Tìm tòi thể nghiệm

25/12
10:08 CH 2016

THƠ CA THỂ NGHIỆM MỸ

Kathryn Van Spanckeren (Mỹ)-Lấy cảm hứng từ nhạc Jazz và hội họa trừu tượng, hầu hết những tác gia thể nghiệm đều trẻ. Họ có khuynh hướng trở thành những trí thức tự do, phóng túng, thoát ly văn hóa chính thống, không tuân theo những quy ước chung, đứng ngoài các học viện và phê bình một cách thẳng thắn xã hội “trưởng giả” Mỹ.

Sức mạnh đằng sau thành quả chắc chắn của phần lớn thơ đương đại Mỹ nằm trong sự thể nghiệm bắt đầu vào thập niên 50 với nhiều nhà thơ. Donald Allen, tác giả của cuốn The New American Poetry (Thơ mới ở Mỹ), tuyển tập đầu tiên in tác phẩm của những nhà thơ trước đây bị các nhà phê bình và các tổ chức hàn lâm bỏ qua, đã chia một cách khái quát nhóm nhà thơ này thành 5 trường phái.

Lấy cảm hứng từ nhạc Jazz và hội họa trừu tượng, hầu hết những tác gia thể nghiệm đều trẻ. Họ có khuynh hướng trở thành những trí thức tự do, phóng túng, thoát ly văn hóa chính thống, không tuân theo những quy ước chung, đứng ngoài các học viện và phê bình một cách thẳng thắn xã hội “trưởng giả” Mỹ. Thơ của họ có tính dấn thân, độc đáo và đôi lúc gây chấn động. Trong khi kiếm tìm những giá trị mới, dòng thơ này bày tỏ mối quan tâm đối với thế giới cổ xưa của thần thoại, truyền thuyết, cũng như nếp sinh hoạt xã hội bộ lạc của người Mỹ Da đỏ. Hình thức thơ khoáng đạt hơn, tự nhiên hơn, có hệ thống hơn; phát triển từ chủ đề và cảm nhận tươi mới của nhà thơ khi đang làm bài thơ và từ những chỗ ngừng nghỉ tự nhiên của ngôn ngữ nói. Như Allen Ginberg ghi nhận trong Improvised Poetics (Thơ ứng tác), rằng “ý nghĩ đầu tiên là ý nghĩ hay nhất”.

 

TRƯỜNG PHÁI BLACK MOUNTAIN (HẮC SƠN)

Trường phái Back Mountain tập trung quanh đại học Black Mountain, một cơ sở đào tạo các loại nghệ thuật thử nghiệm ở Asheville bang Bắc Carolina, nơi các thi sĩ Charles Olson, Robert Duncan và Robert Creeley giảng dạy vào đầu thập niên 50. Ed Dorn, Joel Oppenheimer và Jonathan Williams học tập ở đó, còn Paul Blackburn, Larry Eigner và Denise Levertov công bố tác phẩm trên tạp chí nhà trường, Origin và Black Mountain Review. Trường phái Black Mountain gắn liền với lý thuyết “thơ dự phóng” của Charles Olson, nhấn mạnh đến hình thức cởi mở dựa trên nhịp điệu tự nhiên của sự ngắt nghỉ, lấy hơi trong khi nói và hàng chữ đánh máy ở dạng viết.

Robert Creeley (1926) theo phương châm ý tại ngôn ngoại, rất kiệm lời, là một trong những nhà thơ quan trọng của trào lưu Black Mountain. Trong bài The Warning (Lời cảnh tỉnh - 1955), Creeley hình dung ra một lối liên tưởng vừa đáng yêu, vừa dữ dội:

Vì tình yêu - Anh sẽ

chẻ dọc đầu em ra và đặt

ngọn đèn cầy

đằng sau đôi mắt.

Tình trong ta đã chết

nếu ta quên

đức hạnh của chiếc bùa

và sự ngạc nhiên chóng vánh.

 

TRƯỜNG PHÁI SAN FRANCISCO

Sáng tác của trường phái San Francisco - bao gồm hầu hết thơ ở vùng bờ Tây nói chung - chịu rất nhiều ảnh hưởng của triết học và tôn giáo phương Đông cũng như thơ Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì ảnh hưởng của phương Đông vẫn luôn mạnh mẽ ở vùng bờ Tây nước Mỹ. Vùng đất quanh San Francisco - vùng núi Sierra Nevada và vùng bờ biển khúc khuỷu - luôn đáng yêu và hùng vĩ, và các nhà thơ ở vùng này có khuynh hướng có một cảm xúc sâu nặng với thiên nhiên. Nhiều bài thơ của họ có chất liệu từ phong cảnh rừng núi hay những chuyến ngao du sơn thủy. Thơ họ lấy thiên nhiên làm nguồn cảm hứng chủ đạo thay cho truyền thống văn học.

Các nhà thơ San Francisco gồm có Jack Spicer, Lawrence Ferlinghetti, Robert Duncan, Phil Whalen, Lew Welch, Gary Snyder, Kenneth Rexroth, Joanne Kyger và Diane diPrima. Nhiều người trong số các nhà thơ này gắn bó chặt chẽ và có mối đồng cảm với quần chúng lao động. Thơ họ thường đơn giản, dễ cảm thụ và lạc quan.

Ở giai đoạn cao trào, như có thể thấy trong tác phẩm của Gary Snyder (1930), thơ của trường phái San Francisco gợi lên được sự cân bằng tinh tế giữa cá nhân và vũ trụ. Trong bài Above Pate Valley (Trên thung lũng Pate - 1955) của Snyder, nhà thơ mô tả công việc của một nhóm làm đường trên núi cao và tìm ra những mảnh đầu mũi tên làm bằng đá nham thạch của những bộ lạc Da đỏ đã biến mất:

Trên một ngọn đồi tuyết phủ quanh năm trừ lúc hè sang

Một vùng đất đầy nai mùa hạ béo vàng

Họ đến dựng lều. Trên những đường mòn của họ

Theo đường mòn của mình tôi lê bước tới đây

Nhặt lên đầu mũi tên này

Nhặt và bỏ vào trong giỏ

Những nham thạch

Mười ngàn năm về trước.

 

CÁC NHÀ THƠ “BEAT”

Trường phái San Francisco hòa nhập thành một nhóm mới - các nhà thơ “Beat”, xuất hiện vào những năm 50. Hầu hết những nhà thơ quan trọng của nhóm Beat (Beatniks) từ bờ Đông chuyển đến San Francisco. Chính ở California này họ đạt được thành công ban đầu. Những thi sĩ chủ yếu của nhóm Beat gồm có Allen Ginsberg, Gregory Corso, Jack Kerouac, và William Burroughs. Thơ của nhóm Beat là để đọc, được lặp đi lặp lại và có hiệu quả rất lớn khi diễn đọc hay diễn ngâm, chủ yếu bởi vì nó được phát triển từ những buổi đọc thơ trong những câu lạc bộ ở tầng hầm. Nhiều người có lẽ nhận định đúng khi cho nó là ông tổ của loại nhạc Rap rất thịnh hành vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.

Thơ của nhóm Beat là thể loại văn học chống lại văn học chính thống quyết liệt nhất ở Hoa Kỳ, nhưng thực chất bên dưới những ngôn từ gây chấn động của nó ấp ủ một tình yêu đất nước. Thơ của họ là tiếng kêu gào của khổ đau và cuồng nộ cho cái điều mà các nhà thơ coi như sự đánh mất đi nét thơ ngây của nước Mỹ và sự phung phí kinh khủng những nguồn tài nguyên nhân lực và vật lực của nó.

Những bài thơ như Howl (Tiếng hú - 1956) của Allen Ginberg thực sự đã làm một cuộc cách mạng trong thơ ca:

Tôi chứng kiến những bộ óc siêu việt nhất

của thế hệ chúng tôi hủy hoại

bởi chứng khùng điên, đói khát cuồng dại trần truồng

lê tấm thân dọc phố Da đen

trong ánh bình minh

tìm liều thuốc cho cơn giận dữ

những kẻ biết mình như những thiên thần lao vào ngọn lửa

cho một thiên đường cổ xưa

liên kết các vì sao

năng lượng

trong bộ máy của đêm.

 

TRƯỜNG PHÁI NEW YORK

Khác với nhóm các nhà thơ Beat và những nhà thơ San Francisco, các nhà thơ của trường phái New York thể hiện sự bàng quan đối với những vấn đề đạo lý một cách công khai, và nói chung họ lẩn tránh chính trị. Họ có được một nền giáo dục chính thống hơn bất kỳ một nhóm thơ nào.

Những nhân vật cự phách của trường phái New York gồm: John Ashbery, Frank O’Hara, và Kenneth Koch - gặp nhau lúc họ còn chưa tốt nghiệp Đại học Harvard. Họ cực kỳ tân tiến, điềm đạm, không có tín ngưỡng, thông minh sắc sảo có pha chút khinh bạc và thời thượng một cách cao nhã. Thơ của họ có tiết tấu nhanh, nội dung xoay quanh cuộc sống đô thị, thiếu một sự hài hòa, hầu như có thể cảm nhận được ý nghĩa về niềm tin hết sức chông chênh của họ.

Thành phố New York là trung tâm mỹ thuật của nước Mỹ và là cái nôi của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, là nguồn cảm hứng chủ yếu cho dòng thơ này. Hầu hết những nhà thơ này đều là những nhà phê bình nghệ thuật hoặc những nhà quản lý các bảo tàng nghệ thuật, hoặc hợp tác với cánh họa sĩ. Có thể là do cảm nhận của họ với nghệ thuật trừu tượng, một trường phái nghệ thuật vốn không tin vào những hình thể chân thực và ý nghĩa rõ ràng, tác phẩm của các nhà thơ này thường khó hiểu, như trong những tác phẩm sau này của John Ashbery (1927), có lẽ là thi sĩ đương đại có ảnh hưởng lớn nhất ngày nay.

Mạch thơ dào dạt của Ashbery ghi lại những suy nghĩ và niềm xúc cảm khi chúng tràn nhanh qua đầu óc khó có thể trực tiếp phát thành lời. Bài thơ dài, lắng sâu của ông Self-Portrait in a Convex Mirror (Chân dung tự họa trong một tấm gương lồi - 1975), đoạt 3 giải thưởng lớn; lướt đi như một cánh chim từ ý nghĩ này qua ý nghĩa khác, thường chiêm nghiệm lại chính nó:

Một con tàu

Treo những màu sắc không ai biết đã

đi vào cảng

Bạn đang để cho những chuyện không đâu

ngoài lề

phá vỡ một ngày của bạn...

 

CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN SINH

 

 Trong tuyển tập nhằm xác định những trường phái thi ca mới, Donald Allen đã đưa ra nhóm thứ năm ông không thể gọi tên được bởi vì nó không có một địa điểm địa lý rõ ràng. Nhóm thơ khó xác định này bao gồm các trào lưu và những thể nghiệm hiện đại.

Nổi bật trong số này là những nhà thơ siêu thực, diễn đạt vô thức qua những hình ảnh sống động như trong mơ và rất nhiều thơ do phụ nữ và những cộng đồng thiểu số sáng tác đã phát triển rực rỡ trong những năm gần đây. Mặc dù có những nét khác biệt bề ngoài rất lớn, các nhà thơ siêu thực, các nhà thơ đấu tranh cho quyền phụ nữ và các nhà thơ thuộc cộng đồng thiểu số tỏ ra họ cùng chia sẻ với nhau một ý thức thoát ly khỏi nền văn học “chính thống”, của người Da trắng và của người đàn ông.

Cho dù T. S. Eliot, Wallace Stevens và Ezra Pound đã cố công đưa những kỹ thuật của trào lưu tượng trưng vào thi ca Mỹ vào thập niên 20, chủ nghĩa siêu thực - dòng chảy chính trong thi ca và tư tưởng ở châu Âu trong và sau Thế chiến II, đã không bén rễ được ở Mỹ. Mãi cho đến những năm 60 chủ nghĩa siêu thực (cùng với chủ nghĩa hiện sinh) mới trở nên quen thuộc với người Mỹ dưới áp lực của cuộc chiến ở Việt Nam. Trong những năm 60, nhiều tác giả Mỹ như W.S. Merwin, Robert Bly, Charles Simic, Charles Wright và Mark Strand cùng những người khác đã quay về với chủ nghĩa Siêu thực Pháp và đặc biệt là Tây Ban Nha để tìm lại những xúc cảm thuần khiết, những hình tượng lý tưởng, và những kiểu mẫu, bất an mang tính hiện sinh và phi lý của nó.

Những nhà thơ siêu thực như Merwin có khuynh hướng châm biếm sắc sảo như trong những câu thơ sau: “Thánh thần muốn thành người nhưng không được/ Nếu anh thấy mình chẳng còn tin nữa thì hãy mở rộng đền thờ”.

Chủ nghĩa siêu thực có khuynh hướng phê phán một cách gay gắt những giá trị Mỹ và chính sách đối ngoại của chính phủ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam như trong bài thơ The Teeth Mother Naked at Last (Cuối cùng mẹ cũng hở răng):

Chỉ vì chúng ta có bao bì

                mới cho

sò hun khói

mà những hố bom hiện ra

                trên những ruộng lúa.

Ảnh hưởng lan rộng của thơ ca siêu thực đã dịu đi và đầy suy tư hơn như Charles Wright mô tả trong The New Poem (Thơ mới - 1973):

Nó sẽ không tham dự vào

                nỗi buồn của chúng ta

Cũng chẳng an ủi

con cái chúng ta

Và sẽ không giúp gì cho ta cả.

Chủ nghĩa Siêu thực của Mark Strand, cũng như của Merwin, thường ảm đạm; nó nói đến một sự tước đoạt cực độ. Với ông, truyền thống, giá trị, niềm tin chả là gì, nhà thơ chẳng có gì ngoài tâm hồn tăm tối như hang động của mình:

Trong tay có chìa khóa

Tôi mở cửa bước vào

Tối tăm tôi bước vào

Thẳm đen tôi bước tiếp.

Không khó hiểu khi có người cực đoan cho rằng, thi ca Mỹ đang dần chết. Tuy vậy, nếu xét từ thẳm sâu những rung động nhân sinh thì có thể chúng ta phải nghĩ lại: Người Mỹ thực lòng muốn giữ thơ cho chính mình, cho chính những phút giây thao thức khắc khoải nhất của con người.

TIỂU PHONG (dịch)

Theo Usambassy.org

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *