Thời sự văn học nghệ thuật

9/9
7:58 AM 2017

Ở CUỐI CON ĐƯỜNG MÙA HOA VẪN ĐỎ

ĐINH KHÔI VIỆT-Tác giả của Thời hoa đỏ nổi tiếng - nhà thơ Thanh Tùng đang lâm bệnh nặng, phải thở oxy, từ bệnh viện đã chuyển về nhà. NVTPHCM đăng lại bài viết của Đinh Khôi Việt từ những năm trước như lời cầu phúc tốt lành cho sức khoẻ đang cạn kiệt của nhà thơ Thanh Tùng …

                                                        Nhà thơ Thanh Tùng

Ở tuổi thất thập cổ lai hi, gia tài của Thanh Tùng vẫn chỉ có những bài thơ tình say đắm. Thơ đã đem lại danh tiếng cho ông đồng thời vì nó ông đã phải chịu một cuộc đời nghèo túng, nhiều bất hạnh. Kỳ lạ thay, con người ấy vẫn nguyện sống trung thực với thơ.

 

Người thơ phong vận như thơ vậy. Hình như điều ấy không đúng lắm với trường hợp của Thanh Tùng. Thơ tình Thanh Tùng hào hoa, say đắm là thế mà cuộc đời ông thì lắm trắc trở, truân chuyên. Nhưng có một điều ai cũng nhận thấy: thời gian không thể làm nguội lạnh ngọn lửa yêu người, yêu đời nơi thi sĩ. Bảy lăm năm cuộc đời nén chặt những buồn vui, những bài thơ tình và những câu chuyện tưởng như giai thoại.

 

Sinh tôi ra đã có Hải Phòng

 

Thanh Tùng sinh năm 1935 tại Nam Định nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với thành phố Hải Phòng. Hoàn cảnh lịch sử thời ấy đã đưa biết bao con người tứ xứ tụ hội về thành phố biển. Đó là mảnh đất phát sáng những tài năng - nhân cách lớn như Văn Cao, Nguyên Hồng và lứa sau này là Đào Cảng, Thanh Tùng, Thi Hoàng. Có thể gọi họ là những người hùng sinh ra từ biển và làm rạng danh cho thành phố biển.

 

Ông đến với thơ như một cái duyên mà cũng là nhu cầu nội tại. Thơ là tiếng lòng - những vần thơ đến với Thanh Tùng một cách tự nhiên, trở thành tuyến đầu trong dòng văn học công nhân đất Cảng thập kỷ 70 với những thi liệu độc đáo "tiếng búa khắc vào hồn phố" (Thanh Tùng), "tiếng ve kim loại" (Thi Hoàng)...

 

Mấy ai biết thi sĩ trẻ đã làm thơ bằng ... những viên phấn màu. Thanh Tùng dùng những viên phấn viết các ký hiệu lên tấm tôn rồi học thuộc. Ông giải thích thời đó đang là công nhân đóng tàu, công việc thì nặng nhọc mà đôi lúc loé lên ý tưởng là "tốc ký" ngay trên sản phẩm.

 

Có lẽ điều ấy đã tác động đến phong cách sáng tác của ông sau này. Thanh Tùng nổi tiếng là người có thể làm thơ một hơi và không cần chỉnh sửa. Bài thơ "Thời hoa đỏ" cũng ra đời như vậy, trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè. Sau đó nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thấy bài thơ hay nên mang về xuất bản trên báo Văn nghệ Quân đội.

 

Hải Phòng để lại những kỉ niệm ngọt bùi cay đắng với bạn văn cực khổ. Nơi ấy có căn nhà nhỏ để bạn bè tụ tập. Nơi ấy vừa là nguồn cảm hứng vừa là nơi cưu mang những con người trót mê thơ, bị thơ ca "đoạ đầy" nhưng luôn tràn đầy nhiệt huyết.

 

Hải Phòng đã cho ông những kỉ niệm tình yêu không thể quên với cô hoa khôi đất Cảng một thưở. Tên chị là Thanh Nhàn - đã từng có hai đời chồng nhưng vẫn còn xuân sắc. Lấy nhau, Thanh Tùng và chị được hưởng những ngày hạnh phúc ngắn ngủi. Hai người đã có với nhau hai con và giờ đây đều trưởng thành, tự lo được cuộc sống.

 

Nhiều ý kiến cho rằng chị chính là nguyên mẫu trong bài thơ "Thời hoa đỏ". Xung quanh câu chuyện này cũng có nhiều dị bản. Chính thi sĩ cũng có những cách trả lời khác nhau. Nhưng để viết được những dòng thơ đầy tiếc nuối mà cũng đầy cao thượng.

 

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say

 

Chắc hẳn người con gái phải để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm thi sĩ. Ông không tiếc nuối cho mối tình đã qua mà chỉ tiếc cho những lỡ dở của người tình trên con đường đi tìm hạnh phúc.

 

Bởi thế, khi phải xa rời mảnh đất chôn rau con người rắn rỏi ấy bỗng trở nên mềm yếu: Mai tôi đi rồi/ Tôi có khóc đâu mà gió ướt/ Mà nắng rát nên tôi mặn chát/ Mai tôi đi rồi/ Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố...

 

Thi sĩ phiêu bạt

 

Thanh Tùng kể rằng, thuở nhỏ ông bị nhốt trong nhà không được đi chơi phố nên chỉ biết ngắm nhìn những cánh buồm qua song cửa sắt. Vậy nên mới có câu thơ:

 

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

 

Nhưng đấy chỉ là một cách "biện minh" cho khao khát thèm đi của thi sĩ. Ông là gió, tâm hồn rộng mở như ngọn gió tự do, ùa đến với bạn bè như gió lốc và mãi là một cơn gió lang thang trên những chặng hành trình của cuộc đời.

 

Cuộc đời gắn bó với Hải Phòng nhưng cũng có những lúc ông chấp nhận áp tải những chuyến hàng liên tỉnh. Thanh Tùng gọi đó là những ngày tháng lang bạt, kiếm sống qua ngày. Từ những chuyến đi ấy, ông có thêm một tình yêu mãnh liệt dành cho Hà Nội.

 

Bởi thế ông mới viết: "Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng kịp nhận ra từng con phố" hay "Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác/ Tôi lại về đánh cắp/ Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên".

 

Và cũng chỉ có Thanh Tùng mới cảm nhận thế này về mùa thu Hà Nội: "Em đạp lên tất cả/ Rồi ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu/ Rồi hôn lên anh theo cách hôn dài của gió/ Thấm vào anh, vật vã trên anh/ Bứt xuống trong anh bừa bãi lá vàng".

 

Thanh Tùng làm nhiều thơ về Hà Nội, trong đó có hai bài "Hà Nội" và "Em và Mùa thu" đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Đấy có thể coi là cái duyên giữa nhạc và thơ kể từ sau "Thời hoa đỏ".

 

Khi đã sống ở phương Nam, ông có dịp đi nhiều nơi. Khi thì là Nha Trang, lúc lại là Đà Lạt, Huế. Chính mảnh đất phương Nam nắng gió đã để lại cho ông câu thơ thật đẹp "Gió tự do thổi rộng mặt hè".

 

Có lần ông trở thành nhân vật chính trong một buổi trình diễn thử nghiệm thơ - nhạc. Chẳng biết buổi biểu diễn có khuấy động phong trào văn nghệ thành phố hay không, chỉ biết rằng liền sau đó Thanh Tùng có một sinh nhật do bạn bè yêu thơ tổ chức. Đó cũng là sinh nhật đầu tiên của cuộc đời ông.

 

Và Thanh Tùng cũng từng có dịp... xuất ngoại. Đó là năm 1997, ông được Hội nhà văn cử sang Hy Lạp đọc thơ. Nếu nói vui thì Nam Bắc Đông Tây ông đều đã đi cả !

 

Ngoài tài thơ, Thanh Tùng còn có biệt tài đi bộ. Thanh Tùng từng kể rằng ông có thể cuốc bộ từ Hải Phòng về Vĩnh Bảo (khoảng cách gần 30km) chỉ để nói mấy câu với người yêu. Thời còn làm áp tải, ông đã từng đi từ Đức Giang về Hà Nội để uống với bạn ly cà phê nóng. Đến tận bây giờ, ông vẫn là một "đại kiện tướng" đi bộ. Những lần ra Hà Nội ông vẫn đi bộ đến thăm các bạn thơ một cách "ngon lành".

 

Những ai quen biết Thanh Tùng đều hiểu ông có thể ghé thăm bất cứ lúc nào mà không hẹn trước. Nhưng có ai nỡ trách ông. Sự nổi tiếng của thi sĩ đã cho ông nhiều bè bạn. "Quà" của ông chỉ có thơ và những câu chuyện vui buồn trong cuộc đời phiêu bạt.

 

Thanh Tùng có một vốn sống dày dặn. Nếu định tìm hiểu về giới văn nghệ sĩ Hải Phòng thế hệ trước, bạn cứ tìm đến Thanh Tùng. Ông là cuốn biên niên sống động về đời sống công nhân. Có khi bạn lại thu lượm được khối câu chuyện hay - tiền đề của một cuốn truyện, kịch bản tương lai.

 

Khi tranh luận về thơ Thanh Tùng như "cá gặp nước". Ông không có nhiều lý luận mà chủ yếu dựa vào trực giác của một nhà thơ và vốn sống. Tất cả đều được ông nói với niềm trân trọng như một đức tin, rút ruột mà nói.

 

Đây là quan niệm của ông về mối quan hệ giữa thi sĩ với thơ ca: "Đã là nhà thơ thì thất sự phải sống chết vì thơ. Hãy tự xem mình có thuộc về thơ không, có dám hy sinh cho thơ không vì vẻ đẹp của thơ rất khắc nghiệt, Đi theo thơ là đi theo mơ mộng, những phiêu lãng " cơm áo không đùa với khách thơ". Làm thơ là phải chịu sự thiệt thòi ghê gớm. Làm thơ mà chạy theo đồng tiền là phản thơ, mất uy tín với thơ ca. Yêu thơ thì thơ quyến luyến, như được " Nàng Thơ" yêu."

 

Còn đây là một Thanh Tùng luận bàn về rượu: "Không có rượu, thuốc lá không làm thơ được! Không có rượu không vượt qua thảm kịch trong đời. Nếu không uống rượu, làm thơ như cành củi khô chắp vào chứ không phải ngôn ngữ thơ. Có rượu nó đẩy mình lên vựơt qua cái khô khan của mình".

 

Sống trung thực với thơ

 

Nhìn lại cuộc đời mình, Thanh Tùng nhận thấy nếu có chút gì đáng thu hoạch thì đó là thơ. Ông đã đi trên con đường thơ từ tuổi thơ nghèo khó cho tới tuổi già túng thiếu. Thơ cho ông chút danh tiếng và khiến ông mãi nghèo khổ, bất hạnh. Mất một cuộc tình để có "Thời hoa đỏ". Những chuyến đi lang bạt cho để lại bài thơ về Hà Nội, Huế, Quảng Ninh...

 

Nhà thơ Vân Long từng nhận xét Thanh Tùng là con người sống bản năng. Thơ ông là tiếng nói trực cảm nên dễ gây ấn tượng mạnh với độc giả. Trong thế giới thơ của Thanh Tùng, người đọc dễ bị choáng ngợp bởi những hình ảnh tượng trưng khoáng đạt đầy lãng mạn, những tình cảm mãnh liệt.

 

Thơ ông không cần vần, chủ trương bỏ vần để tập trung vào hình tượng thơ. Nhờ lối viết hiện đại ấy, nhiều bài thơ sáng tác từ những năm 80 đọc lên vẫn không hề cũ.

 

Nhưng cái Tôi bộc trực, tính cách bản năng ấy đặt vào cuộc đời thì không ổn. Phải chăng đó là nguyên nhân đem đến cho ông nhiều bất hạnh và đau khổ?

 

Cũng may ông trời vẫn để lại cho Thanh Tùng một thứ tài sản quý giá - đó là sức khoẻ. Ở tuổi 75, Thanh Tùng vẫn còn rất tráng kiện, minh mẫn. Ông còn để ngỏ hai tập trường ca về Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tin rằng Thanh Tùng vẫn là một nguồn thơ sung mãn, còn dư sức để ứa ra những dòng thơ ám ảnh, đưa người đọc vào thế giới của những mùa hoa như lửa cháy, những vòm trời vô tận sắc vàng...

Nguồn:NhavanTPHCM

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *