Văn học với đời sống

19/4
11:50 AM 2016

Ngọc phả Hùng Vương

Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470), hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ. Ngọc phả gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán, tổng cộng gần 10.000 chữ. Xưa nay chưa thấy ai dịch trọn vẹn. Nay, GS Ngô Đức Thọ đã dịch trọn vẹn văn bản quý báu này.


Đời thứ nhất: Kinh Dương Vương

Đời vua Kinh Dương Vương là đời vua đầu tiên trong 18 đời vua Hùng. Đời vua Kinh Dương Vương có hai sự kiện là chọn đất đóng đô và chọn đô mới để di dời. Về sự kiện chọn đất đóng đô, Ngọc phả chép: "Kinh Dương Vương kính vâng chỉ dụ của vua cha, đem quân lính theo núi Nam Miên mà đi về phía Nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô ấp (tức quốc đô).
Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An. Nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, núi non muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn (xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống). Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định cho bốn phương triều cống".
Về sự kiện chọn đô mới ở Việt Trì, Ngọc phả ghi như sau: "Ngày sau vua lại đi tuần thú, rong ruổi xa giá xem khắp các nơi sơn xuyên. Đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa hình đồi non chập chùng, sông đẹp núi lạ... Nghìn non nâng chủ, vạn thủy chầu nguồn, đều hướng về ngọn tổ sơn Nghĩa Lĩnh.
Thu tận hình thế, vua nhận ra thế cục của đất này quý đẹp hơn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh để thỉnh thoảng ngự giá đến nghỉ. Bên ngoài lại dựng đô thành Phong Châu (nay là Cựu Đô thành ở thôn Việt Trì, xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc) đặt quốc hiệu là Văn Lang... Rồi vua ngự giá về Cựu Đô ở Hoan Châu... Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại dựng ở núi Nghĩa Lĩnh, nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm nơi đóng đô ấp của nước Việt Thường".

Sau khi đã chọn được đô mới, Kinh Dương Vương đã sai Hoàng thái tử là Lạc Long Quân ra đóng tại đô thành mới ở Nghĩa Lĩnh để làm việc nước (còn bản thân nhà vua vẫn ở đô thành cũ). Vua Kinh Dương Vương ở ngôi 215 năm, thọ 260 tuổi".

Đời thứ hai: Lạc Long Quân tức Hùng Hiền Vương

Về đời vua Lạc Long Quân có sự kiện nổi bật là bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai: "Long Quân lên nối ngôi, đổi hiệu là Hùng Hiền Vương. Bấy giờ nàng Âu Lạc (tức Âu Cơ) có thai đã 3 năm 3 tháng 10 ngày, mây ngũ sắc sáng bừng đầu núi Nghĩa Lĩnh. Giờ ngọ ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý (?) cái thai trong bụng Âu Cơ chuyển động, đến giờ ngọ ngày 28 khắp nhà hương thơm tỏa nức, ánh sáng lóe lên trong trướng, Hoàng phi Âu Cơ sinh ra một bọc màu trắng như ngọc...

Thế là vào giờ ngọ ngày rằm tháng giêng trăm trứng an lành nở ra trăm con trai. Khắp Long thành đầy mây ngũ sắc, ánh lành tỏa rạng khắp nơi, hương trời thơm ngát bay tỏa khắp chốn núi sông. Trong khoảng một tháng, các chàng trai không cần bú mớm mà lớn bật lên như người trưởng thành, tướng mạo phương phi, dáng hình kỳ tú, thân cao ba thước bảy tấc, cái thế anh hùng" (Ngọc phả).

Đời vua Lạc Long Quân còn có sự kiện chia 50 con theo cha về biển, 50 con theo mẹ lên núi. "Vua bèn đặt quan văn gọi là Lạc Hầu, đặt tướng võ gọi là Lạc Tướng; các vương tử đều gọi là Quan Lang vương, các vương nữ  (tức công chúa) gọi là Mị Nương. Các quan hữu ti gọi là Bồ Chính". Lạc Long Quân ở ngôi 400 năm, thọ 420 tuổi.        

(Những đoạn để trong ngoặc kép đều trích nguyên văn bản dịch Ngọc phả của GS Ngô Đức Thọ).

Từ đời thứ 3 đến đời thứ 7 là thời kỳ xây dựng đất nước, củng cố vương quyền của các Vua Hùng với những sự kiện Thánh Gióng đánh tan giặc Ân và sự tiếp xúc với Phật giáo.

Đời thứ 3: Hùng Quốc Vương

Vua kế nghiệp vua cha là Lạc Long Quân "thi hành chính sự đức giáo, khuyến khích nông tang, khiến dân không lo nghèo thiếu, nước có tích lũy của dư". Nhà vua cũng có một số thay đổi, nhằm kiểm soát đất nước, củng cố vương vị, vương quyền: "Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn Tinh, Thủy Tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, chia đất đầu núi góc biển, hùng cứ một phương. 50 trấn đầu núi đều gọi là Quan lang phiên thần phụ đạo; 50 trấn góc biển đều gọi là Thủy thượng linh thần, tiện cho việc bảo hộ sinh dân, khuông phù xã tắc). Hùng Quốc Vương ở ngôi 221 năm, thọ 260 tuổi.

Đời thứ 4: Hùng Việp Vương

Vua "Lấy nhân nghĩa làm dân tục. Dựng xây tu sửa miếu đền, bách thần được thăng phong cấp bậc, hóa nhật thiên hạ sáng tưng bừng". Vua ở ngôi 300 năm.

Đời thứ 5: Hùng Hy Vương

Vua "trong sửa văn đức thu phục nhân tâm, ngoài lập vũ công, chấn uy phong với nước lạ, khiến cho xã tắc yên bình, biên cương vô sự".

Đời thứ 6: Hùng Huy Vương

Đời vua thứ 6, Hùng Huy Vương có một sự kiện lớn là giặc Ân sang xâm lược nước ta. Vua cho đi cầu tài và được Thánh Gióng ứng mộ giúp nước. Về sự kiện Thánh Gióng đánh giặc Ân, sử sách đã đề cập nhiều, ở đây không nhắc lại. Nhưng qua sự tích, chúng ta có thể thấy rằng, về đời Hùng Vương, triều đình chưa có quân đội thường trực. Khi có giặc thì dân là lính, thời bình lính lại về làm dân. Việc vua cử sứ đi chiêu mộ người tài giúp nước chính là đi "mộ lính", là hình ảnh của việc "mộ lính".

Sau khi giặc tan, vua cho lập đề thờ tri ân người có công: "Nghĩ Thiết Đổng thần vương có đại huân lao giúp nước nhưng chưa từng gặp mặt, không biết lấy gì báo đáp, Hùng Huy Vương bèn truy tôn thần là Phù Đổng thiên vương, truy tôn bà mẹ làm Thánh Mẫu, cho dựng đền thờ trên nền nhà cũ (nay ở xã Phù Đổng huyện Tiên Du và thôn Đổi Mã xã Vệ Linh huyện Kim Hoa có các đền miếu phụng thờ). Cấp cho làng Phù Đổng 100 khoảnh ruộng để đèn hương phụng thờ". Hùng Huy Vương ở ngôi 87 năm, thọ 100 tuổi.

Đời thứ 7: Hùng Chiêu Vương

Đời vua thứ 7, Hùng Chiêu Vương có một sự kiện nổi bật, đó là đạo Phật được  truyền vào nước ta. Từ các đời vua trước, Ngọc phả cũng đã có nhắc đến đền chùa, nhưng chỉ nói đến việc thờ phụng thần tiên hoặc tổ tiên. Đến đời Hùng Chiêu Vương ta mới thấy nhắc đến các danh từ nhà Phật như Tây vực (chỉ Ấn Độ, nơi phát sinh đạo Phật), Biển Giác, Bát nhã (trí tuệ), Niết bàn, cầu kinh xướng kệ, ăn ở chay tịnh... Và đặc biệt là việc vua đã gặp Phật, dưới dạng là một lão ông. "Lão ông nói: Ta là thần miền Tây vực, cư trú lâu ngày ở Biển Giác, chu du trên thuyền Bát Nhã (trí tuệ), không nhiễm lòng trần. Nay ta đang đi phơi thuốc ở đường đến Niết Bàn, thấy nơi đây dân chúng lòng thành cảm cách, râm ran tiếng cầu kinh xướng kệ, cho nên ta cảm ứng mà đến đây".

Đối chiếu với lịch sử Phật giáo thì vào thời vua Asoka (phiên âm Hán Việt là A dục vương) trị vì từ năm 268 - 232 TCN, để "hoằng dương Phật pháp", đã tổ chức "Đại hội kết tập kinh điển" và đã cử 9 đoàn "Như Lai sứ giả" lên đường đi truyền bá đạo Phật ở những vùng xa, trong đó có đoàn thứ 8 do hai cao tăng là Sona và Uttara sang vùng đất Kim Địa (tức vùng Miên Ma, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaxia ngày nay). Đoàn "Như Lai sứ giả" thứ 8 đã đến nước ta và đã để lại dấu ấn là các tháp A dục mà các sử sách Trung Quốc như Giao Châu ký (thế kỷ IV) và Thủy kinh chú (thế kỷ VI) đã có dịp ghi lại.

Đời Hùng Chiêu Vương còn có một sự kiện đặc biệt nữa là đã bắt đầu xuất hiện ấn kiếm để tượng trưng cho uy quyền: "Rồi đó, Chiêu Vương ngự giá về cung, sai đem khối ngọc khắc thành quả Bảo ấn, đem chiếc móng Rồng bằng ngọc tạc thành cái chuôi kiếm". Hùng Chiêu Vương ở ngôi được 200 năm.

Đời thứ 8: Hùng Vĩ Vương: Hùng Vĩ Vương kế thừa ngôi báu của các vị tiên vương "trong nước thái hòa, biên cương vô sự, thiên hạ ngợi khen là bậc vua hiền" (Ngọc phả). Vua ở ngôi được 100 năm.

Đời thứ 9: Hùng Định Vương ở ngôi 80 năm.

Đời thứ 10: Hùng Uy Vương ở ngôi 90 năm.

Đời thứ 11: Hùng Trinh Vương ở ngôi 170 năm.

Đời thứ 12: Hùng Vũ Vương ở ngôi 96 năm.

Đời thứ 13: Hùng Việt Vương ở ngôi 105 năm.

Đời thứ 14: Hùng Anh Vương ở ngôi 99 năm.

Đời thứ 15: Hùng Triều Vương ở ngôi 94 năm.

Đời thứ 16: Hùng Tạo Vương ở ngôi 92 năm.

Từ đời thứ 9 đến đời thứ 16, tổng cộng 8 đời vua không thấy Ngọc phả ghi chép sự kiện gì.

Đời thứ 17: Hùng Nghị Vương "Thừa hưởng nhiều đời thiên hạ thái bình, sinh ra đam mê tửu sắc, ham thích du chơi, không lo sửa sang võ bị". Bắt đầu thấy mầm mống của họa ngoại xâm "Vua nước Thục từ xa nghe tin nước Nam không mấy khi dùng đến việc võ, nên muốn thống nhất dư đồ, nhưng sợ nước Nam có cây kiếm thần, nên còn do dự chưa quyết" (Ngọc phả). Nhưng rồi hai bên, Hùng Vương và Thục Vương cùng nhau giảng hòa định ước, hai nước cùng quan hệ đi lại với nhau, hòa thuận. Hùng Nghị Vương ở ngôi 160 năm.

Đời thứ 18: Hùng Tuyền Vương. Về vua Hùng thứ 18, sử sách của ta xưa nay ghi là Hùng Duệ Vương. Riêng Ngọc phả ghi là Hùng Tuyền Vương, ở đây chúng tôi vẫn gọi là Hùng Tuyền Vương để trung thành với Ngọc phả. Hùng Tuyền Vương không có con trai, chỉ sinh được hai con gái: Chị là Mỵ châu Tiên Dung và em là Mỵ nương Ngọc Hoa (Tiên Dung, Ngọc Hoa là tên riêng, Mỵ nương là từ Hán hóa, chính xác là Mệ nàng, tức con vua, tương đương như từ Công chúa sau này, còn từ Mỵ châu chúng tôi chưa đối chiếu được, nhưng là để chỉ con gái cả của vua).

Tiên Dung tính tình phóng khoáng, đi thuyền du ngoạn dọc sông Hồng rồi gặp và lấy Chử Đồng Tử. Còn Ngọc Hoa, vua cha muốn kén người rể tài giỏi để sau này truyền cho ngôi báu. Tuyền Vương mới lập lầu kén rể ở đầu núi Việt Trì, rồi truyền hịch đi bốn phương kêu gọi người tài về kinh ứng thí. Đấy là cơ hội để cho Sơn Tinh và Thủy Tinh gặp nhau đọ tài cao thấp. Cuối cùng, Sơn Tinh đem sính lễ đến trước được lấy Ngọc Hoa, Thủy Tinh đến sau, đành tức giận bỏ về.

Vua Hùng định nhường ngôi cho rể nhưng Sơn Tinh Tản Viên không nhận. Thục Vương nghe tin Hùng Tuyền Vương nhường ngôi cho Tản Viên mới đem quân sang đánh để xâm chiếm Văn Lang. "Tuyền Vương bỏ bễ, không chăm sửa sang võ bị, chỉ đam mê tửu sắc làm vui. Đến khi quân Thục kéo đến tận nơi, vẫn còn say khướt chưa tỉnh. Quân lính trở giáo đầu hàng quân Thục". Tuyền Vương sai người đưa thư cho triệu Tản Viên đem quân cứu viện. Tản Viên khuyên vua nên nhường ngôi cho Thục Vương, vì họ Hùng hưởng nước cũng đã dài lâu, khí số nay đã hết. Vả lại, Thục Vương vốn là bộ chủ Ai Lao, cũng là dòng phái của tiền hoàng đế, không nên cưỡng lại ý trời, làm hại sinh linh. Tuyền Vương cho là phải, bèn nhường ngôi cho Thục Vương.

Thục Vương được nhường ngôi, tưởng nhớ ơn đức trời biển của Tuyền Vương, bèn xa giá đến núi Nghĩa Lĩnh, cho dựng Dao Đài để làm nơi quốc gia phụng thờ, lại dựng hai cột đá trong núi, chỉ tay lên trời thề rằng: "Nguyện trời cao mây xám lồng lộng xét soi: Nước Nam trường tồn trường tại. Ngôi miếu Hùng Vương nơi đây nếu vua sau kế vị mà bội ước nhạt thề thì sẽ bị rìu trăng búa gió trừng phạt, không phụ lời thề của tiền nhân".  Hùng Tuyền Vương ở ngôi được 115 năm.

Đến đây là kết thúc 18 đời vua Hùng. Tuy nhiên, Ngọc phả còn chép thêm một đoạn dài về vua Thục, cho đến khi An Dương Vương bị Triệu Đà tiêu diệt. Điều đó chứng tỏ rằng, các nhà soạn Ngọc phả xưa coi An Dương Vương là một triều đại chính thống, tiếp nối các vua Hùng và coi thời đại Hùng Vương kéo dài đến hết đời vua An Dương Vương.

Ngọc phả Hùng Vương tuy không phải là lịch sử, nhưng qua đó chúng ta thấy hiện lên bóng dáng của lịch sử. Nó là một tài liệu quý cho các  nhà nghiên cứu, cũng như tất cả những ai quan tâm đến Thời đại Hùng Vương, một thời kỳ lịch sử còn quá nhiều bí ẩn của dân tộc ta.

(Nguồn: kienthuc.net) 

Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *