Văn học với đời sống

14/11
3:55 PM 2020

BỘ SÁCH "NỖI ĐAU SAU CHIẾN TRANH"

Vanvn - Nhà văn Minh Chuyên -Trưởng Ban vận động sáng tác Văn học về đề tài Hậu chiến tranh, vừa gửi đến bài viết giới thiệu và kể chuyện hành trình ra đời bộ sách Nỗi đau sau chiến tranh.
Trân trọng giới thiệu bài viết này của nhà văn Minh Chuyên:
 
 
“Nỗi đau sau chiến tranh”  là tên 10 tập sách văn thơ đầu tiên do Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên và Câu lạc bộ thơ Lục bát tỉnh Thái Bình phát động cuộc sáng tác văn học năm 2019-2020 về đề tài hậu chiến tranh Việt Nam. Gần 1.000 lượt tác giả gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch bản, các văn nghệ sỹ cùng bạn viết trong và ngoài nước tham gia. Đến nay, Ban Tổ chức cuộc vận động đã nhận được trên 20.000 trang bản thảo gồm các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học, thơ ca, trường ca... Các tác phẩm được tập hợp in trong 10 tập sách mang tựa đề “Nỗi đau sau chiến tranh” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tài trợ xuất bản từ tập 1 đến tập 9.
Nội dung mô tả xuyên suốt trong các tác phẩm là hình tượng người chiến sỹ quân đội, những anh hùng liệt sỹ dấn thân trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Cuộc kháng chiến thành công đã đem lại cho nhân dân ta cuộc sống hòa bình yên vui, nhưng hậu họa để lại cho người Việt Nam trong đó có các chiến sỹ tham gia cuộc kháng chiến nỗi đau thương tang tóc khôn cùng.  Một nỗi đau hàng triệu người phải gánh chịu, đau cả thể 
xác lẫn tâm hồn suốt gần nửa thế kỷ qua. Khủng khiếp nhất là hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ rải thảm chất độc Da cam - Dioxin xuống chiến trường miền Nam Việt Nam thời kỳ 1961-1972. Gần 5 triệu người bị di nhiễm đã phải sống khắc khoải chết dần, chết mòn, chết thảm. Chất độc đã di truyền, hành hạ, đau đớn từ đời ông, đời cha rồi thế hệ con cháu của họ và còn kéo dài sự đau thương chết chóc không biết đến bao giờ.
Các văn nghệ sỹ với lương tri của người cầm bút đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động, dùng văn chương của mình để làm việc nghĩa với cuộc đời, tri ân những người có công đang phải gánh chịu hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh. Các tác phẩm không chỉ ghi nhận, ngợi ca lòng quả cảm hy sinh của anh hùng liệt sỹ, mà qua ngòi bút còn kịch liệt lên án cuộc chiến tranh tàn sát con người. Nhiều tác phẩm với phương pháp thể hiện rất sâu sắc, nội dung phong phú ẩn chứa ý tưởng mới lạ, văn phong trong sáng, cốt truyện nhân văn, thấu động trái tim người đọc.     
Từ tập 1 đến tập 6 chủ yếu là sự tập hợp các văn bản, bản thảo. Từ tập 7 đến tập 9 được xuất bản theo tiêu chí: chọn lọc tinh tế, cô đọng. Tập 10 tuyển chọn, hội tụ phần lớn các gương mặt tác giả, tác phẩm tiêu biểu hưởng ứng cuộc vận động.Với trên dưới 1.000 trang có thể coi là sự lựa chọn tổng hợp của vòng sơ khảo để làm cơ sở cho các hội đồng xem xét, các tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng trong dịp tổng kết cuộc vận động viết về đề tài 
Hậu chiến tranh Việt Nam.
Bộ sách đã được hội đồng biên soạn trình lên thường trực Ban  bí thư ngày 20 tháng 9 năm 2020 tại văn phòng Ban bí thư Trung ương Đảng số 6 Nguyễn Cảnh Chân Hà Nội. Ông Trần Quốc Vượng thường trực Ban bí thư tiếp nhận bộ sách đã đánh giá cao ý tưởng thực hiện của Ban vận động sáng tác văn học về đề tài hậu chiến tranh, đồng thời biểu dương tinh thần của các văn nghệ sỹ tham gia cuộc vận động sáng tác nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ và người có công.
Phát biểu cảm tưởng về bộ sách “Nỗi đau sau chiến tranh” ông Trần Quốc Vượng nói: Bộ sách của các văn nghệ sỹ đây, có thể coi như bức thông điệp lịch sử về hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam gửi cho người Việt Nam mai sau. Những người được hưởng cuộc sống hòa bình, xin đừng quên quá khứ, đừng quên sự hy sinh anh hùng của thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược dành độc lập, tự do cho Tổ Quốc, cho nhân dân.
Nội dung 10 tập “Nỗi đau sau chiến tranh” cùng chung một âm hưởng vừa bi tráng, vừa kiên cường, cùng cất lên tiếng nói đồng cảm, chia sẻ sự mất mát, đau thương và tỏ lòng biết ơn, tri ân những con người vì dân vì nước, những người đang từng ngày nén chịu nỗi đau sau cuộc chiến tranh. Ngoài tác phẩm tuyển chọn của tác giả qua 9 tập đã xuất bản, tập 10 xuất hiện thêm những  tác giả nổi tiếng tiếp sức cho bộ sách, gửi tặng  những  tác phẩm rất ấn tượng về vẻ đẹp tâm hồn, ấn tượng cả về phương pháp nghệ thuật thể hiện. 
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ là Tổng Giám đốc VOV tuy áp lực công việc rất bận, anh vẫn tham gia cuộc vận động với tác phẩm kịch hát “Ngàn năm mây trắng”. Đây là kịch bản đầy tính nhân văn miên tả thân phận nàng Tô Thị đau thương và thủy chung khi người chồng nơi biên ải bị chiến tranh cướp mất. Nàng Tô Thị của Nguyễn Thế Kỷ không hóa sông, hóa đá, mà hóa thành mây trắng của ngàn năm.
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến gửi cho Ban vận động hai truyện ngắn đặc sắc: “Dốc đầu lâu” và “Âm bản chiến tranh”. Tên truyện ngắn “Dốc Đầu lâu” khá độc đáo, mới nghe đã muốn tìm đọc.
 Nhà văn Trần Văn Thước gửi đến truyện ngắn “Sinh vào đêm trăng sáng”. Truyện hay, viết có nghề, văn phong hấp dẫn, càng đọc càng cuốn hút.
Nhà văn Đắc Trung với truyện ngắn: Những người bị lãng quên. Nhân vật trong truyện cả đời dâng hiến hy sinh, bị chìm khuất, được tác giả “dựng lên” bằng ngôn ngữ gợi tưởng đọc rất cảm động. 
Nhà thơ Trần Nhương với trường ca hơn ba ngàn câu “Người làm ra cổ tích” đã dựng lên các mẫu nhân vật hóa thân trong lửa đạn nơi Trường Sơn huyền thoại đẹp như nhân vật trong truyện cổ tích, đọc khó cầm được lệ rơi.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám góp mặt bài thơ “Lời thê mùa đông” với những câu thơ da diết, xao động lòng người:
“Núi còn hòn vợ, hòn chồng
Cô tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu”
Nhà thơ Kim Quốc Hoa tham gia cuộc vận động với trường ca “Cánh thép Trường Sơn”. Trong bản hùng ca này, Kim Quốc Hoa thể hiện thành công thủ pháp dựng tượng bằng thơ về người chiến sĩ hậu cần anh hùng 
nơi tuyến lửa.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gửi tới trường ca 
“Những người lính của làng” người cảm thơ không ai 
không động lòng suy nghĩ. Đan xen hình tượng thơ, hình tượng người lính ở một làng quê là sự hy sinh cao đẹp, nhưng sự hy sinh cũng vô cùng đau thương. Qua “Những người lính của làng” Nguyễn Quang Thiều đặt ra câu hỏi trách nhiệm về nghĩa cử với những người ra đi không trở về. 
“Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu?
Tất cả, tất cả giờ đây đang ngủ
Đang ngủ yên, đang ngủ ở chân trời”
Nhà thơ Kim Chuông với chùm thơ 5 bài, mỗi bài một thân phận, một nỗi niềm với những câu thơ hay, nhưng đầy xót xa. Bài "Nơi ấy", Kim Chuông viết:
"Vầng trăng đưa tiễn người yêu
Vàng trong chớp đạn, tám chiều lửa giông
Người yêu đợi ở cánh đồng
Nhưng người yêu ấy đi không trở về"
Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa gửi tặng chùm thơ 6 bài về hậu chiến. Nỗi đau và sự bi hùng đan xen trong ngôn ngữ thơ Trần Đăng Khoa đã làm nên cái hồn thơ vừa thiêng liêng, vừa sâu lắng. Miêu tả tâm trạng người lính trở về làng sau những tháng năm chinh chiến, Trần Đăng Khoa viết:
"Người yêu anh đã lấy chồng rồi
Bế con người, đứng đón anh, dưới bóng trúc
Anh nghe tiếng nàng cười và khóc..."
Ôi! Câu thơ “Bế con người” sao mà da diết thế. 
Sự đường đột trở về của người chiến binh được tác giả viết rất tài hoa:
"Anh sống lại từ cánh rừng huỷ diệt
Dưới bóng cây chập choạng mù loà
Triệu con mắt lá 
Rơi trắng rừng, anh chống gậy đi qua"
Thật vui, hưởng ứng cuộc vận động còn có ba vị tướng làm thơ về hậu chiến tranh gây xúc động lòng người. Trung tướng Vũ Thanh Hoa với chùm thơ: "Mẹ và quê hương" và "Nỗi đau sau chiến tranh". Trung tướng Phạm Quang Đẩu gửi tới: Những người lính sau chiến tranh. Thiếu tướng Bùi Quảng Bạ với bài "Người đi tìm di hoạ chiến tranh". Tập 10 còn có sự góp mặt của PGS-TS Trần Thị Trâm với tác phẩm: Nguyện cầu. Bằng tài năng sáng tác và trách nhiệm của người cầm bút trước những cuộc đời bất hạnh, các anh đã góp tiếng lòng bằng những tác phẩm văn chương  sâu sắc nhằm tri ân, báo đáp những người có công vì nước, vì dân.
Kết thúc tập 10 là kịch bản “Trở lại kiếp Người” của Nhà văn Minh Chuyên. Kịch bản mô phỏng thân phận một người lính bị trọng thương sọ não, hơn 10 năm sống mộng du giữa đại ngàn Trường Sơn nhờ bày vượn cứu sống, nuôi dưỡng.
Từ “Ngàn năm mây trắng” đến “Trở lại kiếp Người” kết thành một nỗi đau khôn cùng do chiến tranh gây nên, cùng với hàng trăm nhân vật của các tác giả khác đã làm nên những gương mặt bi hùng vừa huyền ảo, vừa  thiêng liêng trong bộ sách.
Trong đợt sơ kết cuối năm 2019, Ban Tổ chức cuộc 
vận động đã trao giải thưởng cho 8 tác phẩm xuất sắc của 6 tác giả gồm: Đỗ Tiếp, Vũ Bá Lễ, Trần Thanh Loan, Lại Quốc Biểu, Ngân Hậu và Phạm Bá Hà. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tướng Lê Hân nguyên Phó  Tổng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng và bà Nguyễn Thị Lĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã về dự và trao giải thưởng. Phát biểu tại buổi sơ kết, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Hậu chiến tranh là một việc làm rất ý nghĩa. Đọc thơ các anh, các chị thực sự là những bài thơ hay. Ban Giám khảo làm việc thật công phu. Các tác giả được trao giải thưởng hôm nay là những tác giả xứng đáng. Tôi rất mong các bạn đồng nghiệp đón nhận sự kính trọng thực sự của tôi. Không phải chỉ có hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mà các anh, chị làm được một bài thơ, văn hay cũng là đồng nghiệp của chúng tôi”.
Ban Vận động cuộc sáng tác về đề tài Hậu chiến tranh với ý tưởng muốn gửi mai sau một thông điệp: Thời gian dần dần sẽ lùi xa, người ta có thể quên quá khứ của cuộc chiến tranh, nhưng tác phẩm hậu chiến này sẽ ngân lên tiếng chuông thức tỉnh để mọi người nhớ rằng, để có cuộc sống hòa bình hạnh phúc hôm nay, có một thời, một thế hệ người Việt đã phải chiến đấu, đổ máu, hy sinh và gánh chịu hậu quả của chiến tranh tàn khốc như thế nào!
Những tác giả đầu tiên hưởng ứng cuộc vận động đã làm nên nhữngtác phẩm thấu đậm lòng người không dễ quên được.Chùm thơ 3 bài đạt giải A của tác giả Đỗ Tiếp, một thương binh đặc biệt với những cảm xúc thơ cũng rất đặc biệt. Bài “Hát ru anh đêm trở gió”, Đỗ Tiếp viết:
Mảnh bom cắt xé thịt da
Anh không kêu, chắc vì là thương em
Cái đau từ anh thương binh Đỗ Tiếp hóa thành nỗi đau ngọt ngào nén lại trong thơ anh:
Ngủ đi nào những tái tê
Nỗi đau trần thế gọi về hư không
Đồng cảm với bạn mình, nhà thơ Thọ Trúc, một thương binh, một thi nhân,trong bài “Lục bát cho bạn”,lời thơ Đỗ Tiếp càng đằm thắm và da diết:
Bạn về “bán chữ” mua vui
Nhặt đau thương trả cho đời yêu tin.
Bài “Vết thương” đạt giải B của tác giả Vũ Bá Lễ miêu tả nỗi đau và tâm trạng của hai con người, mẹ chồng, nàng dâu, chờ đợi và thất vọng. Lời thơ sâu lắng, chân thực mà cảm động vô cùng.
Đêm đêm trùm kín nỗi đau
Trong con, ngoài mẹ nghe nhau thở dài.
Giả B còn có bài “Hoa Đồng Lộc” của tác giả 
Trần Thanh Loan. Nếu không phải cảm xúc từ đáy lòng 
mình, thì không thể có những vần thơ lục bát tri ân mười cô gái Đồng Lộc hay và đẹp như thế.
Mười em mười đóa hoa hồng
Trắng trong dâng trọn tấm lòng sắt son
Ba tác giả đạt giải C, giọng thơ mỗi người mỗi vẻ, sâu sắc và đằm thắm. Tuy vần điệu lục bát lay động khác nhau, nhưng cùng chung một âm hưởng, một tiếng 
lòng, tri ân những linh hồn hóa thân cho Tổ quốc.
Bài “Tình mẹ” của tác giả Lại Quốc Biểu thể hiện một phương pháp nghệ thuật thơ vừa ảo, vừa thực, về tấm lòng vĩ đại của một người mẹ, chờ con ra trận, con không trở về.
Thương con trong cả giấc mơ
Quờ tay đêm vắng, thẫn thờ tâm can
Phần cuối bài “Tình mẹ”, tứ thơ được chắt học, dồn nén.Lại Quốc Biểu làm cho người đọc cảm nhận nỗi đau của người mẹ đến nghẹn lòng.
Ngóng trông sao mãi xa vời
Đón về nắm đất mẹ thời cầm tay
Tác giả Phạm Bá Hà sinh ra từ miền cổ tích xã Thượng Hiền có bài “Con xin mẹ làm dâu” kể về mối tình thủy chung của một cô gái với người chiến binh tử trận, lời thơ chân thật mà làm rung động bao trái tim: 
Con về lạy mẹ làm dâu
Mang theo giọt máu lần đầu tìm quê
Giải C còn có tác giả Ngân Hậu, một cây bút 
nữ với bài “Tìm bạn” có những câu thơ liên tưởng, 
giầu cảm xúc:
Nấm mồ xưa chẳng vùi sâu
Mảnh tăng gói bạn xé đau ngực mình
Bài “Tìm bạn” tác giả Ngân Hậu còn thể hiện tấm 
lòng tri kỷ qua những vần thơ dung dị, chân tình. Một sự tri ân bằng thi ca nhẹ nhàng mà sâu nặng:
Bấy lâu giữ nguyện lời thề
Khói nhang quyện nát bốn bề gió sương
Sáu gương mặt đạt giải trong cuộc vận động sáng 
tác về đề tài: Hậu chiến tranh – Thương binh liệt sỹ là những dấu ấn mang đậm nét nhân văn. Bên cạnh 6 “bông hoa nở đẹp”, hàng trăm tác phẩm không nằm trong khung giải, nhưng vẻ đẹp ý thơ và sự lan tỏa của tác phẩm cũng rất đáng ghi nhận. Nhiều tác giả đã gieo vào lòng người đọc những “mầm thơ lục bát” thiêng liêng đến da diết. Ghi nhận sự hy sinh của các chiến sỹ giữ đảo, nhà thơ Phạm Luyến có những câu thơ lời hay ý đẹp rất cảm động:
Máu loang hắt đỏ nền trời
Sáu tư đồng đội biển khơi chung mồ
Trong một bối cảnh khác, Phạm Luyến chắt ra được những vần thơ chân tình, không cao siêu, nhưng đọc thích:
Câu thơ nở giữa lõng cày
Bước chân sẹo xước, bàn tay chai sần
Nhiều tác giả có những vần thơ gợi cảm, sâu lắng, ý thơ, ngôn từ đa dạng, càng đọc càng mến mộ người viết. Nói về người mẹ khắc khoải chờ con, qua những vần thơ lục bát của nhà thơ Ngân Kim, bạn đọc cảm nhận được hình tượng thơ, hình tượng người mẹ thật 
cảm động:
Héo hon quằn quại thân tằm
Rừng sâu núi thẳm, con nằm nơi nao?
Tác giả Phạm Đăng Kiểm coi thơ như một cõi thiêng, nên anh đã viết những câu thơ cũng thật thiêng liêng:
Đốt thơ gửi bạn lên trời
Khôn thiêng nhận lấy một lời tri ân
Còn thi sỹ Nguyễn Thọ Trúc lại có một cách nhìn khác. Anh luôn sử dụng thủ pháp văn chương để khái quát những trăn trở từ phía cuộc đời. Những vần thơ nói về lệ làng anh viết:
Người quê gom nắng nhặt mưa
Phong trần hóa kiếp vẫn thua lệ làng
Khi vào nghĩa trang viếng bạn, bằng sự quan sát tinh tế, Thọ Trúc viết thành  những câu thơ lấp lánh hình ảnh vừa đẹp, vừa rất gợi cảm:
Các anh vẫn đứng thẳng hàng
Mộ không tên bởi gió mang về trời
Nhà thơ Thọ Trúc thật tài hoa khi dùng hình tượng ngọn gió mang đi cái tên người liệt sỹ về trời, để lại nấm mồ vô danh, ôi, câu thơ nấm mồ sao mà thiêng liêng thế.
Dùng thủ pháp văn chương để xây dựng hình tượng thơ nhất là đối với thơ lục bát là một phương pháp khó. Tuy nhiên,  nhiều tác giả, nhiều câu thơ đã chạm tới cái ngưỡng của nghệ thuật thi ca. Thể hiện hình ảnh người thiếu phụ chờ chồng, bồng con hóa đá, thi sỹ Thu Vựng viết:
Dẫu không còn mái tóc xanh
Bạc phơ tuyết trắng nguyện thành vọng phu
Cùng khai tác ý tưởng đó, Lê Quý Linh viết:
Giá em giống được Vọng phu
Mất chồng còn được đền bù đứa con.
Thi sỹ Lại Văn Huyền với những câu thơ giầu cảm xúc:
Chiến tranh ủ một nỗi đau
Đang tâm vò nát những câu hẹn hò
Cùng nói về sự mất mát hy sinh của người chiến binh ra trận, thi sỹ Phạm Thanh Hoa viết:
Anh đi về chốn không người
Mình em ở lại với đời khổ đau
Phạm Thị Thu Hương đồng cảm cùng thân phận đợi chờ người thương bằng câu thơ:
Em về với bến không chồng
Sóng cồn cào nhớ, thuyền không thấy về.
Tất cả cùng ngân lên âm hưởng qua những vần thơ lục bát da diết, cảm động về những người có công vì dân, vì nước.
Trong tập 1 “Nỗi đau sau chiến tranh” với 181 tác phẩm văn thơ gồm các thể loại truyện, ký và thơ lục bát, bằng lối viết dung dị, tả thực qua lời kể của nhân chứng, khôngít tác phẩm mô phỏng hiện thực bằng ký ức từ cách nhìn đa chiều. Mọi ý tưởng kết nối trong “Nỗi đau sau chiến tranh” đều có chung một chủ đề khẳng định sự cống hiến hy sinh và tấm lòng tri ân của người đang sống với các anh hùng liệt sỹ, người có công.
Mở đầu “Nỗi đau sau chiến tranh” là hai truyện 
ngắn“Vệ đê trong đêm trăng” và “Câu chuyện về chiếc 
ăng gô” của nhà văn Lê Bích Hồng, đều viết về những nỗi đau và kỷ niệm sâu sắc, chia sẻ sự mất mát đau thương của mỗi cuộc đời do chiến tranh gây nên. “Vệ đê đêm trăng sáng”, một truyện ngắn hay, giàu ngôn ngữ hình tượng, kể lại mối tình của cô sinh viên với một chàng trai chuẩn bị lên đường ra trận. Họ yêu nhau bằng sự trinh trắng, tha thiết để ngày mai anh lên đường và mãi mãi không bao giờ họ còn được gặp nhau. Tiếp theo tác giả Quyên GAVOYE, Việt kiều Pháp với hai truyện ngắn“Lão Khùng” và truyện“Bà tôi”. Từ nước Pháp xa xôi, Quyên GAVOYE lại có được những câu chuyện về hậu chiến tranh Việt Nam rất sâu sắc. Cả hai truyện đọc cảm động khó cầm được nước mắt. Lão Khùng - nhân vật sống lang thang phiêu bạt, khổ đến lúc chết. Khi người ta lật xác ông, tìm thấy tờ giấy chứng thực mới phát tên thật của ông, một thương binh nặng tâm thần bị lưu lạc. Nối tiếp là truyện“Lát cắt thời gian” của tác giả Nguyễn Đình Bắc;“Hỏi vợ cho con” và “Trung úy Ngô Mây” của tác giả Trần Đình Hằng. Hai truyện ngắn“Trăng xưa còn sáng”, “Chiếc võng bạt của cha tôi” của Lê Văn Đông. Phần bút ký, ghi chép có tác giả Nguyễn Tuynh với hồi ký“Một quãng đời binh nghiệp”. Nguyễn Văn Á với tác phẩm“Hai mươi năm đi tìm hài cốt liệt sỹ”. Nguyễn Minh Lệ với 4 bài ký: “Báu vật”, “Rực rõ cờ hoa”, “Người con trai làng Thọ Lộc” và “Lời dặn của người em gái”. Tác giả Cao Bá Khoát với hai bút ký: “Cô Năm” và “Người ở đất Minh Khai”. Tập sách còn có sự góp mặt của tác giả Đào Xuân Ánh và 
Nhà văn Giáo sư Vũ Nho.
Tiếp sau phần văn xuôi, tập 1 “Nỗi đau sau chiến tranh” là 180 bài thơ lục bát. Mỗi bài một giọng điệu, một phương pháp biểu cảm nhưng cùng chung một tiếng thơ ân tình. Bằng ngôn ngữ thơ sâu lắng, nhiều bài thơ viết về mẹ, về thương binh liệt sỹ, về nạn nhân chất độc da cam xúc động đến nao lòng. Tên mỗi bài thơ là một nỗi ám ảnh về thời hậu chiến, đọc vừa da diết vừa xa xót đau thương. Mở đầu chùm thơ của mình, tác giả Ngân Hậu viết:
Mẹ chờ đã mấy mươi năm
Nỗi đau vô vọng giữa thăm thẳm đời
Vẫn những cảm xúc lay động lòng người, có chùm thơ tám bài của tác giả Phạm Luyến: Chưa một lần được gọi cha, Vọng phu, Giỗ con, Người mẹ, Cha ơi về đi.v.v…Tác giả Đỗ Tiếp với chùm thơ: Lục bát cho bạn, Bây giờ anh ở đâu, Hát ru trong đêm trở gió. Tác giả Vũ Minh Hiến có: Tri ân và Trí Dũng song toàn. Phạm Bá Lễ: Cánh cò nặng trĩu chất màu da cam. Lại Quốc BIểu: Dâng mẹ. Lại Hữu Miễn có bài: Tìm con.Nhà thơ Ánh Tuyết với bài: Hát với mười cô, có nhiều câu thơ hay xúc động:
Quặn lòng tức tưởi nỗi đau
Trời xanh thì cứ xanh màu hồn nhiên
Giá như tiếng súng vừa yên
Mười cô thành những mẹ hiền, vợ yêu.
Bằng nét bút miêu tả mô phỏng, ý thơ uyển chuyển, giàu hình tượng, mỗi câu thơ ngân lên như một tiếng lòng, có các bài: Khúc ca buồn tháng bảy của Phạm Văn Ngọn. Khóc chồng và Ngày gặp mặt của tác giả Phạm Thanh Hoa. Lá thư viết dở và con xin mẹ làm dâu của Phạm Bá Hà. Khúc tình sử Trường Sơn của Phạm 
Dũng. Vũ Dự có: Nỗi đau da cam.v.v…
Nhiều bài thơ tên tác phẩm không chỉ gợi cảm mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện đời thật cảm động. Những câu chuyện được hóa giải qua các vần thơ làm người đọc bùi ngùi xúc động. Tác giả Đào Thu Hiền với bài: Tìm lời ru anh. Thúy Lụa có bài: Chờ đợi. Nguyễn Phương Nga với: Nỗi đau của mẹ. Tác giả Trương Anh Tri: Non sông nghiêng mình. Phạm dũng: Tình sử Trường Sơn. Vũ Minh Khính có: Bát cháo nghĩa tình. Nguyễn Huệ: Mười bông hoa bất tử. Tác giả Xuân Lập có: Dòng sông và nỗi nhớ.v.v…
Nhiều tác giả qua thủ pháp thể thơ lục bát, đã xây dựng lên hình tượng trong thơ với những ngôn từ chắt lọc, tinh tế. Phần này có nhà thơ Thọ Trúc với chùm bài: Mẹ tròn chữ tâm, Đón cha, Chia sẻ, Cỏ non thành cổ, Hậu ngõ xưa. Tác giả Kim Ngân có: Đường về và Chú tôi. Nguyễn Trường Giang có bài Em ngồi vá áo cho anh. Phạm Thị Nga có: Bài ca dâng đời. Nguyễn Thị Thu Vui với bài: Hoa bất tử. Minh Lệ: Người một tay. Tác giả Thu Vựng với bài: Tàn mà không phế. Trần Thanh Loan với chùm thơ: Hoa Đồng Lộc và Nỗi nhớ khôn cùng. Nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bài: Phỏng theo tác giả “Thủ tục làm người còn sống”. Trọng Phan – Trần Nhuệ có: Cảm tác Bảo tàng.v.v…
Kết thúc phần thơ tập 1 có hai tác giả cùng chiêm nghiệm một tứ thơ rất gợi cảm. Đó là Đinh Thế Linh: Có những hòn vọng phu như thế và tác giả Nguyễn Ngọc Hùng với bài: Em hóa đá đợi anh. Câu thơ kết, tác giả viết:
Nơi đây hóa đá em chờ
Bóng anh khuất lặng xa mờ nơi đâu
Tập 2: “Nỗi đau sau chiến tranh”, mở ra khoảng sáng trong tâm hồn nhiều người chưa hết nỗi ám ảnh khi đặt bút viết những mất mát đau thương sau cuộc chiến. Tập sách gồm 176 tác phẩm văn thơ của 62 tác giả. Nhà văn Triệu Miện với hai truyện: Lòng mẹ và truyện Y Sang. Mỗi truyện như một khúc bi tráng ngợi ca phẩm chất những tấm lòng ân nghĩa vì nhau. Những con người vượt lên đau đớn để tồn tại trong cõi đời. Truyện: Y Seng, Triệu Miệu xây dựng nhân vật khá điển hình. Y Sang một mẫu người thực, một thương binh kỳ lạ. Khi bị trọng thương, lạc giữa rừng Trường Sơn, đói khát, đau đớn thần chết vây quanh anh vẫn lạc quan, nuôi hy vọng thoát hiểm. Nhà thơ Phạm Ngọc Tâm Dung tham dự hai truyện ngắn: Sau cơn bão và Một lần lỡ hẹn. Bằng lối viết chân thực, câu chữ hồn nhiên, trong sáng, Phạm Ngọc Tâm Dung miêu tả khá thành công hình tượng người chiến sỹ trong cuộc chiến và sau cuộc chiến tranh. Truyện ngắn: Sau cơn bão, tác giả kể lại cuộc đời của Trần Trung, nhân vật có thật, một anh bộ đội dũng cảm chiến dấu, bị thương, trở về phục viên. Cốt truyện đơn giản, không nhiều tình tiết, nhưng đọc cảm động, hấp dẫn. Truyện ký: Nương theo tiếng gọi của tác giả Nguyễn Thu Sang miêu tảchi tiết nỗi đau những em bé sinh ra trong thời bình, mang dòng máu da cam thời chiến. Truyện ký: Trần Văn Ân người lính bất tử của tác giả Ngô Duy Luân kể lại hành động quả cảm của chiến sỹ Trần Văn Ân. Khi anh bị địch bắt sống, tra tấn tàn bạo, anh vẫn chống trả . Địch chặt đầu, buộc xác Trần Văn Ân vào sau chiếc xe ô tô kéo lê trên đường phố Sài Gòn. Truyện rất xúc động.
Nối tiếp mạch văn trong tập sách còn có các truyện: Khát vọng hòa bình của Lê Mạnh Hùng. Hai người vợ của Khúc Văn Lâm. Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ của tác giả Công Liêm. Nghĩa tình đồng đội của Trần Thanh Loan. Tấm lòng quê của Ngân Hậu và bốn truyện ngắn, truyện ký của nhà văn Minh Chuyên: Người hai lần báo tử, Hành trình làm liệt sỹ, Những phận người da cam, Đi tìm những linh hồn. Ngoài chùm truyện ngắn, tác giả Minh Chuyên còn có một kịch bản sân khấu: Trở lại kiếp người.
Phần thơ trong tập 2: “Nỗi đau sau chiến tranh, hội tụ trên 100 bài thơ lục bát. Mở đầu chùm thơ của mình Thanh Bảo Nguyên viết:
Chiến tranh qua đã lâu rồi
Mà sao vết cắt cuộc đời còn đây
Mười bài thơ của chị như mười tiếng chuông gõ vào quá khứ. Một quá khứ hào hùng và đau thương được thể hiện qua các bài: Nơi anh nằm lại, Hương bưởi, Cánh Võng, Vết thương chưa lành.v.v…
Từ cái duyên thơ lục bát, mỗi tác giả góp một khúc tâm tình bằng những vần thơ nuột nà, lay động. Những câu thơ giàu hình tượng, mô tả số phận con người sau cuộc chiến tranh. Nỗi đau và sự ân tình được tác giả Nguyễn Huệ chắt lọc trong gần 30 bài thơ gửi về ban vận động gồm: Nhói lòng chất độc da cam, Huyền thoại bất tử, Đợi anh về, Tình xưa nghĩa nặng, Sống mãi 
với trang sử vàng, Chung tay xoa dịu nỗi đau.v.v..
Bằng lối viết tài hoa, tác giả Phạm Luyến thể hiện trong các bài: Phận gái má hồng, Con về xin mẹ làm dâu, Đau lắm chị ơi.v.v…Mỗi bài của ông như một nét nhạc buồn, nhưng đậm chất nhân văn. Trong bài: Vọng 
phu Bến không chồng Phạm Luyến viết:
Vọng phu dựa bến không chồng
Bao nhiêu góa bụa nối vòng khăn tang
Tiếp theo mệnh đề về hậu chiến, nhiều bài thơ mô tả những cảnh ngộ bi thương thấu động lòng người. Đó là các bài: Người đi tìm di họa chiến tranh của tác giả thiếu tướng Bùi Quảng Bạ; Gặp lại em của Phạm Thanh Hoa; Tình hoa cỏ may của Đỗ Thu Yến; Người tìm hài cốt của Bùi Minh Tửu; Hoa cải đợi người của Phan Bá Hà và chùm thơ: Viếng ông, Giặc càn, Chia cắt, Con của chúng ta của Tạ Mạc.v.v….
Bằng lối viết ngôn từ cô đọng, câu thơ uyển chuyển, tứ thơ sáng rõ, mỗi bài thơ cất lên như một tiếng lòng vừa gợi, vừa thương. Tác giả Triệu Nguyễn với bài: Màu hoa sim tí; Đoàn Thịnh viết: Mẹ ngồi đưa chiếc võng không; Đặng Thành Tô: Khuyên con lấy chồng; Dương Đoàn Trọng có: Đôi mắt của anh; Lê Đông với: Lời ru của mẹ; Nguyễn Toản: Nặng nỗi đầy vơi.v.v…
Cách viết chân thật, mỗi vần thơ lắng một nỗi niềm. Nhiều bài thơ không chỉ vang đọng trong trí tưởng mà được tỏa ra từ tâm hồn người thi sỹ. Cách viết này có tác giả: Bùi Ái Nhân với: Lời ru hóa đá; Phạm Hiên: Nụ cười nước mắt; Phạm Lục: Nghĩa trang Vị Xuyên; Lê Hải Châu với: Đón anh về; Tác giả Nghiêm Thân: Ngày xưa đêm dài; Phạm Xuân Am với: Bến không chồng; Vũ Thẩm Ánh có: Đầy vơi nỗi niềm; Phạm Thị Vân: Đi tìm đồng đội; Phạm Văn Tình với chùm thơ: Bằng lăng tím, Tìm bạn ngày xưa.v.v..
Những bài thơ viết như thể chắt ra từ tâm hồn tác 
giả. Những câu thơ đau đáu nỗi niềm, diễn tả theo phương pháp vừa cảm vừa nhận. Đó là các bài: Viếng mộ cha và Ký ức Đồng Lộc của tác giả Triệu Thị Vân;Kỷ niệm khó quên của Phạm Ngoan; Bài: U vẫn đợi con về của Phạm Thị Nhung; Tìm cha và Ghi ơn liệt sỹ của Thúy Lụa; Bóng mẹ chiều quê của tác giả Lê Thị Châm.v.v…
Nhà thơ Thọ Trúc với lối viết tinh tế, hồn thơ phiêu diêu, bay bổng. Ông đã thể hiện sâu sắc qua chùm thơ: Trọn đời có nhau, Chiều xuân Đồng Lộc, Vang khúc quân hành, Nhân nghĩa, Đón cha.v.v..Khép lại phần thơ xuất hiện một tác giả Việt kiều Pháp GaVoYe Quyên với bài thơ: Mẹ tôi đầy xúc động. GUVOYE Quyên dãi bày:
Một đời trọn kiếp rau dưa
Còng lung cõng những hạt mưa ra đồng.
 GaVoYe Quyên viết chân thật về một mối tình do chiến tranh cướp đi với những vần thơ vừa xao lòng vừa gợi nhớ: 
Ngày ấy – Cha về đất lành
Mẹ như tắt cả trời xanh nắng vàng
Kết quả từ cuộc vận động sáng tác về đề tài hậu 
chiến, bước đầu thu được một số lượng lớn tác phẩm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trong bài phát biểu dự lễ phát động tại Bảo tàng tác phẩm Hậu chiến tranh – Minh Chuyên ở  Thái Bình, đoạn kết nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ viết về lòng biết ơn đối với đồng đội, đối với các bà mẹ đã hy sinh cho đất nước, mà chúng ta đang gửi những thông điệp cấp thiết nhất đến đồng đội chúng ta, đang chiến đấu bảo vệ toàn bộ trọn vẹn Tổ quốc ta. Tất cả những điều đó tôi cho rằng: Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh – Minh Chuyên và Câu lạc bộ Thơ lục bát tỉnh Thái Bình, nơi phát động cuộc sáng tác, thực sự đã trở thành một địa chỉ văn hóa không chỉ của Thái Bình mà là của cả nước…”.
Chủ đề xuyên suốt các tập văn thơ tiếp theo vẫn là nỗi đau của một thời, thời chiến tranh đã đi qua, chiến tranh đã đi vào dĩ vãng. Nhưng nỗi đau do hậu họa cuộc chiến tranh để lại không biết còn đau đến bao giờ. Như nhà thơ Phạm Luyến đã khẳng định qua hai câu thơ:
Da cam tưới đẫm  thương đau
Mấy đời con cháu kiếp sau vẫn còn
Phần văn xuôi tập 3: Nỗi đau sau chiến tranh hội tụ 15 gương mặt tác giả với 30 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết (trích) và bút ký. Bằng lối viết ảo mà thực, giầu ngôn ngữ hình tượng, nhà văn PGS Lê Thị Bích Hồng tham dự với 5 truyện ngắn: Người đàn bà ôm cát, Chuyện tình của biển, Người đàn ông của mẹ, Những đứa con của Huế và Người đàn ông của tôi. Tác giả trẻ Quyên GaVoye Việt kiều Pháp gửi về 2 truyện ngắn: Bãi Bồi và Những ánh sao đêm. Tiếp theo là nhà văn Nguyễn Đức Hạnh tham gia hai truyện ngắn, tên truyện rất gợi: Thăm thẳm bóng người và Nhìn theo giông gió. Tác giả Phạm Khắc Mã trích tiểu thuyết: Bán con và hai truyện ngắn: Hoa tam giác mạch, Cây bút vỏ trúc. Nhà văn Lê Hữu Bình tham dự hai truyện: Vết thương và truyện: Kỷ vật thiêng liêng. Tác giả Trần Loan với truyện ngắn: Tiếng rao chiều và bút ký: Một thời ở Trường Sơn. 
Phần bút ký gồm các tác giả: Đức Viên với Chiến 
tranh đã đi qua, Lê Văn Đông 3 tác phẩm: Mùa Sim chín, Kỷ niệm không quên, Giữa đời thường. Nhà báo Công Liêm với hai tác phẩm: Nhật ký cao điểm và Chết vẫn chưa rõ danh phận. Nhà báo Nguyễn Văn Á: với Trận đánh trên cánh đồng. Tác giả Phạm Xuân Am: Người câu ếch. Cao Bá Khoát với hai tác phẩm: Chuyện về đại đội pháo và Người lính cầm bút. Tác giả Vũ Hồng Thái với 5 tác phẩm: Đêm ấy ở Trường Sơn, Truyện của Mỵ, Đại Bàng tung cánh, Phụ nữ làng tôi và Tâm huyết của người chiến sỹ. Kết thúc văn xuôi là bút ký Nỗi kinh hoàng của nhà văn Minh Chuyên.
Sáng tác thơ trong tập 3: Nỗi đau sau chiến tranh đứng tên 30 tác giả với 103 bài thơ. Hai tập thơ văn này có sự “nới rộng” về tư tưởng chủ thể. Một số tác phẩm chủ đề hậu chiến “Mờ nhạt” hoặc chỉ mang “bóng hình” của cuộc chiến tranh, nhưng chất lượngnghệ thuật tốt vẫn được ban biên tập chọn in vào tập sách. Hai tác giả mỗi người góp mặt 14 bài thơ gồm có nhà thơ Thọ Trúc với: Chuyện tình anh bộ đội, Hai nốt nhạc xanh, Cỏ non thành Cổ, Miền Cổ tích, Mối tình pha lê.v.v..Tác giả Trần Thanh Loan với: Nụ cười hoa, Đôi mắt linh hồn, Một thời Trường Sơn, Bến không chồng, Lỗi hẹn.v.v. Thi sỹ Đậu Hoài Thanh ẩn chứa vẻ đẹp trong hai bài thơ chị cảm nhận: Tổ Quốc nhìn từ đỉnh Trường Sơn và Tình cha mẹ. Tiếp theo là: Chị Tôi và Chiếc gậy của bà của Gavoye (Việt kiểu Pháp). Phạm Luyến có: Nỗi đau sau chiến tranh. Đặng Minh Thành một chùm 4 bài: Bố tôi, Nghị lực người lính.v.v. Tác giả Nguyễn Toản góp mặt: Bóng người trên, Người lính trở về, Hãy yên nghỉ bạn nhé.v.v.Tác giả Ngân Hậu có: Góc Hoàng hôn, Ở nơi không biết cuộc sống.v.v. Nguyễn Văn Cư gửi 5 bài: Gặp em, Tấm ảnh lên tiếng, Hoa khôi một thời.v.v. Nhà thơ Lê Mạnh Hùng với chùm thơ 5 bài: Nhớ Trường Sơn, Một thời Xuân ấy.v.v. Nguyễn Huy Chung có: Đău da cam, Tượng hình Trường sơn.v.v…Tác giả Đỗ Tiếp có: Đơn thân, Bạn ốm, Anh thương binh.v.. Các tác giả: Đào Xuân Ánh, Phạm Thị Vân, Nguyễn Oanh, Trần Thị Hồng Vân, Nguyễn Duy Trung, Phạm Kim Doanh, Minh Lệ, Đức Bình.v.v..mỗi tác giả có từ 1 đến 3 bài thơ trong tập sách. Nhà thơ Vương Trọng đóng góp hai bài, đọc rất cảm động, nhiều người nhớ thơ anh. Đó là bài: Khúc tưởng niệm Liệt sỹ Đặc Công và bài: Ở nghĩa trang Trường Sơn. Có đoạn nhà thơ viết: 
Vì đất nước này không thể cắt chia
Những ngôi sao trên mũ thành ngôi sao trên bia
Tập 4: Nỗi đau sau chiến tranh tập hợp 16 tác giả văn xuôi với 33 tác phẩm. Mở đầu tác giả Phạm Xuân Đào trình làng 4 truyện ngắn nội dung khá hấp dẫn. Đó là: Người của Rừng, Nước mắt, Ông Mẹo hâm, Một thời khắc nghiệt. Nhà văn Triệu Miện góp mặt 3 truyện: Bông hoa Sim, Kỷ niệm năm xưa và Cuộc gặp bất ngờ. Tác giả Phạm Ngọc Lanh có hai truyện: Chị dâu, Quả bóng chuyền hơi. Tác giả Nguyễn Oanh có truyện: Minh điên tình. Đỗ Thu Yến tham gia truyện ngắn: Bông cỏ may. Phần bút ký, truyện ký có các gương mặt: Minh Chuyên, Ngô Duy Luân, Nguyễn Công Liêm, Cao Bá Khoát. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân với ba bài ký và phóng sự ngồn ngộn tư liệu quý, viết về thời hậu chiến tranh như: Vết xe lăn trên cát, Người thương binh ở xóm nhà Lá, Người xứ Nghệ. Tác giải Hồng Vân tham gia kịch bản sân khấu chèo: Trọn tình nghĩa gồm 3 màn 6 cảnh. Tác giả Cao Bá Khoát có kịch bản truyền thanh: Trong Bảo tàng thời hậu chiến. Tác giả Phan Kế Hùng có tác phẩm bình thơ: Hai nốt nhạc xanh. Đặc biệt trong tập 4: Nỗi đau sau chiến tranh xuất hiện hai tác giả là giáo sư, nhà văn gửi đến những trang văn đầy tâm huyết. Nhà văn Vũ Nho với ba tác phẩm: Ngày trở về, Trăn trở một đời và Người ngồi trước mộ mình thể loại phê bình tiểu luận. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện góp hai tác phẩm: Một phương diện thành tựu văn học viết về chiến tranh và phác họa con người thời đại, nhân vật trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Phần thơ trong: Nỗi đau sau chiến tranh tập 4, chọn 36 tác giả với 115 sáng tác. Phẩm chất anh hùng và nỗi đau sau chiến tranh là cảm hứng sáng tạo được ngân vang từ đáy lòng mỗi nhà thơ, giúp họ viết nên những con chữ, những vần điệu, vừa sâu lắng vừa lung linh. Các tác giả tham gia từ ba bài trở lên gồm: Nguyễn Triệu Miện, Kim Thùy Giang, Nguyễn Văn Á, Ngân Kim, Mai Văn Lễ, Phạm Huỳnh, Nguyễn Thị Én, Lê Thị Bích Hồng, Nguyễn Đình Hàn, Ái Nhân, Phạm Kim Doanh, Phạm Bá Hà, Trương Công Hạnh, Trần Đình Nhân.v.v.. Đóng góp trên dưới mười bài trong tập sách gồm các thi sỹ:Thọ Trúc, Việt Nga, Vũ Hồng Thái, Trương Việt và nhà thơ Trần Chính. Kết thúc phần thơ xuất hiện một tác giả khá nổi tiếng: Nhà thơ Trần Nhương (Trần Ham Vui) tham gia với Trường ca: Người làm ra cổ tích. Tác giả Trần Nhương là người từng sống chết trên con đường huyền thoại trong những chống Mỹ. Anh đã viết hơn 3000 câu thơ về sự hy sinh kỳ diệu của các chiến sỹ Trường Sơn quên mình trong lửa đạn
…Đêm Trường Sơn như giữa hai màn kịch
Phấp phỏng chờ cái sắp xảy ra.
Rồi một hôm anh trở về nhà
          Trước ban thờ mình, 
           thắp hương mình òa khóc.v.v.
Trong tập 4 chúng tôi dành một chuyên đề sáng tác thơ văn về sự hy sinh của người lính ở Trường Sơn. Sau trường ca: Người làm ra cổ tích của nhà thơ Trần Nhương là sự khám phá vẻ đẹp trong tác phẩm Từ tâm của tác giả Vũ Hồng Thái. 
Với ý tưởng xuyên suốt và rất gợi, Vũ Hồng Thái đã mở rộng chủ thể đưa những con chữ lan tỏa ra nhiều lĩnh vực. Từ cách nhìn của nhà chính trị, một thời tắm bụi Trường Sơn, lại mang dòng máu một kẻ sỹ. Hai phẩm chất đó đã hòa quyện trong anh làm nên một Vũ Hồng Thái với nhữngcâu thơ rất gợi, tứ hay, ngôn ngữ 
hình ảnh được chắt ra từ cái tâm của chính tác giả:
Dựa vào nhân vật thật, Vũ Hồng Thái mô tả hình 
ảnh một thương binh quả cảm qua bài thơ: Sơn Cháy. Sơn ngoài đời nguyên là một chiến sỹ lái xe Trường Sơn, dũng cảm, bị bom cháy hết thịt da. Trở về không cam chịu nghèo khó, anh tiếp tục vượt lên làm kinh tế và giúp đỡ đồng đội. Từ đây tâm hồn Sơn lại cháy lên một ngọn lửa mới, một ngọn lửa anh hùng. Những vần thơ Vũ Hồng Thái mô phỏng Sơn Cháy vừa huyền thoại, vừa rất cảm động.
Cháy hết quần áo, cháy hết tóc da
Còn răng trắng, mắt anh long lanh
Đồng đội gọi anh là Sơn Cháy
Các tập tiếp theo, từ tập 5 đến tập 10 “Nỗi đau sau chiến tranh” vẫn mang âm hưởng bi hùng của một thời loạn lạc và nỗi đau thảm khốc do hậu quả cuộc chiến tranh để lại cho nhân dân Việt Nam kéo dài suốt gần nửa thế kỷ qua.
          Xúc động trước thân phận cuộc đời các anh hùng liệt sỹ xả thân vì nước và nỗi đau khôn cùng của người lĩnh trở về sau cuộc chiến tranh,bằng những dòng hồi ức văn chương tả thực và lối viết chân thành rung động từ trái tim các tác giả, đã tạo nên huyền thoại đẹp trong các nhân vật.  Cái đẹp của văn chương, cái đẹp của cuộc đời nhân vật đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn của những cuốn sách.Sau đây mời các bạn khám phá vẻ đẹp ấy qua tập 10 “Nỗi đau sau chiến tranh”. Và qua bài “Nhìn lại cuộc vận động…” của nhà thơ Phạm Luyến trích giới thiệu hơn 200 câu thơ hay viết về thời hậu chiến in trong quyển sách này ./.
 
MINH CHUYÊN
                                                        
Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *