Tìm tòi thể nghiệm

9/12
12:45 PM 2018

VẺ ĐẸP NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG ẢNH ĐỖ HUÂN

(Nhân 100 năm sinh nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Huân)

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đỗ Huân

Sinh năm 1918, Đỗ Huân là con trai một gia đình khá giả ở Hà Nội, nhưng 13 tuổi Đỗ Huân đã bắt đầu cầm máy ảnh lao động nghệ thuật và suốt từ khi ấy cho tới ngày từ trần (23.3.2000) ông luôn say mê sáng tạo để có một sự nghiệp nghệ thuật. Cha Đỗ Huân là cụ Đỗ Lợi - một nhà tư sản dân tộc từng là chủ tịch Tuần lễ vàng ủng hộ Cách mạng năm 1946 ở khu vực Ba Đình, Hà Nội, và chính cụ đóng góp nhiều chục vàng cây. Đỗ Huân có ảnh triển lãm ở Hà Nội từ 1939  khi mới 21 tuổi; ở Singapore, Hồng Kông, Pháp, Ấn Độ các năm 1950, 1951, 1952. Ông là tác giả của bức Đường làng mùa thu, giải danh dự quốc tế ở Budapest, Hungary, 1958; bức Nguồn vui, HCV triển lãm ảnh quốc tế ở Berlin 1962; bức Đôi bạn chiến đấu giải nhất cuộc thi ảnh báo Thời Mới Liên Xô năm 1976; một giải nhất khác là bức Hướng đi lên tham gia cuộc thi ảnh đẹp Hồ Gươm, Hà Nội 1980 và cho tới khi đã là một nghệ sĩ lão thành, ông vẫn bấm máy để đoạt giải FUJI FILM Nhật Bản vào năm 1985...

Nhân vật trung tâm trong tập ảnh Việt Nam xưa và nay – 72 ảnh đẹp chọn từ hàng nghìn tác phẩm của nghệ sĩ Đỗ Huân là người lao động. Từ một câu bé cưỡi trâu lững thững về làng trong bóng chiều, tới những cô bé hối hả tới trường trong sương sớm, từ người đàn ông gò lưng kéo xe ba gác trong phố cổ Hà Nội chật chội, tới người phụ nữ chống sào đẩy thuyền trong vịnh Bái Tử Long mênh mông…, ai cũng đang sống trong công việc của mình.

Bức "Hào quang"

Đỗ Huân dụng công trong các góc máy để nhân vật nào cũng trở nên khiêm nhường trong lao động ở một thời mà ai cũng thuộc nằm lòng khẩu hiệu sống “lao động là vinh quang”! Những anh thợ xây trong bức Vươn lên tầng cao cố nhòe vào cái giàn giáo mình đang bắc cao lên nhưng nắng công trường lại in sắc nét bóng anh trên bức tường hoành tráng kia, biến anh đang một, thành hai. Nhịp độ lao động, cái hồn của tác phẩm được thể hiện đắc địa, trong phép nhân hai này. Anh thợ hàn trong bức Hào quang lại khiêm nhường một cách khác. Đỗ Huân đã để anh nép vào góc trái khuôn hình, lại để anh hướng lưng vào ống kính, giấu mặt đi, nhường chỗ dễ nhìn nhất trong bức hình cho màu lửa hồ quang đầu que hàn, nhưng chính vừng lửa hừng hực này lại tạo ra sức tương phản tối sáng để vóc dáng người thợ kia, hiện lên lừng lững như tạc, như khắc! Trong quá trình hướng ống kính săn đuổi vẻ đẹp khiêm nhường của người lao động, có khi Đỗ Huân để mỗi cá nhân con người cần lao lẫn vào một tập thể, tập thể li ti người kia chỉ nhẹ như dải mây vắt hờ lưng núi hùng vĩ (Bức Xẻ núi) nhưng ngay cả khi để cá nhân người lao động choán hết khuôn hình, Đỗ Huân cũng chọn những khuôn mặt khiêm nhường nhất để bấm máy và nhờ vậy bức Chân dung Bùi Xuân Phái của Đỗ Huân trở thành một trong những chân dung đẹp nhất của họa sĩ bấc thầy này! Danh họa Phố Phái hiền như một lãn ông hưu trí vừa bước ra từ lối xưa ba mươi sáu phố của mình!  

Bức "Chân dung Bùi Xuân Phái"

Mang tới cho nhân vật vẻ khiêm nhường để từ đó định hình phong cách tác giả của chính mình, đồng thời giữ được cho chính mình vẻ khiêm nhường giữa rất nhiều thành đạt, Đỗ Huân thật xứng đáng với tấm huân chương lao động Nhà nước ta tặng thưởng!

                                                                                           T.Q.T

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *