Văn học với đời sống

31/8
12:01 PM 2016

DÂN TỘC VÀ NHÂN DÂN VẪN PHẢI LÀ MỐI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU

Nhà văn, NGƯT ĐẶNG HIỂN

Có người nghĩ rằng sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thì vấn đề số phận dân tộc đã được giải quyết. Nhưng sự thực không đơn giản như vậy. Nền độc lập của dân tộc ta vẫn bị ngoại bang đe dọa, buộc chúng ta lại phải cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở 2 đầu đất nước và làm nghĩa vụ giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Vết thương trong mấy cuộc chiến tranh chưa hàn gắn được bao nhiêu, lại phải tiếp tục chịu đựng gánh nặng của cơ chế quan liêu bao cấp thêm mấy năm nữa. Đến khi đất nước đổi mới, đời sống khấm khá hơn, lại vấp phải nạn suy thoái đạo đức và lối sống mà Đảng và nhân dân đã có những cảnh báo và biện pháp nhưng chưa chặn đứng được!

 

Ngày nay, cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như bảo vệ sự sống của dân tộc diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi phải có sách lược khôn khéo, nhưng mục đích, mục tiêu và quyết tâm chiến lược là không thể thay đổi. Trong nội bộ nhân dân, quyền dân chủ tuy đã được tôn trọng và mở rộng hơn, nhưng vẫn còn bị vi phạm. Nạn những nhiễu nhân dân diễn ra ở nhiều nơi… Tội phạm và tệ nạn các loại ngày một nhiều thêm, con người mất đi sự thanh thản và niềm tự hào trong cuộc sống… khiến cho chính các nhà văn cũng cảm thấy day dứt khi đi vào những đề tài không bức thiết lắm với đông đảo quần chúng nhân dân. Ngay cả đề tài có tính nhân đạo cao như phát huy cá tính cũng dường như chỉ có ý nghĩa quan trọng khi gắn với vấn đề quyền dân chủ, quyền sáng tạo của con người (để phục vụ đất nước, phục vụ dân sinh). Trước những  vấn đề thiết yếu của dân tộc và nhân dân thì những vô tình hay cố ý hạ thấp dân tộc, phủ nhận lịch sử, đã gây hại cho người đọc không kém gì thuốc độc. Nhất là trước những vấn đề có quan hệ sống còn với vận mệnh dân tộc và nhân dân, thì những suy tư về đề tài muôn thuở như vấn đề cái chết bình thường theo quy luật sinh lão bệnh tử của tạo hóa, vốn giàu tính nhân bản, bỗng trở nên xa rời lạc lõng…

Nói như thế không có nghĩa là phải thu hẹp đề tài của văn học. Không! Tất cả những gì liên quan đến con người đều không xa lạ với văn học. Văn học thời đổi mới phải mở rộng đề tài. Chỉ cần người viết có tâm thế đau đáu vì dân vì nước thì viết gì cũng có thể dẫn đến lòng yêu dân, yêu nước; cũng là những tình cảm cao thượng có khả năng nâng cao tâm hồn con người, như tình yêu trong sáng thủy chung trong “Sóng” của Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967 là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra hết sức ác liệt. Ngày xưa, mái nhà gianh của Đỗ Phủ bị gió thu làm tốc, trẻ con trong xóm đến lấy cướp đi, ông ước có căn nhà nghìn gian cho mọi người. Lỗ Tấn xưa cũng đã từng nói: “Vọt từ mạch máu ra là máu đỏ, vọt từ nước ra là nước lã”.

Văn học là nhân học, văn học phải quan tâm đến con người với tư cách là một cá thể sống; nên giải phóng cá nhân vẫn là điều phải tiếp tục thực hiện và phấn đấu thực hiện cho được. Bác Hồ đã dạy: “Nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lí gì”. Chúng ta cũng đồng tình với Nguyễn Đình Thi trong Rừng Trúc khi ông nói lên qua lời nhân vật Lý Chiêu Hoàng: “Việc nước là lớn, nhưng việc người với người không thể nhỏ hơn”. Chúng ta chủ trương phải bảo vệ quyền sống của cá nhân, phát huy cá tính của con người để con người được tự do phát triển. Tuy nhiên, lý tưởng của chúng ta lại không phải là chủ nghĩa cá nhân. Lý tưởng của chúng ta vẫn là độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Hiện nay lý tưởng đó chưa hoàn thành. Thực hiện lý tưởng đó vẫn còn là một quá trình lâu dài, gian nan; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân gắng sức phấn đấu hết mình.

Văn học phải góp phần tích cực vào sự nghiệp đó. Văn học phải “ăn sâu vào xã hội”, văn học không thể là “tiếng nói lí nhí mà chỉ người viết nghe thấy” (ý của Biêlinxki). Tôi đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ khoa học Đỗ Văn Khang: Sau thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, là thời “mỗi người phải tự cứu mình”. Mà cuộc đời trong kinh tế thị trường luôn là chiếc chăn hẹp, người này co thì người kia lạnh. Văn học có sứ mạng phải làm cho mọi đồng bào được ấm lòng. Văn học như thế là văn học phản tỉnh, kết quả của phản tỉnh là anh minh. Văn học phải làm cho mọi người đừng kéo nhau chìm xuống đáy mà cùng nhau vượt biển lớn, đó chính là văn học Việt Nam đương đại.

Đổi mới văn học phải tiến hành đồng thời cả về nội dung lẫn hình thức, trong đó đổi mới nội dung phải được đặt ra trước nhất trong tâm thức nhà văn. Đổi mới về hình thức không nên quá xa lạ với dân tộc và nhân dân, phải nâng cao dần thị hiếu của công chúng để công chúng có thể cảm thụ được nghệ thuật mới, đặng phát huy tác dụng của văn học đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Phấn đấu để có những đỉnh cao văn học, vì dân tộc, vì nhân dân, đó là nỗ lực phấn đấu của cả người Việt và người lãnh đạo như cố nhà văn Hà Xuân Trường trong Hội nghị lí luận phê bình của Hội nhà văn năm 2004 đã xác định: “Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân gốc của sự thiếu những tác phẩm tầm cỡ là do lực lượng cốt cán của văn nghệ ta không bám chắc vào những vấn đề lớn của xã hội. Về phía lãnh đạo, thiếu sự mạnh dạn khuyến khích nghệ sĩ  dám xông xáo vào những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, người nghệ sĩ còn thiếu tự tin, do đó phê phán những hiện tượng tiêu cực không đến tận cùng, cũng như ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của nhân dân chưa đến đỉnh. Phê phán không đi đến tận cùng, ca ngợi không lên tới đỉnh thì không thể có đỉnh trong tác phẩm”.

Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhân dân ta rất có ý thức “đánh chuột” mà không đánh vỡ bình. Vì vậy những mưu toan mượn cớ đánh chuột để đập vỡ bình, nhất định sẽ thất bại. Ngược lại, đừng vì sợ vỡ bình mà ngăn cản nhân dân đánh chuột bằng phương cách “an toàn”. Nhân dân ta thừa khôn khéo để vẫn giết được chuột mà không làm rạn vỡ bình quý, ngược lại còn làm cho bình sáng đẹp, thơm tho hơn.

Sự vật bao giờ cũng có hai mặt: mặt sáng, mặt tối, mặt tích cực, mặt tiêu cực. Ở sự vật này, sự vật kia, mặt sáng nhiều hơn mặt tối, mặt tích cực nhiều hơn mặt tiêu cực hoặc ngược lại. Phản ánh cuộc sống mà chỉ thiên về một mặt, đều không đúng. Tôi rất tâm đắc câu thơ trong Từ ấy của Tố Hữu: Tình thương vô ý gây nên tội. Mỗi tiến bộ của loài người trong lịch sử đều phải trả giá bằng mất mát, sai lầm. Vậy phải công tâm để nhìn đúng tiến bộ và sai lầm, ưu điểm và khuyết điểm, ý định và kết quả… Có như thế thì mới rút ra bai học cần thiết cho con đường phía trước mà không làm mất niềm tin vào con người mà ai cũng biết rằng mất niềm tin ở con người, ở dân tộc, ở quy luật tiến hóa của lịch sử… là mất hết.

Với tất cả tâm huyết của người cầm bút lấy số phận của dân tộc, của nhân dân làm cứu cánh và với tài năng luôn được trau dồi, nhất định văn học đổi mới của chúng ta sẽ vươn tới tầm cao mới, có những đỉnh cao mới xứng đáng với lịch sử văn học dân tộc, một lịch sử văn học đã từng có những giai đoạn phát triển rực rỡ, như giai đoạn văn học thế kỷ 18, 19, giai đoạn 1930 – 1945, đặc biệt là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *