Chuyện văn chương

15/5
8:00 AM 2017

NGHIỆP THƠ-PHÊ BÌNH,TIỂU LUẬN CỦA LÊ ĐẠT

Trăng Ba Vì sao đổi chữ thiên di. Trong các bộ môn văn học nghệ thuật, thơ có lẽ là bộ môn chịu nhiều hiểu lầm hơn cả. Anh muốn vẽ ư? Anh phải đi học họa (dầu không phải học tại trường Mỹ thuật). Anh muốn làm nhạc ư? Tốt nhất mời anh thi vào Nhạc viện. Hình như chỉ có thơ là không cần phải học. Nhiều người nghĩ rằng thơ cũng như khả năng ngoại cảm hoàn toàn trời cho. Và tìm chữ cũng như tìm mồ mả hài cốt!

 

                                                   Cố nhà thơ Lê Đạt

Các nhà thơ cũng góp phần không nhỏ vào sự ngộ nhận này. Nào nhà thơ đêm nằm nghe thiên hứng từ một cõi thanh vắng đọc cho mình nghe như thánh ốp vào miệng một cô đồng phải ghi tắp lự, không đến sớm mai có thể rơi vãi mất hết! Nào nhà thơ cưỡi trên con ngựa bay của cảm hứng mà các lý luận Trung Hoa dựa vào âm tiếng Anh của tự "inspira - tron" chuyển dịch một cách thần bí và sang trọng là " Yêu sĩ phi lý thuần", vân vân và vân vân.

Sinh thời Thơ Mới những năm 30, một nhà thơ đầu đàn viết:

Hôm qua đi hái mấy vần thơ

Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ.

Chẳng ai biết Lạc Hồ ở đâu, nhưng lập tức đẻ ra một loạt các ông đầu bù tóc rối đi trong mưa tìm hứng thơ. Nhiều ông đi lạc xuống phố Khâm Thiên tìm thơ trong thú đi mây về gió với sự trợ giúp của nhựa cây anh túc cũng như thân xác của mấy nàng thơ "mỳ ăn liền".

Khói huyền lên khói huyền lên

...

Lung linh vàng dội cung quỳnh

Nhịp nhàng biến hiện những mình tiên nga.

 

Kết quả chẳng biết sinh ra bao nhiêu nhà thơ, chỉ biết khá nhiều người tiền mất tật mang và ngày càng lún sâu vào cái mà ngày nay ta gọi là tệ nạn xã hội.

Các nhà lý luận nói nhiều đến cách làm việc cần mẫn của người viết tiểu thuyết hơn của người làm thơ. Người ta ca ngợi việc Tolstoi viết đi viết lại nhiều lần bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình. Nhưng người ta lại trầm trồ việc Lý Bạch say túy lúy đặt bút không cần nghĩ, viết một mạch những câu thơ trác tuyệt bị thúc đẩy bởi một cuồng hứng.

Điều đó khiến nhiều người hiểu lầm rằng thơ không cần lao động cực nhọc mà chỉ cần cảm hứng. Mà cảm hứng thì như người tính thất thường, nhõng nhẽo, thoắt đến, thoắt đi ai mà lường trước được.

Theo tôi thơ là một nghề. Đã là một nghề thì phải có kỷ luật lao động. Không nên thụ động thắp hương chờ mà phải chủ động gọi hứng đến. Công việc này đòi hỏi một kỷ luật nghiệt ngã và gian khổ.

Các nhà thơ hãy tập thói quen hàng ngày ngồi vào bàn làm việc như một người lao động bình thường viết - cố viết. Không nghĩ ra cũng phải nghĩ cho ra, cũng phải viết - Đừng có nản - Viết một chữ một, câu bật chợt đến. Rồi chữa. Rồi phát triển. Rồi xóa sạch nếu cần. Nhưng nhất định phải viết - Dầu công cốc, dầu tốn giấy mực và thời gian.

Hãy đi đến tận cùng chán nản để vật ngã nó. Thật ra, nói không được gì chỉ là nhìn bề ngoài. Việc viết xóa, sửa chữa viết đi viết lại tưởng như là vô ích này là những yếu tố tích lũy và kích thích cảm hứng rất tốt.

Một số nhà thơ cho rằng những câu bắt đầu là của trời cho. Cũng có thể. Nhưng trời chỉ đầu tư mấy câu đầu như một thứ vốn "ưu đãi xóa đói giảm nghèo" còn việc ăn nên làm ra là việc của từng người không ai làm thay được.

Valéry, nhà thơ, nhà lý luận thơ kiệt xuất người Pháp có một ý kiến đáng để ta suy nghĩ: " Một hai câu đầu có thể trời cho, phần còn lại là khổ sai chữ".

*

Thiên hạ không ngớt lời khen Tào Thực đi một bước làm một câu thơ. Đó là một lời khen không tốt. Nó dễ khiến người nhẹ dạ lầm lẫn thơ với một cuộc thi tốc độ. Thời Đường có bao nhiêu thần đồng xuất khẩu thành thi, đến nay tên còn lại bao nhiêu người? Tôi không thích những thần đồng Tôi yêu những người lao động có tri thức một nắng hai sương trên cánh đồng chữ bận tâm những vụ mùa cao sản.

Phê bình thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, Thánh Thán có một nhận xét rất được:

"Phàm cổ nhân mà có một lời, một hàng, một câu, một chữ đủ để biết một mình trong một thời, chiếm cứ cả ngàn năm thì ta phải tin rằng không có gì - không do ở đọc sách ( hay học tập - L. Đ) dưỡng khí (hay rèn luyện - L. Đ) mà ra".

Thơ là chóp của Kim Tự Tháp văn hóa - Không có nền vững, chóp dễ sụp đổ như một lâu đài cát. Không có thơ hay ở trình độ cấp I. Làm thơ nhanh hay chậm, dễ dàng hay khó khăn chỉ là cách riêng của từng nhà thơ không phải biểu hiện của tài năng.

Người luyện võ đến mức siêu chỉ phấy tay đủ phát trưởng phá núi - Cái phấy tay đủ phát chưởng phá núi - Cái phẩy tay đó hàm chứa bạc đầu khổ luyện. Một cái múa bút của Lý Trích Tiên thật ra công lực như Hạng Vương cử đỉnh. Người ta chỉ nhìn thấy Tào Thực ung dung đi một bước làm một câu thơ, không nhìn thấy những đêm trắng "độc thư Huyện thi" phu phen của họ Tào.

Maia có một cuốn sổ tay vật bất ly thân để tích lũy chất liệu thơ hàng ngày (một ý hay, một từ ngộ nghĩnh, một câu thơ chợt đến), ông coi nó như một kho hậu cần của sáng tạo. Đó là một kinh nghiệm hay.

Đỗ Phủ có một đòi hỏi hết sức nghiêm khắc đối với việc làm thơ - Nhà thơ khổ sai chữ này, di chúc đời sau "Viết một câu quỷ thần chưa khiếp kinh, chết không nhắm được mắt".

*

Nhiều cây bút trẻ than thở về cảnh ngộ cô đơn và khó khăn của nghề chữ. Theo tôi đó không phải là cảnh ngộ riêng đối với các nhà thơ trẻ mà là số phận chung của các nhà thơ thứ thiệt.

Một người chữ lẫy lừng như Baudelaire mà suốt đời vẫn thấp thỏm lo lắng: "Thượng đế! Cầu xin người phù hộ cho dăm ba câu thơ đủ sức chứng minh rằng Baudelaire không đến nỗi là kẻ mạt hạng thấp kém so với đám người mình khinh bỉ".

Lời cầu xin của tác giả Ác hoa không phải là một lời cầu xin đầu lưỡi hay làm dáng - Một người làm thơ tự trọng luôn hoài nghi, luôn nơm nớp mình là kẻ ngoài lề vô dụng và cần phải cố công, cùng sức làm được một vài câu thơ đủ chứng minh (không phải cho đời mà cho chính bản thân) rằng mình không đến nỗi là một kẻ vét đĩa vứt đi.

Tôi kỵ những nhà thơ tự phong hay được sắc phong "thi sĩ suốt đời". Nhà thơ đích thực bao giờ cũng ghế bất trắc và buộc phải bảo vệ (không phải bệ vệ) thi phận của mình qua thử thách khắc nghiệt và vô tư của chữ.

Ai cũng biết Victor Hugo là một nhà thơ đồ sộ. Viết về nhà thơ này, Jean Cocteau, một nhà thơ nổi tiếng nhận xét: "Hugo, cái anh chàng rồ cứ ngỡ mình là Victor Hugo!". Như vậy là ông nhà thơ đồ sộ kia cũng từng đã không ít lần bị loại qua các cuộc bầu cử của chữ.

Làm thơ là một nghề hơi bị nguy hiểm. Tôi không nói đến cái nguy cơ bị ăn đòn bởi các nhà phê bình đao to búa lớn - Thời nào cũng có những kẻ đao búa. Cái nguy hiểm trầm trọng hơn là tình trạng mà Rilke gọi là niềm "cô đơn không tận" của nghiệp thơ. Các nhà văn xuôi cũng cô đơn, nhưng cô đơn khủng khiếp nhất hình như vẫn là các nhà thơ.

Không người làm thơ nào không trải qua những cơn tuyệt vọng muốn quẳng bút đi làm nghề khác cho nó khỏe - Nhưng thơ là một nghiệp, một tình yêu đắm đuối - Yêu cũng mạo hiểm lắm chứ! Nhưng có ai vì thế mà chưa yêu đâu.

Trong một phút xuất thần, Nguyễn Du khi nói về thân phận nàng Kiều đã cám cảnh nói hộ bản thân ông và các nhà thơ:

Ma đưa lối quỷ dẫn đường

Lại tìm những lối đoạn trường mà đi

Ai buộc anh phải làm thơ, phải bước vào "con đường khổ ải" đó. Chẳng ai cả - Thân làm tội đời mà thôi!

Trong bức thư nổi tiếng gửi người làm thơ trẻ, Rilke nhắc đi nhắc lại rằng họ chỉ nên đeo đuổi nghiệp thơ, nếu từ chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn họ cảm thấy không viết không được.

Lẽ dĩ nhiên đứng về phương diện quản lý, Hội Nhà văn phải thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của các nhà thơ trẻ mà niềm nở ân cần đối với họ, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho họ có thể gặp gỡ trao đổi với nhau. Báo Thơ rất nên mở ra cho họ một sân chơi, thông thoáng và hiện đại. Và nên tránh những lời quở trách chung chung và nặng chùy như "lai căng" "quay lưng lại với cuộc sống" "thơ hũ nút, xa rời quần chúng" vân vân và vân vân. Họ còn mới bắt đầu mà đã chụp những cái mũ trọng tội thế. Phải thương yêu, giúp đỡ họ (tôi rất ghét từ nâng đỡ) chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm cụ thể với một thái độ khoan dung nhận chân thành vì họ chính là ngân hàng tương lai của chúng ta - Đừng nên quá, "chữ nghĩa nhiều khi có thể giết người".

Phải hiểu quy luật tiếp nối trong văn học. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước là phải tìm ra được tiếng nói riêng, nhiều khi rất khó nghe đối với lỗ tai của thế hệ trước. Trong cuộc đấu tranh giữa thơ "cũ" và thơ "mới" những năm 30, đã có "cụ" gay gắt lên án đòi chém Lưu Trọng Lư. Tiếp nối không phải rập khuôn làm theo mà làm khác thế hệ cha anh như thế hệ cha anh đã từng làm khác thế hệ trước. Tiếp nối truyền thống là trẻ hóa, phát triển nó tạo ra những truyền thống mới sống động và khác lạ. Đó là một lao động hết sức gian nan và vất vả đòi hỏi một đam mê mãnh liệt đến mức dũng cảm.

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua

Anh bạn trẻ! Anh đã trèo được mấy núi rồI?

Đam mê một người còn không xong, sức mấy mà đam mê chữ.

 

*

... Hiển nhiên gánh thơ thế kỷ XXI chủ yếu đè nặng trên vai thế hệ trẻ.

Đó là một vinh dự, quan trọng hơn, đó là một trách nhiệm. Tuổi trẻ, do cấu tạo sinh học thường có ưu điểm năng nổ táo bạo và nhất là có những suy nghĩ cảm xúc mới mẻ trước cuộc sống.

Tôi xin phép nhấn mạnh: những ưu điểm trời viện trợ ấy không đủ để các nhà thơ trẻ đảm nhiệm trọng trách chữ.

Kinh nghiệm cho ta biết rằng hoàn toàn sống bám vào viện trợ, dầu là viện trợ "vô tư" nhất, nhiều khi còn khổ quá ăn mày.

Hình như hiểu rằng "của trời đất kho vô tận" thật đấy, nhưng trời cũng chẳng hào phóng như người ta tưởng và tem phiếu trời cấp nhiều khi cũng chẳng rôm rả gì nên cố nhân đã gợi ý "Hãy tự viện trợ rồi trời sẽ viện trợ" hay nói kiểu các phương tiện thông tin đại chúng hiện tại "nên chú ý phát huy nội lực".

Các nhà thơ trẻ phải trường kỳ học tập tự tạo cho mình một quỹ văn hóa, càng trường vốn càng tốt - họ phải cố gắng tinh thông ít nhất một ngoại ngữ để có điều kiện mở cửa tiếp xúc với nền thơ thế giới - cái bất hạnh nhất của một nhà thơ là tình trạng bị cách ly bởi những hàng rào ngôn ngữ.

Một nghịch lý cũng cần nêu bật là không ít nhà thơ trẻ thường bắt đầu rất già vì họ quen nói bằng ngôn ngữ quá khứ mà cứ đinh ninh là của mình. Ngôn ngữ là một thói quen đáng sợ và rất ngoan cố. Thế hệ trẻ không dễ dàng tìm được ngay tiếng nói của mình. Cuộc tìm kiếm này là một quá trình hết sức gian khổ. Không thiếu gì người đã bạc đầu mà vẫn ăn nhờ tiếng nói của bố mẹ.

Chỉ khi nào nhà thơ tìm được tiếng nói riêng, anh ta mới được coi là "người lớn".

Tương tự như con cái phương trưởng được cha mẹ cho tách hộ khẩu ra ở riêng.

*

Đã có một thời ở Phương Tây người ta nói quá nhiều đến cuộc chiến giữa các thế hệ.

Theo tôi đó là một cách nói xốc nổi và giật gân có nhiều tính chất "giễu" hơn là suy nghĩ chín chắn của một thế kỷ chưa rũ bỏ được ám ảnh chiến tranh nóng cũng như lạnh.

Các thế hệ chẳng việc gì phải gầm ghè nhau cả. Trời đất còn nhiều vùng hoang hóa chưa khai khẩn.

*

Mọi sự tiếp nối trong nền văn minh nhân loại đều vừa liên tục vừa gián đoạn.

Việc đầu tiên cầu làm khi đứa trẻ ra đời là phải cắt rốn tách khỏi mẹ.

Đó là hành động gián đoạn chảy máu đầu tiên trong cuộc đời một sinh vật.

Một nền thơ chưa cắt rốn chưa thể coi là một nền thơ đã khai sinh.

Các thế hệ đi trước hãy giúp đỡ thế hệ trẻ tách khỏi quyền giám hộ của mình tạo điều kiện cho họ sớm trưởng thành và ra ở riêng.

Uống nước nhớ nguồn là một truyền thống hay

Con hơn cha nhà có phúc cũng hay không kém.

*

Một số nhà thơ trẻ trong hội nghị than phiền không được các nhà văn đàn anh nâng đỡ.

Tôi xin phép được lặp lại mình một lần nữa: tôi rất không thích từ nâng đỡ. Cái màu sắc ô dù của nó dễ gây hiểu lầm không những đối với thế hệ thơ trẻ mà còn cả với các bậc đàn anh.

Một nhà thơ cổ thụ thời danh trong một phút bốc hứng đã buột miệng phát một câu xanh rờn trên bục giảng một lớp bồi dưỡng cây bút trẻ:

"Các anh đều ở trong túi chúng tôi mà ra".

Cũng may là túi nhà thơ ấy thủng.

Các nhà thơ trẻ phải ý thức và trách nhiệm hơn về vai trò "khai phá", "lập nghiệp" của mình.

Vùng sâu, vùng xa của chữ còn vạn thủy thiên sơn nghìn lần vùng sâu vùng xa địa lý.

Hành trình mới hoang vu, mới cô tịch làm sao! Không hiếm đoạn rừng nguyên sơ um tùm cỏ dại, phải phát quang mà đi.

Lỗ Tấn nói "Đường do người đi mà có".

Nhưng nhà thơ trẻ, nhà thơ khai phá nhiều khi lại là người phải đi những bước đầu tiên "lồng vết trăng soi dấu chân hổ dữ".

Chống với thói quen chữ của chung quanh đã khó. Chống với thói quen bản thân còn bội lần khó hơn. Chẳng có người tình, người bạn nào "khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu" cả, ngay chính mình nhiều khi cũng lạnh nhạt, cũng hắt hủi mình.

Mọi con đường khai phá, lập nghiệp đều "Thục đạo nan"... Y hu hi! Nguy hồ cao tai... Đường vào Thục khó hơn đường lên trời.

Mà chúng ta chỉ có cái ba lô hoài bão toòng teng trên lưng chống lại những dông bão cấp mười ba mười bảy của cuộc đời.

Thượng Đế hãy phù hộ cho các nhà thơ trẻ chân cứng đá mềm trên con đường vạn lý trường chinh chữ.

*

Dư luận kêu ca các nhà thơ trẻ hay bia bọt đọc thơ và ca ngợi lẫn nhau tại trận một cách xa xỉ. Không nên quá nghiêm khắc với họ. Thỉnh thoảng bia bọt, cho nhau đi tàu bay giấy tí chút để nạp thêm "gaz" hào hứng cũng chẳng sao, miễn là không nên kéo dài triền miên và nhất là chuyển hộ khẩu thơ tới đó!

Đừng bao giờ quên rằng cái quan trọng nhất đối với người làm thơ không phải những phút liên hoan vui vẻ "văn mình vợ người" hay nhận hoa trên sân diễn mà là những phút, những giờ thầm lặng, chán nản, vô danh vất vả trên xới chữ.

Người ta thường ca ngợi những miếng chữ điêu luyện "trên cả tuyệt vời" của các cao thủ, mà ít ca ngợi bản lĩnh "trì đòn" phi thường của họ, nó chính là lòng gan dạ, khí phách của kẻ sĩ, cả văn lẫn võ.

*

Tôi muốn kể các bạn nghe chuyện nhà thơ Mỹ đồ sộ Walt Whitman.

Tập Lá cỏ của Walt được xuất bản năm 1855 với số lượng bảy chục bản gì đó. Đã đến cái nước bóp mồm bóp miệng bỏ tiền túi ra in thơ (người ta còn truyền rằng ông tự sắp chữ lấy cho đỡ tốn tiền) để biếu xén hải nội chữ quân tử cũng đã là hẩm hiu mạt hạng rồi! Mà nào có xong cho đâu!

Tập Lá cỏ đầu tiên gửi tặng một nhà phê bình đàn anh lập tức được gửi trả lại với một dòng chữ phúc đáp giết người: "Đây không phải thơ, đây là sự vô lễ".

Nhà thơ thời danh khả kính Whittier, một những sáng lập viên của Đảng Cộng hòa Mỹ đã quẳng cuốn Lá cỏ vào lửa như hỏa thiêu một sản phẩm của ma quỷ. Không những thế nhà thơ thanh giáo kia còn kể lại hành động thánh thiện của mình trong tất cả các buổi sinh hoạt của giới thượng lưu như một chiến tích văn hóa.

Khi Walt lân la đến hiệu sách thu thập thông tin về sáng tác của mình (nhà thơ đã khôn ngoan nhờ một người bạn đảm đương giúp phần tiếp thị) chủ hiệu sách trễ kính nhìn ông như một quái thai ngâm dấm và phải lục mãi trong ngăn sách bụi bặm mới lôi được ra một tập.

Walt hỏi:

- Làm sao tập Lá cỏ mới xuất bản mà ông không bầy bán?

Chủ hiệu nhún vai:

- Tôi khổ sở vì tập "Lá cải" này. - Một khách hàng quen trông thấy cuốn sách trên sạp đã đùng đùng bỏ đi, sau khi quẳng lại một câu: "Tôi tưởng ông là người đứng đắn ai ngờ ông lại buôn những thứ sách nhảm độc hại này".

Walt phải cắn răng rốc túi ra mua cả ba tập Lá cỏ để chứng minh chợ tử tế của tác phẩm.

- Đây là một tập thơ rất độc đáo. Tôi muốn mua thêm mấy cuốn tặng bạn bè.

Ông chủ hiệu sách chẳng biết thật thà hay tinh quái.

- Người ta chỉ gửi tôi bán có ba cuốn... nếu ngài muốn mua thêm xin đến hiệu sách cách đây ba nhà. Chắc là còn... Có ma nào hỏi đâu...

Walt đi rồi vẫn còn nghe rành rọt bên tai: - Đúng là một thằng hâm.

*

Điều kỳ quặc là Walt không nhảy xuống sông Potomac tự tử, cũng không chôn chặt mối "sầu vạn cổ" dưới đáy một chai Uýtxki hay trong bụng một mỹ nữ "mây chiều".

Say đi em, say đi em

Say cho lơi lả ánh đèn

Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt

Rượu rượu nữa và quên quên hết.

Không những thế ông còn lọ mọ đem tập thơ đã in ra sửa lại, viết bổ sung và tái bản lần thứ hai.

Hồi đó nhà thơ của chúng ta còn là một nhân viên văn phòng quèn tại một cơ quan nhà nước.

Một hôm ông trưởng phòng bất chợt thấy trên bàn làm việc của thuộc cấp (Walt là bút danh, tên khai sinh của nhà thơ là Walter) có cuốn Lá cỏ bèn hỏi:

- Ông cũng đọc cuốn này?

Tuy là người thông minh, nhưng Walt vẫn mắc bệnh ngây thơ cố hữu của các nhà thơ. - Ông không nhận thấy sắc thái hơi khác trong giọng nói của thủ trưởng - Walt cười rất "colgati":

- Thưa ngài đây là một tập thơ khá độc đáo - Nếu ngài muốn tôi sẽ biếu ngài một tập.

- Ông biết tác giả...

- Thưa ngài tôi rất biết, vì tác giả chính là kẻ hèn này.

Khi Walt nhận thấy mặt thủ trưởng thay đổi thời tiết thì đã quá muộn.

- Cơ quan nhà nước là một nơi nghiêm túc không... không có chỗ...

Ông trưởng phòng phẫn nộ đến mức phải nới ca-vát để thở.

Và do bệnh quan liêu hách dịch là một bệnh mãn tính của hầu hết các cơ quan hành chính, nhà thơ của chúng ta bị buộc phải thôi việc "vì tội vi phạm nghiệm trọng quy chế công chức".

Không chừa. Nhà thơ lại tiếp tục sửa, tiếp tục bổ sung và tái bản lần thứ ba.

Tập Lá cỏ lúc đầu là một tập thơ mỏng non trăm trang, lần tái bản thứ tư vào năm 1870, nghĩa là sau lần xuất bản đầu tiên 15 năm, đã trở thành một tác phẩm bề thế dày năm sáu trăm trang.

Và nhà thơ tủm tỉm cười một mình

- Sự vô lễ đến năm sáu trăm trang biết đâu chẳng trở thành một sự lễ phép khác.

Và lần này trước tòa phúc thẩm của thời gian, nhà thơ đã được hiểu - Walt trở thành nổi tiếng, quá nổi tiếng đến mức không biết nhét túi nào cho hết.

Cả thế giới chào mừng nhà thơ "vô lễ mánh qué" như một tài năng khổng lồ tiêu biểu cho tiếng nói trẻ của một quốc gia ngoại cỡ mới thành hình mà người ta gọi là nước Hoa Kỳ. Hình như diện tích của quốc gia mênh mông này còn hơi nhỏ so với tầm cỡ của nhà thơ, người ta mệnh danh ông là Christopher Columbus của thời đại mới.

*

Dầu hiện tại Bóng chữ không đi con đường "thơ diễn đàn" của Lá cỏ, tôi vẫn hàm ơn Walt Whitman: Những con chữ trượng phu và ấm tình đồng đội của ông đã bầu bạn tôi đằng đẵng những năm tháng đơn độc nhất của nghiệm sinh:

Bạn muốn tìm tôi

Hãy tìm tôi đế giày của bạn

Đâu đây tôi vẫn đứng tôi chờ

L.Đ- Nguồn: Tạp chí Thơ HNV

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *