Thời sự văn học nghệ thuật

28/9
3:34 PM 2017

LỬA BẠC- TRUYỆN NGẮN CỦA KIỀU DUY KHÁNH

Thầy cúng Vì Đăm tay cầm cái kẹp tre kẹp con gà đã nướng chín, cứ lầm rầm đọc mấy câu cúng lại bảo Xám tung mạnh quả trứng ra sau vai. Thằng Xám mới có sáu tuổi đầu, còn chưa biết gì đã phải thắt cái khăn trắng ngang bụng, cầm quả trứng gà sống lẽo đẽo theo thầy cúng đi ra rừng ma tìm nơi ở cho mẹ.

Quả trứng cứ tung lên rồi lại rơi xuống không biết bao nhiêu lần, lúc rơi vào cái gốc cây to, lúc đập vào hòn đá mà vẫn chưa chịu vỡ. Nó vẫn cứ lăn lông lốc như có người đẩy đi.

Ông Thàng thập thễnh đi theo sau. Ông thấy bụng nóng như ăn quả vả xanh lúc đói. Thầy Đăm à, quả trứng nó đã đi ra ngoài khu rừng ma bản rồi, thầy cúng cho con dâu tôi nó ở rừng ma thôi, sang bên kia nó còn được gần bản, gần ông bà chứ.

- Ầy, không làm thế được đâu. Chỗ nào cái Ốn muốn chọn làm nhà thì quả trứng nó mới vỡ. Hồn ma nó không muốn ở, cứ bắt nó ở là nó về hại người nhà bị ốm, không hay đâu.

Xám lại nhặt quả trứng lên tung, lại nhặt và tung. Quả trứng cứ lăn xa, xa mãi…

Ngọn núi Hơ Ngo đã hiện ra trước mặt. Quả trứng vẫn tiếp tục lăn về phía chân núi, nơi có bụi tre Máy Sang đã bị chặt đi một nửa. Ông Thàng bỗng thấy lạnh hết người. Khi quả trứng vỡ tóe ra đúng giữa bụi tre, chỗ khoảng đất mềm, xốp ông đã đào lên và lấp vội cách đây không lâu thì ông Thàng đổ gục xuống. Ốn ơi, con dâu ngoan của ta, nó chết là vì ta rồi…

*

Xúc một thìa cháo loãng vừa mua ngoài cổng bệnh viện, Dính khẽ đưa lên đôi môi đã bợt bạt như cánh hoa ban ngâm lâu dưới nước của vợ, thủ thỉ:

- Ốn à, cố ăn đi cho mau khỏi bệnh còn về nhà chứ. Bố với thằng Xám mong Ốn về lắm đấy. Cái ruộng, cái nương cũng đang mong Ốn về làm sạch cỏ…

Lúc còn khỏe ở nhà, chỉ thèm được ăn bữa cơm, bữa cháo no bụng. Thế mà bây giờ nhìn thìa cháo thơm ngậy mùi thịt quyện mùi hành, Ốn lại thấy nôn nao, khó chịu. Không muốn ăn, nhưng nhìn chồng lo lắng đến gầy đôi mắt, Ốn đành hé môi cố nuốt. Thìa cháo trôi xuống cổ họng mà cứ như có trăm nghìn con vắt, con sâu đang cố chui vào.

Bỗng Ốn ôm vội lấy ngực quằn quại. Một cơn ho thốc ra, kéo dài tưởng không thể dừng lại nổi. Những tiếng khù khù…khứ khứ… bật ra từ cái ngực mỏng lép sao mà xót xa thế. Dính đưa tay vuốt vuốt ngực vợ như cố dìm dập cơn ho, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ mủng ra hai giọt nước nhầy nhụa.

Sau cơn ho dài sộc sặc, bây giờ Ốn nằm như lả ra giường, đau tức và mệt mỏi. Những tiếng thở khò khè bật ra đứt quãng, khó nhọc. Dính nhìn vợ cắn răng, bất lực. Một tháng nằm viện, Ốn như cây chuối nguôn non bị nhổ gốc đem phơi ngoài nắng to. Đôi má trắng hồng như quả roi đang chín giờ gầy tọp đi, bờn bợt chẳng khác gì tấm vải chưa nhuộm chàm đã bị luộc quá lửa. Đôi mắt Ốn trũng sâu như hai hốc đá tai mèo. Ốn cứ gầy yếu, xanh xao từng ngày. Mà không hiểu sao ngày nào cũng hai lần uống cả nắm thuốc, rồi tiêm. Hai cánh tay và hai bắp đùi chi chít những vết tiêm tím đen, dày đặc như muỗi đốt mà bệnh Ốn cứ càng ngày càng nặng thêm.

Phải một lúc lâu Ốn mới lấy lại được hơi thở đều đều. Ốn nhìn Dính, phều phào:

- Mình đưa em về nhà thôi, về nhà nhờ bà Phớ lấy thuốc rừng, nhờ ông Đăm cúng ma cho chắc em sẽ khỏi mà. Cái bệnh trong người em nó nặng lắm rồi. Cứ nằm ở đây mãi lấy đâu tiền mà mua thuốc, mua cơm, mua cháo ăn? Đêm qua em mơ thấy thầy cúng Vì Đăm đặt cái khăn đen lên ngực em rồi đưa em đến cái núi cao có ba con quỷ, thế là em không còn sống được nhiều nữa đâu…

Dính đau xót nhìn vợ, thấy lòng rối như cái tổ chim Kít hết mùa. Biết lấy tiền đâu để lo thuốc cho vợ và chi tiêu hàng ngày bây giờ? Nhà có mỗi con bò để cày và đàn dê năm con bố đã bán hết để lấy tiền gửi xuống cho vợ chồng Dính rồi. Chỉ còn chum bạc, nhưng Dính không dám về lấy đem đi bán nữa. Mỗi lần bán ít bạc đi để mua thuốc, Dính lại thấy vợ ho nhiều hơn, đêm nằm lại hay mơ thấy con mèo đen đến cắn…

Giờ có muốn xin về thì phải trả tiền viện phí, tiền thuốc cho bệnh viện bác sĩ mới cho về. Không có tiền trả thì phải ở lại thôi. Nhưng ở lại thì cũng không được. Trong túi chỉ còn hơn trăm nghìn, chưa nói đến mua thêm thuốc, chỉ để mua cháo vợ chồng ăn hàng ngày có dè sẻn cũng được hai hôm nữa là cùng. Hết tiền thì lấy gì mà sống? Bây giờ muốn về cũng không được, muốn ở cũng chẳng xong. Dính thấy vợ chồng mình như con kiến bị mắc trên cái cành khô đang trôi giữa suối lũ,  cứ loanh quanh mãi mà chẳng biết làm thế nào.

Ốn liếc đôi mắt mệt mỏi lờ đờ nhìn vào ánh mắt sâu thẳm lo âu của chồng. Ốn đã thấy hết được cái lo trong lòng  Dính. Ốn lay tay chồng, lào thào: - Hay là mình trốn viện về nhà đi anh Dính... Cứ ở mãi đây có khi em chết ở bệnh viện, thành con ma dù ghè mất thôi.

Dính ngồi thần ra nghĩ ngợi. Hơn tháng nằm viện, vợ Dính được bác sĩ chăm sóc nhiệt tình, bệnh viện còn thương vợ chồng Dính nghèo nên không bắt nộp tiền cược trước, thế mà… Cái cây cho ta bóng mát lúc nắng, cái hang đá cho ta trú lúc trời mưa. Lúc hết nắng thì đừng bẻ đi cái cây, lúc hết mưa thì đừng phá đi hang đá. Dính không muốn làm người chặt bỏ cái cây, phá đi hang đá, nhưng trong hoàn cảnh này thì chẳng biết tìm được cách nào hay hơn. Cái nghèo nó bắt Dính phải làm chuyện xấu rồi. Thôi, Ốn cứ chịu khó ăn cho khỏe đi, tối nay tôi đưa Ốn trốn về nhà. Về nhà tôi sẽ chịu khó đi làm thuê, lúc nào đủ tiền thì mang xuống trả bệnh viện, xin lỗi bác sĩ, chắc bác sĩ không trách nhiều đâu.

Đêm. Đợi mọi người trong phòng bệnh đã ngủ say, Dính vơ vội cái chăn mỏng của bệnh viện, khoác lên người cho vợ rồi bí mật cõng vợ luồn ra phía cái tường rào xây bị đổ, trốn ra khỏi bệnh viện. Cái xe máy cũ Dính đã lấy ra để ngoài gốc cây trên vỉa hè lúc xẩm tối. Cái xe cũ nát vỡ hết cả vỏ, nhìn như lấy ra từ đống sắt vụn lại được Dính buộc chặt mấy vòng vào gốc cây to, chẳng sợ ai ngó đến. Dính tháo dây thừng, đặt vợ ngồi lên yên xe rồi quýnh quáng nổ máy phóng vội đi. Run run điều khiển cái xe, thi thoảng Dính lại ngoái ra sau, chỉ sợ anh bảo vệ phát hiện đuổi theo. Nhưng đêm đã khuya, con đường vắng tanh, chẳng có cái xe nào đuổi theo sau Dính cả.

Bây giờ thì vợ chồng Dính đã chạy khá xa bệnh viện. Thấy bớt lo lắng đi nhiều. Cái xe máy tuy cũ, nhưng đi trên đường nhựa vẫn cứ băng băng.

Đêm càng về khuya càng lạnh. Hơi lạnh lẫn sương đêm khiến Ốn càng ho dữ dội. Ốn lử lả gục vào lưng Dính. Đêm thì lạnh mà người Ốn cứ nóng hầm hập, những cơn ho kéo đến ngày càng dài, quặn thắt. Dính một tay chệnh choạng lái xe, một tay vòng ra sau giữ vợ.

Đã tới con đường rẽ về bản. Dính muốn đi thật nhanh về nhà cho Ốn nằm nghỉ, nhưng con đường lên bản vừa nhỏ vừa gồ ghề, có cố cũng không thể đi nhanh.

- Anh Dính à, cái chân em nó cứ buồn và tê, như có con sâu, con vắt nó đang bò lên ấy, khó chịu lắm…

- Anh Dính à, cái bụng em sao nó ngứa nhiều thế, ngứa như có quả đỗ lông nó rơi vào ấy…

- Anh Dính à, em thấy tức ngực nhiều lắm, như có hòn đá to nó đè lên…

Cứ đi được một đoạn, Ốn lại vừa khò khè thở vừa thì thào, giọng ngày một yếu.

Cái xe máy ì ì leo lên con dốc ghập ghềnh, dựng đứng như mái nhà, thỉnh thoảng đâm vào hòn đá nhỏ, bánh xe lại nhấc lên khỏi mặt đất, Dính phải cố lao mình về phía trước, cố ghìm bánh xe bám lại vào đường để cái xe khỏi lộn ngược ra sau. Vừa cố căng mắt nhìn đường để tránh cho xe đâm vào hòn đá, cái hố, Dính vừa thủ thỉ động viên vợ:

- Mình ôm chặt lấy tôi cho khỏi ngã nhé, đang leo lên cái dốc KLay Nẹ rồi, chắc cũng chỉ hơn một giờ đi xe nữa là tới nhà thôi. Cái dốc này ngày xưa mỗi lần tôi đèo Ốn đi chợ, cứ leo hết dốc là lại phải ngồi nghỉ ở cái hòn đá phẳng ngay trên đỉnh dốc đợi cho xe nguội máy mới đi tiếp đấy, Ốn có nhớ không. Hôm nay không cho cái xe nghỉ nữa, mình đi nhanh về nhà…

- Anh Dính à, sao em thấy khó thở quá, có ai nhét quả găng vào mồm, vào mũi em thế này… anh Dính lấy nó ra, lấy nó ra hộ em đ..i…i…

Tiếng thở khò khè, khư khứ của Ốn cứ nhỏ dần. Hơi nóng hầm hập từ người Ốn phả lên lưng Dính lạnh đi nhanh như hòn than nhúng vào nước, đôi tay Ốn ôm lấy Dính cũng lỏng và tuột dần ra.

Im lặng…

Cái xe máy cũng vừa leo hết dốc. Dính thấy lạnh hết người, vội dừng xe lại ngay cạnh hòn đá phẳng. Cái xe vừa đỗ, Ốn đổ gục lên lưng Dính, hai tay buông thõng, lạnh ngắt. Dính sợ hãi chồm ra khỏi xe, ôm ghì lấy vợ, đổ gục xuống hòn đá bên đường.

Dính cứ gục đầu vào đôi má gầy hóp heo của vợ, để mặc cho dòng nước mắt  trào ra, giàn giụa. Không biết Dính đã gục xuống bất động bao lâu. Bây giờ Dính không còn thấy gì, biết gì nữa. Dính đang đi về để sống lại cái ngày hai vợ chồng mới cưới nhau, những ngày vui và hạnh phúc…

“Kẹc…kec…quác” con chim gọi ngày rạch một vệt dài âm thanh sắc và gọn như vệt cầu vồng cong vút từ ngọn núi bên này sang ngọn núi đối diện. Dính bây giờ mới thẫn thờ ngước lên. Trời đã bắt đầu nhờ nhợ trắng, một màu trắng đùng đục như chậu nước vo mẻ gạo đầu mùa. Run run sờ tay lên khuôn mặt vợ, chỉ thấy nhoè nhoẹt ướt, không biết là nước mắt hay sương đêm. Dính nấc lên. Ốn ơi, chắc Ốn lạnh lắm… để tôi đưa Ốn về… về nhà có nhiều chăn đệm ấm, có bếp lửa đốt bằng gỗ hương bố đã đốt sẵn rồi…

Để mặc cái xe máy nằm chỏng trơ từ đêm bên hòn đá, Dính ôm vợ áp vào mình, đứng dậy. Con đường đã hiện ra mờ mờ phía trước như dải vải phơi vắt ngang trên núi, cứ theo cái mảnh vải gập ghềnh, Dính chạy.

*

Ông Thàng dậy sớm. Thực ra ông tỉnh từ nửa đêm, lúc ông mơ thấy giấc mơ hãi hùng ấy. Không biết ông già lạ và con mèo đen đã đi vào giấc mơ của ông bao nhiêu đêm rồi, nhưng chưa đêm nào làm ông lo sợ như giấc mơ đêm qua. Từ lúc đó ông không ngủ được nữa, nằm xâu chuỗi lại các sự việc, ông toát mồ hôi, bủn rủn. Con gà rừng vừa gáy lần hai, ông đã lập cập trở dậy nhóm lửa. Không hiểu sao hôm nay ông thấy trong bụng nóng cồn cào cứ như người đang đói lại ăn củ sắn sống. Ngồi bên bếp lửa chưa thấy ấm cái tay, ông lại ra ngoài sàn đẽo lại cái vai cày. Đẽo được một lúc, ông lại chạy vào ngồi bên bếp lửa. Cái vai cày đã tròn nhẵn mà ông vẫn cứ gọt, gọt mãi. Bếp lửa đã cháy hết mấy khúc củi hương thơm nồng mà ông vẫn đứng ngồi không yên. Không biết có chuyện gì xảy ra với vợ chồng thằng Dính, cái Ốn không? Số tiền bán con dê cuối cùng ông gửi từ tuần trước, chắc cũng hết rồi, giờ biết kiếm đâu ra tiền để gửi xuống cho chúng nó đây? Góc nhà vẫn còn nửa cái chum bạc, chắc cũng phải còn vài trăm đồng. Nhưng ông không dám đem bán thêm đồng nào nữa, thậm chí ông còn không dám nhìn về phía cái chum.

Có tiếng bước chân bậm bịch từ ngoài vào. Dính về. Dính vác cái gì thế kia? Ông Thàng nhìn kỹ, bỗng thấy chân tay mình như muốn rơi ra hết, ông loạng choạng như người bị trúng cảm. Trên vai Dính, đầu cái Ốn gục về phía sau, mái tóc bung xõa xượi.

Phải gượng một lúc ông mới lập cập lần được xuống cầu thang. Ông chạy đến bên Dính đã ngã gục ở giữa sân, bàn tay gầy guộc của ông run run lần lần trên khuôn mặt lạnh ngắt, nhợt nhạt của con dâu, miệng ông méo lệch như người trúng cơn gió độc. Phải một lúc lâu sau ông mới nhớ ra việc phải làm. Ông vội chạy lên bếp đạp đổ cái kiềng bếp văng ra khỏi cái khung gỗ, lấy con dao trên vách, chạy vào góc nhà, nơi thờ cúng ma nhà, chém mạnh vào vách ba cái đầy hờn giận.

Xong, ông lập cập chạy xuống cùng Dính đỡ Ốn đem lên nhà, để hồn Ốn không bị lạc ngoài rừng, ngoài núi, không thành con ma dù ghè lang thang.

*

Có tiếng rào rào như gió thổi, rồi những tiếng chí chóe cãi nhau, tiếng những bắp ngô bị bẻ gãy đến sốt ruột ngoài nương. Bọn khỉ trên núi Hơ Ngo lại xuống bẻ trộm ngô rồi. Nương nhà ông Thàng ở ngay chân ngọn núi nơi có hàng trăm con khỉ sinh sống. Cứ mùa ngô bắt đầu thâm râu là ông lại phải ra ngủ lều để canh lũ khỉ bẻ trộm. Canh suốt thế mà năm nào cũng phải mất đến gần nửa nương.

Vớ vội cái nỏ và ống tên, ông Thàng cầm đèn pin lao nhanh ra khỏi lều. Ánh đèn pin rạch một rạch sáng quắc xé vào đêm một vệt dài. Đàn khỉ phải mấy chục con đang rào rào bẻ những bắp ngô non, hối hả. Vừa thấy ánh đèn, chúng hốt hoảng ôm những bắp ngô mới bẻ được chạy nhanh như đàn sóc gặp mưa về phía núi cao. Soi khắp nương một lượt, thấy không có gì khả nghi, ông hạ dây nỏ định quay vào lều.

 Phụt…

Một đốm lửa sáng trắng to như cái mũ cối phụt lên từ bụi tre Máy Sang ở cuối nương. Đốm lửa bay vòng như hình cầu vồng về phía chân núi rồi tắt ngấm. Kinh nghiệm của nhiều người truyền lại, ông biết chỗ đó có một chum bạc to. Phong tục người Xinh Mun ngày xưa nó thế. Dù nhà giàu hay nghèo thì cũng cố tiết kiệm, mỗi năm dành được một ít bạc trắng cất vào trong chum. Đầy chum thì chọn ngày Si, đúng lúc nửa đêm bí mật đem chôn chum bạc xuống đất, để Phìa, Tạo không đến cướp mất. Cái chum bạc chỉ người chủ nhà biết nơi chôn, lúc biết mình sắp đi lên Then với ông bà tổ tiên thì gọi đứa con mình quý nhất, hợp nhất cho nó. Bảo nó chỉ lấy đi một nửa, một nửa để lại để giữ cái xương, cái hồn mình được chắc, được khỏe khi về bên kia. Nhưng cũng có người lúc sắp chết lại lú lẫn, không nhớ mình đã có chum bạc đem chôn, có người nhớ mình có chum bạc đấy, nhưng lại không nhớ đúng cái nơi đã giấu, chỉ nhầm khiến con cháu tìm kiếm mãi mà không thấy.

 Chum bạc chôn dưới đất chỉ phụt ra lửa khi người chủ nó chết đủ mười năm, người nhìn thấy chùm lửa phải là người không biết làm việc ác thì mới may mắn thấy được.

 Ông Thàng vội soi đèn, vạch ngô đi nhanh về phía bụi tre, nơi vừa phát chùm lửa. Giữa bụi tre, vẫn còn những đốm sáng li ti, như những đốm than dưới đáy chõ xôi đồng đun lâu. Ông bẻ một cành tre, cắm vào đúng chỗ những đốm sáng nhỏ đang lụi dần để đánh dấu vị trí rồi trở về lều, lòng đầy hồi hộp và vui sướng.

Sáng hôm sau, ông Thàng về nhà từ lúc con chim Tà Dù chưa dậy hót. Mài con dao cho sắc như cái lá cỏ gianh trên núi ngày mưa, xong ông lặng lẽ đi vào bụi tre đêm qua, hì hục chặt. Gần trưa thì bụi tre đã bị đốn hạ, phát quang.

 Đêm. Đợi khi thấy một mùi thơm mỏng và nhẹ ngan ngát loang vào đêm, con cầy hương đã về trên cây Mooc phong cạnh lều, cất những tiếng gọi bạn tình ngo…e, ngo…e… thật êm ái, ông vác cuốc đi về phía bụi tre đã chặt lúc chiều.

Đi khắp nương một lượt để chắc chắn không có ai trong bản đi săn đêm quanh đó, ông mới yên tâm bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống nơi đã đánh dấu. Những gốc tre bám nhau san sát, cứng và dai nhằng nhằng. Cái cuốc mài cả chiều sắc như con dao gọt vai cày bổ vào những gốc tre nghe cứ bình bịch, tưng tức và khó chịu như giọng quát của người già hút thuốc lào nhiều. Bàn tay ông Thàng chai cứng như da trâu phơi nắng mà cũng bị phồng rộp rát buốt. Nhưng ông không nản. Niềm hy vọng về sự giàu có nằm dưới đất sâu kia khiến ông không còn thấy đau, thấy mệt. Ông cứ hăm hở cuốc rồi xúc, phầm phập, rào rào như con tê tê đang đào hang làm nhà mới.

Kịch…

Lưỡi cuốc bổ vào một vật cứng nghe âm âm ở phía dưới đất sâu. Ông Thàng soi đèn xuống chỗ cuốc vừa bập xuống. Dưới lớp tro bếp ngấm nước lâu ngày đặc sệt như bùn ruộng hiện ra một mảng xam xám. Vội lấy tay bới rộng khoảng đá quanh đó, thấy có bộ xương mèo đã chuyển sang màu đen xỉn như rễ cây nhội ngâm nước lâu ngày. Người chôn chum bạc đã yểm con mèo để giữ của rồi. Ông nghĩ vậy và chạy về lều, lấy trên gác mấy hòn phân hổ khô. Mỗi lần đi săn trong rừng xa, ông vẫn tìm nhặt những cục phân hổ đem về. Phân hổ để trong lều thì không con thú nào dám bén mảng đến gần. Lấy một bát nước măng chua, ông hòa mấy cục phân vào rồi đem đổ lên bộ xương con mèo. Bộ xương mủn ra, đen và khét như thuốc súng kíp.

Bây giờ thì ông yên tâm xúc lớp đất, đào tiếp. Cái chum miệng gắn xi như cái chõ xôi cứ hiện dần ra. Lớp xi làm bằng mật mía đường đun sôi trộn với cát và vôi. Thứ xi tự tạo này vừa bền vừa chống thấm tốt, để bao nhiêu năm nước cũng không ngấm vào làm hỏng bạc trong chum được. Hì hục đào bới thêm một lúc nữa thì ông khệ nệ lôi được cái chum lên khỏi mặt đất. Lấy cái khăn bịt chặt mũi để tránh hơi độc từ trong chum bay ra, ông giơ cuốc bổ mạnh vào lớp xi gắn trên miệng chum. Ông như không tin vào mắt mình. Cái chum đầy tới tận miệng những đồng bạc đã chuyển màu sạm đen do chôn dưới đất lâu ngày to như những khoanh ống nứa rừng. Cà Tùn(*) ơi, cái chum to và đầy thế này chắc cũng phải mấy trăm đồng bạc.

Đợi một lúc cho hơi bạc trong chum bay hết, ông Thàng thò tay vốc lên một vốc loảng xoảng. Tay ông run lên vì sung sướng, bất ngờ. Ở bản cũng nhiều người đào được chum bạc ở nương, ở vườn lắm. Người trước bảo người sau. Cái chum bạc người chủ nó trước khi đem chôn đã được người chủ cắt ba cái móng tay trái, bốn cái móng tay phải thả vào đáy chum để lúc chết đi hồn không bị lạc mất của. Lúc chôn lại bắt con mèo sống chôn cùng để nó canh giữ của. Ai may mắn tìm thấy chum bạc thì chỉ lấy hai phần, bỏ lại một phần. Cái phần dưới có những cái móng tay, đừng tham lấy nốt, để người chủ nó giữ được cái hồn cho khỏe, giữ được cái xương cho chắc.

Ông Thàng lấy cái túi vải to đeo bên vai, vạch to miệng, vốc từng vốc bạc bỏ vào. Cái chum bạc cứ vơi dần đi, túi vải thì đã đầy căng mà đôi tay ông vẫn chưa thấy mỏi, chưa muốn dừng.

Cái chum bạc đã lấy đi hơn hai phần. Ông Thàng định bê cái chum thả xuống lấp lại. Nhưng ông bỗng thần ra ngẩn ngơ, nghĩ ngợi. Ầy, chum bạc còn nhiều thế này, bỏ lại thì tiếc đấy. Người chủ nó chết chắc đã vài chục năm, chết đi rồi thì làm sao mà biết lấy bạc đi tiêu? Những người đào được bạc cứ nói thế thôi, chắc gì đã để lại đồng nào? Bỏ lại một phần, cũng phải mất hơn trăm đồng, biết đâu có người phát hiện sẽ lấy nốt đi thì tiếc lắm. Cứ ngồi nghĩ mãi, đến khi thấy sương đêm ướt đầm cả áo, cái lạnh thấm nham nháp vào da thì ông Thàng đứng dậy, không nghĩ gì thêm nữa. Lấy cái xẻng vùi lại cái hố cho đầy, phủ ít cành tre lên trên, ông ôm cả chum bạc đi vội về nhà.

Sáng hôm sau ông Thàng xúc hai bát to đầy bạc trắng cho vào cái túi dết, ông lặng lẽ đem xuống hiệu vàng bạc dưới huyện. Cầm tập tiền chủ vàng bạc đưa, ông Thàng cứ run run như không tin vào mắt mình. Số tiền bán bạc đủ mua một con bò to. Thế này mà bán hết chum bạc chắc sẽ mua được cả cái xe máy đẹp, cái ti vi to, làm được cái nhà sàn mới đấy. Lòng ông lúc này như cái con nước ngày mưa. Ông đi vào chợ, mua mấy thứ cần thiết rồi mau mải ra về.

*

Ông Thàng giật mình thức giấc, thấy mồ hôi đầm đìa. Ông vừa nhìn thấy một ông già gầy lắm, mái tóc dài trùm kín cả mặt dắt theo con mèo đen chui từ trong cái chum bạc ông giấu ở góc nhà ra. Hai cánh tay ông già gầy guộc như hai cành cây khô, bàn tay trái cụt ba cái móng, bàn tay phải cụt bốn cái móng. Ông già cứ đứng nhìn ông một lúc lâu, không nói gì, lại dắt con mèo chui vào cái chum. Ngồi bất động trên giường như hòn đá, mãi sau ông Thàng mới lấy lại được bình tĩnh. Vội lấy cái đèn pin, đi đến cái chum, mở nắp soi vào. Trong chum chỉ có những đồng bạc nhờ nhờ trắng, lạnh lẽo im lìm.

Soi kỹ thêm một lượt, không phát hiện ra điều gì, ông quay vào giường. Nhưng nằm mãi mà không sao ngủ lại được nữa. Ông mơ hồ nhận ra một điều gì đó không bình thường từ trong cái chum bạc kia.

Sáng nay ông lại mang thêm một bát bạc đi bán. Không hiểu sao cứ mỗi lần bán đi ít bạc là đêm ông lại mơ thấy ông già lạ chui từ trong cái chum ra, tay dắt theo con mèo đen có đôi mắt xanh lè. Ông già đứng nhìn ông một lúc rồi lại lặng lẽ đi vào trong chum, lần nào cũng thế.

*

- Cứu… anh Dính cứu em… con mèo đen nó đuổi cắn e… đau quá… - Tiếng hét thất thanh của Ốn trong đêm khuya khiến cả nhà giật mình tỉnh giấc.

Mình mơ thấy cái gì kêu như con gà gặp cáo thế? Dính vừa bật điện lên vừa nhìn vợ lo lắng.

Ốn vẫn chưa hết hoảng. Mồ hôi túa ra đầm đìa khắp lưng, khắp mặt. Ngồi nép vào góc giường, Ốn run rẩy nhìn về phía góc nhà. Có con mèo đen nó chui ra từ cái chum bố mới mang về, nó cắn em… đây này, những vết cắn vẫn còn, không phải em mơ đâu.

Ốn vén áo lên. Khắp người đầy những vết bầm tím.

Nằm ở nhà trong, ông Thàng thấy lạnh cả sống lưng.

*

Từ hôm mơ thấy con mèo, Ốn bỗng dưng đổ bệnh. Bắt đầu là những cơn ho nhẹ về đêm. Nhưng rồi những cơn ho ngày càng kéo dài hơn và dữ dội hơn. Ốn không còn làm được gì nữa. Cả ngày lẫn đêm chỉ vật vã trên giường với những cơn ho như muốn nổ tung cả lồng ngực.

Dính sang nhờ bà Phớ lấy cây thuốc trong rừng cho Ốn uống. Nhưng thuốc uống vào bao nhiêu lại bị đẩy thốc ra bấy nhiêu. Mời thầy về cúng sửa hồn, thầy cúng rải cái áo của Ốn ra, treo cái sừng sơn dương trên cái áo, chưa kịp khấn thì cái sừng sơn dương đã bị gãy đôi. Thầy cúng tái mặt, vội vã bỏ về, quên cả cái sừng sơn dương nằm lăn lóc.

Bệnh của Ốn ngày càng nặng thêm.

Nghe mấy người trong bản khuyên, Dính vội đưa vợ xuống bệnh viện. Số tiền những lần bán bạc, ông Thàng dành dụm định để cho  Dính mua cái xe máy đẹp, ông đưa hết cho Dính đem xuống viện. Giờ mơ ước của ông không phải là cái xe máy nữa rồi.

Trằn trọc mãi tới gần nửa đêm ông Thàng mới lơ mơ chìm vào giấc ngủ. Ông già lạ lại đến cùng với con mèo đen. Nhưng lần này ông ta không chui từ trong chum ra mà lại đi từ ngoài cửa đi vào. Ông già lạ đứng nhìn ông. Ta cả đời không dám ăn một bữa no bụng, không dám mặc một lần cái áo lành mới để dành được cái chum bạc. Cái chum bạc ta để cho thằng con trai, nhưng khói thuốc phiện nó làm mắt thằng con ta đục như mắt con cá chết, cái đầu chỉ biết nghĩ chuyện xấu, cái tay chỉ biết đi lấy trộm của người. Thế nên nó đào mãi vẫn không thấy cái chum. Hôm chùm lửa ở chum bạc phát ra ta đã để ông nhìn thấy. Ngày trước bố ta là Tạo bản, ông ấy đã lấy của nhà ông trâu bò, thóc lúa, còn đánh bố ông bị gãy cả tay… Ta muốn thay bố trả nợ cho ông để ông được thanh thản mà lên Then. Cái chum bạc đựng hồn ta trong đó, sao ông không để lại cho ta một phần mà lấy hết đi? Không còn bạc để giữ hồn thì ta không lên được tầng trời thứ ba để gặp tổ tiên rồi. Ông lấy hết bạc thì ông phải đền cho ta...

Ông Thàng giật mình tỉnh giấc, nhìn ra ngoài cửa, thoáng như vừa thấy bóng người đi ra. Ông không dám ngủ tiếp nữa, lập cập đi xuống bếp đốt một đống lửa to. Hơi lửa ấm  và thơm ngát của mùi gỗ hương đã xua đi phần nào cái lạnh lẽo và đáng sợ của giấc mơ vẫn chập chờn ám ảnh. Sáng mai, khi ông mặt trời nhô lên khỏi ngọn núi Thay, ông sẽ đem cái chum bạc trả lại vào nơi ông đã đào được. Nghĩ được như thế, ông thấy lòng nhẹ và thanh thản đi nhiều.

Nhưng ông chưa kịp mang cái chum bạc đi trả thì thằng Dính đã đem vợ nó về...

*

Sương chiều kéo từ dưới lũng sâu bay ào lên ngày một đặc và lạnh. Cả bản lầm lũi tiễn Ốn đi, đi mãi. Không ai hiểu vì sao Ốn lại chọn nơi ở cách xa rừng ma của bản thế. Chỉ ông Thàng là biết rõ nguyên nhân. Ông Thàng ôm  Cái chum bạc thất thểu đi theo sau. Cái chum hôm đào về đầy thế mà ông bê nhẹ nhàng, hôm nay chỉ còn chưa đến nửa mà sao thấy nặng như hòn đá thế, chỉ muốn ngã khuỵu xuống.

Cái quan tài vừa đặt xuống huyệt sâu, ông Thàng run run bước xuống, đặt cái chum bạc lên trên nóc. Một tiếng tách khô khốc vang lên. Cái chum vỡ làm đôi. Những đồng bạc loảng xoảng tràn ra, phủ khắp mặt quan tài. Dưới đáy chum, bảy cái móng tay ố vàng nằm lăn lóc. Mọi người ngạc nhiên hết nhìn những đồng bạc, nhìn cái lọ rồi lại nhìn ông Thàng. Những người già có nhiều kinh nghiệm hình như đã lờ mờ hiểu ra được một điều gì từ những cái móng tay đựng trong lọ thủy tinh kia…

*

Năm nay không hiểu lũ khỉ từ đâu kéo về ngọn núi Hơ Ngo nhiều đến thế. Từ chân đến đỉnh núi lúc nào cũng thấy lố nhố những cái đầu hung hung vàng thoắt ẩn thoắt hiện. Cây trên núi bị rung rào rào như có bão.

Nương ngô còn chưa thâm hết râu, ông Thàng đã phải vào lều ở để canh chừng lũ khỉ. Đêm nào ông cũng soi đèn đi vài lượt khắp nương thế mà sang hôm sau vẫn thấy một vài vạt ngô bị bẻ xác xơ, nghiêng ngả.

Có tiếng rào rào ngoài nương ngô. Hầy, lại bọn khỉ xuống bẻ trộm ngô đây mà. Ông Thàng nhặt vội mấy hòn đá để ở góc lều, lao nhanh ra cửa. Ánh đèn pin lia nhanh về nơi vừa phát ra tiếng động. Lũ khỉ tinh ranh đã chạy trốn hết từ lúc nghe bước chân ông cót két trên sàn tre. Không còn bóng dáng con khỉ nào trong nương ngô nữa. Sẽ có lúc ta tóm hết cả đàn chúng mày đấy, lũ trộm đáng ghét. Ông Thàng lẩm bẩm nói một mình như vậy và quay gót định đi vào lều.

Phụ…ụ…t…

Từ gốc đào già mốc thếch cách chỗ ông Thàng đứng không xa, một chùm lửa nửa màu trắng nửa màu vàng to như cái nồi đồng bay vút lên cao làm sáng rực cả một khoảng nương. Nhìn chùm lửa với hai màu xoắn vào nhau như đôi cá Thia mùa động dục, ông Thàng biết dưới lòng đất nơi phát ra chùm lửa lạ thế nào cũng có cái chum to đựng cả vàng và bạc. Ngày xưa người có vàng chôn theo thì chỉ có PhìaTạo thôi. Cái nương này ngày xưa là nương của Phìa Lò Piến người Thái. Ố, thế thì đúng rồi. Ông Thàng chạy vội ra cái gốc đào già. Ngay dưới gốc đào vẫn còn những đốm sáng như vệt lân tinh. Ông bẻ một cành cây định cắm vào đánh dấu.

Nhưng bỗng dưng ông đứng sững lại, bần thần. Trong đầu ông hiện ra hình ảnh thằng Xám lầm lũi và nhếch nhác từ ngày mất mẹ. Thằng Dính con trai ông thì lao vào làm như con trâu nhà Tạo. Ngày nào cũng từ sáng tinh mơ nó đã đi đến tối nhọ đáy nồi còn chưa thấy về. Nó đi cày nương thuê cho người giàu trong bản, đi đánh đá bán cho đội làm đường… nó làm đến lõm sâu đôi mắt, gồ cao hai gò má lên, nhìn đến là sợ. Ông khuyên nó nhưng nó chẳng nghe. Nó bảo phải làm để trả nợ cho bệnh viện, để quên đi cái buồn, cái đau. Không biết từ lúc nào, ánh mắt ông dừng lại ở bụi tre Máy Sang. Ở đó có một cái nhà mồ còn mới, đó là mộ cái Ốn, con dâu ông. Nghĩ ngợi một lúc, vung mạnh tay dứt khoát, ông ném bỏ cành cây ra xa rồi đi nhanh về lều, tắt đèn nằm xuống cái đệm êm, không còn nghĩ gì tới chùm lửa lạ…

K.D.K

___________

(*) Cà Tùn ơi: Trời ơi, tiếng Xinh Mun.

 

Nguồn Văn nghệ số 29/2017

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *