Chuyện văn chương

29/5
3:28 PM 2017

VĂN CHƯƠNG LÀ HỒN, LỊCH SỬ LÀ CỐT

NGỤY HỮU TÂM (Cảm nhận khi đọc tiểu thuyết HUYỀN THOẠI KIM THIẾP VŨ MÔ

                                     Tác giả Thâm giang Trần Gia Ninh - Trần Xuân Hoài

 

Khi cầm quyển sách trên tay và lật giở mấy trang , cảm nhận đầu tiên, như nhà văn Phạm Quang Đẩu đã viết, là “lạ và mới ở một quyển tiểu thuyết Lịch sử, một quyển sách sinh động và hấp dẫn“[1]. Nhà báo và phê bình văn học Hồng Sơn của báo QĐND thì nhận xét là quyển sách “đã dựng lên những thân phận con người những câu chuyện lịch sử lãng mạn, bi tráng, đọc rất hấp dẫn”[2]. Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận xét của các anh, đó là Lạ, Mới, Sinh động, Hấp dẫn. Tuy nhiên tôi muốn bổ sung một nhận xét khác nữa, mà các anh chưa đề cập tới.

Trang mạng “Những quyển sách yêu thích -  www.lovelybooks.de”   của nước Đức gần đây có tổ chức  cho độc giả bình chọn các tác giả viết tiểu thuyết lịch sử  hay nhất (Autoren, die die besten historischen Romane schreiben). Tiêu chí hay (tiếng Đức:gut) để bình chọn là „ Những tiểu thuyết lịch sử hay là khi nhà văn dẫn chúng ta lạc vào thời quá vãng và làm cho chúng ta cảm nhận rằng, đúng là lịch sử được tái hiện thực sự chính xác như thế- Historische Romane sind dann gut, wenn die Autoren es schaffen uns in vergangene Jahrhunderte zu entführen und wir dabei das Gefühl bekommen, genau so muss das damals gewesen sein. “[3] . Kết quả bình chọn, thì Alexandre Dumas dù là tác giả lừng danh của những „Ba chàng Ngự lâm pháo thủ“, „Hoàng Hậu Margo“… chỉ được xếp thứ 13. Không có gì lạ, Dumas đã từng tuyên bố:  "Lịch sử là cái đinh, ở đó tôi treo móc những bức tranh của tôi". Aragon với “Tuần lễ thánh” và “Vũ Như Tô” hay “Đêm Hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng, “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác… cũng theo cách hư cấu như vậy. Xếp hạng hàng đầu thực sự hay theo tiêu chuẩn như trên là dành cho những tiểu thuyết lịch sử thực sự, trong đó tác giả tôn trọng, coi lịch sử không phải chỉ là cái đinh, mà là một cơ thể; văn chương chỉ được phép khoác cho nó bộ trang sức hư cấu lung linh đủ để thổi hồn cho cơ thể lịch sử phục sinh như nó đã từng sống mà thôi. Cũng giống như độc giả ngày nay, Maxim Gorky ngày trước đã đánh giá trong văn học Nga, “ Pie Đại đế” của Alexei Tolstoi mới thực sự là tiểu thuyết lịch sử. Nếu độc giả Á Đông tham gia đánh giá, chắc là bộ “Tam quốc Diễn Nghĩa” bảy thật ba giả của La Quán Trung cũng được xếp hạng cao theo tiêu chí Tiểu thuyết Lịch sử thật sự hay này. Dễ hiểu là những tiểu thuyết lịch sử thực sự, khi hư cấu bị tác giả tự hạn chế, là rất khó viết và thành công lại càng hiếm hoi, đặc biệt là trên văn đàn nước Việt xưa nay. Tôi cho rằng, ở một chừng mực nào đó, KIM THIẾP VŨ MÔN đã cố gắng để tiếp cận tiêu chuẩn này.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu kể rằng, khi vừa đọc hết quyển sách, nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả Hán ngữ nổi tiếng Trần Đình Hiến đã phải thốt lên “Nguồn tư liệu từ sử sách và điền dã  cực tốt!”.  Quả thật mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện của tiểu thuyết đều được xây dưng sống động trong khung cảnh của những sự biến lịch sử thật sự. Đây là một điểm son làm nên giá trị về nội dung của Huyền thoại KTVM. Với một bút pháp văn chương, như nhà báo Hồng Sơn nhận xét, đậm màu của một thời quá vãng, ngôn từ và cách diễn đạt mang dáng dấp xưa mà không cổ, tiết tấu nhanh và tiết giản, khiến cho người đọc bị cuốn hút như được xem một cuốn phim sống động với nhiều scene lãng mạn kỳ thú, kể về những nhân vật và diễn biến lịch sử bi hùng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu thế kỷ XV. Sách được viết theo thể chương hồi gồm 14 chương 37 hồi. Thể loại tiểu thuyết này rất thích hợp cho các tiểu thuyết võ hiệp biên niên sử, nhưng rất khó viết cho các loại tiểu thuyết về nhân thế, tình yêu, thân phận con người. Có thể nói tác giả đã khá thành công khi sử dụng thể loại chương hồi khô khan mà vẫn dựng lên được những thân phận, những câu chuyện lịch sử lãng mạn, bi tráng. Nhờ thể loại chương hồi, tác giả không hề phải lộ diện, mà để cho lịch sử và nhân vật tự kể chuyện mình. Người đọc không khỏi ngậm ngùi  cho một tráng sĩ  không gặp chủ cũng không gặp thời như Đặng Dung, đã phải vạch đá ghi những vần Cảm Hoài hào sảng ai oán. Những trường đoạn tả về thác Vũ Môn lồng lộng trong hình ảnh của đôi trẻ Hà Ất-Mai ly “lồ lộ hai tấm thân trần non tơ ríu rít bên nhau mơn mởn căng tràn nhựa, thanh khiết giữa trời mây non nước…“ đã dẫn dắt độc giả vào một mối tình hoang sơ, lãng mạn vô chừng. Có được mối tình như duyên trời định với quận chúa Huy Chân mà dũng tướng Nguyễn Tuấn Thiện đành vì đại nghĩa dằn mình chịu dang dở nhìn nàng  phải lên bành voi về cung thành thân với Lê Lợi khiến ai cũng tiếc nuối.…Đó là những nốt lặng văn chương, những giây phút đắt giá trong cơn lốc vó ngựa dồn dập của sự biến lịch sử.  Nhân vật lịch sử có số phận gây nhiều tranh cãi như Phan Liêu, tuổi trẻ tài cao, lạc lối giữa thù hận và trách nhiêm, cùng với mối tình đam mê oan trái với Xuân Liên cũng được khắc họa rất nổi bật. Giá như tác giả đẩy bi kịch số phận những nhân vật Tuấn Thiện, Phan Liêu,…lên cao trào hơn nữa thì sẽ tuyệt vời hơn ! Và nếu vào tay những cây bút thời thượng, chắc sẽ viết sexy hơn nữa cho hợp trào lưu văn học đương đại (nhưng tôi thì không muốn Trần Gia Ninh viết như vậy)!

Khác với khi đọc các tiểu thuyết khác, đọc KTVM độc giả còn được tiếp nhận nhiều điều bổ ích và lý thú từ kho tàng văn chương, lịch sử, minh triết cổ kim đông tây mà tác giả đã khéo léo lồng ghép vào tác phẩm, cùng nhiều chú giải tỷ mỉ, đến độ mà có cảm tưởng như đang đọc một khảo luận khoa học bằng văn chương.

Tôi rất tâm đắc với nhận xét của nhà bình luận Nguyên Hải trên tờ Tia Sáng, khi thốt lên “tổ tiên ta giỏi quá”. Còn nhà văn Nguyễn Thế Hùng trên báo Văn Nghệ Công An đã viết rất chí lý rẳng  đọc Kim Thiếp Vũ Môn “ để  tin và yêu thêm đất nước mình”

Ngay cả chữ KIM THIẾP ở tên sách cũng chỉ được giải mã khi ai đó đã đọc hết quyển sách. Cũng không có gì lạ, vì tác giả vốn dĩ là một nhà khoa học và ông coi đây là một tiểu thuyết khảo luận, học thuật. Tác giả còn lo rằng, vì thế mà với nhiều độc giả, quyển sách này có thể sẽ rất khó đọc. Tôi, người viết bài này, vốn dĩ cũng là một người cùng nghề làm khoa học tự nhiên như tác giả, cho nên rất hiểu tâm trạng và cảm xúc của một nhà khoa học toán lý cầm bút, luôn tự biết mình là kẻ ngoại đạo văn chương. Vì vậy, dù trong lời Cẩn Bạch, tác giả thổ lộ rằng “chỉ mong góp được vài mẩu vụn vặt cho ai đó khi gẫu chuyện với  tri kỷ mà thôi “ . Tôi thì không nghĩ thế mà cho rằng mọi độc giả đều có thể và nên đọc quyển tiểu thuyết lịch sử có phần độc đáo này và chắc chắn sẽ không thất vọng vì sự hấp dẫn, kỳ thú của quyển sách mà tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã mượn văn chương để thổi hồn cho lịch sử sống động và còn gửi gắm nhiều hơn thế, tùy cảm nhận của từng người đọc... Có bạn đọc kể rằng, sau khi đọc xong quyển sách quá hấp dẫn này, liền thực hiện chuyến hành hương về Hoan Châu, đến tận đôi bờ sông Lam, sông La, ngược lên thung lũng Ngàn Sâu, Ngàn Phố để chiêm bái các địa danh, chứng tích và kỷ niệm của lịch sử đã trải sáu trăm năm có lẻ mà quyển sách đã kể lại. Đó có lẽ là thành công ngoài mong đợi của bất kỳ tác giả nào. Và cũng nên nói thêm, trong tình trạng  văn đàn  hiện nay, việc nhà xuất bản Văn Học cho ra đời  quyển tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn” quả là có con mắt xanh, một điểm son đáng ghi nhận. Chỉ tiếc là số lượng in quá khiêm tốn, khiến độc giả nay không thể tìm đâu ra sách, nhiều nhóm phải photocopy để chuyền tay nhau đọc.


Nguồn: Văn hóa Nghệ An


[1]  Theo bài bình luận của nhà văn Phạm quang Đẩu về quyển sách “Huyền thoại KTVM” đăng trong Bán Nguyệt San "TINH HOA VIỆT" trang 15, số 6, ra ngày 25/6/2015).

[2]  Hồng Sơn,Đọc HT KTVM: Một khúc bi tráng,Sự Kiện& Nhân Chứng ,báo QĐND, trang 39

[3] http://www.lovelybooks.de/autoren/historische-romane/Autoren-die-die-besten-historischen-Romane-schreiben-464890264/

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *