Tìm tòi thể nghiệm

10/9
9:28 PM 2018

BẢN SẮC VÙNG MIỀN TẠO DẤU ẤN HAY CHO TÁC PHẨM VĂN HỌC

(Tham luận của nhà thơ LÒ CAO NHUM tại hội thảo văn học do Liên Chi hội các nhà văn phía Bắc tổ chức tại thành phố Thái Nguyên ngày 7 - 9 - 2018).Trong hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học, sự sáng tạo của nhà văn được trình diễn qua muôn vàn sự khôn khéo thông minh, qua biết bao cách thức dẫn dắt. Ở đây tôi muốn nói đến đặc điểm bản sắc vùng miền, chủ yếu là khu vực miền núi mà các nhà văn chúng tôi đã sinh ra, lớn lên, bám trụ và sáng tác.

                                                     Ảnh minh họa- nguồn Internet 

Chúng ta đã nhất trí rằng, để có một tác phẩm văn học hay cần hội tụ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tư tưởng và tính phổ quát giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nó có ý nghĩa quyết định tầm cao của tác phẩm và tác giả. Nhưng nếu chỉ trần trụi tư tưởng không thôi thì chắc chắn sẽ chưa là tác phẩm văn học. Tư tưởng đó cần có khung, có áo, có sắc màu, có cảm xúc... chuyển tải nó mới ra tác phẩm văn học được. Vì thế, chúng ta cũng đã nhất trí với nhau khi sáng tạo, hình thức nghệ thuật là không thể xem nhẹ.

            Trong hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học, sự sáng tạo của nhà văn được trình diễn qua muôn vàn sự khôn khéo thông minh, qua biết bao cách thức dẫn dắt. Ở đây tôi muốn nói đến đặc điểm bản sắc vùng miền, chủ yếu là khu vực miền núi mà các nhà văn chúng tôi đã sinh ra, lớn lên, bám trụ và sáng tác.

            Sau khi thoát thai từ văn học truyền miệng, nền văn học khu vực miền núi đã ngày càng thực sự trở thành nền văn học đúng nghĩa của nó với sự hội tụ các yếu tố cần và đủ, các thuộc tính, các thể loại. Một không gian văn học đã được phát sinh cùng với các tác giả của nó. Cũng nhờ những hoạt động nhộn nhịp trong không gian văn học đó như các trại sáng tác hàng năm, những cuộc hội thảo, những đêm thơ, những chuyến đi điền dã sáng tác, các đầu sách đưa vào xuất bản... mà đã tạo nên diện mạo và những đặc điểm của một nền văn học dần dần hoàn chỉnh.

            Thiên nhiên miền núi dữ dội, trùng điệp. Những ngọn núi vút nhọn, những dải đồi đan xen cùng với những cánh rừng, những dòng suối len lỏi theo mây sớm, sương chiều, trăng đêm. Thiên nhiên đó tồn tại cùng cuộc sống con người miền núi, nay hiện hình đổ bóng vào cảm xúc. Các nhà văn ở miền núi đã ý thức được sự bao la, hoành tráng của phong cảnh núi rừng và những hình ảnh thơ mộng. Cảm xúc thiên nhiên thể hiện ở nhiều cung bậc, nổi trội lên với tần số xuất hiện cao những hình ảnh Núi - Suối - Rừng. Ba hình ảnh này trở thành một trong những đặc điểm riêng biệt trong tác phẩm của các nhà văn khu vực miền núi.

            Một trong những đặc điểm độc đáo nữa là cách thể hiện dân gian, mang đậm tính huyền thoại của các tác phẩm văn thơ. Nhiều truyện ngắn, truyện dài, bài thơ, trường ca tiêu biểu của nhà thơ Y Phương, của nhà văn Cao Duy Sơn, của nhà thơ Đinh Đăng Lượng, Bùi Thị Tuyết Mai, Lương Quy Nhân, Vương Trung... mang đậm tính huyền thoại, chất dân gian. Những truyện ngắn ma mị, hư ảo, những bài thơ lồng bóng phiêu diêu với những chi tiết siêu thực tạo nên một không gian truyện và thơ mở rộng nhiều chiều, và cũng tạo nên sự tự do tuyệt đối của vùng cảm xúc. Những dây trói lệ thuộc sự việc cụ thể đã được tháo gỡ, vùng khu biệt ước lệ xưa nay được mở rộng. Thi pháp nhiều truyện ngắn tiêu biểu trong tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" của nhà văn Cao Duy Sơn đã lượng hóa được những cảm xúc hư ảo. Đối với nhà thơ Đinh Đăng Lượng, thi pháp dân gian trở thành cái tứ của mỗi bài thơ, cho nên các tập thơ "Người ở đầu nguồn", "Bóng cây chu đồng"... của anh ngập tràn cảm xúc dân gian.

            Cách thể hiện dân gian còn làm phong phú, mở rộng biên độ cho thơ văn. Ở phương diện hình thức, một loạt thủ pháp được sử dụng như cách dùng vần lưng, vần chân, cách dùng điệp câu, điệp chữ, cách nói giầu hình ảnh, cách tạo ra phạm trù, phong tục làm cho thơ văn trở nên man mác, bâng khuâng. Hai thuộc tính cảm xúc thiên nhiên, cảm quan văn hóa được phô bày trong quá trình trăn trở, tìm tòi của các tác giả khu vực miền núi.

            Các tác giả đã cố gắng cho thơ văn từ một vùng đất hòa nhập vào thơ văn cả nước, thể hiện tính phổ biến, tính phổ quát bằng cách xây dựng các thi pháp biến hóa. Từ chi tiết đến khái quát đòi hỏi thơ văn phải chọn những cách thức đặc biệt, vừa giữ được tính riêng biệt lại thể hiện được tính phổ biến. Với quan niệm rằng, thơ văn phải thể hiện tâm trạng con người phổ quát, sáng tác của các nhà văn khu vực miền núi đã vượt qua các phương pháp sáng tác hướng ngoại tả việc, đạt đến hướng nội tả tình. Một cảnh thiên nhiên đều diễn tả tâm trạng nhờ nồng độ cảm xúc. Mỗi chi tiết đơn lẻ có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, liên kết những chi tiết đồng loại, bỏ những chi tiết dư thừa để đến được cái lớn nhưng không chung chung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những tác phẩm mang tính chất bút ký, ghi chép sơ sài, tính thời sự lấn át những điều tâm sự, sự việc lấn át tâm trạng, nên để đạt đến tính phổ biến, phổ quát là sự vượt lên khó khăn.

            Văn thơ khu vực miền núi còn mang đậm tính thời sự của những thế sự, hay nói cách khác là quan hệ giữa nhất thời và lâu dài, quan hệ giữa thực tiễn và tiềm thức. Tính địa danh trong văn học, tức là các địa danh địa lý trở thành địa danh văn học là yếu tố khá nổi trội trong các sáng tác văn xuôi cũng như thơ ca của các nhà văn khu vực miền núi. Ở Hòa Bình có các địa danh với các ngôn ngữ độc đáo hấp dẫn người đọc như bốn mường Bi - Vang - Thàng - Động. Ở vùng văn hóa Thái Tây Bắc có câu thành ngữ như "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Mai Châu, một địa danh cụ thể đã định hình một địa danh văn học trong câu thơ tài hoa của nhà thơ Quang Dũng "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"... Địa danh trong truyện ngắn và tiểu thuyết, dù được coi như là địa danh hư cấu, vẫn giữ nguyên danh từ địa lý, bởi các tác giả cho rằng, những địa danh ấy mang bản sắc dân tộc, nên nó chứa đựng yếu tố sáng tạo và yếu tố hấp dẫn.

            Theo các nhà lý luận, địa danh là điều tối kỵ trong thơ ca, làm cho thơ ca thiên về hướng tả cảnh, tả việc. Tuy nhiên, các trang viết của các tác giả miền núi đã khắc phục được các nhược điểm đó. Các địa danh trong thơ đầu tiên chỉ giúp cho các tác giả tạo được cái cớ cho cảm xúc, hơn là chỗ dựa cho cảm xúc, sau đó đã lượng hóa được cảm xúc từ sự cụ thể của địa danh. Chính vì vậy địa danh trong thơ văn miền núi là yếu tố cấu thành của cảm xúc. Vả lại các địa danh trong thơ lại gắn liền với một vẻ đẹp văn hóa cao hơn, xa hơn, gắn với những truyền thuyết, những kỷ niệm.

            Tính khái quát của nền văn học khu vực miền núi đã được đặt ra ở từng cấp độ. Đã qua lâu rồi giai đoạn đầu thoát thai từ văn học truyền miệng với tình trạng viết về những ngày kỷ niệm, ca ngợi quê hương đất nước chung chung, mà bước sang giai đoạn sáng tạo văn chương đích thực. Văn học miền núi đã lấy con người làm trung tâm cảm xúc, những trang viết đã thấy người, thấy tâm trạng, thấy buồn vui, thấy mở rộng, thấy cảnh vật có hồn. Hình tượng con người được thể hiện giầu bản sắc, đó là tâm hồn con người miền núi, của rừng, của suối, của thung, của hoàng hôn sương mờ và bình minh mây trắng, những con người đi ra từ dân ca, từ những hội xắc bùa, hội chá chiêng, hội lồng tồng, ngày cấp sắc, tháng gầu tào và những đêm trăng ví đúm xe duyên...

            Con người trong văn học, trong huyền thoại hư ảo lại là những con người từ thực tế giầu huyền thoại, làm toát lên tính phổ biến, phổ quát của thơ văn khu vực miền núi. Thơ văn ấy coi trọng tính truyền thống và tính giao lưu, coi trọng sự tiếp biến văn học để không tự mình khép kín. Những tứ thơ tự do, những bài thơ văn hóa, những bài thơ khái quát nhuần nhuyễn lý tình, những trang văn khai thác tận cùng chất huyền thoại... là những trang văn thơ góp phần làm nên một nền văn học khu vực miền núi hiện đại và đậm đà bản sắc.

 

Bản Lác, tháng 8/2018

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *