Thời sự văn học nghệ thuật

28/9
11:39 AM 2016

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX

Vanvn.net - Sáng 28/9/2016, Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã được khai mạc tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (275 Âu Cơ, Hà Nội).

Đến dự có nhà thơ Hữu Thỉnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; PGS TS. Đào Duy Quát - Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; GS.Hồ Ngọc Đại - nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Đại diện lãnh đạo một số ban ngành của một số cơ quan tại thành phố Hà Nội, các nhà văn, nhà thơ trong BCH khóa IX, các hội đồng chuyên môn, các ban chuyên ngành của Hội Nhà văn Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan cấp 2 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ  Hữu Thỉnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị gửi lời cảm ơn các vị lãnh đạo và các nhà văn lớp trước đã đến dự hội nghị và khích lệ, động viên đối với các tài năng trẻ của đất nước. Ông nhiệt liệt chào mừng các nhà văn trẻ, đại diện cho các dân tộc anh em, các vùng miền trên cả nước đã đến dự hội nghị lần này.

Về những lực lượng viết văn trẻ trên cả nước, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “Ở bất cứ thời đại nào, cuộc sống cũng tìm cách sinh ra các nhà văn. Đó là trí khôn của lịch sử. Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX là hình ảnh thu nhỏ của đội ngũ đông đảo các nhà văn trẻ đầy say mê, tự tin, tài năng đã tham gia vào đời sống văn học trong nhiều năm quá. Cuộc sống dành cho họ những điều kiện sáng tạo tốt nhất. Tài năng thực sự thời nào và ở đâu cũng luôn hiếm, vì thế nó rất đáng quý. Tài năng là tự nhiên, không thể ban phát cho ai được. Nếu tài năng thuộc về xã hội, thì chính xã hội giao cho nhà văn phát triển tài năng của mình, phục vụ cho xã hội.”

Trong báo cáo đề dẫn hội nghị, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Ủy viên BCH, Trưởng Ban Nhà văn Trẻ Hội Nhà văn Việt Nam đọc báo cáo, đánh giá khái quát về tình hình và lực lượng văn học trẻ từ 2010 đến nay nhận định: “Từ hội nghị văn trẻ lần thứ VIII tới nay, đã hơn 5 năm trôi qua. Quãng thời gian đó không phải dài, nó chỉ như một bước trong cả chặng đường còn dằng dặc phía trước, nhưng chừng ấy cũng đủ để tạo ra những bất ngờ, thú vị. Sống động, phong phú, đó là ấn tượng đầu tiên mà văn trẻ mang đến trong thời gian qua. Văn đàn tồn tại cùng lúc bao nhiêu xu hướng, bao nhiêu quan niệm về nghệ thuật văn chương. Kèm theo đó là sự đa dạng về phong cách, về thể loại cũng như về chủ đề. Nhìn kỹ hơn, sâu hơn, có thể thấy cảm thức về thời đại là có thật trong văn trẻ, là có thật những mĩ cảm hiện đại, và những quan niệm hoàn toàn mới về chức năng, giá trị của văn học đang hiện diện trong văn trẻ. Để có được những điều đáng kể ấy, là cả một sự lao động không mệt mỏi của các nhà văn.”

Nhà thơ Phạm Phú Thang, đại biểu dự Hội nghị viết văn trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lần đầu tiên năm 1959 trao tặng bức ảnh hội nghị cách đây hơn 60 năm cho văn phòng Hội, đây là tấm ảnh được ông gìn giữ suốt 60 năm qua, lúc đó ông mới 24 tuổi. Hiện nay nhà thơ cao niên này vẫn tiếp tục sáng tác với phương châm: “Mỗi ngày không viết một trang/ Thì tôi đã chết lâm sàng từ lâu”.

Phần thảo luận tại Hội nghị, nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Tâm (Viện Văn học) mở đầu bằng bài tham luận “Phác thảo văn trẻ” nêu lên vấn đề định danh văn trẻ. Nhà văn trẻ đã thực sự nhập cuộc với đời sống, tự tin tạo nên diện mạo của văn học đương đại. Thế hệ trẻ hôm nay viết như một bản năng để sinh tồn. Nhà văn Văn Thành Lê (đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trình bày tham luận “Văn chương tôi đã bước vào và tôi đang thấy”. Nhà văn Nông Quốc Lập (Cao Bằng) chia sẻ “Những khó khăn đối với người viết văn xuôi trẻ ở miền núi Cao Bằng trong đời sống hiện nay”. Nhà thơ Ngô Thị Thanh Vân (đại biểu tỉnh Gia Lai, sinh năm 1980), tham dự Hội nghị lần thứ 3 với tham luận “Văn học trẻ Tây Nguyên – dòng chảy chậm”, chị nhận xét: Chất Tây Nguyên đang nhạt dần trong sáng tác của người viết trẻ ở vùng đất này. Đa số người viết trẻ ở Tây Nguyên không phải người dân tộc thiểu số, điều này khiến cho những trang viết về phong tục, tập quán, đặc tính của người bản địa không sâu sắc. Nhà phê bình Thy Lan (Thanh Hóa) đọc tham luận: “LLPB văn học trẻ - một vài cảm nhận”.

Tiếp theo là phần phát biểu, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn lớp trước. Nhà văn Chu Lai – Chủ tịch Hội đồng văn xuôi hùng hồn phát biểu: “Sáng tạo, sáng tạo, đổ máu vì sáng tạo. Hãy luôn tỉnh táo khi nhảy xuống biển văn chương; tập sống cô đơn, nhà văn chỉ có thể sáng tạo trong nỗi cô đơn thẳm sâu; cuộc đua văn chương là cuộc đua khắc nghiệt nhất trong các cuộc đua của loài người. Hãy yêu thương con người đến tận cùng, yêu thương đàn bà đến rớm máu. Chấp nhận luật bù trừ: nói nhiều sẽ viết ít, sắc sảo ngoài đời thì văn chương thường ngu ngơ.”

Nhà thơ Vũ Quần Phương “bắt bệnh” cho văn chương với bài viết “Ôn chuyện cũ”. Nhắc đến giai đoạn các nhà văn “lột xác” để thay đổi điệu tâm hồn của mình nhưng không thành công. Chẩn đoán bệnh “buồn” của thơ Mới là không sai nhưng chưa chuẩn. Biện pháp “lột xác” không thỏa đáng cho văn chương. Phải biết tìm ra mình mới biết rùng mình. Sự lột xác hay tìm lại mình là bài học cho các bạn viết trẻ ngày hôm nay. Nhà văn Lê Thành Nghị có “Mấy lời tâm sự với người viết trẻ”...

Hội nghị năm nay quy tụ hơn 100 đại biểu đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, chương trình diễn ra trong hai ngày: 28, 29/9/2016.

 

PHONG LAN

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *