Tác phẩm chọn lọc

29/9
9:45 AM 2017

VIỆT NAM: TRUYỀN THỐNG VÀ ĐỔI MỚI

LADY BORTON (MỸ)-Gần đây, tôi có tham dự một buổi chiếu thử ở Quận Hampshire, Massachusetts để xem trước loạt phim của Ken Burns, nhà làm phim Mỹ, do Đài PBS địa phương tổ chức. Sau buổi chiếu ra mắt, tôi muốn lần nữa nhắc lại rằng, như sách vở và phim ảnh về Chiến tranh Việt Nam không ngừng nói, chúng ta chỉ gây chiến mà không hề tìm hiểu kỹ càng về đất nước và con người nơi đây.

Cho những ai đang dạy Tiếng Việt, viếng thăm, tò mò về Việt Nam, tôi đề xuất cuốn sách bao quát nhất về nước Việt và người Việt của nhà văn hóa Hữu Ngọc, Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới (Viet Nam: Tradition and Change).

 

1. Hợp tác Việt – Mỹ

Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới là cuốn sách được viết, xuất bản cùng lúc bởi cả nhà xuất bản tại Việt Nam (Nxb Thế giới) và nhà xuất bản tại Mỹ (Nxb Đại học Ohio), là kết quả hợp tác chuyển ngữ giữa nhà văn hóa Hữu Ngọc (Việt Nam), giáo sư Elizabeth Collins, và tôi, Lady Borton. Trước đây, trong chuyến đến Việt Nam, Elizabeth có cơ hội gặp gỡ Hữu Ngọc, được ông giới thiệu tác phẩm Lãng du trong Văn hóa Việt Nam, tập hợp các bài tiểu luận, dài hơn 1.200 trang. Với một độc giả người nước ngoài như Elizabeth, đó thật sự là công trình hướng dẫn tuyệt vời, chứa đựng vô số câu trả lời cho những thắc mắc về văn hóa Việt. Khi Nxb Đại học Ohio biên dịch và xuất bản Lãng du trong Văn hóa Việt Nam sang tiếng Anh, Elizabeth được mời làm biên tập viên. Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới là tác phẩm hợp tác thứ hai giữa họ.

Hữu Ngọc (1918-), quê gốc Thuận Thành, Bắc Ninh, là nhà văn hóa được mệnh danh là cầu nối giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới. Với hiểu biết sâu rộng, thành thạo bốn ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Việt Nam), thông tuệ chữ Nôm và chữ Hán, ông thường xuyên công tác, tham dự hội thảo ở nhiều quốc gia trên thế giới, đem văn hóa, con người Việt giới thiệu rộng khắp. Trong 20 năm qua, các bài luận của Hữu Ngọc, đặc biệt là bài giảng 3.000 năm lịch sử Việt Nam trong một giờ (3,000 Years of Vietnamese History in One Hour), thu hút khoảng 20.000 du khách nước ngoài tới đất nước duyên dáng hình chữ S quê nhà.

Elizabeth Collins là giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo thế giới, người Mỹ. Còn tôi thì cũng từng dịch nhiều cuốn sách về đại tướng Võ Nguyên Giáp, và nay tham gia đồng biên tập cuốn sách Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới phiên bản tiếng Anh.

2. Đại cương văn hóa Việt Nam

Trung tâm của Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới là lập luận “tất cả truyền thống đều biến đổi thông qua sự hội nhập văn hóa”. Trong mục thứ nhất, Bản sắc Việt Nam (The Vietnamese Identity), Hữu Ngọc phân tích bản chất con người Việt. Ông mô tả các giá trị hình thành nên tố chất con Rồng cháu Tiên, khám phá các phong tục tập quán như truyền thống thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu, cách thức đặt tên, kiến trúc cổ, sự gắn bó của người Việt với đình làng…

Trải qua 4000 năm lịch sử không ngừng giao thoa với các nền văn hóa Trung Quốc, Pháp, Nhật, Mỹ, bất chấp sự đồng hóa, người Việt khéo léo tinh lọc, hấp thu những giá trị mới, chuyển đổi sao cho phù hợp với văn hóa truyền thống. Hữu Ngọc chỉ rõ, người Việt anh dũng chứ không tàn bạo. Họ sẵn sàng đứng lên chiến đấu, bảo vệ đất nước nhưng không bao giờ quên nỗi thống khổ mà chiến tranh mang lại.

Nghiên cứu từ phương Tây cũng cho thấy, văn hóa Việt có pha trộn di sản văn hóa và cổ ngữ Nam Đảo. Bên cạnh đó là các giá trị nhân văn của Phật giáo (du nhập từ Ấn Độ qua Trung Quốc), Nho giáo, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chủ nghĩa nhân văn và quyền tự do cá nhân của phương Tây. Tuy nhiên, theo Hữu Ngọc, “trái tim” của các ngôi làng Việt là tinh thần từ bi của Phật giáo, còn “cái đầu” là các lễ nghi Nho giáo. Văn hóa Việt đặc trưng bởi sự tôn kính đối với tổ tiên, mối gắn kết gia đình, làng mạc, nỗi kính sợ trước các thế lực siêu nhiên, sự sùng bái các anh hùng bảo vệ, gìn giữ đất nước.

Phần thứ hai, Bốn Khía cạnh của Văn hóa Việt Nam (The Four Facets of Vietnamese Culture), làm sáng tỏ nguồn gốc dân tộc và ngôn ngữ Việt. Mặc dù Việt Nam chia sẻ nguồn gốc, hệ ngôn ngữ với các nước cùng khu vực, Hữu Ngọc chỉ rõ, các mặt văn hóa là thuần túy thuộc về người Việt. Ông phân tích kỹ lưỡng văn hóa Việt Nam được sinh ra, sống như thế nào, thay đổi ra sao qua hội nhập.

Điểm độc đáo và quan trọng nhất của văn hóa Việt là sự nỗ lực và quyết đoán trong việc bảo tồn bản chất trong các hoạt động hướng ngoại. Tiếng Việt, ngôn ngữ của 85% dân số, được sử dụng làm quốc ngữ. Dù có đến 54 dân tộc, Việt Nam thống nhất tiếng mẹ đẻ. Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những thuộc địa cũ ở Châu Phi và Châu Á không hề có sự thống nhất này, cả thời cổ lẫn hiện đại.

Đi sâu vào Di sản Nho giáo Việt Nam (Việt Nam’s Confucian Heritage) và Phật giáo tại Việt Nam (Buddhism in Việt Nam), Hữu Ngọc cho độc giả hiểu biết về đạo Khổng cũng như sự bao trùm văn hóa của nó. Dù phê phán chủ nghĩa thực dụng của Niccolò Machiavelli (triết gia Ý), nhà văn hóa không hoàn toàn đồng tình với các nho gia Trung Quốc, cho rằng chủ nghĩa bảo thủ, khinh thị nghề buôn bán của họ là gốc rễ sâu xa của sự đói nghèo. Ông cũng khẳng định thái độ coi nhẹ phụ nữ của Nho giáo gây tác động xấu tới truyền thống mẫu hệ ở Việt Nam, tạo nền tảng cho bất bình đẳng giới tính, ngấm ngầm cổ xúy thói gia trưởng.

Vai trò của Phật giáo được nhấn mạnh trong thời vua Trần Nhân Tông, người thành lập Trúc Lâm Thiền Viện tại núi Yên Tử. Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới có bài luận riêng về Quan Thế Âm Bồ Tát, cho thấy Phật giáo tại Việt Nam tôn vinh vẻ đẹp mong manh, tự nhiên, truyền cảm hứng như thế nào. Ở Việt Nam, Phật giáo hòa quyện với truyền thống thờ cúng tổ tiên, là lựa chọn tín ngưỡng tự do.

Phần Gương Người Việt (Exemplary Vietnamese) tập trung vào các anh hùng quốc gia, những nhân vật giàu lòng nhân đức và tình yêu đất nước. Họ bao gồm chị em bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Trong tác phẩm viết về Hoàng Diệu, vị tướng quyết tử bảo vệ Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882, Hữu Ngọc khám phá những thách thức mà người Việt phải đối mặt trong công cuộc tìm kiếm con đường tốt nhất để bảo vệ đất nước dưới chế độ thuộc địa. Đặc biệt, ông có những trang viết vô cùng xúc động về Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn Vĩnh. Bài luận về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Hữu Ngọc góp phần làm rõ hiện thực cách mạng Việt Nam, giới thiệu Bác Hồ qua đôi mắt (cả ủng hộ lẫn chống đối) của người đương thời ở phương Tây.

Trong Văn học Việt Nam: Biểu hiện Tinh thần của Quốc gia (Vietnamese Literature: An Expression of the Nation’s Spirit), trọng tâm của Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới, Hữu Ngọc bắt đầu bằng Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm được xem như “linh hồn người Việt”. “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Tác phẩm trường thi chữ Nôm này phản ánh mâu thuẫn giữa các giá trị Nho giáo và tự do cá nhân. Đặc điểm này thường xuyên xuất hiện trong văn học Việt Nam, nhất là qua Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến.

Năm 1926, chí sĩ yêu nước Phạm Tất Đắc đốt cháy Việt Nam bằng lời kêu gọi cứu nước thống thiết qua 198 câu song thất lục bát tác phẩm Chiêu hồn nước. Phong trào Thơ Mới thập niên 1930 nói lên tiếng lòng của các văn sĩ trẻ với khao khát phá vỡ khuôn mẫu cổ điển, biến văn học Việt Nam hiện đại thành động lực thay đổi thực tiễn. Hữu Ngọc trích dẫn Xuân Diệu, giúp độc giả nắm bắt quá trình chuyển đổi sang cái “tôi” trong giai đoạn này.

Mục Văn hóa và Nghệ thuật (Culture and the Arts) bao gồm các tiểu luận về những đóng góp độc đáo của nghệ thuật với văn hóa. Chúng bao gồm tranh dân gian Đông Hồ, tuồng, chèo, ca trù, cải lương. Hữu Ngọc nhấn mạnh nghệ thuật múa rối nước, cho thấy đặc trưng đời sống của quốc gia lúa nước chưa bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa. Nhạc trữ tình 1930-1940, tranh Nam Sơn cùng các thế hệ họa sĩ tiếp nối ngày càng bứt phá, rời xa ảnh hưởng Pháp.

 Phong cảnh Việt Nam và Tâm hồn Việt Nam (The Vietnamese Landscape and the Vietnamese Spirit) phân tích đặc trưng đất đai, khí hậu, con người Việt. Để đối phó với lũ lụt thường trực, người miền Bắc xây dựng những làng xã kiến cố. Trái lại, người miền Nam theo chủ nghĩa “sống chung”, chỉ làm các lán, lều tạm bợ. Tiểu luận của Hữu Ngọc cũng giới thiệu các danh lam thắng cảnh, gắn liền với lịch sử, phong tục, danh nhân văn hóa, thường dân địa phương. Ông đưa người đọc dạo quanh Hà Nội, tìm hiểu Tết Nguyên Đán, viếng thăm Côn Đảo, giới thiệu chí sĩ Phan Châu Trinh, người kết hợp đạo đức Nho giáo với lý tưởng dân chủ, đấu tranh cho một quốc gia độc lập, hòa bình, phi bạo lực…

Ở Phụ nữ Việt Nam và Đổi mới (Vietnamese Women and Change), Hữu Ngọc chuyển hướng đến thời nay. Ông đề cao vẻ đẹp của áo dài, cho thấy sự cần thiết của sự thận trọng trong đánh giá các phong tục và truyền thống, khẳng định vai trò định hình giá trị cuộc sống của nó với người Việt. Có tập tục cần bảo tồn, cải thiện, cũng có hủ tục phải xóa bỏ. Đồng thời, nhà văn hóa chỉ ra những gian nan mà phụ nữ phải đương đầu trong và sau Cải cách 1986. Hữu Ngọc nhấn mạnh văn hóa dân tộc phải vai đóng vai trò trung tâm trong quá trình hội nhập, cân bằng các giá trị truyền thống với đổi mới, nâng cao chủ nghĩa yêu nước, ý thức đoàn kết, giáo dục thế hệ sau.

3. Gian nan chuyển ngữ

Bài luận của Hữu Ngọc thường trích dẫn các đoạn thơ, văn xuôi Việt Nam song, nhà văn hóa chỉ chú thích tên tác giả, không đề cập tên tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm được trích dẫn lại là phiên âm chữ Hán hoặc chữ Nôm, gây khó khăn không ít cho dịch giả nước ngoài.

Không ít trích dẫn của Hữu Ngọc còn bằng chính chữ Hán hoặc chữ Nôm. Chỉ có khoảng 100 học giả trên khắp thế giới có khả năng đọc hiểu chữ Nôm. Ngay cả học giả chữ Hán cũng rất hiếm. Trần Đoàn Lâm, giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển ngữ này. Ông thông thạo cả chữ Nôm, chữ Hán và Tiếng Anh. Tôi đã mất nhiều thời gian để thảo luận, dịch các trích dẫn của Hữu Ngọc sang tiếng Anh với Trần Đoàn Lâm. Nhờ đó, Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới trở nên dễ tiếp thu với các độc giả, trở thành “món ngon” cho các nghiên cứu viên nước ngoài.

Ngoài ra, dưới sự cho phép của Hữu Ngọc, cuốn sách còn được bổ sung bằng 219 trang hình ảnh về cuộc sống người Việt do các nghệ sĩ Việt Nam thời cổ thực hiện, được xuất bản bởi Henri Oger (Pháp) năm 1909, lấy nguồn từ các bản khắc gỗ in trên giấy dó. Tôi đã thận trọng lựa chọn từng bức trong tập hợp hơn 4000 ảnh tranh Việt của Oger, liệt kê theo chủ đề, tinh chỉnh kích thước phù hợp.

Bộ sưu tập của Oger, tuy lộn xộn, vẫn thể hiện sâu rộng cuộc sống Việt Nam truyền thống, vừa khớp với Việt Nam: Truyền thống và Đổi mới. Nó góp phần tỏa rạng hơn nữa kiến thức sâu sắc của Hữu Ngọc về văn hóa quê hương, đất nước, nơi ông trải qua cả thế kỷ. Theo cách tính của người Việt, Hữu Ngọc đã vào tuổi bách niên. Dù nghe, nhìn không còn tinh tường như trước, ông vẫn ngày ngày đón tiếp các độc giả quan tâm tại Nhà xuất bản Thế Giới, nhiệt tình theo đuổi nhiều dự án nghiên cứu đang tiến hành, bắt đầu các công trình mới.

                                                                                                                                               THÁI LƯƠNG

                                                                                                                                   dịch từ bản Tác giả cung cấp

 

Nguồn Văn nghệ số 39/2017

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *