Thời sự văn học nghệ thuật

26/8
7:35 AM 2016

CHÂN ĐẾ NGÀN ĐỜI CHÂN KHÍ HÔM NAY

CHU VĂN SƠN -Trường ca chân đất của Thanh Thảo

 Do vướng việc chẳng thể đặng đừng, tôi đã không thể dự hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại, nhìn từ miền Trung” đang diễn ra tại Sầm Sơn Thanh Hóa (dù chính tôi đề xuất cái tiêu đề này khi tổ chức). Nên tôi không biết sóng biển đảo có vỗ vào cái hội thảo tổ chức ngay trên bờ biển này không ? Thơ đang bàn những gì ở chốn ấy. Còn, cách cái hội nghị thơ kia cả ngàn cây số về phía Nam, sóng biển đảo vẫn đang đập vào Lý Sơn, trực chỉ Quảng Ngãi. Dải đất chữ S đang quằn mình lên ở Quảng Ngãi. Và, ở đó, cái tiếng rền rền từ biển đảo cùng tiếng rì rầm trong lòng đất vừa dội vào lòng một bản trường ca: Trường ca chân đất của Thanh Thảo !

 Trường ca chào đời là để nói về “cái lịch sử”, dù lịch sử của riêng con người, hay lịch sử của cả sự sống này. Trước, nó thiên về những hành động lịch sử. Giờ, nghiêng hẳn về những chấn động lịch sử. Thời nào cũng thế thôi, dù nó có nói từ cõi riêng tư, thì vẫn cứ phải là những riêng tư đang bị rung lay bởi những chấn động lớn. Dù nó chỉ định nói thầm thôi thì vẫn cứ phải gây thành ba động. Vì thế, trường ca luôn đòi một cái tôi riêng : cái tôi trường ca. Đâu phải người làm thơ nào cũng có thể trường ca. Một ăngten không nhạy với sóng âm lịch sử ngay giữa đời thường, khó mà trường ca. Một trái tim chỉ quen đập nhịp mòn trong lồng ngực hẹp, chớ có trường ca. Và trường ca cũng không thể nào cất lên ở một giọng nghèo dư chấn. Chấn động những ngày này đã dội vào cái tôi Thanh Thảo. Nó đòi anh phải cất lên bằng ngôn ngữ trường ca.

 

                                               *

 

Trước mỗi chấn động như thế, lại phải tìm cho niềm tin một điểm tựa. Điểm tựa muôn đời còn có thể là gì khác Nhân Dân, dù có lúc Người bị bỏ quên bên ngoài sử sách. Trường ca chân đất là cuộc hồi hướng về Nhân Dân trong cái thời đương đại này. Vẫn cái tâm thành của một con dân đất Việt dành cho Nhân Dân mình, nhưng, thời này, anh không thể viết như 9, 10 trường ca trước. Ai đã đọc Thanh Thảo, đều thấy Nhân Dân trong thế giới thơ anh, ngẫm tới cùng, là những người mở đất và giữ đất. Dù ở thời nào, thuộc tầng lớp nào thì lõi cốt của họ vẫn là một nghĩa khí ngút trời. Nghĩa khí ấy hiển hiện trong một vẻ đẹp đặc hiệu Thanh Thảo : thô sơ mà hực sáng. Họ là sự lầm lụi của đất đai. Họ cũng là sự ngời sáng của đất đai. Họ là sự phì nhiêu của châu thổ. Họ là sự quật cường của châu thổ. Vẫn là một Nhân Dân ấy thôi, nhưng lần này khác: họ hiện ra với một chất Việt đặc sệt Quảng Ngãi. Cái thô sơ mà hực sáng đã đẩy lên một tầm mức riết róng hơn: thô tháp mà tinh ròng. Tất cả kết chưng trong bác Năm Trì, mà sâu xa hơn, kết chưng từ đất, từ tre. Trước Thanh Thảo, thơ nhờ tre để nói về dân Việt không ít. Nhưng đều dừng ở một chất thơ “dễ vào” của tre xanh, ấy là vẻ mộc mạc mà cao quí. Giờ phá cách, anh muốn tìm đến một chất thơ “khó vào” hơn, ấy là chất tre ngâm. “Này bạn tre ngâm ơi / sao mắt rạng ngời / Mùi hơi gắt / - thì Việt vương cũng nằm gai nếm cứt / như thân ta ủ kín trong bùn”. Bề ngoài thô tháp đến phát ghê bởi cái vẻ, cái mùi của tre ngâm. Nhưng, bên trong lại nén chặt một chất tre đã ngâm. 4000 năm Việt sử đã tựa vào điều gì, nếu không phải là tựa vào cái chất tre ngâm đó ! “Đêm nghiến răng ngày lam lũ / thở gai khóc lá than cành”, nhưng “Không thể sống mà đau / không thể chết mất gốc”, ấy là chân tre. Tre ngâm là bác Năm Trì dân Quảng Ngãi. Đêm trăng láng lênh có thể ngồi gãi háng (tất nhiên, gãi kin kín chút thì trăng đỡ… ngại hơn !). Nhưng hễ nước nguy biến thì lập tức thành dân chiêu mộ, sẵn sàng giữ đất mở đất, vì nước quên thân. Ấy là khí chất tre ngâm. Là cái tinh ròng chìm trong thô tháp. Chớ nhìn bề ngoài mà vội coi khinh. Chân tre ngàn đời làm nên chân lũy. Nhân Dân đời đời là chân đế của nước non này. Bởi thế, dù có khánh kiệt niềm tin khác, thì vẫn còn mãi niềm tin này. Chớ than phận khó ai ơi / Còn đá mọc lũy còn trồi nảy cây (mọc tre). Đấy là cội rễ của hi vọng lớn.

                                                   *

Thi sĩ nào chẳng là con đẻ của một vùng quê ! Quê nhào nặn nên anh, quê hóa thân vào mọi sáng tác của anh, ngay cả khi anh không hề ngờ tới. Sáng tác nào của Thanh Thảo chẳng mang chút Quảng Ngãi, dù không phải lúc nào anh cũng chủ định. Còn dành riêng cho quê những món quà trọn vẹn, thì anh từng có hai bản trường ca : Bùng nổ của mùa xuân (về khởi nghĩa Ba Tơ) và Trẻ con ở Sơn Mỹ (về vụ thảm sát Sơn Mỹ). Nhưng, ngẫm lại, chất Quảng Ngãi ở hai tiếng thơ đó chưa phải do nhìn từ mình. Lần này khác. Món quà dâng đất mẹ hôm nay là cuộc nhìn sâu vào bản thể mình, và qua đó, bản thể quê nhà. Cảm hứng ấy đã chi phối “cấu hình” của Trường ca chân đất. Dễ thấy : Cái Tôi – Quảng Ngãi – Việt Nam là ba lớp trầm tích chính kiến tạo nên thế giới hình tượng ở đấy. Cấu trúc đồng tâm đã khiến hệ thống thi ảnh thuộc ba lớp đó như ba vòng sóng khởi lên từ một tâm chấn rồi loang rộng mãi. Khi rung lay mạnh, các vòng sóng giao thoa với nhau, hòa vào nhau, vỗ đập trong nhau. Cái tôi ở trường ca này là một con dân đất Việt, tất nhiên, nhưng trước hết, là một lưu dân Quảng Ngãi. Khi dư chấn dội vào mình, cái tôi ấy thêm một lần bừng thức về gốc rễ Quảng Ngãi trong mình. Rằng mình là hậu duệ của những bác Năm Trì lầm lụi mà trượng nghĩa. Rằng : “đất quê tôi hai lần thất lạc / người quê tôi hai lần lưu dân”. Rằng : “người quê tôi không quen lời bay bướm / giọng nói nặng dây buồm”. Cái tôi ấy thấy rõ mình là con đẻ của chân tre, chân ruộng, chân núi, chân mây, chân cò… nơi xứ sở. Tất cả đã góp gom, đào luyện, bồi đắp, nuôi dưỡng nên cái tôi này. Giờ đây, nó thấy giọt máu nào trong mình cũng long lanh chân tre sông Vệ sông Trà, chân sóng Lý Sơn, chân cổ lũy cô thôn, chân tháp Chàm tuổi xưa, chân mưa tuổi nhỏ… Nó vỡ lẽ về cái quy luật của đời người “đời như chiếc cối xay tre / quay quay / quay mãi / lại về tuổi thơ”, về với bản thể mình. Nhiều cảnh thơ và tâm tình thơ trước đây tựa như những mảnh nhỏ của một cái tôi Quảng Ngãi vốn đã gieo vãi trên các chặng trước, giờ nhờ lối viết đồng hiện và cắt dán, đã lại tụ về đây trong một điệu thơ chung, làm nên gương mặt vừa lạ vừa thân của trường ca này. Có lẽ, đối với một người thơ sống sâu trong tâm thức quê, các chặng đời chặng thơ không hề bị ngăn cách bởi bức tường bê tông, không thể chặn bằng tường lửa. Trái lại, đó là bức tường trong suốt của thời gian. Những tâm tình và thi ảnh vẫn có thể xuyên qua nó để đi đi về về trong một thi quyển chung. Theo cách đó, nhiều tiếng thơ Thanh Thảo đã về lại thi phẩm này như những ánh hồi quang nguyên vẹn. Và, ngẫm cho cùng, thiếu cái không khí ấu thơ nơi cắt rốn chôn rau từ những tiếng thơ ấy, chưa chắc nỗi ám ảnh quê hương ở đây đã sâu đậm đến vậy. “Con đường mấy mươi năm mòn dần dưới chân người chân trâu chân mưa / đường lầy thụt dẫn về yên tĩnh / ta đã có những con chuồn chuồn con cá con cua / ta đã có nỗi cô đơn ngọt ngào trẻ nhỏ”,góc vườn cây khế trổ hoa / người đi đâu mãi biết là đi đâu / con ra ngõ trước con vào vườn sau / ngó cây vú sữa lâu lâu mẹ về”, “sương treo anh ánh mờ nỗi nhớ / bầy trẻ hò reo phủ Cù Trâu / có con dế dũi đào cun cút / tìm chút tuổi thơ đến bạc đầu”, “những ống trúm nhốt giùm ta ký ức / những con đò lơ lửng phía vầng mây”, “những mộ gió những hình nhân phơ phất / những hải trình dài suốt mấy trăm năm / những Bãi Cát Vàng san hô mê hoặc / những phận người bó chiếu giữa mông mênh”, “con nào biết mẹ bạc đầu vì biển / mỗi làn sóng như một dải khăn tang” … Tất cả đồng hiện trong một Quảng Ngãi hằng được lưu giữ sâu nơi bản thể cái tôi. Đó không chỉ là một khúc ruột miền Trung của dải đất Việt. Đó chính là một mảnh hồn Việt trong gương mặt Quảng Ngãi. Thì người ta vẫn nói cứ đi sâu vào lòng mình sẽ gặp quê hương, dân tộc là thế chứ sao ! Nếu đi thêm chút nữa, sẽ gặp nhân loại, cũng là thế chứ sao !

                                                 *

Giọng trường ca bây giờ cũng không thể như trước. Một tâm sự thế này, nếu thời Những người đi tới biển, Những ngọn sóng mặt trời sẽ là trang trọng toàn phần, trang nghiêm trọn gói. Giờ mà chỉ có thế, sẽ thành xưa và dễ bong khỏi tâm thức hậu hiện đại. Giọng ở đây một mạch với Metro, gần với Đêm trên cát. Tuy nhiên, lắng kĩ, vẫn khác trước nhiều. Nếu Đêm trên cát chỉ là niềm u uất quánh đặc của nỗi cô trung, gắn với nghĩa khí kẻ sĩ của Cao Bá Quát, nó kiêu sang mà đơn độc, thì ở đây là nỗi u uất thuộc nghĩa khí dân dã của bác Năm Trì, bình dị và thân thiện. Có thể nói Thanh Thảo đã viết trường ca này bằng giọng thổ của tre, của những bác Năm Trì đó. Ấy là điệu tâm hồn của những lưu dân đã quá quen với nghiệp mở đất và giữ đất. Đời họ như chiếc tàu bay “bay chầm chậm qua mây mù u uất / chở thênh thênh một đời nặng nhọc”. “Mỗi khi họ làm thinh / mây trên trời tụ về đen kịt, nhưng họ vẫn “cứ hò lên cho ba lý nhẹ mình”. Do đó, u uất và thênh thênh, “mặt căng” mà “bình thản” là hai sắc thái biểu cảm, hai sắc điệu vần vụ nên giọng điệu và âm hưởng của trường ca này. Chả thế mà những điệp khúc kết nối các mảng thơ có lúc đến ngác ngơ, nghèn nghẹn, ngậm ngùi: Buồn trông chân mây xa vời / buồn trông chân mây không người … buồn trông chân mây xa vời / buồn trông ai như chim trời… buồn trông chân mây xa vời / buồn trông không tôi nơi chân trời…, có lúc lại tưng tưng, tưng tửng, trêu chòng, suồng sã : Bác Năm Trì tưng tưng tưng… Bác Năm Trì tàng tàng tàng … Bác Năm Trì ục ục ục… Cứ như cao hứng lên bèn nói Rap, hò ba lý, hát đồng dao, hát bội, thậm chí, tập Bích Khê… cho mạch suy cảm vốn “nặng dây buồm” đầy thâm trầm day diết được mát mái xuôi chèo vậy. Cái lối hoạt giọng này cơ chừng giải phóng được thơ khỏi sự trang nghiêm toàn tính vốn đeo đẳng thơ chính thống bấy nay. Nó đem lại cho trường ca một sắc thái hậu hiện đại. Vả chăng, hồi hướng về Nhân Dân ở thời này thì còn gì hợp bằng giọng dân dã ấy ?

                                                  *

Đọc Trường ca chân đất, ít ai không thấy kì kì trước hiện tượng tiêu đề của 9 chương toàn “chân” : chân tre, chân ruộng, chân mưa, chân núi, chân cò, chân tháp, chân mây, chân sóng, chân lũy. Tuốt luốt thế dễ khiến người mới đọc ngờ là trò chơi thơ, thậm chí, ngờ luôn cả tính nghiêm túc. Thanh Thảo có rỗi hơi mà bày trò chơi tào phào không nhỉ ? Thực ra, cái ngỡ kì kì kia lại là một cấu trúc lạ. Tìm kiếm và chế tác những cấu trúc tân kì chẳng phải đã là nghiệp của ông vua trường ca này sao! Vậy, cấu trúc nào đây ? Thoạt tiên, tôi nghĩ là cấu trúc hình quạt. Mỗi chương như một nan quạt được xâu kết thành một chiếc quạt bởi một cái đinh trục là chữ “chân”. Mà chữ “chân” này không đơn nghĩa. Chân là chân cẳng, chân đế, chân móng. Chân là chân chất, chân thực. Chân là chân chính, thứ thiệt, thực chất… Nghĩa nào cũng làm sâu đậm thêm cái chân dung của chín thực thể đó. Ở thời quá nhiều cái rởm này, tìm về cái chân chẳng phải là tìm về gốc rễ của niềm tin sao ! Xếp lại về một chân, xòe ra thành chiếc quạt. Chín đơn thể hợp thành chỉnh thể. Thế cũng thú vị đấy chứ ?

Song, tôi nghĩ nhiều hơn đến cấu trúc chuỗi hạt. Và tôi đã nhớ tới cuốn sách xuất bản năm 2006 hiện đang ăn khách khắp thế giới của nữ văn sĩ Mỹ Elizabeth Gilbert Ăn, cầu nguyện, yêu kể về hành trình đi tìm sự cân bằng cho thế giới tinh thần của mình, được viết thành 108 mẩu nhỏ dựa theo số lượng và cấu trúc của chuỗi tràng hạt (japa mala) mà các tín đồ Hindu giáo và Phật giáo thường lần để tập trung thần trí khi tham thiền. Nhờ đó, cuốn sách càng đậm màu thực nghiệm tâm linh. Cấu trúc chuỗi hạt, té ra, đã hấp dẫn tư duy nghệ thuật cả Đông lẫn Tây, cả thơ lẫn văn. Nhưng, chuỗi hạt của Thanh Thảo không phải chuỗi tràng hạt tôn giáo. Và kiểu cấu trúc này thì đã ám ảnh anh hơn 20 năm nay rồi. Từ cái hồi viết Chuỗi cườm (1985), anh đã từng chia sẻ về ý đồ cấu trúc đó: “tôi hay xâu chuỗi vào nhau / những chữ rời rạc như xâu hạt cườm / có khi là sợi chỉ thường / có khi là một chuỗi cườm không dây”. Chữ cũng xâu mà chương cũng xâu. Có thể xem mỗi chương của trường ca đây như một hạt cườm, chúng được xâu thành chuỗi bởi một sợi dây là chữ “chân”. Chín hạt cườm thơ kết nên một trường ca ! Mà rốt cuộc, dù là chiếc quạt hay chuỗi cườm thì, theo cả tín ngưỡng dân gian lẫn quan niệm tôn giáo, con số 9 vẫn là con số thiêng. Con số lớn nhất của hàng đơn vị này vẫn được xem là hiện thân cho sự trường cửu và tạo sinh. Nó hợp với cái tín ngưỡng tạo sinh của trường ca này : đừng than phận khó ai ơi / còn đá mọc lũy còn chồi nảy cây / còn mình còn bạn còn đây / ba lý tang tình / là còn đổi thay. Và trật tự nữa, cũng đâu phải vu vơ. Từ chương đầu là chân tre đến chương cuối là chân lũy, ngẫu nhiên chăng ? Không, chân tre đầu này nên chân lũy đầu kia sao có thể ngẫu nhiên. Càng không ngẫu nhiên khi mạch suy cảm về chân giá của chín thực thể ấy đều châu tuần quanh thực thể lớn nhất, bao trùm nhất là ĐẤT ! Đất quê, đất mẹ, đất nước. Chẳng phải chúng là những chân móng sâu bền của đất nước này sao ? Bởi thế, hoàn toàn có thể xem Trường ca chân đất như cuộc rà soát lại chân khí hôm nay trước chấn động lịch sử này ! Tất nhiên, theo cách Thanh Thảo.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *