Văn học với đời sống

10/10
2:32 PM 2017

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: ĐỔI MỚI CẦN TRIỆT ĐỂ HƠN

Ngô Minh-Dù nước ta hiện vẫn là nước kém phát triển so với thế giơi, còn nhiều vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội, nhưng phải khẳng định rằng, đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập của Đảng từ 1986 đến nay là hoàn toàn đúng đắn và hiệu quả. Nhờ đổi mới, kinh tế nước ta tăng trưởng khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

 Những thành tựu lớn lao đó đều bắt nguồn từ sự nhận thức mới về lý luận của Đảng về xây dựng CNXH mà trước đó chưa từng có. Khâu đột phá lớn nhất là từ bỏ nền kinh tế tập trung bao cấp, phi hàng hóa để phát triển kinh tế thị trường theo định hướng CNXH: Đó là nền kinh tế sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Cơ sở của nhận thức này là Đảng ta cho rằng kinh tế thị trường là một thành tựu của văn minh nhân loại, không phải riêng có của chủ nghĩa tư bản, nên cần phải được vận dụng để xây dựng CNXH!

 

Thời còn “khối CNXH”, tất cả các Đảng Cộng sản trên thế giới đều chủ trương đối lập CNXH và CNTB. Với quan điểm cho rằng tất cả cái gì thuộc về CNTB đều có hại, phải bài trừ tận gốc. Những khái niệm như kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị, quy luật cung cầu... đều là những thành tựu văn minh nhân loại đều bị cho là của CNTB, phải kiên quyết từ bỏ. Đó là sự ấu trĩ khó tránh khỏi vào thời điểm ấy. Chỉ đến khi nhận thức được rằng các thành tựu của nền văn minh nhân loại về thị trường, về nhà nước không hề đối lập với CNXH, có thể vận dụng để xây dựng CNXH, thì vấn đề mới được tháo gỡ, trở thành nguồn gốc sâu xa của những đổi mới và tăng trưởng trong 30 năm qua...

Sau 30 năm đổi mới, dù đã nhận thức được, đã vận dụng được nhiều thành tựu văn minh nhân loại như kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán, hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập toàn cầu, bỏ cơ chế định giá hàng hoá, thẻ tín dụng... nhưng với việc vận dụng các thành tựu của văn minh nhân loại nói ở trên, chúng ta còn nhiều e ngại và bất cập. Điều này đã làm chậm tốc độ phát triển của đất nước. Nguyên nhân là chúng ta chưa giải quyết được thỏa đáng khâu lý luận nhận thức, vì thế chưa tiếp cận một cách toàn diện với những văn minh tiến bộ mà lịch sử loài người đã tổng kết được thành những nguyên lý. Quán tính của hệ thống chính trị vẫn còn ảnh hưởng nặng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đảng ta là Đảng cầm quyền, nhiều nước quanh ta cũng một đảng cầm quyền. Nhưng cầm quyền không phải là làm thay nhà nước. Bộ máy của chúng ta còn chồng chéo, chưa phân biệt được việc Đảng, việc chính phủ một cách rạch ròi. Công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” mà chúng ta phổ biến, tuyên truyền là rất tốt, rất đúng. Nhưng quy trình thực thi công thức đó thì chưa rõ. Hiện nay, dư luận nhân dân rất băn khoăn: Bộ máy Đảng, chính quyền, quốc hội, HĐND từ trung ương đến cơ sở quá cồng kềnh, trùng lặp, cứ như là “ba bộ máy nhà nước tam trùng”, cùng bàn một việc, cùng làm một việc, gây lãng phí lớn cho xã hội. Nếu giảm đi một nửa bộ máy “tam trùng” đó, công việc đất nước vẫn không có hại gì. Cách thực thi bộ máy chồng chéo, trùng lắp như hiện nay chỉ tạo môi trường để nạn tham nhũng phát triển.

Một mặt khác, trong kinh tế, chúng ta vẫn coi nhẹ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Ở một số các bộ, các địa phương vẫn chậm chạp trong việc cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN. Đối với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác thì gây khó khăn trong vay vốn tín dụng, cấp đất, Nhà nước thì nặng về chế tài, thiếu sự hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại, đầu tư… Các ngành độc quyền  đang hoạt động kinh doanh trái với quy luật thị trường từ nhiều năm nay vẫn chậm thay đổi. Việc giá tiêu dùng tăng phi mã, lạm phát tăng, một phần là do sự thao túng thị trường, tăng giá cơ học, làm rối loạn mặt bằng giá cả của các doanh nhiệp Nhà nước còn có yếu tố độc quyền...

Có rất nhiều vấn đề về thực tiễn và lý luận về sử sụng các thành tựu văn minh nhân loại để xây dựng CNXH đang đặt ra hàng ngày, trong đó có các vấn đề về thể chế, bộ máy Nhà nước cần phải tổ chức sao cho năng động hơn, xóa bỏ tận gốc dấu ấn tập trung quan liêu bao cấp, cơ chế ”xin cho” nặng nề trong tất cả các ngành đang cản trở quá trình đổi mới.

Tại Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (1-1994), Đảng ta đã khẳng định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Nhà nước pháp quyền là một thành tựu của văn minh nhân loại. Nếu làm đúng nội dung Nhà nước pháp quyền sẽ tạo nên cơ chế quản lý quyền lực, kiểm soát nhau để chống lại việc lạm quyền, chống tham nhũng, chống việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đây là một chủ trương đúng, song cho đến nay dường như việc triển khai còn chậm.

Một vấn đề trọng yếu khác để xây đất nước giàu mạnh là công tác cán bộ. Muốn có cán bộ giỏi, tâm huyết với đất nước với nhân dân, làm lãnh đạo các cấp, các ngành, phải thông qua bầu cử. Nền văn minh nhân loại đã đúc kết nên nhiều phương pháp bầu cử hữu hiệu để lựa chọn được nhân tài đích thực. Hiện chúng ta chưa khắc phục được triệt để những hạn chế trong công tác cán bộ này. Chính vì vậy mà mới xảy ra tình trạng “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”... như báo chí đã phản ánh. Đây là một thực tế đau lòng hiện nay mà người dân ai cũng biết. Vậy làm sao để có một phương thức bầu cử khoa học và văn minh để chọn được người tài, chống được nạn bè phái, cục bộ? Làm tốt được điều này sẽ rất có lợi cho dân cho nước, ngặn chặn được nạn bè phái, tham nhũng...

Rõ ràng có rất nhiều thành tựu văn minh nhân loại mà Đảng ta cần đầu tư nghiên cứu thật khoa học và mạnh dạn vận dụng thì mới đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước, hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng CNXH theo hướng “là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xã hội do nhân dân làm chủ...”.

 

Nguồn Báo Văn nghệ số 10/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *