Tìm tòi thể nghiệm

25/12
9:03 SA 2016

KỲ VỌNG LÀ MỘT ÁP LỰC NẶNG NỀ VỚI NGƯỜI VIẾT

NGUYỄN XUÂN THỦY - Phỏng vấn tác giả trẻ Chu Thùy Anh, sinh năm 1985 tại Hà Nội, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành vật lí tại Pháp, hiện là tiến sĩ, làm việc tại Viện Vật lí, đã in 2 tác phẩm: Vé một chiều (tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, 2015); Xanh (tập truyện ngắn, Nxb Văn học, 2016). Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2011-2013

                                                           Nhà văn trẻ Chu Thùy Anh

- Xin chào Chu Thùy Anh! Chị luôn nói rằng, với văn chương chị là người nghiệp dư bởi chị có một công việc chuyên môn khá xa với đời sống sáng tác. Nhưng tôi thấy, các nhà văn thường vẫn làm một công việc khác rồi mới viết cũng như khi viết rồi họ vẫn giữ song song cả nghiệp viết và công việc cũ đấy chứ. Và như thế không thể nói là họ cũng “nghiệp dư” được? Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
+ Tôi biết rằng tôi nghiệp dư trong văn chương, chứ xin không giải thích rằng do tôi có một công việc chuyên môn khác. Có khi với vật lí tôi cũng chỉ là một kẻ nghiệp dư. Tôi là một người chậm chạp, theo nhiều nghĩa, tôi không có khả năng vội vàng, không có khả năng tự thúc ép bản thân hay để bản thân chịu sự thúc ép từ bên ngoài. Với những nhược điểm đó, để chuyên nghiệp trong bất kì một công việc nào đều khó. Những nhà văn, nhà thơ như anh đề cập đến, hẳn là những người rất giỏi để sắp xếp gọn gàng những phần cuộc sống khác nhau, những công việc khác nhau, đam mê khác nhau, trong vỏn vẹn hai mươi bốn giờ được phân phát công bằng cho mỗi người. Tôi xin phép không dùng khái niệm “nghiệp dư” như một sự phân định nghề nghiệp ghi trong sơ yếu lí lịch, mà bằng mối nhiệt huyết, bằng cái tình dành cho nghề, bằng năng lượng cống hiến, bằng chất lượng và số lượng sản phẩm. Thế nào thì cũng cần định lượng theo một cách nào đó, nên cũng cần nhắc tới sản phẩm ở đây. Nói như vậy thì sẽ có những người chuyên nghiệp nhiều thứ. Để bù lại tôi nghiệp dư nhiều thứ. Những ngón khác dài rồi, tôi vừa lòng với việc làm ngón ngắn trên bàn tay.

- Bằng quan sát cá nhân tôi thấy một số người viết trẻ hay nói tránh, “tôi viết vì đam mê chứ không có kì vọng lớn lao gì, tôi đến với văn chương như một cuộc dạo chơi, tôi đến với văn chương để thử sức, để khám phá bản thân...”. Phải chăng đó là cách nói để giảm bớt áp lực cho chính bản thân họ và “né tránh” sự kì vọng của đồng nghiệp và bạn đọc vào những gì họ viết? Chị có đồng ý với nhận định có phần “võ đoán” của tôi không? Cá nhân chị, chị đến với văn chương như thế nào? Chị sẵn sàng đối diện với sự kì vọng cũng như những đòi hỏi từ văn chương chứ?
+ Cũng có thể nhận định của anh đúng, không chỉ trong nghề văn. Kì vọng là một áp lực nặng nề đối với bất kì ai, trong bất kì lĩnh vực nào. Một số người có đủ sức để coi áp lực đó như nguồn động viên thôi thúc mình làm việc, số khác thì không, nó thậm chí có thể làm người ta mỏi mệt tới vỡ ra. Tôi vẫn nhớ năm lớp chín, chúng tôi thi học sinh giỏi văn, năm đó không tổ chức thi giải quốc gia, thành ra giải thành phố Hà Nội đã là mức cuối cùng. Trong đội tuyển có một bạn gái tôi quý vô cùng, vì bạn xinh và dễ thương. Bạn đoạt giải nhất văn toàn quốc năm lớp năm. Bạn và một bạn nữa được cô giáo đặt rất nhiều kì vọng. Tôi và một bạn khác tên Như được cô bảo: Thuỳ Anh và Như cứ đi thi cho vui, chứ cô chả hi vọng gì. Hôm thông báo kết quả thi vòng một, trời đầu đông xâm xẩm tối, cả đội tuyển ở lại trường chờ kết quả. Tôi và bạn Như mải đi ăn quà vặt, về lại trường khi đã có điện thoại báo kết quả rồi. Bạn gái xinh xắn và dễ thương khóc như mưa như gió. Bạn không được thi tiếp vòng hai. Vào vòng sau, đề bài là một bài thơ tôi không thích và không thuộc, không biết một chút nào về tác giả tác phẩm hoàn cảnh sáng tác, may mà thơ đã in sẵn trong đề nên tôi làm được. Hôm thông báo kết quả về trường, tôi có giải nhất, bạn còn lại được cô kì vọng giải nhì. Bạn ấy buồn thê thảm. Tôi thì thậm chí không biết bài thi có ghép nhầm phách không mà lại có tên mình. Bài thơ giúp tôi đoạt giải ấy tôi vẫn mãi không sao thuộc được. Cô giáo thậm chí phải gọi điện về đề nghị phụ huynh giám sát việc học thuộc bài thơ ấy của tôi, cô bảo cẩn thận con anh chị có giải thành phố xong lại trượt tốt nghiệp vì không thuộc thơ. Vì sao tôi nhắc đến chuyện này ở đây? Vì nó rất ấn tượng đối với tôi. Hai bạn tôi là hai học sinh “chuyên nghiệp”, con ngoan trò giỏi, gương mẫu, là niềm kì vọng của cả một tập thể. Các bạn ấy lẽ ra không buồn đến thế, đau đớn đến thế với những kết quả, mà sau này rồi chúng tôi thấy nó chẳng là gì, của một kì thi học sinh giỏi. Nhưng sự kì vọng là áp lực quá lớn đã đẩy tới những phản ứng và cảm xúc không đáng có ấy ở các bạn. Còn với tôi, vì chẳng có áp lực gì, chỉ cần đi học đội tuyển, được học những giáo viên rất giỏi, được có cớ chính đáng để bỏ một số tiết học chán ốm ở trên lớp, thay vào đó là đi ăn quà vặt, thế cũng đã là một niềm vui. Áp lực con trẻ còn đáng sợ đến thế, thì những kì vọng và áp lực đặt lên người viết văn còn khủng khiếp tới đâu, nếu như họ đón nhận nó như một sức ép. Vì vậy sự tự “tránh né” của những người viết này, theo tôi, là một phản ứng tự bảo vệ bình thường. Quan trọng là cuối cùng họ vẫn có thể làm việc, viết, có cảm xúc, và đem tới cảm xúc cho độc giả.
Cá nhân tôi, không biết tôi đến với văn chương như thế nào. Viết là nhu cầu của nhiều người, đơn giản chỉ bởi họ thích. Rồi có người xuất bản, như tôi, hoặc có người không, như nhiều người khác. Tôi không có con đường cụ thể dẫn dắt tới văn chương. Nói chính xác hơn, tôi không có con đường cụ thể dẫn dắt mình tới bất kì đâu. Cứ đi, vì mình muốn như vậy, còn tới đâu lại là bất ngờ cuộc đời dành cho mình.

- Vậy theo chị, thế nào là một người viết chuyên nghiệp?
+ Như đã nói ở trên, theo tôi, tính chuyên nghiệp được nhìn nhận qua mối nhiệt huyết và năng lượng dành cho việc viết. Một người viết chuyên nghiệp là người dành tâm tư tình cảm, dành mối quan tâm và cảm xúc, dành năng lượng và thời gian cho việc viết. Ngoài ra, như mọi nghề khác, tôi nghĩ rằng đào tạo là một phần quan trọng của việc hành nghề. Đào tạo không phải được tính đếm qua bằng cấp và chứng chỉ, mà nó là sự được giáo dục và tự giáo dục để phục vụ cho nghề đó. Một người giúp việc chuyên nghiệp cũng cần được đào tạo và tự học hỏi cách lau kính sao cho sạch, ví dụ như vậy. Tự giáo dục là thứ ai cũng có thể làm được nếu có mong muốn. Bên cạnh đó, một yếu tố nhỏ là để lượng hoá người viết chuyên nghiệp là người đó nhận được từ nghề, và nghề nhận được từ người đó. Người viết nhận được từ nghề về vật chất và tinh thần, ít ra đủ an ủi một phần cuộc sống. Nghề nhận được từ người viết những sản phẩm có chất lượng và số lượng tương đối, để phục vụ và làm hài lòng một lượng độc giả nhất định nào đó.
 

"Bây giờ, tôi đã thuộc tác giả, không đọc tên, cũng biết là truyện ngắn Chu Thùy Anh. Với phong cách riêng: Tinh tế xa xăm mà gần gũi thân thuộc. Ý tứ nén chặt, đong đầy dưới một giọng kể thì thầm, mơ hồ, song thật lay động tâm trí - không dễ lay động của người đọc hôm nay...
Tôi nghĩ Thùy Anh đã tự chọn cho mình cách viết riêng, trong giọng kể riêng, của một người viết trẻ không hoàn toàn ý thức rằng mình cần phải thành nhà văn. Cái riêng này, vì thế, không cố làm điệu, thậm chí không hề được tạo lập theo cách của nhà văn chuyên nghiệp. Thùy Anh tự tìm cách nghe ngóng, thẩm định và lắng lòng chân thật, để cuộc sống cứ từ từ chạm khẽ và lên hương, trong trực giác tươi tắn và bén nhạy của mình; rồi từ đấy, buộc chính mình phải có nhu cầu viết, không thể trì hoãn, để kể lại cho chính mình trước hết, về những va đập ấm nóng từ diễn biến li ti xanh bất tận của dòng sông xanh đời sống, bao giờ cũng ào ạt và dào dạt cuộn chảy xung quanh. Và chính dòng sông đời sống ấy đã chảy trôi thấm thía qua trực giác thật xanh, thật ấm, thật tình của Thùy Anh. Truyện của Thùy Anh, vì thế, không vụ lợi, không cố mua chuộc thiện cảm của độc giả".

 

(Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái)

 



- Thế thì chị cũng là người viết… chuyên nghiệp đấy chứ! Mặt khác, tuy tự nhận không phải chuyên nghiệp nhưng chị lại đoạt giải ở một cuộc thi văn chương chuyên nghiệp. Cái gì đã dẫn tới điều này bên cạnh một yếu tố mà những người khiêm tốn thường hay viện dẫn, đó là sự may mắn?  Tiện đây, chị có thể “ôn lại” giải thưởng của mình một chút?
+ Tôi xin không nhận tôi khiêm tốn, tôi chỉ có thể nói rằng tôi thật thà, ít nhất là trong buổi trò chuyện với Quán văn của Văn nghệ Quân đội ngày hôm nay. Và thật thà mà nói, đúng là tôi… may mắn (cười). Cuộc đời ưu đãi tôi nhiều, nên cuộc đời có lấy đi điều gì tôi cũng không có cớ để oán trách. Tôi có duyên với những giải thưởng vui vui. Như tôi đã kể, tôi được trao giải nhất văn thành phố Hà Nội với phần làm bài về một bài thơ tôi không thuộc và không thể thích, trong khi hai người bạn rất giỏi, rất đam mê văn của tôi lại không có kết quả như mong đợi. Đó chẳng phải sự may mắn sao? Giải truyện ngắn báo Văn nghệ cũng vậy. Khi đó nhà tôi đặt báo Văn nghệ và Văn nghệ Trẻ, nên tôi có biết tới cuộc thi này. Trước đó tôi thường chỉ gửi đăng truyện ở Lao động cuối tuần. Tôi là một người chậm chạp và e ngại những lối không quen. Cảm giác gửi truyện tới Lao động cuối tuần rất dễ chịu, giống như về nhà. Mẹ tôi có bảo tôi rằng, chẳng qua bác Đỗ Quang Hạnh phụ trách Lao động cuối tuần ưu ái tác giả trẻ, chứ kiểu viết của tôi văn chương truyền thống không chấp nhận đâu. Phải thừa nhận rằng tôi đã nhận được rất nhiều ưu ái giúp đỡ từ nhà báo Đỗ Quang Hạnh, và nếu không có bác Hạnh thì duyên với văn của tôi cũng không được như hôm nay. Cũng vì mẹ nói vậy nên tôi đã gửi truyện tới “đền thiêng” Văn nghệ. Thực ra truyện tôi gửi dự thi là truyện Xanh. Truyện Hàng xóm là truyện thứ hai tôi gửi, không dự thi. May mắn là Văn nghệ đã đăng cả hai, và nếu tôi nhớ không nhầm thì khi đó nhà văn Nguyễn Trí Huân đã gọi điện nói với tôi rằng “chú chuyển Hàng xóm vào phần dự thi nhé, cho vui”. Thực lòng tôi luôn luôn thích Xanh hơn Hàng xóm rất nhiều, nhưng rốt cục thì việc mình thích và việc độc giả cũng như các nhà văn nhà thơ đón nhận sản phẩm của mình dường như lại chẳng liên quan đến nhau. Việc Hàng xóm đoạt giải như vậy chẳng phải là may mắn sao khi mà tôi thậm chí còn không định gửi truyện đó vào phần dự thi.

- Còn tôi thì lại nghĩ rằng, viết chuyên nghiệp và gặt hái thành công đôi khi là hai thứ chẳng dính dáng đến nhau. Còn một thứ yếu tố không thể không nhắc đến, thậm chí nó chi phối khá lớn, đó là tài năng của mỗi người. Có khi nào chị ngồi “đo đếm” thứ trời cho ấy ở mình? Tài năng, nhiệt huyết và khổ luyện, nếu “cân đong” những thứ ấy trong những thành công ban đầu của chị thì mỗi thứ sẽ hiện diện bao nhiêu?
+ Cảm ơn anh đã cho rằng tôi có đôi chút những mẩu thành công. Về tài năng thì thế này, tôi nghĩ rằng cuộc đời không công bằng, đừng ảo tưởng ở sự công bằng trên thế gian này. Bản thân việc được sinh ra như thế nào, ở đâu, đã là một sự bất công giữa mỗi cá nhân rồi. Vậy nên khả năng trời cho lại là một sự bất công nữa tiếp tục được gieo xuống, mà chúng ta có thể nỗ lực làm giảm sự bất công ấy bằng cách lao động. Nhưng khả năng lao động ở mỗi người rồi cũng lại khác nhau, không phải cứ muốn là được. Nếu nói về khả năng trời cho, có lẽ tôi chỉ có “tài năng” chính tả. Tôi đi học sớm một năm, sự chênh lệch về phát triển đầu óc ở lứa tuổi nhỏ là tương đối lớn, chứ không như khi ta đã lớn lên. Vậy nhưng tôi chưa bao giờ viết sai chính tả. Chính tả là một môn cần tập luyện, và chuyện tôi không sai chính tả khiến ông tôi, vốn là nhà giáo có liên quan đến ngôn ngữ, bảo rằng “con bé này có khả năng chính tả”. Tôi nghĩ đó là thứ trời cho, vì tôi không chăm chỉ và tập trung học chính tả. Ngoài năng khiếu chính tả ra tôi không biết mình có năng khiếu gì khác, vốn khi học phổ thông, điểm văn của tôi rất làng nhàng. Về nhiệt huyết mà nói thì tôi thích nhiều thứ quá, thành ra là khó có cái gì toàn tâm toàn ý yêu cho đến đầu đến đũa được. Khổ luyện có lẽ không, tôi thích sướng chứ không thích khổ. Tôi không lấy việc dành trọn cuộc đời cho một đam mê, bỏ mặc mọi nhu cầu vật chất và tinh thần khác làm cách sống của mình. Tôi thích ăn ngon mặc đẹp và đi chơi vui. Với công việc, không phải chỉ viết văn, mà cả việc khác, tôi có thể tập trung dồn sức và cố làm tốt nhất trong khả năng có thể thì được, còn bảo ép mình gian lao khổ luyện, có lẽ cái đó tôi không làm được.

- Với cách nghĩ như vậy, giải thưởng được trao cho chị có làm thay đổi thái độ, cách nhìn nhận của chị với văn chương, cụ thể là tâm thế của chị trước việc viết?
+ Tôi có trí nhớ rất tồi, hay quên và hay nhầm lẫn, không nhớ cái gì được lâu. Vì vậy, giải thưởng làm tôi rất vui, thêm một lần thấy mình may mắn được trời thương và người thương. Nhưng cũng chỉ vậy thôi, cách nhìn nhận văn chương của tôi có lẽ vẫn vậy. Tôi thấy vui, ít nhất ngoài Lao động cuối tuần thì Văn nghệ cũng chấp nhận tôi, ngoài sự ưu ái của nhà báo Đỗ Quang Hạnh thì văn chương truyền thống cũng dành cho tôi một vài mảnh đăng bài.

- Đọc những truyện ngắn trong tập “Xanh” mới ra mắt của chị, thấy một con mắt tinh tế trong quan sát đời sống, trong việc nhìn ra và lựa chọn những lát cắt ngọt mà thấm, nhẹ mà đau.  Xin hỏi chị, từ cách sống của chị đã dẫn đến việc viết như một tất yếu hay từ lựa chọn viết đã khiến chị điều chỉnh cách sống để có “nguyên liệu đầu vào”?
+ Với sự chậm chạp và e ngại những lối không quen của mình, có lẽ tôi không có khả năng để thay đổi cách sống cho phù hợp với văn chương. Ngoài ra, văn là người mà cũng không hẳn là người. Anh làm trong nghề, tiếp xúc nhiều  hơn, hẳn rõ hơn tôi nhiều về những trường hợp văn thế này mà người thế khác (cười). Không phải cứ văn ngọt là người làm bằng đường, cũng không phải cứ văn gai góc sắc cạnh là người cắm đầy mảnh thuỷ tinh. Về phần mình, tôi thích ngồi yên trong các cuộc vui để nhìn mọi người và nghe mọi người nói. Tôi là một người thích nghe kể chuyện. Trong những truyện tôi viết có những chuyện là được nghe kể, tôi ghi lại theo cách của mình. Tuy nhiên, tôi yêu cuộc sống và yêu cái đẹp. Tôi nghĩ rằng cuộc đời này rất đẹp, hãy ghi lại nó, hoạ lại nó, lưu giữ lại nó với những vẻ đẹp khác nhau, đường nét khác nhau và sắc thái khác nhau, nhưng phải đẹp. Tất nhiên ai chẳng yêu cái đẹp, chẳng qua là chuẩn đẹp của mỗi người lại không giống nhau lắm mà thôi. Tôi quan sát và nhớ lại những thứ đẹp theo chuẩn của mình. Và có thể, trong trường hợp này thì hay quên và hay nhầm lẫn lại là một ưu thế, dần dần tôi sẽ quên hết những thứ không hay, chỉ giữ lại trong trí nhớ mình những thứ đẹp, khi viết ra sẽ viết những thứ còn giữ lại được trong mình.

- Chủ đề của cuộc tọa đàm văn xuôi tại Hội nghị viết văn trẻ vừa rồi mà chị cũng là một đại biểu tham dự là “Văn trẻ: Nhập cuộc và sáng tạo”. Chị có thể bày tỏ một chút quan điểm của mình về hai vế được nêu trong chủ đề cuộc tọa đàm này?
+ Hai vế ở đây là “nhập cuộc” và “sáng tạo”, nhưng lại đặt sau “văn trẻ hai chấm”. Thành ra có thể hiểu rằng văn trẻ cần nhập cuộc với văn già, và nhập cuộc với văn khác. Văn trẻ cần sáng tạo cùng văn già, và sáng tạo cùng các văn khác. Thực ra sáng tạo là nhu cầu của con người, thậm chí từ khi còn ở trong hang động và ngôn ngữ nói còn chưa phát triển, chứ không nói tới việc chữ nghĩa được sử dụng để biểu diễn như ngày nay. Sáng tạo là nhu cầu tự thân, các công việc lao động phổ thông cũng có sự sáng tạo, nên văn chương, có lẽ chẳng cần cổ vũ, cũng luôn tự đổi mới và sáng tạo rồi. Nhưng vì chúng ta vẫn hay quen có các chuẩn mực, tự đặt ra để đo đếm, nên mới cần bàn lại sáng tạo thế nào, đã được chưa, rồi phân mâm văn chương cao cấp và giải trí. Tôi nghĩ rằng mâm bát có thể cứ xếp đủ, rồi thời gian sẽ chọn lọc giúp cái gì còn, cái gì tự trôi đi. Kể cả nếu những thứ văn chương bị coi là “giải trí” còn lại lâu hơn và nhiều hơn văn chương “sang trọng”, thì cần chấp nhận sự thật rằng điều đó phù hợp và phản ánh sự phát triển chung, phông văn hoá chung, gu đọc chung của xã hội. Tự nhiên có những quy luật mà con người không thể chống lại duy ý chí. Về hội nhập, vì khái niệm văn trẻ được phân theo tuổi, mà như tôi thấy, có những nhà văn không trẻ sức lao động vẫn tràn đầy và kĩ thuật viết vẫn vô cùng mới, vô cùng trẻ. Như vậy là sự hội nhập về sản phẩm của những người tuổi tác khác nhau chẳng phải điều gì đáng lo ngại, chỉ cần chúng ta bớt phát xét và lấy chuẩn của mình ra đo người khác một chút thôi, rồi sẽ ổn cả. Văn chương Việt Nam quả thật do rào cản ngôn ngữ nên vẫn chưa hội nhập được cùng thế giới, nói chính xác là chưa được như các nhà văn mong đợi. Nhưng vấn đề này xin để các dịch giả và các nhà phê bình bàn tới. Cá nhân tôi, đọc văn trẻ Việt Nam, đôi khi, thấy thú vị không kém văn chương nước ngoài, như vậy rào cản hội nhập không nằm ở sáng tác mà nằm ở ngôn ngữ.

- Nhiều nhà văn thường chọn chính lĩnh vực chuyên môn mình có, am tường về nó làm mảnh đất sáng tạo, gieo cấy và thu hoạch những thành công đáng kể. Lĩnh vực lí thuyết vật lí của chị thì sao? Nó “khô cứng” như nhiều người vẫn hình dung hay có gợi cảm hứng sáng tác nào cho chị?
+ Vật lí là một ngành rất đẹp, đòi hỏi tưởng tượng rất nhiều. Nếu nghĩ về vật lí mà chỉ nghĩ đến công thức, thì cũng như nghĩ về nhà văn nhà thơ như những người lao động tay chân với công cụ là bút hoặc bàn phím, vạch đi vạch lại mấy nét trên giấy hay gõ đi gõ lại cái bàn phím bé tí lạch cạch, vậy cũng thật là khô khan và nhàm chán. Vật lí là những bức tranh về cuộc sống của chúng ta, anh nghĩ sao khi cái bàn gỗ anh đặt cốc cà phê lên, bản thân nó là một thế giới, bên trong nó là sự vận động, và nó cũng già đi, như mỗi chúng ta. Nói ví dụ thế để thấy rằng, khoa học cơ bản không khô khan nhàm chán như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài ra thì có thể vì một mối giao cảm gần gũi nào đó mà những người làm vật lí hoạt động trong các lĩnh vực khoa học xã hội rất nhiều, cả trên thế giới và ở Việt Nam. Tác giả “Sự cô đơn của các số nguyên tố” viết tiểu thuyết đó trong khi đang làm nghiên cứu sinh, nội dung của tiểu thuyết hoàn toàn không có khoa học cơ bản ở trong đó.
Tôi ham vui và yêu cái đẹp, tôi thích những thứ đẹp của vật lí, tôi thích những thứ đẹp của văn chương, và có lẽ đẹp là cái chung nhất tôi kiếm tìm ở mọi điều trong cuộc sống. Còn cảm hứng văn chương tự đến từ những điều rất nhỏ, tôi cũng không biết có cảm hứng nào bước ra từ vật lí chưa.

- Đa số người viết trẻ thường chọn những thứ xinh xắn, nhẹ nhàng như tản văn, truyện ngắn để nhập môn rồi có thể mới tính chuyện “quai búa tạ” tiểu thuyết để hướng tới những điều to tát hơn. Nhưng người viết trẻ hôm nay, nhiều người đã không ngần ngại thử sức ngay bằng “búa tạ”. Chị suy nghĩ thế nào về điều này? Chị có thể bật mí đôi chút về kế hoạch viết sắp tới? Trong kế hoạch ấy có bóng dáng của những trang tiểu thuyết hay không?
+ Nói búa tạ nghe “sợ” quá. Có những người thích hát cả một bài ca, có những người chỉ thích nghêu ngao vài câu lặp đi lặp lại. Đó trước hết là sở thích cá nhân. Sau nữa là do khả năng của mỗi người. Đó là ý kiến của tôi. Còn các bạn trẻ, có những bạn rất trẻ, có những bạn kém tôi nhiều tuổi, các bạn ấy rất giỏi và có thể các bạn ấy có định hướng rõ ràng cho sự nghiệp của mình, các bạn ấy lựa chọn điều các bạn ấy cho là hiệu quả nhất, hữu ích nhất. Tôi ủng hộ những bạn trẻ dám làm, chúng ta cần những người trẻ và cả người không trẻ, dám làm.
Cá nhân tôi, mỗi năm chỉ viết một vài truyện, mỗi truyện cứ vẻn vẹn trên dưới hai nghìn từ. Đếm đầu sản phẩm đã ít, đếm đầu chữ lại càng ít hơn. Người làm sao của chiêm bao làm vậy, tôi không có đủ vốn, không có đủ sức cho tiểu thuyết, ít ra là vào thời điểm hiện nay. Tháng tám vừa rồi tôi viết hai truyện ngắn và đó đã là kì tích đối với tôi, sức lao động của tôi rất thấp. Chưa kể, trong mối tình với văn chương, tôi muốn để thôi thì bước tới đâu vui tới đó. Cuộc sống có quá nhiều việc phải lập kế hoạch rồi, tình này xin dành trọn cho duyên, duyên tới đâu biết tới đó, cho vui.

- Cám ơn những chia sẻ của chị và chúc chị ngày càng có thêm những  bạn đọc của riêng mình!

(Nguồn: Văn nghệ Quân đội) NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *