Tác phẩm chọn lọc

18/11
10:41 AM 2017

NÓI CHUYỆN LỊCH SỬ, KHÔNG DỪNG Ở LỊCH SỬ

Thanh Hương Nguyễn-Mỹ nhân nơi đồng cỏ là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay của nhà văn Lê Hoài Nam. Lựa chọn một giai đoạn lịch sử rối ren nhất của đời Hậu Lê mà đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi - vụ án Lệ Chi Viên và triều đại sau đó.

Triều Lê Nhân Tông, ông vua thiếu niên với mẫu hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm nhiếp chính, xung quanh hai mẹ con là những đại công thần của Lê Lợi như Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục…, Lê Hoài Nam một mặt tôn trọng sự thực, mặt khác vén tấm màn của lịch sử bằng hư cấu của văn chương.

 

Lê Hoài Nam lựa chọn viết về  số phận của một mỹ nhân: Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Đây là nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm. Trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Thị Anh được biết đến là một người đàn bà xinh đẹp nhưng đầy mưu mô, bằng mọi cách giành ngôi báu cho con trai mình. Tôn trọng lịch sử, Lê Hoài Nam cũng đã khắc họa một Tuyên từ Nguyễn Thị Anh độc ác, thâm sâu. Xuất thân từ nơi đồng cỏ (Bố Vệ - Đông Sơn - Thanh Hóa), có nhan sắc hơn người, Nguyễn Thị Anh được tiến cử vào cung. Mặc dù là vợ thứ tư, nhưng khi vào cung được vua Lê Thái Tông yêu chiều, sủng ái,  Nguyễn Thị Anh đã lộng hành, xui khiến nhà vua phế bỏ hai mẹ con Dương Thị Bí - Nghi Dân và đẩy họ đi xa. Tiếp đó, Nguyễn Thị Anh  tìm mọi cách hãm hại mẹ con Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao - Lê Tư Thành,  một thứ phi khác của Lê Thái Tông. Hoàn cảnh ấy khiến Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã bí mật đưa mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao ra ẩn náu ở chùa Huy Văn, về trang ấp của Đinh Liệt ở Diên Hà để bảo vệ cốt nhục của nhà vua. Từ việc ghen ghét vợ chồng Nguyễn Trãi, nỗi lo sợ chuyện Bang Cơ không phải dòng máu rồng, và nhân việc Lê Thái Tông băng hà, Nguyễn Thị Anh đã đổ tội cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ chủ mưu giết vua, gây ra vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc.

 Với phương châm “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”, bà ta còn cho giết tất cả những ai biết được nguồn gốc của Bang Cơ: từ hai hoạn quan Đinh Phúc và Đinh Thắng chuyên theo dõi và sắp xếp lịch cho vua ăn nằm với các phi và cung nữ đến hai cặp cha con Trịnh Khả  - Trịnh Quát, Trịnh Khắc Phục  - Trịnh Bá Nha. Giết người nói, giết người nghe, giết cha không đủ lại giết cả con.

Nhưng Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam hiện lên sinh động, đa chiều. Đây không chỉ là một Tuyên từ Nguyễn Thị Anh mưu mô, độc ác, mà còn là một người phụ nữ “…nước da trắng như ngó sen, đôi gò má lúm đồng tiền lúc nào cũng ửng lên sắc hồng của sự thanh tân phơi phới, đôi lông mày thanh nhưng xanh đậm, hơi cong lên như cánh nhạn, đôi mắt đen huyền long lanh, thân thể cân đối với những bước đi uyển chuyển, đôi bàn tay tuyệt mĩ như hai bông hoa huệ, càng khiến vẻ đẹp thêm mặn mà, hấp dẫn.” Không chỉ xinh đẹp, Nguyễn Thị Anh còn là một người phụ nữ rất có tài. Trong những năm nhiếp chính (khi Bang Cơ còn nhỏ) bà đã lập được không ít công lao cho nước nhà. Điển hình là hai lần Chiêm Thành đem quân xâm lấn, cướp phá, bà đã biết điều binh, khiển tướng, cho quân đi đánh đều thắng lợi. Rồi những năm mùa mưa đồng ruộng ngập úng lâu dài, mùa khô thì hạn hán, bà ngồi xe song mã lên kiểm tra và cho đào lại sông Bình Lỗ (Cà Lồ), vừa thuận lợi tưới tiêu cho nông nghiêp, vừa tiện thuyền bè đi lại, giao thương. Bà hiếu đễ với gia tộc nhà chồng: cho xây dựng và tu sửa lăng miếu ở Lam Kinh rất cẩn trọng. Bà cũng là người mạnh mẽ trong cải cách hành chính. Những viên đại thần tuổi quá bảy mươi, không giúp được gì, chỉ chễm chệ hưởng bổng lộc thì đều bị bà ép về hưu. Trong triều có viên đại thần nhiều công cán nhưng mượn đám cưới con trai để vơ vét, ăn hối lộ; lại có những quan tâu hặc sai sự thật, bà cương quyết trừng trị để giư nghiêm kỷ cương của vương triều… vân vân...

Mỹ nhân nơi đồng cỏ còn hiện lên là một cô thôn nữ Nguyễn Thị Anh giản dị, hồn nhiên như biết bao cô gái thôn quê khác. Thuở nhỏ, nàng vẫn hay quẩy đôi quang sọt ra khu nghĩa địa cắt cỏ cho bò. Quanh năm, nàng gắn bó với đồng cỏ mênh mông, với những cây huyết dụ màu đỏ thẫm. Và chính nơi ấy, nàng đã có mối tình đầu tiên rất mãnh liệt với chàng trai Lê Sủng. Họ ân ái với nhau trong “cảm giác sung sướng tột cùng” và kết tinh là hoàng tử Bang Cơ sau này. Nếu không được tiến cử vào cung, có lẽ nàng đã nên đôi lứa với Lê Sủng, sống cuộc đời bình yên nơi thôn dã. Nhưng Nguyễn Thị Anh đã không có sự lựa chọn trước luật lệ tiến cử mỹ nhân của triều đình phong kiến. Lê Hoài Nam cũng quan tâm đi sâu vào việc khai thác những suy nghĩ nội tâm trong con người Nguyễn Thị Anh, ông không phân tích nhiều mà chỉ gợi, cốt ghi lấy phần hồn. Đó là giây phút khi nhìn thấy màu đỏ thẫm của những cây huyết dụ ở khu nghĩa địa, những kí ức của quá khứ lại dội về, nàng nhớ đến nao lòng những năm tháng của mối tình đầu không dễ quên. Chi tiết này cho thấy, bên cạnh một trái tim sắt đá, lạnh lùng đến tàn nhẫn thì Nguyễn Thị Anh vẫn có những rung động, xao xuyến, dịu nhẹ, tình mẫu tử mãnh liệt của người phụ nữ. Chỉ vì cơn bão lốc của lịch sử, vì cái sự tham sân si khó tránh của giống người, vì nỗi lo sợ nguồn gốc của Bang Cơ bị bại lộ mà nàng đã trở thành một Hoàng thái hậu độc ác. Xét cho cùng, nàng cũng chỉ là một số phận đáng thương trong những bước thăng trầm dâu bể.

Cái chết của Nguyễn Thị Anh diễn ra vào một đêm bình thường như  bao đêm khác, không có điềm báo trước. Khi hay tin bọn Nghi Dân sát hại Bang Cơ và đang chuẩn bị xộc vào cung Diên Khánh của mình thì Nguyễn Thị Anh biết mạng sống của bà đến đây đã tận, “Trong tâm can bà diễn ra những chấn động rất lạ, khi lo sợ, khi can đảm, và bao trùm tất cả là lòng cừu hận. Nhưng bà vẫn thể hiện như không có chuyện gì xảy ra, vẫn đứng quay mặt vào bàn trang điểm soi gương tô lại cặp môi, thoa nhẹ một lớp phấn hồng lên đôi má, vẽ một nét bút đen lên cặp lông mày, sau đó bà xoa nước thơm lên khắp thân thể”. Thậm chí khi nhát kiếm của Nghi Dân chuẩn bị chém xuống cổ bà, bà vẫn dõng dạc phán xét: “Loại người thấp hèn như ngươi dù có làm binh biến cướp ngôi rồi cũng sẽ nhanh chóng mất ngôi thôi.”

Và đây phải chăng cũng chính là lời chiêu tuyết của nhà văn cho nhân vật của mình?

Trong cuốn tiểu thuyết, mắt xích để kết nối các nhân vật lại với nhau chính là bí mật về nguồn gốc của Bang Cơ. Vì muốn đảm bảo an toàn ngôi báu cho con trai, Nguyễn Thị Anh đã điều khiển vụ án Lệ Chi Viên, bắt giam và đày đọa các đại thần vì họ biết rõ Bang Cơ không phải dòng máu tiên đế. Trái với sự lo lắng cùng thủ đoạn thâm độc của Hoàng Thái hậu, các bậc lão thần đã thể hiện một cái “tâm sáng” với tầm nhìn xa vì quốc gia đại sự. Không phải họ không thể đối phó với Nguyễn Thị Anh. Nói như Đinh Liệt: “giết Nguyễn Thị Anh thì dễ thôi”. Nhưng quan trọng là họ đã  thấy ở Bang Cơ tư chất của một vị vua hiền: “Cho dù Bang Cơ không phải là dòng máu Lê Thái Tông mà biết điều hành triều chính, cai trị muôn dân, đưa đất nước đến cường vượng, an hòa, thì tôi cũng sẽ một lòng một dạ tôn phò. Chúng mình phải đổ bao nhiêu xương máu mới lấy lại được đất nước. Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích dòng họ…”. Họ không muốn giết Nguyễn Thị Anh để cung đình lại trở nên rối loạn. Các đại thần đã đồng lòng giúp Bang Cơ lập nên nghiệp lớn vì xã tắc. Điều này có thể trái với lẽ trung quân đề cao huyết thống nhưng lại thuận với lẽ ái quốc.

 Sau khi giết Bang Cơ, sau sáu tháng Nghi Dân cai trị, ông vua có bộ mặt sát khí, mắt gườm gườm đỏ đọc này đã hiện nguyên hình là một hôn quân vô đạo, thì không ai khác cũng chính là các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt lập kế sách lật đổ và đưa Tư Thành lên kế vị, để  Đại Việt có được vua Lê Thánh Tông, một trong những ông vua anh minh, sáng suốt bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Lê Hoài Nam đã đặt ra một vấn đề rất lớn: với nhân dân, điều quan trọng là đất nước cần một minh quân. Bang Cơ tuy không phải con đẻ của Lê Thái Tông, lại được hoài thai nơi đồng cỏ hoang dã, nhưng có thiên tư sáng suốt, có lòng yêu nước thương dân thì vẫn được các trung thần giúp rập, nhân dân tôn phò. Nghi Dân là huyết thống tiên đế nhưng hôn quân bạo chúa thì vẫn cần phế bỏ. Đại sự quốc gia “bất vị thân” là thế. Và không ai khác, nhân dân chính là người phán xử lẽ đúng - sai, bài học “Chở thuyền, lật thuyền mới biết dân như nước” vẫn còn đó. Đây thực sự là tư tưởng lớn biểu hiện ở tác phẩm. Nó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kẻ cậy quyền thế, kéo bè kéo cánh, cậy huyết thống  thân thích để làm chuyện càn rỡ… Đây chính là “điểm đột sáng về tư tưởng” của tác phẩm này, như nhà văn Sương Nguyệt Minh đã nói.

Bên cạnh điểm đột sáng về tư tưởng như trên, Mỹ nhân nơi đồng cỏ còn chứa đựng nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Trước hết, đó là bài học về quy luật nhân quả mà Phật giáo đã răn dạy. Những người gây nghiệp chướng như Nguyễn Thị Anh dù có lên đến đỉnh cao của danh vọng thì cuối cùng vẫn phải chịu kết cục thảm khốc, và liên lụy đến cả con trai nữa. Còn những người tích đức tu nhân, sống lương thiện như Ngô Thị Ngọc Dao, Lê Tư Thành, Nguyễn Thị Hằng …cho dù cuộc sống có lúc thác ghềnh, chông gai thì cuối cùng vẫn được hưởng hạnh phúc.

Đó còn là bài học về vai trò của giáo dục. Bốn người con trai trong tác phẩm giống như phép thử cho cách giáo dục của bốn bà mẹ. Nghi Dân vì được mẹ là Dương Thị Bí nuôi dưỡng trong hận thù, sống trong môi trường du thủ du thực nên đã trở thành kẻ bạo chúa. Tư Thành được Ngô Thị Ngọc Dao nuôi dưỡng trong tình yêu, trong ánh sáng đạo Phật, luôn biết phân biệt phải trái, đúng sai, thuận theo lẽ trời, lòng người nên trở thành một hoàng tử có tư chất thông minh, đức độ, trở thành một ông vua hiền minh. Bùi Quý Phi hiểu được biến cố của thời đại cùng đặc điểm của con trai mình nên con trai là Khắc Xương sống biết mình biết ta, an phận thủ thường. Còn Nguyễn Thị Anh tuy là một người đàn bà mưu mô nhưng lại rất thông minh, sắc sảo, luôn tham vọng con trai lập nên nghiệp lớn; Bang Cơ chỉ thừa hưởng cái phần tỏa sáng ở mẹ, còn mặt tối, chàng luôn tìm cách chống lại, loại trừ. Vì thế Bang Cơ phải chết theo mẹ là một điều đáng tiếc cho lịch sử, còn Nghi Dân phải chết là một điều tất yếu của lịch sử. Một đứa con, rộng hơn là một dân tộc không thể trưởng thành, phát triển với một thế hệ mà những bà mẹ nuôi con trong hận thù. Đất nước vững chắc, phồn vinh hay không bắt nguồn từ chính mỗi gia đình, mà sự giáo dục là nền tảng cốt yếu.

Như vậy, nói chuyện lịch sử mà không dừng ở lịch sử. Với Mỹ nhân nơi đồng cỏ, Lê Hoài Nam đã kéo dài câu chuyện của lịch sử cho đến tận hôm nay qua những bài học quý báu mà tiền nhân để lại.

Trong Mỹ nhân nơi đồng cỏ ta thấy lịch sử được hiện lên ngồn ngộn, sống động, chân thực. Từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến vụ án Lệ Chi Viên, từ việc Nghi Dân giết hại Bang Cơ và bị các đại thần lật đổ đến việc đưa Tư Thành lên ngôi báu… đều có các mốc thời gian, địa điểm cụ thể, rõ ràng như trong Đại Việt sử kí toàn thư để lại. Rồi các nhân vật như Nguyễn Thị Anh, Lê Bang Cơ, Lê Tư Thành, Lê Nghi Dân, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục… trong tác phẩm là hư cấu với những đặc điểm ngoại hình, cử chỉ, suy nghĩ nội tâm… nhưng các việc làm, hành động của họ đều dựa trên sử sách đã có. Lê Hoài Nam có hư cấu lịch sử nhưng là “hư cấu để hướng đến sự thật”. Ông tôn trọng sự thực lịch sử và coi đó là “cái đinh” để “treo lên trí tưởng tượng” chứ không xuyên tạc, bóp méo, hay giễu nhại lịch sử. Với cách tiếp cận này, tác giả vừa chứng tỏ một bản lĩnh am hiểu lịch sử, vừa khiến cho bạn đọc tin vào những gì mình viết, mình truyền tải. Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng trong một số trang việc đưa nhiều các mốc thời gian và sự kiện cũng ít nhiều pha loãng chất văn chương, gây nên sự nặng nề, căng thẳng của bạn đọc./.

 

Nguồn Văn nghệ số 41/2017

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *