Văn học với đời sống

7/11
4:13 PM 2017

TRONG ÁNH SÁNG CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

TS. LÊ THÀNH NGHỊ

(Trích Tham luận tại Hội thảo “Văn học Nga-Xô viết với văn học Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt nam tổ chức ngày 6-11-2017)

Nước Nga, buổi chiều ngày 24 tháng 10 năm 1917 theo lịch Julius, cách đây đúng 100 năm, đã diễn ra một cơn địa chấn long trờ lở đất. Đó là hàng vạn người nghèo khổ, bị áp bức, tràn lên như vũ bão qua Cung điện Mùa đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng bônsêvich, đòi xóa bỏ phân biệt đẳng cấp của chế độ hiện thời, xóa bỏ đặc quyền của Giáo hội, thực hiện bình đẳng giữa những con người, giữa các dân tộc, đòi quyền lợi của người lao động, đòi xóa bỏ ách bóc lột kéo dài đã mấy trăm năm…Cho đến ngày 7 tháng 11 (lịch mới), những chủ nhân của thời đại mới đã nắm trong tay vận mệnh của đất nước, của chính họ, và từ đó đã ra đời một nhà nước kiểu mới, đó là chính quyền Xô viết do Vladimir Ilichs Lenin đứng đầu, bảo đảm chắc chắn sinh mệnh chính trị và quyền lợi của giai cấp lao động, và gánh trên vai sứ mệnh quốc tế: hậu thuẫn cho các dân tộc thuộc địa toàn thế giới đứng lên giải phóng khỏi sự áp bức của thực dân. Đó là “những ngày rung chuyển thế giới” của Cách mạng Tháng Mười Nga, thường được nhắc đến như một sự kiện vỹ đại nhất của thế kỷ XX.

Cách mạng Tháng Mười đã không những thay đổi triệt để về mặt xã hội mà còn tác động sâu sắc đến sáng tạo văn chương nghệ thuật. Hầu hết các nhà văn nổi tiếng của nước Nga Xô viết lúc bấy giờ đều hướng về cách mạng Tháng Mười, đem tài năng của mình phục vụ xã hội mới. M.Gorki trở thành ngọn cờ đầu trong việc khẳng định một nền văn học mới theo tinh thần của Lenin. Nhà thơ lớn Maiacopxki trong trường ca Vladimir Ilichs Lenin đã viết những câu thơ hết sức nồng nhiệt, chân thành: “Tôi tắm mình trong ánh sáng Lenin”. Ở Việt Nam nhà văn hóa, nhà trí thức tiêu biểu Đặng Thai Mai cũng với một suy nghĩ tương tự. Trong tiểu luận: Ánh sáng là từ phương bắc rọi tới, từ rất sớm nhà trí thức trẻ đã nhận ra: “Nhiều người trong lớp tuổi chúng tôi đã học hỏi với văn nghệ Liên Xô qua những con đường khúc khuỷu…Riêng đối với tôi, thì thật sự: Ánh sáng là từ phương bắc rọi tới”***. Phương bắc ở đây là quê hương của Cách mạng Tháng Mười!. Còn chúng ta, thế hệ những người sinh ra rất lâu sau cách mạng Tháng Mười, hoặc sau cách mạng Tháng Tám, có mặt hôm nay, có niềm tin chắc chắn để nói rằng, không một ai không cảm thấy văn học Nga, văn học Xô Viết và nói chung là văn hóa Nga đã để lại những ký ức sâu sắc như thế nào trong tâm hồn mình. Nhờ chủ trương bảo vệ di sản quý giá văn học nghệ thuật của dân tộc Nga, trong những sắc lênh đầu tiên của Lenin, sau khi giành chính quyền năm 1917, mà chúng ta có hạnh phúc tiếp xúc với những gì tinh túy trong kho tàng văn hóa đồ sộ của những Puskin, Gogon, Lermontop, L.Tônxtôi, Sekhop, Turghenhiep, Bunhin, Đôtxtoepxki, Xantưcop Sêđrin, Ghéc xen và biết bao nghệ sỹ lỗi lạc khác; Nhờ có chính sách phát triển văn hóa với mục đích làm giàu có sức sống tinh thần cho những công dân mới của một nước XHCN của chính quyền Xô viết, mà chúng ta, những bạn đọc Việt Nam được hòa trong những suy nghĩ của khối óc và nhịp đập trái tim với những sáng tác của những tên tuổi bậc thầy như M. Gorki, A.Bloc, V.Maiacopxki, C.Exenhin, M.Solokhop, N.Otxtropxki, I.Erenburg, Ts.Aitmatop, A.Tonxtoi, K.Pautopxki, R.Gamzatop và nhiều nhà văn nổi tiếng khác. Và  công cuộc cải tổ ở chiều thuận của nó, đã khôi phục và đưa lại cho người đọc nhiều tên tuổi tài năng khác như: Pacxernac, Solzenhizsyn, Đudinxép, Bungacov, Akhmatova, Kaxacov, V.Necraxov Xorokin, A.Rưbakov, V.Grossman…Văn học Nga và văn học Xô viết mà ngọn nguồn là chủ nghĩa nhân đạo cao cả trong đó có chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, chất lãng mạn Nga rất đặc trưng, trong đó bao gồm cả “hiện thực thứ ba” mà M.Gorki đề xuất từ một luận điểm nổi tiếng của Lenin: “Con người phải biết nhìn hiện tại từ chỗ đứng của tương lai” (Lenin), nơi tôn thờ cái đẹp và tình yêu con người, nơi ký thác những khát vọng hoàn thiện nhân cách, nơi cất chứa mọi ý niệm triết học từ trí tuệ và chiều sâu văn hóa Nga, nơi lưu giữ vẻ đẹp độc đáo tính cách và tâm hồn Nga…đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ người đọc Việt Nam. Không sợ nói quá khi cho rằng, văn chương nghệ thuật Nga Xô viết đã làm giàu có tâm hồn, làm hình thành nhân cách, làm rắn rỏi tinh thần của rất nhiều lớp người đọc Việt Nam. Nhiều cuốn sách đã trở thành phương châm sống, gối đầu giường, thành bạn đường tin cậy và thông thái, được trích ghi trong nhật ký, theo chân các thế hệ ra mặt trận, đã góp phần làm nên những chiến công trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do ở Việt Nam.

Văn học nghệ thuật đã kéo gần nước Nga đến sát biên giới của người Việt, đã đưa những tâm tư và tình cảm sâu kín của người Nga vào những giấc mơ của người Việt. Nước Nga trở nên thân thuộc, máu thịt đối với mỗi người Việt. Những ngày ở Liên Xô trước đây, khoảng cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước, tôi từng chứng kiến một điều rất lạ lùng nhưng lại rất dễ hiểu: Người Việt Nam đến Liên Xô, hoặc đi công tác từ các nước Đông Âu, về đến biên giới Liên Xô coi như đã về đến nhà mình. Một Liên Xô chưa giàu như các nước phương Tây nhưng lòng độ lượng thì vượt bậc, như một nét đặc trưng phẩm chất của công dân Xô viết, đang giang rộng vòng tay nhân ái đối với cả nhân loại đang khó khăn, và với từng con người cụ thể. Vì sao vậy? Vì cử chỉ ấm áp và thân thiện của người dân Nga, vì một xã hội ổn định, lành mạnh đủ để làm nên đức tin không gì lay chuyển được, hay vì niềm tin cậy thiêng liêng ấy, một phần được làm nên từ những trang sách văn học Nga, những bộ phim Nga, những ca khúc trữ tình của Nga, những vở kịch, những vở opera, những vở bale Nga… mà đông đảo người đọc Việt Nam đã thấm thía tận sâu trong trái tim mình?. Có thể là tất cả. “Trầm tích” quý giá đó được cảm nhận, lĩnh hội và bồi đắp từ những gì tinh túy của một nền văn hóa đồ sộ có chiều dài trong lịch sử, nhưng lại hiển hiện cụ thể trong từng cử chỉ, trong từng hành vi, từng lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người dân bình thường, toát lên từ triết lý yêu con người và yêu cái đẹp như một nét rất đậm của văn hóa Nga. Điều này, không có biểu hiện nhiều trong xã hội các nước phương Tây.   

Với các nhà văn Liên Xô, Việt Nam nói chung và cuộc chiến tranh giải phóng đất nước nói riêng cũng luôn luôn thu hút sự quan tâm to lớn. Chúng ta nhớ từ rất sớm Manđenxtam đã nhìn thấy tương lai văn hóa qua một cá nhân người Việt Nam cụ thể, K. Xtanhucovich hơn 100 năm trước đã đến Sài Gòn và ghi chép những trang văn đầy thiện cảm với đất nước Việt Nam xa xôi, M.Gorki cũng từ rất sớm đã nồng nhiệt lên tiếng ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, rồi các thế hệ nhà văn khác như Phighe, Cube, rồi R. Cácmen, Antoconxki, E.Éptusenco, K.Ximonop, rồi O.Gortracop, Phonhiacop, E. Đonmatopxki, nhà Việt Nam học N.I.Niculin…vv và vv đều hoặc đã đến Việt Nam trong chiến tranh, hoặc đã có nhiều tác phẩm viết về Việt Nam. Đó là tiếng nói tâm huyết, đầy tình đồng chí, tình bạn của những nhà văn Xô viết trước sự nghiệp cách mạng khó khăn gian khổ của một dân tộc đang chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng. Những ngày đó, Việt Nam luôn ở trong trái tim của các nhà văn Xô viết.

Ở chiều ngược lại, Liên bang Xô viết và văn học Nga Xô viết cũng luôn luôn là niềm tin, niềm tự hào của các thế hệ cầm bút ở Việt Nam. Có thể nhận ra việc tiếp nhận tinh hoa văn học Nga Xô viết ở Việt Nam là một quá trình liên tục và sâu đậm, đặc biệt là từ sau Hiệp định hợp tác văn hóa Xô-Việt được ký kết tháng 2 năm 1957, sau đó hàng loạt tác phẩm văn học Nga Xô viết được ra mắt tại Việt Nam. Chúng ta biết, từ những năm 30 của thế kỷ XX Vũ Ngọc Phan, Hoàng Gia Zụ, Ngô Vĩnh..rồi kế tiếp, trước và sau Cách mạng Tháng Tám, là Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Hoàng Trung Thông, Huỳnh Lý dịch từ tiếng Pháp, rồi sau hòa bình, là Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Vũ Thư Hiên, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thụy Ứng, Phan Hồng Giang, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Hải Hà, Thái Hà, Thái Bá Tân, Bằng Việt, Thúy Toàn, Phạm Vĩnh Cư…dịch từ tiếng Nga những tác giả ưu tú nhất của văn học Nga Xô viết đã lần lượt ra mắt người đọc Việt Nam. Qua những tác phẩm này, phẩm chất hiện thực sâu sắc của văn học Nga thế kỷ XIX, cũng như chất sử thi bi tráng của văn học Xô viết không chỉ đã thu hút người đọc, mà còn in dấu khá đậm trong thực tiễn sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Điều cần nhấn mạnh, đây là quá trình tiếp nhận tự nguyện, từ sự đồng điệu của trí tuệ và tâm hồn. Quá trình đó có 2 hệ quả rất đáng ghi nhận:

1. Nền văn học Nga Xô viết giàu chất sử thi với những tác phẩm như Suối thép, Chiến bại, Thanh niên cận vệ đội, Sông Đông êm đềm, Con đường đau khổ, Mùa hè kỳ lạ, Vây hãm, Bến bờ, Mùa xuân trên sông Ôđe, Bão táp, Pari sụp đổ, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân….hình như đã kích thích sự sáng tạo và để lại dấu ẩn không nhỏ làm nên chất sử thi của lòng yêu nước, một phẩm chất quý giá của văn học Việt Nam. Chúng ta có thể nhận ra chất sử thi ấy trong Đất nước đứng lên, Sống mãi với thủ đô, Gia đình má Bảy, Vỡ bờ, Rừng U minh, Rừng Xà nu, Mảnh trăng cuối rừng…; Cũng như hoàn toàn có thể nhận ra cảm hứng lãng mạn và những lựa chọn đạo đức trong những tác phẩm như Xa Mạc tư khoa, Gia đình Xurbin, Vùng mỏ Đolbass, Bến bờ…trong văn học Xô viết ở những trang sách của nhà văn Việt Nam như Vùng mỏ, rồi Gang ra, Thung lũng Cô tan; Xi măng của Glakov và Xi măng của Huy Phương; Có thể nhận ra cuộc đấu tranh trong nội bộ nhân dân từ Đất vỡ hoang của M. Solokhov đến Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm, Bão biển, Đất làng…; Có thể nhận ra phẩm chất người lính từ Tinh cầu của Kazakievich đến Trước giờ nổ súng của Lê Khâm, Tấc đất của Baklanov và Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, thơ Maiacovski và thơ bậc thang của Trần Dần; Cũng có thể nhận ra chất trữ tình tinh tế của K.Pautovski, Turgheniev, Bunhin… trong truyện ngắn thời kỳ đầu của Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, chất suy nghĩ sâu lắng của Ônga Bergon, Xvettaeva, Akhmadunhina, Eptuchenco...phảng phất trong thơ Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm…Nhà thơ Phạm Tiến Duật cho rằng ảnh hưởng của thơ ca Nga Xô viết  đối với thơ ca Việt bằng con đường phi ngôn ngữ, nghĩa là không phải bằng câu chữ, mà là bằng tính tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của văn học Nga Xô viết đã thấm sâu trong bút pháp của các nhà thơ Việt Nam, trở thành câu chữ tự nhiên của thơ ca Việt Nam … 

2. Văn học Nga Xô viết đã đưa đến cho văn học Việt Nam bài học của một nền văn chương nghệ thuật sống hết mình với thời đại. Có thể nhận ra từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, đến năm 1975, văn học Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc đang dốc toàn sức lực cho công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước. Mọi thành tựu của của nền văn học đều lấy cảm hứng từ thực tiễn ấy. Những ưu khuyết điểm của văn học giai đoạn vừa qua cũng cần xuất phát từ cái chung rất cơ bản khi mục tiêu của cách mạng cũng là mục tiêu của văn chương nghệ thuật. Bài học ấy, văn học Việt nam tiếp nhận từ văn học Nga Xô viết…

 Nhìn chung, văn học Nga Xô viết đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm tư mỗi người Việt Nam, trong văn học Việt nam, đặc biệt là giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám đến sau 1975. Có thể nói, trong những ngày khó khăn nhất của chiến tranh, qua những tác phẩm văn học nghệ thuật Nga Xô viết, nhớ về Liên Xô, là nhớ về nơi tươi đẹp nhất trong suy nghĩ của mọi người, là nơi an toàn nhất, yên tĩnh nhất trong lời cầu nguyện cho hòa bình trước bom đạn của kẻ thù, và có thể cảm nhận thật rõ sự ấm áp tin cậy hậu phương  Liên Xô sau lưng mỗi người ra trận ở Việt Nam, trong đó có những người viết. Kỷ niệm ấy hẳn còn nguyên vẹn trong ký ức của nhiều người!

Nếu sự kiện ngày 7 tháng 11 năm 1917 và sự ra đời của chính quyền Xô viết được xem là một trong những sự kiện vỹ đại nhất của thế kỷ XX, thì sự kiện ngaỳ 25 tháng 12 năm 1991 làm Liên xô và các nước Xã hội chủ nghĩa đông Âu tan rã cũng được xem là bi kịch địa chính trị lớn nhất của nhân loại thế kỷ XX. Điều cay đắng là mọi chuyện bắt đầu ngay từ chỗ ưu việt nhất của một xã hội mà con người đã từng có được. Mới hay, một thể chế dù ưu việt, tiến bộ đến đâu, mà nếu không kiểm soát được tình trạng trì trệ kéo dài, tình trạng suy thoái, biến chất nghiêm trọng, hàng ngũ lãnh đạo tự đánh mất lòng tin và đánh mất vai trò lãnh đạo của mình, để cho mọi giá trị đều bị đảo lộn (Chẳng hạn trong thời kỳ cải tổ nhiều chính trị gia đã bị phê phán nặng nề, nhiều nhà văn lớn như Plekhanov, Bielinski, M.Gorki, V.Maiacovski, M.Solokhov, A. Phadeev, O.Mandelstam… đều bị bôi nhọ)…, thì sớm muộn thể chế ấy cũng tự chuyển biến. Tự chuyển biến, và hơn nữa trong trường hợp Liên Xô lại được tiếp sức bởi quá trình diễn biến hòa bình ngoài biên giới. Cho nên sự tan rã của Liên Xô đầu những năm 90 của thể kỷ XX, đã diễn ra như được báo trước. Nhưng cũng chẳng bao lâu sau đó, những con người có lương tri đều nhận thấy, hoàn toàn có thể ngăn cản được, nếu đảng cầm quyền biết bảo vệ những nguyên tắc đảng, trước khi mọi việc quá muộn. Một nước Nga hôm nay đang thay đổi và tự cường trong vòng vây của các thế lực thù địch phương Tây, đang từng ngày củng cố sức mạnh của mình trước thế giới, cho thấy những giá trị của “sự tiến bộ thời Xô viết” đang được tái sinh; một nền văn học Nga không chỉ có những điêù như trên đây như chúng ta vừa sơ qua đề cập, mà phong phú hơn, phong phú và phức tạp ngay cả từ thời điểm trước đây, như trong hơn mười năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười, cả trong những năm tháng tưởng rất yên bình của Liên Bang Xô viết, hoặc cả trong mấy năm của cải tổ như bão lốc từ 1986 đến 1991. Phức tạp là một đặc tính muôn thuở của hành trình tư tưởng, mà văn chương nghệ thuật có sứ mạng phản ảnh. Giờ đây, với người đọc Việt Nam, văn học Nga Xô viết thế kỷ qua, bên cạnh những Maiacovxki, Solokhov, Gorki., Tonxtoi, Babel….chúng ta có thêm Kuprin, Bulgacov, Pasternac, Solznhesyn; bên cạnh Bưcov, Bondarev, Rasputin, Astaphiev, Baclanov, Vaxiliev….có thêm Makanin, Petrusevscaia, Pesuk; bên cạnh những Timopheev, Borev, Khravchenco, Pospelov…có Bakhtin, Shklovski, Lotman, Tomasevski, Tynianov, rồi V.E. Khalizev, N.D. Tamatzenko, V.I.Chupa, S.N. Boiman…và các nhà lý luận hậu hiện đại khác…Có cả những khác biệt trong quan điểm nhìn nhận về xã hội và văn học nghệ thuật. Âu đó cũng là việc bình thường, nếu chúng ta tôn trọng sự khác biệt, miễn là không cực đoan tuyệt đối hóa nó để nhằm đi đến loại trừ nhau, và coi đó cũng chỉ là một cách để làm phong phú thêm nền văn học. Nhưng những điều ấy cần có một dịp khác để thảo luận kỹ hơn. Nhìn tổng thể, văn chương nghệ thuật Nga hiện đại đang không ngừng đổi mới một cách trách nhiệm trước người đọc. Tất cả những điều đó xa hay gần, hình như cũng đang tự lựa chọn và hoàn thiện theo tinh thần của Lenin, theo ánh sáng từ Cách mạng Tháng Mười: Xây dựng một nền văn nghệ với sứ mạng cao cả vì cái đẹp và tình yêu con người!

-----------------

* htpt//wwwsugia.vn/index php?mod=new&cpid=308view=detal

** Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, NXB Sự thật, 1980, tr. 416

***Mấy vấn đề lý luận văn học, NXB Khoa học xã hội, H.1970, tr. 217

**** ttps://lentu.ru/news 2017/10/30 revolusiya

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *