Chuyện văn chương

8/3
8:54 AM 2017

NGUYỄN TRÃI-TƯ TƯỞNG MỸ HỌC MANG GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẶC SẮC, ĐỘC ĐÁO, ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI

NGUYỄN THANH TÚ- Đến nay nhiệm vụ của khoa học mỹ học được xác định rõ ràng hơn là nghiên cứu các quan hệ thẩm mỹ giữa con người và hiện thực, trong đó cái đẹp là phạm trù trung tâm, hình tượng là cơ bản, nghệ thuật là biểu hiện tập trung cao nhất. Đó cũng là yêu cầu mà chúng tôi cố gắng thỏa mãn để làm rõ hơn tư tưởng mỹ học của Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc và nhân loại.

 

                                                                      Ảnh mih họa- Internet

Vì rằng giáo dục thẩm mỹ là vấn đề rất quan trọng để góp phần nâng cao giá trị nhân văn, trau dồi ứng xử văn hóa. Hiểu Nguyễn Trãi để hướng con người theo lý tưởng cái Đẹp mang bản sắc dân tộc Việt. Tư tưởng mỹ học là cái chìa khóa để mở ra thế giới thẩm mỹ của tác giả, là ánh sáng để nghiên cứu soi xét các phạm trù, các hình tượng, các chi tiết nghệ thuật đúng với chính nó. Xin nhắc lại lời Bác Hồ, sáng suốt, sâu sắc, tinh tế vô cùng: "muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây... phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc"([1]). Nguyễn Trãi đã học tập, tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao một cách tuyệt vời mỹ học truyền thống, thể hiện hết sức tinh tế trong trước tác và ứng xử văn hóa trong cuộc đời anh hùng nhưng cũng đầy bi kịch. Đến lượt chúng ta học tập những tinh hoa ấy.

  1. Tư tưởng mỹ học về con người văn hóa.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu tư tưởng về con người của Nguyễn Trãi, ở đây xin nhìn từ góc độ mỹ học, từ quan niệm của Ông cái đẹp là chính con người, gắn liền với con người. Trong Lam Sơn thực lục (quyển thứ nhất) có chi tiết vị nhà sư già cảm thán: "Đất này đẹp quá, thế mà không có người để giao phó" (tr. 45). Để xứng với đất đẹp này thì phải có con người tương ứng. Đẹp nhất phải là người anh hùng vì dân cứu nước đuổi giặc thù xâm lăng. Người đó chỉ có thể là Lê Lợi. "Hiền tài" là biểu hiện tập trung của vẻ đẹp con người. Ngay sau khi giành được độc lập, thay mặt Lê Lợi, Nguyễn Trãi thảo chiếu cầu hiền tài thể hiện sự quý trọng tài năng. Điều này cho thấy một quan niệm hiện đại coi con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của một nền thái bình: "được thịnh trị tất ở việc cử hiền, được hiền tài tất do sự tiến cử. Bởi thế người làm vua thiên hạ phải lấy đó làm việc trước tiên". Hiền tài là đẹp, tiến cử được hiền tài cũng là đẹp, nên trong Chiếu có khuyến khích: "tiến hiền thì được thưởng" (tr.194). Vừa buông tay kiếm, lẽ tự nhiên ai cũng muốn hưởng thụ, riêng Nguyễn Trãi với cái nhìn triết học sâu sắc đã sớm nhìn thấy mối hiểm họa từ các phạm trù đối lập: "Thấy cung tần xinh đẹp phải nhớ trẫm xưa vợ con lìa tan, lưu ngụ quê người... Phải coi chừng mối họa loạn, có khi do yên ổn mà nên. Phải đón ngăn ý kiêu xa, có khi do sung sướng mà đến" (tr.74). Như vậy, lấy cái đẹp là điểm gốc, là nơi xuất phát Nguyễn Trãi đã đưa ra bài học trong cả hai chiều thời gian: đừng quên quá khứ gian nan, phải sớm nhìn thấy những điều xấu dễ có trong tương lai. Tầm nhìn đi trước thời đại là như vậy chăng? Đặc biệt Ông hay nhấn mạnh đến cái gốc quá khứ: "... gốc có vượng thì lá mới tốt, nguồn có sâu thì dòng mới dài, nếu không phải nhân ân của đời trước bồi đắp dày dặn, phúc trạch đời trước chung đúc lớn lao, thì làm sao lại có thể được như vậy" (Tựa Lam Sơn thực lục, tr.43). Câu văn tưởng không có gì đặc biệt, lấy quy luật phát triển của tự nhiên để nói tới quy luật xã hội, nhưng rất ý nghĩa vì nó giáo dục lòng biết ơn quá khứ, luôn hướng về tổ tiên hôm qua để tri ân, từ đó mà phấn đấu, cống hiến.

Chiến thuật tâm công, xét đến cùng cũng là vì con người: "bỏ chỗ vững đánh chỗ hở, tránh chỗ chắc, đánh chỗ hư, như thế thì dùng sức có một nửa mà thành công gấp đôi" (tr.59). Quân ta đỡ tốn sức mà kẻ giặc cũng đỡ tổn hại sinh linh. Trong Lam Sơn thực lục (quyển thứ nhất) có lời của Lê Lợi: "... trẫm đối đãi với người chẳng bao giờ là không hết lòng thành. Thà người phụ ta chứ ta không phụ người" (tr.73). Quan điểm này đối ngược hẳn với triết lý phản mỹ học cực kỳ ích kỷ, tàn bạo của Tào Tháo: "Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta". Xin lưu ý thêm chữ "người" trong câu nói của Lê Lợi là chỉ quân Minh, những kẻ "dối trời lừa dân", "nướng dân đen... vùi con đỏ", càng thấy tinh thần nhân đạo cực kỳ lớn lao của Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Trong Phú núi Chí Linh cũng thể hiện tinh thần ấy: "Đến như thần võ không giết/ Đức lớn hiếu sinh/ Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước/ Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh/ Sửa hòa hiếu hai nước/ Tắt muôn đời chiến tranh" (tr.87). Chúng ta tự hào vì tổ tiên luôn chân thành mong hòa hiếu láng giềng, "tắt muôn đời ngọn lửa chiến tranh"... Đây cũng là bài học về ứng xử giữa người và người là "lòng thành", chân thành làm việc, chân thành suy nghĩ thì không sợ không làm được những việc, dù khó khăn đến mấy!

Đây là một quan niệm về cái đẹp của nhân cách văn hóa: "Một niềm trung hiếu làm miều cả/ Hai quyển thi thư ấy báu chôn" (Tự thán XLI, thơ Nôm, tr.433). "Miều" nghĩa là đẹp, là tốt (mỹ miều). Cái tốt đẹp nhất của con người là "trung" với vua, hiểu rộng ra là có trách nhiệm với dân với nước; hiếu với cha mẹ là trách nhiệm với gia đình, gia tộc, quê hương bản quán. "Thi thư" (sách và thơ) là của báu, vật báu, hiểu rộng ra là tri thức, hiểu biết, sáng tạo văn hóa, văn nghệ. Còn là "hòa thuận tôn thân, nhớ giữ một lòng hữu ái; thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân" (Chiếu, biểu viết dưới thời Lê, tr.202). Hình tượng "dân" cứ trở đi trở lại trong trước tác Ức Trai với sự băn khoăn, lo lắng và cả sự kính trọng, tin yêu. "Dân" được lấy làm tiêu chuẩn để xem xét người có nhân: "mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân". Không những làm "thế nào cho thuận lòng dân" còn phải chú ý "không lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người không muốn phải theo" (Chiếu, biểu viết dưới thời Lê, tr.195). Đây là tinh thần dân chủ, một quan niệm quý trọng con người hiếm hoi của nhân loại thời ấy, càng thấy Nguyễn Trãi tiến bộ và hiện đại. Là bậc đại Nho, làm quan ở hàng "khai quốc" mà lời khuyên vua Lê Thái Tông của Ông không chỉ mẫu mực đạo vua thời ấy mà còn là lý tưởng với những nhà lãnh đạo thời nay: "Xin Bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu..."([2]). Triết học văn hóa của thế giới đương đại đang mải mê đi tìm một mô hình con người văn hóa lý tưởng, tư tưởng mỹ học Nguyễn Trãi chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều, từ cứ liệu trong trước tác cho đến ở cả phương diện con người, thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Ông.

  1. Mỹ hóa thiên nhiên.

Là một nhà thơ lớn, hẳn nhiên Nguyễn Trãi có quan niệm riêng về phạm trù cái đẹp. Thiên nhiên tràn ngập trong thơ Ông, hầu như bài nào cũng có sự xuất hiện của thiên nhiên. Điều đặc biệt là cái đẹp nơi thiên nhiên luôn gần gũi gắn bó với con người. Vì tôn trọng cái đẹp, yêu cái đẹp mà đau xót, tiếc nuối cho cái đẹp không có người thưởng thức. Mùa xuân đi, mùa hè đến, cả chủ thể và nhân vật trữ tình (cô gái) trong bài thơ này đều tiếc xuân: "Vì ai cho cái đỗ quyên kêu/ Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu/ Lại có hòe hoa chen bóng lục/ Thức xuân một điểm não lòng nhau" (Cảnh hè, Thơ Nôm, tr.462). Một tứ thơ hay, một sự tinh tế chỉ có ở Nguyễn Trãi: mùa hè lại có hoa hòe đem đến vẻ xuân gợi nên ở người sự "não lòng" tiếc xuân. Cái đẹp thuộc về con người, về cuộc sống, nên sự xuất hiện của huyền thoại cũng chỉ góp phần tô điểm cho cuộc sống hiện tại thêm phần thi vị. Phần dịch nghĩa bài Ngô Châu (tr.382) như sau: "Đường vào Ngô Châu cảnh càng đẹp/ Bên bờ cây dương liễu ánh vào nhà người/ Đèo Cửu Nghi xanh biếc, núi mượt như ngọc/ Miền Lưỡng Quảng chia dòng, nước như chẻ đôi/ Lâm quán nghe nói có hạc trắng bay đi/ Không thấy người tiên với rắn xanh trong tay áo/ Núi lửa và giếng băng thực là chuyện lạ/ Tục xưa truyền lại cũng sợ sai thôi". Cảnh đẹp như trong huyền thoại với hàng dương liễu xanh lấp lóa dưới ánh mặt trời, với hình ảnh con đèo trập trùng xanh biếc, có núi cao "mượt như ngọc"... Đây là cảnh thực, vì không có hình ảnh "hạc trắng" hay "người tiên với rắn xanh trong tay áo", không có "núi lửa" và "giếng băng" mà người xưa hay nói tới. Hồn thơ Nguyễn Trãi gần gũi với hiện thực hơn là huyền thoại. Cái đẹp trong thơ Ông gần như là cái đẹp tự nhiên nguyên thủy, vốn có, tự có.

Có một mỹ học thiên nhiên trong thơ Ức Trai. Thiên nhiên là bạn bè: "Lâm tuyền hữu ước na kham phụ" (Có hẹn với rừng suối sao ta nỡ phụ?). Thi nhân ước ao được sống nơi thiên nhiên: "Hà thì kết ốc vân phong hạ/ Cấp giản phanh trà chẫm thạch miên - Bao giờ làm được nhà dưới ngọn núi mây/ Để múc nước khe nấu chè và gối đá ngủ?" (Loạn hậu đáo Côn sơn cảm tác, tr.279). Thiên nhiên không chỉ là nơi ở, là chốn gợi hứng làm thơ, còn là nơi để gột rửa bụi bặm tục trần: "Cố sơn quy khứ hứng hà thâm/... Tẩy tận trần khâm hoa ngoại minh/ Hoán hồi ngọ mộng chẩm biên cầm/ Nhật trường ẩn kỷ vong ngôn xứ/ Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm? - Núi cũ trở về hứng sâu sắc làm sao/... Để rửa sạch lòng trần, có chè ngoài hoa/ Để gọi tỉnh mộng buổi trưa, có chim bên gối/ Ngày dài tựa ghế quên cả nói/ Người với mây trắng, ai là có tâm tình" (Đề Trình xử sĩ Vân oa đồ, tr.337). Nguyễn Trãi nhiều lần nhấn mạnh tới sứ mệnh của thiên nhiên có chức năng thanh tẩy cái tục lụy để con người trở về với bản nguyên tinh khiết: "Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân/ Trúc lợp hiên mai quét tục trần" (Ngôn chí XI, Thơ Nôm, tr.399), và "Môn tiền nhất phái Tào khê thủy/ Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần - Trước cửa một dòng Tào khê chảy/ Rửa hết bụi bặm của bao kiếp thế gian" (Du Nam Hoa tự, tr.383). Là nhà Nho tất yếu chịu ảnh hưởng tư tưởng nơi cửa Khổng sân Trình: "Trí nhân lạc thủy, nhân nhân lạc sơn - Người trí tuệ vui với nước, người có lòng nhân vui với non" (Luận ngữ). Nhưng như ta thấy, Nguyễn Trãi đâu chỉ "vui", mà còn coi thiên nhiên như con người, như bạn tri kỷ. Hơn thế, thiên nhiên còn là chốn con người nương náu: "Tùng cúc do tồn quy vị mãn/ Lợi danh bất tiển ẩn phương chân - Tùng cúc hãy còn ta về chửa muộn/ Lợi danh không thèm, ẩn mới đúng hơn" (Đề Từ Trọng Phủ Canh ẩn đường, tr.339). Hôm nay hướng nghiên cứu phê bình sinh thái văn hóa đang được hưởng ứng rất nên lấy tư tưởng này của Ức Trai tiên sinh làm điểm tựa, kế thừa và phát triển.

Có quan hệ con người chủ thể - thiên nhiên: "Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy/ Có thân chớ phải lợi danh vây/ Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén/ Ngày vắng xem hoa bẻ (tỉa) cây" (Ngôn chí X, Thơ Nôm, tr.398). Cảnh yên tĩnh như chùa, lòng tĩnh tại như tâm trạng nhà sư. Câu thơ nhuốm màu Phật giáo cho thấy mối quan hệ hài hòa con người và cảnh vật. Toát lên một ý nghĩa: muốn con người có lòng chay tịnh phải đặt họ vào môi trường thiên nhiên tĩnh tại như cảnh chùa. Có quan hệ cảm hứng sáng tạo - thiên nhiên: "Thi cảnh liêu nhân văn hứng khiên - Cảnh thơ ghẹo người, hứng chiều hôm lôi kéo" (Vọng doanh, tr.314); "Tín mỹ giang sơn thi dị tựu - Non sông đẹp hứng thơ dễ đến" (Họa Tân trai vận, tr.276). Các câu này đều chung ý: thi nhân muốn có cảm hứng sáng tạo phải tìm tới cảnh đẹp. Quan hệ người-thiên nhiên-thi-họa: "Phong cảnh khả nhân thi nhập họa - Phong cảnh chiều người, có thơ trong họa" (Chu trung ngẫu thành, tr.316). Khi con người hòa nhập vào cảnh vật thì dễ có năng lực sáng tạo gấp đôi (cả thơ và họa). Và quan hệ thiên nhiên-chủ thể-họa: "Vạn cổ càn khôn thanh cảnh trí/ Hải sơn vị ngã xuất tân đồ - Trời đất muôn thuở cảnh trí tươi trong/ Biển non vì ta vẽ bức tranh mới" (Tĩnh yên vãn lập, tr.324). "Biển non vì ta" tức "biển non" được nhân hóa như bạn bè với (vì) bạn bè. Câu thơ hư thực, mới mẻ, hiện đại, không phân biệt được đâu là ngoại cảnh đâu là tâm cảnh... Hiện lên rất rõ con người nhà nho gần gũi với thiên nhiên, ưa thích cái đẹp cuộc sống hiện tại và say mê với tri thức truyền thống: "Như kim chỉ ái sơn trung trú/ Kết ốc hoa biên độc cựu thư - Ta nay chỉ thích ở trong núi/ Làm nhà bên hoa mà đọc sách xưa" (Ngẫu thành, tr.329).

Có một mỹ học người-vật tương liên: "Thâm sơn tịch tịch điểu hô nhân/ Họa lý khan lai diệc bức chân - Trong núi sâu lặng lẽ chim như gọi người/ Trong bức tranh xem ra vẽ cũng rất giống" (Đề sơn điểu hô nhân đồ, tr.330). Ngay tên bài thơ cũng cho thấy sự liên thông người-vật: Đề bức tranh chim núi gọi người. Và: "Tam thập dư niên trần cảnh mộng/ Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi - Ba mươi năm lẻ trong trần mộng/ Và tiếng chim kêu: tỉnh lại thôi" (Đề Đông sơn tự, tr.331). Thì ra với thi nhân sống ở cõi trần chỉ là giấc mộng, nhờ tiếng chim kêu mà giấc mộng ấy mới tỉnh, tỉnh ra để trở về với hiện thực thiên nhiên. Ông luôn nhìn đời qua lăng kính thiên nhiên, coi cuộc sống sinh hoạt thường ngày là một phần của thiên nhiên: "Quản huyền hào tạp lâm biên điểu/ La ỷ phương phân ổ lý hoa/ Nhẫn đề nhất thì thi liệu phú/ Ngâm ông thùy dữ thế nhân đa? - Đàn sáo rộn rịp, là chim hót bên rừng/ Gấm vóc rực rỡ, là hoa nở trong bờ giậu/ Trước mắt một buổi thi liệu dồi dào/ Thi nhân với người đời ai thú hơn?" (Hý đề, tr.360). Phải chăng đây là quy luật: một khi thiên nhiên hóa cuộc sống thì con người dễ trở thành thi sỹ!? Con người như nhập vào thiên nhiên: "Đàn cầm suối trong tai dội/ Còn một non xanh là cố nhân" (Thuật hứng XV, Thơ Nôm, tr.416); "Núi láng giềng chim bậu bạn/ Mây khách khứa, nguyệt anh tam" (Thuật hứng XIX, Thơ Nôm, tr.417)... Càng thấy mối quan hệ thẩm mỹ này sâu sắc, chân thành, cùng thấu hiểu và thấu cảm: "Ta cùng bóng liễn nguyệt ba người" (Tự thán VI, Thơ Nôm, tr.421). Chữ "liễn" được hiểu như "lẫn": ta với bóng lẫn vào nguyệt thành ba người. Câu thơ cô đơn đến tận cùng. Hình như trần gian chưa hiểu người nên người phải lẫn vào bóng mà nhập vào trăng! Thế nên rất quý trọng tự nhiên: "Ruộng nương là chủ, người là khách/ Đạo đức lành ấy của chầy" (Bảo kính cảnh giới L, Thơ Nôm, tr.455).

Hình như ở đâu, thời nào số phận cái đẹp cũng mong manh, nhưng dù có mong manh dễ vỡ thì vẫn một tính cách trong sáng, luôn hướng về cái cao cả, tự do, khoáng hoạt. Là một nhà mỹ học đích thực, nhưng trên hết Ông là nghệ sỹ ngôn từ tài năng nói được nhiều ý nghĩa nhất trong vốn từ ít nhất. Đó có thể là trường hợp hai câu thơ này: "Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi" (Tự thuật IX, Thơ Nôm, tr.436). Những cặp phạm trù đối lập nhau đến triệt để: chim phượng hào phóng vương giả thích bay trên cao, chim diều hâu ác hiểm thấp hèn hay liệng gần mặt đất. Hoa là giống cao quý thì hay héo và vòng đời ngắn ngủi, cỏ là loài tiểu nhân lại thường xanh tươi và sống dai. Thì ra đó là một quy luật mỹ học: cái xấu thường dai dẳng nhờ có sức "đề kháng" tốt còn cái đẹp lại hay gặp bi kịch, vì trong sáng vô tư.

Con người mỹ học ấy cảm nhận cái đẹp luôn trong trạng thái non tơ đang cựa quậy chứ không tròn trịa đã vào thời viên mãn, thậm chí ở thời điểm khởi đầu, bắt đầu: "Xuân chầy liễu thấy chưa hay mặt/ Vườn kín hoa truyền mới lọt tin/ Cành có tinh thần ong chửa thấy/Tính quen khinh bạc bướm chăng gìn/ Lạc Dương khách ắt thăm thinh nhọc/ Sá mựa cho ai quẩy đến bên" (Đầu Xuân đắc ý, Thơ Nôm, tr.460). Vì xuân đến chậm nên liễu chưa thấy mặt. "Vườn kín hoa truyền mới lọt tin" tức hoa mới chớm nụ. Hương hoa mới chớm bay ra khỏi vườn kín nên "ong chửa thấy" mà tìm đến nhưng bướm thì chẳng biết giữ gìn gì cứ vô tư đậu vào cành. Đúng là thế giới của cái đẹp "non tơ phong nhụy", tất cả như đang phập phồng xuân khí. Đất Lạc Dương là kinh đô Trung Quốc thời Ngũ đại vốn rất đẹp, từng là nơi tụ hội các thi nhân. Lạc Dương đẹp thế nhưng nơi ta đẹp không kém nên ta chẳng cho (sá mựa) ai quẩy xuân này đến đó mà đem cái đẹp của ta đi. Cũng chỉ mạo muội "diễn nôm" câu thơ để thấy phần nào cái đẹp của ý thơ phải nói là tuyệt bút này. Nhưng có thể hiểu một triết lý của triết gia Nguyễn Trãi: Cái đẹp là sự khởi đầu... Đặc sắc hơn là nói bằng hình tượng thơ. Còn rất nhiều những câu thơ như vậy: "Vườn tuy có cúc chửa đâm hoa/ Phong sương đã bén biên thi khách/ Tang tử còn thương tích cố gia/ Ngày khác hay đâu còn việc khác/ Tiết lành mựa nỡ để cho qua" (Về Côn Sơn ngẫu tác ngày Trùng cửu, Thơ Nôm, tr.459). "Tiết lành" là thời điểm đẹp nhất phải là "cúc chửa đâm hoa", sương nhẹ đủ để bám vào thi nhân, là cây dâu (tang tử) cũng như con người biết thương nhớ nhà cũ (cố gia)...

  1. Thiêng liêng hóa cái đẹp.

Con người và sự nghiệp anh hùng Nguyễn Trãi là hiện thân của cái cao cả thể hiện ở các khía cạnh tư tưởng dân bản, vì dân, lấy dân làm gốc, sức mạnh của dân là vô địch; tư tưởng chiến lược tâm công; tư tưởng đoàn kết; tư tưởng khoan dung; tư tưởng hòa hiếu "tắt muôn đời ngọn lửa chiến tranh"... Từ đó cho ta có cái nhìn chung về vĩ nhân: tư tưởng yêu nước gần như đồng nhất với tư tưởng mỹ học. Điều này cũng chứng minh một chân lý: yêu nước, hy sinh vì nước là Đẹp, là Cao cả. Cuộc đời và văn thơ Ức Trai cũng gần như là sự sinh động hóa các phạm trù mỹ học cơ bản.

Hình tượng thẩm mỹ luôn hướng về phía ánh sáng: "Lãm huy nghĩ học minh dương phượng - Muốn học chim phượng thấy sáng hót ánh mặt trời" (Họa hương tiên sinh vận giản chư đồng chí, tr.332). Thiên nhiên có xu hướng đồng nhất với nghệ thuật làm phương tiện để đưa con người hướng tới một thế giới tinh khiết, như vô trùng: "Côn Sơn hữu tuyền/ Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên/ Ngô dĩ vi cầm huyền/ Côn Sơn hữu thạch/ Vũ tẩy đài phô bích/ Ngô dĩ vi đạm tịch - Côn Sơn có suối/ Tiếng nước chảy rì rầm/ Ta lấy làm đàn cầm/ Côn Sơn có đá/ Mưa xối rêu xanh/ Ta lấy làm chiếu thảm" (Côn Sơn ca, tr.375). Côn Sơn có suối, có đá. Không có gì đặc biệt. Cái đặc biệt là ở chủ thể, trong cái nhìn chủ thể: coi tiếng suối là tiếng đàn, lấy đá có rêu làm chiếu thảm. Không chỉ hai mà "ba vị nhất thể": thiên nhiên - chủ thể - nghệ thuật làm nên một thế giới riêng để tất cả quây quần bầu bạn, chia sẻ, tâm tình. Thế giới ấy hẳn nhiên phải xa chốn bụi bặm cửa quyền: "Con lều mọn mọn đẹp sao!/ Trần thế chẳng cho bén mấy hào/ Khách lạ đến ngàn, hoa chửa rụng/ Câu mầu ngâm dạ, nguyệt càng cao/ Những màng lẩn quất vườn lan cúc/ Ắt ngại lanh chanh áng mận đào/ Ngựa ngựa xe xe la ỷ tốt/ Dập dìu là ấy chiêm bao" (Thuật hứng VII, Thơ Nôm, tr.413). Một thế giới tiên của "chiêm bao" nơi ngàn xa: con lều nhỏ, hoa, câu thơ hay, trăng, vườn lan cúc... có "khách lạ" nhưng dứt khoát không phải là người nơi "áng mận đào" (tức chốn công danh). Khách lạ ấy hẳn phải là người tri âm với cái đẹp!

Có khi câu thơ đầy ảo mộng, khó phân biệt đâu là thực đâu ở trong mơ: "Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng/ Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền - Núi cũ đêm qua vấn vương vào mộng nhẹ/ Trăng chiếu đầy sông Bình Than, rượu chở đầy thuyền" (Mạn hứng, tr.334). Sông nước hay sông trăng, thuyền rượu hay thuyền trăng? Trăng say, thuyền say, người say hay sông nước say? Say rượu hay say cái đẹp? Tất cả đều "triền thanh mộng", vấn vương trong mơ. Một cái đẹp thoát tục! Đây không phải thơ của "thi nhân" mà phải là thơ của "thi tiên"!? Liệu hình ảnh "thuyền trăng", "bến trăng" trong thơ Hàn Mặc Tử sau này có lạ, có thi vị hơn thơ Ức Trai!? "Thi tiên" Ức Trai có thể không cố tình tạo cho thơ mình thế giới của "tiên" nhưng người đọc thì cảm thấy, một thế giới thật sự nguyên sơ, tinh khiết, không chút phàm trần. Cái cao cả không chỉ có cái đẹp tự nhiên mà còn gắn với hiểu biết: "Bán liêm hoa ảnh mãn sàng thư/ Đình ngoại tiêu tiêu thủy trúc hư - Bóng hoa chiếu nửa rèm sách đầy giường/ Ngoài sân những cây thủy trúc kêu veo veo" (Đề Vân oa, tr.358). Hình ảnh "sàng thư", "thi thư" hay xuất hiện nhưng ít khi đứng riêng mà thường xuất hiện cùng ánh sáng và bóng hoa để tạo nên vẻ đẹp tổng hòa, tương hỗ cái diễm lệ nơi tự nhiên và sự uyên bác của trí tuệ con người.

Đó là mỹ học của cái cao cả tuyệt đối trong sáng: "Tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy/ Mộng kỵ hoàng hạc thượng tiên đàn - Trăng sáng đêm qua trời tựa nước/ Chiêm bao cưỡi hạc tới tiên cung" (Mộng sơn trung, tr.358). Một vẻ đẹp tiên giới, không gian trong vắt, hư ảo với trăng, trời nước, hạc, tiên cung. Đây là nơi nguồn mạch lãng mạn bay bổng chảy mãi đến Thơ mới và mãi mãi sau này. Một thế giới thực mà hư, khó phân biệt vì có cả trần gian và tiên cảnh, không có tục nhân chỉ có thi nhân và thi tiên: "Tiên thư sổ quyển cựu sinh nha/ Cơ thực tùng căn tước nhật hoa/ Trúc hữu thiên can lan tục khách/ Trần vô bán điểm đáo sơn gia/ Dao giai hạc lệ song tà nguyệt/ Điếu chử ngư hàn trạo các sa/ Đồ giác hồ trung phong nguyệt hảo - Sách tiên và quyển là nghề sinh nhai cũ/ Đói thì ăn rễ tùng và hớp ánh sáng/ Trúc có nghìn cây để ngăn khách tục/ Bụi không nửa điểm bợn đến núi nhà/ Trước thềm ngọc hạc rít, trăng chiếu chếch vào song/ Bến câu cá lạnh chìm, mái chèo gác bãi cát/ Ta vẫn vui say với bầu trăng gió đẹp" (Mạn thành II, tr.366). Nơi này chỉ có ánh sáng và hoa, có trăng có cây và sách, có "ngọc hạc", có bến câu và mái chèo... Hình như là nơi chỉ dành cho người tiên giới!

Đó còn là mỹ học hạnh phúc, đúng hơn triết nhân đưa ra một "định nghĩa" về hạnh phúc: "Chụm tự nhiêu lều một gian/ Giũ không thay thảy tấm hồng trần/ Nghìn hàng cam quýt con đòi cũ/ Mấy đứa ngư tiều bậu bạn thân/ Thấy nguyệt tròn thì kể tháng/ Nhìn hoa nở mới hay xuân/ Cày ăn đào uống yên đòi phận/ Sự thế chăng hay đã Hán Tần" (Tự thán XXXII, Thơ Nôm, tr.430). Hạnh phúc là tự mình lao động trong cảnh hòa bình yên ổn; sống giữa thiên nhiên với căn lều nhỏ, xa với cuộc sống phàm tục; có vườn cam quýt (thay vì là "con đòi" đứng hầu là những hàng cam quýt), có bè bạn là ngư dân hay tiều phu chân chất; sống không quan tâm đến thời gian, lấy cái đẹp tự nhiên làm thước đo thời gian. Quốc âm thi tập có rất nhiều chữ "nhàn". Là nhàn tâm, không bon chen danh lợi, không vướng tục lụy. Về cơ bản nhà thơ vẫn ứng xử theo đạo Nho: "Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng", được dùng thì hành động, bỏ rơi thì ẩn tàng. Nhưng hành nhiều hơn tàng, hành hay tàng vẫn tha thiết với cuộc sống. Nhàn là thái độ sống trong sạch, thanh khiết, cũng là một khía cạnh biểu hiện cái cao cả mỹ học. Cũng đúng với cách hành xử của đạo Khổng "Lạc thiên tri mệnh cố bất vưu - Vui theo trời để biết mệnh mà xử, nên chẳng lo buồn gì hết" (Kinh Dịch-Dịch hệ từ-thượng).

  1. Quan niệm sứ mệnh nghệ thuật vì con người.

Nguyễn Trãi để lại một sự nghiệp cứu nước hiển hách, một kho tàng văn chương rực rỡ, một nền móng tư tưởng kỳ vĩ cho văn hóa Việt. Về tư tưởng ấy chúng ta chưa khai thác được nhiều, có nhiều lý do, bởi tư tưởng Ông thực sự lớn lao, bởi khoảng cách thời gian, bởi rào cản ký hiệu ngôn từ... Đây là "vì sao càng nhìn càng thấy sáng" (Phạm Văn Đồng). Ngay chỉ ở một quan niệm về sứ mệnh văn chương: "Văn chương chép lấy, đòi (nhiều, theo) câu thánh/ Sự nghiệp tua gìn, phải đạo trung/ Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược/ Có nhân có trí có anh hùng" (Bảo kính cảnh giới V, Thơ Nôm, tr.440). Vẫn chưa vượt khỏi quan niệm "văn dĩ tải đạo" nhưng vẫn hiện đại vì nêu một sứ mệnh thiết thực nhất, kinh điển nhất về chức năng giáo dục con người bằng nghệ thuật. Nghệ thuật phải vì con người, đấu tranh chống cái phản con người (Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược), hoàn thiện con người theo hướng lý tưởng (anh hùng, có "nhân" có "trí").

Là một nhà tư tưởng lớn, Ông quan niệm nghệ thuật phải có thiên chức tiên phong, đi trước: "Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi/ Ưa mày vì tiết sạch hơn người/ Gác Đông ắt đã từng làm khách/ Há những Bô tiên kết bạn chơi/... Bóng thua ánh nước động người vay/ Lịm đưa hương, một nguyệt hay/ Huống lại bảng xuân xưa chiếm được/ So tam hữu chẳng bằng mày" (Mai, Thơ Nôm, tr.468). "Gác Đông" tức Đông các, là nơi để quan Tể tướng chiêu hiền đãi sĩ. Hoa mai "từng làm khách" nơi này tức hoa mai được nâng lên thành bậc hiền sĩ. Do vậy mới có câu sau "Há những Bô tiên kết bạn chơi", cả câu có nghĩa đâu phải chỉ có kết bạn với Bô tiên mà còn nhiều bạn tiên nữa. Hoa mai đẹp sang trọng, thanh khiết, đài các, luôn nở trước mọi thứ hoa, lại đứng đầu bảng các loại hoa xuân nên chiếm "bảng xuân". Thì ra trong mùa xuân cuộc đời hoa mai nghệ thuật luôn phải tiên phong nở để làm đẹp, làm sang cho đời. Phải chăng còn một ý này: tiên trong ý niệm văn hóa phương Đông thì sống mãi, hạnh phúc mãi mà hoa mai kết bạn với các vị tiên ấy thì hoa mai nghệ thuật cũng luôn trường tồn mãi với đời sống!?

Từ quan niệm hòa bình là gốc của nghệ thuật nên Ông có xu hướng đồng nhất nghệ thuật với hòa bình, qua lời tâu trình vua Lê Thái Tông: "Kể ra, thời loạn dụng vơ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc..."([3]). Tư tưởng này có gốc gác từ văn hóa Trung Hoa: "Thi ngôn kỳ chí dã, ca vịnh kỳ thanh dã, vũ động kỳ dung dã. Tam giả bản vu tâm, nhiên hậu, nhạc khí tòng chi" (Thơ để nói chí, ca biểu lộ qua thanh âm, múa thể hiện điệu bộ. Cả ba thể ấy đều cùng một gốc ở lòng người, sau thoát ra bằng nhạc - thiên Nhạc kư sách Kinh lễ). Trong âm nhạc cổ phương đông có 5 cung nhạc: cung, thương, giốc, chủy, vũ, thì cung giốc thuộc về dân. Cái vĩ đại của Nguyễn Trãi là từ vốn hiểu biết nghệ thuật để nói chuyện chính trị, nói cho vua hiểu, rộng hơn là nói cho cả hệ thống quyền lực hiểu. Chính trị mà rất nghệ thuật. Ông đã chứng minh chân lý để giữ được cái gốc hòa bình thì điều cơ bản là lòng yêu thương của người cầm quyền, được vậy mới không có mâu thuẫn hờn oán.

Có thể hình dung Nguyễn Trãi là nhà kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà nghệ thuật trên nền móng hòa bình, nền móng ấy lại được kiến tạo bằng tình yêu thương, bằng sự hòa thuận giữa con người với con người. Đấy là tầm nhìn và quan niệm của vĩ nhân đi trước thời đại, vì đến hôm nay, xét đến cùng cả nhân loại đang cố gắng đi theo con đường ấy.

Đây là câu thơ nói về chức năng nghệ thuật: "Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng/ Khỏe dụng đầm hâm mấy dặm trường" (Ngôn chí VIII, Thơ Nôm, tr.398). Nhờ có "túi thơ bầu rượu" tức nhờ nghệ thuật con người mới thêm ấm áp (đầm hâm), thêm sức lực, thêm sự dẻo dai trên đường đời xa. Nghệ thuật phải đánh thức cảm xúc yêu ghét: "Vườn hoa khóc tiếc mặt Phi Tử/ Trì cỏ tươi, nhưng lòng tiểu nhân/ Cầm đuốc chơi đêm này khách nói/ Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân" (Cuối xuân, Thơ Nôm, tr.461). Câu đầu dựa vào tích sau khi Dương Quý Phi chết, Đường Minh Hoàng ra vườn ngự uyển thấy hoa phù dung thì nhớ mặt (Phi) mà khóc. Câu sau hiện thực: bờ ao cỏ tươi nhưng cỏ tượng trưng cho tiểu nhân nên (ta) không thích. "Tiếng chuông chưa đóng" nghĩa là hãy còn đêm, mà khách xưa (trong tưởng tượng) nói rằng: tiếc xuân nên cầm đuốc chơi đêm. Trong lịch sử là hoa thật nhưng đến thơ Nguyễn Trãi thì "hoa" trở thành ký hiệu biểu trưng cho nghệ thuật. Tương tự, "tiếng chuông" nghĩa ẩn dụ: nghệ thuật phải đánh thức ở con người niềm khát khao được sống nhiều lần trong mùa xuân cuộc đời. Nghệ thuật không chỉ là giãi bày cảm xúc: "Say mùi đạo, chè ba chén/ Tả lòng phiền thơ bốn câu" (Thuật hứng XIII, Thơ Nôm, tr.415) mà còn có tác dụng giải trí, giáo dục: "Gia hữu cầm thư nhi bối lạc - Nhà có đàn sách thì vui con cái" (Mạn thành II, tr. 348). Thi nhân đánh giá rất cao thiên chức nghệ thuật, chỉ xét ở một câu thơ này: "Túi thơ chứa hết mọi giang san" (Tự thán II, Thơ Nôm, tr.421). Hai chữ "chứa hết" là chìa khóa để hiểu tư tưởng lớn: nghệ thuật có sứ mệnh miêu tả, sáng tạo vẻ đẹp; cũng là nơi kết tinh, lưu giữ, bảo vệ, phát huy cái đẹp giang sơn đất nước.

Có rất nhiều hình ảnh con thuyền. Đây là con thuyền văn chương: "Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao - Hồn mộng đêm đêm lên thuyền để về" (Thu nhật ngẫu thành, tr.341) có nhiệm vụ đưa tinh thần (mộng) con người về với cố hương. Con thuyền thực mà ảo, sinh động, giàu ý nghĩa, rõ hơn cả trong câu thơ: "Thế sự bất tri hà nhật liễu/ Biển chu quy điếu ngũ hồ xuân - Việc đời không biết ngày nào xong/ Để một con thuyền nhỏ mà về câu xuân ở Ngũ hồ" (Mạn thành I, tr.347). Vì việc thế sự không khi nào hết nên muốn thưởng thức cái thi vị của mùa xuân cuộc đời chỉ còn cách lên con thuyền văn chương về "câu xuân" ở Ngũ hồ. Gợi một điển tích: sau khi giúp Câu Tiễn thành công, Phạm Lãi không cần tước vị mà bỏ đi chơi ở Ngũ hồ, một cảnh đẹp nổi tiếng. Như vậy để hiểu cái đẹp con người ta phải vô tư, phải như Phạm Lãi không cầu danh hám lợi, và chỉ có phương tiện văn chương mới có thể đến được với cái đẹp. "Câu xuân" chứ không phải câu cá vật chất tầm thường. Một tầm ý nghĩa mới được đẩy lên: những ai có tâm hồn nghệ sỹ ngang với tầm vóc vũ trụ mới "câu xuân" được, mới nắm bắt được cái thần thái của tự nhiên mà sáng tạo được nghệ thuật!

  1. Quan niệm hiện đại về quy luật vận động đặc thù của nghệ thuật.

Đối tượng sáng tạo của nghệ thuật là con người và cảnh vật thiên nhiên: "Qua đòi cảnh chép câu đòi cảnh/ Nhàn một ngày nên quyển một ngày" (Tự thán V, Thơ Nôm, tr.421). Câu đầu được hiểu đi qua bao nhiêu cảnh, đến chỗ nào cũng có thơ vịnh cảnh. Nhờ thế "nhàn" được một ngày sẽ thành một quyển thơ. Như vậy "nhàn" không phải "vô vi" (như được hiểu là "không làm") mà "nhàn" là lao động nghệ thuật lấy đối tượng hướng tới trước hết là thiên nhiên (cảnh). Nghệ thuật phải là cái đẹp đích thực: "Chèo lan bẻ bắt thuở tà dương/ Một phát qua nhìn một lạ dường/ Ngàn nọ so miền Thái thạch/ Làng kia mở cánh Tiêu tương/ Hàng chim ngủ khi thuyền đỗ/ Vừng nguyệt lên thuở nước cường/ Mua được thú mầu trong thuở ấy/ Thế gian hay một khách văn chương" (Trần tình VI, Thơ Nôm, tr.409). Câu đầu có lẽ nên hiểu: chèo thuyền phải điều chỉnh bẻ trái bắt phải (bẻ bắt). Các câu tiếp sau: mỗi cái nhìn một cái lạ; cảnh đẹp này khác gì miền Thái thạch đẹp nức tiếng mà tương truyền nơi Lí Bạch chơi thuyền say rượu mà nhảy xuống bắt trăng; sông Tiêu Tương có tám cảnh đẹp, cảnh đẹp nhất là "Ngư thôn tịch chiếu" tức cảnh làng chài dưới bóng chiều. Cảnh đẹp như thế thì chỉ có khách văn chương mới "mua" được thôi. Ngoài cái ý nghệ thuật phải lấy cái đẹp làm đối tượng, ở đây còn toát ra mối quan hệ chủ thể - tác phẩm - đối tượng cái đẹp nơi thiên nhiên, cả ba phải tương ứng, hài hòa: nhà văn phải có tài năng, cái đẹp phải đích thực được thể hiện trong hình thức thể loại, ngôn từ phù hợp.

Hình tượng "tuyết" xuất hiện rất nhiều lần. Không phải Nguyễn Trãi "nệ" thi liệu nước ngoài như có người nói. Bởi cách nay đã 600 năm, mà chỉ trên trăm năm gần đây do chịu ảnh hưởng mặt trái của công nghiệp phát triển mà nhiệt độ thế giới mới tăng cao rõ rệt. Ngay trong những ngày đầu năm 2016 tuyết xuất hiện nhiều ở Mẫu Sơn, Sa Pa... có nơi nhiệt độ xuống dưới âm. Có lẽ không nên căn cứ vào ngày nay để nói thời ấy xứ ta không có tuyết. Điều này Ức Trai đã có triết lý tuyệt vời về quan hệ các thời điểm như nhắn nhủ điều ấy với hậu thế: "Mạc tương tiền thế phan kim đại - Chớ lấy việc đời trước mà vin vào đời nay" (Hạ tiệp III, tr.296). Ngày nay hay nói xem xét vấn đề phải đứng trên quan điểm lịch sử cụ thể thì Nguyễn Trãi nói ngắn gọn mà rõ ràng, trước 600 năm. Ông xứng đáng là một trong những nhà duy vật biện chứng đầu tiên của nước ta.

Cũng nên cân nhắc lại nhận xét: chúng ta không có truyền thống lý luận. Cha ông ta ít nói về lý luận là có cơ sở nhưng không có truyền thống thì chưa hẳn. Vì còn phải tìm lý luận trong sáng tác nghệ thuật. Xin chứng minh qua hai bài thơ chữ Hán của Ức Trai. Bài Đề Hoàng ngự sử Mai tuyết hiên (tr.326) là một triết lý về cái đẹp đích thực mới có thể chinh phục con người, bất kể người đó là ai: "Trãi quan nga nga diện tự thiết/ Bất độc ái mai kiêm ái tuyết/ Ái mai ái tuyết ái duyên hà?/ Ái duyên tuyết bạch mai thanh khiết" (Hiên ngang mũ Trãi, quan mặt tựa sắt/ Không những yêu mai mà còn yêu cả tuyết/ Yêu mai yêu tuyết bởi sao vậy?/ Vì tuyết trắng và mai thanh khiết). Mũ Trãi là mũ quan Ngự sử có khắc hình sừng con Trãi, loài thú một sừng, trong truyền thuyết con vật này gặp người xấu thì húc. Do vậy mũ này tượng trưng cho sự công minh, chính trực, ghét cái xấu. Quan dù "mặt sắt" lạnh lùng nhưng trước cái đẹp chân chính cũng có cảm xúc mà yêu mến. Mạn thành II (tr.366) là một vị tiên lánh trần để vui với cái đẹp, đói thì ăn rễ tùng và hớp ánh sáng (Cơ thực tùng căn tước nhật hoa) nhưng vẫn vui say với bầu trăng gió đẹp (Đồ giác hồ trung phong nguyệt hảo). Cứ như thế năm này đến năm khác chẳng tốn một đồng tiền (Niên niên bất dụng nhất tiền xa). Chỉ qua hai bài này Nguyễn Trãi đã đưa ra một quan niệm nghệ thuật hiện đại: Nghệ thuật phải là cái đẹp đích thực, là địa hạt của sự vô tư, lánh cái tục, không thiên vị. Để sáng tạo và nhận thức nghệ thuật con người ta phải có cái tâm trong suốt, phải "trần vô bán điểm" (bụi không nửa điểm bợn) mới hiểu, tri âm với cái đẹp. Xây dựng lý luận nghệ thuật hiện đại hôm nay, rõ ràng rất cần phải kế thừa tư tưởng kinh điển này!

Nhà thơ rất chú ý, coi trọng, nhấn mạnh đến chữ "hòa", hòa trong quan hệ láng giềng, trong cư xử người với người, người với thiên nhiên, trong quá trình phát triển, cả khởi đầu đến lúc kết thúc. Ví như trong Lam Sơn thực lục thì nhân vật Thận quẳng lưới bắt được phiến sắt đưa cho Vua, Vua mài thấy hiện lên hai chữ "Thuận thiên". Bắt được cán gươm, Vua tra vào thì thành (tr.47). Đó là sự gặp gỡ những điều lý tưởng: thuận ý trời, hòa lòng dân. Cuộc kháng chiến chống Minh là biểu tượng cao nhất cho cái hùng, cái kỳ vĩ, cũng là cái đẹp cứu dân cứu nước, xét đến cùng cũng là biểu hiện của chữ HÒA. Thơ Ức Trai chứng minh cho sự hô ứng hòa hợp tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên: "Lầu hồng có khách cầm xuân ở/ Cầm ngọc tay ai dắng dơi thêm" (Thơ tiếc cảnh II, Thơ Nôm, tr.462). "Lầu hồng" đẹp, sang trọng và vương giả, là nơi ở của người đẹp quý phái. "Khách cầm xuân" ở "lầu hồng" là những cô gái đẹp muốn níu giữ mùa xuân. "Cầm ngọc" thì "cầm" là đàn, ý cả câu là tay người đẹp đánh đàn nghe càng hay thêm. Có thêm một ý phổ quát này: trong thế giới nghệ thuật phải có cảnh đẹp (lầu hồng, mùa xuân), có người đẹp tha thiết với cái đẹp (khách cầm xuân), có người tiếp nhận trong tâm trạng say cái đẹp, thì tất cả càng đẹp hơn! Đó là nghệ thuật vĩnh cửu trong sự hài hòa!?

Nguyễn Trãi đưa ra một quan niệm rất mới: nghệ thuật là cái đẹp nên không thể vị lợi, phải tuyệt đối trong sáng. "Cửa hiềm khách tục nào cho đến/ Song vắng chim phàm chửa tới kêu/ Ngắm hoa tàn xem ngọc rụng" (Tự thán XXXV, Thơ Nôm, tr.431). Ngôi nhà nghệ thuật thiêng liêng nên "cửa hiềm" (ngại, sợ) khách tục. Vì hoa quý giá và đẹp như ngọc nên ngắm hoa rơi cũng là xem ngọc rụng. Nơi ấy chỉ có con người và cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp tĩnh lặng nguyên sơ không một chút tục trần. Đây là quan niệm hiện đại: nghệ thuật là cái đẹp nên không thể vị lợi, phải tuyệt đối trong sáng. Nghệ thuật phải vô tư không đi cùng tục lụy, phải chân thành: "Thân ngoại phù danh Yên Các quýnh/ Mộng trung hoa điểu cố sơn u/ Ân cần kham tạ hương trung hữu/ Liêu bả tân thi tả ngã sầu - Phù danh ở ngoài mình, xa dời Yên Các/ Hoa và chim trong mộng, lặng lẽ non quê/ Ân cần xin tạ các bạn trong làng/ Tạm đem thơ mới giãi bỏ mối sầu của ta" (Thù hữu nhân kiến kư, tr.349). Lăng Yên Các do Đường Thái tôn dựng vẽ tượng 24 vị công thần, biểu tượng cho công danh. Xa dời công danh để về với non quê vui vẻ với hoa với chim trong mộng, với bạn bè trong xóm, làm thơ cởi bỏ mối sầu, con người chủ thể ấy như trong vắt.

Nghệ thuật không thể hời hợt, dửng dưng: "Ba xuân thì được chín mươi ngày/ Sinh vật lòng trời chẳng tây/ Rỉ bảo đông phong hời hợt ít/ Thế thì chớ tiếc, dửng dưng thay" (Thơ tiếc cảnh XI, Thơ Nôm, tr.464). Lời thơ như nhắn gửi. Nhắn rằng nghệ thuật thì phải "chẳng tây" tức không riêng tư thiên vị, không được "hời hợt ít". Nếu mà thiên vị hời hợt như thế tức chẳng thiết tha với tình đời thì thật tiếc thay, sao mà dửng dưng làm vậy. Và như thế sẽ không làm nên nghệ thuật!

Không khó để tìm ra những câu thơ chứng minh cho luận điểm thơ là tiếng nói tâm trạng, là tiếng lòng: "Trì thử tặng quân hoàn tự cảm/ Thi thành ngă diệc lệ triêm khâm - Cầm bài thơ này tặng ngươi ta còn tự cảm/ Thơ làm xong ta cũng nước mắt áo đầm đìa" (Đề Hà hiệu úy Bạch vân tư thân, tr.340). Thơ là để tỏ chí giãi bày tư tưởng: "Cao trai độc tọa hồn vô mỵ/ Hảo bả tân thi hướng chí luân - Buồng cao ngồi một mình vẫn không ngủ/ Hãy làm bài thơ mới mà nói đến chí của mình" (Thu dạ dữ Hoàng giang Nguyễn Nhược thủy đồng phú, tr.302). Ông rất đề cao giá trị văn học nghệ thuật: "Thi thư thực ấy báu ngàn đời" (Ngôn chí IX, Thơ Nôm, tr.398) và "Thiên thơ án sách qua ngày tháng/ Một khắc cầm nên mấy lạng vàng" (Thuật hứng X, Thơ Nôm, tr.414). Gần như cả đời cô đơn, phải chăng thế mà Nguyễn Trãi ưa thích thứ văn cô đơn lẻ loi (chon von). Tâm sự ấy thể hiện qua bài Thuật hứng IV (tr.412): "Văn này ngâm thấy mấy chon von". Biển xanh kia có thể khô thành bãi, sắt đá cũng mòn "Thương hải hay khao, thiết thạch mòn" nhưng nếu thứ văn cô đơn đến mức trở thành hư vô thì tạo hóa cũng khó mà làm đổi thay được "Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc/ Nước chảy âu khôn xiết bóng non". Nghĩa là ánh trăng xuyên qua bụi trúc nhưng không thể xuyên thấu lòng cây trúc, nước chảy không thể làm thay đổi được bóng của non. Những lòng trúc, bóng non kia là những hư vô, ngoài hình của hình, do vậy mà bất biến. Văn hay phải trở nên "hư vô" như vậy, sẽ trở thành của cải "Bạc mai vàng cúc để cho con".

Nhà thơ cô đơn, ưa vắng vẻ, thích sống nơi núi rừng sông suối, làm bạn với ngư tiều hơn là nơi phồn hoa đô hội với công danh phù phiếm nặng nề. Ông coi sự "vắng" là một yếu tố trong quy luật sáng tạo nghệ thuật: "Trượng phu non vắng là tri kỷ/ Tiên khách nguồn om ấy cố nhân/ Mấy của yêu đương đà chiếm được/ Lại mong chiếm cả hết hòa xuân" (Tự thán XI, Thơ Nôm, tr.423). "Nguồn om" tức "nguồn im". Phải nơi "non vắng", "nguồn om" ấy mới có thể sáng tạo, hơn nữa đẩy sự khát khao, ham mê sáng tạo ở mức cao nhất. Thi nhân cũng rất coi trọng cảm hứng "Liễu mềm rủ, nhặt đưa hương/ Hứng bợn lầu thơ khách ngại rằng/ Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít/ Một phen tiếc cảnh một phen thương" (Thơ tiếc cảnh VIII, Thơ Nôm, tr.463). Có thể hiểu mỗi khi liễu rủ mềm lại cũng có thể hiểu mỗi khi liễu rủ thì lại mềm lòng bâng khuâng "tiếc cảnh" mà cảm hứng đến. Cảm hứng tiếc xuân nên chẳng muốn nói năng (khách ngại rằng). Cảm hứng thường có do hai nguồn không gian và thời điểm: "Hồ sơn thanh hứng nhập thu cao - Hứng thú với nước non sang thu càng cao" (Thu nhật ngẫu thành, tr.341). Ở đây là không gian nước non và thời điểm sang thu.

Nhà nghệ sỹ lớn coi trọng, tôn trọng quy luật tồn tại của nghệ thuật: "Xuân muộn nào hoa chẳng rụng rơi" (Thuật hứng XIV, Thơ Nôm, tr.415). Để nghệ thuật phát triển phải tạo ra một mối quan hệ thẩm mỹ lành mạnh với bầu sinh quyển văn hóa có con người hài hòa với thiên nhiên, thiên nhiên cùng hài hòa trong "tốt tươi": "Phúc nhiều sơ bởi nơi ta tích/ Xuân đến tự nhiên mọi vật tươi" (Bảo kính cảnh giới XI, Thơ Nôm, tr. 442). Nên con người phải "tích phúc". Còn phải có tri thức (cũng là của cải): "Đồ thư bốn vách nhà làm của/ Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền" (Bảo kính cảnh giới XXXVI, Thơ Nôm, tr. 450). "Đồ thư" tức sách vở biểu trưng cho trí tuệ. Đồng thời con người phải vô tư, không màng danh lợi, chỉ biết say mê hướng về cái đẹp, "phong nguyệt năm hồ..." tức câu chuyện xưa sau khi giúp Cẫu Tiễn thành sự nghiệp lớn Phạm Lãi không làm quan mà bỏ đi chơi nơi Ngũ hồ (cảnh tuyệt đẹp) với Tây Thi (người cực đẹp).

Sự vĩ đại của nghệ sỹ Nguyễn Trãi còn thể hiện ở một mỹ học bản sắc, điều mà ở ngày hôm nay trở nên cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều ấy nhà tư tưởng nhìn thấy trước chúng ta 600 năm trong Dư địa chí: "Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân-lạp để làm loạn phong tục trong nước" (tr. 242). Đối chiếu tư tưởng này với tư tưởng mỹ học của thế giới văn minh ngày hôm nay thật không khác bao nhiêu. Đó là một tài sản tinh thần vô giá của dân tộc cần được phân tích, lý giải sâu kỹ hơn và đưa vào giảng dạy phổ cập cho học sinh sinh viên để họ hiểu và yêu thêm văn hóa dân tộc.

6. Mỹ học chủ thể.

Với tầm văn hóa kết tinh từ truyền thống phương Đông lại có cái nhìn vượt trước thời đại hẳn nhiên Nguyễn Trãi có một mỹ học chủ thể, mà dưới đây chúng tôi xin phác thảo mô hình con người nghệ sỹ trong trước tác thơ. Tác giả có ý tổng kết cuộc đời, sự nghiệp văn học của mình nhưng là mẫu hình cho cái tôi nghệ sỹ đời sau trong bài Bảo kính cảnh giới LVI, (Thơ Nôm, tr.457): "Trí qua mười mới khả rằng nên/ Ỷ lấy nho, hầu đấng hiền/ Đao bút phải dùng tài đã vẹn/ Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên/ Vệ nam mãi mãi ra tay thước/ Điện bắc đà đà yên phận tiên/ Nghiệp Tiêu Hà làm khá kịp/ Xưa nay cũng một sử xanh truyền". Trí tuệ phải toàn vẹn "Trí qua mười mới khả rằng nên"; phải có học vấn triết học làm nền tảng (đạo Nho); lấy văn chương dùng vào việc cứu nước (đao bút... chỉ thư nấy chép); bảo vệ nước nhà (vệ nam, điện bắc); sự nghiệp chấn hưng đất nước (như Tiêu Hà giúp nhà Hán kiến thiết triều luật); luôn tin tưởng vào chân lý công bằng của lịch sử (sẽ được sử sách ghi công).

Bàn về vấn đề chủ thể nghệ sỹ chúng ta đã quen thuộc với bài Tùng: "Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày/ Có thuốc trường sinh càng khỏe thay/ Hổ phách phục linh nhìn mới biết/ Dành còn để trợ dân này". Tức người nghệ sỹ phải từng trải vốn sống, có tài năng đặc biệt là thứ "thuốc trường sinh" tinh thần để "trợ dân". Còn phải "Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông" một niềm trăn trở vì dân vì nước, sâu thẳm một tình thương "sinh linh": "Niềm cũ sinh linh đeo ắt nặng" (Tự thán II, Thơ Nôm, tr.420). Dễ thấy cái gốc của cây nhân cách nghệ sỹ, theo Ông, và hoàn toàn đúng với triết học văn hóa hiện đại, là tình yêu thương con người, là nỗi niềm trăn trở, trắc ẩn vì con người. Bài Chim hạc già (Thơ Nôm, tr.473) có ý ví nghệ sỹ như con chim hạc, phải: "Đính nhuộm đơn sa chín chuyển hồng", tức phải có "đính" (mào của hạc sắc đỏ chói) có thể hiểu chỉ nét riêng nghệ thuật độc đáo; không những thế "đính nhuộm đơn sa", đơn sa - một thứ khoáng chất mầu đỏ để uống hoặc nhuộm, thường để luyện thuốc trường sinh (luyện đơn), tức giá trị độc đáo. Nghệ sỹ phải trau dồi vốn sống, tài năng, tri thức, biết vượt qua mọi khổ sở đau đớn, như "chín chuyển hồng" tức luyện đơn sa chín lần, mỗi lần luyện thêm một lần đỏ; phải được tự do để sáng tạo như chim hạc già "kham cười anh vũ mắc chưng lồng". "Kham cười" tức có thể cười được chim anh vũ (chim vẹt) chỉ biết nhại lại. Đặt trong thế tương phản có thêm ý nghĩa mới: nghệ sỹ phải có tiếng nói riêng, không bắt chước, nói theo. Nghệ thuật phải là sự từng trải: "Càng thuở già, càng cốt cách/ Một phen giá, một tinh thần" (Thơ mai, Thơ Nôm, tr.465). Nghệ sỹ phải lao động thực sự để cọ xát với đời, lẫn vào với dân, cũng là một cách "tích vốn": "Ao cạn vớt bèo cấy muống/ Trì thanh phát cỏ ương sen/ Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then" (Thuật hứng XXIV, tr.69); phải rèn sự nhạy cảm, nhìn thấy được sự vật hiện tượng mà người thường không thấy. Nhạy cảm cũng là để biết trân trọng tiếc thương cái đẹp vốn mong manh dễ vỡ: "Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan" (Bảo kính cảnh giới XXXIII, Thơ Nôm, tr.449). "Ngắm xem mai hay tuyết đến/ Say thưởng nguyệt lệ thu qua" (Bảo kính cảnh giới XLI, Thơ Nôm, tr.452). "Lệ" nghĩa là sợ, ý nói thưởng thức cái đẹp phải biết sợ cái đẹp sẽ qua.

Vì muốn chiêm bái, tận hưởng cái đẹp mà có ý trách tạo hóa: "Vì cảnh lòng người tiếc cảnh xuân/ Mới trách thanh đồng tin diễn đến/ Bởi chưng hệ chúa Đông quân" (Thơ tiếc cảnh, Thơ Nôm, tr.464). "Thanh đồng" tức tiên đồng người hầu Tây Vương mẫu, nhà thơ trách tiên đồng đem tin đến chậm (diễn nghĩa là xa xôi) làm cho thi nhân bây giờ mới gặp mùa xuân. Nhưng cũng là tại bởi Đông quân (Chúa xuân) cứ muốn giữ xuân lại mãi mới cho tiên đồng báo tin. Lời thơ đẹp huyền ảo, tất cả đều được đưa trở về không gian huyền thoại, thì ra, đã là cái đẹp đích thực thì ai cũng muốn, từ Chúa xuân đến thi nhân cũng đều muốn thưởng thức.

Thơ Ức Trai có lúc đậm chất huyền thoại để diễn tả cái đẹp hư ảo mong manh cũng là để giãi bày tấc lòng say, tiếc, trân trọng cái đẹp: "Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt/ Khoan khoan những lệ thỏ tan vừng" (Thơ tiếc cảnh, Thơ Nôm, tr.462). Hình tượng thơ kiến tạo trên nền thần thoại: trên mặt trăng có thỏ giã thuốc tiên. Nhưng tất cả là hư ảo nên không biết đó là tiếng chày con thỏ giã thuốc trên mặt trăng hay tiếng chày dưới trần thế, vì vậy mà thi nhân mới thốt lên "khoan khoan" kẻo tiếng chày làm vỡ mất vầng trăng. Đây không phải thơ của người mà là thơ của tiên. Phải là thi tiên mới có những câu như vậy!

Hình như Nguyễn Trãi có ý xác lập cho riêng mình một mẫu con người nghệ sỹ, ngoài tài năng, tâm huyết, ông hay nhấn mạnh đến chuyện tránh xa danh lợi, xa chốn cửa quyền: "Danh chăng chác, lộc chăng cầu/ Được ắt chẳng mừng mất chẳng âu/ Có nước nhiễu song non nhiễu cửa/ Còn thơ đầy túi rượu đầy bầu" (Tự thuật X, Thơ Nôm, tr.436). Xa chốn danh lợi để hòa nhập với thiên nhiên: "Khách đến vườn còn hoa lác/ Thơ nên cửa thấy nguyệt vào/ Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ/ Lẩn thẩn làm chi áng mận đào" (Mạn thuật XIII, Thơ Nôm, tr.407). Phải không màng danh lợi, phải có bản lĩnh coi sự được mất là chuyện bình thường; phải gần với thiên nhiên. Nhất là phải ra sức học hỏi trau dồi tìm kiếm mới tạo nên may mắn: "Rừng nho rộng nấn ngàn im/ Hột cải tình cờ được mũi kim/ Bể học trường văn hằng nhặt bới/ Đường danh lối lợi hiểm khôn tìm" (Bảo kính cảnh giới XXIII, Thơ Nôm, tr.446).

Mỹ học hiện đại rất coi trọng cá tính, vì đó là cơ sở để tạo nên nét riêng. Điều này đã được Ông ý thức, qua một "phản biện": "Ai ai đều đã bằng câu hết/ Nước chẳng còn có Sử Ngư" (Ngôn chí XIV, Thơ Nôm, tr.407). Sử Ngư là người chép sử thẳng thắn nổi tiếng ở nước Vệ đời Xuân Thu. Một nước mà không có Sử Ngư, tất cả đều cong một giuộc như lưỡi câu, tức sa vào tình trạng không có tiếng nói thẳng, tiếng nói riêng, là biểu hiện của sự suy thoái đáng sợ. Qua hình tượng hoa cúc nhà thơ ca ngợi và khẳng định chỉ nét riêng mới có thể trở thành giá trị: "Người đua nhan sắc thuở xuân dương/ Nghỉ chờ thu cực lạ dường/ Hoa nhẫn rằng đeo danh ẩn dật/ Thức còn thông bạn khách văn chương/ Tính thanh nào đoái bề ong bướm/ Tiết muộn chẳng nài thuở tuyết sương/ Dầu thấy xuân lan cùng lọn được/ Ai ai đều có mấy mùi hương" (Cúc, Thơ Nôm, tr.466). Các loài hoa khác đua nhau nở khi mùa xuân, nhưng cúc "cực lạ", nở vào mùa thu. Nó đành chịu (nhẫn) tiếng ẩn dật, nhưng đủ (thông) tư cách làm bạn với khách văn chương ở "tính thanh", ở sự từng trải. Nếu mùa xuân có hoa lan thì mùa thu có hoa cúc sẽ cho con người được thưởng thức nhiều mùi hương khác nhau, ở các thời điểm khác nhau. Cúc thường đã là cá tính, cúc đỏ còn cá tính hơn. Hình như Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh điều này mà có thêm bài Cúc đỏ: "Cõi đông cho thức xạ cho hương/ Tạo hóa sinh thành khác đấng thường/ Chuốt lòng đơn chẳng bén tục/ Bền tiết ngọc kể chi sương/ Danh thơm Thượng uyển còn phen kịp/ Bạn cũ đông ly ắt khá nhường/ Miễn được chúa tiên yêu chuộng đến/ Ngày nào khá? Ấy trùng dương" (Cúc đỏ, Thơ Nôm, tr.466). "Cơi đông" là mặt trời "cho thức " tức cho hoa một màu đỏ như mặt trời vậy. Hoa trau dồi lòng đơn thanh sạch để không bị bén cái tục, không vì sương giá mà héo tàn, vẫn bền một tiết tháo. (Nhờ thế) mà danh thơm vẫn khắp vườn, các loài cúc khác (bạn cũ đông ly) phải kính trọng. Hoa khái tính, chỉ chọn đúng ngày trùng dương mà nở. Phải chăng Nguyễn Trãi muốn đưa ra một phẩm chất của thi nhân (chủ thể nghệ sỹ): phải "khác thường"; luôn hướng về ánh sáng, về lý tưởng (mặt trời) và được "nhuộm đỏ" ánh sáng lý tưởng ấy; tấm lòng trong suốt; được mọi người, đồng nghiệp kính trọng; trực tính, thẳng thắn... Trong bài thơ khác thi nhân có bổ sung làm rõ thêm ý sau: "Thế sự dầu ai hay buộc bện/ Sen nào có bén trong lầm" (Thuật hứng XXV, Thơ Nôm, tr.419), tức không chịu ép mình, cúi mình, như sen vậy, không chịu bén bùn tục lụy. Mỹ học hiện đại coi trọng cái Khác (Otherness) thì những dẫn chứng này là rất tiêu biểu. Đối chiếu tư tưởng mỹ học này với mỹ học cá tính của thế giới văn minh hôm nay thật không khác bao nhiêu.

7. Mỹ học tiếp nhận.

Bài thơ chữ Hán Đề Thạch trúc oa (tr.311) có mấy câu nói về mối quan hệ giữa tính cách của chủ thể và hoàn cảnh: "U trí dĩ ưng trần ngoại tưởng/ Thanh tiêu hoàn ái tuyết trung khan/ Song tiền nguyệt bạch cung giai thưởng/ Thoái thực liêu tương ngụ tam hoan" "Tính u nhã đã nên tưởng ở ngoài trần tục/ Tính thanh tao xem tuyết còn thú hơn/ Trước cửa sổ khi trăng sáng cho ta thưởng vẻ đẹp/ Sau bữa cơm ta lấy chỗ tạm ngụ niềm vui". Có thể hiểu đó là mối tương liên đối tượng cái đẹp và thế giới tinh thần. Ở những câu khác nói về khoảng cách tâm lý trong tiếp nhận: "Cố quốc thiên dao trọng cảm hoài - Xa trời cố quốc nặng tình cảm hoài" (Quá lĩnh, tr.386). Có xa Tổ quốc càng thêm yêu Tổ quốc. Điều này, mãi về sau có nhà triết học hiện đại khái quát: có thể đưa một người ra khỏi quê hương chứ không thể đưa quê hương ra khỏi người ấy. Mỹ học tiếp nhận Nguyễn Trãi có xu hướng khái quát để đẩy vấn đề về gần với đời sống, thành quy luật của đời sống, mang ý nghĩa giáo dục thực tiễn: "Khỏi triều quan mới hay ơn chúa/ Sinh được con thì cảm đức cha" (Trần tình, Thơ Nôm, tr.408). Hôm nay ta hiểu: ra khỏi nơi từng sống mới hay ân nghĩa tình đời. Phải từng thấu hiểu và thấu cảm trách nhiệm và bổn phận làm cha mẹ mới thấu hiểu thấu cảm tình cha mẹ. Mới thấy câu thơ Chế Lan Viên không mới: "Khi ta ở đất là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Mỹ học tiếp nhận Nguyễn Trãi quan niệm tiếp nhận còn chịu chi phối của quy luật lứa tuổi: "Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành/ Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình" (Thơ tiếc cảnh IV, Thơ Nôm, tr.463). "Lật" nghĩa là lỡ: đã quá tuổi thiếu niên nên lỡ mất hẹn lành. Để bây giờ hoa nguyệt (cái đẹp) cũng trở thành vô tình với mình. Một sự xót xa cho những ai không biết sống đích thực ở cái thời hồn nhiên mà mê say, để rồi quá lứa... Ý thơ mãi mãi là hiện đại vì mang tầm phổ quát ở tất cả mọi người, mọi thời.

Tư tưởng mỹ học Nguyễn Trãi xứng đáng trở thành một giá trị văn hóa, một tài sản tinh thần vô giá của dân tộc cần được phân tích, lý giải sâu kỹ hơn. Chúng ta đang cố gắng làm giàu thêm lý luận văn học nghệ thuật bằng cách tiếp thu cái hợp lý của lý luận nước ngoài. Đấy là một hướng đi đúng. Nhưng thiết nghĩ, song hành với hướng đó và cơ bản hơn là phải đi sâu vào vốn cổ của ta để tìm tinh hoa lý luận truyền thống cha ông mà kế thừa, phát triển, nâng cao cho phù hợp với hôm nay. Bởi lý thuyết nước ngoài bao giờ cũng có độ vênh lệch, chưa nói đến có sự áp đặt, khiên cưỡng. Mỹ học Nguyễn Trãi và của cả một nền văn học dân gian rồi văn học trung đại là cả một kho vàng tư tưởng còn chìm trong các sáng tác văn chương. Chỉ có điều phải bỏ công tìm tòi suy ngẫm bởi chúng ẩn sâu trong các hình tượng thẩm mỹ chứ không hiển hiện triết lý khô cứng ra bên ngoài.

Nguồn : Tạp chí Thơ HNV

____________

Bài viết nghiên cứu trên văn bản trong Nguyễn Trãi toàn tập (in lần thứ hai có sửa chữa, bổ sung) của Nxb Khoa học Xã hội, 1976 do Viện Sử học đứng ra tổ chức bản thảo, biên tập, hiệu đính với sự tham gia của tập thể học giả có uy tín học thuật như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Văn Tân, Phan Duy Tiếp, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê. Quyển sách này ít sai lỗi trong phiên âm chữ Hán, chú thích, chú giải điển cố ngắn gọn dễ hiểu, khi phân tích chúng tôi đều lấy các giải thích điển cố từ công trình để làm rõ lập luận của mình. Các trích dẫn được sắp xếp theo trật tự: số thứ tự tác phẩm, trang số. Ví dụ: (24, tr.119).

 

 

[1] Mịch Quang. Khơi nguồn mĩ học dân tộc, 2004. Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 8-9.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư - Nxb Văn hóa Thông tin, 2009, tr. 563.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư - Nxb Văn hóa Thông tin, 2009, tr. 563.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *