Tác phẩm chọn lọc

1/8
9:17 AM 2018

TRANG THƠ CHỌN LỌC CỦA CÁC NHÀ THƠ: NGUYỄN ĐỨC MẬU, TRẦN NHUẬN MINH, BẰNG VIỆT, TRẦN ĐĂNG KHOA

"Phiến đá xưa, Người đứng nhớ quê hương/ Tôi ngồi chơi với đàn chim biển/ Những con sóng còn đây/ Đã chia với Người nỗi đau biệt xứ/ Đã hiểu cả những niềm tâm sự/ Người chưa kịp nói thành lời/ Tôi quỳ xuống, vội sờ vào mặt sóng/ Để nhận ra Người/ Na-dim Hít-mét ơi..."-Trần Đăng Khoa

NGUYỄN ĐỨC MẬU

 

Cánh rừng nhiều đom đóm bay

 

Đêm. Đơn vị dừng chân trong sâu hút cánh rừng. Có giếng nước ai đào dưới lòng suối cạn? Múc nước lên, chúng tôi uống trong cơn khát cháy khô vòm họng. Nước ngọt mát râm ran cơ thể cỗi cằn. Chúng tôi biết đâu trong lòng giếng có xác người chết. Đêm mịt mùng, cánh rừng nhiều đom đóm bay, những sợi mỏng chập chờn như ảo giác.

Tôi rời võng, khoác súng vào phiên gác. Khi bước giữa hàng cây tối đen, tôi vấp phải vật gì mềm nhũn, một mùi tanh lườm lượm xông lên. Có lẽ xác một con hoẵng trúng bom? tôi mệt mỏi nghĩ thầm. Hết phiên gác, tôi ngủ vùi trong võng. Đom đóm rơi đầy giấc mơ của lính. Tôi đang ngủ, đang mơ, tôi nào hay bên những gốc cây bầy mối đọc mòn đêm trên những xác người?

Sáng. Tổ anh nuôi múc nước nấu cơm và hoảng hốt nhận ra xác hai cô gái. Tiểu đội tôi sục vào các hốc đá, lùm cây, tìm thấy xác ba chàng trai nữa. Chúng tôi đắp năm ngôi mộ không ngày sinh, ngày mất, không họ tên, không địa chỉ thôn làng. Nhìn những cuộn dây điện, những chiếc máy bộ đàm im lặng. Chúng tôi đoán họ là lính thông tin bị giặc chặn đường.

Chiến tranh lùi xa, con đường mòn Trường Sơn bao giờ tôi trở lại? Đâu cái giếng nước hòa máu người tôi uống trong cơn khát, gốc cây rào rào bầy mối đục mòn đêm. Đâu năm ngôi mộ vô danh đắp bằng nỗi đau, nước mắt. Nơi cánh rừng nhiều đom đóm bay.

 

Người ngồi trước mộ mình

 

 

Sau bốn mươi năm báo tử. Ông về

Thấy ảnh mình trên bàn thờ

Thấy ảnh mình trên bia mộ

Có phải ông một thời trai trẻ

Phải ông người trong ảnh ngày xưa?

 

Bốn mươi năm

Mẹ cha ông lúc xuôi tay nhắm mắt

Mong nằm cạnh con mình

Mộ ông: chiếc tiểu sành không hài cốt

 

Ông trở về trước mộ cha, cúi mặt

Trước mộ mẹ khấn thầm

Hình hài vẹo xiêu

Tuổi chiều nắng tắt

 

Nấm mộ ông đắp bằng nước mắt

Hương khói tỏ mờ mỗi đận thanh minh

Trước bia đá cỏ xanh

Người phế binh dại ngây khuôn mặt

 

Ông nhẩm nhớ những người đã mất

Một con thuyền trong đêm chiến tranh

Bom rơi đặc trời, máu loang mặt nước

Bao người chết. Chết không tìm thấy xác...

 

Bao người chết. Chỉ mình ông sống sót

Hơn bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc

Người phế binh ngồi trước mộ mình

 

ADN

 

 

Những đứa trẻ cùng giờ sinh, ngày sinh

tháng sinh, năm sinh trong bệnh viện

Đêm chiến tranh. Nhà sập, bom rơi

Có đứa bị trao nhầm cho người mẹ khác

Hai mươi năm, ba mươi năm sau

Khi xét nghiệm ADN, mới biết

 

Đứa bé lớn lên

Bằng giọt sữa, bát cơm, bằng tình thương máu thịt

Nhưng bà mẹ nhận ra

Đứa con không giống mình

Từ khuôn mặt, dáng người, màu da, mái tóc...

Nhiều đêm, cơn mê khác thường, người mẹ không trọn giấc

Ở phòng bên, tắt đèn

Đứa con ngồi nghe tiếng lá khuya rơi.

 

Người mẹ mong tìm ra đứa con ruột của mình

Đứa con mong tìm ra người mẹ ruột của mình

Bao tin đồn sai lạc

Người mẹ ruột ở đâu? Đứa con ruột ở đâu?

Tìm hoài không thấy được...

 

Chiến tranh rồi loạn lạc

Hàng triệu mảnh đời máu thịt chia xa

không bao giờ gặp mặt...

Nhiều sự thật như lưỡi dao nhói buốt

Nhiều sự thật mãi mãi ngủ yên

không lời đáp

Nhiều sự thật cao hơn sự thật:

Trong ngôi nhà bình thường ta gặp

Người không cùng dòng huyết, sống nương nhau...

 

Nỗi đau hằn lên các ngả địa cầu

Trong thế giới quá nhiều bất trắc

Bao kiếp người chìm nổi bể dâu

ADN làm sao thấu được

Cả người sống và người đã chết

Ở chốn trần gian, dưới đất sâu...?

 

 

Quanh quanh hồ Thuyền Quang

 

 

Hồ Thuyền Quang thuở trước

Một cây si già chừng mấy trăm năm

Chùm rễ thời gian xùm xòa mặt nước

 

Một nhạc sĩ già chòm râu trắng cước

Ngồi lặng lẽ nhìn hồ

Chén rượu cạn rưng rưng mắt ướt

Nhớ một thời Trường ca sông Lô

 

Một nhà thơ già ngồi bên cháu nhỏ

Cháu bi bô đủ điều, ông rạo rực chờ nghe

Mây trắng vào mắt ông

Trời xanh tràn mắt cháu

Một đời người thấm thía nỗi xa quê

 

Người nhạc sĩ già và nhà thơ đã khuất

Hồ Thuyền Quang cây si cũ đâu rồi

Nhiều khi đi quanh hồ tôi chợt gặp

Một dáng ai dựa lưng ghế đá

Giống như Văn Cao – người nhạc sĩ già

Một dáng ai đang thong dong dắt cháu

Giống như Tế Hanh nét cười hồn hậu...

Quanh quanh hồ Thuyền Quang

Dòng người nối nhau vòng quay bận rộn

Thoang thoáng mùi hoa sữa báo mùa sang

Ai xưa cũ đang rẽ vào mây trắng...?

 

Đêm trăng New York

 

 

Xe đi về phía ngoại ô

Xa vùng cao ốc nhấp nhô nhà tầng

Có gì nhẹ nhõm bâng khuâng

Ngang trời New York một vầng trăng lên

 

Bồng bềnh trăng trôi bình yên

Vẫn là trăng sáng tự miền quê ta

Vẫn mây bay trắng nõn nà

Trăng tan trăng thấm vào da thịt mình

 

Sông gờn gợn, sóng lung linh

Cây vàng trăng đứng tự tình đong đưa

Đất trời bỗng mộng mơ chưa

Mây bay hay áo ai vừa mới may

 

Xe vào thành phố. Ô hay

Trăng như con thú bị vây bốn bề

Rú lên một tiếng não nề

Rồi chìm lấp giữa cơn mê phố phường

 

TRẦN NHUẬN MINH

 

Mẹ

 

 

Mẹ còng lưng vẫn phải gánh gồng

Nước mắt rơi xuống bát cơm vì thương con

Đứa chết ở bên này, đứa chết ở bên kia

Mà ngôi nhà sinh ra hai con vẫn không thay đổi

 

Không được làm cho mẹ buồn

- Đứa con bên này nói

Không được làm cho mẹ buồn

- Đứa con bên kia nói

Nhưng chúng đều như nhau

để lại nỗi đau cho mẹ

Cho đến lúc mẹ nằm trong quan tài...

Bình Dương 4/2005

 

Biết gửi cho ai...

 

 

Biết gửi nỗi buồn cho ai khi chiều thu tắt rồi

Bóng chiều còn loang trên đỉnh núi xa

Tóc ta bạc, bay lơ phơ trước gió

Mắt ta dường đổ hoa, mắt ta dường đổ hoa...

 

Nỗi buồn này đâu chỉ của riêng ta

Còn của cây cỏ cuối đông, sông nước đầu hè

Lòng ta rộng, bốn bề đều trống trải

Biết lấy cái gì che, biết lấy cái gì che...

 

Ta mang nỗi buồn khi bay lên trời chăng?

Nếu cố thì cũng được

Nhưng trên trời còn lắm nỗi buồn hơn, biết chứa vào đâu?...

Sống đã khổ mà chết thì cũng khổ

Giải thoát ư?

Hi vọng ở kiếp sau, hi vọng ở kiếp sau...

 

Biết gửi cho ai, nỗi buồn thế gian khi chiều thu tắt rồi

Bóng chiều còn vương trên cánh chim xa

Tóc ta bạc bay lơ phơ trước gió

Mắt ta dường đổ hoa, mắt ta dường đổ hoa...

Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, cuối thu 2016

 

 

Nhận biết

Cái Biết nhất đời ta, là ta chả biết gì...
TNM, Vô thức, 2001

 

 

Nhắm mắt lại, tôi mới nhìn thấy cái không nhìn thấy

Núi nhảy múa suốt ngày đêm ở chỗ đứng riêng mình

Đàn chim di cư bay trong vòm ngực em

Và Tiên Dung khỏa thân trên điện thờ

Da thịt nàng sáng như mảnh trăng đêm

 

Bịt tai lại, tôi mới nghe thấy cái không nghe thấy

Tiếng suối chảy róc rách trong một hạt cát

Lời than vãn khôn nguôi của gốc cây non

Những ngôi sao rơi, thét lên trong giông bão

Còn sấm sét thì im lặng đáng sợ

 

Chẳng nghĩ suy gì, tôi mới biết cái tôi không thể biết

Dưới nước có rất nhiều luồng nước, trên trời càng có lắm tầng trời

Các ngôi sao cũng "đi đêm" với nhau, và những "bí mật"

chỉ nhấp nháy thôi, chứ chẳng bao giờ tiết lộ

Trái đất chỉ là "cái đèn cù", bốn mùa liên tiếp đuổi theo nhau

Làm ơn ở đời này, nhận oán ở đời sau...

2016

 

Đêm chờ nghe tiếng chuông chùa Hàn San

 

 

Vẫn biết chẳng có chùa nào thỉnh chuông lúc nửa đêm

Thành Tô Châu, sương ngang trời, quạnh quẽ

Sông ở ngoài kia, ánh trăng trôi lặng lẽ

Tôi vẫn ngồi chờ nghe một tiếng chuông ngân...

 

Tiếng chuông vang trong Phong Kiều dạ bạc[1]

Hơn ngàn năm vẫn vọng giữa lòng người

Nửa đêm rồi... tiếng chuông, tiếng chuông xa văng vẳng

Có ai nghe thấy không, hay chỉ một mình tôi?

 

Trăng xế ngang đầu, lửa chài đã tắt...

Chao ôi tiếng chuông... tiếng chuông diệu kì sao

Tôi thành người của một ngàn năm trước

Bàng hoàng như sống giữa chiêm bao...

 

Sông nước có linh hồn, cỏ cây xanh sắc lá

Thành Tô Châu bay bảng lảng sắc trời

Vẫn nghe thấy tiếng chuông... ánh trăng như sẫm lại

Có ai nghe thấy không?

Hay chỉ một mình tôi?...

Giang Tô, 1914

 

 

Mùa thu đến...

 

 

Mùa thu đến thăm tôi và để lại

Dấu chân vu vơ... những chiếc lá vàng

Và nỗi buồn mong manh tinh khiết

Giữa sắc trắng mây trời bay lang thang

 

Mùa thu ở trong tôi và đánh mất

Mối tình tươi non thuở nảo thuở nào

Em yêu ơi, thôi em đừng thổn thức

Dày vò tôi qua mấy cơi chiêm bao...

 

Mùa thu bỏ tôi đi và vứt bỏ

Bao mộng mơ cuối gió heo may

Tôi chỉ còn một giọt sương lạnh buốt

Đọng không tan... từ tuổi thơ ngây...

Vĩnh Thanh, 2009

[1] Bài thơ của Trương Kế, đời Đường, viết năm 756:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

 

(Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời

Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài

ở trước người đang buồn ngủ

Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San

Tiếng chuông lúc nửa đêm, vẳng đến thuyền khách)

[2] Đức Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vị vua anh minh và thông tuệ bậc nhất triều Trần, hai lần lãnh đạo toàn dân ta đánh thắng giặc Nguyên – Mông, sau đi tu, sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử , mà Người được tôn vinh là Vị Tổ thứ Nhất. Giai thoại trên đây về việc Người trả lời và giải thích cho các môn đệ về Phật, Pháp, Tăng, đã được chép lại nguyên văn như vậy trong sách của môn phái Trúc Lâm.

[3],2 Đỗ Phủ và Lý Bạch - Hai phong cách thơ rất khác nhau ở đời Đường.

[4] Những nhân vật của thơ Trần Đăng Khoa thuở nhỏ.

[5] Những nhân vật của thơ Trần Đăng Khoa thuở nhỏ.

[6] Câu thơ Trần Nhuận Minh, Hoa cỏ cũng là tên tập thơ của Trần Nhuận Minh

 

 

BẰNG VIỆT

 

Một chút bùi ngùi bên biển

 

 

Trống Mái vẫn như xưa

Không ai nói đến lứa đôi bên bờ biển bão...

Những em bé gầy đen đi nhặt cá ven bờ

Tất cả đều dẫm lên những tổ dã tràng và những viên bi vô tận,

Không ai ngạc nhiên trước vẻ đẹp những con sò!

 

Chúng ta biết quá nhiều điều vô ích

Trong cuộc đời vất vả, vội vàng thôi,

Chúng ta chẳng bao giờ đi vòng quanh Trái đất

Dù đôi khi biết vượt quá chân trời!

 

... Thôi em chớ trách anh phút này sao lặng lẽ,

Biển dữ dằn mà gió lại vô tâm...

 

Trống Mái vẫn như xưa! Nhưng có ích gì đâu

những mối tình của đá!

Sóng chưa chạm vào ta mà sóng đã như gầm!...

Sầm Sơn, 1969

 

Ngẫu nhiên và tất nhiên

 

 

Tôi có một con tàu,

Em có một vì sao.

Tôi có một vầng trăng,

Em có ngày nắng ráo.

Tôi có một cơn mưa,

Em có dải rừng xa.

 

*

Tôi đem vầng trăng khớp lại với trời sao,

Đem cơn mưa đặt trước ngày nắng ráo

Đem con tàu chạy qua rừng hư ảo...

 

Và bất ngờ, em nói đến Tình Yêu!

1986

 

Tuổi giữa chừng

 

 

Mưa phùn... Đường bấm chân trơn

Đi qua, nhìn lại màn sương khuất rồi,

Tách mình ra một khung trời

Nửa quên gánh nặng, nửa vơi nỗi buồn!

Trái tim chừng đập mau hơn

Nửa như thấm mệt, nửa còn thanh xuân,

Non xa dừng lại, tần ngần

Nửa phần tiếc nuối, nửa phần đam mê!

Chưa lên chót đỉnh, chưa về

Nửa nhìn chưa thỏa, nửa nghe ngậm ngùi!...

1991

 

Vườn Nhật Bản

 

 

Đá và rêu

Cách ta đã bảy trăm năm

Huyền hoặc và ám dụ.

 

Đá ngồi thiền, thẩm thấu lẽ tử sinh,

Rêu lặng lẽ xuất thế và nhập thế,

Ngỡ nước chảy, mà thực không có nước

Sóng cuội, sóng khô, vô tận, vô cùng...

 

Thanh tĩnh đến mức nghe được chính mình

Vườn ẩn hiện bất ngờ theo nhịp bước.

Những tham, sân si... đã bỏ quên ngoài cổng

Chút ghen tỵ hóa công cũng rơi nốt dọc đường.

 

Cỏ hữu hạn xanh veo thành bất tử

Lòng hoàn nguyên rửa sạch với thinh không!.

1997

 

Rượu của Nguyễn Cao Kỳ

 

 

Vị Thiếu tướng Công an cầm chai rượu ra bàn

- "Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng".

Mọi người đang vui, gật gù bảo "Uống"

Nhưng một người bảo "Không!".

 

Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!

Whisky Mỹ hay vodka Nga, giờ có mặc cảm gì,

Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ

Đây là chén rượu thăm quê

của tướng Nguyễn Cao Kỳ!

 

Nhưng vẫn có một người không chịu uống!

 

Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư!

Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều

cựu chiến binh cả chứ,

Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử,

Sống đến hôm nay, đâu còn để hận thù?

 

Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?

Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa?

Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ,

Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...

 

Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống

Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì...

 

Và bữa rượu, bỗng dưng thành đắng đót

Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!

2007

 

Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm giảng thiền[2]

 

 

Một vị tăng hỏi bậc chân tu: "Bạch Thầy,

thế nào là Phật?"

Người đáp: "Chấp theo lối cũ là không đúng!"

Lại hỏi: "Thế nào là Pháp?"

Người đáp: "Chấp theo lối cũ là không đúng!"

Hỏi tiếp: "Vậy thế nào là Tăng?"

Người phủi tay, cười: "Chấp theo lối cũ

là không đúng ! ".

 

*

Bảy trăm năm sau, tôi hành hương lên Yên Tử

Đêm - nằm mơ thấy Phật.

Nhớ chuyện xưa, bèn hỏi: "Bạch Thầy, việc đời

thế nào là đúng?"

Người ngậm ngùi: "Chấp theo lối cũ là không đúng!"

Lại hỏi: "Thế nào là hạnh phúc trần ai?"

Người bèn cười to: "Chấp theo lối cũ là không đúng!"

Hỏi tiếp: "Vậy thế nào là Thơ?"

Người lại phủi tay: "Chấp theo lối cũ

là không đúng! ".

2008

 

 

TRẦN ĐĂNG KHOA

 

 

Qua Bôrôđinô*

 

 

Trời lặng lẽ yên bình

Mưa tuyết bay lất phất

Người thắng với kẻ thua

Giờ đều thành bụi đất

 

Bóng quạ chao nhao nhác

Trên chiến trường năm nao

Hoàng hôn rờn rợn cháy

Sắc lửa thời binh đao

 

Đâu khói đạn chiến hào

Rừng bạch dương xao xác

Sắc trời huyền diệu Nga

Chụp xuống tàn quân Pháp

 

Những nỗi niềm khao khát

Bay mờ chiều tuyết giăng

Hay hồn người chết trận

Còn hiện về đây chăng?

 

Tuyết vẫn rơi không tiếng

Trắng muốt dưới gót giầy

Như chẳng hề có máu

Chảy đầm đìa nơi đây

 

Bao vinh quang muôn thuở

Bao máu xương một thời

Giờ thành trò tiêu khiển

Cho bầy trẻ con chơi...

1989

 

Đêm trắng

Tặng bạn bè xa xứ

 

 

Đêm trắng lạnh, có một người không ngủ

Nhớ quê hương mà chẳng thể trở về

Ngoài cửa sổ cây bạch dương biết thế

Trổ lên trời xanh biếc đoá trăng quê...

1992

 

 

Với bạn

Tặng bạn Văn

 

 

       Nào ta cạn chén đi anh

Đời người mấy chốc mà thành cỏ hoa

       Biết bao thành luỹ quanh ta

Nhắp đi, ngoảnh lại đã là khói sương  

       Nói gì đến chuyện văn chương

Cánh chim trong bão. Con đường không ga...

 

       Cái thời ríu rít đã qua

Ngày mai còn lại biết là mấy ai?

       Nhấp nhô toàn những thiên tài

Cuối cùng thơ vẫn ở ngoài tầm tay     

       Giữ gìn những gió cùng mây

Đã là mây gió thì bay về trời   

       Viết sao cho hết niềm người

Uống sao cho cạn nỗi đời đắng cay

            Thì thôi còn một chén này

Rồi ra mỗi đứa lưu đày mỗi phương...

Matxcơva 2.1992

 

 

Gửi bác Trần Nhuận Minh

 

 

Bỏ làng ra thành phố

Hai anh em thợ cày

Thân cũng như hoa cỏ

Hồn gửi vào gió mây

 

Người bảo bác theo Đỗ[3]

Em phải học Lý2 thôi

Bác đã bay dưới đất

Em đành đi trên giời

 

Bác âm thầm chìm nổi

Cùng kiếp người lang thang

Em lông nhông bầu bạn

Với kiến đen chó vàng[4]

 

Bao nhiêu là giun dế[5]

Đã khiêng vác em lên

Tên tuổi em xủng xoảng

Những mõ ran trống rền...

 

Bác làm bông lau ngàn

Thả hồn vào hoang vắng

Khi buồn thì hát ca

Lúc vui thì im lặng

 

Em quẩy bầu trăng gió

Bác gánh bao nỗi người

Sóng đôi mà đơn độc

Đi mang mang trong đời[6]

 

Giờ thì em đã chán

Những vinh quang hão huyền

Muốn làm làn mây trắng

Bay cho chiều bình yên

 

Trả niềm vui cho cỏ

Trả nỗi buồn cho cây

Lại áo tơi nón lá

Ta về với luống cày

 

Đất trời thì chật hẹp

Làng quê thì mênh mông

Thung thăng em với bác

Ta cưỡi thơ ra đồng...

1998

 

Đến Vác-na nhớ Na-dim Hít-mét

 

 

Tôi đứng bên này Hắc Hải

Bên kia là xứ sở Người

Na-dim Hít-mét ơi

 

Đất quê nhà, Người thương nhớ khôn nguôi

Vẫn khuất mù. Chỉ nước trời thăm thẳm

Đi đày là một nghề gay lắm

 

Mảnh đất xưa, nơi Người đứng gọi con

Người chỉ nghe tiếng Người vọng lại

Giờ xập xòe những ô xanh, ô trắng

Bao người cha dắt con ra bãi tắm

Tiếng họ cười vang

Hắc Hải trôi qua và chẳng hề ngừng

 

Phiến đá xưa, Người đứng nhớ quê hương

Tôi ngồi chơi với đàn chim biển

Những con sóng còn đây

Đã chia với Người nỗi đau biệt xứ

Đã hiểu cả những niềm tâm sự

Người chưa kịp nói thành lời

Tôi quỳ xuống, vội sờ vào mặt sóng

Để nhận ra Người

Na-dim Hít-mét ơi...

 

Tôi muốn được làm một con sóng nhỏ

Vỗ sang bờ bên kia

Khẽ chồm lên chân thềm đá nhà Người

Căn nhà ở Xtăm-bun

Con voi gỗ vẫn ôm Mơ-mét ngủ

Và nhà tù. Tuyết suốt đêm rơi...

 

Ơi mảnh đất cách chia

Mãi đến lúc chết rồi, Người mới được gặp lại

Cũng không phải Người đâu, chỉ là một con tàu

Con tàu mang tên Na-dim khẽ cọ mạn vào đất quê hương xứ sở

Nghe nỗi sầu muôn đời thành sóng, vỗ trái tim đau

 

Hắc Hải trôi qua và chẳng hề ngừng

Nhớ Na-dim, tôi lại về Hắc Hải

Tôi đi dưới vòm xanh, mênh mông nắng trải

Thấy nỗi đau xưa của Na-dim dường như vẫn chưa tan

Khắp thế gian này

Bao quê hương còn cách chia, bao cha con còn cách trở

Nên tiếng Người gọi con mãi mãi còn vang

- Mơ-mét ơi! Mơ-mét

Mơ-mét ơi!

Mơ-mét...

 

.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *