Tác phẩm chọn lọc

9/11
2:49 PM 2017

CÕI MÊ- TRUYỆN NGẮN TRẦN THÚY LÁNH

Bị gọi lên phòng hiệu trưởng có việc gấp, chị Hảo phấp phỏng, chẳng hiểu có việc gì. Quãng đường từ lớp học lên nhà hiệu trưởng chừng năm chục mét, đủ để chị đoán già đoán non: “Hay là thanh tra sở về cần gặp mình? Hay là hồ sơ sổ sách có vấn đề gì? Mình cẩn thận lắm cơ mà. Gần ba chục năm dạy học, mình có bị lãnh đạo phê bình bao giờ đâu… Hay là phụ huynh học sinh có chuyện cần trao đổi?

Dạo này lớp chủ nhiệm của mình tiến bộ lắm, có học sinh nào vi phạm nội quy đâu. Chịu, không đoán được, cứ gõ cửa, vào rồi khắc biết”. Cánh cửa phòng ông hiệu trưởng vừa mở ra, chị Hảo đã há hốc miệng kinh ngạc, khi bắt gặp mẹ chồng ngồi thu chân trên ghế sa lông. Vừa nhìn thấy con dâu, bà chỉ thẳng mặt chị, tru tréo:

- A! Chị đây rồi, trả cho tôi viên kim cương đi. Sao chị lại lấy trộm viên kim cương to bằng ngón chân cái của tôi. Tôi là tôi không để yên đâu. Tôi đã báo cáo với lãnh đạo của chị rồi.

Mặt chị Hảo tái xanh tái mét trong giây lát, rồi máu nóng dồn lên tận óc.Tim chị đập thình thịch chỉ chực nhảy ra khỏi lồng ngực. Hiểu ra sự việc, chị kịp trấn tĩnh lại, nhẹ nhàng nói với mẹ chồng:

- Mẹ về nhà nghỉ đi! Tan trường con sẽ về tìm viên kim cương cho mẹ. Chắc mẹ để đâu chứ con không động vào.

- Thật không? Chị nói thật không? - Bà già hỏi giật giọng, mắt nhìn ông hiệu trưởng để nhận được câu trả lời. Trong tình thế ấy, ông hiệu trưởng gật đầu:

- Con dâu bác nói phải đấy.

Trước khi gọi tắc xi đưa mẹ chồng về, chị Hảo nói nhỏ đủ để thầy hiệu trưởng nghe thấy:

- Anh thông cảm! Mẹ chồng em bị mắc bệnh hoang tưởng chứ mẹ em làm gì có viên kim cương nào to bằng ngón chân cái.

*

Sau bận mẹ tôi đến tận trường học, gặp thầy hiệu trưởng để “tố cáo“ chị dâu cả ăn cắp viên kim cương của bà, anh Tình quyết định họp gia đình vì vợ anh thúc giục: “Em không thể chịu đựng được nữa rồi. Mẹ đã bệnh nặng đến nước này thì phải đưa đi bệnh viện thôi. Nếu mẹ mà xông vào lớp học, có phải đã làm trò cười cho học sinh không, rồi em bị kết tội ăn cắp thì còn dạy được ai nữa. Anh mà không họp thì em cũng sẽ triệu tập các chú các thím và vợ chồng cô út”.

Cuộc họp gia đình lần này có vẻ căng thẳng vì ngoài vợ chồng anh Tình, không ai muốn đưa mẹ đi bệnh viện bởi mẹ đi viện thì phải chia nhau trông mẹ. Người nào cũng bận trăm công nghìn việc, trong khi bệnh của mẹ chưa đến mức trầm trọng. Hàng ngày mẹ vẫn ăn ngủ đều đặn, mỗi bữa hai lưng cơm, nửa buổi thì ăn trái cây và uống sữa. Da mẹ hồng hào, giọng nói đanh lắm, tiếng nào ra tiếng ấy. Mỗi tội, cái bệnh đãng trí đến mức hoang tưởng của mẹ nếu ai không biết thì con cháu ở cùng cứ mang tiếng xấu, tiếng ác. Người ở được với mẹ lâu nhất chính là vợ chồng anh Tình. Tôi là con gái duy nhất của mẹ mà cũng phải thầm cảm phục chị dâu cả vì tôi chẳng thể chiều mẹ được như chị. Nhìn chị đối xử, chăm sóc, nhẫn nhịn mẹ chồng, tôi mới hiểu vì sao các bà mẹ có con trai đến tuổi dựng vợ lại thích kén chọn nàng dâu làm nghề giáo viên, cứ có cái mác nghề nghiệp ấy là đã yên tâm năm mươi phần trăm rồi.

Từ lúc về làm dâu cho đến bây giờ, đã hai mươi bảy năm trôi qua, sáng nào chị Hảo cũng dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, dọn dẹp rồi mới tất bật đến trường. Biết mẹ thích ăn đồ mềm có nước nên chị thường nấu phở hay nấu cháo để bà không bị nghẹn. Mỗi khi trái gió trở trời, mình mẩy đau nhức, các khớp tay khớp chân tê buốt, mẹ rên rỉ không ngớt: “Chỉ tại ngày xưa tôi đẻ các anh các chị chả được kiêng cữ ngày nào nên bây giờ khốn khổ thế này đây. Ai đời đẻ thằng Tình được hai ngày, đến ngày thứ ba đã phải ra hứng nước mưa để giặt tã. Rồi chui vào bếp nấu cơm bằng rạ mùn ẩm, khói cay xè, chả trách tôi sớm bị toét mắt là phải. Bây giờ các anh các chị đỏ da thắm thịt nên chả bận tâm đến bà già vô tích sự này nữa...”. Chỉ cần chị Hảo lấy chai rượu ngâm thuốc ra xoa bóp, dỗ dành là mẹ lại kể chuyện ngày xưa. Cái điệp khúc “ngày xưa” cứ trở đi trở lại mỗi lần mẹ đau ốm. Dường như mẹ sợ nếu không kể ngay thì lần sau không được kể nữa. Ngày xưa mẹ đẹp nhất làng. Ba nàng dâu và cô con gái út bây giờ, chả đứa nào đẹp bằng mẹ. Mấy đứa cháu gái, xem chừng chỉ con Hoàn là giống bà. Bà không cho nó lấy chồng sớm, kẻo lại khổ một đời. Da trắng, môi đỏ, dáng người lại thắt đáy lưng ong, khối người mê. Lão Phú địa chủ nức tiếng giàu có phải thuê cả pháp sư làm bùa mà cũng chả cưới được mẹ cho con trai lão. Mẹ phải lòng ông ấy - Giọng mẹ trầm hẳn, xen vào tiếng thở dài. Mỗi lần nhắc đến “ông ấy”, mắt mẹ như mờ đục bởi một màn sương che phủ. Nhưng mẹ không khóc, bởi một bà già tám mốt tuổi đã trải qua nhiều mất mát, đắng cay thì chẳng còn nước mắt mà khóc nữa.

Ông ấy là người chồng đầu tiên của mẹ. Cưới nhau được ba ngày thì ông ấy lên đường nhập ngũ. Chỉ có ba ngày ngắn ngủi nhưng mẹ cũng mang tiếng “một đời chồng”. Chỉ có ba ngày, hạnh phúc bằng một đốt ngón tay rồi mẹ trở thành vợ liệt sĩ. Vật vã, đau khổ một thời gian, như bát nước nguội dần, mẹ xin về nhà đẻ rồi đi bước nữa. Vì cha tôi có tính gia trưởng, hay ghen nên không bao giờ mẹ dám nhắc đến người chồng liệt sĩ của mình. Mỗi lần giỗ, tết mẹ chỉ thậm thụt, vụng trộm mang hoa lễ đến thắp hương. Cha mà biết thì kiểu gì nồi niêu bát đĩa cũng loảng xoảng bay khắp sân. Có bận, vừa nhặt những mảnh bát vỡ, anh Tình vừa lẩm bẩm: “Già rồi còn ghen, ghen gì ghen cả với người chết”. Mẹ nghe thấy, chạy vội lại lấy tay bịt miệng anh Tình: “Lạy con! Đừng nói nữa”. Trước khi mất, cha tôi còn dặn lại: “Tôi chết rồi bà cũng không được trở về nhà bên kia mà ngửa tay xin chế độ vợ liệt sĩ đâu nhá”. Mẹ không xin chế độ vợ liệt sĩ nhưng từ đó mẹ công khai, đường hoàng đi lại hương khói vào ngày giỗ của “ông ấy”.

- Ý vợ chồng cô Thủy thế nào? - Anh Tình quay sang tôi.

Tôi liếc mắt nhìn chồng. Anh không nói, xem chừng như muốn tôi đại diện phát biểu. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi ngập ngừng:

- Em là út, lại là phận gái, các anh các chị quyết thế nào thì vợ chồng em nghe theo.

Vợ chồng anh Nghĩa, chị Thu đều là bác sĩ nên biết rõ bệnh tình của mẹ. Anh Nghĩa phân trần:

- Bây giờ mà đưa mẹ đi viện, kiểu gì mẹ cũng phải điều trị ở khoa thần kinh hoặc được giới thiệu đến viện tâm thần. Mẹ mà nằm viện lâu dài thì lấy ai trông nom?

Anh Chung và chị Hà làm nghề kinh doanh nên càng eo hẹp về thời gian. Nghĩ đến chuyện phải trông nom mẹ ở bệnh viện tâm thần thì chị Hà giãy nảy lên:

- Em là em bị huyết áp cao, vào viện tâm thần chăm mẹ mà huyết áp của em nó bốc lên thì em cũng tâm thần mất.

Anh Chung bật cười làm mọi người cũng phá lên cười theo. Chỉ có anh Tình nghiêm mặt:

- Đến nước này mà chú thím còn cười được sao? Mẹ già lú lẫn là chuyện bình thường, ăn rồi bảo chưa được ăn cũng không sao nhưng chú thím thử sống trong cảnh ngày ngày mẹ kêu mất trộm: Lúc thì tiền, lúc thì vàng, giờ là đến kim cương to bằng ngón chân cái, rồi lục tung nhà cửa lên, rồi đổ diệt cho con cháu lấy cắp, rồi đi khắp xóm kể lể, đến cả trường học xông vào phòng ông hiệu trưởng như hôm trước thì ai mà chịu được. Bệnh gì cũng phải có cách điều trị chứ, tự khỏi làm sao được.

Thấy giọng anh Tình trở nên gay gắt, chồng tôi nhẹ nhàng đưa ra phương án giải quyết:

- Theo em, chúng ta nên hỏi mẹ xem ý mẹ thế nào. Người già thường thích được chiều.

Không ngờ, mới nhắc đến chuyện đưa mẹ đi viện khám thôi, mẹ đã nguây nguẩy, phủi mông quần đứng dậy, giọng rành rọt:

- Không đi viện là không đi viện. Con giai, con dâu làm bác sĩ, việc gì phải đi viện. Cho tôi sang nhà anh Nghĩa ở một thời gian với điều kiện chị Thu không được tiêm tôi đâu. Đau chết đi được, vẫn còn cục rắn như hòn bi ở tay tôi đây này. Mẹ vén tay áo lên, chìa cho các con xem chỗ ép xe vì tiêm nhiều hồi mẹ bị viêm phổi.

Anh Nghĩa nghệt mặt ra, còn chị Thu nhăn nhó nhưng không dám phản ứng. Từ trước đến nay, chị vẫn là người ít nói nhất trong ba nàng dâu của mẹ nhưng cũng là người đáo để nhất. Cái “đáo để” của chị trên tài cả chị Hảo giáo viên và chị Hà buôn bán. Hồi mới về làm dâu, mẹ cứ khen chị Thu khéo nhất, hiền nhất, hay nịnh mẹ nhất, chăm mua thuốc bổ cho mẹ nhất, làm tôi cũng phải ghen tị với những cái “nhất” của chị. Mẹ bắt đầu “giẫy” chị Hảo ra chỉ vì chị ép mẹ ăn ngủ đúng giờ, không cho mẹ xem ti vi thoải mái, không cho mẹ ăn trầu suốt cả ngày. Lấy cớ chị Hảo “lắm lời”, dám mắng con trước mặt mẹ nghĩa là không tôn trọng mẹ nên mẹ xách bọc quần áo sang ở với chị Thu. Được đúng bảy ngày, mẹ lại lò dò ôm bọc quần áo về, thẽ thọt với chị Hảo: “Con Thu nó tiêm mẹ đau lắm”. Kỳ thực, khi chị Hảo đun nồi nước lá tắm gội cho mẹ, mẹ cứ tồng tộc kể hết, chả bỏ sót chuyện nào trong bảy ngày ở nhà Nghĩa Thu: “Thoải mái quá, cả tuần nay không được tắm gội. Chúng nó sạch sẽ lắm mày ạ. Nó nhốt mẹ vào phòng riêng, không cho đi lung tung trong nhà. Nó không cho mẹ dùng bô ban đêm như ở nhà này đâu, sợ mất vệ sinh. Thế là nhiều đêm mẹ phải nhịn, ngủ không yên. Thôi, từ nay tao cạch. À, nó còn vứt hết trầu cau của mẹ đi vì nó bảo mẹ nhổ bẩn. Bẩn gì mà bẩn, tao nhổ vào bồn cầu, sạch sẽ chán. Đến bữa ăn, con Thu toàn lấy cớ để không phải ngồi ăn cùng với bà già này. Tao lạ gì. Tao có mắc bệnh hủi đâu mà nó cách li, không cho con nó ngủ cùng bà. Đồ giả tạo”. Chị Hảo vừa kỳ lưng cho mẹ vừa tủm tỉm cười, giúp mẹ “hạ hỏa”: “Mẹ đừng trách thím ấy, chẳng qua là bệnh nghề nghiệp thôi”.

Lần này, không hiểu sao mẹ lại quyết định đến ở với vợ chồng anh Nghĩa, chị Thu. Có lẽ mẹ quên hết mọi chuyện trước kia rồi. Trong đầu mẹ bây giờ chỉ ám ảnh chuyện mất viên kim cương to bằng ngón chân cái: “Rõ ràng trước khi đi đánh giặc, ông ấy để lại cho mẹ một viên kim cương to bằng ngần này cơ mà” - mẹ chỉ vào ngón chân cái. Mẹ cứ đổ diệt cho cái Hoàn, con lớn của chị Hảo lấy trộm giấu đi làm con bé khóc tu tu. Thấy thế, mẹ quay sang đổ thừa cho chị Hảo, làm chị ấm ức lắm, mở tung hết két sắt, hòm, tủ, va li và cả túi xách cho mẹ “khám” nhưng không có. Chị kết luận: “Mẹ bị bệnh hoang tưởng nặng quá rồi”. Anh Tình bực mẹ ra mặt: “Mẹ đổ cho cái Hoàn ăn cắp thì nó lấy chồng làm sao được. Ai hơi đâu đi thanh minh với thiên hạ là mẹ bị bệnh. Mẹ làm gì thì cũng phải nói với con cái một câu chứ, tự ý đến cơ quan nhà con như thế là không được đâu”. Mẹ dỗi: “Ơ hay! Các anh các chị làm gì cũng có thèm nói với bà già này câu nào đâu mà đòi tôi phải báo cáo”. Có lẽ vì thế mà giờ đây mẹ nhất định không ở với anh Tình, chị Hảo nữa.

Chị Hà mừng ra mặt:

- Chẳng gì bằng ở bên cạnh bác sĩ mà vẫn không phải ngửi mùi bệnh viện.

Anh Chung lườm vợ một cái khiến chị Hà im bặt. Từ khi cưới anh Chung, chị Hà gần như không phải làm dâu ngày nào. Ngay đêm tân hôn, hai người đã dắt nhau đi thuê nhà nghỉ với lý do nhà chật. Ba năm thuê nhà mặt phố để buôn bán, anh chị mua được nhà riêng. Hai chục năm lăn lộn trên thương trường, giờ đây anh chị có một chuỗi cửa hàng thời trang, tiền bạc rủng rỉnh nhất trong số các anh chị em. Chị Hà sắc sảo, khôn ngoan, tính toán chi li lại xốc vác và được việc. Nhờ chị lo toan, gánh vác nên anh Chung nhẹ cả người. Có lần dỗi chị Hảo, mẹ xách bọc quần áo đến nhà chị Hà. Tưởng mẹ ở được lâu, ai ngờ đúng ba ngày sau, tắc xi đưa mẹ về tận cổng. Mẹ kể bô bô với anh Tình: “Con Hà còn lắm lời hơn con Hảo, nhức hết cả đầu. Ăn ngủ chả đâu vào đâu, sáng thì ấn vào tay mẹ ổ bánh mì hay hộp xôi, trưa nào nó cũng cho mẹ ăn cơm hộp, nuốt làm sao được. Nhà nó cả ngày chả ngồi ăn chung được một bữa. Gớm, nhà giàu kẹt lắm, bận lắm. Thôi, từ nay mẹ chả đến làm phiền vợ chồng nó nữa”.

Cứ thế, mẹ đi “du lịch” khắp lượt nhà các con. Đến nhà tôi, cũng vì một lần dỗi anh Tình, mẹ mang theo đủ thứ lỉnh kỉnh: quần áo, thuốc bổ, trầu cau... Rút kinh nghiệm từ cách đối xử của chị Thu, chị Hà khiến mẹ cắp nón ra về, chồng tôi chiều mẹ lắm. Anh chuẩn bị cho mẹ nào bô đi vệ sinh ban đêm, nào chậu để nhổ bã trầu. Đến bữa cơm, anh gọi cả nhà quây quần để mẹ ăn ngon miệng. Buổi tối, anh nhịn theo dõi bóng đá để ti vi cho mẹ xem phim “Cô dâu tám tuổi”. Thế mà, sáng hôm sau, vừa mở mắt ra tôi đã thấy mẹ sắp xếp tư trang chỉnh tề, chuẩn bị lên đường. Tôi ngạc nhiên: “Mẹ định đi đâu sao?”. Mẹ nhấp nhổm: “Mẹ về đây! Gọi tắc xi cho mẹ về mau lên”. Chồng tôi thắc mắc: “Sao mẹ bảo đến ở với chúng con một tháng cơ mà. Mới được một hôm mẹ đã đòi về là sao?”. Mẹ đã quyết thì chẳng ai giữ được. Lúc ngồi trên xe, mẹ mới thì thào vào tai tôi: “Mẹ không ngủ được, chợp mắt một tí thì cha chúng mày gọi dậy, bắt phải về. Ông ấy bảo nhà có không ở sao lại đến đây ngủ nhờ. Thôi! Tao sợ lắm, chả dám trái lời ông ấy đâu”.

- Vậy cứ quyết như thế nhé - Anh Tình kết thúc buổi họp gia đình bằng một câu chắc nịch. Vợ chồng chú Nghĩa chữa trị cho mẹ một thời gian xem bệnh tình của mẹ có thuyên giảm không rồi mới tính đến chuyện đi viện.

Chị Thu mặt nặng như chì. Cái Hoàn từ phòng riêng đi ra, níu tay bà nội:

- Bà đi chơi mấy hôm rồi về với con bà nhé. Không có bà, con nằm một mình khó ngủ lắm.

Mẹ tôi thủng thẳng:

- Ơ hay, sang năm hăm bảy tuổi là phải cưới chồng rồi, đòi ngủ cùng bà đến bao giờ nữa?

Cái Hoàn cứ ôm chặt cánh tay bà nội, làm như bà sắp đi xa lắm không bằng.

*

- A lô! Cô Thủy đấy à? Chị vừa đưa mẹ vào viện, khoa thần kinh, phòng số 6 - Tiếng chị Thu oang oang trong điện thoại - Cô sắp xếp công việc rồi vào ngay với mẹ nhé. Mẹ mong con gái lắm đấy - Không để tôi kịp hỏi câu gì, chị Thu tắt máy.

Tim tôi đập thình thịch, chân tay lóng ngóng, không dám lái xe mà phải gọi tắc xi. Lần nào đưa mẹ đi viện, các anh các chị cũng họp gia đình, không hiểu sao lần này chẳng cần họp hành gì cả. Hay là có chuyện gì...

Mẹ ngồi kia, tựa lưng vào bức tường trắng toát. Đôi mắt trũng xuống, thâm quầng vì mất ngủ. Chị Hảo đang bóp chân cho mẹ. Nhìn thấy tôi, chị đỡ mẹ nằm xuồng, rồi ghé tai tôi nói khẽ chỉ đủ tôi nghe thấy.

- Thím Thu bảo mẹ bị mộng du, đêm nào cũng tỉnh giấc lần sờ khắp nhà. Bao nhiêu thuốc thím ấy đưa cho, mẹ giấu đi vứt xuống gầm giường nên vợ chồng thím ấy đưa mẹ vào đây điều trị.

- Đứa nào bảo mẹ bị mộng du? Thuốc ngủ uống vào để hại người à? - Thì ra mẹ nghe thấy hết. Tai mẹ vẫn thính lắm - Nó không muốn chứa mẹ nữa thì đưa mẹ vào đây chứ bà già này còn khỏe lắm, bệnh tật gì.

 Thực ra thì thần kinh của mẹ có vấn đề. Gần đây mẹ không tự chủ được trong chuyện vệ sinh, đóng bỉm cho mẹ thì mẹ dứt ra. Nhà cửa, phòng ngủ bốc mùi khai khú nên anh Nghĩa không chịu được, nói ra mồm: “Mẹ hành chúng con vừa vừa thôi. Con đã dặn bao nhiêu lần mà mẹ không nghe. Nhà vệ sinh ở ngay cạnh phòng ngủ đấy thôi”. Mẹ nổi giận, chửi vống lên: “Cha bố anh! Hồi nhỏ, anh bị bệnh đường ruột, anh ỉa từ vai tôi anh ỉa xuống. Giờ anh làm bác sĩ, anh chê tôi già, tôi bẩn, phỏng?”.

Từ hôm đưa mẹ vào viện, vợ chồng anh Nghĩa, vợ chồng anh Chung chỉ tranh thủ đảo qua chốc lát vì còn bận việc. Tôi, chị Hảo và cái Hoàn thay nhau trông nom, săn sóc mẹ. Vậy mà cũng có lúc mẹ phải ở một mình, tôi không yên tâm nên dặn bà lão cùng phòng để mắt hộ.

Mang cháo vào viện cho mẹ ăn bữa tối, căn phòng số 6 khép hờ, điện vẫn bật sáng nhưng không thấy hai bà già đâu, tôi hốt hoảng chạy khắp các phòng bệnh nhân gõ cửa tìm kiếm nhưng không ai biết mẹ tôi và bà lão kia đi đâu. Huy động các bác sĩ, y tá lục tung cả bệnh viện lên cũng không thấy. Mọi người nháo nhác soi đèn pin khắp các ngõ ngách. Chợt ai đó thét lên:

- Có người chết đuối! Có người chết đuối!

Tôi chạy bổ nhào đến cái hồ nhỏ trong khuôn viên bệnh viện. Chân tay bủn rủn, đầu óc quay cuồng. Rồi ngất lịm.

Tỉnh lại, thấy đại gia đình có mặt đông đủ, giọng tôi lạc hẳn đi:

- Mẹ đâu? Mẹ đâu?

- Tỉnh rồi hả con? - Mẹ lấp phía sau anh Tình, lại gần nắm lấy bàn tay tôi. Tôi ôm ghì lấy mẹ, òa khóc như một đứa trẻ. Mẹ đưa bàn tay gầy guộc vuốt mái tóc tôi, dỗ dành như hồi tôi còn bé:

- Thôi! Nín đi! Mẹ thương. Tội nghiệp cái bà lão cô đơn, sinh ra trầm cảm, mê thì nhiều mà tỉnh thì ít. Con cháu một đàn nhưng phải ở viện có một thân một mình. Nghĩ quẩn thế nào lại đi tự tử. Mẹ mà phát hiện sớm thì đã không đến nỗi. Tìm mãi không thấy - Mẹ khẽ thở dài - Cũng xong một kiếp người.

Cả nhà mắt ai cũng đỏ hoe. Anh Tình, anh Nghĩa, anh Chung đứng lặng. Chị Thu, chị Hà lấy tay lau nước mắt. Chị Hảo thì một mực đòi đưa mẹ về nhà, chứ nhất định không để mẹ ở viện thêm một ngày nào nữa. Mẹ cứ mộng du cũng được, cứ hoang tưởng cũng được nhưng mẹ đừng bỏ chúng con, mẹ nhé!

 

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *