Tìm tòi thể nghiệm

10/3
9:32 AM 2018

PHONG TỤC - THẾ SỰ VÀ ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM

Nguyên An-Nhà tiểu thuyết khi viết về thực tạo có hay có dở, có tốt có xấu lẫn lộn đan cài, có chuyển hóa theo các chiều kích khác nhau, mặc nhiên, đã làm một cuộc đối thoại với đời, với người đọc. Họ - các tiểu thuyết gia đương đại(ở Việt Nam) đã muốn nói: Chúng tôi đương viết về hiện thực bây giờ ngổn ngang thế đấy, thế mới đúng, mới phải.

Tóm tắt ý kiến trình bày tại Tọa đàm về tiểu thuyết Việt Nam đương đại vào dịp Ngày thơ Việt Nam - Nguyên tiêu năm Mậu Tuất - cuối tháng 2.2018

I. Dẫn nhập

1.Phong tục(PT ), Thế sự(TS ), Đối thoại(ĐT ) là các yếu tố vốn có trong tiểu thuyết Việt Nam(TTVN ) ngay từ buổi đầu. Sang thời đương đại( khoảng 30 năm gần đây, nhất là vài chục năm đầu của thế kỉ XXI) thì đã có sự đổi mới - phát triển phong phú, mạnh mẽ.

2 Phong tục - Thế sự - Đối thoại vừa là:

a.Nội dung của tiểu thuyết như là chính cái làm nên tiểu thuyết.

b. PT - TS và ĐT có sự giao thoa, tiếp biến, chuyển hóa với nhau. Có khi chúng chập vào nhau khó tách rời, nhiều khi trong cái này(yếu tố này ) đã thấy có cái kia( yếu tố kia)…

c. Tìm hiểu lịch trình phát triển của tiểu thuyết Việt Nam ngót 100 năm nay, và nhất là khoảng 30 năm gần đây, có thể thấy là PT - TS và ĐT không chỉ là nội dung của TTVN, mà chúng còn là phương thức, là nghệ thuật, là ngón nghề, là kĩ thuật viết/dựng TTVN của các tác giả.

3. Người ta đã và còn có thể khảo sát PT - TS và ĐT trong TTVN từ nhiều xuất phát điểm, với các góc nhìn và cách thức khác nhau. Tham gia vào việc này, chúng tôi xin bắt đầu từ xuất phát điểm chính, là nhân vật trung tâm của TTVN và cảm hứng sáng tạo của các nhà tiểu thuyết.

II. Một số ý kiến cụ thể

1. Thật là thú vị khi nhớ lại cách đây ngót 20 năm, khi chuẩn bị bước và thế kỉ XXI, các nhà nghiên cứu(như Bùi Việt Thắng ) và các nhà sáng tác(như Chu Lai ) đã từ thực tế của mình, mà đã đưa ra các dự đoán về tiểu thuyết Việt Nam thời sau.

Là dự đoán, nên có ý thật đúng, có ý đúng vừa vừa.

Các cách dự đoán ấy, trải qua thực tiễn, đã cho thấy: Nếu chúng được xuất phát từ những trải nghiệm và nghiền ngẫm kĩ lưỡng, khách quan mà chủ quan(cố nhiên ), thì đã tỏ ra đúng đắn( có giá trị tiên đoán) hơn. Đồng thời, chúng cũng được “lắng nghe” và trình ra từ sự kiểm nghiệm của cảm hứng sáng tạo cá nhân và cả những thao tác có vẻ như thật “lạnh lùng”, khách quan của khoa nghiên cứu về quá trình sáng tạo của nhà tiểu thuyết, thì quả thật, chúng đã cấp cho người đọc, người quan sát - nghiên cứu những dữ liệu quý, những gợi dẫn hay.

Chúng tôi đang đi theo những dữ liệu này.

2. Vào thời đương đại, TTVN được tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, sôi nổi hơn. Sự mạnh mẽ và sôi nổi này được nhận ra từ một số biểu hiện như:

a. Số lượng tác phẩm và số lượng người viết TTVN; số lượng lời bàn về TTVN đương đại… là: đã rất nhiều hơn so với các chặng đường trước đó.

b. Đặc biệt, cảm hứng và mục đích, ý tưởng và tư tưởng chủ đề của các nhà sáng tác TTVN cũng thật phong phú hơn trước thật nhiều.

c. Và theo đó, làm nhân vật trung tâm của TTVN đương đại cũng đã rất đa dạng về tính cách và quá trình.

3. Khi viết với/ tài cảm hứng khẳng định và ngợi ca những nét tốt đẹp vốn có trong cuộc đời(mà có lúc ta ngỡ như đã quên đi), cũng là lúc nhân vật của tiểu thuyết thường được dựng lên, được tô dắp tô điển những tố chất phi thường. Họ có thể là anh hùng, cũng có lúc là người bình dị thôi, thậm chí là người rất tốt mà cũng có nét mờ nhòe của cái chưa tốt, nhưng vẫn là người phi thường(không chịu tầm thường ) bởi đang gắng gỏi vươn lên. Những lúc đó, các yếu tố phong tục đã xuất hiện thật nhiều trong tiểu thuyết. Và thông thường, đó là những PT đẹp, vẻ đẹp tự nhiên đượm chất thuần hậu của thơ ngợi, phong phú và tâm tính của mỗi vùng miền mà vẫn gợi nhắc đến các ý nhân chi sơ vốn bản thiện; người và phong tục là hoa của đất trời kết lại.

Ở các tiểu thuyết có cảm hứng này, nhân vật này, yếu tố thế sự chỉ thấp thoáng, yếu tố đối thoại cũng vậy. Là thấp thoáng, có vẻ mờ(như cảnh phụ, nhân vật phụ trong kịch hay phim ), nhưng qua tay tiểu thuyết lành nghề, thì nó vẫn nói được với bạn đọc được đôi điều sâu xa mà nhẹ nhàng rút ra từ quy luật sinh tồn.

Đọc tiểu thuyết của Ma Văn Kháng mấy chục năm trước hay cuốn Ký ức gã ăn mày gần đây của Tôn Ái Nhân ta sẽ thấy như vậy. Phong tục(tập quán ) trong tiểu thuyết của họ chính là bầu không khí, là bối cảnh, và cũng là một dạng/ kiểu nhân vật có giá trị giải thích phẩm chất, tính cách của nhân vật trung tâm, nhân vật tư tưởng của tác phẩm.

4. Ở thời đương đại, nhà văn thường gửi gắm nhiều ý tưởng trong một tiểu thuyết, trong một nhân vật trung tâm. Hình tượng các nhân vật này là con đẻ của đời sống xã hội vốn cũng đã phức tạp hơn - nhất là ở thị thành. Với thời này, yếu tố PT thường có nhiều ở các trang tiểu thuyết viết về nông thôn hơn, như các tiểu thuyết của Văn Lừng(Vỡ làng, Mạch làng), của Nguyễn Trọng Tân(Thư về quá khứ)… Đó là các cuộc lễ hội, đó là các cuộc họp làng, họp họ; các tập tục giỗ chạp, cưới xin…

Sự “sống lại” của các PT này trong tiểu thuyết, bên cạnh phần cổ xưa làm rưng rưng người đọc, thì đã thấm đượm chất thế sự của đời sống bây giờ qua các cảnh chào hỏi, trò chuyện, qua cái nhìn chăm chú hay cái đánh mắt của nhân vật. Ai đi xa ai mới về, ai đã khuất, ai giàu lên ai xơ xác đi… trong buổi hội làng, trong ngày tôn vinh, kỉ niệm… Sự pha trộn đến mức khó mà chia cắt cho ngọn ngành đau là PT đâu là TS trong tiểu thuyết, qua dàn nhân vật có chính - phụ, có trung tâm và phụ trợ như là không thể, như là chả nên nữa. Trong sự hòa nhập PT và TS này, đã xuất hiện dần hơn yếu tố đối thoại.

Nhà tiểu thuyết khi viết về thực tạo có hay có dở, có tốt có xấu lẫn lộn đan cài, có chuyển hóa theo các chiều kích khác nhau, mặc nhiên, đã làm một cuộc đối thoại với đời, với người đọc. Họ - các tiểu thuyết gia đương đại(ở Việt Nam) đã muốn nói: Chúng tôi đương viết về hiện thực bây giờ ngổn ngang thế đấy, thế mới đúng, mới phải.

5. Cảm hứng đối thoại rất tự nhiên(như cuộc đời này ) đã dần dần lớn lên, mạnh mẽ hơn, nó trở thành một tư tưởng nghệ thuật, một nội dung chủ yếu, bao trùm, nhất là ở các tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Nếu như Ma Văn Kháng chủ trương một dòng văn xuôi(tiểu thuyết)đối thoại thế sự, rồi Đàm Ngọc Hà(với tiểu thuyết Thầy Đàn) cũng mạnh dạn bước theo Ma Văn Kháng như thế mà đã ngả sang ĐT thế sự quả quyết hơn với bút pháp hoạt.. trào lộng, thì Nguyễn Bắc Sơn, với một loạt cuốn tiểu thuyết ra đời trong khoảng mươi năm đàu thế kỉ XXI này đã cho thấy: quả thực, ở Việt Nam bây giờ đang có một dòng tiểu thuyết đối thoại với xã hội, và đặc biệt, là đối thoại với nền chính trị hiện hành.

Với Nguyễn Bắc Sơn, cuộc ĐT chính trị trong tiểu thuyết được trình ra thật trực diện mà khéo léo, có lí và có tình. Cái tình và cái lí ơ đay cùng được ấp ủ và thể hiện trong mục đích xây dựng. Dựng cảnh, viết truyện… với ông, là đối thoại với xã hội, với mọi công dân và những nhà hoạch định chính sách, điều hành bộ máy, thực thi tổ chức - pháp luật… để làm cho cuộc đời này thịnh vượng hơn, đâu ra đấy hơn. Đọc dòng tiểu thuyết ĐT chính trị này, ta nhận ra khá rõ cái khát vọng muốn có một nền chính trị hiền minh, một hệ thống pháp luật thật sự nhân bản, nhân quyền có sự tham gia của đội ngũ công chức tận tụy, am hiểu.

Kh viết theo hướng ĐT này, rất nhiều trang và đoạn trong tiểu thuyết Việt Nam ngày nay, đã có sự đan xen, cùng đồng hiện của yếu tố thế sự; chất phong tục như có mờ nhòe đi. Đó là một đặc điểm, một phẩm tính nổi trội của tiểu thuyết Việt Nam bây giờ.

Đối thoại trong TTVN đương đại không chỉ ở nội dung tư tưởng, mà cố nhiên, còn được chuẩn bị và diễn trình ra ở tay nghề của tác giả. Trong tiểu thuyết cua Nguyễn Bắc Sơn chẳng hạn, đã có rất nhiều trang của lối viết kí sự, phóng sự, của lối dựng kịch bản sân khấu hoặc biên bản một cuộc họp được đưa vào tác phẩm rất hợp. Chúng như là một mảng mánh nghệ thuật đặc hiệu cho cuộc ĐT mà tác giả chú ý thể hiện.

Qua các tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, sự đối thoại không còn là một yếu tố, mà đã trở thành một cảm hứng, một mục đích lớn của tác giả. Và vì thế, toàn bộ tiểu thuyết ĐT của ông dường như chỉ tập trung vào các việc là trình thuật lại cuộc đời hiện hữu có các chặng đường, các mảng sáng và tối khác nhau, và đồng thời, là phân tích và bình luận về các cảnh đời của xã hội, rồi từ đó, đưa ra một số cảnh báo về nguy cơ, dự báo về chiều hướng phát triển của các nét, các vấn đề trong tình hình xã hội đương đại. Cách dựng tiểu thuyết thế này nếu đọc qua, đọc lướt tác phẩm, ta như thấy chưa có gì mới lắm. Nhưng nếu làm một phép so sánh, sẽ thấy là nhà văn đã dựng lên được một số nhân vật có tính chất “đặc sản” của tiểu thuyết đối thoại Nguyễn Bắc Sơn, đó là các nhân vật Cụ, nhân vật Bí thư quận, Tổng bí thư Đảng, ông Tuyên giáo… và nhất là nhân vật trí thức/ sống bình dân bình thường bề ngoài có khi là mạo hiểm… nhưng bên trong thơ đầy hiểu biết về thế sự và luôn sục sôi ý định cải cách, đổi mới mà không ngại va chạm như Gã Tép Riu. Dàn nhân vật đã làm cho chất ĐT chính trị trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn trở nên sôi nổi và động đến nhiều vấn đề trong xã hội ngày nay. Lối viết mạnh dạn này nếu gặp phải người đọc chỉ “đọc để lấy chuyện”, sẽ dễ sa đà vào một số đoạn sex của hai vợ chồng hay hai người yêu nhau hoặc hai kẻ ngoại tình… Nhưng ngay ở một số đoạn như thế, nhà văn cũng gài vào những đối thoại khiến ta giật mình, cũng cấy vào tâm tí người đọccái ý: ngoại tình không chỉ do nông nổi, lẳng lơ…, mà nhiều khi, còn do bất đồng về quan điểm tư tưởng, cái bất đồng ấy khốn thay, lại được hậu thuẫn của một quan điểm tiến thân ở một bộ phận quan chức hư hỏng.

III. Tạm kết

Đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam là một xu thế hiện hữu. Có thể so sánh về liều lượng và cách thức viết PT, TS hay ĐT trong tiểu thuyết để thấy được vốn liếng và công phu của nhà văn. Nhưng bảo ai tài hơn ai khi viết về PT, TS hay ĐT thì quả là không dễ, vì ở đây, hình như có vấn đề chuyên nghiệp thì phải. Đó cũng là câu chuyện về cái “tạng” của mỗi nhà văn vẫn khác nhau.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *