Tin tức

18/1
9:28 AM 2017

ĐÓN ĐỌC ẤN PHẨM ĐẶC BIỆT CỦA TẠP CHÍ NHÀ VĂN & TÁC PHẨM

Thể theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm quyết định xuất bản -Thơ Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm 2016-Chọn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) Nhân dịp Tết Kỷ Dậu 2017

Gồm 215 bài đã in trên 4 số dưới tên mục Chùm mỗi nhà thơ 5 bài đã trở thành một cấp độ giá trị thơ. BBT không dám nói tất cả những bài thơ hay nhất trong năm đã có mặt tại đây nhưng tin rằng chuyên mục đã làm tất cả để những bài thơ hay nhất của các nhà thơ do họ tự chọn đang ở trên tay bạn. Rất nhiều nhà thơ đã thốt lên, làm thơ cả năm, nhiều năm mà chọn được đủ 5 bài như yêu cầu của Tạp chí là một thách thức ngay cả với chính tác giả. Dù sao thì có một điều chắc chắn hơn: Hai trăm bài thơ hợp lại thành lẵng hoa Xuân thơm thảo, làm đẹp thêm cỗ Tết của các gia đình yêu thơ, lại như một cách tôn vinh Thơ của Tạp chí!

Trân trọng mời các nhà thơ, các bạn yêu thơ có nhu cầu mua

Thơ Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm

                Chọn

gửi email hoặc gọi điện về tòa soạn, chúng tôi xin gửi tập thơ đến tận nhà bạn nhịp bước cùng với Xuân Kỷ Dậu 2016.

Giá bán 100.000 đ.  Tòa soạn chịu cước phí chuyển phát

Địa chỉ: Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, số 65, Nguyễn Du, Hà Nội

              Số Tài khoản 102010001825358

              Số điện thoại 0439423111

              Email nhavanvatacpham@gmail.com 

Ghi chú:

Với 43 nhà thơ có thơ in trong tập, Tạp chí sẽ gửi sách biếu đến nhà nhưng nhuận bút, coi như các bạn đã nhận qua từng số. Ai có nhu cầu cần mua thêm làm quà tặng người thân, xin đặt như mọi người

                                                 TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI

                                                       Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm

                                                                          TỰA

 

Khi việc xuất bản tập thơ này được loan báo, có mấy người bạn chia sẻ: Thời buổi kinh tế khó khăn, ngược chiều với nó là các tập thơ được tới tấp in ra. In dăm ba trăm bản, một nghìn bản rồi lụi cụi đem đi tặng, đi biếu mãi chả hết. Vậy thì in ra làm gì?

Giật mình nhớ lại: Năm 1983, tôi vào Hiệu sách Nhân dân Hàng Đậu ở đầu phố Quán Thánh. Chỉ cuốn “Sân ga chiều em đi” của Xuân Quỳnh nằm ở tầng trên cùng của giá sách, nói cho tôi xem. Cô hàng sách nói, xem làm gì anh, thơ ấy mà.

“Thơ ấy mà.”

Thì ra, thấy tên sách mùi mẫn, lại mỏng, đã nhiều người hỏi mua nhưng vì là thơ nên thôi. Cô hàng sách hẳn đã bị gửi trả lại nhiều lần, đã mất công bắc ghế lấy xuống, lại mất công trèo lên ghế cất vào chỗ cũ; ngại, nên nói trước đó là thơ để khỏi bị làm phiền.

Cho nên nói người Việt yêu trọng thơ thì vừa đúng lại vừa chả đúng. Hình như ai cũng có thể làm thơ, lại làm thơ nhiều, in ra nhiều thì tạo nên cảm giác làm thơ dễ; dễ và nhiều thì bị rẻ rúng. Không oan.

Oan là oan cho thơ hay.

Thơ là chứng chỉ văn hóa cho một người, một dân tộc. Giàu có vinh quang dễ mấy ai bằng Đường Minh hoàng; lại có một trong tứ đại mỹ nhân là Dương Quý Phi để miệt mài truy hoan; ấy vậy mà phải nuôi Lý Bạch bằng mức lương đại phu để ông này chuyên ăn rồi làm thơ, để không bị mang tiếng là xôi thịt, là tục nhân. Hoàng đế của Đế quốc La Mã là Nero cũng đứng chơ vơ trên đỉnh quyền lực mà thèm khát nàng Ligia – công chúa con tin của bộ tộc Ligia dưới tay y, còn nàng kiều diễm thánh thiện trở thành ẩn dụ của Kito hữu, của Thơ thì lại yêu chàng Marcus Vinicius. Nero hỏi viên quan cận thần kiêm thầy dạy kỹ thuật làm thơ Petronius bằng cách nào để có một bài thơ tuyệt bích và để có được nàng Ligia? Petroniux đã xui Nero đốt cháy kinh thành La Mã để tạo cảm hứng kỳ vỹ, y đốt thật và sự nghiệp hiển hách của y cùng bị thiêu rụi trong ngọn lửa khát vọng. Tôi vừa tóm tắt tiểu thuyết “Quo Vadis” của Henryk Sienkiewicz. Tên sách có nghĩa (Phêrô hỏi Chúa) Ngài đi đâu? Chúa trả lời, vì ngươi bỏ mặc dân La Mã dưới tay bạo chúa Nero nên ta phải quay lại đó mà chịu đóng đinh câu rút một lần nữa. Nhưng tôi thì trộm nghĩ, Henryk Sienkiewicz nói về bi kịch của kẻ bất tài mà lại muốn có thơ hay và về thơ nói chung. Ligia kiều diễm thánh thiện mảnh mai còn lại sau những bạo tàn trở thành một bài thơ vĩnh hằng!  

Vậy, nếu có thơ hay thì phải in ra chứ, sao lại không?

Chỉ có tiền mới chữa được lạm phát tiền, chữa lạm phát thơ thì cũng chỉ còn có cách lấy thơ hay mà chữa. Chẳng lẽ các nhà thơ lại cam chịu và yên tâm sống giữa một cộng đồng chỉ nhiều xôi thịt, nhiều nhà đúc và già trẻ gái trai lớn bé cứ cắm cúi vào Smartphone với Ipad?

Vả lại, đến anh chị em nhà thơ chúng ta mà không quý trọng thơ thì còn biết trông cậy vào ai để thơ được quý trọng nữa?

 

 

 

Không có thơ? Chế Lan Viên từng viết:

Không có Du, thế kỷ này đành tay không

Mà Du cũng tay không, nếu không có mưa ấy, sông này, trăng kia, cỏ nọ…

Du phải cám ơn Đời và ta phải cám ơn Du

Chúng tôi đồng quan điểm với ông Chế, bậc tiền bối đã làm “Tác phẩm Mới”số 1 – tiền thân của Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm. Từng số, chúng tôi chọn chừng 10 nhà thơ, mỗi nhà 5 bài dưới chuyên mục “Chùm mỗi nhà thơ 5 bài.”  Có nhà thơ gửi email: “Lúc đầu hỏi sao cứ phải 5 mà không người 10, người chỉ 1? Sau thấy Tạp chí có lý. Làm cả năm, đôi khi mấy năm mà để chọn được 5 bài ‘đọc được’ đã thấy khó, thật khó.” Vâng, chạy 100 m về nhất là quý, chạy 1000 m mà vô địch còn quý hơn nữa. Âu là mỗi chúng ta cần đặt ra cái khó để mình tự vượt mình. Đem cái rướn tới của mình ra đua với thiên hạ đã khó, huống chi còn dễ dãi, buông thả?

Anh chị em chúng tôi luôn dặn nhau cần khiêm nhường, cổ nhân dạy “thiên hạ nhân thiên hạ tài” nhưng bạn đọc và đồng nghiệp thấy Tạp chí làm nghiêm cẩn, có gọi điện hay gửi email động viên. Có nhà thơ nổi tiếng ở miền Trung bảo, mỗi lần Tạp chí đến đều mở xem ngay, run run nghĩ đến chùm thơ mình gửi lâu lắm rồi đã được in chưa?Lại một nhà thơ nổi tiếng ngoài Quảng Ninh sau khi gửi một chùm thơ dịch ra nước ngoài theo yêu cầu của tòa soạn, hôm sau còn gửi tiếp một chùm nữa, nói là “cứ xếp hàng chờ đến lượt, bao lâu không quan trọng, quan trọng là thấy các chú đối xử với thơ cẩn thận trọng thị, muốn thơ mình hiện trên Tạp chí, mà gửi.” Vâng, mỗi người chăm chút một tý, rướn lên một tý thì thơ – như được tôn nền, nhất định sẽ đi đến chỗ cao ráo sáng sủa.

Chúng tôi không dám nói 215 bài thơ có trong tập này đều là thơ hay. Mỗi người đọc thấy cái hay dở của thơ mỗi khác. Nhà thơ Thạch Quỳ từ xứ nói trạng xuất thân, có lần nhận xét về thơ: “Nhiều anh tài thật. Mình mất mấy ngày cố làm một bài thơ dở, rút cục, vẫn hay. Vậy mà có anh làm thơ dở được cả đời, tài thật!”Nói đến thế mà rồi cả đời ông, chỉ được vài bài hay, có bài hay khiến ông suýt mang vạ. Đủ thấy làm được thơ hay là khó. Làm ra nàng Ligia là khó. Em Thúy của cụ Trần Văn Cẩn khi vẽ xong, có thể ví với thơ; sau khi tốn mấy trăm ngàn USD phục chế, đã biến mắt Thúy thành ra sắc sảo trí tuệ, vậy là thơ bỏ em đi mất.

 Nhưng chắc chắn đây là những bài hay nhất mấy năm qua 43 nhà thơ hiện diện. Đã hơn 80 tuổi, cả đời Lương Vĩnh long đong lận đận, chỉ thờ thơ như thờ một tôn giáo, chỉ đến khi ông mang cây đào thế vận vào thế đi thế sống trong đời mình thì bật nở thành thơ. Câu cuối khổ trích buông như một vẻ xoa tay bằng lòng:

Đào thế uốn đau cả chân tay mình mẩy

Hoa cười bảo duỗi ra

Đâu biết duỗi ra đau hơn uốn

Gượng cười để xuân tươi

Một thế đào đi mấy lẽ đời.

Nhà văn Đỗ Chu vào tuổi 70 thì hình như ngộ ra rằng thơ mới là chỗ nên để tâm lúc đã “chén rượu gạn đáy vò”; ông hay ghé qua Tạp chí, qua thì hoặc nói về thế sự, hoặc bảo tôi chữa chữ này chữ nọ trong các bài thơ của mình. Bài “Người đi chẳng nói” ông viết về Quang Dũng. Viết về Quang Dũng thì dễ đến hàng trăm, riêng Đỗ Chu một kiểu; đây là chỗ ông viết về “Tây tiến”:

“hơn hết thảy mọi thứ trầm hương

đượm cháy đỉnh đồng vạc đá”

Đây là chỗ ông viết về con người làm ra “Tây tiến”:

“Đói nghèo gặm tả tơi đời tráng sĩ

bệnh tình truy kích tuổi già

…đến lúc khò khè không thở nổi

rũ áo cúi chào kiếp nạn mà đi”

Nhà thơ Bình Nguyên Trang còn trẻ nhưng lại có chiêm nghiệm thật mới về nỗi buồn. Nói như nhà thơ Hữu Ứớc, “Chén rượu tràn ly/ Buồn vui đều cũ.” Nhưng cái nhúc nhích của thơ nằm ở chỗ nhận ra tính nhân bản của buồn – hạt nhân của thơ:

 

 

 

“chúng ta hai nửa nỗi buồn

như con chim rúc mỏ vào vết thương ngày bạt gió

cần nhau…”

Vẫn còn nhiều lời, nhưng biết làm sao, cái điệu hồn Xuân Trường đã thế, nhưng thơ ở nhà thơ này thật thắm thiết:

“Hội An của ta đang già cho đất nước trẻ ra …

   Em có về Hội An nhớ ghé thăm tuổi thơ ta, qua những hương          

                                                                 vị cao lầu và mùi thơm mỳ Quảng

   Đã  theo gánh hàng rong Chùa Cầu … bay dọc mấy trăm năm…”

Còn thơ ở Văn Trọng Hùng lại cao ngạo, như một tuyên ngôn nhân cách kẻ sĩ. Ông viết về hậu vụ án Lệ Chi viên:

“Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách

Về khuya mưa như trút nước

Lê Lợi đến thăm

Nguyễn Trãi đã đi nằm!”

Nhưng thơ ở Nguyễn Việt Bắc thì mộc mạc một vẻ đẹp rất khó cắt nghĩa:

“Làng tôi

Đàn ông ít hát

Đàn bà ít mộng mơ

Tôi đốc chứng làm thơ

 

Mùi bồ kết

thơm từng sợi tóc

Mùi đàn ông

nũng nịu

đàn bà.”

Làm sao có thể cắt nghĩa nổi mùi đàn ông nũng nịu đàn bà?

Ấy cũng là chỗ khó nói hết về cái hay của những bài thơ hiện đang nằm dưới mắt bạn. Nó vào lòng bạn được đến đâu, có thêm hương vị Tết cho bạn được ít hay nhiều xin tùy thuộc vào bạn. Còn chúng tôi, khi chăm sóc cho tập thơ này chào đời, chúng tôi chân thành cung kính như sắp lễ đón chào vận hội mới của năm Kỷ Dậu.

Và của Thơ!

Một ngày cuối năm 2016- VĂN CHINH- Kính cẩn đề tựa

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *