Tìm tòi thể nghiệm

7/4
8:20 AM 2017

GIÓ VEN SÔNG- TRUYỆN NGẮN ĐINH NGỌC LÂM

Sau một tháng có con dâu, bà Mão sót rèo rẹo bởi thằng con trai mảnh mai của bà có vẻ sọm đi nhiều. Ngày xưa bố nó cũng còm như nó, bà nâng như nâng trứng, thế mà ông đã bỏ mẹ con bà đi sớm. Doãn sáng nào cũng trật ngày mới dậy, Thắm thì dậy từ lúc sáu giờ, sắp xong quầy hàng, lệnh cho mẹ chồng trông hàng rồi ngúng nguẩy dắt xe máy rồ ga đi đến trễ trưa mới về.

 Mấy lần bà Mão định cạnh khoé, nhưng cứ chuẩn bị mở miệng là bị chặn: “Kìa mẹ, sao cứ nhìn con như người ngoài hành tinh thế. Mẹ trông hàng, con đi tìm mối. Mặc nhà con nghỉ lấy vài tháng nữa, bảo anh ấy đừng tiếc mấy đồng lương ghẻ làm gì”. Tiếng là bạo mồm bạo miệng thế mà bữa nay bị con dâu áp vía, chẹn họng, bà muốn nôn cái cục nghèn nghẹn trong cổ họng mà không sao ụa ra được.

 

Thắm thuộc hàng “chân dài”, ba vòng như nặn, đôi mắt hoang dại, hút hồn đàn ông. Ngày được đưa xuống cái thị xã dưới xuôi này Thắm mới mười sáu tuổi, lôi thôi lếch thếch, ở với người chị họ, cả tháng trời ăn không ngồi rồi. Mọi sự va đập hàng ngày làm Thắm rối tung cả đầu, dần dà “miễn dịch”, nhìn cái gì cũng tưng tửng. Lần đầu đi ra đường phố, dưới ánh điện chói loà, cô tự tin đi về phía bờ sông, vượt qua những ngôi nhà khấp khểnh rời rạc, qua bãi cỏ rồi lên mặt đê. Những cơn gió kéo theo hơi lạnh dưới sông trườn lên mặt đê, quấn lấy nhau rồi oà vào phố. Thị xã ven sông đang như gái dậy thì, oằn oại, xộc xệch. Thắm bước đi trên mặt đê, vừa đi vừa hình dung con đường phía trước. Trực giác cắt ngang dòng suy tưởng, những đôi trai gái ôm chặt lấy nhau, thì thầm, rên rỉ, chùn chụt những nụ hôn vào môi vào mặt nhau, vội vã như sợ bị đánh cắp. Trên thảm cỏ gà một đôi trai gái nằm ôm nhau lật xấp lật ngửa… tả tơi. Lần đầu tiên cảnh tượng ấy đập vào mắt, lùi xuống chân đê, gió ven sông đã dịu mà người Thắm cứ run lên bần bật, tê dại, ngồi bệt xuống vạt cỏ, cô giật mình hoảng hốt như ngồi vào một bãi nước nhầy nhầy, bật dậy chạy về nhà, đũng quần ướt sũng. Cả đêm hôm đó Thắm nằm ngửa ôm chiếc gối trên bụng, bất động nhìn lên trần nhà… Sau này nhớ lại chuyện ấy Thắm cười thầm: “Muỗi!”.

Anh rể họ của Thắm là một “cò” lớn. Nhìn “cò” đã nể, lại là cò dự án, nên lão quan hệ với toàn những nhân vật to vật vã. Ai lão cũng bảo là bạn, nhưng họ thì đều gọi lão là “đệ”. Lão bảo với vợ: “Đây chỉ làm đệ duy nhất cho… Tiền. Chỉ có tiền mới là huynh, là sư phụ, thậm chí là đại sư phụ. Với lại được tiền thì làm đệ thằng chó nào mà chẳng được”. Sau một năm “huấn luyện”, mười bảy tuổi Thắm được làm thư ký cho anh rể. Cứ diện, cứ phới phới trên ô tô, cứ được rót vào tai những lời khen ngợi, chiếc điện thoại đắt tiền lúc nào cũng nóng ran… Thắm bước vào đời như thần thoại, lần đầu với một người đàn ông trong khách sạn sang trọng, cô không cảm thấy sợ hãi, chỉ hơi choáng ngợp, sau đó cô thả mình nhẹ tênh trong trạng thái vô thức, đối lập với những phút giây hoảng loạn ngoài bờ sông. Thắm trở thành một nhân vật nổi trên cả lão anh rể. Họ thiện chí với lão chẳng qua là bị cái “trời cho” của cô em vợ làm mềm lòng, quáng mắt. Thế mà lắm lúc lão cũng ấm ức, xót xa: “Mỡ kề mồm mèo mà chịu để kẻ khác nẫng tay trên”. Cùng tâm địa đàn ông, nhưng phận lão thấp hèn, lão tự an ủi: “Mất cái này… Tao được cái khác!”. Dù gì thì lão vẫn ấm ức, cái ấm ức chứa đựng sự ghen tuông. Cả thị xã biết tiếng Thắm, các nhà hàng, các quán cà phê đơ mắt mỗi khi Thắm xuất hiện, lão anh rể và khách đi cùng tỏ ra hãnh diện. Thắm đã nhận thấy một điều: “Mình là vật trang sức cho bọn họ, ngược lại bọn họ lại là giá đỡ cho mình bước lên. Ấy là cái nhẽ có đi có lại ở đời”. Mới vào cuộc mấy năm mà Thắm đã thấy hên: “Nhọc nhằn gì đâu, đàn bà con gái cứ khư khư giữ gìn để làm gì cơ chứ? Đằng đếch nào chả phải cho, với lại cho thằng nào mà chẳng được. Miễn là đừng cho không!”. Cái lập luận Thắm tự rút ra sau những lần ân ái với những gã đàn ông “hiện đại”, từ những đồng tiền thu được nhờ “lộc giời”. Thắm bắt đầu coi thường anh rể, mấy lần lão tỏ vẻ đau khổ, Thắm thương hại, xong chuyện thì lão lại ra vẻ cao đạo: “Thắm thông cảm cho anh. Anh có lỗi với em, với chị. Cho anh xin lỗi!”. Thắm nhìn lão thảm hại, chẳng còn mẽ đàn ông tí nào.

Bà chị họ bấy lâu nay nhìn Thắm với ánh mắt xét nét, nghi ngờ, đến bây giờ thì đã tỏ thái độ coi Thắm như tình địch. Một buổi chiều, Thắm vừa bước vào nhà, bà chị họ sấn lại nắm tóc cô day đi day lại rồi ghì sát xuống đất:

- Con đĩ kia, mày cướp chồng tao, bòn rút của chồng tao… Khổ rồi, tao nuôi ong tay áo. Chẳng còn chị em đ… gì với mày nữa. - Mụ thở dồn - Xéo, xéo khỏi nhà tao mau. Đồ đĩ rạc. Đồ vô ơn bạc nghĩa… - Mụ như điên dại đẩy Thắm ra cửa. Vẻ mặt kênh kiệu đàn chị hàng ngày biến mất, chỉ còn là một mụ đàn bà tồi tệ, thảm hại. Hồi còn trẻ mụ đã cắm đầy sừng vào đầu chồng, trên mặt mụ còn mang vết sẹo do bị kẻ khác đánh ghen. Bây giờ đến lượt mụ dồn hết uất hận vào cô em họ. Lão anh rể như phỗng đất trên bậc cầu thang nhìn xuống, bất lực.

Thắm ôm đồ đi về phía bờ sông. Ở ven sông đầy gió, Thắm muốn tan vào gió, tan vào dòng sông. Cô đã kịp dừng lại đúng lúc tia nắng cuối cùng chạy trốn, những cơn gió vô tư chập chừng dưới chân đê. Lặng lẽ quay nhìn về góc phố, ánh đèn rõ dần khi bóng chiều nhập nhoạng. Nơi ấy là những nhà hàng, quán xá, lẩn trong ấy là một nhà nghỉ có tên Hoa Hồng, cho dù thế nào thì lúc này đối với Thắm cũng là chốn bình yên. Từng dòng địa chỉ lướt trên màn hình điện thoại, không dừng lại ở địa chỉ nào… Có chuông báo, dòng địa chỉ quen thuộc nhấp nháy, Thắm do dự giây lát, bấm phím từ chối rồi lệnh “xoá” như vĩnh biệt một con người.

*

Trả khách xong, Doãn phóng xe như bay vào bệnh viện. Ông Dụ teo tóp trên tấm ga trắng toát, bác sĩ thông báo ông cần được chạy thận nhân tạo đã mấy tuần nay mà Doãn chưa dám trả lời. Doãn ào đến nắm tay cha, nước mắt giàn giụa, bóng người cha loà nhoà như sắp tan thành màu trắng. Ông Dụ thều thào: “Con cho cha về. Về thôi con ạ. - Bàn tay lạnh toát cứ nắm chặt lấy bàn tay của Doãn như sợ thằng con trai biến mất - Con ơi, cha mãn nguyện lắm rồi. Cha muốn về ngôi nhà của mình con ạ!”. Đêm hôm đó Doãn cõng cha trên lưng chạy ra đường, gọi xe ôm, ngồi kẹp phía sau đưa cha về. Ông Dụ biết con trai mình đã chính xác! Thời gian đang hối hả, mọi cảm giác trong ông đang hụt hẫng, hai mạch nước tứa ra đầy ậng hai hốc mắt chảy tràn xuống mặt, rồi xuống miệng… Ông muốn gọi con trai hãy nhanh đưa ông về kẻo muộn, ông sợ không kịp nhìn người vợ mà suốt đời ông đắm đuối. Doãn không ngờ rằng trên đường về nhà, người cha tội nghiệp đã lặng lẽ bay về thế giới bên kia.

Những ngày ông Dụ nằm viện Doãn vẫn chạy xe ôm. Đã lâu, buổi chiều người ta không thấy Doãn trên sân thể thao, một tay vợt cầu lông tài năng đầy triển vọng. Hết giờ là Doãn chạy qua nhà, rồi vào bệnh viện thay cho mẹ, bên cha được vài tiếng, tám giờ tối Doãn trùm kín người, đội mũ xe máy, kéo kính che mặt rồi ra điểm đón khách. Tối hôm đó Doãn chở một cô gái, điểm đến là nhà nghỉ Hoa Hồng, Doãn im lặng để mặc cô gái vòng tay ôm ngang lưng:

- Anh ơi, em muốn biết tên anh được không? - Một thoáng im lặng, cô lại gặng hỏi - Được không hả anh?

- Để làm gì?

- Em muốn làm khách quen của anh.

- Ngại quá. Chẳng biết có được không! - Doãn thành thật.

- Có gì đâu anh. Tiện cho em, mà anh thì có khách. Em trả gấp đôi.

- Thôi được!

- Vậy cho em số điện thoại.

- 016…444 anh tên là “Doanh”. Doanh xe ôm!

- Thế anh ở đâu? - Cô gái mạnh dạn.

- Em biết để làm gì? Đừng hỏi nữa được không?

Doãn dừng lại dưới một bóng cây, cô gái trả tiền rồi vội vã đi vào nhà nghỉ:

- Xong việc em gọi chở em về.

Doãn vòng xe ra bờ sông. Ở đây lạ lắm, ban ngày thì vắng tanh, dòng sông uể oải, phù sa luyễnh loãng, lở bồi vô duyên, ban đêm thì oằn oại trở mình, miên man gió… Người ta thích ra bờ sông vào buổi đêm, thả xuống dòng nước bao nhọc nhằn vất vả, hoà tan mọi tủi nhục  xót xa vào khoảng không vô tận… rồi đón vào lòng những ngọn gió trời. Doãn hít một hơi căng đầy lồng ngực, không dám đi tiếp, cậu biết rằng sẽ không chịu nổi cái cảm giác khi nhìn thấy những cảnh làm tình hoang dã, trần trụi, phô tục giữa đất trời. Cố nhiên là nó mãnh liệt, hết mình, nó được màn đêm bao bọc, nó bốc cháy hồn nhiên không mưu toan giả dối… Trong người Doãn đến độ căng tức, nghẹt thở, cậu hít sâu rồi vòng xe trở lại nhà nghỉ Hoa Hồng. Doãn thấy mình như chiếc săm xe vừa xì hơi, bùng nhùng khó tả.

*

Ít bữa sau, chiếc xe ôm lại đón cô gái. Doãn nhận thấy ánh mắt cô hôm nay nồng nàn, không trang điểm, quần jeans, áo thun… Cả hai tay cô ôm vòng thắt lưng, bộ ngực căng đầy áp chặt sau lưng Doãn. Chưa bao giờ Doãn nhận được cảm giác từ đàn bà như thế. Một phút im lặng, cô gái lên tiếng:

- Anh! Em tên là Thắm. Còn anh, em biết tên anh là Doãn, sao anh lại dối em?

Doãn giật mình, im lặng. Làm sao Doãn hiểu được cô. Ai ngờ Thắm lại biết được đời tư của Doãn. Cậu không hay biết có lần đưa Thắm về, vừa xuống xe là Thắm lên ngay một xe ôm khác bám theo xe Doãn vào bệnh viện, đứng ngoài hành lang Thắm đã chứng kiến cảnh tượng Doãn và người cha bệnh tật. Cô biết Doãn đang là cán bộ của một cơ quan quan trọng, ba đời nhà cô cũng chẳng dám mơ. Thế mà ban đêm Doãn phải cải trang để chạy xe ôm, đã bao ngày cô không sao hiểu nổi cái sự đời thật trớ trêu. Rồi cô hình dung: Một nửa của cô cộng với một nửa của Doãn có thể trở nên một sự hoàn hảo chăng. Doãn sẽ là điểm tựa cho cô… và cô sẽ làm nên tương lai của Doãn… Mải nghĩ hai người đã đến cái bóng cây cạnh nhà nghỉ Hoa Hồng. Thắm thì thầm:

- Hôm nay em là của anh! - Cô nhìn Doãn chân thật.

- Anh không thể… Em vào đi. - Doãn run bắn, chưa bao giờ cậu run như thế.

- Vào đây anh, đừng để bọn họ coi thường em. - Thắm dắt chiếc xe vào sân rồi kéo tay Doãn bước qua mặt đám bảo vệ hất hàm - Bố trí cho em phòng VIP!

Doãn không thể hình dung cuộc tình lại diễn ra nhanh đến thế, cậu chỉ biết phục tùng, phục tùng vô điều kiện. Thân thể Doãn như điện giật, đê mê, rồi lơ lửng. Chưa bao giờ Doãn được nhìn một thân hình trần trụi của phụ nữ, Thắm hừng hực, nõn nà, cô ghì chặt lấy Doãn, cả bộ ngực áp vào mặt khiến Doãn ngạt thở. Doãn đã kịp xua tan những u uẩn trong đầu, mọi hoài nghi tan biến. Cậu bắt đầu làm chủ cuộc tình, cho đến khi luồng sinh khí từ Doãn phóng ra, bắt gặp cơn rùng mình quằn quại của Thắm thì Doãn bị bốc cháy… Doãn rã rời, uể oải dắt xe, Thắm tự tin mãn nguyện, không buồn chán như những lần cho “xong chuyện”.

Đưa Thắm về, Doãn hối hả vào thẳng bệnh viện. Không ngờ rằng cái đêm cậu có được cuộc tình giông tố đầu tiên thì ông Dụ ra đi, nếu nghiệm theo “Càn khôn lý số” thì hai dòng sinh tử khắc nhau. Doãn đau đớn, nhục nhã và bất lực để cha mình phải ra đi chỉ vì không có tiền. Vì sao chứ? Ra trường, cầm tấm bằng đại học loại giỏi đi hàng chục cơ quan mà vẫn không xin nổi việc, đủ mọi cách từ chối, nơi nào nhẹ nhàng thì cho một câu: “Hết biên chế, có nguyện vọng thì cậu cứ để hồ sơ lại…”. Bà Mão đã gõ cửa tất cả những người có máu mặt, họ là những người ông bà đã từng quen biết năm xưa, nhưng đều thất vọng. Thế mới biết được cái khó ở đời! Cho đến một ngày cậu em họ mách nước, bà Mão thương con đồng ý vay nặng lãi nhờ cậu em xoay xoả. Lần này thì Doãn đã gặp may, cậu được vào một cơ quan quan trọng hàng đầu trong số các cơ quan nhà nước. Sau bốn năm làm việc tích cực mà lương của Doãn cũng chỉ có một bậc, không đủ tiền trả lãi vay nợ, nhiều lần định bỏ, nhưng đi đâu bây giờ. Thế là Doãn làm thêm nghề xe ôm, ban đêm đón khách ở bến xe, bến tàu, rồi cậu nhận thấy cạnh các khu nhà trọ bao giờ cũng sẵn khách, sinh viên đi làm thêm… Thôi thì đủ chuyện. Kệ đời, hơi đâu mà để ý!

Giỗ đầu ông Dụ xong, Thắm xuất hiện ở nhà bà Mão, cô tự giới thiệu là “bạn gái” của Doãn. Bà Mão sững sờ, từ trước đến nay thằng Doãn đã có bạn gái đến chơi nhà bao giờ đâu, ông bà có gợi ý thì nó cười: “Thời nay, nghèo như nhà mình thì ai lấy con!”. Mỗi lần như thế ông bà đau xót lắm, hai thân già mong manh, ông trong ngành văn hoá vì bất bình mà nghỉ việc, bà ở đoàn nghệ thuật về mất sức, thời trước mà ông bà cũng chỉ dám đẻ có một thằng Doãn. Bà Mão nhìn Thắm chẳng mấy thiện cảm, nhưng lại thầm hy vọng cầu may, đứa con gái sắc sảo kia nhờ giời biết đâu lại hợp với thằng Doãn! Bà lại sợ, thằng Doãn thật thà, hiền lành, chả biết có làm chủ gia đình được không, hay là có ngày để con dâu đẩy bà ra khỏi cửa. Bà đã từng làm chủ cái nhà này, cả như ông Dụ thì đến chỗ chui ra chui vào cũng chẳng có, bà thương ông hiền lành, lúc nào cũng đắm đuối. Bà biết rõ lẽ tình “cả mái hại trống” nên bà nâng ông như “nâng trứng”, thế mà ông vẫn cứ bấy như cua lột.

Đám cưới Doãn và Thắm được tiến hành. Một đám cưới lạ, lèo tèo. Họ hàng nội ngoại nhà trai chẳng có mặt, bạn bè thì lẻ tẻ. Nhà gái ngồi miễn cưỡng, anh chủ cho thuê bàn ghế, phông rạp vô tư vào đề, loa đài khuấy động… rồi kết thúc. Sau đám cưới bà Mão trả hết nợ, ấy là tiền của con dâu chứ tiền mừng chửa chắc đã đủ thuê bàn ghế, phông rạp. Doãn uể xanh rớt rồi ốm cả tuần. Thắm nhanh chóng mở một quán hàng tại nhà, bày biện chủ yếu là rượu cần từ vùng rừng cất về. Thắm nói với mẹ chồng:

- Mẹ nghe con, không thì nhà mình nghèo đến chết. Cứ trông hàng cho con, không bán được thì để đấy, sẽ có người đến khuân hết, miễn là có tiền. - Thắm cứ tưng tửng không hề để ý đến thái độ mẹ chồng.

Bà Mão tiếng là hoạt ngôn mà chịu cứng họng. Bà thương thằng Doãn, mới lấy vợ đã bị xỏ mũi, con vợ nó nói những câu trơn tuột:

- Anh Doãn mà chịu nghe con thì sang năm con bỏ tiền làm nhà. Mẹ bảo anh ấy bỏ việc cơ quan về làm ăn. Tiếc gì!     

Mới đấy mà đã một năm. Thắm tuyên bố với mẹ chồng:

- Con đã xem ngày, tuần sau dỡ nhà, con sẽ xây hai tầng.

Sáu tháng sau, giữa con phố tuyềnh toàng mọc lên ngôi nhà hai tầng lạ mắt. Hàng phố xì xèo đủ chuyện. Giữa đêm khuya người ta vẫn nghe tiếng dập cánh cửa xe ô tô. Cô Thắm đi về, xe đưa xe đón, đi đâu, làm gì ai mà biết, chắc chắn rằng cô đi làm ăn, mà phải làm ăn lớn mới nhiều tiền đến thế. Từ khi lấy vợ, Doãn thôi xe ôm, bữa nay cưỡi con xe máy SH bảnh choẹ, bà Mão ngày nào cũng đi chợ mua thức ăn tươi. Mọi sự lạ ở nhà bà Mão cũng đã trở thành bình thường. Trai lơ kẻ chợ nhìn Thắm nhỏ nước rãi, muốn chòng ghẹo ỡm ờ nhưng vẫn ớn cái mác cán bộ của Doãn. Đã ối khách đến mua hàng, nhưng chỉ mua khi Thắm ở nhà, bán được hàng mà bà Mão cứ nôn nao khó chịu, ngày nào con dâu ở nhà là bà cảm thấy trong người nẫu nẫu như chừng sắp có bão.

Đã ba năm mà vợ chồng Doãn chưa có con, đi kiểm tra thì các “chiến binh” của chồng bị cụt đuôi, vợ thì uống nhiều thuốc tránh thai bây giờ bị loạn kinh… Còn nhiều thứ lắm. Thắm dốc tiền ra chữa bệnh cho hai vợ chồng, năm sau thì Thắm mang bầu, bà Mão mừng lắm. Doãn ngầm đi kiểm tra lại, kết quả vẫn như trước, nhục nhã và uất ức. Đêm ấy Thắm vừa quàng tay lên người Doãn thì cậu bật dậy:

- Này, cô đừng động đến tôi được không!

- Kìa, anh điên à. - Ôm ghì lấy cổ Doãn, Thắm hôn lia lịa vào mặt, vào cổ chồng - Em vun vén cho anh, cho nhà anh mà anh nỡ…

Doãn như bị giội nước lạnh, tiu nghỉu, một lúc lâu mới xoay người lại:

- Liệu có phải con tôi thật không?

- Ối giời đất ơi! - Hai chân Thắm giãy đành đạch, hai tay cấu vào mặt, vào ngực chồng - Khổ thân tôi chưa, anh nghi ngờ tôi thì thà anh giết tôi đi…

Doãn bật dậy ra nhà ngoài châm thuốc hút, rồi ngồi như phỗng cho tới sáng. Thắm dậy sớm đòi Doãn chở đi ăn sáng. Đôi vợ chồng trẻ lại “phong độ”.                   

Thắm đẻ con gái, giống mẹ như đúc. Thế là ông trời đã chiều lòng cô, nhưng khi hai tuổi thì tóc con bé lại xoăn tít. Mà thôi, chuyện đã yên. Doãn quyết tâm chạy chữa, cuối năm ấy Thắm lại mang thai. Một đêm sau khi ái ân, Thắm đùa:

- Lần này còn nghi ngờ nữa không đấy. Hả anh nỡm… Chồng em? - Thắm đang hưng phấn đến đỉnh.

- Chưa chắc! - Doãn cũng đùa lại.

Nào ngờ như mũi kim chích vào quả bóng đang căng, thế là nổ tung:

- Thôi nhá! Lần này thì tôi không để anh yên. Anh là thằng cán bộ mà hèn, anh chấp chiếm hẹp hòi, tôi tối mặt tối mũi mà anh chẳng thương, thì ra anh vẫn cho tôi là loài rác rưởi phải không? - Cô gào lên - Tôi mang cả thân xác ra để tô vẽ vào cái mặt anh, vào cái gia đình này. Làm thằng cán bộ như anh chẳng xứng đáng tí nào. Đã bao nhiêu lần tôi bảo anh rũ bỏ mà về, thôi thì ở đời biết kiếm đồng tiền mà sống còn hơn làm loại cán bộ vô dụng như anh.

Doãn bật dậy, một cái tát làm Thắm loạng choạng, máu mũi tứa ra. Thế là như bát nước đã hắt xuống nền nhà. Thắm lao vào Doãn cào cấu cắn xé, một nhát cắn trượt mũi cắm phập vào má Doãn, máu chảy ròng ròng. Bà Mão hoảng sợ hất đứa cháu vào giường rồi chạy ra đường:

- Ối bà con ơi. Cứu tôi với, chúng nó giết chết nhau rồi. - Bà ngã bệt xuống hè.

Hàng phố ùa sang thì thấy Doãn đang ôm mặt đứng tựa lưng vào cửa, Thắm ôm bụng chạy ra đường, miệng vẫn gào lên:

- Đồ khốn nạn. Hôm nay bà phải bêu cái mặt mày cho cả phố này biết, rồi bà sẽ bêu cho cả bàn dân thiên hạ này biết mày là thằng khốn nạn. Đêm nào mày chả rúc đầu vào … bà, mà mày còn đổ cho bà ngủ với thằng nào? Xem cái mặt cán bộ của mày còn dám vác đi đâu…

Đến nước này thì ai mà chịu được nữa, mọi người lặng lẽ tản về, ông giáo hé cửa nhìn sang vội ập cửa, những ngôi nhà khác cũng vội đóng cửa, tắt đèn. Người đàn bà trẻ lăng loàn vẫn gào thét:

- … Ngày mai bà đi nạo cho tiệt giống nhà mày. Đồ ăn bám đàn bà… Đồ ăn… ăn…! - Tiếng gào thét đuối dần, chìm vào đêm vắng.

Sáng sớm hôm sau nhìn vào ngôi nhà lạ mắt, vẫn thấy Thắm ráo hoảnh nhìn ra đường. Cô đang sửa soạn ra đi. Một ngày mới, biết bao điều chẳng ai có thể lường trước. Từ hôm ấy không còn thấy đôi vợ chồng “phong độ” đèo nhau đi cà phê sáng nữa. Bà Mão suốt ngày ở trong nhà, Doãn lại chạy xe ôm vào ban đêm. Thắm trở về nhà sau khi đã làm xong cái việc đau đớn đối với thân xác đàn bà, đã hạ “tiệt giống” nhà chồng. Chẳng ai nói với ai, ngôi nhà tẻ nhạt. Thắm mang đứa con gái tóc xoăn về quê rồi trở lại thị xã. Bà Mão nhìn Thắm như con hủi:

- Tôi tưởng chị đi luôn, tôi đã mừng. Không có chị thì mẹ con tôi vẫn sống đấy thôi… Mà chị nên đi khỏi cái nhà này thì tốt hơn. - Bà vừa nói vừa phẩy tay.

Ba máu sáu cơn lại nổi lên. Thắm nhíu mày, quắc mắt:

- Ô hay nhỉ. Bà đuổi con? - Thắm rít lên - Con chẳng đuổi bà với thằng chồng khốn nạn của con ra khỏi cửa thì thôi chứ sao bà lại đuổi con? - Vượt thoát sự kìm nén, Thắm chống nạnh vào háng nhìn bà Mão - Thú thực nhá, tôi cũng chẳng muốn nhìn bản mặt các người nữa. Trước mắt tạm để thân xác các người được yên! - Nói rồi Thắm vơ vội mấy thứ bước ra khỏi nhà.

Tết đến cơ quan nhộn nhịp, người ta hăm hở lo Tết. Nào là tiền lương, phân chia tiêu chuẩn, nào là đón khách, phân công nhau đi chúc Tết. Phòng thủ trưởng lúc nào cũng tấp nập kẻ ra người vào, nét mặt chủ khách tươi như hoa. Doãn nóng lòng chờ trận cầu chiều nay với vai trò “Chiển chiêu” cho sếp. Những tràng vỗ tay tán thưởng ba trận thắng đậm, kết thúc Doãn được sếp gọi lên phòng uống bia. Mọi người về hết, Doãn vòng lên phòng sếp, tiếng nước đang xối mạnh trong nhà tắm, nhanh như máy tất cả những phong bì chúc Tết trong chiếc ngăn kéo đặc biệt của sếp chui vào chiếc áo thùng thình được bỏ trong quần của Doãn. “Sếp ăn quá nhiều rồi. Lộc trời hôm nay… Em xin!”. Doãn không ngờ rằng phòng thủ trưởng được đặt “mắt thần”. Hôm sau Doãn bị gọi lên, vị thủ trưởng ôn tồn:

- Tớ biết cậu là người tốt, rất tốt là đằng khác. Nhưng thôi đã trót rồi thì một mình tớ với cậu, cậu hãy thành thật, rồi sau này tớ sẽ giúp đỡ cậu những chuyện còn lớn hơn rất nhiều. - Ông dừng lại vẻ dò xét… rồi ông lên giọng - Bằng không tớ buộc lòng phải cho công an làm việc với cậu. Cậu hiểu không?

- Dạ… em không hiểu ạ!

- Thế thì cậu hãy nhìn xem cái gì đây. 

Màn hình được bật lên. Doãn giật mình quỳ vội xuống nền nhà:

- Dạ! Em xin sếp… Nhưng em xin sếp cho em một lối thoát.

- Thôi được. Cậu là người thông minh. Tớ mong là Camera của tớ sẽ quay được hình ảnh ngược lại với hình ảnh này. - Vị thủ trưởng nhếch mép - Cậu hiểu chứ?

- Dạ thưa, em hiểu. Tạ ơn sếp!

Chiều tối hôm sau, vị thủ trưởng có mặt đúng lúc, chặn Doãn ngay ở cửa, kéo Doãn trở lại phòng. Màn hình lại được bật lên, hình ảnh rõ mồn một khi Doãn đặt một mớ phong bao xanh đỏ trắng vàng dày cộp vào ngăn kéo. Vị thủ trưởng cười vang:

- Cậu quả là thông minh và biết điều.

- Dạ! Xin sếp xoá tội chết cho em ạ.

Vị thủ trưởng lại cười vang:

- Cậu quá hiểu luật chơi. - Ông bật lệnh xoá cả hai đoạn băng, rồi lại cười vang - Cậu đã gây ấn tượng với tớ rồi đấy. Thôi về đi!

Doãn ba chân bốn cẳng chạy thục mạng xuống cầu thang, cậu lẩm bẩm: “Thế là nhẹ nợ”. Trên đường về Doãn mỉm cười chua chát, vừa hình dung ra cái bộ dạng thẫn thờ của sếp khi mở từng cái phong bì, bên trong chỉ toàn giấy lộn. Doãn biết thừa lão chẳng dám công khai chuyện này, lão mà làm to chuyện thì hậu quả nặng nề sẽ thuộc về lão, phận tốt đen như Doãn thì đến mất việc là cùng. Lão lừa Doãn nhưng làm sao lừa nổi, bọn lão chỉ giỏi mẹo vặt chứ tài cán thì có cái mẹ gì. Tết năm ấy là cái tết cuối cùng ở cơ quan, cái nơi tưởng là quan trọng, hoá ra đối với Doãn bây giờ cũng chẳng ra gì.

*

Có tiền, Bỗng dưng Doãn lại thấy thương Thắm. Thế mới biết kiếm được tiền phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, tiền là máu thịt của con người. Nhưng sao lại phải đổi cả nhân phẩm? Bất luận là “tiền”, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Phải chăng Doãn và Thắm đã vượt ra khỏi giới hạn của luật đời. Tại sao? Tại sao có học vấn như Doãn mà nên nông nỗi này? Nhẽ ra phải kéo Thắm thoát khỏi cơn mê lú, nhẽ ra Doãn phải nghĩ được làm cái gì cho ra tiền, thật nhiều những đồng tiền chính đáng và có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay. Tại sao lại cứ nhất thiết phải xin việc ở những nơi có quyền lực, cái nơi mà mọi người đang nhảy bổ vào đua tranh, bất chấp… Cái nơi mà nhẽ ra phải được tuyển chọn đúng nghĩa? Có muộn không khi Thắm quay về? Doãn muốn thực sự là người chồng, người anh, người bạn chung thuỷ suốt đời của Thắm. Người ta thực hiện những dự án lớn lao thì Doãn sẽ thực hiện một dự án cho chính bản thân mình, điều đó đối với Thắm sẽ còn là điều cực kỳ hệ trọng. Trước hết Doãn tự lột xác, tẩy rửa tâm hồn để đủ sức vượt qua rào cản cuộc đời. Suy nghĩ của một kẻ vừa đào ngũ khỏi cơ quan có phải là giáo điều chăng? Trong hoàn cảnh này mà còn giáo điều thì dễ dẫn đến sự thảm hại, có thể là dẫn đến cái chết!

Đêm nay Doãn lại quả quyết tới nhà nghỉ Hoa Hồng, lại đứng dưới bóng cây, lại kiên nhẫn chờ đợi. Một bóng người đi ra, mặc dù trùm kín mặt, song Doãn vẫn nhận ra, không lẫn vào đâu được:

- Thắm. Thắm ơi… Anh đây! - Tiếng gọi thảng thốt từ sâu thẳm trái tim Doãn.

Thắm cũng đã kịp nhận ra Doãn. Cô hốt hoảng chạy về phía bờ sông, tuột xuống chân đê, mặt sông đầy gió, những cơn gió ào ạt hất tung mái tóc của Thắm. Doãn đã kịp lao xuống sát mép nước, nắm vội vạt áo của Thắm, hai người ngã xuống vạt cỏ gà. Thắm khóc tức tưởi trong tiếng thở gấp, Doãn chưa kịp nói gì. Họ ôm ghì lấy nhau… Gió vẫn ào ạt thổi, những cơn gió ngược lên mặt đê, quấn lấy nhau rồi ùa về phố.

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *