Tác phẩm và dư luận

17/6
10:28 PM 2019

THĂM THẲM CHIỀU... SÓNG XÔ

(Đọc Chiều rơi trên sóng của LÂM QUANG MỸ, Thơ song ngữ;  Nxb Hội Nhà văn, 2012)

CAO NGỌC THẮNG

      Như những người làm thơ khác, nhà thơ Lâm Quang Mỹ cũng có nhu cầu giãi bày nỗi lòng bằng sự cảm nhận và nói lên thực tại một cách chân thật: “Ta chếnh choáng hơi men tàn rượu muộn/ Mùa thu đang say những vũ điệu lá vàng/ Mặc ai đó dận hết ga ham muốn/ Ta xin đứng ngoài canh bạc nhân gian” (Ta). Đó là thái độ dứt khoát của nhà thơ, từ nhận thức đến hành động, đối với thực tại cuộc sống bề bộn và đầy cám dỗ. Ông không muốn rơi vào dòng chảy phù phiếm để bị cuốn trôi, bị tách khỏi con đường đã lựa chọn. Hay, chỉ giản đơn là tâm sự của người có trái tim nhạy cảm: “Lòng anh đang trống rỗng một sân ga/ Em vụt đến như con tàu xé gió./ Trong phút chốc, cả sân ga rạng rỡ./ Tàu đi rồi, ga càng thấy cô đơn!” (Sân Ga).

     Giãi bày hay tâm sự thì tâm hồn người thơ luôn gắn bó, đồng điệu với thế giới xung quanh, với đồng loại. Thực tại cuộc sống hằng cấp cho người thơ những chất liệu tươi mới, thức tỉnh cảm xúc; tùy thuộc vào độ nhạy quan sát, vào tâm thế, vào vốn liếng ngôn từ, v.v., người thơ truyền cảm hứng tới người đọc những cung bậc tình cảm khác nhau, ngấm vào, lập tức hay dần dần, theo chiều rộng hoặc độ sâu, có tác dụng chuyển hướng cảm xúc đối với cái nhìn thấy tới cái không nhìn thấy. Ở một cung bậc khác, vào một thời khắc nào đó, người thơ còn có khả năng tự khám phá tâm hồn mình, ngoài/trên sự giãi bày hay tâm sự, tức là họ tự tỉnh thức những tri thức tiềm ẩn thành sự cảm thụ thế giới cũng còn rất nhiều uẩn khúc, nhận thức sâu hơn, bản chất hơn cõi lòng và với chính môi trường đã và đang dẫn dắt cuộc đời mình đi trọn kiếp người. Trong tập Chiều Rơi Trên Sóng, Lâm Quang Mỹ có một số bài thơ như thế.

     Lâm Quang Mỹ là nhà-khoa-học-làm-thơ. Tuy nhiên, không phải bất cứ nhà khoa học nào “rơi” vào địa hạt thơ ca đều coi việc khám phá cõi lòng là nhu cầu thiết yếu của người mang danh tính “nhà thơ”. Giãi bày cõi lòng và khám phá tâm hồn là hai cấp độ của ý thức. Bằng vốn tri thức uyên thâm, nhà khoa học làm thơ giãi bày sự cảm nhận thế giới với nhiều cung bậc tình cảm: hòa nhập hay phủ định, trôi theo hoặc rẽ lối… đều có lý do xác thực. Nhưng, ít nhiều những lý do ấy vẫn xuất phát từ sự lý giải, tìm cách chứng minh, để rồi lại lạc vào cái thuần túy khoa học, tức là sự tư biện - phương pháp không phải lúc nào cũng dẫn đến nhận thức đúng, đầy đủ bản chất của sự vật và hiện tượng. Trong cuộc sống thực, sự vật và hiện tượng nằm ngoài tư biện khoa học, chúng “biến thái” không tuân thủ lẽ thường, mà đi con đường “biến dị”, khác thường. Thơ Lâm Quang Mỹ, không phải tất cả, đã phần nào thoát khỏi sự lý giải, mà trực tiếp cảm thụ thế giới, cũng tức là khám phá tâm hồn chính mình.

     Bài thơ Bốn Chiều có bốn câu thì hai câu đầu ông viết: “Tôi đã sống trong không gian ba chiều/ Sao vẫn thấy đời mình quá chật”. Sự chật chội ở đây, cả về không gian thực lẫn “không gian” trong lòng, hầu như mọi người đều cảm thấy, đều không thỏa mãn. Với Lâm Quang Mỹ, nghề nghiệp luôn hướng ông nhìn vào vũ trụ bao la như càng hối thúc ông mở toang tầm nhìn, những mong tìm cách vượt thoát cảnh bức bối. Khoảnh khắc đó đã đến với nhà thơ: “Rồi một ngày bỗng thấy lòng mình bát ngát/ Thêm một chiều thăm thẳm của Tình yêu”. Hai câu thơ rất giản dị, nhưng lại chứa đựng một phát hiện không dễ nhìn thấy, cảm thấy. Nhà thơ đã coi “tình yêu” không còn là khái niệm thông thường, không còn là trạng thái tâm hồn bình thường, mà trở thành yếu tố cấu thành nên thế giới (cả thế giới hữu cơ và thế giới vô cơ) - cái nôi cưu mang loài người. Tình yêu trong phát hiện của nhà thơ là một chiều của thế giới - mang cả hai đặc điểm: thực và ảo, nên “thăm thẳm”, mở ra cái “bát ngát” của cõi lòng và của cõi trời. Từ cõi lòng, hạnh phúc hay khổ đau, tất cả các trạng thái của tình yêu đều tìm đến và ở lại cõi trời. Sinh ra, ai rồi cũng “đèo bòng” hơn một “mối tình” - dù có yêu đơn phương thì vẫn phải có đối tượng để biểu tỏ lòng yêu. Chính tình yêu đã làm nên sóng gió, nâng đỡ hoặc vùi dập từng con người, mà chẳng câu nệ vào thời gian và không gian, tự tạo thành chiều độc lập với những quy tắc riêng, trĩu nặng những ưu tư ẩn khuất, khó nói nên lời. Tình yêu - một trong những khái niệm không tìm thấy lời lý giải, định nghĩa nào cũng khó “tâm phục, khẩu phục”, bất luận kinh nghiệm nào cũng khó vận dụng, chỉ biết rằng đó là “cái duyên, cái phận” trời trao, không cưỡng nổi. Nói như Lâm Quang Mỹ: “Tình treo như một khối bơ vơ…” (Khối Tình), để rồi nhận ra “Nhiều khi ta là lá cỏ/ Nổi chìm bao đợt sóng xô” (Lá Cỏ). Cái “thăm thẳm” của chiều tình yêu luôn làm người ta khắc khoải, băn khoăn, níu kéo chẳng được, buông thả chẳng đành. Chiều tình yêu là cõi của những trạng thái triền miên, vô định trong tâm hồn người, không thể lập phương trình để tìm nghiệm cho nó. Phải chăng, ông chuyển câu “Tôi đã sống trong không gian ba chiều” sang thì hiện tại (đã thành đang) thì phù hợp biết mấy, làm bối cảnh cho từ “bỗng” và trạng thái “bát ngát” xuất hiện, để cái “thăm thẳm” càng thăm thẳm hơn (!?).

     Ở bài Lối Mòn, nhà thơ Lâm Quang Mỹ cũng có một cảm nhận mang tính tỉnh thức tâm hồn mình, cũng là sự nhìn nhận những mâu thuẫn diễn ra phổ biến trong nền văn minh vật chất ngày càng lan rộng (khổ thứ ba, cũng là khổ kết): “Biết là có vay có trả/ Vẫn còn suy tính thiệt hơn / Biết là đường đời trăm ngả/ Vẫn đi theo một lối mòn!...

     Vay-trả đã được người đời, các triết gia - của bất kỳ tôn giáo nào và cả các nhà khoa học, từ cổ chí kim, quy thành luật nhân-quả, đúng với mọi trường hợp và mọi hoàn cảnh. Song, việc thực hành, cũng ở mọi trường hợp và mọi hoàn cảnh, người ta thường quên. Tuân thủ luật nhân-quả vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời đại văn minh vật chất phát triển cực kỳ mau lẹ, lấn át, thậm chí vùi lấp những giá trị tinh thần to lớn, xuất phát chính từ lòng tham vô độ của con người. Lòng tham - kéo theo nhiều thói xấu, bởi thuộc “cái ác”, đối nghịch với “cái thiện”. là “đường mòn”, thu hút bất cứ sinh linh nào trong cõi tạm không có sự tu dưỡng đều đặt chân vào và trượt dài. Giá như - điều khó thể nếu không muốn nói là không bao giờ xảy ra, những bài học của tiền nhân, những bài học lịch sử, được nhớthực hành, thì xã hội loài người có cơ tiến tới thế giới đại đồng trong hòa bình (!). Chắc chắn nhiều người nghĩ như thế. Và, cũng chắc chắn vì nhiều lý do, nhiều thúc bách khiến người ta luôn bị “đường mòn” hấp dẫn, lao theo (?). Nhà vật lý học Lâm Quang Mỹ nói bằng thơ cái điều day dứt ấy chẳng phải vì riêng mình. Đó là sự nhận thức - mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn cũng là quy luật, con người luôn luôn phải đối mặt(!). Con đường triệt phá “cái ác” còn rất dài, còn rất nhiều gian truân, chỉ tiệm cận chứ khó lòng tới đích! “Thói hám lợi là vô hạn” - nhà triết học cổ đại Píttắc (651-569 tr.CN) đã nói như thế; ông còn nhấn mạnh: “Con người khó trở nên tốt đẹp”. Lẽ nào lòng tham của con người không thể cải tạo? Rõ ràng, đọc Lối Mòn, người đọc có cảm giác tác giả nói cái điều rất ư bình thường, nhưng vấn đề nhà thơ đặt ra không hề tầm thường chút nào.

     Chiều Rơi Trên Sóng là tên tập thơ song ngữ (Việt-Anh: Evening Falling On Waves – Nxb Hội Nhà Văn-Writes Association Publishing House, 2012) của Lâm Quang Mỹ. Tên tập thơ kết hợp tính ẩn dụ phương Đông và phương Tây, nói lên sự biến dịch khôn lường và vô cùng tận của đời sống thiên nhiên và đời sống con người ngay trong môi trường thiên nhiên ấy. Cần lưu ý, nhà thơ không nói: chiều rơi trên sông; bởi nhiều người thuộc lòng câu nói của Hêraclít (535-475 tr. CN): “Không thể lội hai lần xuống cùng một dòng sông”; điều mà Cratin (nửa sau thế kỷ V tr. CN) sau này phê phán chính ông thầy của mình, rằng ngay cả một lần thôi cũng không thể lội xuống một dòng sông, và ông nói tiếp: “Không thể khẳng định gì về một cái gì đó, vì luôn không ngừng trôi đi, nó kịp biến đổi trong lúc chúng ta tiến hành khẳng định”. Cụm từ “chiều rơi trên sóng” chứa đựng nhiều nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng, xuất phát từ hai từ khóa: ChiềuSóng. Chiều - chiều thời gian (buổi chiều), chiều cuộc đời (đời đã xế chiều), chiều không gian (véc-tơ); dù là loại chiều nào khi rơi vào sóng, ở thể chủ động hay bị động, sóng sông hay sóng biển, sóng gió và cả… sóng đời, tức là rơi vào sự vận động, vào sự biến đổi không ngừng, thì tất thảy đều bị nhào lộn, bị cuốn phăng đi, méo mó và biến thành cái gì đó, có thể hữu hình có thể vô hình, không còn nguyên dạng ban đầu, ngay cả “sóng rơi vào sóng” cũng vậy. Lâm Quang Mỹ không lấy tên bài nào để đặt cho tập, song 64 bài thơ của ông đều quy tụ vào tiêu đề ấy, chứng minh cho tiêu đề ấy. Chẳng hạn: “Sáng đi có trăm đường/ Chiều chỉ về một lối/ Có lúc nào tự hỏi:/ - Đêm nay mình nơi đâu?” (Sáng, Chiều Và Tối), hay: “Ngày đi trong thanh bình./ Đêm ngược chiều bão tố./ Ngày như đứa trẻ nhỏ./ Đêm đã ngoài sáu mươi!” (Già), v.v. Ngày và đêm là hai trạng thái của cùng một thế giới, vậy sao lại đối nghịch đến nghiệt ngã như vậy?   

       Lâm Quang Mỹ, tên khai sinh Nguyễn Đình Dũng, Tiến sỹ Vật lý, hiện sống và làm việc tại Warszawa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Ba Lan; người “tạo ra những kết cấu sẽ tồn tại qua nhiều năm và mang đến cho thời đại mới câu chuyện về những gì chứa đựng bên trong của thế giới đó”, như nhà thơ-GSTS-nhà Phê bình văn học Dariusz Tomasz Lebioda viết trong Nhà Thơ Nước Nam in cùng tập thơ Chiều Rơi Trên Sóng; đó cũng là lời khẳng định: nhà khoa học Lâm Quang Mỹ đã phân thân để cảm thụ, khám phá thế giới, và viết nên những vần thơ nặng trĩu tâm tư, đầy tính nhân bản, thẫm đẫm nhân văn. Lâm Quang Mỹ tự bạch: “Có một lần Niềm Đam Mê hỏi tôi:/ - Để có được ta, anh sẽ trả bằng gì?/ - Xin trả cả gia tài tôi có./ Niềm Đam Mê lặng im./ Và sách báo về đầy nhà từ đó/ Tôi đọc suốt ngày đêm…// Có một lần Niềm Đam Mê hỏi tôi:/ - Để có được ta, những gì anh sẽ trả?/ - Cuộc đời tôi xin hiến dâng tất cả!/ Niềm Đam Mê gật đầu./ Và từ đó Đường Thơ tôi mải miết/ Hết ngày dài đêm thâu…” (Niềm Đam Mê Nghiệt Ngã).

     Nghiệp khoa học và tiếp đó là nghiệp thơ của Lâm Quang Mỹ đã gia nhập “chiều thăm thẳm của Tình yêu”; và, không phải ai khác, chính ông, cái chiều ấy (chiều của đời người và chiều véc-tơ) tự nguyện rơi vào sóng, đón nhận sự nghiệt ngã cưu mang. Bởi ông là người không bỏ quên món quà tặng thiêng liêng mà Albert Einstein vĩ đại đã từng nói: “Tư duy trực giác là một quà tặng thiêng liêng và tư duy lý lẽ là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng”./.

(Nguồn: Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số tháng 4-2019]

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *