Văn học với đời sống

26/7
9:44 PM 2016

MỖI BÀI THƠ MỘT NÉN TÂM HƯƠNG

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ

Để giành giữ độc lập tự do, thống nhất hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước, nhiều người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống. Những dâng hiến cao cả ấy đã đi vào thơ ca như một phần của sự bất tử, vĩnh hằng.

Tôi đã đọc nhiều lần những bài thơ hay về liệt sĩ mà nỗi đau thương, niềm tự hào vẫn còn nguyên vẹn. Đó là Hoàng Lộc với bài thơ Viếng bạn, Quang Dũng với Tây Tiến, Chính Hữu với Giá từng thước đất, Vũ Cao với Núi Đôi, Giang Nam với Quê hương, Tố Hữu với Hãy nhớ lấy lời tôi, Thanh Hải với Mồ anh hoa nở, Dương Hương Ly với Bài thơ về hạnh phúc, Lâm Thị Mỹ Dạ với Khoảng trời hố bom, Nguyễn Đức Mậu với Nấm mộ và cây trầm, Lê Anh Xuân với Dáng đứng Việt Nam; Hữu Thỉnh với Phan Thiết có anh tôi, Dương Kỳ Anh với Bài thơ người đi tìm mộ em trai mình, Trần Ninh Hồ với Viếng chồng, Nguyễn Quang Tính với Cỏ trên mộ chí, Lê Đình Cánh với Gió đất, Vương Trọng với Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc, Nguyễn Văn Hiếu với Cô tôi, Anh Ngọc với Yên nghỉ, Bùi Nguyên Ngọc với Hai phía võng ru, Đinh Phạm Thái với Cái roi ngày ấy, Vũ Bình Lục với Đám cưới một linh hồn, Nguyễn Đình Chiến với Gặp lại các em v.v…

Có thể xem mỗi bài thơ là một nén tâm hương dâng lên các anh hùng liệt sĩ, đầy chất tưởng niệm bi tráng, đau thương nhưng không ủy mị; tự hào mà vẫn lắng sâu. Thơ viết về đau thương mất mát nhưng không làm cho người ta gục xuống, kể cả người thân liệt sĩ. Dù rất xót đau nhưng ai cũng nghĩ rằng, sự hy sinh mất mát của dân tộc trong cuộc chiến đấu giành giữ độc lập tự do, thống nhất hòa bình và chủ quyền lãnh thổ luôn mang những giá trị cao cả tốt đẹp không gì sánh được.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, điều đó đã được thể hiện trong bài thơ Viếng bạn của Hoàng Lộc. Xót thương đồng đội Khóc anh không nước mắt,/ Mà lòng đau như thắt,/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt nhưng nỗi đau ấy đã biến thành hành động yêu nước: Mai mốt bên cửa rừng/ Anh có nghe súng nổ/ Là chúng tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung.

Trong muôn vàn gian khổ, người lính vẫn can trường vượt qua, vẫn dào dạt yêu đời và sẵn sàng dâng hiến hi sinh vì Tổ quốc: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành...(Tây Tiến-Quang Dũng). Thơ Chính Hữu vừa cụ thể vừa khái quát, nói về giá trị hi sinh của đồng đội trên chiến trường khốc liệt: Khi bạn ta/ lấy thân mình/ đo bước/ Chiến hào đi/ Ta mới hiểu/ giá từng thước đất (Giá từng thước đất-Chính Hữu)...

Dù ra đời sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao vẫn là một khắc tạc bi tráng trữ tình về thế hệ trẻ Việt Nam. Câu chuyện tình yêu trong Núi Đôi đã lay động hàng triệu trái tim của nhiều lớp người Việt Nam. Tình yêu đôi lứa càng đẹp đẽ trong sáng bao nhiêu thì sự hi sinh của cô gái du kích càng cao cả lung linh bấy nhiêu: Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm…

Cuộc kháng chiến chống Mỹ dài lâu hơn và vô cùng ác liệt. Cả nước bước vào cuộc trường chinh mới với nhiều thử thách nghiệt ngã tưởng chừng khó vượt qua và muôn vàn hi sinh không kể xiết. Nhiều bài thơ xúc động về sự hi sinh của người chiến sĩ cách mạng đã ra đời. Thơ về liệt sĩ thời này có một đặc điểm chung dễ thấy là chất anh hùng luôn được tô đậm, đề cao. Khí phách lẫm liệt của các liệt sĩ xuất hiện ở không ít bài thơ như Quê hương của Giang Nam: Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi; như Hãy nhớ lấy lời tôi của Tố Hữu: Anh bước lên, nhức nhối chân đau,/ Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu/ Quần áo trắng một màu tinh khiết/ Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết...; như Bài thơ về hạnh phúc của Dương Hương Ly: Em ra đi chẳng để lại gì/ Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau mi/ Và anh biết khi bất thần trúng đạn/ Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/ Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai/ Bởi biết mình có mặt ở tương lai...; như Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu: “Chết – Hy sinh cho Tổ quốc” Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng...; như Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân: Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn...

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý với thân nhân liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, tháng 7-2015

Trong những bài thơ viết về liệt sĩ xuất hiện ở thời kỳ chống Mỹ, tôi ấn tượng nhất với bài thơ Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ. Chất nhân văn cũng như nỗi niềm chân thực rung rinh trong từng thi ảnh, câu chữ, nhịp điệu thơ: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh...

Sau đại thắng mùa xuân 1975 nhiều bài thơ về liệt sĩ ra đời với nỗi đau thăm thẳm, sự hồi tưởng day trở khôn nguôi. Các bài thơ ấy theo dấu chân những người đi tìm đồng đội, theo thân nhân của liệt sĩ đến các nghĩa trang. Xúc động đến quặn lòng là cảm xúc rõ nhất, sâu nhất khi đọc những bài thơ tri ân như thế. Yếu tố thực hòa trộn với yếu tố ảo, chất đời thường quyện chặt với tâm linh. Có những câu thơ bình dị mà găm sâu vào tâm hồn bạn đọc nhiều lứa tuổi. Hữu Thỉnh trong bài thơ Phan Thiết có anh tôi nhiều thổn thức, ngậm ngùi: Không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đồi anh xanh cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình/ Đồi ở đây cũng là con của mẹ/ Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em... Một ngọn gió nơi chiến trường xưa, nơi yên nghỉ của các liệt sĩ bây giờ cũng mang những nỗi niềm âm-dương ấm lạnh: Khói hương như thể mây mù/ Trắng trời lớp lớp lau gù đội tang/ Xạc xào gió lá ngụy trang/ Gió từ cõi đất gió sang cõi người! (Gió đất-Lê Đình Cánh). Vương Trọng thay lời mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc thỉnh cầu: Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang

Đi tìm đồng đội, đi tìm người thân là nội dung quen thuộc ở khá nhiều bài thơ viết về liệt sĩ. Ở nhiều tác phẩm, sự rung động từ người viết mau chóng truyền tải qua người đọc trong sự đồng cảm và chia sẻ vô cùng lắng đọng: Xin cho đau nỗi đau rừng/ Cánh cò trắng cả một vùng trời xa/ Đón em về lại quê nhà/ Với thầy mẹ, với ông bà tổ tiên... (Đưa em về - Nguyễn Văn Hiếu)

Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc hôm nay cũng cần tới sự hi sinh không hề nhỏ của chiến sĩ và nhân dân. Dòng tên liệt sĩ lại phải nối dài thêm từ biên giới, biển đảo. Trong bài thơ Gặp lại các em, Nguyễn Đình Chiến quặn lòng khi đứng trước những nấm mộ chiến sĩ hi sinh trên biên giới phía Bắc những năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc: Các em đi khi mười tám tuổi xuân/ Và để lại những trái tim trong trắng/ Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa/ Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong... Phan Vỹ cũng có những vần thơ xúc động về những người lính trẻ ngã xuống nơi sóng nước Trường Sa: Tháng ba này chúng tôi đến Trường Sa/ Qua đảo Gạc Ma hai mươi năm về trước/ Thả hoa tươi lặng lẽ viếng hương hồn/ Trước mặt trời lên! Đồng đội ơi có biết// Hoa trắng tươi nguyên như lời hẹn ước

Không thể nói hết tình cảm chất chứa trong các bài thơ viết về liệt sĩ. Nói bao nhiêu cũng còn thiếu. Mỗi bài thơ hay là một nén tâm hương dâng lên các liệt sĩ của chúng ta!

(Nguồn: qdnd.vn)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *