Chuyện văn chương

14/4
11:13 AM 2016

Chị xứng đáng được hạnh phúc- Đọc tập truyện ký “Quê ngoại”

TRẦM HƯƠNG - Đọc tập truyện ký “Quê ngoại”, tôi hiểu nhiều thêm về nhà văn Kim Quyên - một nhà văn có kiến thức văn học, ngoại ngữ, vốn sống Nam bộ, nghĩa khí, thủy chung… Nếm trải không ít đắng cay bất hạnh, luôn nhận phần thiệt về mình. Đọc “Đi biển một mình”, tôi hiểu vì sao chị buồn và khao khát hạnh phúc đến vậy.

                                                                                                 ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Mười lăm truyện ngắn chuyển tải vẻ đẹp nữ tính, thân phận người phụ nữ, nỗi cô đơn dằng dặc của đời người, chất ngọc kết tinh từ lòng nhân hậu lắng đọng sau những đổ vỡ, bất hạnh. Văn chị đôn hậu, chân chất, giản dị. Có người nói Kim Quyên viết thật thà quá, hiền quá, tự nhiên quá. Tôi cho đó là một lợi thế của chị. Bởi văn tự nhiên đi vào trái tim con người, không mượn cái ma mị, lắt léo, đánh đố của chữ nghĩa. “Gu” văn chương cũng như với kiến trúc, mỹ thuật, còn tùy theo cảm nhận của mỗi người. Văn chương Kim Quyên gợi tôi nhớ đến vẻ đẹp của chiếc bình đất nung cắm lô xô những bông hoa sọ nhái rực nắng gió phương Nam.

Thiết nghĩ, viết văn đạt đến độ trong sáng, giản dị, làm đẹp giàu thêm chữ nghĩa không phải là chuyện dễ. Đọc  Kim Quyên, tôi thấy mình trong đó, đồng cảm với thân phận phụ nữ, những người đi biển một mình, người đi tìm hạnh phúc trong vô vọng, những người phụ nữ tận hiến thời thanh xuân để trở thành người thừa tuổi xế chiều, người con gái ở ngã ba sông không biết đâu là cái bến dành cho mình và những bông hoa cuối mùa tàn úa mà lòng vẫn đau đáu được yêu thương…

Đây là tấm lòng một người mẹ, người bà quyện trong tấm lòng một nhà văn dành cho đứa cháu vào lớp một, không thèm ngoái lại nhìn bà:

“… Thôi, Vậy cũng tốt. Nó không bịn rịn người nhà như những đứa trẻ khác. Nó đã lớn rồi.

Nó lớn rồi nhưng những khi được ngủ trưa ở nhà, tôi vẫn hát ru, tôi muốn truyền vào tâm hồn nó một chút tình yêu gia đình, tình xóm làng, quê hương dù tiếng ru của tôi lạc lõng trong buổi trưa oi nồng giữa chốn phồn hoa náo nhiệt…”.

Làm sao chị em phụ nữ chúng tôi không mủi lòng trước thân phận một người vợ. Lúc mang thai, lẽ thường, phụ nữ cần chồng hay người thương yêu bên mình nhất, thì có biết bao người phụ nữ như Lụa, với một người chồng vô tâm, thất chí, lao vào rượu để quên đời:

“Lụa khuyên giải thế nào cũng không nghe, có hôm anh đi  về khuya, té nằm lăn trước cổng nhà, người một nơi, xe một nơi, không còn biết đất trời gì nữa. Lụa không dám nhờ tới lối xóm sợ họ biết chuyện, đành một mình với cái bụng bầu è ểnh dìu anh vào nhà…

Gần sanh, cô thèm chè mà không có tiền mua, vét một chút đường chảy còn sót dưới đáy keo, nhổ cây mì sau nhà, mài củ vắt lấy bột nấu chén chè ăn cho qua cơn thèm. Từ lúc lấy Thanh, Lụa chưa bao giờ thấy tiền lương của anh, lương lãnh về, anh bỏ trong rương khóa lại, hỏi tới thì anh bảo có bao nhiêu mà hạch sách. Từ đó, Lụa không bao giờ đề cập đến chuyện tiền bạc, hai mẹ con no đói gì mình cô biết…”.

Nhà văn cho phép mình viễn du, hư cấu cuộc tình mơ mộng với một người đàn ông tên gọi Philippe Mitou: “Anh là một Parisiens chính hiệu, một nhà nghiên cứu lịch sử”. Mối tình họ diễn ra trong chiến tranh. Anh gọi chị là Rose - một đóa hồng ngỡ như không thể thiếu vắng trong cuộc đời. Philippe quyết tìm về quê hương của Rose, dù phải đối diện với khẩu AK của người du kích vùng giải phóng. Rồi anh tham gia kháng chiến, ra tận miền Bắc để tìm gặp chị nhưng chị nào dám chấp nhận. … Mối tình với người đàn ông ngoại quốc trở thành một bí mật chị chôn giấu trong tim. Nào ngờ Philippe vẫn không quên, tìm mọi cách trở về Việt Nam. Họ gặp nhau, nước  mắt tuôn trào.

Tôi lúc đầu cứ tin đây là chuyện có thật. Nhưng một sự thật mà tôi được biết là chị   chấp nhận hôn nhân đổ vỡ, một mình vừa dạy học, vừa viết văn, nuôi dê…Làm nhiều nghề  để nuôi con, trái tim Kim Quyên vẫn khát khao hạnh phúc. Chị viết thật sinh động thấm thía về niềm hạnh phúc muộn màng, dù hạnh phúc  với chị là điều không có thật. Người đàn bà của chị trong truyện  “Cố nhân” bộc bạch:

“Mà sao, ngoài miệng nói vậy chớ nhiều lúc trong bụng chị vẫn thường tơ tưởng đến một người đàn ông. Người đàn ông đó phải tinh tế dịu dàng, phải mạnh dạn xốc vác, sức khỏe tương đối tốt để tựa nương lúc tuổi xế chiều. Nhiều lúc chị tự cười thầm, tuổi này mà còn mơ mộng chuyện viễn vông…”.

Chị là một cô nữ sinh quê hương Mỹ Tho, thời chiến tranh đánh Mỹ đã từng vào vùng kháng chiến mở mang trường lớp và dạy học, tham gia phong trào học sinh sinh viên, từng viết văn làm thơ đăng trên báo phản chiến Điện tín từ những năm 1973 với bút danh Hoa Đồng Tháp. Sau ngày đất nước thanh bình, chị lấy chồng sinh con trong những ngày hậu chiến khó khăn … Cuộc đời  ba chìm bảy nổi, vui ít buồn nhiều. Chị trải nghiệm với tâm hồn tha thiết của mình và trút tâm sự với đời qua những trang văn.

Chị đã nói thay khát vọng thầm kín của bao phụ nữ tuổi xế chiều, cứ mong được gặp cố nhân, gặp được người yêu thương mình chân thật. Dù gặp hay không, tôi vẫn cầu mong chị hạnh phúc vì chị xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp.

(Nguồn: Báo Văn Nghệ- HNV)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *