Văn học với đời sống

28/7
9:30 AM 2016

NHỮNG TRANG VIẾT Ở CHIẾN TRƯỜNG

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã xuất hiện một lớp nhà văn - chiến sĩ với những trang viết sống động, mang tính tư liệu lịch sử quý giá. Hơn 40 năm đã qua, giờ đây những trang viết của họ vẫn còn tươi mới.

Cách đây 45 năm, nhà văn Chu Cẩm Phong đã ngã xuống trong một trận càn của địch vào ngày 1-5-1971 khi mới 30 tuổi. Ông là người thường xuyên viết nhật ký. Lúc chuẩn bị đi vào vùng chiến sự căng thẳng ở Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng hiện nay), nhà văn Chu Cẩm Phong đã gửi lại 3 quyển nhật ký cho nhà thơ Thanh Quế. Còn quyển nhật ký cuối cùng thì biến mất lúc ông hy sinh.

 

Sau ngày giải phóng Đà Nẵng, một hôm có người tìm đến cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ gặp một nhà thơ và nói rằng có một người bạn là lính nhặt được quyển sổ này, nay xin gửi lại cho các anh giải phóng. Nhờ đó, cả 4 cuốn đã hợp thành tác phẩm Nhật ký chiến tranh dày hơn 900 trang của nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong được xuất bản năm 2000 đã gây xúc động cả nước, nhất là những người trẻ sinh ra sau ngày đất nước hòa bình thống nhất hiểu sâu hơn bức tranh chân thực đầy khắc nghiệt của chiến tranh.

 

Tương tự, 2 quyển nhật ký của Đặng Thùy Trâm cũng được cựu sĩ quan quân báo Frederic Whitehurst của Hoa Kỳ lưu giữ và trả lại cho gia đình của nữ bác sĩ anh hùng vào cuối tháng 4-2005, tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm nhanh chóng được biên tập, xuất bản trở thành một hiện tượng văn học trong hơn 10 năm qua. Quyển nhật ký có số phận đặc biệt của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hợp cùng với quyển nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc vốn được gia đình lưu giữ và xuất bản thành tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi, đã trở thành những nguồn tư liệu quý giá và nguồn cảm hứng cho những nhật ký chiến tranh lần lượt ra mắt bạn đọc.

 

 Trong lúc đó, không may mắn như Đặng Thùy Trâm hay Nguyễn Văn Thạc, những trang bản thảo viết ngay trên chiến trường của các cây bút tài năng như Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ và một số nhà văn - chiến sĩ khác nữa đã mãi mãi biến mất cùng với sự hy sinh của họ. Đó là chưa kể bao nhiêu dự định, dữ liệu từ vốn sống và chiến đấu mà họ chưa kịp thể hiện trên trang viết. Chẳng hạn như Hồng Tân, một người sinh ra ở Sài Gòn, tập kết ra Bắc tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho thấy là một cây bút lý luận phê bình văn học nhiều triển vọng qua những bài nghiên cứu đầu tiên, nhưng đã sớm hy sinh giữa tuổi đôi mươi sau khi xung phong về quê hương chiến đấu và ấp ủ giấc mơ công trình giới thiệu văn học cách mạng miền Nam. Hai tài năng văn học Lê Anh Xuân và Hồng Tân hy sinh cùng lúc bên nhau, để lại bao ước mơ sáng tạo dở dang.

 

Nhớ về số phận những trang bản thảo viết ở chiến trường, may mắn còn tồn tại hay mãi mãi biến mất, để thấy rằng từng có những thế hệ người cầm bút đã hiến dâng tài năng và cả sinh mệnh một cách vô tư, trong sáng cho Tổ quốc. Họ viết một cách tự nguyện, không chút toan tính vụ lợi. Họ viết vì sứ mệnh cao cả của người cầm bút trước vận mệnh đau thương của dân tộc dưới mưa bom bão đạn. Những trang văn của họ không những phản ánh hiện thực ác liệt của chiến tranh, mà còn thấm đẫm tinh thần nhân văn với tất cả tình thương yêu đồng chí, đồng đội và nhân ái với cả người bên kia chiến tuyến…

Ngẫm về số phận những trang bản thảo viết từ chiến trường và soi rọi đời sống sáng tác văn học thời kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta không khỏi cảm thấy đau lòng. Trong khi những tài năng đích thực như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Dương Thị Xuân Quý,… tay súng tay bút đã ngã xuống lúc mới trên dưới 30 tuổi, hoặc lớn hơn một chút là nhà văn Nguyễn Thi cũng mới ở tuổi 40, nhưng kịp để lại những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhân văn, thì không ít cây bút trẻ hiện nay sống và sáng tác trong điều kiện vật chất đủ đầy lại viết toàn những trang “ngôn tình” chạy theo thị hiếu thấp kém, góp phần làm xuống cấp văn hóa đọc.

 

Có cây bút trẻ còn tìm mọi cách để được nổi tiếng, tự đánh bóng thương hiệu bởi những thứ tầm phào ngoài trang văn, thậm chí lăng mạ vu vạ cho đồng nghiệp nhằm tự đề cao mình. Kỳ khôi hơn, có cây bút vừa nhận được giải thưởng nho nhỏ, lại lên mạng lớn tiếng kêu gọi bạn đọc góp tiền, góp ý tưởng cho mình viết tiểu thuyết lịch sử để “PR cho lịch sử Việt Nam”, nhưng mới thể hiện được dăm chục trang viết đã cho thấy sự kém cỏi về tri thức lẫn nhân cách khi bị phát hiện đạo văn…

 

Đất nước mới hòa bình thống nhất hơn 40 năm. Những trang văn viết từ chiến trường còn tươi màu mực, mồ hôi lẫn máu. Các bạn trẻ mới bước vào con đường văn chương hãy lắng lòng ngoái nhìn các thế hệ cha anh để tự soi lại mình, tìm cho mình hướng đi phù hợp, đúng đắn với trách nhiệm của người cầm bút!

 

Hoàng Văn- nguồn:nhavantphcm.vn

 

NHÀ VĂN ANH HÙNG TRẦN TIẾN- CHU CẨM PHONG

 

 

 

NVTPHCM- Tháng 3.2010, trong Danh sách Tuyên dương anh hùng thời kỳ chống Mỹ, lần đầu tiên có tên một nhà văn: Đó là liệt sĩ Trần Tiến - Chu Cẩm Phong.

 

Trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc, các nhà văn hi sinh ngoài mặt trận là một danh sách dài: Từ Trần Đăng, được coi là người văn nghệ binh thứ nhất đổ máu ở chiến trường, Trần Mai Ninh, Thúc Tề, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Nam Cao, Nguyễn Đình Lạp đến Lê Vĩnh Hòa, Dương Tử Giang, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Hồng Tân, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Hồng, Dương Thị Xuân Quí, Bùi Nguyên Khiết, Mộng Lục…

 

Riêng tấm bia ghi tên các liệt sĩ văn nghệ của Liên khu V ở bảo tàng Đà Nẵng có tên gần một trăm người.

 

Trong đội ngũ đông đảo những tên tuổi nổi tiếng ấy, Chu Cẩm Phong, người đầu tiên được Tuyên dương Anh hùng là có lý do chính đáng.

 

***

 

Trần Tiến sinh ngày 12.8.1941 tại Hội An - Quảng Nam. Năm 1954, anh theo cha là bộ đội tập kết ra Bắc. Học hết phổ thông ở trường học sinh miền Nam số 24 ở Hải Phòng, anh được tuyển thẳng vào Khoa Ngữ văn Khóa 5 Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là một chàng trai có nước da sáng trắng, gương mặt tươi, đôi mắt tinh anh, tính tình hiền lành và rất chăm đọc. Là Bí thư Chi đoàn của lớp, Cán bộ Đoàn của Trường, năng nổ và tháo vát, tháng 01.1963, mới là sinh viên năm thức ba, anh đã được kết nạp Đảng. Dạo đó, một bộ phận sinh viên là cán bộ kháng chiến, việc một học sinh phổ thông được kết nạp như thế là rất hiếm. Luận văn tốt nghiệp khóa ba năm của anh có đề tài là: Từ nhân vật Thúy Kiều của Thanh Tâm tài nhân đến Thúy Kiều của Nguyễn Du: sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ dân tộc được điểm xuất sắc.

 

Hơn 40 sinh viên khóa 5 tốt nghiệp, trường giữ lại 8 người học tiếp khóa 4 năm đầu tiên, chia làm hai, 4 văn và 4 ngôn ngữ.

 

Trần Tiến cùng Nguyễn Hồng Tân, Nguyễn Trung Thu (nhà thơ có bài Đêm Trường Sơn nhớ Bác được phổ nhạc) học tiếp về Văn.

 

Luận văn năm thứ tư là: Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

 

Được đào tạo để trở thành một chuyên gia về văn học cổ điển, nhưng vừa ra trường, quê hương đã kêu gọi. Cùng Hồng Tân, Trần Tiến được dự lớp tập huấn thể lực để đi thẳng vào chiến trường ác liệt nhất: Khu Năm. Suốt 7 năm ở chiến trường với công việc người viết báo rồi viết văn với bút danh Chu Cẩm Phong - mà việc nào cũng phải mầy mò học hỏi từ đầu, anh đã tự khẳng định trong cuộc sống cũng như công tác và sáng tác, để trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của bộ phận sáng tác trong Ban tuyên huấn Khu V.

 

Đặc biệt là trong chiến đấu, ở một chiến trường rất gian khổ và ác liệt, nhưng Liên khu V, ở bên dân sự cũng như quân sự rất chú ý phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức, tạo điều kiện cho các cây bút trẻ sáng tác để có tác phẩm kịp thời động viên sĩ khí chiến đấu. Nếu phía VănNghệ quân giải phóng có Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Thái Bá Lợi… thì Văn nghệ giải phóng có Phan Tứ, Vương Linh, Phan Huỳnh Điểu, Chu Cẩm Phong, Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo, Dương Thị Xuân Quí, Thanh Quế…

 

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày nhà văn hi sinh, lúc mới 30 tuổi, Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tập Nhật ký chiến tranh, ghi từ 11.7.1967 đến 27.4.1971, bốn ngày trước khi tác giả anh dũng hi sinh.

 

Dưới hình thức nhật ký, thật ra đây là tập ghi chép một cách có ý thức và rất có kỷ luật của một người chuẩn bị để tự đào tạo mình thành nhà văn. Nói có ý thức, vì thông thường nhật ký cá nhân là nơi bộc lộ tâm tư suy nghĩ, tình cảm của chính người ghi. Ở đây, bạn đọc lại được tiếp cận với toàn cảnh chiến trường với tất cả cái khốc liệt ghê gớm tới từ bom đạn kẻ thù, từ hoàn cảnh thiếu đói triền miên của mặt trận, từ biến động thất thường và dữ dội của thời tiết và thiên nhiên cả từ rừng núi đến đồng bằng, và cả bão táp, sóng gió trong lòng người thuộc về hai phía, mà ranh giới nhân sự không phải bao giờ cũng rạch ròi. Nói người ghi chép rất có kỷ luật, vì đọc nhật ký, ta biết tác giả cũng như đồng nghiệp và đồng đội thường xuyên sống trong một hoàn cảnh rất căng thẳng. Ở một vùng xen kẽ ta và địch, khi kẻ địch - quân Mỹ, Nam Hàn, lính ngụy và chính quyền cùng bộ máy đàn áp ngụy - có ưu thế áp đảo về bom đạn và phương tiện chiến tranh, khống chế và làm chủ bầu trời, cơ quan tìm một nơi trú nấp yên ổn là rất khó. Cho nên nói là làm báo, viết văn nhưng thời gian thực tế giành cho công việc này không nhiều. Chỗ ở thường xuyên thay đổi. Nơi nào cũng lo đào hầm, làm lán ở, nơi hội họp, rồi lo phát hoang, làm rẫy, tăng gia tự túc, mỗi năm có 4 tháng, lo phần ăn độn quanh năm. Ngay cả khi được cấp lương thực, thực phẩm cũng phải đi hàng tuần, vượt qua bao trận bom, sông sâu, suối lũ, đèo cao, núi dốc, mà không phải bao giờ cũng được nhận. Ngày đói, ốm đau, bệnh tật là thường xuyên. Thế mà vẫn đi phát rẫy, trỉa lúa, trồng sắn, gieo ngô… Đêm về mệt rã rời, tác giả vẫn ghi chép đều đặn và đầy đủ. Phải có một ý thức kỷ luật thép với bản thân mới làm được điều đó.

 

Và nhờ thế, qua 500 trang ghi chép còn lại, ta có một bức tranh khá độc đáo về hiện thực chiến tranh ở chiến trường đặc biệt, ở một địa bàn còn ít được các tác phẩm văn học nói đến.

 

Có thể thấy, ý thức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của một nhà văn - một người Đảng viên trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng giữ vững phẩm chất tiên phong và mẫu mực.

 

Trong cơ quan, là chỗ dựa tin cậy của đồng đội. Nhiều năm là Bí thư Chi bộ, dẫu cơ quan có một số văn nghệ sĩ đã qua hai cuộc kháng chiến. Luôn nhận việc khó khăn về mình, nhường thuận lợi, cả miếng ăn, viên thuốc khi mình ốm đau, thời gian cho anh em đi thực tế, sáng tác.

 

Khi có điều kiện, đi về các địa bàn cơ sở, về Gò Nổi, Hội An, Duy Xuyên, hay lên với đồng bào các dân tộc, ở đâu cũng được dân nhớ, dân thương.

 

Tới cơ sở, anh không chỉ là nhà văn, nhà báo đi nắm tình hình thực tế mà còn là một cán bộ có tầm vóc, luôn có sáng kiến chỉ đạo các hoạt động công tác và chiến đấu và tự mình tham gia chiến đấu! Cũng do ý thức kỷ luật mà mấy lần về Hội An, thậm chí đã nhìn thấy ngôi nhà xưa, nơi có bà mẹ nhiều lần bị tù đầy, mà không dám về gặp, sợ phiền lụy cho mẹ. Anh đã nhiều lần vượt qua cái chết trong gang tấc.

 

Và điều đặc biệt xúc động và đau lòng, và sau rất nhiều đắn đo và lo lắng, sau 7 năm ở chiến trường, anh đã có một tình yêu trong sáng, mãnh liệt và quyết liệt.

 

Tất cả đang hứa hẹn một tương lai rạng rỡ với một nhà văn sắp tròn tuổi 30. Nhưng, chỉ 30 ngày sau buổi hò hẹn chính thức với người yêu, anh đã anh dũng hi sinh khi về thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Anh hi sinh cùng 4 đồng đội trong một căn hầm bí mật vào ngày 01.5.1971.

 

Khi khui hầm, một sĩ quan tác chiến ngụy đã nhặt được cuốn nhật ký anh, có phần bị mảnh lựu đạn xé rách. Anh ta đã đem về tặng lại cho một người bạn ở bộ phận chiến tranh tâm lý. Thay vì khai thác, để biết bí mật nội tình đối phương, bất ngờ và xúc động vì nội dung nhật ký anh đã gìn giữ để sau này tới trao lại cho các bạn anh vừa ở rừng về giải phóng Đà Nẵng.

 

Nhờ thế, chúng ta có trọn vẹn Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong.

 

Hơn 30 năm sau, ông Hoàng Đình Hiếu, nhớ về việc mình làm đã viết: Tôi thật sự tiếc thương sự hi sinh của chiến sĩ Chu Cẩm Phong khi nhận được cuốn nhật ký như một chiến lợi phẩm… Phải nói là Chu Cẩm Phong là người sống sót duy nhất và làm chứng cho mình hơn bất cứ ai hết… Việc biểu dương xứng đáng xin dành cho chiến sĩ Chu Cẩm Phong. Điều tôi hằng trân trọng là sự chân thật của tấm lòng. Oái oăm thay tôi đã học được từ tấm lòng chân thành của Chu Cẩm Phong. Phải chăng, trong một hoàn cảnh nào đó, chiến tranh đem chúng tôi đến gần nhau hơn!

 

Và vì thế, dẫu mới là ghi chép, Nhật ký chiến tranh có sức mạnh như một tác phẩm văn học độc đáo.

Ngô Thảo- nguồn: nhavantphcm.vn

 

NHỚ NHÀ THƠ NGUYỄN MỸ

 

NVTPHCM- Anh Nguyễn Mỹ ơi, cuối cùng ai cũng phải chết để trở về cát bụi. Nhưng anh ra đi sớm quá, tuổi 36 còn đầy hứa hẹn cho đời nhiều bài thơ hay. Tôi thương tiếc anh cùng nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi và biết bao anh chị khác đã ngã xuống trên chiến trường. Các anh chị đã góp phần xây nên nền văn học thời chiến,…

 

Sau tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 của quân dân miền Nam buộc Mỹ phải ký hiệp định ngừng bắn hạn chế ở miền Bắc, bom đạn, sự gian khổ, ác liệt và hy sinh dồn vào khúc eo miền Trung từ một nửa Nghệ An trở vào đến Vĩnh Linh.

 

Nhà tôi lúc đó ở một làng quê sơ tán, thường bất ngờ được đón các đoàn công tác, các đơn vị bộ đội hành quân vào Nam hay ra Bắc thường nghỉ lại 1-2 ngày. Cứ mỗi lần các anh về làng, không chỉ thanh niên mà lũ trẻ chúng tôi như ngày hội, cứ chạy tung ta tung tăng khắp nơi thăm các anh, sung sướng nhìn súng đạn, máy bộ đàm, quân trang, quân dụng...

 

Đã hơn 40 năm rồi, trí nhớ hồi trẻ thơ vẫn cứ khắc sâu hình ảnh các anh, đôi lúc cứ thầm hỏi: những con người dạo ấy bây giờ ở đâu? Chắc rất nhiều anh đã vĩnh viễn nằm lại dọc đường hành quân hay ở chiến trường.

 

Một trong số các anh để lại trong tôi nhiều dấu ấn nhất là nhà thơ Nguyễn Mỹ. Tôi nhớ mãi vào một ngày cuối hè năm 1968, một người cao to đẹp trai mang trang phục người lính rất nghiêm, nói giọng Nam đến thăm nhà tôi nơi sơ tán. Anh điềm tĩnh, ít nói, nhưng dễ chịu lúc tiếp xúc và khiến tôi có cảm tình ngay.

 

Anh tự giới thiệu tên là Mỹ, công tác ở NXB Phổ thông, anh biết nhà tôi qua người anh họ tôi (nhà thơ Xuân Hoài). Anh bảo rất vội vì sắp sửa phải đi công tác xa đơn vị đang nghỉ ở làng bên cạnh, Anh muốn ghé thăm làng Tiên Điền và mộ cụ Nguyễn Du. Nhà tôi có chiếc xe đạp rất tàng, nhưng phải để dưới hầm để tránh bom đạn, nghe anh nói vậy mẹ tôi kéo xe lên cho anh mượn.

 

Anh không biết đường nên tôi dẫn anh đi. Thật khổ sở xe không có chỗ ngồi đằng sau, tôi ngồi trước khung xe, nào được đi trên con đường huyện lộ, mà phải đi vòng vèo qua các làng để tránh vào đường lớn và cầu. Trên trời máy bay Mỹ luôn gầm rú, đâu đó lại có tiếng bom nổ, có khi rất gần. Chúng tôi phải dừng lại nhiều lần trú máy bay Mỹ. Trên đường đi hai anh em chuyện trò vui vẻ, có lần anh hỏi:

 

- Ngày nào cũng có bom đạn như thế này các em sống thế nào, làm sao đi học được?

 

- Bom đạn thì mặc nó, chúng em vẫn sống vẫn đi học bình thường. Ban ngày còn đỡ anh ạ. Ban đêm ngoài máy bay quần đảo suốt đêm với pháo còn sáng hơn cả ban ngày. Từ ngoài biển tàu chiến bắn pháo và tên lửa suốt đêm. Hầu như ngày nào quê em cũng người chết và bị thương.

 

- Em học giỏi không? Lớn lên em thích làm nghề gì? Có thích làm nhà báo, nhà văn không?

 

- Dạ, em học bình thường thôi ạ, thậm chí còn yếu môn văn. Làm sao mà em làm được những nghề đó. Muốn làm nghề đó học giỏi chưa đủ mà còn phải có năng khiếu nữa phải không anh? Em chỉ mong lớn lên được làm người lính hay y tá để băng bó và chăm sóc những người bị thương. Quê anh ở đâu?

 

- Quê anh ở Phú Yên, xa lắm. Ở đấy chiến tranh cũng rất ác liệt - vừa nói, anh vừa đăm chiêu nhìn về phương Nam xa xôi

 

Anh nói “xa lắm”, nhưng lúc đó tôi không hình dung nổi, chỉ nghĩ quê anh ở bên kia dãy núi Hồng Lĩnh đã là rất xa đối với tôi rồi.

 

Đến nhà lưu niệm Nguyễn Du thấy cảnh hoang tàn, cửa đóng, những cây thông già, hàng phi lao vẫn ru với gió. Lá thông, lá phi lao rụng đầy sân, lối đi và mái ngói. Anh trầm ngâm suy nghĩ và chậm rãi đi một vòng khu vườn, hình như anh muốn tìm một cái gì.

 

Sau đó chúng tôi ra mộ cụ Nguyễn Du. Anh lấy làm ngạc nhiên vì cụ Nguyễn Du là thi sĩ lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng nằm ở một nghĩa địa bình thường như trăm làng quê khác ở miền Bắc. Mộ chỉ đắp cao hơn một chút, không xây bia, chỉ có 4 cây khuynh diệp trồng 4 hướng. Anh đứng ở gần mộ cụ trầm ngâm rất lâu, tôi không nghe rõ lời cầu khấn của anh. Cảnh chiều tà, mặt trời đỏ lửng ở những rặng tre phía Tây, gió nồm thổi đưa vị nồng của cát và muối.

 

Chiều hôm đó mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn cơm, anh không kịp ăn mà chỉ xin mẹ tôi một bi-đông nước chè rồi ngồi lúi húi chép tặng tôi bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” và còn cho tôi 2 gói lương khô, như để cám ơn tôi. Hồi đó tôi mới học lớp 5, môn văn không phải là môn tôi thích nên văn thơ cũng ít để ý đến (bây giờ nhớ lại tôi thấy tiếc vô cùng bản chép tay của chính tác giả).

 

Mãi sau này Hiệp định đình chiến năm 1973 ký kết, những bài thơ hay được in riêng từng bìa cứng trang trọng như “Việt Nam máu và hoa” của Tố Hữu, “Việt Nam đường sáng tuyệt vời” của Chế Lan Viên (không biết tôi có nhớ đúng tựa đề của bài thơ không?), “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ…

 

“Cuộc chia ly màu đỏ” Nguyễn Mỹ viết vào ngày cuối thu năm 1964 ở Đồng bằng Bắc bộ. Có lẽ đó là bài thơ hay nhất, thành công nhất trong cuộc đời thi ca của anh và là một trong những bài thơ hay của thi ca Việt Nam hiện đại. Mang âm hưởng lãng mạn cách mạng với những thi liệu rất thực, rất bình dị và gần gũi, bài thơ mô tả người vợ trẻ tiễn đưa chồng ra trận.

 

Dù tác giả không cố viết về nỗi buồn của cuộc chia ly, nhưng người đọc vẫn thấy bùi ngùi. Trong “Cuộc chia ly màu đỏ”, cụm liên từ “tươi như cánh-nhạn-lai-hồng” này không biết tác giả viết loại cây nào mà rất lạ, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi, mà tác giả đã hy sinh ngày 16-5-1971 trên bờ sông Dakta, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

 

Thật kỳ lạ những qui luật thiên nhiên nghiêm ngặt và cực kỳ chính xác như Trái đất quay quanh mặt trời, hệ Mặt Trời quay trong giải Thiên Hà, nước chảy từ nơi có thế năng cao xuống nơi có thế năng thấp… Những qui luật của xã hội; dù chỉ là con người qui định với nhau cũng không kém phần nghiêm ngặt.

 

Màu đỏ là một trong 7 màu quen thuộc mà con người nhìn thấy, có bước sóng khác nhau. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, màu hồng, màu đỏ là biểu tượng của cách mạng, được mọi người yêu thích nhất và đã trở thành màu đẹp nhất. Cả một thời tuổi thơ của tôi ai cũng ngợi ca màu đỏ, màu hồng.

 

Chẳng riêng nhà thơ Nguyễn Mỹ trong “Cuộc chia ly màu đỏ”, từ “màu đỏ”, “màu hồng” được nhắc đến hàng chục lần, mà ngay cả “cây cổ thụ” của thi ca Việt Nam thế kỷ 20 Chế Lan Viên cũng có nhiều bài thơ ngợi ca màu đỏ, màu hồng. Ðiển hình là trong bài “Người đi tìm hình của nước”, nhà thơ quá say sưa với màu “hồng” mà quên đi đất nước đã có mấy nghìn năm lịch sử, đã viết: “Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”. Ðâu phải ở thế kỷ 20 đất nước mới phôi thai!

 

Nhưng tôi thấy màu “áo đỏ” trong bài thơ “ Cuộc chia ly màu đỏ” hơi lạ. Bài thơ ra đời sau khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, thời kỳ này rất ít ai mặc áo trắng vì sợ máy bay Mỹ phát hiện, còn màu đỏ của áo quần chỉ dành mặc cho những người đã mất khi khâm liệm mà thôi. Vậy mà thi phẩm Nguyễn Mỹ lại tả về màu áo đỏ tươi của cô gái trẻ lúc tiễn đưa chồng ra trận, điều này lại càng không có. Phải chăng nhà thơ nhìn thấy màu khác nhưng quá yêu màu đỏ nên viết lên bài thơ như vậy!

 

Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy như chuyện của ngày hôm qua, vẫn làm tôi đau và nhức nhối. Đó là bao cuộc tiễn đưa, để rồi mãi mãi không bao giờ gặp lại. Đó là tuổi thơ của thế hệ chúng tôi đầy thiếu thốn, chết chóc, đau thương, lòng thương yêu nhau vô bờ bến giữa con người với con người. Ðó mãi mãi là niềm thương, nỗi nhớ, là miền sâu thẳm nhất của lòng tôi.

 

Anh Nguyễn Mỹ ơi, cuối cùng ai cũng phải chết để trở về cát bụi. Nhưng anh ra đi sớm quá, tuổi 36 còn đầy hứa hẹn cho đời nhiều bài thơ hay. Tôi thương tiếc anh cùng nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi và biết bao anh chị khác đã ngã xuống trên chiến trường. Các anh chị đã góp phần xây nên nền văn học thời chiến, góp phần không nhỏ cho công cuộc thống nhất đất nước. Cho lớp trẻ hôm nay biết đất nước đã đi qua một thời như thế!

 

Bây giờ, mỗi lần nhớ đến anh, nhớ về thời thơ ấu, tôi lại ngân nga bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của anh.

 

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ

Tươi như cánh nhạn lai hồng

Trưa một ngày sắp ngả sang đông

Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa

Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

Chiếc áo đỏ rực như than lửa

Cháy không nguôi trước cảnh chia ly

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy

Không che được nước mắt cô đã chảy

Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời

Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi

Và rạng đông đã bừng trên nét mặt

Một rạng đông với màu hồng ngọc

Cây si xanh gọi họ đến ngồi

Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai

Ngày mai sẽ là ngày sum họp

Đã tỏa sáng. Những tâm hồn cao đẹp

Nắng vẫn còn ngời trên mắt lá si

Và người chồng ấy đã ra đi...

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế

Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ

Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào

“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau!”

 

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy

Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy

Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi

Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người

Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp

Một làng xa, giữa đêm gió rét...

Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi

Như không hề có cuộc chia ly...

 

9.1964   Nguyễn Lam Thủy-nguồn:nhavantphcm.vn

 

 

NHÀ THƠ LÊ ANH XUÂN:MÃI MÃI TUỔI THANH XUÂN

 

 

NVTPHCM- Nữ văn sĩ người Đức Anna Seghers từng đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình Những người chết còn trẻ mãi. Lê Anh Xuân - trong tâm trí bạn đọc chúng ta - anh còn trẻ mãi, bởi khi nằm xuống, anh mới 28 tuổi. Và còn trẻ mãi bởi anh là nhà thơ có bút danh rất gợi sự thanh xuân.

 

Vốn dĩ tên thật của anh là Ca Lê Hiến. Cùng gia đình tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève năm 1954, Lê Anh Xuân luôn mang trong mình một trái tim phập phồng rung cảm. Kỷ niệm lúc nào như cũng chực trào ra đầu ngọn bút, thành những lời thổn thức, tức tưởi. Điều này dễ hiểu: Sự chia cắt hai miền Nam Bắc cũng đồng thời cắt ngang giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời anh, cắt ngang tuổi niên thiếu với bao kỷ niệm không dễ nguôi quên "đã thắm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé".

 

Bài thơ Nhớ mưa quê hương anh viết năm 19 tuổi (1959) và được giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ một năm sau đó đã giúp tác giả giải tỏa rất nhiều niềm nhung nhớ dồn ứ suốt bấy lâu đối với vùng đất Mỏ Cày, Bến Tre - quê nội của anh:

 

Quê nội ơi

Mấy năm trời xa cách

Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi

Nghe tiếng trời gầm xa lắc…

Cớ sao lòng thấy nhớ thương.

 

Lần theo tiếng mưa rơi, tác giả bồi hồi nhớ lại từng cảnh huống, từng kỷ niệm vẫn vương vấn, quấn quít hồn mình suốt một thời thơ trẻ: "Ơi cơn mưa quê hương/ Đã ru hát hồn ta từ thuở bé/ Đã thắm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé/ Nghe tiếng mưa rơi trên bẹ chuối bẹ dừa/ Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa/ Ta yêu quá như lần đầu mới biết/ Ta yêu quá như yêu gì thân thiết/ Như tre, dừa, như làng xóm quê hương/ Như những con người - biết mấy yêu thương".

 

Chúng ta từng có những thi sĩ viết rất hay, rất gợi về mưa. Huy Cận trong Buồn đêm mưa đã tinh tế lắng nghe được chiều sâu của không gian cùng cái cô quạnh của kiếp người từ những tiếng mưa rơi rả rích: "Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn/ Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi".

 

Hoàng Cầm trong Mưa Thuận Thành cũng tinh tế "đọc" ra được trong tiếng mưa rơi những sắc màu, hình ảnh, "thân phận" khác nhau: "Hạt mưa chèo bẻo/ nhạt nắng xiên khoai/ Hạt mưa hoa nhài/ tàn đêm kỹ nữ/ Hạt mưa sành sứ/ vỡ gạch Bát Tràng/ hai mảnh đa mang". Lê Anh Xuân thuộc thế hệ sau.

 

Sức trẻ và cảm hứng thời đại đã khiến cơn mưa trong ký ức của anh, dù khoan dù nhặt thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn cứ khơi gợi những kỷ niệm rất đáng yêu, đáng sống: "Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm/ Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông/ Ta lặn xuống, nghe xa vang tiếng sấm/ Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong", cũng như đánh thức trong anh những ước vọng dâng hiến: "Có lúc bỗng phong ba dữ dội/ Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối/ Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm/ Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa cơn giông/ Nghe như tiếng của cha ông dựng nước/ Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước/ Nghe như lời cây cỏ gió mưa/ đang hát tiếp bài ca bất khuất ngàn xưa…".

 

Bài thơ Nhớ mưa quê hương của Lê Anh Xuân vì thế - khác với thơ của hai bậc đàn anh trích dẫn trên - dù có chỗ nấc lên, đau xót, cũng vẫn thể hiện được một không khí trẻ trung, tươi mát và có tác dụng nâng dậy tâm hồn con người (chứ không làm họ có cảm giác bi lụy, dẫn tới sự thối chí). Đây có thể được xem là một "bản giao hưởng" đặc sắc về mưa.

 

Cùng với Nhớ mưa quê hương, trong những tháng ngày được thừa hưởng không khí thanh bình trên đất Bắc, Lê Anh Xuân còn trút nỗi niềm "thương quê nhớ người" vào nhiều bài trong tập thơ đầu tay Tiếng gà gáy xuất bản năm 1965 của anh. Đây là mấy câu trong bài Tiếng gà gáy: "Anh không nằm mơ, anh đang thức đấy/ Cớ làm sao nghe tiếng gà vọng gáy/ Bỗng tìm em tay chạm phải vách tường/ Cứ ngỡ là vách lá quê hương".

 

Cách đặt vấn đề dễ làm độc giả nhớ tới mấy câu thơ - cũng về đề tài "nhớ miền Nam" của nhà thơ Tế Hanh: "Chiêm bao bừng tỉnh giấc/ Biết là em đã xa/ Trên tường một tia sáng/ Biết là đêm đã qua" (bài Chiêm bao). Lê Anh Xuân viết sau Tế Hanh và cách thể hiện cảm xúc cũng… vụng hơn. Tuy nhiên, tới khổ thơ tiếp theo thì anh đã thực sự gây xao động lòng người bởi những câu thơ trữ tình da diết:

 

Tiếng gà gáy xa, canh ba có phải
Con sông quê hương đang chảy nước ròng
Ta xa nhau đã là năm thứ bảy
Nhưng lòng em là con nước đầy sông…

 

Không chỉ ở bài Tiếng gà gáy, ngược trở lại với bài Nhớ mưa quê hương, ta có thể thấy, Lê Anh Xuân có bút pháp khá gần gũi với Tế Hanh, một nhà thơ miền Nam tập kết và là bậc đàn anh của anh. Bài Nhớ mưa quê hương có cách chuyển tải cảm xúc theo kiểu câu nọ gọi câu kia, hình ảnh này mở ra hình ảnh khác và về đề tài rất gần với Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh.

 

Theo tôi, về chất lượng, hai bài thơ một chín một mười, ngang ngửa nhau. Chỉ ước là giá như Lê Anh Xuân bỏ bớt đi đoạn thơ từ câu "Mấy cô gái bên kia sông giặt áo" tới hết câu "Đã yêu rồi sao bỗng thấy yêu hơn" thì hẳn bài thơ chặt chẽ hơn, mạch thơ bớt phân tán hơn.

 

Lê Anh Xuân sinh trưởng trong một gia đình gia giáo (cụ thân sinh là Giáo sư Ca Lê Thỉnh, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946). Bản thân anh cũng được học hành bài bản. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh được giữ lại trường làm giảng viên.

 

Tiếp đó, anh được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Lúc này, Mỹ đã đổ quân vào miền Nam, không khí cả hai miền đều sục sôi. Trong tình thế ấy, Lê Anh Xuân đã một mực từ chối "con đường nhung lụa" mà cấp trên dành cho mình, anh viết đơn xin tình nguyện được trở về quê hương công tác và chiến đấu. Nguyện vọng của anh được đáp ứng.

 

Cuối năm 1964, Lê Anh Xuân lên đường vào Nam. Anh được điều về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam. Nhà thơ Viễn Phương sau này đã nhận xét: "Đâu phải Lê Anh Xuân không biết rằng đi chiến trường là vô cùng nguy hiểm, là có thể hy sinh. Nhưng Xuân cũng biết rất rõ rằng những bài thơ hay, những bông hoa đẹp không thể nở giữa căn nhà ấm áp thơm ngát phong lan của mình ở giữa khu rừng biên giới mà phải nở giữa vùng xoáy của cuộc đời, nở giữa chiến trường khói lửa và có khi nở chính trong dòng máu rất nóng của trái tim mình…".

 

Đời thơ của Lê Anh Xuân quá ngắn ngủi, chỉ gói gọn trong vòng chục năm (từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước cho tới khi anh hy sinh vào tháng 5 năm 1968). Trong mười năm ấy, tâm trạng của anh là tâm trạng chung của những người con yêu nước phải hứng chịu nỗi đau chia cắt.

 

Khi Lê Anh Xuân đến với thơ cũng là khi anh hấp thụ một nền văn hóa đã được mở rộng ra với thế giới, với những cuốn sách dịch rất khơi gợi hoài bão của tuổi trẻ: Đó là các tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Ostrovski, Đội cận vệ thanh niên của Fadeev, thơ của Petofi, của Mayakovsky, của Aragon, của Lermontov…

 

Trong nước, những vần thơ da diết của các nhà thơ miền Nam, kể từ lớp trước như Tế Hanh cho đến lớp sau này như Thanh Hải, Giang Nam cũng khiến Lê Anh Xuân như được "tiếp viện". Nhà thơ trẻ đã hăm hở lao vào cuộc chiến. Anh vừa cầm bút làm thơ vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu.

 

Và trong những trận "giáp lá cà" ác liệt ấy, như biết bao đồng nghiệp văn chương khác, những vần thơ viết ngay tại trận của anh cũng phải chấp nhận nhiều sự… hy sinh. Không chỉ với nhà văn ta mà với nhà văn nước nào cũng vậy, một khi tác phẩm tham gia xung trận, phải đánh trực diện, thật khó tránh được…  thương vong.

 

Đọc thơ Lê Anh Xuân thời kỳ này, ta thấy anh thiên về kể lể, không ít đoạn chỉ là những dòng ghi vội, đậm chất ký sự: "Mẹ lưng còng tóc bạc/ Ngậm ngùi kể chuyện ta nghe/ Tám em bé chết vì bom xăng đặc/ Trên đường đi học trở về/ Giặc giết mười người trong một ấp/ Bà con khiêng xác chất đầy ghe/ Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc" (bài Trở về quê nội). Đã vậy, thơ Lê Anh Xuân lại có phần dài dòng, dàn trải, thành thử chữ nghĩa dễ bị "hở sườn" (thơ anh rất hiếm bài ngắn và có cấu tứ vững chãi kiểu như Dáng đứng Việt Nam - một bài thơ trứ danh anh viết trước khi mất vài ba tháng).

 

Dẫu vậy, là một nhà thơ thực sự tài hoa nên dù trong những bài thơ không thật đặc sắc, Lê Anh Xuân vẫn có những câu thơ trang hoàng, có sức sống vượt thời gian. Đây là những câu anh viết về cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và vợ - chị Phan Thị Quyên ở khám Chí Hòa:

 

Bốn bên cái chết bủa vây

Chẳng cây, chẳng lá, chẳng mây, chẳng trời

Mà thơm hơn cả hoa tươi

Mà xanh hơn cả da trời đã xanh

Tình yêu vào khám tử hình      

Chấn song sắt cũng trổ cành đơm hoa

 

(trích trường ca Nguyễn Văn Trỗi).

 

Thật là những câu lục bát đẹp đến hoàn hảo, thuộc vào số "có những lời hơn mọi lời ca" để ca ngợi những con người "như chân lý sinh ra" (mượn chữ của nhà thơ Tố Hữu, bài Hãy nhớ lấy lời tôi viết về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi).

 

 

Đây nữa, những vần thơ anh viết ca ngợi Hà Nội trong những ngày Hà Nội anh dũng đánh trả không lực Hoa Kỳ: "Ôi Thăng Long! Thăng Long/ Đã ngàn năm đứng hiên ngang nhìn sông Hồng cuộn chảy/ Có bao giờ Người lộng lẫy như hôm nay/ Trong tiếng pháo gầm, trong tiếng đạn bay/ Hà Nội súng cầm tay nói cười duyên dáng/ Hà Nội trẻ trung sáng trưng vầng trán/ Hà Nội hồng hào những chiến công/ Đẹp như nàng tiên mặc áo đỏ sông Hồng".

 

Trước kia, đọc những vần thơ của thi hào Pháp Louis Aragon ca ngợi Paris: "Gì rực rỡ bằng Paris trong thuốc nổ/ Gì sáng trong bằng vầng trán quật cường/ Gì mạnh hơn cả sét trời và ngọn lửa/ Paris của tôi ngạo nghễ trong tai ương", tôi cứ thầm ước có những vần thơ như thế đi liền với chiến tích của thủ đô ta. Rất mừng là khổ thơ vừa dẫn của Lê Anh Xuân đã hoàn toàn đáp ứng được mong mỏi ấy của tôi.

Nhận xét về đời thơ Lê Anh Xuân, nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã dùng tới mấy chữ "nghệ thuật vô tư, không vụ lợi". Tôi hiểu ý anh, song vẫn thấy mấy chữ này có gì… chưa ổn.

 

Thời ấy, nhiều người đã sống, chiến đấu và sáng tác hết mình như Lê Anh Xuân, nào ai là người không "vô tư", nào ai là người "vụ lợi"? Tuy nhiên, khi Bùi Việt Thắng dùng hai chữ "trinh nguyên" để nói về tác phẩm của Lê Anh Xuân thì tôi hoàn toàn tán đồng với anh.

 

Lê Anh Xuân hy sinh ngày 24 tháng 5 năm 1968 trong một căn hầm bí mật sau một trận càn của Mỹ ở ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cả đời thơ của mình, anh đã phơi trải mọi trạng huống cảm xúc trên trang giấy. Và mọi vui buồn của anh đều gắn với vui buồn chung của đất nước, của dân tộc. Anh không "cố thủ", giữ cho mình một chút ẩn ức riêng tư, một chút nghĩ suy khuất khúc nào - vốn là điều thường có ở các thi sĩ.

 

Nói đúng hơn là anh chưa kịp thu vén cho mình một chút riêng tư ấy (hay có thể là chưa kịp thể hiện nó trên trang giấy?). Anh mất quá sớm và đã dâng hiến cho cuộc đời trọn vẹn một hồn thơ bình dị, sáng trong.

 

 

Phạm Khải-nguồn:nhavantphcm.vn

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *