Từ đời vào văn

15/7
4:11 PM 2017

VỈA QUẶNG KIỀU VƯỢNG

Nguyễn Hữu Ngôn-Đã từ rất lâu tôi nuôi dự định viết về các gương mặt văn hóa xứ Thanh mà sao khó bề thực hiện. Những cái tên với các tác phẩm cắm sâu vào đời sống tinh thần xứ Thanh cứ sừng sững hiển hiện: Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Hồ Zếnh, Xuân Sách, Thôi Hữu, Hữu Loan…

Giá trị tinh thần họ để lại là to lớn, thâm sâu, chỉ xin được ngưỡng vọng và chờ sự chín mùi trong hiểu biết và cảm xúc. Tôi tìm về những nhà văn đương đại gần gũi mà mình được chứng kiến, họa chăng có cảm nhận ban đầu đôi nét về họ, dẫu chỉ là những chấm phá nhỏ nhoi, riêng tư với cảm xúc trân trọng, ghi nhớ. Những tên tuổi đang nổi trên văn đàn vang lên trong tâm trí: Hà Minh Đức, Nguyễn Duy, Mã Giang Lân, Lê Đình Cánh, Kiều Vượng, Văn Đắc, Huy Trụ, Mai Ngọc Thanh, v.v…

Tôi tìm đến Nhà văn Kiều Vượng để viết về anh, thật ra là để học hỏi, để được anh trao đổi, luận đàm văn chương, thế sự như từng được anh trò chuyện bấy nay.

 

Không gian Kiều Vượng

Không gian Kiều Vượng hay đúng hơn là không gian Nhà văn Kiều Vượng với tập thể các cán bộ của Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ Bắc miền Trung đang sinh sống và làm việc. Một không gian xanh mát hữu tình, nên thơ với chủ nhân giàu tri thức và rộng lòng mến khách, theo sổ ghi chép lưu trữ đã có 318 hội viên Nhà văn Việt Nam qua lại với văn phòng này. Văn phòng đại diện vừa mang dáng dấp chung của một cơ quan văn nghệ lại vừa mang đậm dấu ấn của người đứng đầu. Có đầy đủ các phòng ban tề chỉnh, đủ quân cán và phương tiện làm việc hiện đại. Có hội trường để hội họp và lưu các ấn phẩm của Báo Văn nghệ mấy chục năm qua, có các tác phẩm của các nhà văn xứ Thanh xưa nay với nhiều tranh ảnh ghi nhớ các chặng đường, các sự kiện của Văn phòng đại diện, có hìn

 

h ảnh về thăm và làm việc của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và lãnh đạo các Hội địa phương và lãnh đạo tỉnh qua nhiều thế hệ. Tôi hiện đang lưu giữ được 30 tờ báo Xuân của Báo Văn nghệ từ những năm 70 và lấy làm tự tin mình có của quí, chẳng nhượng bán hoặc biếu tặng cơ quan hoặc cá nhân, nhưng rồi tự giật mình thảng thốt khi được Lê Quang Sinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Nhà văn Việt Nam khoe đã rinh được 39 tập Báo Văn nghệ từ gia tài Kiều Vượng về và mới đây nhất lại kỳ nèo được 14 tập Báo Văn nghệ thường kỳ và báo Văn nghệ trẻ đóng không thiếu một tờ nào của những năm gần đây đưa về lưu trữ ở Bảo tàng Văn học Việt Nam. Sự việc làm tôi suy nghĩ vương vấn muốn thay đổi quan điểm cũ. Kiều Vượng khác chúng tôi là luôn trân trọng gìn giữ những tinh túy của quá khứ và sẵn sàng chia sẻ, thậm chí biếu không nếu nhận ra có người hay có cơ quan giữ tốt như anh, và có khả năng phát huy được khối sản phẩm văn hóa ấy. Chả trách chi không gian Kiều Vượng mấy chục năm qua là chỗ đi về của văn nghệ sĩ Nam Bắc, mỗi lần đi xuyên Việt hay về tham gia Trại sáng tác hoặc đi nghĩ dưỡng tại Sầm Sơn. Anh không chỉ hào phóng đối ngoại mà còn luôn giữ cái tình là sự hướng nội. Đội ngũ dưới quyền được anh chăm sóc cả về tinh thần vật chất đủ độ và cũng yêu cầu họ làm việc mẫn cán, hiệu quả với Tòa soạn Báo Văn nghệ: từ việc viết bài, nhận bài đến việc truyền thông tin và phát hành báo. Mười lăm Nhà văn Việt Nam hiện sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình nên thường xuyên đi về gặp gỡ, giao lưu, đàm đạo thơ phú. Kiều Vượng đưa lại ấn tượng cho người tới đây bằng việc tạo ra không gian ấm cúng như tư gia và lại có cả sự sang trọng nơi công quyền và vẻ thâm nghiêm chốn linh thiêng. Hòn đá trở nên thiêng khi Nguyễn Duy tạc bài thơ “Đá ơi!” và huyền diệu hơn khi Kiều Vượng định vị trong không gian thiêng của Phật pháp. Khu vườn không chỉ có hòn giả sơn đã như không còn giả nữa bởi nước thời gian tắm gội và đàn cá vàng tung tăng bơi lội yên ả trong bể hình bát giác nhiệm mầu của cách bài trí nơi cửa Phật, hồ tụ thủy ấy là nốt nhấn trong khuôn viên và được tôn lên bằng cây nhà theo phong thủy xưa “chuối sau cau trước” và hàng loạt cây dáng thế của lãnh đạo, của bạn văn tặng, doanh nghiệp biếu và bạn đọc cho. Tôi chăm chắm ngắm cây phi lao dáng già nua, u bướu dạn dĩ phong sương mà nhớ tới lời tự truyện của anh: Anh ví mình như cây phi lao trong gió và bão cát, hứng chịu và trung kiên trụ vững trước những quăng quật, thăng giáng, chìm nổi và những tai họa khôn lường của cuộc đời.

Ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là tủ sách của anh. Không phải vì tôi yêu sách mà bị sức hút mạnh mà là sự cảm phục trước sự tích lũy, cất giữ bằng cả tình yêu văn chương và trân trọng các trang viết của bạn văn anh dành tình cảm sâu đậm nuôi dưỡng suốt cuộc đời. Chi riêng các sáng tác của anh với con số phủ kín hai bàn tay (26 đầu sách văn học đủ loại Văn, thơ, truyện ký, bút ký) và hai kịch bản điện ảnh được trao giải nhất, nhì toàn quốc) lên đến hơn bảy ngàn trang đã là điều nể phục. Anh luôn giữ hàng trăm bản sách của từng đầu sách anh viết để tặng bạn bè. Ấy mà nhiều khi chẳng đủ, gần đây anh đã nhờ tôi cho anh mượn lại cuốn thơ đầu tay “Nói với mình” mà tôi yêu thích thơ anh nên giữ được trong tàng thư. Cuốn sách văn đầu tiên anh cũng phải nhờ Thư viện Thanh Hóa mới có cơ hội thấy và chép, in lại. Ông chú tôi – Nguyễn Đình Ngân - người từng giữ Thư viện Bảo Đại dạy rằng: “Ai yêu sách, quý sách là đáng trọng cháu ạ. Vì sách là phần tinh túy nhất của nhân loại để lại. Biết đọc và học theo sách còn quý hơn vì họ sẽ luôn là người tiến bộ và là người giàu có tri thức”- Tôi đem lời dạy đó mà ngẫm mà vận vào những người có hàng nghìn, hàng vạn cuốn sách trong nhà mà thấy sáng tỏ và thêm trân quí, nể trọng. Tủ sách của anh dầy, căng cứng các giá sách, còn thêm nặng là sách của tất cả các nhà văn Thanh Hóa xưa và nay. Không biết có phải vì vậy không mà khi anh làm chủ chuyên mục các nhà văn xứ Thanh trên báo Thanh Hóa đều được anh viết cô đọng súc tích và sống động chân dung của họ. Cuốn sách Nhà văn Việt Nam hiện đại Thanh Hóa cũng được anh cho ra đời làm quà tặng Đại hội Đảng lần thứ XVIII và Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX. Anh lại vừa in tuyển tập ba ngàn trang gồm: Tiểu thuyết, bút ký, thơ và truyện ngắn nhân được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Bộ tuyển tập vừa ra mắt nhiều người phải thán phục. Anh tâm sự rằng: “Cái bệnh hiểm nghèo đeo đẳng không biết được bao lâu nên mình in để lại cho anh em bạn hữu và các cháu thôi mà”.

 

Trí nhớ và nét riêng văn chương Kiều Vượng

Nhà văn Kiều Vượng có thân hình trổ trượng, quắc thước, với khuôn mặt phong trần từng trãi, mái tóc luôn rối bù thi thoảng được anh hất ngược ra sau để lộ vầng trán cao rộng thông minh. Ứng với thể trạng ấy là tính cách mạnh mẽ luôn đi tiên phong. Luôn đi tiên phong phải chăng cũng là nét tính cách người Thanh Hóa. Ở các cuộc họp anh cũng thường là người phát ngôn đầu và luôn đưa ra vấn đề tạo dựng không khí nơi nghị trường. Thường những người đi tiên phong dễ va chạm. Dường như Kiều Vượng chấp nhận va chạm ấy. Anh đã thể hiện với bản chất của một nhà văn như anh từng tuyên ngôn: “Nhà văn sinh ra là để chống mọi thứ cường quyền hắc ám, đặng giảm bớt nỗi khổ đau của con người” (Nơi mẹ đẻ ra tôi). Tôi cũng đồng tình với quan điểm sống nhân văn ấy, va chạm để sinh lửa sưởi ấm đời, như hòn cuội lửa thì nên lắm chứ, va chạm để nhọn lên, để mạnh lên chứ không bị mòn oằn đi. Cứ đứng yên, cứ không làm gì thì quả là vô nghĩa và là kẻ nhạt thếch. Vấn đề anh đưa thường nêu đến độ và tạo ra sức mạnh trong dư luận. Nhớ lần anh đưa ra seri các bài: “Giấc mơ huân chương…” và sau đó các vấn đề lần lượt được giải quyết minh bạch sáng rõ, thỏa đáng. Văn phong của anh không chát chúa, sắc lẹm hay ẩn ý đa ngôn mà anh thường để sự vật kể chuyện một cách tường minh, để khách quan nói lên vấn đề. Cái gốc để làm được việc ấy là anh có trí nhớ tuyệt vời. Trong giới trí thức xứ Thanh anh và họa sĩ Phan Bảo là hai người có trí nhớ thâm hậu nhất theo thiển nghĩ của tôi. Họa sĩ Phan Bảo đọc nhiều sách và đọc là nhớ; sự kiện, nhân vật lịch sử kể như thuộc làu nên thường có cách nhìn biện chứng sâu rộng. Kiều Vượng nhớ nhiều, nhớ lâu và nhớ dai. Minh chứng là có lần đi công tác với lãnh đạo tỉnh ông đã đọc thơ suốt từ khi xuất phát ở Việt Nam cho đến lúc chạm nước bạn Lào. Một lần tôi được tháp tùng anh và thủ trưởng cũ của tôi là anh Lê Trung Sơn - hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP ra Hà Nội tôi đã được uống trà quý, rượu ngon anh thường mang theo và đọc cho chúng tôi nghe tập “Vùng rừng không dân” của Phạm Tiến Duật suốt từ thành phố Thanh Hóa cho tới Hà Nội. Nếu lục bát thì dễ nhưng tập trường ca Phạm Tiến Duật viết với nhiều thể thơ khác nhau. Sở hữu trí nhớ tuyệt vời ấy nên chuyện xưa cũ từ những ngày làm thành viên của Hợp tác xã Vận tải Hợp Long huyện Thạch Thành, những ngày làm nhiệm vụ ở Công ty Vận tải thuyền nan chống Mỹ, hay ngày tham gia thanh niên xung phong mở đường miền Tây xứ Thanh, rồi trên cương vị Bí thư Đảng ủy Đoàn Vận tải Lam Sơn Thanh Hóa trên đất tỉnh Quảng Bình vào những năm bom đạn khốc liệt nhất. Những ngày ở tuyến lửa, những ngày làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến dịch vận tải mang mật danh VT5 do đồng chí Hoàng Anh – Bí thư Trung ương Đảng làm chỉ huy được anh nhớ và dựng lại sinh động, thuyết phục hào hứng như đang xảy ra hiện thời. Tác phẩm: “Dòng sông mượt ánh tóc dài” hay truyện “Đội quân không quân hàm” mỗi chi tiết sự kiện như xoáy vào trí nhớ lay động thức tỉnh người đọc. Tình động đội, tình đồng chí trong khói lửa, trên công trường cứ như còn vẹn nguyên khiến người trong cuộc, khiến bạn đọc không thể cầm lòng, xúc động rơi lệ.

Mấy chục tác phẩm anh viết là mấy chục câu chuyện được anh lưu giữ trong trí nhớ. Nhiều câu chuyện được viết ra từ đòi hỏi tự thân của sự thật lịch sử khách quan và anh chỉ đóng vai trò dẫn dắt hoặc như vị thư ký cứ tuần tự ghi chép lại. Viết và in sách đối với người nặng duyên nợ văn chương như là món nợ, họ tự gánh, tự lo là vậy. Viết “Vùng trời thủng” dường như anh đã trả được món nợ với mất mát sự hy sinh của đồng đội cho cái giá của sự chiến thắng. Miếng cơm manh áo, sự kham khổ tận cùng nơi bìa rừng, chóp núi, bên sự rình rập của bom đạn Mỹ, sự thiếu thốn từng lon gạo, hạt muối, ca nước ngọt, dao cạo râu của nam, vải màn của phụ nữ… được anh miêu tả đến kiệt cùng làm nhói lòng ám ảnh lâu dài tất cả chúng ta trong hạnh phúc hiện tại. Tác phảm là hiện thực còn tươi rói của tháng năm bộ đội, thanh niên xung phong mở tuyến đường lịch sử, tuyến đường tô thắm tình hữu nghị Việt – Lào và cả quảng đời đầu tiên trên đất bạn, mở khu hầm ở căn cứ Sầm Tớ làm thủ đô kháng chiến của bạn Lào. Những sự kiện, những gian khó hiểm nguy thiếu thốn trăm bề, sự hoành hành của muỗi, vắt và căn bệnh sốt rét kinh niên đốn hạ bao đồng đội trên cung đường dài 150 km nối vành đai phía Tây xứ Thanh và vùng phía Đông Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Những người tham gia mở đường thực sự là người chiến thắng, người anh hùng, họ đã vượt lên trên chính bản thân, thắng những yếu hèn, những sợ sệt, muốn rủ bỏ, muốn trốn chạy và cả những tham vọng cuồng tín. Chiến thắng chính mình là sự chiến thắng khó khăn nhất. Phải có tinh thần cộng sản, ý chí cộng sản mới vượt qua được sự khắc nghiệt, thiếu thốn vượt quá mức chịu đựng của con người. Tác phẩm vinh dự được nhận Giảỉ thưởng Văn học Sông Mê Koong. Tin vui nhất là Nhà văn Kiều Vượng được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với tác phẩm “Vùng trời thủng” vừa được trao vào ngày 19/5/2017 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Anh trở thành một trong số những người viết đạt được thành công nhất ở đề tài Thanh niên xung phong và đề tài giao thông vận tải thời chống Mỹ. Tôi đọc tất cả các tác phẩm của anh và thấy yêu nhất, trân trọng nhất là nhân vật Tôi - đôi khi được anh viết ở ngôi thứ ba nhưng vẫn không thể giấu được một nhân vật tôi giàu nghị lực, vươn lên trước mọi thử thách, mọi kiếp nạn, ngay cả “Kiếp nạn cuối cùng”. Kiều Vượng đã có mặt hầu như ở khắp các trọng điểm giao thông bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt. Anh trở thành nhân chứng sống của một “Thời hoa lửa”.

Một nét riêng của Nhà văn Kiều Vượng nữa là việc đặt tên cho tác phẩm. Anh đau đáu trăn trở như con đẻ nên tìm tên thật phù hợp và bật nổi điều mình cần thể hiện. Xin chép ra đây một loạt tên không thể không gây ấn tượng và ghim vào trí nhớ cũng như khát vọng giải mã của bạn đọc: “Nơi mẹ đẻ ra tôi”; “Nói với mình”; “Chở đá lên núi”; “Giấc mơ huân chương”; “Vùng trời thủng”; “Bão không có gió” v.v...

Trong tư cách là một nhà văn, ngay từ rất sớm Kiều Vượng đã dứt khoát lựa chọn cho mình lí tưởng thẩm mĩ cao quý, quyết tâm dấn thân vì sự nghiệp của dân tộc của nhân dân. Tác phẩm văn học và tác phẩm báo chí của Kiều Vượng chứa đựng lòng nhân ái, tình yêu cuộc sống con người, vẻ đẹp biển và người xứ biển cùng những khát vọng vươn tới cái đẹp kiên trì chống lại cái xấu.

Dựng lại chân dung nhà văn là việc khó, tôi chẳng thể nào làm được về anh vì anh lớn hơn và khác thời chúng tôi. Đánh giá về văn chương của anh cũng xin nhượng lại thời gian và bạn đọc, tôi chỉ gom lại chút suy nghĩ bộc trực về anh và những tác phẩm tôi may mắn được tặng và đón đọc say mê.

Con người và văn chương Kiểu Vượng như vỉa quặng ẩn chứa, phô bày bao sự tinh túy, sự phong phú giàu có và cả sự phức tạp, thô ráp. Trước mắt tôi vỉa quặng ấy cần được khai thác khám phá và tìm hiểu, với tôi cần hơn là sự chín muồi của cảm xúc và hiểu biết, học thuật, với kiến thức văn nhiều hạn chế chỉ xin tâm sự đôi điều về anh trong vai bạn đọc yêu sách, mê văn chương, ưa sự giàu có của trang sách.

Nguồn: Văn Nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *