Thời sự văn học nghệ thuật

13/4
10:25 PM 2017

ỨNG XỬ TINH TẾ VỚI NHỮNG TÁC PHẨM CÓ GIÁ TRỊ

Sau nhiều ngày dư luận xôn xao, thắc mắc, ngày 12-4 vừa qua, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp phép phổ biến trên toàn quốc!

Tại sao một bài hát đã được đưa vào sách giáo khoa âm nhạc vì nội dung ca từ giàu tính giáo dục sâu sắc, giai điệu mượt mà, hầu như tất cả trẻ già, trai gái từ Bắc chí Nam đều thuộc nằm lòng và luôn được vang lên trong các buổi sinh hoạt tập thể của những tổ chức đoàn thể quần chúng suốt mấy chục năm qua, nay mới được cấp phép theo con đường “danh chính ngôn thuận”? Theo lý giải của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, cơ quan này đã làm đúng Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP của Chính phủ, vì nhiều năm qua chưa có cá nhân hay đơn vị nào đứng ra xin cấp phép phổ biến ca khúc “Nối vòng tay lớn”!

Xét về lý, cơ quan quản lý nhà nước đã làm đúng chức năng, phận sự của mình. Thế nhưng, nhìn từ góc độ văn hóa, việc để một tác phẩm nổi tiếng đã được cả xã hội thừa nhận, tôn vinh mà nhiều năm qua vẫn nằm ngoài “tầm kiểm soát” của cơ quan quản lý, liệu có nên chăng? Vẫn biết, các nhà quản lý thì luôn đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân muốn công bố tác phẩm của mình phải tuân thủ các quy định luật pháp, nhưng với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã ăn sâu vào trái tim khối óc bao thế hệ, thì việc duy trì quá lâu cơ chế “xin-cho” trong việc cấp phép biểu diễn ca khúc của cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả xã hội như ý muốn chủ quan.

Trước đó không lâu, dư luận cũng rất băn khoăn với hai trường hợp không được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đó là cố nhà thơ Xuân Quỳnh và cố nhà thơ Thu Bồn. Với những tác phẩm văn học xuất sắc đóng góp vào nền văn học cách mạng kháng chiến thế kỷ 20, Xuân Quỳnh và Thu Bồn xứng đáng được nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước. Thế nhưng, do thủ tục, cách làm cứng nhắc của Hội đồng xét duyệt, hai thi nhân này không có tên trong danh sách công bố khen thưởng. Chỉ sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến đề nghị của nhiều nhà văn và công chúng, cơ quan chức năng mới tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để vinh danh hai cố thi sĩ nổi tiếng.

Thực tế cho thấy, muốn quản lý tốt các lĩnh vực của đời sống xã hội thì phải dựa trên cơ sở hiến pháp và pháp luật. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, không một bộ luật, quy định, quy chế nào có thể bao quát toàn diện, đầy đủ và tiên lượng được mọi vấn đề, hiện tượng luôn phát sinh, phát triển trong đời sống vô cùng sinh động, phong phú. Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật vốn rất tinh tế, nhạy cảm nếu cơ quan chức năng muốn làm tròn nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì không chỉ dựa vào những luật lệ, lý lẽ, nguyên tắc cứng nhắc để điều hành, quản lý, mà còn phải có sự mẫn cảm về chính trị và thái độ ứng xử tinh tế, nhân văn với các văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ. Phần lớn văn nghệ sĩ đều có lòng tự trọng, muốn dành trọn tâm huyết, tài năng của mình để sáng tạo những tác phẩm có giá trị phục vụ xã hội, phục vụ công chúng.

Do đó, nếu cơ quan chức năng và người có trách nhiệm vẫn còn tư duy cứng nhắc, chưa chú trọng xây dựng môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sĩ cống hiến, phát huy tài năng, cũng như không chủ động tạo “bệ đỡ” cho tác phẩm có giá trị của họ “cất cánh” bay xa, thì vô hình trung sẽ dẫn tới khoảng cách giữa nhà quản lý và văn nghệ sĩ, đồng thời không tạo động lực thúc đẩy phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như chúng ta mong muốn.

ANH THẢO

(Nguồn: qdnd.vn)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *