ba hồi chín tiếng, hoặc thúc liên hồi tức là bọn đạo tặc đã vào làng để khủng bố, dân làng không kể nam nữ, già trẻ đều phải kéo đến tập trung trước Bảng Môn Đình sẵn sàng đợi lệnh giáp trận trừ loạn.

2

Có hai lính khố xanh từ phủ huyện đi thẳng vào nhà ông lý trưởng Lê Huy Chuyên báo cho ông biết có ngài thiếu úy người Pháp Chappelle và ngài tri phủ Tôn Thất Thiện đang về để thị sát làng Hoằng Nghĩa và làng Bột Hưng mà người ta vẫn thường gọi là Lưỡng Bột.

Đã lường trước được sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra nạn các quan trên về làng nên mọi việc đối phó đã được bàn định. Ông lý trưởng làm ra vẻ ngạc nhiên về sự xuất hiện của hai người lính khố xanh, vội vàng theo hai người lính ra điếm Mộc Bài ở đầu làng để đón quan. Trên đường đi, ông gọi với anh mõ làng ra ngõ, sai anh mõ rao mời làng và nói với ông phó lý cho gióng trống cù một hồi ba tiếng để các vị trong hội đồng hào mục, các vị ngũ hương, các bô lão trong làng ra đón quan trên. Anh mõ hỏi ông lý trưởng: “Đã rao mõ lại còn gióng trống, thưa ông!”. “ Biểu rao mõ thì cứ rao mõ. Việc gióng trống là việc của ông phó lý, không phải việc của mõ làng. Cứ rứa mà làm!”.

Trong các vị chức sắc có người chưa kịp xắc lại áo mũ thì quan Tây, tri phủ cùng đoàn tùy tùng vừa lính Tây vừa lính ta đã tới. Tri phủ nằm trên võng, lớn tiếng quát hỏi:

- Lý trưởng Bột Hưng đâu?

Ông lý trưởng khúm núm, bước lên trước mặt quan Tây và tri phủ thưa:

- Dạ bẩm, có con là Lê Huy Chuyên đây ạ!

- Ngài Chapelle hỏi có chuyện gì mà làng anh trống mõ ầm ĩ thế?

- Dạ thưa, làng con nổi trống cù lên để đón các quan đấy ạ! Chả là mấy hôm nay Lưỡng Bột con lại đang có đám ma thành ra trống mõ cứ lẫn lộn lên, thưa quan!

- Đám ma nhà dân hay đám ma nhà quan mà trống kèn, chuông mõ gớm thế?

- Dạ thưa, đám ma nhà quan Bố chính đấy a!

Tri phủ nói với người thông ngôn dịch lại cho ngài Chapelle nghe. Chapelle nhìn lý trưởng từ đầu xuống chân rồi nói một tràng tiếng Tây. Người thông ngôn nói lại cho tri phủ. Tri phủ nói với lý trưởng:

- Ngài Chappelle hỏi có phải đám ma mấy thằng đầu sỏ Cần Vương đã bị chém đầu trên tỉnh không?

- Dạ thưa, con chỉ nghe nói là nhà quan Bố chính nay có đại tang thôi ạ!

- Thế anh làm lý trưởng mà anh không biết là trong làng ai chết à? Anh không nắm được cái việc phải làm của thằng hương bạ làng anh hả?

Ông lý trưởng tỏ vẻ sợ sệt:

- Thưa quan, đó là địa phận của xã Hoằng Nghĩa mà con lại là lý trưởng của xã Bột Hưng nên con không có phận sự ạ!

- Thế lý trưởng Hoằng Nghĩa đâu?

- Thưa quan, ông ta mới chết cách đây mấy ngày!

- Lý trưởng Hoằng Nghĩa chết à? Nó là thằng nào?

- Thưa quan, ông ta là ông lý Ngò. Tạ Khắc Ngò?

- Ngò nào mà sao ta không biết? Nó làm lý trưởng Hoằng Nghĩa từ hồi nào? Nó chết vì già cả hay dịch bệnh?

- Dạ nói khí không phải, xin các quan có đại xá cho thì con mới dám thưa?

- Nói đi! Ta và ngài Chappelle đang nghe đây?

- Ông lý Ngò bị người ta giết!

- Vì sao lại bị giết? Người ta là ai? Là bọn nào?

- Nghe nói đâu ông lý Ngò bị giết là vì ông ta theo người Tây đánh ta!

- Nói láo! Bọn nào lại dám giết lý trưởng của một làng?

- Dạ, nghe nói ông lý Ngò bị nghĩa quân Cần Vương hay Văn thân gì đó giết.

- Láo toét. Câm ngay! Liệu hồn không ta cho chết cả lũ. Thôi, đưa ta và ngài Chappelle đi thị sát làng anh xem sao.

- Dạ vâng! Nhưng thưa quan, xin quan hạ cáng và nói cho ngài quan Tây hạ mã trước khi vào làng. Cái lệ của làng con là như rứa.

- Lại còn lệ với chả lạt. Phải có ngoại lệ cho ta và ngài Chappelle chứ?

- Thưa quan lớn là không được ạ! Từ khi con lớn lên cho đến khi con được làm lý trưởng con chưa thấy ông quan nào dám nằm võng qua làng chứ đừng nói là cưỡi ngựa ạ!

- Thế anh là lý trưởng của làng, anh không phá được cái lệ khỉ gió của làng anh đi, để cho ta nằm võng và ngài Chappelle ngồi trên lưng ngựa vào làng được hả?

- Nói xin quan lớn bỏ ngoài tai. Có là đầu củ chuối con cũng không dám phá lệ làng! Từ nhỏ lớn lên, con đã được bố mẹ và người làng con kể là làng con có ngài Quan Thượng, thay vua nhiếp chính triều đình mà khi về làng còn phải đi bộ, huống hồ gì quan Tây.

- Láo toét! Muốn chết thì bảo!

- Thưa quan, quan đại xá cho! Con đã nói từ đầu là con xin quan lớn xá lỗi cho con rồi con mới dám nói thật, thưa quan!

- Thôi! Đi...đi! Vào làng!

- Dạ, thưa quan, con chỉ được phép rước quan vô làng khi quan hạ cáng và ngài quan Tây hạ mã ạ!

Tri phủ nói giằng co như vừa hăm dọa, vừa như thương lượng với lý trưởng xã Bột Hưng không được, đành xuống cáng và nói với quan thông ngôn nói lại cho ngài Chappelle về lệ làng ở đây và xin ngài  xuống ngựa để vào làng.

Lý trưởng Lê Huy Chuyên dẫn đoàn vừa Tây vừa ta đi trước, theo sau là các vị chức sắc của làng. Từ điếm Mộc Bài qua Mã hàng, ra chợ Quăng, vòng qua xóm Bái, xóm Đông, xóm Hầu. Khi đến xóm Nhỏ thì gặp đám tang hai ông huyện và hai cậu tú nhà cụ Bố. Ngài Chappelle nói với quan thông ngôn. Thông ngôn nói với tri phủ. Tri phủ nói lại với ông lý trưởng: “Quan trên lệnh cho các anh phải khám xét xem trong những quan tài người ta đang khiêng kia, có cái nào là xác các thủ lĩnh Cần vương mới bị chém đầu trên tỉnh hay không?” Ông lý trưởng trả lời: “Chúng con không thể làm được. Đụng đến đó là đụng đến tâm linh và đạo lý. Không một ai trong cái làng này dám to gan! Hương ước làng con đã ghi rõ: “Tôn trọng tổ tiên là cội nguồn của đạo đức!”. Mà thưa quan, những người quá cố đều là tổ tiên của ta cả thôi”! Tri phủ đỏ mặt, quát:

- Các anh có làm không? Đây là lệnh của nhà nước!

- Dạ thưa quan, các ngài có chém, có giết thì các con cũng chịu! Bắt các con làm việc thất đức như rứa thì quả là các con không làm được!

- Anh có muốn làm lý trưởng nữa không?

- Bẩm quan, con rất muốn tiếp tục làm để được dưới quyền của quan dạy bảo.

- Thế tại sao anh không tuân lệnh? Hay anh đã ăn tiền của nhà ấy rồi?

- Dạ thưa, tiền bạc ở đâu thì con không biết. Nhà cụ Bố thuộc địa phận xã Hoằng Nghĩa của ông lý Ngò quản. Nhà nước lại không có bằng chứng người quá cố có tội nên không phải cứ muốn khám là khám! Vả lại, khám xét đám ma thuộc về đạo đức làm người nên các con chịu.

- Đạo lý cái con khỉ. Hương ước của làng mày là cái quái gì. Bằng chứng thì ông có thừa. Lý Ngò chết rồi thì lý Chuyên phải làm!

Ông lý Chuyên không nói thêm. Ông đứng nhìn những người đưa tang đang diễu qua. Chappelle nói với quan thông ngôn. Thông ngôn lại nói với tri phủ. Tri phủ nghe xong liền ra lệnh cho đội lính khố xanh để lại hai người với ông ta, ngài Chappell và hai lính Pháp; còn tất cả lính khố xanh, các quan chức đi theo phải xông vào dòng người đang đưa tang, len lên phía trước để kiểm soát bốn chiếc quan tài. Ông lý trưởng và các chức sắc của làng cũng len theo. Khi đội lính khố xanh và đoàn tùy tùng của phủ huyện đến được nghĩa trang Đông Cung thì bốn cỗ quan tài đã được đặt ở các miệng huyệt. Bốn đội trai dâng quan để tay lên bốn cỗ quan tài theo hồi sênh dẫn của bốn ông chấp hiệu, chờ lệnh hạ huyệt. Người nhà, bà con họ hàng, các nhà sư, các người trong hội từ thiện, các học trò của những người quá cố đông như kiến, đứng thành những vòng trong vòng ngoài. Những tay lính khố xanh được lệnh của người đội trưởng lao vào đẩy những trai dâng quan ra để họ kiểm tra các quan tài. Các trai dâng quan ngăn lại. Các lính khố xanh không chịu. Thế là thượng cẳng chân hạ cẳng tay giữa lính và trai dâng quan xảy ra. Các trai dâng quan ra tay đấm đá bọn lính. Có anh còn rút côn ra quật vào đầu lính làm bẹp dúm cả nón, làm mác rơi khỏi tay. Tiếng la thét inh ỏi. Tay đội trưởng lính khố xanh vừa giương súng lên thì đã bị một anh trai dâng quan chặn lại, túm cổ áo cho một bạt tai và chỉ thẳng vào mặt hắn mà thét: “Mi bắn, tau cho mi xuống huyệt luôn!”. Hắn ta hoảng sợ hạ súng xuống. Nhưng rồi mấy tay lính khố xanh cố liều lao vào thúc được một cái quan tài bật nắp ra. Chúng cho tay kéo cái khỏa trắng cuộn chặt người trong chiếc quan tài lên thì thấy bật tung cái sọ dừa, những cành dâu và thân cây núc nác. Bọn chúng la to lên báo cáo tay đội trưởng: “Không có người đâu, thân cây cả. Họ chôn làm gì không biết”. Thế là cuộc ẩu đả ở cả bốn quan tài dừng lại. Bọn lính khố xanh lẫn ra, đi ngược trở về chỗ tri phủ và ba người Pháp đứng. Đội trưởng lính khố xanh báo cáo lại câu chuyện đám tang rước bốn cỗ quan tài đến nghĩa địa là bốn cái quan tài đựng sọ dừa và những thân cây núc nác, những cành cây dâu nuôi tằm. Tri phủ bấy giờ với vỡ lẽ ra là đám tang này là đám ma hình nhân thế mạng. Tri phủ nói với quan thông ngôn dịch cho ngài Chappelle và hai người lính Pháp nghe đây là đám tang không có thi hài người chết. Buộc gia đình tang chủ phải làm khi người quá cố mất tích không tìm thấy thi thể. Đó là một tục phép hình nhân thế mạng thường có của người Việt. Nghe thông ngôn nói xong, Chappelle nhìn ông lý trưởng và các vị chức sắc rồi khoắt tay cho tri phủ và mọi người đi. Trên đường đi, tri phủ nói với ông lý trưởng đưa ông ta và ngài Chappelle đến Bảng Môn Đình. Vừa vào đến sân Bảng Môn Đình, lý trưởng đã sai ông phó lý gióng trống cù ba hồi chín tiếng. Nghe trống gióng âm vang to, Chappelle nói với quan thông ngôn một tràng tiếng Tây. Thông ngôn hỏi ông lý trưởng:

- Ngài Chappelle hỏi gióng trống để làm gì? Báo động phải không?

- Thưa quan, xin quan thưa lại cho quan Tây biết, đó là lệ của làng mỗi khi có quan to về Bảng Môn Đình, phải nổi trống để báo cáo Thần Hoàng làng và sức dân ra đón quan.

Đứng trước sân đình, Chappelle có vẻ tâm đắc với cảnh quan bên ngoài, lại muốn chiêm ngưỡng cảnh bên trong nên ngài Chappelle bảo thông ngôn nói với tri phủ cho đội lính khố xanh ở ngoài sân đình cảnh giới; còn ngài, hai lính Pháp, tri phủ và đoàn tùy tùng vào thăm đình. Khi đoàn tới gian chính giữa thì thấy một người phụ nữ còn trẻ tuổi xuất hiện. Nét mặt rạng rỡ, da nàng trắng mịn, đôi má ửng hồng. Nàng cười, hé lộ hai hàm răng đều chăn chắn, đen nhưng nhức như hạt na. Trên đầu nàng vấn khăn nhung đen, tóc còn thừa ra một đoạn đuôi gà. Ngang lưng nàng thắt khăn đuỗi. Trong chiếc áo dài tứ thân lộ ra cái yếm đỏ ôm chặt lấy hai gò bồng đảo còn gọn gàng và săn chắc. Đôi mắt sắc như dao cau của nàng nhìn như xoáy vào các ông quan Tây. Nàng nhẹ nhàng cất tiếng: “Con xin có lời kính chào các ngài quan lớn trên phủ huyện, trên tỉnh, lại có cả quan Tây cầm đầu đã dừng chân viếng thăm đình làng con. Đình làng con có tên là Bảng Môn. Là tiền đường của miếu Đệ Tứ. Miếu Đệ Tứ do Vua Lý Thái Tông đã ban tặng cho làng con để thờ Thần Hoàng làng Nguyễn Tuyên. Ngay từ khi mới đặt chân vào khu đất Miếu Đệ Tứ và Bảng Môn Đình toạ lạc, đã thấy toát lên một trong những kiểu kiến trúc đặc trưng cho nền văn minh Lạc Việt. Trên nóc hậu cung, các bậc tiền nhân làng con đắp hai con rồng thời Lý. Cả hai con rồng uốn mình trên nóc miếu như những làn sóng biển Đông, móng đang vươn lên, mào trên đầu rồng đỏ mọng cùng chầu vào một mặt trời đỏ như lửa. Còn trên nóc Bảng Môn Đình, đôi rồng đời mới hơn, mào dựng, đuôi quẫy trong thế vươn lên trông nó tự nhiên hơn nhưng vẫn không mất đi tính cổ kính. Miếu Đệ Tứ, Bảng Môn Đình đã nói lên vượng khí, kế thế khoa bảng của một vùng quê đã từng được mệnh danh là ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. Thần Hoàng của làng con, ngài Nguyễn Tuyên, được vua Lý phong đến cấp đại tướng. Ngài sinh năm Đinh Tỵ (1017), niên hiệu Thuận Thiên thứ Tám, triều vua Lý Thái Tổ, trong một gia đình nền nếp, thi thư, ăn ở hiếu thuận. Theo như thần phả còn ghi lại, vào năm Càn Phù (1039), triều Lý Thái Tông, quân Chiêm Thành xâm chiếm bờ cõi nước Đại Việt ta. Vua Lý Thái Tông thân chinh cầm quân đi dẹp giặc. Khi đại quân tiến qua trang Đường Bột (tên của làng con thời bấy giờ), thấy địa thế  rộng rãi, có dòng Lỗi giang ngắm vô như rồng phun nước nhuận đẫm phù sa tạo thành nơi phúc địa. Nhà vua nói: “Thế đất này ắt phải sinh nhân tài”. Nhà vua bèn lệnh cho dựng hành cung và hạ trại để quan quân nghỉ, ở phía Đông của làng. Vì thế, làng con có các vùng đất được gọi là Đông Cung; nơi ta đang đứng đây gọi là Long Đầu; cách đây một đoạn gọi là Sườn Long, xa một đoạn nữa gọi là Mã hàng; ở đầu làng có điếm canh gọi là Mộc Bài... Nhà vua còn xuống chiếu chiêu mộ người hiền tài ra giúp việc quân”.

Quan thông ngôn vừa lắng nghe vừa dịch lại cho Chappelle và hai người lính Pháp nghe. Tri phủ khoắt tay tỏ ý không muốn nàng nói tiếp. Nhưng Chappelle đang đứng trước một người đàn bà vừa duyên dáng, nói năng lưu loát vừa có cái nhìn đa tình, nên ngài nói với quan thông ngôn bảo tri phủ cứ để cho nàng nói. Tri phủ đành phải tuân lệnh. Giọng nàng mạch lạc, truyền cảm khiến ngài Chappelle và hai  lính Tây như muốn nuốt lấy từng lời: “Đêm ấy, trang Đường Bột lung linh bởi trăng thanh gió mát, mai trúc quế hương ngào ngạt. Vua Lý mới ngả lưng ngọc trên sập gụ tại hành cung, bỗng nhà vua mộng thấy ba vị thần từ trên ba tòa sen lấp lánh đến hội kiến và tiến cử người tài. Sáng hôm sau, Nguyễn Tuyên vào yết kiến vua Lý. Thấy Nguyễn Tuyên tướng mạo khôi ngô, ứng đáp thông minh, nhanh nhẹn, nhà vua lệnh cho Nguyễn Tuyên trổ tài võ nghệ ngay trên bãi đất bằng trước hành cung để nhà vua mục sở thị. Nguyễn Tuyên sức lực vô song, tinh thông võ nghệ, trả lời lưu loát những tình huống nhà vua đặt ra, lại có cách tổ chức trận đánh độc đáo... Nhà vua mừng rỡ, liền phong cho Nguyễn Tuyên chức Đại tướng, cử làm tiên phong đi đánh quân Chiêm Thành”.

Nàng ngừng lại. Đưa đôi mắt long lanh nhìn thẳng vào Chappelle, cười mỉm. Chappelle nhún vai, mỉm cười đáp lại nàng một cách tình tứ. Nàng nhận biết được cái nhìn đắm say từ Chappelle, và nàng tiếp: “Phụng mệnh vua, Nguyễn Tuyên xin được về làm lễ bái tạ gia tiên và chiêu mộ dân binh của bốn dòng họ: Nguyễn, Bùi, Lê, Phạm trong làng cùng lên đường dẹp giặc. Sau khi chỉnh đốn binh mã, vua Lý Thái Tông dẫn đại quân tiến thẳng vào phương Nam, tổ chức một trận đánh lớn. Quân Chiêm Thành khiếp đảm, tháo chạy tán loạn. Đại quân ta toàn thắng, khải hoàn hồi kinh”.

Nghe đến đây, tri phủ hỏi nhỏ ông lý trưởng:

- Các anh móc được mụ đàn bà ấy ở đâu ra mà trông có vẻ duyên dáng, nói năng lưu loát thế. Định làm mỹ nhân kế chắc?

Ông lý trưởng bây giờ bắt đầu thay đổi cách nói:

- Gì mà quan anh phải quá lời. Mỹ nhân kế cái gì! Thím nó tên là thím Xã Đá đó. Chồng thím nó là chủ từ miếu Đệ Tứ, kiêm khán đình. Nay chồng ốm nên thím nó xin ra làm việc thay  chồng. Gái một con trông mòn con mắt phải không quan anh? Nếu quan anh không thích thì thôi. Để bảo ông phó lý cho thím ấy đừng nói nữa.

Tri phủ nghe ông lý trưởng nói vậy, nhìn thẳng vào mặt ông như khiêu khích. Đoạn, hắn dúi cái đầu baton vào hông ông lý trưởng, khẽ nói vào tai:

- A, cái thằng này xếch mé!

- Thì quan anh thử nghĩ lại coi, thím nó nói hay rứa mà quan anh không muốn nghe lại còn bảo là đây xếch mé! Quan anh không thích nghe thì cứ để cho mấy thằng rậm râu sâu mắt nó nghe.

Tri phủ nghe giọng của ông lý trưởng khác hẳn với giọng mới nói trước đây, trong bụng như có điều gì nghi hoặc. Nhưng Chappelle vẫn lắng tai nghe, mắt nhìn như muốn nuốt lấy thím Xã Đá nên tri phủ nói với ông lý trưởng:

- Thôi! Cứ để cho con mẹ ấy nói. Coi như đó cũng là cách giải tỏa căng thẳng cho ngài  Chappelle. Còn mày, hãy đợi đó!

Tri phủ nãy giờ đôi co với lý trưởng nên cũng chẳng nghe rõ những gì thím Xã Đá nói. Chỉ có Chappelle càng lúc càng say, cười cười nói nói với quan thông ngôn. Bây giờ thì tri phủ mới để tai đến những lời của thím Xã Đá: “Khi hồi kinh về đến trang Đường Bột, vua Lý lệnh cho hạ trại đóng quân, mở tiệc mừng công, khao thưởng quân sĩ và làm lễ bái tạ linh địa, phong thần hiệu cho các vị thần đã âm phù giúp vua đánh thắng giặc. Nhà vua sức cho dân lập miếu thờ tự ba nơi linh địa. Đó là miếu Đệ Nhất, miếu Đệ Nhị, miếu Đệ Tam. Sau đó nhà vua lệnh cho ngài Đại tướng Nguyễn Tuyên cử giá về Thăng Long cùng nhà vua. Nhưng khi đi đến địa phận Long Đầu của bản trang bỗng trời nổi gió, mưa to ập đến, mây đen mù trời, ngựa của ngài đại tướng Nguyễn Tuyên quị xuống. Đúng lúc ấy thì Ngài hóa. Đó là ngày 21 tháng Chạp. Vua Lý thương xót vô cùng, ban sắc cho dân Đường Bột con lập đền thờ Ngài ngay tại nơi Ngài hóa. Miếu thờ Ngài được gọi là miếu Đệ Tứ. Về sau, dân làng con, người góp của, kẻ góp công xây thêm cái đình này, để làm tiền đường cho miếu Đệ Tứ. Các bậc tiền nhân làng con đặt tên đình là Bảng Môn, là cửa vào khoa bảng. Là nơi hội tụ việc đào luyện những người theo nho học; nơi học những điều hay, lẽ phải trong các buổi bình văn giảng tập. Các bậc nho sinh làng con và cả một số nho sinh các làng bên, trước khi đi thi trong kinh, ngoài tỉnh đều đến đây để báo cáo xin phép. Các bậc đỗ đạt trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn, hoàng giáp; các bậc làm quan tri phủ, tri huyện, tỉnh trưởng đến các bậc thượng quan đầu triều là người sinh ra từ trong làng, ngoài tổng đều về đây tạ ơn báo đáp. Lệ của làng con là trọng khoa hơn trọng hoạn. Mỗi khi việc làng người đỗ cao được xếp ngồi chiếu trên dù  chức tước nhỏ hơn người ngồi chiếu dưới. Thật là trời phú cho làng con. Vua Lý xếp Ngài đại tướng Nguyễn Tuyên vào hàng công thần của vương triều. Sắc phong: Đương cảnh thành hoàng, thượng đẳng phúc thần đại vương. Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 21 tháng Chạp là làng con làm lễ huý nhật thần hoàng làng Nguyễn Tuyên. Hôm đó, từ thượng quan cho đến cùng đinh ai cũng vui như mở cờ trong bụng. Ngày đó vợ chồng con bận đến tối mắt tối mũi mà vui đáo để”. Nghe đến đây, Chappelle nói với quan thông ngôn hỏi xem cô ta làm chức tước gì trong làng mà nói thông thạo thế. Quan thông ngôn nói lại cho thím Xã Đá nghe. Thím Xã Đá mỉm cười nhìn quan Tây, trả lời: “Thưa quan, con chỉ là vợ của chồng con thôi. Chồng con là chủ từ miếu Đệ Tứ kiêm khán Đình Cửa Bảng. Hôm nay chồng con khó ở không ra đình được, con xin phép ông phó lý cho con ra thay, làm phận khán đình: Quét dọn, trải chiếu, lo việc nước nôi cho làng đón khách. Còn việc thủ từ hôm nay, nếu cần đến, ông phó lý biểu để ông lo. Từ nhỏ, con đã ra đình xem tế, xem hội, được nghe các bô lão giảng giải về lịch sử của làng, về miếu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, về Thần Hoàng làng Nguyễn Tuyên. Nghe nhiều lần nên con thuộc làu làu. Hôm nay ông phó lý sai con nói lại sử làng cho các quan nghe thì con nói thôi”.

...Đã quá ngọ từ lâu. Trời trong xanh không một gợn mây. Nắng chiều xiên khoai. Mọi người thấm đẫm mồ hôi. Chappelle và hai người lính Pháp da thịt đỏ lừ, khó chịu về cái nắng nóng của miền nhiệt đới. Hắn nói với quan thông ngôn. Thông ngôn gọi tri phủ lại và nói ý của quan thầy. Tri phủ phảy tay gọi ông lý trưởng lại, nói:

- Ngài Chappelle chỉ thị cho các anh là phải tìm cho ra, ngoài mấy thằng nghe theo Cần Vương đã bị xử tử trên tỉnh, còn thằng nào là thủ lĩnh, là đầu sỏ Cần Vương ở cái làng này nữa thì phải bắt và giao nạp cho hết!

- Quả thật là tôi không biết! Tôi đã nói từ nãy đến giờ mà các quan không hiểu cho sao?

Quan thông ngôn dịch lại câu trả lời của lý trưởng cho Chappelle nghe. Hắn đỏ mặt tía tai, nói như quát vào mặt quan thông ngôn. Rồi thông ngôn nói lại với tri phủ. Tri phủ quát ông lý trưởng:

- Ngài Chappelle nói là theo các quan Tây trên tỉnh nói về làng này đã lấy xác các thủ lĩnh Cần Vương bị quan quân Đồng Khánh và quân đội đại Pháp xử tử ở cầu Hạc mấy hôm trước. Chứng tỏ làng này vẫn còn những thằng đầu sỏ Cần Vương. Nếu làng này không tìm ra bọn chúng giao nạp cho nhà chức trách thì ngài Chappelle sẽ xử bắn các anh, sẽ cho đốt hết. Đốt cả Bảng Môn Đình này!

Nghe vậy, ông lý trưởng nóng gáy lên vặc lại tri phủ:

- Tưởng làm tri phủ đi theo bọn Tây rồi thì muốn giết ai thì giết à? Muốn đốt làng thì đốt à? Ở nơi khác thì đây không biết, chứ ở Lưỡng Bột thì không xong đâu!

- Láo toét! Theo lũ Cần Vương phản lại nhà nước hả?

Thím Xã Đá khi đó đang đứng sau ông lý trưởng, liền bước lên trên, đối mặt với tri phủ. Thím Xã Đá trả lời tri phủ:

- Biết ai phản, ai không phản mà chém với chả giết! Các ông giám đốt cả Bảng Môn Đình hả? Bảng Môn Đình là một phần của miếu Đệ Tứ. Là nơi thờ Thần Hoàng của làng. Nếu các ông đốt Bảng Môn Đình thì toàn dân Lưỡng Bột này sẽ theo Cần Vương tiêu diệt các ông. Liệu đó mà làm!

Quan thông ngôn dịch lại câu trả lời tri phủ của thím Xã Đá cho Chappelle và hai lính Pháp  nghe. Tri phủ quắc mắt lên nhìn  thím Xã Đá. Thím Xã Đá cũng giương đôi mắt sắc lẹm nhìn tri phủ. Để tránh đôi mắt của thím Xã Đá, tri phủ đưa mắt sang hai bên, khi này trai tráng trong làng người thì gậy tre, người thì đòn xóc, người thì mã tấu, trường côn, có người còn mang cả súng kíp trong tay kéo vào sân Bảng Môn Đình ngày một đông. Cùng lúc đó, từ gian bên Bảng Môn Đình, trống cù thúc lên liên hồi. Tri phủ yếu lý, sợ hãi. Hắn lắp bắp định nói gì đó nhưng lại thôi. Hắn nhìn thấy nhiều người dân vây quanh Chappelle và hai người lính Pháp như sẵn sàng xung trận. Một tên lính Pháp giương súng lên, Chappelle đưa tay ra ngăn lại. Các chức sắc trong đoàn tháp tùng và tri phủ ai nấy mặt xanh như đít nhái...

Thiếu úy Chappelle, hai người lính Pháp, tri phủ Tôn Thất Thiện, cùng đoàn tùy tùng đi như chạy ra phía điếm Mộc Bài ở đầu làng, chuồn thẳng về phủ huyện.

Nguồn Văn nghệ số 15/2017

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *