Chuyện văn chương

3/3
9:58 AM 2018

SỰ MẶC CẢM “NHÀ QUÊ” TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Lê Hoài Nam (Tham luận Hội thảo đổi mới tư duy tiểu thuyết)-Cách đây mấy năm, trong một quán ăn, vô tình tôi bắt gặp một cây bút nữ, chưa nổi danh lắm, đang ký vào cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình tặng một nhà lý luận - phê bình. Nhà phê bình này còn trẻ nhưng đã để râu ria xồm xoàm, ông cầm cuốn tiểu thuyết lên ngắm nghía, lật mở nhìn lướt một số trang, rồi ông phán: “Thời này là thời nào rồi mà chị còn viết kể lể, chấm xuống dòng gạch đầu dòng, ngoặc đơn ngoặc kép thế này?”.

                                      Toàn cảnh hội thảo-ảnh Hữu Đố

Cây bút nữ đang chập chững bước vào văn chương nên không dám cãi. Được thể, nhà phê bình liền lên lớp cho chị, rằng tiểu thuyết Việt Nam sinh sau đẻ muộn, so với văn chương thế giới, tiểu thuyết của chúng ta chỉ giống như một đứa trẻ nhà quê gầy còm, ngô nghê; sứ mệnh của những nhà tiểu thuyết đương đại là phải nhanh chóng làm cho đứa trẻ ấy lớn lên, trưởng thành, trở thành một người có vóc dáng, có trí thức hẳn hoi. Thấy nữ nhà văn có vẻ lắng nghe, nhà phê bình khuyến cáo: Không còn con đường nào khác là phải đổi mới! Hãy viết như những nền văn chương tiên tiến nhất của nhân loại.  Rồi nhà phê bình tiếp tục giảng cho nữ nhà văn thế nào là tiểu thuyết không cốt truyện, tiểu thuyết dòng ý thức, tiểu thuyết phản tỉnh, tiểu thuyết xám hối, tiểu thuyết giải thiêng, tiểu thuyết huyền ảo…Tóm lại, gọi chung bằng cái tên tiểu thuyết Hậu Hiện Đại!

Tôi biết, các loại tiểu thuyết mà nhà phê bình đang nói đến xuất hiện chủ yếu ở châu Âu từ nửa đầu thế kỷ hai mươi. Sự xuất hiện của nó là có căn nguyên xã hội: chỉ trong vòng hơn hai thập kỷ loài người phải hứng chịu hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp mà tâm điểm của vòng xoáy là châu Âu. Sự phi nhân tính lên ngôi. Con người bị đối xử tàn bạo, bị giết hại một cách man rợ, mạng sống rẻ rúng không bằng mạng súc vật. Con người mất niềm tin vào con người, đổ vỡ lý tưởng, hoài nghi sự tồn tại của kiếp người. Con người cô đơn ngay giữa đồng loại. Hiện thực này cộng hưởng với đặc tính luôn luôn có khuynh hướng đổi mới của văn học; nhận thấy một mình nền văn chương hiện đại (mang tính thừa kế nền văn học cổ điển) không còn đủ sức chuyển tải những thông điệp đa diện, đa chiều, đa thanh của cuộc sống nữa nên dòng văn học hiện sinh – phi lý đã ra đời; rồi một số dòng văn học khác (như đã kể trên)  đua nhau xuất hiện. Từ châu Âu nó lan sang các châu lục khác. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, rất nhiều nhà văn ở châu Âu, châu Mỹ - La tinh, Nhật Bản, Trung Quốc… đã khai thác, cày sới hiện thực, sáng tác bằng các dòng văn học này, đến nay nó không còn mới mẻ nữa, nhưng một số nhà văn Việt Nam vẫn rất ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ muộn mằn này không hề có lỗi bởi cũng có căn nguyên xã hội: chúng ta mới thoát ra từ hai cuộc cuộc chiến tranh khốc liệt, bước vào công nghiệp hóa – đô thị hóa với rất nhiều thành công và hệ lụy. Con người được ăn sung mặc sướng, xe cộ, ti vi, tủ lạnh đầy nhà, nhưng cuộc sống lại bị đe dọa từ nhiều phía: ô nhiễm môi trường, đạo đức xuống cấp, tình người khô cạn, tư tưởng sống gấp xuất hiện ở mọi tầng lớn, lứa tuổi… Nếu như văn học Việt Nam có hình thành một trường phái hậu hiện đại muộn hơn phương Tây vài chục năm thì cũng là hợp quy luật, vấn đề là ở chỗ nó thừa kế phương Tây thế nào, nó bắt chước, rập khuôn hay có những phát kiến mới mẻ, nó đánh thức nhân tính, chắp cánh cho con người hay hủy hoại nhân tính, dẫn dắt con người đi đến ngõ cụt, bơ vơ!?

Nhà phê bình mà tôi đang nói đến và một số người cùng chí hướng tự xếp mình vào trường phái “cấp tiến” trong văn chương, thì có sao, miễn là họ không phủ định những trường phái khác. Đằng này, một số người cứ làm như cái túi càn khôn của văn chương thế giới đều đã nằm gọn trong  đầu của họ cả rồi. Họ luôn muốn đi tiên phong, trong vai trò là người dẫn đạo. Ai viết khác họ là họ lắc đầu, chê bôi, xổ toẹt liền. Theo tôi, một nền văn học giống như một khu vườn nhiều loài hoa trái, mỗi cây mang một dáng vẻ, hồn cốt khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, tôn vinh nhau làm nên sự đa dạng. phong phú, tráng lệ. Một nền văn học mà chấp nhận nhiều trường phái, đa phong cách, mỗi trường phái, mỗi phong cách đều được phát triển lên tầm cao, đẩy đến tận cùng sáng tạo, đó mới là nền văn học lành mạnh, khỏe khoắn, trưởng thành (đương nhiên, chúng ta chỉ không bao giờ chấp nhận trường phái vong bản, chống lại tổ quốc, nhân dân, làm phương hại thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam). Anh khư khư bảo vệ tôn vinh một trường phái, không chấp nhận sự khác mình thì vô tình anh đã cổ súy cho các nhà văn đi theo  mình viết giống nhau; và đó cũng là một dạng  độc tài, mang tính kìm hãm. Thế mà nhà phê bình đầy tư tưởng độc tài nọ từng được mời giảng dậy nhiều tiết ở Khoa Văn của một vài trường đại học danh tiếng. Hèn nào sinh viên của anh ta ra trường, không ít người viết truyện ngắn, tiểu thuyết, khi mô tả các nhân vật đối thoại với nhau không thấy chấm xuống dòng gạch đầu dòng, không thấy các câu nói đặt trong ngoặc kép. Những trang văn của họ, dù trần thuật hay mô tả, đối thoại hay độc thoại cứ tuôn chảy đều đều trên trang giấy, chỉ cách nhau một dấu chấm câu, thậm chí một dấu phảy, có khi câu này không ăn nhập với câu kia, rời rạc, ông chằng bà chuộc, khiến người đọc không thể đọc liền mạch, thỉnh thoảng cứ phải dừng lại mà suy đoán, nhận diện. Cố đọc cho hết thì vỡ nhẽ: những tác phẩm ấy chẳng có hàm chứa tư tưởng gì mệnh hệ, lớn lao; chẳng mang thông điệp gì mới mẻ, hữu ích với con người; chỉ thấy những triết ký vụn vặt, ngạo mạn vô lối, tình dục nhàm chán… được chuyển tải bằng thứ văn chương rối tinh rối mù, càng đọc càng nản, đành bỏ giữa chừng không thể đọc nữa. Hầu như người viết loại văn chương này không quan tâm lắm đến quyền lợi của độc giả, thậm chí họ còn ngộ nhận rằng văn chương của họ cao siêu, chỉ viết cho một số ít bạn đọc tinh túy thưởng thức, còn tác phẩm mà có số đông bạn đọc đón nhận là thứ văn chương dành cho đám đông, là thứ văn chương hàng chợ, không đáng để họ quan tâm. Không ít người ngưỡng mộ phương Tây một cách triệt để, cái gì của Tây cũng có giá trị, sang trọng, cao vời; cái gì của Việt Nam cũng thấp bé,  kém cỏi, ngây ngô,vớ vẩn, nhà quê, cần phải khai hóa. Một số người khi viết còn mượn cả ý tưởng, kết cấu, tình tiết, thậm sao chép câu văn trong tác phẩm của Tây rồi đánh bóng mạ kền cho đỡ mang tiếng là kẻ đạo văn.

Không chỉ các cây bút trẻ, một số nhà văn đã thành danh cũng bị cuốn vào không khí ngưỡng vọng văn chương hậu hiện đại phương Tây. Có những vị ngồi ghế hội đồng nọ kia hẳn hoi, vậy mà cứ đọc thấy tác phẩm mà văn phong thuần Việt là thờ ở, ghẻ lạnh, liền gạt sang một bên; thấy tác phẩm văn Tây Tây là vồ lấy khen rối rít. Thậm chí có tác phẩm dùng loại văn nửa mỡ nửa nạc bắt chước văn “hậu hiện đại” phương Tây để  xuyên tạc lịch sử, ca ngợi kẻ theo giặc, phản dân hại nước, các vị hội đồng này vẫn bảo vệ bằng cách khen văn hay, viết giỏi!

Để tránh hiểu nhầm, khái niệm “thuần Việt” mà tôi đang dùng, xin thưa rằng nó chỉ mang tính tương đối, bởi thực ra văn hóa nói chung, văn chương nói riêng có tính giao thoa, kế thừa, tương tác giữa các quốc gia, châu lục. Không có quốc gia nào đóng cửa về văn hóa mà lại sinh ra một nền văn học lớn cả. Kiến văn của anh được bồi đắp từ những đâu sẽ phụ thuộc vào thẩm mỹ, sở trường sở đoản của anh, miễn là khi viết, anh không quay lưng lại những vấn đề lớn của thời đại, của đất nước, của dân tộc, của con người Việt Nam và cách hành văn của anh phù hợp với thẩm mỹ của người Việt Nam thì văn chương ấy, tôi gọi là mang giá trị “thuần Việt”. Cũng tránh bị tai tiếng là kẻ bài xích văn học hậu hiện đại phương Tây nên tôi thấy cần mạn phép tiết lộ chút xíu rằng: các bậc tổ sư của văn học hậu hiện đại phương Tây như  Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky, Fran Kafka, Marcel Proust, Gabriel Garcia Marquez, Jean Paul Sartre, Albert Camus…tôi đều có đọc mỗi tác giả một vài cuốn, đủ để tôi  yêu thích, ngưỡng mộ họ thực sự chứ không nản lòng như khi đọc một số nhà văn hậu hiện đại của ta.

Bấy nay quan sát cuộc sống, tôi chiêm nghiệm một điều rằng, phàm con người ta thiếu cái gì thì luôn khao khát có cái đó. Những nhà văn đang ngưỡng vọng văn học hậu hiện đại phương Tây quá mức lại chính là những người ít kiến văn về văn học phương Tây nhất. Ngày xưa, ông Vũ Trọng Phụng, ông Nam Cao đích thị là dân Tây học; tiếng Pháp đủ để hai ông giao dịch với người Tây, tác phẩm của nhiều đại văn hào phương Tây không hề xa lạ với hai ông, nhưng khi viết hai ông chẳng để lại tí dấu vết phương Tây nào trong tác phẩm. Mỗi người một phong cách, không thể lẫn với nhau, nhưng văn chương của hai ông đều thuần Việt. Những điều hai ông đặt ra trong tác phẩm là những vấn đề mang tính cốt tử, hưng vong của xứ xở hình chữ S. Nhân vật của hai ông là người Việt, mang cốt  cách Việt. Không những thế, nhà văn Vũ Trọng Phụng còn công khai công kích, chế nhạo cái bọn rởm đời vị Tây, học mót Tây một cách sống sít, trơ trẽn như Xuân Tóc đỏ, Phó Đoan, Typn...

Sinh ra ở một xứ xở nông nghiệp, còn mang nặng tính cát cứ, lạc hậu, chúng ta mang mặc cảm về sự yếu kém, về cái chất “nhà quê” đâu có gì là xấu, nhưng chúng ta mang nỗi mặc cảm về sự yếu kém để rồi chúng ta biết cách học tập các quốc gia tân tiến hơn, trên nhiều lĩnh vực, đó là xu hướng tất yếu mà những quốc gia có điểm xuất phát thấp muốn phát triển cần có. Trong kinh tế cũng vậy. Nhìn sang Nhật Bản, khi  Minh Trị Thiên Hoàng bắt đầu phát động công cuộc canh tân đất nước thì hàng loạt các lĩnh vực như xe cộ, điện tử, viễn thông… họ đều học từ các nước phương Tây. Chiếc xe ô tô họ học theo cách chế tạo xe của người Đức, người Pháp, nhưng khi đưa bản thiết kế kỹ thuật về sản xuất tại Nhật Bản thì chiếc xe ra đời nó đã mang kiểu cách riêng của Nhật Bản. Những chiếc vô tuyến, đài bán dẫn cũng học từ Hà Lan, nhưng khi Nhật Bản sản xuất nó còn được cải tiến, nâng cao, mang tính ưu việt hơn hẳn nơi khai sinh ra nó. Như vậy Nhật Bản học phương Tây chứ không bắt chước phương Tây. Bắt chước là rập khuôn nguyên bản. Còn học nghĩa là tiếp thu có chọn lọc, vừa tiếp nhận vừa đào thải. Trong văn hóa nghệ thuật, người Nhật cũng học theo cách ấy. Về Văn hóa, Nhật Bản là một quốc gia học phương Tây rất toàn diện. Thậm chí người Nhật còn phát động một công cuộc Thoát Trung, nghĩa là thoát khỏi cái nguồn cội văn hóa Trung Hoa từng chi phối văn hóa Nhật hàng ngàn năm, để học phương Tây một cách quả cảm hơn, rốt ráo hơn, triệt để hơn. Nhưng càng học Tây thì người Nhật lại càng biết làm giầu có hơn cái bản sắc dân tộc mình. Trong văn chương, so với những nhà văn cùng thời, còn ai học phương Tây một cách nghiêm cẩn, trọng thị  hơn Kawabata Yasunari? Ông đọc và ngưỡng mộ rất nhiều văn hào của phương Tây, nhưng bạn hãy đọc các tiểu thuyết Tiếng rền của núi, Xứ Tuyết, Ngàn cánh hạc, Người đẹp say ngủ…của ông thì chẳng thấy dấu vết phương Tây đâu cả. Viện hàn lâm Thủy Điển trao giải Nô-ben cho Kawabata (1968) bởi những tác phẩm của Kawabata mang bản sắc tuyệt mỹ Nhật Bản, như Diễn văn của Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc trong lễ trao giải: "Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người…”.

Chúng ta đều biết, nếu không có cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì Nguyễn Du sẽ không thể sáng tác ra Truyện Kiều. Nhưng các bạn hãy đọc kĩ thì sẽ thấy Kim Vân Kiều truyện chỉ là một ấn phẩm văn xuôi tầm tầm, dưới trung bình, lẫn vào hàng trăm cuốn ngôn tình khác của Trung Hoa, còn Truyện Kiều thì rõ ràng là một kiệt tác văn chương. Đọc Truyện Kiều xong, chúng ta quên ngay Kim Vân Kiều truyện. Như vậy, Truyện Kiều có ảnh hưởng cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện thật nhưng  nhân vật, ngôn ngữ, văn chương, giá trị nhân bản thì đã được Nguyễn Du sáng tạo và nâng lên một tầm cao hơn hẳn. Các dịch giả nước ngoài cũng hiểu như vậy nên Truyện Kiều đã được chuyển ngữ sang rất nhiều quốc gia, và đương nhiên họ đều thừa nhận đó là một kiệt tác văn chương của người Việt.

Nếu chúng ta ngưỡng vọng văn chương hậu hiện đại phương Tây mà chúng ta làm được như Nguyễn Du: viết hay hơn, sáng tạo hơn tác phẩm gốc thì cũng nên làm. Nhưng rất tiếc, một số tiểu thuyết của chúng ta bắt chước văn học hậu hiện đại phương Tây chỉ là một thứ bán thành phẩm, một thứ hàng nhái kém cỏi. Trớ trêu thay, một số ít tác phẩm loại này (cả truyện ngắn và tiểu thuyết) còn được trao giải thưởng này nọ, được một số phương tiện truyền thông tung hô. Điều đó càng khích lệ những tác giả của nó tự huyễn hoặc rằng mình đang có vai trò khai phóng, canh tân nền văn chương đương đại Việt Nam. Còn những tác phẩm viết theo lối thuần Việt thì bị ghẻ lạnh, ngày càng yếm thế, dẫn đến ít dần đi, nhất là những tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn hầu như đã vắng bóng trên văn đàn.

Chẳng nhẽ những vấn đề của xã hội Việt Nam, con người Việt Nam bây giờ không còn sức hấp dẫn các nhà tiểu thuyết? Theo tôi, hoàn toàn không phải như vậy. Xã hội Việt Nam hơn ba thập kỷ qua đã mở cửa, hòa nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Chưa bao giờ con người Việt Nam được tự do bộc lộ cái tôi như bây giờ. Cái đẹp đẽ cũng được thể hiện hết tầm; cái xấu xa cũng được phơi bày hết cỡ. Có cả cái tốt nằm trong cái xấu; cái xấu đan cài với cái tốt. Mọi cung bậc tham, sân si, ái, ố, hỷ, nộ… đều được bung phá mạnh mẽ. Cuộc sống phồn tạp sinh ra, hình thành nhiều dạng nhân vật rất góc cạnh, mới mẻ cho tiểu thuyết khám phá. Rất nhiều giá trị nhân văn, nhân bản mang sắc thái của thời kinh tế “Bốn chấm không” đang cần tiểu thuyết khái quát. Đề tài lịch sử Việt Nam, do những đặc thù riêng mà nhiều vấn đề hãy còn khuất lấp, cũng đang rất cần sự khám phá, sáng tạo của nhà tiểu thuyết. Vấn đề còn lại là ở người viết. Nếu nhà văn có cái nhìn thật khách quan, biện chứng; có cái  tâm thật trong sáng với đất nước và con người Việt Nam, có tình yêu mãnh liệt với quê hương xứ xở, tôi nghĩ sẽ sáng tạo ra những tiểu thuyết hay và lớn chứ chẳng cần phải vay mượn ở đâu cả. Khi nội dung đã hay thì tự nó cuốn hút người đọc dù hình thức của nó là cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại.

                        Thị trấn Liễu Đề, những ngày áp tết Nguyên Đán 2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *