Từ đời vào văn

14/6
10:36 AM 2018

NHỮNG BỨC CHÂN DUNG GÂY SỬNG SỐT CỦA HỌA SĨ TUẤN DŨNG

Trần Thị Trường-Tôi mê hội họa, hồi 15 tuổi, không theo chỉ dẫn của gia đình chọn nghề, tự mình xin học ở trường Nghệ thuật Quần chúng do họ sĩ Phạm Việt Song kế thừa từ các lớp dạy vẽ trước đó. Lớp trước đó có nhiều “con nhà nòi” thoe học và hầu hết sau này đều là bậc “mét” trong làng hội họa theo con mắt của tôi. Họ học ghê lắm, lớp cũng rèn trò ghê lắm, các thày như: Trần Văn Cẩn, Trần Đông Lương… ảnh ưởng rất lớn đến họ.

                           Chân dung nhà văn Chu Lai của họa sĩ Tuấn Dũng

Chỉ riêng học cơ bản- vẽ anatomi- giải phẫu cơ thể ,đã phải học lên tới hàng trăm giờ. Nhưng rồi lớp đó không tồn tại, vì cuộc sống của đa số học sinh, diện “con nhà nòi” đều gặp khó khăn do thời thế chuyển đổi. Tan tác mỗi người mỗi nơi, nhưng niềm đam mê hội họa của họ thì vẫn còn nguyên. Tôi đi học, ban đầu hăng lắm, hoa chân múa tay như một nghệ sĩ lớn (càng ngu càng tưởng mình to mà), đọc hết sách này, sách khác, lý thuyết đầy đầu, nhưng khốn nỗi tài năng không có, càng học càng thấy không nên học nữa, cần phải chuyển nghề. Càng học càng thấy những người cùng học giỏi quá. (Dấu hiệu cho thấy tôi đã biết xấu hổ).

Cũng có chuyện buồn cười. Thời đó, xét tuyển vào đại học thì lý lịch cũng bị săm soi kỹ lưỡng. Có người chỉ dẫn cho tôi cách khai lý lịch sao cho lọt. Thế là, dù khả năng kém nhưng tôi đỗ, còn nhiều người trong số họ không dám đi thi, hoặc có thi cũng không đỗ. Nhưng dù sao thì cái thời của tôi, không ít vẫn còn tự trọng, nên biết mình biết người. Cuộc sống cũng thế,gì chứ hội họa chỉ cần liếc cái biết ngay, không lừa dối được, người ta (công sở, công ty, nhà hàng, khách sạn…)chỉ gọi những người thực tài đến ký hợp đồng( làm tranh, làm tượng…) chứ không muốn gọi kẻ đủ bằng cấp hay có thẻ đỏ mà không vẽ được gì.

Dông dài như thế để nói về họa sĩ Tuấn Dũng. Ông sinh năm 1942 Hà Nội. Ông không phải “con nhà nòi” nhưng giời cho ông tài hoa. Hồi ông chưa đầy 20 tuổi, ông cũng đến lớp, trước lớp tôi học. Các họa sĩ: Phạm Viết Song, Đình Minh… thấy ông có năng khiếu nên tận tình hướng dẫn, không nhận học phí.

Kể từ đó, họa sĩ Tuấn Dũng hiểu rằng nghề đã chọn mình, và mình có trách nhiệm với đam mê, ông lao động nghệ thuật như một nhu cầu tự thân, không thể khác.

Song, chiến tranh đòi hỏi mọi sức người. Cũng như hầu hết thanh niên cùng lứa tuổi, hs Tuấn Dũng cũng đi bộ đội, sau về làm báo rồi làm phóng vên mặt trận,chứng kiến sự khó khăn, gian khổ và bi tráng của các cuộc chiến tranh ( chống Mỹ cứu nước, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc…), sự khốc liệt bao nhiêu thì giấc mơ ngày hòa bình trở về với cái đẹp với sáng tạo càng thôi thúc bấy nhiêu. Ngày đó, màu dàu, hay màu nước, hay tole, hay khung tranh đều là thứ rất khan hiếm, nhiều thứ chỉ có trong những giấc mơ…

15 năm ở Báo Thiếu niên sau đó thêm 15 năm với Báo Giao thông vận tải, ông đã vẽ hàng ngàn bức tranh minh họa, tranh đề tài... lôi cuốn biết bao bạn đọc… Làm báo, dù ở vị trí nào thì cũng bận bịu, nhưng nếu sẵn một khát khao sáng tạo thì khó có thể cưỡng lại nhưng phút giây cảm hứng, tác phẩm thôi thúc được ra đời, và  họa sĩ Tuấn Dũng đã vẽ bất cứ lúc nào ông có thể. Hôm rồi, ông bảo với tôi, cuộc đời ông, đã xấp xỉ 80 năm, gian khổ đã từng, phú quý cũng đã có, ông chả thiếu gì, chỉ luôn thấy thiếu thời gian. Căn nhà khá rộng của ông ở gần Hồ Tây, treo nhiều những tác phẩm, khổ lớn, khổ nhỏ, màu nước, màu dầu, màu Acrelic, với đủ các đề tài: phong cảnh, đời sống, và chân dung. Đặc biệt là tranh chân dung. Không chủ trương tạo dựng một phong cách trường phái riêng, hội họa Tuấn Dũng không mạnh ở “ngôn ngữ” trường phái, phong cách mà chỉ là biểu cảm những điều ông thích, ông tâm đắc, cốt sao cái đẹp được xuất hiện một cách giản dị nhất, chiếm lĩnh được tình cảm của người thưởng ngoạn, để lại ấn tượng trong người đó và trong đời sống. Hầu hết những bức chân dung ông vẽ đều được chính nhân vật thích thú, có lẽ bởi ngòi bút của ông miêu tả sinh động thần thái của nhân vật ấy.

                                                Họa sĩ Tuấn Dũng

Không tính những bức nhỏ vẽ theo cảm hứng bởi văn học, bởi sự đặt hàng của tòa soạn, và bởi trách nhiệm của một người cầm cọ trong gần 40 năm làm báo, họa sĩ Tuấn Dũng đã có tớivài trăm bức trạnh từng bầy triển lãm 6 lần. Lượng người sưu tầm tranh Tuấn Dũng cũng khá đông, chính họ đã đem lại cho họa sĩ một sự cổ vũ, khích lệ đáng kể. Không chỉ mảng tranh chân dung, tranh phong cảnh của ông cũng có lượng khách sở hữu đáng kể.

Xem triển lãm, hay đến phòng tranh tại nhà riêng của ông tôi nhận thấy những bức chân dung: nhạc sĩ Văn Cao, nhà điêu khắc Dương Đăng Cẩn, nhà văn Chu Lai, họa sĩ Lê Trí Dũng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều… đều rất có hồn, miêu tả rất đạt cái thần thái của họ. Nhưng có vẻ như ấn tượng nhất là bức “Tự hoạ”, ông vẽ bản thân đang gồng mình vượt qua thử thách và bóng tối với nét vẽ và bố cục, và mầu đầy sức thuyết phục.

Không ít họa sĩ có tài nhưng chọn cuộc sống không đối thoại, không bán tranh, không vẽ nhiều và âm thầm sống cuộc đời đơn bạc, nhưng họa sĩ Tuấn Dũng thì khác. Ông có một “hậu phương” vững chắc. Hồi còn trẻ, vợ đi học đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì ông thay bà nuôi con. Bà là một trong những người phụ nữ thành đạt nhất Việt Nam. Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền. Bà được Viện hàn lâm khoa học Nga trao bằng Viện sỹ hàn lâm. Từng làm viện trưởng viện khoa học giá (Thuộc Ủy ban Vật giá- trước đây). Sau, bà làm ở Văn phòng Chủ tich nước, rồi tham gia ban nghiên cứu kinh tế cuả thủ tướng cùng với các tên tuổi như: Việt Phương, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan… . Bức chân dung vẽ vợ của họa sĩ Tuấn Dũng cũng là một bức rất đẹp. Con cái trưởng thành, nhưng họa sĩ Tuấn Dũng vẫn sống đời nghệ sĩ, nghĩa là vẫn say mê lao động. Vẽ cái này màu còn chưa khô, cảm hứng đến ông bỏ màu, bỏ tole ra vẽ cái khác.

 

Nếu kể Phó tổng biên tập là một chức vụ, thì ông cũng từng có chức vụ, nhưng ông không coi đó là lý do để lơi lỏng sáng tác. Là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Hà Nội. Cũng từng nhận các phần thưởng của Nhà nước như Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huy chương vì Sự nghiệp Báo chí; Huy chương vì Sự nghiệp thế hệ trẻ; Huy chương về Sự nghiệp Mỹ thuật Thủ đô; Huy chương vì Sự nghiệp ANTQ... nhưng với nghệ sĩ thì sáng tạo và tác phẩm mới là quan trọng.

 

Tôi gặp lại họa sĩ Tuấn Dũng sau nhiều năm bôn ba trong cuộc đời. Mặc cảm vì không theo đuổi cái nghề ban đầu, mà nhờ đó biết được các họa sĩ mà tôi rất thiện cảm, tôi tránh, chỉ “gặp” qua các tác phẩm được trưng bày triển lãm, hay được những nhà sưu tầm nhắc đến. Nhưng năm vừa rồi, bỗng có cơ quyên, tôi đã gặp lại hầu hết trong số họ, trong đó có họa sĩ Tuấn Dũng (Phạm Tuấn Dũng). Và thêm một lần, tôi thấy hội họa có sức lay động cực lớn trong đời sống, thêm một lần tôi được thấy những bức tranh đẹp. Viết về họa sĩ, có lẽ để các bức tranh cùng lên tiếng phải không bạn?

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *