Chân dung văn

22/7
8:05 AM 2017

NHỮNG NÀNG APSARA Ở THÁNH ĐỊA MỸ SƠN

Nguyễn Thanh Tuấn-Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc với khoảng 70 đền tháp được xây dựng trong thời gian khoảng 7 thế kỷ liên tục (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII). Toàn bộ hệ thống kiến trúc của Thánh địa Mỹ Sơn nằm gọn trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km, thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Khu thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa xưa bao gồm nhiều cụm tháp được xây dựng theo cùng một nguyên tắc nhưng có tuổi thọ khác nhau. Ngay sau khi lên ngôi, các vị vua đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy và dâng cúng lễ vật. Để thể hiện lòng thành kính của mình với các vị thần, họ cho xây dựng thêm các đền thờ mới. 20 thế kỷ đã trôi qua dưới sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, hiện nay Mỹ Sơn vẫn còn giữ được gần 20 ngọn tháp, trong đó có một số tháp như: B5, C1, D1... còn gần như nguyên vẹn. Dưới sự trợ giúp của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trên khắp thế giới, sự nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam mà công tác tôn tạo và phục dựng cả phần vật thể lẫn phi vật thể vẫn không ngừng được duy trì và đẩy mạnh. Điều này tạo ra một không gian văn hóa Chămpa đặc biệt, vừa cổ kính, độc đáo nhưng cũng rất gần gũi, lãng mạn.

           

Trải qua 10 năm thực hiện, Dự án“Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn” đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế với nhiều kết quả đáng mừng. Dự án đã khai quật được diện tích 2.500m2 và tìm kiếm được hơn 5.000 mảnh vỡ rồi phân loại thành hơn 1.500 hiện vật. Những hiện vật quan trọng đã được phục chế, trưng bày tại các bảo tàng. Quan trọng hơn cả là dự án đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công chất kết dính tự nhiên từ nhựa cây dầu rái và tái tạo thành công mẫu gạch Chăm cổ dùng để xây tháp.

Trong không gian tôn tạo Thánh địa Mỹ Sơn, người ta thường nhắc tới Kazimiers Kwiatkowski người Ba Lan, vị kiến trúc sư huyền thoại đã dành mọi tâm sức, trí tuệ và tình yêu để tôn tạo, phục dựng quần thể tháp Chăm. Ông đã gắn bó suốt 17 năm cuối đời tại Mỹ Sơn. Mọi viên gạch, đường nét và cây cỏ nơi đây đã trở thành một phần cuộc sống của ông. Điều kỳ diệu nhất mà chúng tôi được nghe những công nhân đang làm việc kể về ông là: trong suốt thời gian làm việc ở đây, ông đặc biệt gắn bó với một cô gái câm người Chăm. Hằng ngày, cả hai cùng không nói nhưng rất hiểu và thân thiết với nhau. Sau này khi lớn lên cô cùng học tiếng Kinh với Kazimiers và hai người bắt đầu trao đổi được với nhau theo cách riêng của họ... Cùng thời gian đó, cô tích cực giúp đỡ đoàn khảo sát gánh nước sinh hoạt và nhiều công việc khác. Tất cả những gì mọi người biết về cô gái chỉ là một cô gái câm, đen đúa, sống trong nghèo đói nhưng vô cùng đam mê và ngày đêm hồn nhiên múa điệu Apsara với đôi bầu ngực trần như truyền thuyết về nàng Apsara được ngọc hoàng cử xuống trần gian.

 Thời gian dần trôi, cô bé câm ngày nào đã thành thiếu nữ say mê múa dưới ánh nắng mặt trời bên những đền tháp cổ kính. Đó là những giây phút diệu kỳ nhất mà Kazimiers có được ở đây. Vì muốn lưu giữ lại giây phút quý giá ấy, Kazic đã âm thầm vẽ bức tranh thiếu nữ múa điệu Apsara... Một lần vô tình nhìn thấy chính mình trong bức tranh của Kazic cất giấu trong lòng tháp cổ với hình hài đen đúa, bộ áo quần tả tơi, ngực trần nhu nhú, nàng đã âm thầm bỏ đi… Từ đó Kazimiers không có đêm nào yên giấc, cứ nhắm mắt lại là ông lại nhìn thấy những vũ nữ Apsara ngọc ngà bước ra từ đá, ngực nhú cao, đôi mắt mơ màng, khuôn mặt và ánh mắt hoang dại, lặng lẽ múa. Khi Kazimiers chuẩn bị thức giấc, nàng lại từ từ biến thành đá bất động.

Kazimiers đến khảo sát và làm việc tại Thánh địa Mỹ Sơn từ năm 1980 nhưng thật không may, vào một lần đi công tác ở Huế, ông đột ngột qua đời do bệnh tim, bỏ dở khát khao phục chế quần thể tháp trở lại hiện trạng ban đầu. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Kazimiers còn cố dặn đi dặn lại các cộng sự của mình rằng: Tôi không thể nào rời xa Mỹ Sơn được. Dẫu là cái chết cũng không thể mang tôi đi khỏi nơi ấy. Hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn! Tôi muốn nhìn thấy cô gái của tôi quay trở về và nhìn thấy mọi người tiếp tục tôn tạo Mỹ Sơn.

Vũ điệu Apsara thường do ba hay bốn vũ nữ thể hiện với mục đích làm cho người xem có cảm nhận các nàng apsara được hồi sinh và bước ra từ các bức phù điêu bằng đá. Các động tác múa chậm, nhẹ nhàng, uyển chuyển đầy huyền bí và mê hoặc với các đường cong duyên dáng, ấn tượng được tạo hình từ các ngón tay, bàn tay, bàn chân… Khi điệu múa kết thúc các vũ nữ giữ tư thế bất động như những bức tượng đá được trùm kín bằng tấm khăn màu cỏ úa lúc mới xuất hiện, mang ý nghĩa trở về với đá, thiên nhiên và con người tan biến vào nhau để trở thành vĩnh cửu.

Trên đường vào thánh địa Mỹ Sơn, nếu để ý chúng ta dễ dàng nhìn thấy một vài lán nhỏ đơn sơ làm bằng cây lá tạm bợ với một người thợ mải mê tạo hình vũ nữ Apsara bằng đá núi Mỹ Sơn. Đặc biệt nhất trong số đó là anh Phạm Ngọc Xuân, người được sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên. Anh cũng có một tuổi thơ hồn nhiên trong bạt ngàn đồi núi, đền tháp và nắng gió hoang sơ. Điều khác biệt duy nhất giữa anh và những đứa trẻ khác là anh không thể diễn tả được bằng lời tình yêu và những cảm xúc của mình với đền tháp cổ và nhất là nét duyên dáng ngọc ngà của những vũ nữ apsara và điệu múa huyền diệu này.

Tình yêu dành cho Mỹ Sơn và vũ nữ apsara ngày càng cháy bỏng khiến cho tuổi thơ anh phải gánh chịu nhiều trận đòn roi nặng nề từ người cha nghiêm khắc và nóng tính của mình. Vì mải mê trong lòng tháp với các phù điêu vũ nữ apsara để lạc mất bò, rồi sợ hãi không dám trở về nhà mà ngủ luôn trong lòng tháp… Những trận đòn đau đớn cứ diễn ra trong thinh lặng, không một tiếng khóc nhưng không làm vơi bớt tình yêu anh dành cho Mỹ Sơn, cho Apsara.

Mẹ của Xuân là một người phụ nữ chất phác nhưng ở bà là sự kết tinh những tinh túy của truyền thống dân tộc và nền văn hóa Chăm. Xuân càng đắm đuối hơn với những ngọn tháp, với các nàng vũ nữ đá trong tháp bằng thứ ngôn ngữ lặng câm của cậu bé chăn bò xưa. Cha Xuân dần hiểu được tình yêu của con trai mình dành cho truyền thống dân tộc - dòng máu đã chảy từ ngàn xưa, qua biết bao đời ông cha, đến ông và bây giờ là đứa con trai câm lặng. Ông quyết định gánh đất, chặt cây dựng một lán nhỏ nằm nép mình phía bên phải đường vào Mỹ Sơn cho con mình say mê khắc tạc dáng hình vũ nữ apsara.

Từ đó, trong Xuân như bừng dậy một sức sống và nghị lực mới. Tuy vẫn sống trong câm lặng nhưng tâm hồn anh trở nên thanh thản, nhẹ nhõm và cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống, yêu mọi người, yêu tất cả mà nhất là yêu Mỹ Sơn và những vũ nữ apsara rất nhiều. Anh làm việc trong say mê bằng tất cả tâm lực và tình yêu của mình. Mỗi khi có khách tham quan, Xuân chỉ ngước nhìn và nở một nụ cười thật hiền, thân thiện như một lời chào thân ái rồi lại đắm mình trong công việc… Những sản phẩm mà anh tạo ra bằng đôi tay khéo léo của mình được đặt ngay trên kệ gỗ trước mặt để tiện cho anh nhìn ngắm nó một cách thỏa thích.

Khách đến đây có thể tự chọn cho mình một sản phẩm làm quà lưu niệm. Điều đặc biệt là chẳng ai phải hỏi giá cả của sản phẩm vì người tạo ra sản phẩm này hoàn toàn bằng tình yêu và khát khao bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc. Mỗi khi một sản phẩm được theo những đoàn lữ khách đi xa là anh cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì hình ảnh, văn hóa của quê hương được nhiều người biết đến. Du khách muốn để lại bao nhiêu tiền tùy khả năng đánh giá giá trị sản phẩm… Xuân vẫn chỉ nụ cười ấy cùng cái cúi đầu cám ơn. Anh không quan tâm tất cả, chỉ đắm đuối nhìn sản phẩm của mình thật lâu, thật đằm thắm thay cho lời từ biệt.

Với sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị vật thể, phi vật thể, các yếu tố tự nhiên, xã hội và con người đã tạo ra một không gian văn hóa Mỹ Sơn vừa mang đặc điểm chung của nền Văn hóa Chămpa vừa tạo ra được những giá trị riêng biệt, độc đáo chỉ có ở Mỹ Sơn – Quảng Nam.

 

Nguồn Văn nghệ số 28/2017

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *