Tác phẩm và dư luận

26/4
1:43 AM 2017

SỰ SỤP ĐỔ NHÌN TỪ NHỮNG “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH”

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên là phóng viên Thông tấn xã (TTX) Việt Nam tại chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mùa xuân năm 1975, ông là phái viên đặc biệt của TTX Việt Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật về những khoảnh khắc lịch sử trưa 30-4-1975 tại dinh Độc Lập.

MAI NAM THẮNG -  “… Và cũng lúc ấy, sự kiểm soát tuột khỏi tay chính quyền. Quân cảnh, cảnh sát bỏ nhiệm sở, không còn một mống. Trên đường phố, từng đoàn, từng đoàn lính người Thượng, lính địa phương tức giận vì bị bỏ rơi, đã kéo nhau đi cướp của, giết người, hiếp dâm… Chúng xả súng vô tội vạ vào người đi đường, vào các cửa hiệu buôn, phóng hỏa bất cứ ngôi nhà nào mà chúng ngứa mắt. Súng nổ, máu người đổ lênh láng, lửa cháy đùng đùng trong các dãy phố chính, trong cả các đường ngang ngõ tắt. Thị xã như kẻ động kinh lên cơn hấp hối. Các đoàn xe đủ loại: Ô-tô,hon-đa, xe bò kéo, xe ngựa và xe đạp thồ, xe ba gác chở ông bà già, trẻ thơ và chất đầy đồ đạc-đến mức không thể chèn thêm một thứ gì-nối đuôi nhau đuổi theo hướng đoàn quân xa đang rút chạy…”.

Trên đây là quang cảnh cuộc triệt thoái khỏi thị xã Pleiku ngày 16-3-1975 của các sắc lính chủ lực và địa phương quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, mở đầu cho cuộc triệt thoái khổng lồ của ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta-kết thúc bằng chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước-được tác giả Trần Mai Hạnh tái hiện trong cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975”. Sách do NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật phát hành tháng 8-2014 và là tác phẩm văn xuôi duy nhất được trao Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2014. Tác phẩm đã được Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 và được tái bản nhiều lần. Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/2017), NXB Chính trị Quốc Gia-Sự Thật vừa ra mắt “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” bản tiếng Anh do dịch giả Mạnh Chương chuyển ngữ.

Bản tiếng Anh "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975" do NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật ấn hành tháng 4-2017

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên là phóng viên Thông tấn xã (TTX) Việt Nam tại chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mùa xuân năm 1975, ông là phái viên đặc biệt của TTX Việt Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật về những khoảnh khắc lịch sử trưa 30-4-1975 tại dinh Độc Lập. Để viết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975”, ngoài những tài liệu trực tiếp của một phóng viên chiến trường có may mắn là nhân chứng trong Mùa Xuân đại thắng 1975, còn là sự chắt lọc từ khối lượng đồ sộ những biên bản gốc từ phía bên kia mà do môi trường và điều kiện công tác đã giúp ông tiếp cận được, như: Biên bản trả lời phỏng vấn và lời tự thú của nhiều nhân vật chóp bu trong chế độ Sài Gòn trước đây, sau này chạy ra sống ở nước ngoài. Biên bản lời khai cùng biên bản tường trình của nhiều tướng, tá ngụy quân bị ta bắt tại trận hoặc sau này ra trình diện chính quyền cách mạng về quá trình tan rã, sụp đổ của các tuyến phòng thủ trên cả 4 vùng chiến thuật trước sức tấn công vũ bão của quân và dân ta. Biên bản cuộc phỏng vấn do Viện nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ thực hiện đối với 27 nhân vật chóp bu của chế độ Sài Gòn sau này sống lưu vong ở nước ngoài, về tình hình nội bộ và những diễn biến chi tiết của quá trình sụp đổ… Cùng đó là nhiều tài liệu quan trọng khác, như: Các thư từ, điện văn của Nhà trắng và Lầu năm góc, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ… gửi cho các nhân vật liên quan ở Sài Gòn. Những tài liệu “tổng kết chiến tranh Việt Nam” do Trung tâm lịch sử quân sự lục quân Hoa Kỳ thực hiện. Các báo, tạp chí của Mỹ, của phương Tây và báo chí xuất bản tại Sài Gòn trước 30-4-1975, cùng các tài liệu tham khảo đặc biệt về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ hiện đang được lưu trữ tại nhiều thư viện lớn trên thế giới v.v…

Những ấn phẩm "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975" tái bản gần đây. Ảnh: VOV

Nhưng nếu chỉ như thế thì “Biên bản chiến tranh…” chỉ là một bản tổng hợp các tài liệu quan trọng có độ tin cậy cao và chỉ để dành cho các nhà nghiên cứu. Ở đây, với tư duy sắc sảo của một nhà báo giàu kinh nghiệm và bút pháp của một nhà văn đã có 5 cuốn sách riêng khá ấn tượng (Nắng thu Bồn; Tình yêu và án tử hình; Ngày tận thế…) Trần Mai Hạnh đã dựng nên từ các nguồn tài liệu ấy những cuộc đối thoại, những diễn biến tâm lý, những trang tả cảnh, tả tình… hết sức logic và sinh động-điều mà lý luận văn học gọi là “nhân vật điển hình”, “hoàn cảnh điển hình” rất… văn học. Sức hấp dẫn, cuốn hút của “biên bản chiến tranh…” khiến người đọc phải tò mò, háo hức theo hết hơn 400 trang sách khổ rộng chủ yếu là nhờ tài năng ấy của người viết. Chẳng hạn, đây là đoạn miêu tả tâm trạng của Trung tướng Ngô Quang Trưởng-Tư lệnh Quân đoàn 1 kiêm Tư lệnh Quân khu 1-cùng bộ sậu của y trong những ngày hò hét “tử thủ” Huế và Đà Nẵng: “Đốt hết điếu thuốc, Trưởng uể oải bước ra sân sau một ngày căng thẳng, mệt nhoài. Trời đã tối sẫm. Đường phố Đà Nẵng đã lên đèn từ lúc nào. Những ngọn điện giăng trên bán đảo Sơn Trà nhấp nháy, run rẩy. Một làn gió hiếm hoi đâu như từ sông Hàn thổi tới. Trưởng cởi phăng cúc áo ngực… Không khí ong ong, ngột ngạt vô cùng. Dường như sắp có một cơn giông lớn. Trưởng đã từng du học ở Phi Luật Tân, từng tốt nghiệp Học viện hỗn hợp thủy quân lục chiến ở Ha-oai, từng có ba năm tu nghiệp ở học viện Pho-li-va-nuốt (Mỹ) và đã từng là tư lệnh của một trong bốn vùng chiến thuật. Nhưng đời binh nghiệp của Trưởng chưa bao giờ thấy gay go như lúc này…” (tr.92).

Và đây là đoạn miêu tả tâm trạng bi đát của viên Trung tướng “người hùng” trên đây: “Trưởng buông bút, hai tay ôm chặt lấy đầu. Từng ấy năm làm tư lệnh, đây là lần đầu tiên Trưởng tự viết lấy một bức điện. Trưởng cân nhắc, tính toán, chữa đi chữa lại từng câu từng chữ. Cuối cùng thì bức điện cũng hoàn thành, một quyết định được xem là khó khăn nhất trong đời binh nghiệp của Trưởng: Bức điện xin từ chức!

Trưởng đốt bản nháp bức điện, ngồi trâm ngâm nhìn tàn than bị gió quạt thổi tung tóe trong góc phòng. Trưởng không muốn bất kỳ ai trong Bộ tư lệnh quân đoàn biết chuyện Trưởng đâm đơn từ chức.Trận chiến chưa nổ ra mà “người hùng của quân lực Việt Nam cộng hòa” đã bỏ cuộc. Trưởng tự nghĩ và thấy xấu hổ. Đọc lại một lượt bức điện đã chép sạch sẽ, Trưởng chặn nó lên bàn, ngay cạnh máy điện thoại, rồi đứng lên, kéo bức rèm che của sổ. Trưởng bỗng giật mình: Nắng đã lụi từ lúc nào…Bầu trời hôm nay sao thấp đến thế? Nhác trông,Trưởng thấy nó chẳng khác gì chiếc mai cua khổng lồ với những vẩy mây đỏ ối đang úp chụp lên thành phố…” (tr.113).

Cũng như Ngô Quang Trưởng, nhiều nhân vật khác trong bộ máy chiến tranh của chế độ Sài Gòn trước đây-từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên… đến những nhân vật thuộc hạ hung hăng, cơ hội, hèn nhát như: Dư Quốc Đống, Phạm Văn Phú, Đồng Văn Khuyên, Đặng Văn Quang, Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Toàn, Lý Tòng Bá, Hoàng Đức Nhã… đều được tác giả bám sát hành tung từ những ngày đầu bám gót thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, đến những biến cố trong “1-2-3-4.1975”, với những trang miêu tả nội tâm, khẩu khí, hành động… hết sức “thích đáng” với từng diễn biến của cuộc chiến trong những ngày hoảng loạn, đổ vỡ, tan rã… Phần đông những nhân vật ấy còn được tác giả dành cho phần “lạc khoản” kể về những ngày họ bỏ chạy ra sống lưu vong ở nước ngoài và kể cả những kết cục cuộc đời của một số nhân vật nơi xứ người. Có thể nói, đây cũng là những chi tiết khá… “câu khách”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu tại buổi giới thiệu tác phẩm "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975" do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 16-4-2015 tại Hà Nội.  Ảnh:VOV

Có thể nói, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” là cuốn tiểu thuyết tư liệu đã phác họa chân thực và sinh động sự sụp đổ cùng chân dung nhiều nhân vật cấp cao của bộ máy chế độ Sài Gòn trong 4 tháng cuối cùng của chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù sự sụp đổ ấy được nhìn từ những “biên bản” của phía bên kia, nhưng tác phẩm cũng đã chỉ ra được nguyên nhân của nó là những tính toán sai lầm cả về chiến lược lẫn chiến thuật của những người chỉ huy cấp cao trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, một bộ máy chiến tranh quá lệ thuộc vào súng đạn và tiền bạc của Mỹ. Qua đó, phần nào tác phẩm đã làm nổi bật thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta. Tuy nhiên, như nhận định của viên tướng tình báo Phi-líp Đa-vít-xơn (Phillip Davidson) đã viết trong cuốn “Việt Nam chiến sử 1946-1975” (Vietnam at war the history 1946-1975): “Sự kết liễu của chính quyền Việt Nam cộng hòa đến từ nhiều nguyên cớ và tất cả những nguyên cớ ấy tương quan với nhau, gắn kết với nhau, thành một cạm bẫy không thể thoát ra…”. Tức là, để có được một tác phẩm “xứng tầm” với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, hẳn nhiên không thể chỉ dựa vào những … “biên bản chiến tranh” của phía bên kia.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *