Tin tức

8/4
10:18 PM 2017

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (8-4-2017)

Ngày Sách Việt Nam 2017 gắn với kỷ niệm 90 năm ra đời tác phẩm “Đường kách mệnh”

Từ ngày 6 đến ngày 10-4-2017, tại Công viên Thống Nhất-Hà Nội diễn ra Ngày sách Việt Nam lần thứ tư-2017 và Hội sách 2017 với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng”.

Năm nay, Ngày sách Việt Nam tiếp tục được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, gắn liền với kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927-2017) - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam.


“Đường kách mệnh” là tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp đào tạo cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong thời gian từ năm 1925 đến năm 1927. Tác phẩm “Đường kách mệnh” đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ trước, chỉ rõ con đường cách mạng đúng đắn của dân tộc, đồng thời là mốc son trong lịch sử hình thành và phát triển của sự nghiệp xuất bản cách mạng

Giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù 90 năm đã qua đi kể từ thời điểm cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên nhưng những nội dung, tư tưởng kết tinh trong đó vẫn vẹn nguyên giá trị. Đây là tài liệu tham khảo đặc biệt, tư tưởng lý luận để Đảng xây dựng đường lối cách mạng phù hợp với tình hình đất nước.
Bên cạnh đó, hội sách 2017 có quy mô khoảng 100 gian hàng với sự góp mặt của 80 NXB và đơn vị phát hành trong cả nước. Hội sách giới thiệu tới công chúng khoảng 40.000 tên sách với hàng vạn bản sách thuộc nhiều thể loại, chủ đề khác nhau như: chính trị, pháp luật, kinh tế, khoa học, Trong thời gian diễn ra hội sách (từ ngày 6-10/4), có khoảng 20 sự kiện giao lưu tác giả-bạn đọc, tọa đàm giới thiệu sách…

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam 2017, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định: “Đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn, tiếp nối truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã được kết tinh qua nhiều thế hệ. Việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam hàng năm nhằm góp phần xây dựng một xã hội học tập, nâng cao tri thức cộng đồng, hướng tới mục tiêu phát triển đất nuớc một cách toàn diện”.

(Theo: vietnamplus.vn)

Hòa nhạc giao hưởng đặc biệt tại Hà Nội

Chương trình hòa nhạc đặc biệt của các nghệ sỹ Việt Nam, Đức, Nhật Bản sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn vào tối 14-4-2017. Chương trình do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Viện Goethe Việt Nam và Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức để kỷ niệm chuỗi 100 chương trình hòa nhạc đặt vé trước của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam xây dựng, công diễn suốt 12 năm qua.

Nhạc trưởng Honna Tetsujin sẽ đảm nhiệm vai trò chỉ huy chính trong đêm diễn. Ngoài các nghệ sỹ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, góp mặt trong chương trình có nghệ sĩ khách mời người Nhật Bản, Maekawa Kosei (oboe) và 3 nghệ sĩ kèn người Đức, gồm: Premysl Vojta (horn), Michael Massong (trombone), Martin Griebl (trumpet) - những tài năng từng là khách mời của nhiều dàn nhạc giao hưởng lớn trên thế giới.

Mở đầu đêm nhạc là phần trình tấu nhạc phẩm “Tiếng vọng” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Tác phẩm gợi cho người nghe những suy nghĩ, hồi tưởng khi tâm hồn thực sự tĩnh lặng. Đây cũng là tác phẩm hướng con người về cõi tâm linh với lòng biết ơn vô hạn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc.

Đáng chú ý, trong đêm nhạc đặc biệt này, “Bản giao hưởng Leningrad” của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga, Dmitri Shostakovich, sẽ được trình tấu. Dmitri Shostakovich viết bản giao hưởng này trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Đó là vào năm 1941, thời gian đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc, thành phố Leningrad bị phát xít Đức bao vây. Dưới đạn bom của phát xít Đức, bản giao hưởng này được biểu diễn lần đầu ngay tại thành phố Leningrad vào ngày 9/8/1942… Tác phẩm gồm 4 chương, ban đầu được nhạc sĩ đặt tựa là “Chiến tranh”, “Những ký ức”, “Quê nhà mênh mang” và “Chiến thắng”.

Chương trình hòa nhạc đặt vé trước của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam là chuỗi chương trình hòa nhạc thường niên, bắt đầu từ năm 2005, mỗi năm gồm 10 chương trình. Trong đó, các nghệ sỹ giới thiệu đến công chúng yêu nhạc tác phẩm âm nhạc giao hưởng nổi tiếng của các nhà soạn nhạc Việt Nam và thế giới, với sự tham gia biểu diễn của nhạc trưởng, nghệ sĩ độc tấu, ca sĩ khách mời danh tiếng trong nước và quốc tế. Trải qua 12 năm, hòa nhạc đặt vé trước đã từng bước được củng cố và phát triển, trở thành thương hiệu riêng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, tạo dựng được hình ảnh đẹp trong lòng khán giả yêu nhạc.

(Theo: dangcongsan.vn)

Khai mạc Festival “Đờn ca tài tử Nam bộ - Báu vật đất phương Nam”

Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương 2017 đã chính thức khai mạc tối 8-4-2017, với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bảo tồn và phát triển”.

Tới dự có các đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư bTrung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch; các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương và tỉnh Bình Dương cùng lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố và sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ  21 tỉnh, thành phía Nam.

Đây là dịp tôn vinh các giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ; giới thiệu một cách cô đọng và dễ hiểu nhất về lịch sử hình thành và phát triển ĐCTT; giới thiệu truyền thống lịch sử và vẻ đẹp độc đáo của đất và người phương Nam nói chung, đất và người Bình Dương nói riêng; gợi mở một không gian văn hóa ĐCTT gắn bó với mảnh đất và con người Nam bộ. Festival cũng là dịp để tôn vinh, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nhằm bảo tồn, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ giai đoạn 2014-2020 của Bộ VHTTDL.

Xuyên suốt qua các hoạt động của Festival lần này góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đối với nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là dịp để tăng cường việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành trong khu vực Đông, Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Festival còn là hoạt động thiết thực hướng về kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam giải phóng và thống nhất đất nước (30/04/1975-30/04/2017).

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II- Bình Dương 2017 sẽ kết thúc vào ngày 12/4/2017.

(Theo: văn hien.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *