Tin tức

3/12
11:57 PM 2017

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ VŨ CAO

MAI NAM THẮNG - Tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (9.Nguyễn Đình Chiểu-Hà Nội), sáng 3-12-2017, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trong thể lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Vũ Cao. Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-và các ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện gia đình nhà thơ Vũ Cao... cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và công chúng yêu quý nhà thơ Vũ Cao đã đến dự.

Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình thắp hương tưởng niệm nhà thơ Vũ Cao

Nhà thơ Vũ Cao (1922-2007) tên thật là Nguyễn Hữu Chỉnh, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn học ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tham gia quân đội từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm phóng viên báo Vệ quốc quân, báo Quân đội nhân dân, Phó Tổng biên tập và Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội... Ông là tác giả bài thơ Núi Đôi nổi tiếng, đã xuất bản 9 tập thơ và truyện ngắn. Nhà thơ Vũ Cao được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I (năm 2001).

Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm

Phát biểu khai mạc buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-đã nhắc lại những giây phút cảm động cuối đời của nhà thơ Vũ Cao cách đây tròn 10 năm. Đó là sáng ngày 3-12-2007, nhà thơ hữu Thỉnh cùng một số đồng nghiệp trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Khóa 7 đã có mặt bên giường bệnh của nhà thơ Vũ Cao trong phút lâm chung. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Nhà thơ Vũ Cao trước hết là một nhà văn chiến sĩ tiêu biểu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Là phóng viên mặt trận, ông xông xáo có mặt trên nhiều chiến trường, phản ánh sinh động cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại của quân và dân ta; nhất là hoạt động chiến đấu và đời sống bộ đội trong kháng chiến. Ông là nhà văn gắn bó nhiều chục năm trong quân ngũ, trưởng thành từ phóng viên báo Vệ quốc quân, báo Quân đội nhân dân đến Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội...

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc

Đồng thời, nhà thơ Vũ cao còn là một nhà quản lý và lãnh đạo văn nghệ uy tín, mẫu mực, có năng lực tổ chức và chỉ huy hết sức hiệu quả. Những giai đoạn ông tham gia quản lý, lãnh đạo các đơn vị VHNT trong và ngoài quân đội đều là những “thời kỳ hoàng kim” của các cơ quan, đơn vị ấy; nổi bật là không khí đoàn kết, chất lượng công tác và sự vững mạnh của đơn vị.

Không chỉ là một phóng viên xông xáo, một biên tập viên sắc sảo, một người quản lý giỏi, nhà thơ Vũ Cao còn có công phát hiện, bồi dưỡng, tập hợp được một đội ngũ các nhà văn thuộc nhiều thế hệ cho tạp chí Văn nghệ Quân đội trước đó cũng như Hội Nhà văn Việt Nam sau này. Bởi vậy, các thế hệ nhà văn Việt Nam từng được sống, làm việc với ông luôn luôn nhắc về ông với lòng yêu quý, kính phục và hàm ơn.

Nhà thơ, TS Lê Thành Nghị đọc bài viết về nhà thơ Vũ Cao

Trong bài viết “Nhớ anh Cao” đọc tại buổi lễ, nhà thơ-tiến sĩ văn học Lê Thành Nghị, một cán bộ nhiều năm được công tác dưới quyền của Tổng biên tập Vũ Cao, nhận xét: Vũ Cao không chỉ có Núi Đôi, ông viết truyện vừa (Truyện một người bị bắt, năm 1957); ông viết truyện ngắn (Những người cùng làng, 1959, Từ một trận địa,1969); ông viết truyện thiếu nhi (Em bé bên bờ sông Lai Vu, 1960, Anh em anh chàng Lược, 1965); ông có ba tập thơ khá ấn tượng: Sớm nay, Đèo trúcNúi Đôi. Vũ Cao thuộc thế hệ những người cầm bút sau Cách mạng Tháng Tám, nhưng trong thơ ông không có cái buồn tiểu tư sản ban đầu như nhiều nhà thơ cùng thế hệ. Thơ Vũ Cao thích bày tỏ, biểu hiện những khoảnh khắc tâm trạng, những xúc động nội tâm mà anh trải nghiệm trên những nẻo đường kháng chiến. Vũ Cao nổi tiếng với thơ, nhưng xuất phát điểm của ngòi bút Vũ Cao là văn xuôi. Từ một phóng viên của tờ báo Vệ Quốc quân, rồi báo Quân đội Nhân dân, Vũ Cao đến với truyện ngắn, truyện vừa và truyện thiếu nhi như một lẽ tất yếu. Văn xuôi của Vũ Cao giản dị, hàm chứa những ý tưởng kín đáo của ngòi bút, tránh được sự nôn nóng của ngôn ngữ bình luận, tải đạo mà không gây cộm, giáo huấn một cách không chủ động, trình bày sự việc tưởng như không có gì, vậy mà sau câu chữ là tình người...

Là người được giao trọng trách quản lý nhiều cơ quan, tổ chức VHNT trong và ngoài quân đội, triết lý lãnh đạo của Vũ Cao là tôn trọng sự tự giác. Cái mà ông thường nói: “Lãnh đạo văn nghệ tức là không lãnh đạo gì cả” chỉ là một lối nói để đề cao tính tự giác ở mỗi người. Thực tình để cơ quan yên ổn, không mất đoàn kết, công việc chạy đều…người lãnh đạo phải thật sự là những người biết hy sinh, là những đầu tàu. Với Vũ Cao, mọi sự hy sinh nơi anh đươc biểu hiện hết sức tự nhiên, như chính bản chất con người anh vậy.

Nhà văn Vũ Tú Nam thay mặt gia đình phát biểu cảm tưởng

Tại buổi lễ, nhà văn Vũ Tú Nam, em trai nhà thơ Vũ Cao; ông Vũ Mạnh, trưởng nam của nhà thơ Vũ Cao và đại diện tạp chí Văn nghệ Quân đội đã phát biểu cảm ơn Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của của nhà thơ Vũ Cao; bày tỏ niềm tự hào của gia đình và đơn vị về nhà thơ và tâm niệm giữ gìn, phát huy những giá trị tinh thần mà nhà thơ Vũ Cao để lại.

Phát biểu kết thúc buổi lễ, nhà thơ Hữu thỉnh một lần nữa khẳng định: Vũ cao thực sự là một trí thức cách mạng tiêu biểu, một nhân cách văn hóa trong sáng, một tác giả có vị trí quan trọng trong tiến trình văn học cách mạng Việt Nam. Thay mặt các thế hệ nhà văn Việt Nam, Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam cảm ơn gia tộc họ Vũ đã sản sinh cho đất nước 3 nhà văn nổi tiếng là 3 anh em ruột: Vũ Cao, Vũ Ngọc Bình và Vũ Tú Nam. Đó thực sự là những “đại thụ” của nền văn học cách mạng Việt Nam.

Ảnh trong bài: HỮU ĐỐ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *