Văn học với đời sống

17/9
8:30 AM 2018

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐẠP XE TRONG ĐÊM ĐÔNG GIÁ LẠNH

Trương Nhuận-Tràn ngập những hoài niệm đầy xúc cảm khi có mặt trong đêm biểu diễn chương trình nghệ thuật “Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và Tình yêu ở lại” tại Nhà hát Lớn hôm 26-8-2018 nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của gia đình cặp nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh, tôi không sao rời mắt khỏi hình ảnh gương mặt đầy ấn tượng, toát lên vẻ đẹp rất nhân hậu của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh trên sân khấu

                                                              Nhà thơ Xuân Quỳnh

Bởi tôi luôn ám ảnh nhớ tới một kỷ niệm, một lời hứa với chị từ 30 năm trước, mà cách đây chưa lâu tôi mới có cơ hội thực hiện. Lời hứa ấy khiến tôi thấy chị thực sự không chỉ là một nhà thơ tài năng, mà lớn lao hơn là một bà mẹ sống đầy nhân hậu, bao dung thương yêu nhất mực các con mình sâu sắc biết nhường nào, bất kể dù đó là ai trong số “con em, con anh, con chúng ta” của đại gia đình. Đó là một kỷ niệm rất riêng tư mà tôi là người trong cuộc, được chứng kiến vào đêm cuối đông giá lạnh năm đó…

Hồi ấy, tôi còn đang là một giảng viên văn học trẻ, dạy ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Năm đó, anh Lưu Quang Vũ muốn hướng cho cháu Kít (tên gọi thân mật của nhà báo Lưu Minh Vũ bây giờ), con trai đầu của anh với nữ nghệ sĩ Tố Uyên, thi vào khoa quay phim của trường. Minh Vũ vốn là học sinh giỏi Văn ở trường chuyên AMS Hà Nội, lại là con nhà nòi, sớm được tiếp xúc với văn chương, nghệ thuật, nên khả năng cảm thụ và phân tích về nghệ thuật rất tốt. Anh Vũ và chị Quỳnh gửi gắm cho nhà quay phim, NSUT Tấn Phát, một giảng viên điện ảnh trẻ ở trường, kèm cặp hướng dẫn cháu Kít về phân tích và chụp ảnh nghệ thuật. Tôi thì giúp phụ đạo ôn thi môn Văn. Dù rất bận rộn với lịch dàn dựng kịch bản đang “đắt như tôm tươi” ở các đoàn sân khấu ở nhiều tỉnh thành trên cả nước những tháng ngày đó, nhưng tôi vẫn nhớ anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh đã dành trọn vẹn mấy ngày nghỉ cuối tuần để thuê xe ô tô rủ hai vợ chồng nhà quay phim Phát - Hà và hai vợ chồng tôi, khi đi “lên rừng” ở Tam đảo, lúc lại “xuống biển” ở Đồ Sơn, vừa tập chụp ảnh phong cảnh, vừa nghỉ mát cùng gia đình anh chị cho vui. Quả nhiên năm ấy cháu Lưu Minh Vũ sau mấy tháng lăn lộn ôn tập và theo đuổi tận tâm với nghề, cũng đã đền đáp xứng đáng công lao chăm sóc của gia đình khi đạt điểm cao, lọt vào tốp 4 sinh viên đỗ đầu khoá ,được trường tuyển chọn để cử đi du học ở nước ngoài sau một năm học ở trong nước theo quy chế của Bộ khi đó. Anh Vũ và chị Quỳnh mừng rỡ khôn xiết trước tương lai đang rộng mở với con trai mình.

Lúc Kít là sinh viên năm thứ nhất ở trường, anh Vũ thường hỏi thăm và nhờ tôi luôn chú ý bảo ban việc cháu học hành bởi độ ấy anh đã trở thành một kịch tác gia nổi tiếng khắp cả nước với hàng chục vở diễn đình đám, nên bận khủng khiếp. Không bao giờ tôi quên một lời tâm sự rất thật của anh trong một lần trò chuyện: “Vì sự nghiệp học hành của con cái được tốt hơn, nói thật với Nhuận, kể cả các thầy có bảo mình đến quét rác cho nhà họ, anh cũng chả ngại làm…” 

Cuối học kỳ một năm thứ nhất ở trường, Lưu Minh Vũ vẫn chăm chỉ với nhiều môn học đạt điểm tốt. Nhưng đúng hôm thi vấn đáp môn chính trị, không hiểu sao chiều hôm trước Kít bỗng hứng lên theo bạn bè cắt tóc. Nhìn mái tóc “húi cua cao vống” như dân bụi đời ngoài phố, khuôn mặt vốn trắng trẻo thư sinh mọi ngày chợt nom lạ hẳn, bướng bỉnh và lì lợm… Dường như thày Quang Nguyên, Chủ nhiệm Khoa KTCB, vốn có tiếng rất nghiêm khắc và kỷ luật học tập trong trường ngày ấy, cũng nhận ra “vẻ khó coi” khác với thường nhật ở cậu học trò, nên sau câu trả lời vấn đáp thông lệ, bất chợt thày hỏi vặn thêm một câu hóc búa không có trong bộ câu hỏi ôn thi, khiến Kít ngắc ngứ, đỏ mặt tía tai tới cả phút, và không trả lời được. Kết quả là cậu đành nhận 4,5 điểm (dưới trung bình) như không ít bạn bè cùng lớp…

Cái tin dữ ấy nhanh chóng lan ngay trong khoa và chắc cũng đến tai gia đình anh Lưu Quang Vũ. Chính tôi khi nghe chuyện cũng rất rầu lòng, bởi nếu bất kỳ một môn học nào trong năm thứ nhất bị điểm dưới trung bình, coi như cơ hội đi du học nước ngoài sắp tới của Lưu Minh Vũ sẽ bị khép lại. Sẩm chiều hôm đó, trời gió mùa đông bắc, rét căm căm, vợ chồng tôi đang nấu cơm tối thì bất chợt thấy chị Xuân Quỳnh hớt hải đạp xe mi ni từ Hà Nội tới Khu tập thể giáo viên ở Khu Mai Dịch, gõ cửa bước vào nhà mình với gương mặt thảng thốt, lo lắng. Thì ra sau khi đi thi bị điểm kém về nhà, Kít đã khóc vì ân hận và thú thật với cả nhà khiến chị Xuân Quỳnh nghe xong chết lặng người, ngồi bần thần, ruột gan như lửa đốt. Đã vậy anh Lưu Quang Vũ lại đang đi công tác ở tỉnh xa… Vậy là chị lẳng lặng đạp xe lên trường…

Chị Xuân Quỳnh nhờ tôi dẫn ngay sang nhà thầy Quang Nguyên trong khu tập thể để thưa chuyện. Tôi sốt sắng đưa chị sang nhà thầy. Thật xui xẻo, chỉ thấy cửa khoá then cài, phòng tối thui. Nghe nói mấy thầy chấm thi trong tổ chính trị sau buổi chiều hôm đó còn rủ nhau liên hoan ở mãi bên khu tập thể Đồng xa chưa biết khi nào giải tán. Hai vợ chồng tôi nài nỉ mãi mới mời được chị Quỳnh ở lại ăn g bữa cơm đạm bạc của cánh giáo viên nghèo thuở đó… Chờ đợi mãi tới mười giờ đêm, trò chuyện bao nhiêu điều với hai vợ chồng tôi, mãi đến lúc chương trình ti vi cũng đã hết, khi thấy đứa con gái đầu lòng mới ba tháng của tôi đã yên giấc, chị Quỳnh ái ngại đứng dậy chia tay ra về và hẹn sáng ngày mai sẽ quay lại... Chị còn dặn và bắt tôi hứa là sẽ không kể lại chuyện này cho anh Vũ và cháu Kít được biết, bởi sợ mọi người sẽ buồn lòng…

Sáng sớm hôm sau, tôi sang gặp thầy Nguyên, định bụng hỏi thăm xem tối hôm trước bác đi vắng đến mấy giờ mới về nhà… Sau một đêm hơi chếnh choáng hơi men thì phải, bác Quang Nguyên kéo tôi sát gần, thầm thì kể lại với giọng đầy sự xúc động: “Chú quen vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đấy phỏng, thế mà không bảo mình biết mặt thằng cu ấy cho đỡ khổ mọi người… Ai lại để một nhà thơ lớn của đất nước như thế phải lặn lội đêm hôm lạnh giá tận ngoài Hà Nội vào đây để trình bày chuyện học hành cỏn con, nghe xót xa đến vậy. Trong đời mình chưa bao giờ chưa thấy một bà mẹ nào có tấm lòng bao dung, nhân hậu với con riêng của chồng, chu đáo, tận tâm đến hết lòng như cô Xuân Quỳnh. Ở nhà chú ra, cô ấy ngồi chờ trước cửa nhà mình đến gần nửa đêm qua mình mới về. Ngày xưa mình vốn là giáo viên Văn, đi lính ra chiến trường, đọc và thuộc thơ Xuân Quỳnh làu làu và ngưỡng mộ cô ấy lắm. Ai ngờ trong đời lại được gặp nhà thơ lớn ở tình cảnh như thế. Cũng may mà còn kịp. Cô ấy chỉ đề nghị mình đừng bao giờ nói cho cháu biết chuyện này để cháu còn phấn đấu…”

Vậy là hoá ra đêm qua sợ ngồi đợi ở nhà tôi quá muộn làm phiền hai vợ chồng đang nuôi con nhỏ, chị đã sang ngồi đợi trước cửa nhà thày Nguyên chờ gặp cho bằng được thầy để giãi bày tâm sự . Trên chặng đường dài heo hút từ khu văn công Mai Dịch trở về phố Huế trong đêm đông lạnh giá hôm ấy, nếu có ai bất chợt thoáng nhìn thấy bóng dáng một người phụ nữ nhỏ nhắn lặng lẽ một mình đạp xe với gương mặt hân hoan đầy hạnh phúc, bởi vừa thầm lặng làm được một việc có ích cho chồng con, chắc hẳn không thể ngờ được rằng người phụ nữ đạp xe trong đêm đông giá lạnh đó chính là nhà thơ Xuân Quỳnh

Mấy hôm sau, chị Xuân Quỳnh nhờ một người quen biết gửi vào tặng vợ chồng tôi một tấm chăn len nhỏ dành riêng để đắp cho cháu gái đầu lòng của chúng tôi trong mùa đông. Chị bảo hôm vào thăm nhà tôi thấy cháu nhỏ đắp cái chăn hơi mỏng sợ chưa đủ ấm… Thật tiếc là tôi đã không còn giữ được tấm chăn đó đến bây giờ, để kể lại cho con mình nghe câu chuyện về tấm lòng nhân hậu của chị

Tôi giữ mãi câu chuyện này như đã hứa với nhà thơ Xuân Quỳnh từ ngày ấy, dẫu nhiều lần từng gặp lại nhà báo Lưu Minh Vũ kể từ ngày cháu đi học nước ngoài về nước làm việc ở VTV3 lâu nay, kể cả những lúc mời Lưu Minh Vũ thay mặt gia đình đại diện quyền tác giả đến ký hợp đồng với Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng các vở kịch của cha mình suốt những năm qua. Cách đây hơn một tháng, nhân dịp ra mắt cuốn sách Di cảo Lưu Quang Vũ, Minh Vũ gọi điện thoại và mang sách đến nhà tặng tôi. Sau nhiều phút đắn đo, tôi đã tâm sự với Minh Vũ những tâm tình như với cậu học trò Kít ngày xưa: “Cháu thật hạnh phúc trong cuộc đời này bởi không chỉ có một người mẹ đẻ quý mến là nghệ sĩ Tố Uyên, mà còn được sống cả với má Xuân Quỳnh đầy nhân hậu, bao dung và thương yêu chồng con nhất mực suốt bao nhiêu năm tháng thời thơ trẻ…”. Và trong cuộc trò chuyện ấy, tôi đã quyết định kể lại câu chuyện về chuyến đạp xe vào khu Văn công Mai Dịch trong đêm đông lạnh giá của nhà thơ Xuân Quỳnh từ 30 năm trước với Minh Vũ. Câu chuyện cùng với lời hứa từ những tháng ngày nghiệt ngã ấy, sau bao nhiêu năm tôi giữ nó trong ký ức của mình, giờ đã được tỏ bày với những người cần phải biết. Và tôi tin rằng nơi Cao xanh thăm thẳm đâu đó, chị Xuân Quỳnh cũng sẽ bằng lòng với tôi về điều ấy. Giờ đây, khi Minh Vũ đã thực sự trưởng thành, thì câu chuyện về nhà thơ Xuân Quỳnh năm ấy sẽ trở thành như một bài học của lòng nhân hậu, bao dung từ các bậc làm cha làm mẹ ở trên đời…


Nguồn Văn nghệ số 37/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *