Chuyện văn chương

27/3
10:12 AM 2017

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: NAM HÀ VỚI MỘT THỜI CHIẾN TRƯỜNG SỐNG VÀ VIẾT

Ngô Vĩnh Bình-Quán triệt nghị quyết Trung ương lần thứ 15 về chuyển hướng cách mạng miền Nam, ngay từ những ngày đầu năm 1963, tạp chí Văn nghệ Quân đội đã được Tổng cục Chính trị giao một nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn, bồi dưỡng những cây bút có khả năng và điều kiện đi chiến trường - “đi B”.

              Nhà văn Nam Hà (giữa) trong một lần đi lấy tư liệu ở một đơn vị chiến đấu. Ảnh TL

 

Sau chuyến đi của nhà văn Thanh Giang, nhà thơ Thu Bồn...là chuyến đi của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi –Nhà văn, Liệt sĩ,  Anh hùng LLVTND), Nguyên Ngọc... Đây là những nhà văn đi B. đầu tiên. Tiếp đó, lần lượt là những chuyến đi “B dài” của Văn Phác (Tám Trần - Chủ nhiệm Tạp chí VNQĐ, sau từng đảm nhiệm các chức vụ Thiếu tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa), Nam Hà (Trúc Hà), Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân), Lưu Trùng Dương...- những nhà văn sau này là yếu nhân của các tờ tạp chí Văn nghệ Quân Gỉải phóng và Văn nghệ Quân Gỉải phóng Trung Trung bộ và Hội Văn nghệ Giải phóng. Tiếp nữa, các chuyến đi “B ngắn’’ của Hữu Mai, (Trần Mai Nam), Phạm Ngọc Cảnh (Vũ Ngàn Chi), Xuân Sách (Lê Hoài Đăng), Xuân Thiều (Nguyễn Thiều Nam), Hồ Phương (Hồ Huế), Nguyễn Khải, Triệu Bôn, Thanh Tịnh, Hải Hồ, Nguyễn Minh Châu...

  

 Trong số những nhà văn ra trận bấy giờ nhà văn Nam Hà là một một nhà văn gắn bó với nhiều chiến trường nhất, bám trụ chiến trường lâu nhất và cũng có nhiều trang viết về chiến trường nhất. Ông tên thật là Nguyễn Anh Công, những ngày mới viết văn lấy bút danh là Trúc Hà. Khi đi chiến trường B ký là Nam Hà với nghĩa Hà (Trúc Hà) ở phương Nam. Con trai ông cũng đặt là Phương Nam, Xem thế, đủ thấy với ông chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ có ảnh hưởng lớn thế nào. Ảnh hưởng không chỉ với đời văn là cả cuộc đời ông.

     Rời Hà Nội, năm 1963, năm 1966  ở  Khu 6, ông viết bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!” với những câu thơ bất hủ: Đất nước/ Của những người con gái, con trai / Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép / Xa nhau không hề rơi nước mắt / Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt...”. Sau chừng nửa năm, một đêm trong rừng Bình Thuận, mở đài nghe buổi tiếng thơ, thì đúng lúc nghệ sĩ  Linh Nhâm đang ngâm bài thơ . Và phải mãi sau này khi  ra Bắc ông mới biết bài thơ lần đầu được đăng trên báo Nhân Dân!  

     Ở chiến trường Khu 6 ác liệt, ngoài bài thơ “Chúng con chiến đấu”, Nam Hà còn viết các tập:  Gió vịnh Cam Ranh (truyện ký, Nxb Gỉải phóng. 1969), Trên chốt thép (Ký sự, Nxb Giải phóng, 1974) Trở lại Bác Ái (Truyện ký, Nxb Giải phóng, 1975), Khi Tổ quốc gọi lên đường (Thơ, Nxb Gỉải phóng, 1975), Mùa rẫy (Truyện dài, Nxb Thanh niên, 1978)... - những tác phẩm  đã tái hiện không chỉ cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân Khu 6 trong giai đoạn Chiến tranh Cục bộ, giai đoạn mà cả thế giới đều lo lắng, hồi hộp không biết Việt Nam có đứng vững trước sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ hay không,  mà còn là tài liệu sống động về “lao động của nhà văn” một thời!.

       Tuy nhiên, phải khi vào chiến trường miền Đông - Nam Bộ ông mới có điều kiện (thời gian, vốn sống và môi trường) để viết những tác phẩm dài hơi và đồ sộ, trong đó có bộ “Đất miền Đông” nổi tiếng.

    “Đất miền Đông”  là bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ gồm 3 tập, tồng cộng 2.218 trang của nhà văn Nam Hà. Bộ sách được tác giả viết trong 10 năm, từ 1978 đến 1987 và vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in trọn bộ (2014). Bộ sách nằm trong chương trình tôn vinh những tác giả có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật gai đoạn từ 2001 đến 2012. “ Đất miền Đông” là tác phẩm đã được Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 5 năm (2004 -2009) và Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

     “Đất miền Đông” gồm 3 tập, 4 quyển. Tập 1 mang tựa đề Cuộc chiến đấu trên đường 13. Tập 2, Mùa xuân đến sớm. Tập 3, Đường về Sài Gòn, gồm 2 quyển; quyển1: Cơn ác mộng; quyển 2: Sáng Tháng Tư.

    Bộ tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh 1972-1975; là sự tái hiện một cách trung thực nhất, rõ nét nhất những diễn biến trong tháng 4/1975 ở trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

     “Đất miền Đông”  bộ tiều thuyểt khắc họa lại chiến tranh tranh theo kiểu sử thi. Những trang viết của tảc giả đã làm sống lại những năm tháng chưa xa của lịch sử với những bước ngoặt trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước thởi gian và không gian được mở rộng dần. Từ những chuyện xảy ra trong chiến tranh ở một đơn vị, rồi rộng ra đến cả một vùng chiến sự, cả một vùng đất, một mặt trận ... Quy mô của bộ tiều – dần lên tầm bao quát cả một thời chiến trận bi hùng của dân tộc của đất nước. Là người trong cuộc, từng hoạt động nhiều năm ở chiến trường miền Đông Nam bộ “gian lao và anh dũng”  suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ nên trong  “ Đất miền Đông” cách nhìn của tác giả rất đa chiều.Ông không dừng lại ở sự mô tả;  cũng không chỉ quan tâm  đến việc “ tả trận” mà quan tâm nhiều hơn đến quá trình vận động của chiến tranh; đến tính cách, số phận nhân vật, kể cả những nhân vật phản diện, nhân vật phía bên kia; đặc biệt là những người lính ở đại đội 111 của Lê Cam ở Trung đoàn 29 – đơn vị  tham gia chiến dịch F, giải phóng  Sài Gòn và kết thúc chỉến tranh. “Đất miền Đông” xét về mặt văn học, về “chất”  thuyết tuy chưa thật xuất sắc, nhưng nó có sự bề bộn của tư liệu; ở tính chân thật cùng những câu hỏi, những vấn đề mà tác giả đặt ra như vấn đề thời cơ, vấn đề nhân dân, vấn đề thắng thua trong chiến tranh...Nam Hà đặc biệt quan tâm đến vấn con người, vấn đề đạo đức, chất nhân văn và tinh thần khoan dung trong chiến tranh. Tôi nói, đấy là vấn đề căn bản làm nên giá trị của bộ sách.

    Trong những ngày tháng Tư này, đọc lại “ Đất miền Đông” của Đại tá – nhà văn chiến sĩ Nam Hà – Trúc Hà, Nguyễn Anh Công (những tên gọi và bút danh khác của nhà văn), tôi đặc biệt tâm đắc với những trang viết trong tập 3 – tập có tựa đề “Đường về Sài Gòn”. Đây là phần gồm 2 quyển, dày cả ngót ngàn trang tác giả viết  về những ngày bộ đội và nhân dân miền Đông - Nam Bộ mà trực tiếp là các đơn vị  của Binh đoàn Cửu Long anh hùng trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Trong tập 3 này, người đọc cũng đặc biệt quan tâm đến những trang dòng tác giả viết về phía đối phương – phía bên kia, trong đó nổi bật là những nhân vật “cộm cán” ở bộ tham mưu tối cao Mỹ - Ngụy trong “cơn ác mộng” của những ngày cuối cùng trước khi kết thúc chiến tranh (tháng 4- 1975). Gía trị của những trang viết này nằm ở sự bộn bề, sinh động của những dòng tư liệu, nhất là tư liệu của “bên thua cuộc”; ở không khí, ở cách nhìn chân thực sinh động, công bằng và nhân văn của tác giả.

     Nhưng cảm động nhất rưng rưng nhất là những trang cuối cùng của bộ sách – những trang viết về “sáng tháng Tư” năm ấy... “ Sáng tháng Tư” là những trang viết ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân ta; đặc biệt là bộ đội chính quy – lực lượng quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong ngày vui đại thắng, Nam Hà không chỉ cho bạn đọc hôm nay thấy những rừng cờ, rừng hoa cùng những nụ cười, những giọt nước mắt vui mà còn thấy cả những nỗi day dứt của những người lính trận...Là người lính được đi phép ra Bắc trong đượt đầu tiên khi tiếng súng vừa im, tiểu đoàn trưởng Lê Cam cảm thấy như đôi mắt mình nhòe đi. Anh đã khóc. Khóc không phải vì niềm vui sắp được trở về sau những ngày dài chờ đợi, mà khóc vì những dòng thư viết trên trang giấy đã ố vàng bởi đất đỏ nơi rừng miền Đông, của cả mồ hôi và máu của Bình – người bạn từ chiến đấu cùng trung đội đã không có mặt trong ngày vui lớn! Thư có đoạn viết: “ Hoàn ơi!..Ngày mai, có thể là ngày cuối cùng cuộc đời 26 tuổi của tao, có thể là trận đánh cuối cùng trong đời lính của tao...Tao chỉ có một nguyện vọng thổ lộ riêng với mày là, tình cảnh gia đình tao mày biết rồi đấy, mẹ tao già rồi, mấy năm tao không viết thư về. Cái thư tao vừa viết cho mẹ, mày nhớ gửi giùm tao, còn cái thư cho Loan thì tùy mày. Trong ngày mai, nếu tao chết, nếu mày may mắn sống được đến ngày Sài Gòn giải phóng thì trong đợt đi phép đầu tiên, mày nhớ lên Tàu Ô mang tao về nhé...” . Và lá thư viết tiếp: “ Với tao, thì có nằm lại trên vùng đất nào ở miền Nam này cũng được thôi...nhưng với một bà mẹ già chỉ có đứa con trai độc nhất, thì nắm xương tàn của đứa con được đem về lại là niềm an ủi không gì thay thế được... Thôi vĩnh biệt mày, vĩnh biệt các đồng chí! Hãy tiếp tục chiến đấu và chiến thắng!”...Người lính trong “Đất miền Đông” của Nam Hà là vậy. Chiến đấu thật ngoan cường, hy sinh thật vô bờ bến, nhưng cũng thật rất người!

     Nhắc về những năm tháng thai nghén ra bộ “ Đất miền Đông”, nhà văn Nam Hà cho biết: Mười năm ấy là mười năm đói nghèo chồng chất của đất nước, nhưng cũng là những năm những người lính trở về, những người “từ trong rừng ra” như ông đầy vơi trăn trở, trăn trở về những năm tháng trận mạc chưa xa, về những người ngã xuống và về tương lai của dân tộc. Có giai thoại kể rằng:

        Quãng những năm 1978-1979, nhà văn Nam Hà tất bật lo khẩn trương hoàn thành bộ tiểu thuyết Đất miền Đông. Tập một vừa ra lò, nhà xuất bản đã giục đưa bản thảo tập hai. Gấp rút quá, ông bèn “trốn” vào trại an dưỡng của Quân đoàn 4 nằm ở bờ nam sông Sài Gòn để viết. Ngôi nhà mà đơn vị bố trí cho ông làm việc vốn là nhà nghỉ cuối ngày của Nguyễn Văn Thiệu. Nghe kể, cứ chiều chiều sau giờ làm việc, viên “tổng thống” tay sai ngoại bang này lại đến đây thư giãn bằng môn lướt ván. Không khí ở đây thật tuyệt vời cho người viết văn. Là thế nên Nam Hà thường ngồi lỳ bên bàn, ngồi suốt từ sáng đến đêm, quên giờ quên giấc. Chỉ khi nào cảm thấy thật đói, ông mới xuống nhà ăn. Nhiều hôm, cả nhà ăn tập thể không còn một ai. Dù xuất ăn đã nguội ngắt, nhà văn vẫn đánh sạch. Hơn thế, sau khi ăn hết tiêu chuẩn, ông còn đi đến các bàn khác xem còn thức gì ăn được để... ăn thêm. Chuyện đến tai các sĩ quan an dưỡng khiến ai cũng ái ngại cho ông. Rồi không ai bảo ai, cả tuần, cả tháng sau đó, trước khi ăn người phần Nam Hà miếng thịt, người khác xẻ cho nhà văn lưng cơm, muỗng canh. Cảm động trước tấm lòng đồng đội trong thời buổi bao cấp “gạo sổ”, “thịt đậu tem” nhà văn chỉ còn biết cách trả nghĩa bằng việc viết, viết say đắm, viết hết mình. Và khi bản thảo đã xong, dấu chấm hết đã được tác giả hạ xuống một cách nhẹ nhàng, anh em mới kéo đến phòng Nam Hà chúc mừng. Trong câu chuyện đượm tình đồng đội, nhà văn có ý trách rằng mình đã vào đây làm khó dễ cho anh em, rằng vì mình mà anh em nhiều phen phải đói... Một đồng chí trung tá không chịu nổi những lời phân bua của nhà văn bèn cắt ngang. “Rồi, rồi, có chi đâu anh Hai. Tụi tui làm vầy cũng là cách để sớm được coi tác phẩm của anh Hai thôi mà”. Nghe lại câu chuyện, tác giả của bộ trường thiên tiểu thuyết chỉ cười hiền và bảo: “ Với tôi, mãi về sau mỗi lần nhớ lại, trong lòng đều trào lên nỗi xúc động, bởi chính tôi mới là người cần phải cảm ơn những người lính, những bạn đọc đặc biệt ấy. Họ - những chiến sĩ, đã cho tôi hiểu được một cách sâu sắc ý nghĩa của văn chương đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân và quân đội ta trong những năm tháng  máu lửa chưa xa.”

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *