Tìm tòi thể nghiệm

29/12
10:09 SA 2016

BÚT KÝ-PHÓNG SỰ: GỌI SƯƠNG MÙA THƯƠNG MÙ CANG CHẢI

Nguyễn Tham Thiện Kế-Rạng sáng giấc đã mỏng chập chờn, không gian cô lạnh bỗng rung phành phạch. Tôi giật mình bơ vơ. Con gà ô đầu lĩnh nhà lão Sùng cất tiếng già nua khàn khàn báo sáng đâu đó trên cành đào. Đám trống choai trong cõi La Pán Tẩn, được đà lần lượt sườn núi này, góc nương kia đua gáy te te. Bọn gà cỏ lẩn trên Đồi Cong sau nhà cũng the thé chen giọng chua như bỗng rượu khua mặt trời.

                                                       Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Chị Mỷ, con dâu lão Sùng đứng dưới sàn chọc cán chổi lên gác, giục bộ đội muốn giã bánh dày thì dậy, đừng ườn khúc gỗ nữa. Vặn mình trên tấm da sơn dương sần sùi oi oi khói, hất mảnh chăn lanh sột soạt, hăng nhựa chàm mới, tôi gượng ngồi, ngáp dài. Sớm thu sơn nguyên luồn gió kẽ ván pơ-mu vách nhà, u u than thở. Thằng Hờ con trai út lão Sùng nằm co ro bên cạnh, chẩu miệng chóp chép, nghiến răng như lợn gặm máng.

 Cơn buồn ngủ lại kéo tôi vật xuống giấc mơ màng. Không thể ngủ tiếp. Tôi hé mắt nhìn xuống. Lão Sùng đờ đẫn sấp mặt vào ống điếu bên bếp lửa. Say thuốc, chiếc thìa đang gọt dở từ mẩu gỗ sa mộc  lăn khỏi tay lão nơi cửa bếp. 

Chị Mỷ hết đứng lên ngồi xuống cầm lửa không ăn nhiều đáy chảo, tránh để nước trào ướt gạo dưới đáy chõ.  Bí hơi xôi sẽ chín không đều. Xôi chín lỏi đem giã thì bánh dày sẽ lổn nhổn, bùng nhùng ngậm hạt gạo dở mình, đem nấu cháo cũng không xong. Chõ xôi ám khói bếp đen xạm ghép từ những thanh sa mộc to cỡ bàn tay hình lòng máng, đánh đai da sơn dương và vỏ cây bét trắng cao hai tầm khuỷu tay, rộng chừng vòng sa quay lanh, đặt vừa khít miệng chảo. Bé Sùng Su Ni má đỏ hây, ôm con dao nhọn mũi vểnh như một thứ đồ chơi, dụi mắt chẫu hẫu chờ điều gì đó lớn lao sắp diễn ra mỗi khi vung gỗ úp trên chõ xôi lập bập nhả khói.

Hương gạo nếp lẩn mình trong hơi nước nóng đang chuyển thành xôi thơm luẩn quẩn, như sương mù dùng dắng trên chóp ngọn sa mộc. Hạt nếp La Pán Tẩn đâu đơn điệu là miếng so cái no sự đói. Mỗi hạt nếp nơi đây thấm cả vốc nước mắt mồ hôi và máu người H’mông đời nối đời chịu thử thách để nhận từ Tạo hóa từng centimet vuông đủ cấy dảnh mạ.

Nơi mặt ruộng dưới, kiễng chân mới chạm cằm bờ ruộng trên. Những khoang ruộng bậc thang mặt rộng chưa khít tầm chiếu một, quấn vòng mềm mại ngang núi vài trăm sải. Dường như Giàng* đã ban ơn riêng bằng cách in hoa văn bàn tay của Ngài xuống mặt đất La Pán Tẩn. Với nhẫn nại của kiến, ương gàn của lừa, cam chịu của trâu, tinh khéo của khỉ, tộc H’mông trở thành nghệ sĩ xếp đá, đóng cọc, đắp, đào, khoét, lèn, trình, be đất điêu khắc tạo dáng những bình độ từ lũng thấp leo dần trên sườn núi thành từng ngấn ruộng lên tới tận lưng mây. Đời cha phá đá, đánh gốc chưa xong thì để việc cho con, con không hoàn thành kịp thì đợi ngày cháu biết cầm dao, xúc xẻng, bổ cuốc chim…

Sau này đi ra thế giới tôi chứng thêm những tọa độ ruộng bậc thang ở Vân Nam- Trung Hoa, ở Bali- Indonexia,  Douro- Bồ Đào Nha hoặc Banaue niên đại 2000 năm tuổi trên núi Ifugao ở Philipines thì nơi nào chủ nhân của chúng cũng là người nông cần lao, phóng khoáng.

Mơ khói sương thu tôi rờn rợn nghi hoặc trước cánh đồng thiếp sắc xanh lá già, xanh ương, xanh lá mạ, hung hung vàng. Vàng nghệ, vàng hoa hiên, vàng đất, vàng thắm, vàng rượi lưng chừng trời kia đương nhiên có thêm một tay thánh thần chỉ vẽ, chứ người H’mông trần trụi bàn tay sần đen nhựa cây rừng thì làm sao lại không nghi hoặc vị thế chủ nhân bức tranh siêu thực đang diễn bày. Thằng Hờ vắt vẻo bờ ruộng gác cây sào trúc buộc túm vải ngũ sắc đuổi chim lên mái lều canh, rút ống sáo nơi thắt lưng lên thổi. Luồng âm sắc thẳm như lũng núi, khàn như cơn gió khan qua ruộng rạ trượt lên triền cỏ tranh,  trầm réo như nước qua ghềnh, lúc vang như tiếng gọi vọng bạn tình sau lưng núi buồn rưng, lúc cô độc như người đàn ông di trú đứng một chân trên đỉnh núi. Tôi bỗng đau đau ở đâu đó mà không hiểu vì sao.

Mùa giêng hai trời thả mưa, cái hanh lạnh nứt toác chui xuống âm ti thì đó cũng là thời khắc muôn hàng bờ ruộng ngăn nước La Pán Tẩn liu riu rồi bừng tím hoa bạc hà, lác đác chấm vàng bồ công anh hiếng nhìn gượng nghịu hóng mưa. Mùa Xuân dòng nước Cha Trời trào dâng khỏi lòng rừng ào ạt gặp Mẹ Đất nơi ruộng đồng đã lật sẵn mình ủ gốc rạ, xác rơm mục hoai dưới xá cày giòn khô cuối tháng mười trong năm. Sự sinh sủi bọt khi hàng răng bừa cào xé mặt ruộng. Một lần nữa đất khô vữa tan trở thành bùn âu yếm cây mạ…Cánh đồng nghiêng nghiêng, mỗi mặt ruộng như một khuôn đúc sóng đầy bạc lỏng, hắt chiếu, ôm giữ chói lọi mặt trời trong ma trận ánh sáng ảo giác tia pháo hoa. Lơ thơ lưng núi những lều canh la đà châm khói. Nhà nhà lố nhố lôi nhau ra ruộng. Cha thúc bò bừa đủng đỉnh. Mẹ cào cỏ bờ lom khom. Con gái con trai ngóng nhau canh cữ nước

Ngày con trai cả chào đời, cũng là ngày lão Sùng mang cây sắt đặc ra đầu nguồn nước, trồng một cây sa mộc bên một sơn tra, đặt guồng lắp mũi khoan khoan chiếc nòng súng kíp mới. Rễ sa mộc bò mắt lưới bủa giữ đất khỏi móng vuốt mưa lũ. Sơn tra mai này cho quả ngâm rượu. Sa mộc làm cây cột chủ trong ngôi nhà tương lai. Và người cha đến đầu núi lựa vạt đất hoang có mạch nước đùn đùn mát lỉm, chặt ngang vài ngọn cây mọc trên đó thông báo quyền sở hữu của mình. Do bằng bước chân, ướm bằng mắt, bề rộng bề dài và mặt bằng thửa ruộng, đóng cọc bốn góc đặt dấu cho nước thăng mặt ruộng, sau này không làm khó người nối dõi sẽ tập cày bừa, tập cấy lúa, gieo mạ…

 Nòng súng có thể khoan năm năm, mười năm nhưng thửa ruộng tạo tác cả đời chưa chắc đến bờ đến cõi. Khoan lệch tâm cây sắt này thì kiếm cây sắt khác, nhưng ruộng trên núi thì chỉ giới hạn trên núi. Ruộng nương với người  H’mông La Pán Tẩn hay bất cứ nông dân Việt nào đều là máu, là xương thịt của chính họ, và họ gieo trồng linh hồn mình trên đó để sinh hoa lợi. Mưa lũ xói lở ruộng nương, người H’mông đứng giữa trời đấm ngực bình bịch: Thần núi thần mưa ơi, các ngài sao nỡ bẻ xương, cắt thịt lột da tôi…

Nhoi mầm trong bùn khởi sinh từ hoàng thổ sườn dốc Hoàng Liên Sơn nhiệt đới gió mùa, mang đặc tính ôn đới, giàu mùn xốp, đa khoáng chất, lại uống nước suối rừng nguyên sinh, tắm nắng, gió, sương mù băng đá trên độ cao một ngàn mét suốt sáu tháng ròng, hạt nếp La Pán Tẩn còn thấm tiếng khèn phiêu diêu men rượu thóc của người trai H’mông và được bàn tay thương khó của người đàn bà H’mông yêu chồng chằm bẵm cấy dưỡng.

Danh xưng không vang nức bằng nếp Tú Lệ, nhưng nếp La Pán Tẩn nếu  sánh vị hương cũng như á hậu với hoa hậu. Nếu có phúc khảo thì ngôi hậu của nếp Tú Lệ chắc gì còn vương miện. Nếp Tú Lệ, vang tiếng đẳng cấp, trước vốn là cô gái thuần hậu, thật thà ở ngã năm ngã bảy nơi lũng ruộng rộng dài đồi núi bao boc quanh, bỗng một ngày được phong ngôi vương hậu bởi thói nghe hơi nồi chõ mới trở nên đỏng đảnh khó tính. Háo Tú Lệ không ít người đời mới đặt chân tới đèo Khau Phạ đã ngỡ đến tận cùng Tây Bắc tưởng bở nên đớ phải nếp quýt Sơn Nam hạ mạo danh cũng thường.

 La Pán Tẩn rộng dài hơn Tú Lệ nhưng chót vót núi đá ngất ngưởng núi đất  rừng rậm, suối khe sâu thì được bao lăm nương ruộng. Đẳng điền gieo trồng lúa nếp thì lại manh mún biết nhường nào. Vì thế nếp La Pán Tẩn nết na, thơm thảo mấy cũng lép vế lượng số trước nếp Tú Lệ. Đã thế lại còn khuất lấp sương mù trên đỉnh Đồi Cong. Bông nếp cắt về luồn sào trúc hong khô trên gian gác hoặc làm cỗ cúng cơm mới thì hạt suốt xong đưa lên chảo rang. Nếp La Pán Tẩn chỉ đủ cho người La Pán Tẩn nấu rượu, giã bánh dày và đãi khách quý…

Bánh dày với người H’mông cũng như xôi với người Kinh, là phẩm vật nghi lễ cúng giỗ tổ tiên, mừng mùa mới, chào năm mới mà cũng có thể dùng vào ngày thường khi cần thay đổi khẩu vị. Không cần gán thêm phẩm tính thiêng cho bánh dày H’mông, bởi tự nó đã đủ thiêng khi nó nuôi sống con người. Dù quan niệm vạn vật hữu linh, nhưng chẳng dại gì người H’mông thần hóa bánh dày vào ngày thường để làm khổ mình thêm vì những tụng niệm vô bổ…

Bánh dày H’mông to bằng nửa trái bưởi da xanh bọc lá dong, lá chuối rừng tươi. Sang thì kèm một gang tay ống nứa mật ong hoa anh túc, thường thì muối ớt trộn mỡ lợn mang trong lù cở, treo trên cây hoặc góc lều canh nương. Mặt trời tròn bóng, chồng kéo vạt áo lau mặt, vỗ tay phủi bụi lom khom chui vào lều, bệt xuống sạp tre đón từ người thương khó miếng bánh dày mịn màng và chiếc đĩa gỗ đựng mật ong rừng xanh quánh như tinh dầu hạt cải. Tắc tỏm chung một bánh dày, cũng đủ năng lượng nuôi sức bền cơ bắp cho vợ chồng nạo cỏ bờ đến sập soạng gà lên chuồng.

         Vật bánh dày ngon,  đương nhiên phải lựa gạo nếp ngon, điểm khởi đầu  quan trọng nhất trong chu trình công nghệ nghiệm sinh và cơ bắp. Mẹ thường gọi làm bánh dày là Vật, bởi giã bánh dày phải giã huỳnh huỵch liền tay như vật đất sét làm gốm. Tổn lực lắm. Xôi càng được giã nhiều bánh càng dẻo, càng để được lâu. Xưa mỗi lần làm các thức bánh nếp, mẹ ngóng xuôi ngược mua kỳ được nếp ngon, đã đành. Nhưng với người La Pán Tẩn - thứ gạo nếp dẻo thơm nhất chính là thứ gạo nhà tự trồng trên núi Đồi Cong. Gieo nếp than, dùng nếp than, gieo nếp đuôi chuột dùng nếp đuôi chuột. Nhà nào cũng trồng nếp thì mua bán nếp với ai. Người có đàn gà đen béo thiếu nếp thì đổi gà lấy nếp cho người đầy tràn thùng nếp thiếu gà. Cộng đồng La Pán Tẩn, từng không biết đến tiền. Cầu bái ông trời cho đủ nước, đừng giáng băng đá, chim thú không quấy phá, thu mùa đầy thùng hạt nếp để cúng cơm mới và thi thoảng vật bánh đã là niềm vui nghẹn ngào. Mùa đông cái lạnh chết cứng mặt suối, ruộng bỏ hoang, đất phơi màu thâm nâu, lơ phơ gốc rạ trong gió khía da mặt như cật nứa. Người La Pán Tẩn từng cầu âu gieo cấy vụ đông xuân, nhưng cây mạ cắm xuống bùn là héo quặt, ngắc ngoải mọc xanh cũng không ra bông, nếu có ra bông thì hạt cũng không thể chín…

Buổi tối ngâm gạo bánh cả nhà lão Sùng ai cũng tươi như dán cánh hoa lên mặt. Hạt nếp xấu mã, đanh dài, trắng đục như thứ gạo vào hơi dưới xuôi, dù lúc mới gặt lót liếp nứa hong khô cả đêm lẫn ngày, vo sơ nước ấm chờ trong thùng gỗ, hương đã rón rén thơm ánh ướt. Trong lúc bố chồng lấy hai chiếc chày giã bánh ngoắc trên vách nhà đầu hồi, săm soi trước ánh lửa, chị Mỷ bỏ nắm lá tươi thùy chân vịt vào chảo nước xăm xắp rọ roạy cời than củi. Gò má cao vát, tùm hụp dưới vành khăn lá mạ, cặp mắt xếch lặng lẽ như ngậm khói hay tráng một lớp dầu lanh. Ánh mắt chị bừng lên khi hướng về Sùng Su Ni đang dùng dao vót mảnh trúc xiên qua bắp ngô non nướng trên than cời. Tôi cứ lạnh sống lưng mỗi lần lưỡi dao sắc lạnh suýt chạm những ngón tay như chiếc bút chì của con bé. Lum bụm sôi, những chiếc lá lật mình, tôi nhận ra một thứ lá giống lá phong Nhật mọc ven bờ suối Nậm Kim. Lá cây sau sau. Màu nước dần chuyển sắc sẫm.

 Chày giã bánh dày chẳng khác chiếc vồ đập đất, cán vót tiết diện hình ô van, vừa lòng tay, tra giữa khúc gỗ tròn, hai đầu chày dài chừng hai gang rưỡi, đục đẽo từ gỗ nghiến nguyên lõi, đen sần, chắc nặng như sắt tinh, sức học trò một tay không thể nhấc quá đầu. Bảy hoặc tám ki-lo không kém. Lắc lắc cái cán thấy vẫn yên vị, lão Sùng lấy lưỡi dao nhọn cạo lớp bánh đóng váng như phết keo mỗi bên đầu chày. Phải đến lúc thực hành tôi mới hay lợi thế của loại chày có cán gia tăng độ dằn nén của đầu chày mà không tốn mấy sức.

Chưa hết, lão Sùng vần chiếc cối giã ra giữa nhà lấy cái chổi tăm cật giang khua khoẳng lau dọn. Lòng cối nhẵn thín, mát rượu. Tôi há hốc miệng vì hình dạng của nó. Cối gì mà lại hình máng như thân con thuyền độc mộc của thổ dân. Chày đã nặng, cối phải nặng gấp mấy chục lần chày thì khi giã bánh mới không lắc chông chênh. Cối đục đẽo từ thân cây nguyên khối, khúc gốc sát mặt đất, tạo lòng máng, đựng cả yến gạo xôi không những phải chắc như dái ngựa hoặc đinh hương tỷ trọng riêng cao, thớ vặn xoắn, mới chịu nổi va đập những cú chày gỗ nghiến bổ giã nửa ngày… 

Cối giã H’mông có hai kiểu. Kiểu bịt hai đầu và kiểu để hở. Khi cần thì có thể là cối giã bánh dày, lúc gặt hái thì lại là cái máng đập lúa. Gia dụng bằng gỗ của người H’mông thứ nào cũng chắc nặng, thô thô, thiên về thực dụng bền chắc chứ không hướng tới sự trau truốt kiểu dáng. Ngược lại với những dao, súng, lưỡi cày, khèn, sáo, vòng cổ, vòng tay, hoa tai thì được chế tác với sự tinh xảo, cầu kỳ hiếm tộc người nào trên sơn nguyên đối sánh.

   Chảo nước sôi già, lá sau sau thôi màu tím đen, chị Mỷ với mảnh vỏ bầu nậm, chuyên đổ vào thùng nếp. Nước lá ngâm gạo bánh đến rạng sáng mai là vừa. Chừng năm sáu tiếng gì đó. Tùy cảm hứng, hôm thì kiếm lá nhuộn màu đỏ, hôm màu tím, hôm màu vàng. Lá màu nhuộm gạo mọc sẵn suối khe dọc ngang rừng La Pán Tẩn. Chúng là thức son phấn của hạt nếp, dưỡng dung miếng bánh, hạt xôi thêm duyên, thêm sắc tệp màu với khăn váy áo vòng bạc vòng đồng trong buổi hội hè, kích thích người ta thêm ngất ngây với men rượu… 

Ngâm xong gạo, chị Mỷ xoay sang chuẩn bị món phụ gia cho bánh dày. Ấy là hơn chục trứng gà luộc tách lòng đỏ bóp vụn vào chiếc bát gỗ, lòng trắng chưa kịp rời tay mẹ thì bé Sùng Su Ni đã đón nhai tỏm tẻm. Thúc lòng đỏ trứng nhanh khô, chị Mỷ gắp cục than hồng hì hà thổi hơi nóng vào miệng bát gỗ. Má chị bổng hồng lên, một màu hồng khô khát.

          Bữa tối. Rượu thóc ngâm trái anh túc nguyên nhựa phơi héo trong hũ sành chẳng biết từ bao giờ đã sậm như nước hạt ngô rang cháy ủ bên bếp lửa uống hàng ngày. Chú gà trống đen to như con ngỗng bị vặn cổ dưới gốc đào. Sống trên sơn nguyên giống gà đen hoang dã chẳng khác gà rừng. Gà con thoát vỏ trứng một ngày tuổi như cái nùi lanh lót quai chảo đã tập bay, nhảy tìm kiếm thức ăn ở ruộng lúa, nương ngô. Gặm cặp chân năm móng và mấy miếng thịt gà đen, xương đen, da giòn sật, rượu đưa giọng ngụm một chén, chẳng mấy gương mặt lão Sùng hết dài ngoẵng, lại tròn vo, con ngươi trễ ra như ốc nhồi quay quay trước mắt tôi.

Trở dậy, tôi chùm tấm chăn lanh ngồi bó gối, ngại ngần trước cái rét bất chợt tê tê nổi da gà.  Ngả bên cạnh thằng Hờ vẫn áo tốc bụng chân co chân duỗi ngáy khò khò. Lão Sùng trèo lên gác giật chân con trai út : 

- Chúng mày thích làm bánh lắm mà. Dậy đi, nằm khoanh như con dê ốm. Chán lắm. 

Thằng Hờ càu nhàu, dụi mắt tụt xuống thang. Tôi tiếp theo.

Tối qua lão hết ôm lại đưa ra trước mặt ngắm không chán tấm bằng khen của con trai lồng khung gỗ bôi phẩm vàng chóe, góc bên trái dán tấm ảnh to nửa bàn tay quân nhân cầm khẩu AK nhằm bắn. Chăm 19 con lợn và hơn hai trăm gà vịt béo tốt, gã anh nuôi họ Sùng được suy tôn chiến sĩ thi đua. Tôi về đơn vị huấn luyện viết tin, nhiều lần gã dúi cho tôi vầng cháy cốm thơm thảo vô ngần.Vì vậy khi gã có cái bằng khen tôi phải đi vòng hơn 300 km, bò từ liên tỉnh lộ lên đỉnh núi Đồi Cong thêm hai tiếng nữa. 

Gã hồn nhiên kể: Vợ tao đẹp nhất Mù Căng Chải, nó ưng thằng bạn tao dưới Khau Phạ. Nhưng nó lại mê tao thổi sáo. Lừa nó nghe sáo tao mới bắt được nó về làm vợ. Mày mang cái giấy này về cho con vợ tao khâm phục.

 Bày tấm bằng khen lên chiếc bàn trước hai tấm ván hậu dán hai miếng giấy bản màu vàng và bạc cắm chín chiếc lông gà, bôi máu gà giữa gian nhà chính, cắm ba que hương, lão Sùng lầm bầm kính cáo tổ tiên. Mọi người trong nhà lần lượt được cầm tấm giấy khen ngắm nhìn gã anh nuôi thỏa thích, rồi lão Sùng trịnh trọng ngăn vách nhà phía ngoài hiên. Phòng mưa gió cho giấy khen và ảnh con trai, lão hy sinh chiếc túi nilon trong đựng quả sơn tra khô, lấy dao nhọn dọc một nửa túi ghim chồng lên tấm giấy khen. Lão cười mãn.

         - Con trai tao giỏi thì phải bày bên ngoài cho dân bản đứng ngoài hàng rào cũng biết. Điều hay sao lại giấu kín trong nhà! 

         Phật phờ mảnh nilon quá rộng, ngoẹo xuống, tôi bảo cắt bớt đi cho gọn. 

- Tao không ngu thế, thằng cả đã kiếm được một cái giấy khen, thì sẽ kiếm thêm được nhiều cái nữa. Thằng anh giỏi thì thằng em cũng bắt chước thằng anh thành giỏi. Cắt bớt tấm nilon đi sau này chúng nó mang giấy khen về thì lại phá cái túi nữa à…Khà khà.

          Chưa tới 4 giờ sáng, trời La Pán Tẩn trắng sữa, lất phất mưa sương. Lão Sùng được thằng Hờ giúp sức vần chiếc cối ra trước sân. Lễ mễ, tôi tha hai chiếc chày vồ ra theo. Rồi cùng lão Sùng vốc bột lòng đỏ trứng xoa vào lòng cối máng và các đầu chày cho kỳ bóng như bôi dầu mới thôi.

Chõ xôi hừng hực được chị Mỷ và thằng Hờ khênh ra. Chõ gỗ sa mộc gặp lạnh kêu tí tách. Lão Sùng nhanh tay nhấc chiếc vung. Chõ xôi lật ngược. Lòng cối máng bỗng tím ngần. Hương xôi ngột ngạt  không gian, ngấm vào thùy phổi. Vị nếp La Pán Tẩn, ngọt ngọt găn gắt như có phân tử mật ong rừng.

Ấn vào tay tôi chiếc cán chày vồ, lão Sùng hất hàm chỉ vị trí đứng phía đối diện. Tôi và lão né chéo chân hai bên cối máng vung chày song song mà không sợ đụng vào nhau. Giàng ạ, chiếc chày vồ vặn người răng rắc mới vung lên được, nhưng bổ xuống mặt xôi thì khựng lại như đụng phải tấm đệm cao su. Cơ cánh tay rung lên bần bật nhức tới vai. Lão Sùng nện được ba chày thì tôi mới được một. Càng gắng sức, tôi càng nhanh mất sức. Trong khi lão Sùng vẫn nhẩn nha bổ chày vồ đều đều như rô-bốt. Cảm giác lão có thể bổ chày cho đến tận tối không hề vơi sức. Ngoại sáu mươi mà sức bền như trai tráng. Không ngẫu nhiên lão lại mang họ Gấu**…

Thụp! Phụp! Thụp! Phụp! Tôi lắng nghe giai điệu của nhịp chày hòa trong tiếng gió xuyên rừng sa mộc, xuyên vách gỗ, tiếng nước chảy, lửa cháy, tiếng của đất co mình trong giá lạnh, tiếng của những hạt nếp đang đau đớn biến hình thành dạng bánh. Dương khí gần tỏ mặt người, cái lạnh buổi sáng sớm La Pán Tẩn làm tôi tươi mới sau một đêm không hẳn là an giấc. Chẳng mấy chốc, xôi đã bệt thành khối. Phóng chày xuống là bùng nhùng dẻo dính hút chặt lấy như thảm kẹo cao-su hoặc xúc tu của con mực khổng lồ co kéo đầu chày. Vung chày giáng xuống đã mệt, nhưng nhấc được chày lên cũng cực nhọc không kém. Sức cứ như bị khối xôi tím hút kiệt. Xoa bột lòng đỏ trứng gà cả hai đầu chày, nhưng cũng chỉ thoáng đỡ được vài nhát, rồi đâu lại dính chặt như cũ. Thằng Hờ lấy vật dụng nửa giống chiếc bay xây khủng nửa giống cái xẻng con (được rèn đặc chủng thì phải) cán gỗ dài nửa mét, xoay xỏa, lựa thế lật mình, đảo xôi ăn đều chày thì mới nhuyễn cho. Mồ hôi tràn cay mắt, tôi loạng choang vung chày. Chị Mỷ vội đỡ lấy.

- Hây dà, mày làm thì đến tối vẫn không nên bánh. Để  chị tao làm nhé.

Trời chợt mưa phăn phăn. Bầy dê đang húc chuồng lịch kich. Bé Su Ni đội chiếc mũ len đỏ đứng trên hiên lấy dao cạo móng tay, chờ. Hai bố con lão Sùng kết hợp vung chày nhịp nhàng tiếp tục hoàn thiện mẻ bánh. Cho đến bây giờ, đó vẫn là thức bánh dày bio hoàn toàn từ hạt nếp trên thửa ruộng chỉ có đất màu từ khai thiên lập địa, nước suối rừng sa mộc, lá sau sau nhuộm tím và không khí đẫm sương thu Mù Cang Chải.

Sau bốn tiếng đánh vật chày vồ với cối máng. Lão Sùng quan sát dấu hiệu của xôi nhuyễn đã có thể ra bánh vào lá chuối là mặt bột xôi bóng ánh, vén cao vào giữa lòng cối máng, bột xôi từ từ lẳn xuống chầm chậm. Bổ chày cảm giác như phên bột đẩy lại, thấm âm đầu chày bụp bụp xuyên thấu đáy cối truyền xuống mặt đất. Chưa tin vào con mắt, nhón lòng đỏ trứng gà trong chiếc bát gỗ, lão véo khối bột xôi tím ngần nhưng bột xôi quá quánh dẻo các ngón tay khựng lại, đành phải dùng chiếc bay xén cắt một lượng bột tương ứng để nặn một chiếc bánh. Tảng bột lăn qua lăn lại trong đôi bàn tay thô ráp của lão Sùng rồi cũng tìm được định dạng tựa cái đấu. Cái đấu được đặt lên mảnh lá chuối rừng vừa khổ, lão gấp mảnh lá trùm lên, dùng bàn tay ấn mạnh xuống. Cái đấu đã xẹp mình dèn dẹt, dày hơn đốt ngón tay, to như hòn cuội muối dưa, bột phè ra ngoài mép lá, nặng nửa cân là ít. Đấy chính là thứ bánh dày quá thật thà của La Pán Tẩn. So với những cặp bánh dày nhỏ xinh trắng ngần, tinh xảo như cặp bánh vòng của mẹ từng làm, tôi bỗng ngậm ngùi. 

Bánh dày H’Mông có thể ăn tươi, chấm với mật ong tươi hứng trong vỏ quả bầu nậm vắt từ tầng tổ ngay tại vườn nhà. Bánh ấy thông gia biếu nhau. Vợ chồng trẻ biếu hai bên bố mẹ. Dâng cúng tổ tiên. Cúng ma nhà, ma bếp, ma trâu ma cửa. Tặng bạn bè. Hoặc xâu lạt treo vách nhà để dành, bánh tự khô dần hàng tháng không mốc ôi. Khi ăn chỉ cần cắt miếng, rán trong chảo mỡ lợn sôi sục là phồng căng. Vỏ giòn, bên trong thơm dẻo như thường. Một món ăn mình nó mà chẳng phải chấm cháp nêm nếm thêm phụ gia nào. Ngẫm nghĩ, chưa  kịp khuất một cánh chim trên đỉnh rừng sa mộc, lạ, để thì là xôi, là cơm nếp, giã nhuyễn thì lại gọi là bánh, nhai một miếng đã thấy cả một mùa vàng La Pán Tẩn chui qua vòm họng…

Chiếc bàn bốn chân chéo, thô như giá đỡ bệ máy lót kín mảnh lá chuối rừng tước cuộng làm áo cho bánh dày. Tôi dùng tay kéo bột, thằng Hờ cầm bay  chạng chân gồng tay xén cắt từng tảng vừa độ. Lão Sùng vo viên truyền cho con dâu. Chị Mỷ đảm nhận bọc áo cho bánh và định hình lần cuối…Mọi viên bột qua tay chị đều ngoan ngoãn vừa in với mảnh áo lá chuối xanh ngọc dành cho nóLần lượt, từng chiếc bánh xếp hàng ngay ngắn trên mặt bàn, y những người lính trong đội ngũ trước giờ ra trận. Xôi tím đã vật nên bột nhuyễn phối với xanh ngọc lá chuối rừng trắng phấn bâng khuâng bao nhiêu của sự cần lao, trong trẻo chắt góp niềm vui từ hoang dại, mở cửa vào suy tưởng về sơn nguyên huyền bí mà chưa bao giờ tôi cảm biết hết… 

  Giữa chiều nắng, lão Sùng và thằng Hờ bận đến nhà họ hàng bên Zế Xu Phình mừng cơm mới. Vỗ vai tôi bên gốc đào lão thật thà:

         - Hôm nào thằng Sùng có thêm cái giấy khen nữa. Mày bảo nó tự mang về, đừng nhờ mày nhé.

 Mẹ con chị Mỷ tiễn tôi đến đầu con dốc đá, nơi người ta nhìn xuống những hoa văn ruộng tùy biến hình dung mâm xôi lớn mâm xôi nhỏ. Mái lều canh nương lăn lóc những trái bí đỏ như đàn lợn con mằm ngủ trên đụn rạ.  Ba lô trĩu nặng ống gỗ lóc óc rượu thóc ngâm trái anh túc và bánh dày do chị bao gói bằng cả tờ lá chuối tơ. Bé Sùng Su Ni vung vẩy con dao trên khóm hoa bạc hà tím đuổi con bướm vàng. Giời ơi, vấp ngã thì sao bé Ni ơi. 

Từ đây xuống cây cầu bê tông cũng đôi cây số. Tôi sẽ chờ ở khúc quanh đó một chiếc xe quân sự vẫy lên ngược Tam Đường cũng ổn hoặc xuôi vòng Yên Bái cũng chẳng sao. Hơn tuần sau tôi nhao về đơn vị huấn luyện, không may gã anh nuôi họ Sùng đã chuyển binh ngược Hà Giang. Bánh dày chia mấy đứa đồng hương. Ống tre rượu giấu mãi rồi biếu bà quán nước cổng doanh trại xoa bóp chữa đau chân.

Tôi đã qua bao miền sơn nguyên không chỉ đất nước mình. Nhưng một góc núi Đồi Cong thuở binh nhì thảng hoặc vẫn nhói dứt cái lần bánh dày La Pá Tẩn. Vô duyên nên chẳng thể tìm về chốn cũ, nhờ ông bạn săn ảnh ruộng bậc thang tìm dấu vết xưa, mù mờ hư thực, rằng lão Sùng mất đã lâu. Bé Sùng Su Ni theo chồng du cư trong Lâm Đồng. Bị bắt dâu, chị Mỷ không nguôi thương người cũ. Gã anh nuôi xuất ngũ trở về hễ uống rượu vào là đánh vợ. Tan một mùa chợ tình chị đã hái nắm lá ngón bên lều canh nương. Gã Sùng xin đi bảo vệ công trường thủy điện. Thằng Hờ lấy vợ bên Zế Xu Phình, làm công nhân mỏ thiếc mỏ chì của người Kinh, sập núi chết năm nao rồi.

 Giờ quán hàng mọc bên khúc quanh cầu bê tông, nơi dốc đá bắt đầu lên núi Đồi Cong, đám gái H’mông trẻ thài bai ngửa lù cở bày bánh dày mời khách du. Khách được quà độc sơn nguyên về xuôi, còn mấy cô dư mươi ngàn bỏ ống, đợi cuối mùa lúa ruộng bậc thang Mù Căng Chải thì sẽ đi phố huyện tô thêm chiếc răng vàng

Tôi nhớ đã từng hỏi chị Mỷ nhắn gì anh Sùng. Đôi mắt hoang lặng như mặt nước tù hốc đá. Chị ngoảnh nhìn thung vàng chấp chới người lui cui cắt lúa :

- Thì cứ bảo nó uống rượu ăn bánh chị tao làm thôi.

Không lẽ món quà chị Mỷ trao gửi tôi chuyển không đến với chồng, đã khoét sâu thêm nguyên cớ hai người không thể tái hòa? 

Núi tiếp đồi. Đồi tiếp núi. Đồi tiếp đồi. Núi tiếp núi. Lúa vàng trượt hun hút thung xa, lúa vàng lên ngút ngút trời xanh trống lạnh không mây. Tiếng sáo giao tình sao âm giai rạn vỡ. Câu hát đợi người yêu chập chờn đoạn trường thảo sắc hoa***.Suối Nậm Kim thếp bạc còn vượt qua vô vàn lũng đồi khe núi phó thác sinh mệnh cho sông Đà. Gồng bước, tôi xuống đèo. Được một thôi, ngẩng lên thì chẳng thấy chị Mỷ và bé Su Ni đâu nữa. 

Ừ, nếu không vẫy đi nhờ được xe thì có lẽ mai tôi mới xa được Mù Cang Chải. Kiêu hãnh và ẩn ức. Cô độc nhưng phiêu diêu, biết bao giờ sương mù mới thôi phủ núi Đồi Cong, mây trắng không quàng khăn cho sa mộc, nắng thu ngừng gieo vàng trên những cánh đồng nghiêng. Bao lâu nữa phận số thôi cay nghiệt để tôi gặp lại bé Sùng Su Ni giữa ngược ngàn dốc đá nói lời xin lỗi vì món quà sơn nguyên đã không chuyển kịp đến cha em. Bao lâu nữa tôi trở lại rừng nguyên sinh La Pán Tẩn vật mẻ xôi ngắt lá chuối rừng mặc áo tấm bánh dày gọi sương thu mùa thương Mù Cang Chải?

                                                                        N.T.T.K

                                                                Tháng 10 năm 2016

 * Giàng: Trời- tiếng Hmong.

** Sùng : Gấu- Tiếng Hmong.

*** Đoạn trường thảo: Lá ngón.

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *