Tác phẩm và dư luận

17/9
4:39 PM 2017

NHÀ VĂN TRẦN ĐỨC TIẾN NHỜ TRUNG TÂM BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ VĂN HỌC VIỆT NAM VÀO CUỘC

Nhà văn Trần Đức Tiến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vừa phát hiện truyện “Hoa Cúc Áo” của anh được “Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam - CTCP Mỹ thuật&Truyền thông” in dưới cái tên của một tác giả khác. Việc này đã được nhà văn đưa lên trang Fb mang tên mình.VANVN.NET xin chia sẻ những thông tin quanh vụ việc này.

TRẦN ĐỨC TIẾN- THẾ NÀY LÀ THẾ NÀO?

Thật trùng hợp, mình vừa đưa cái truyện "Hoa Cúc Áo" lên Fb thì ngay sau đó phát hiện ra một chuyện... giật mình!
Hóa ra truyện này lại được in thành sách lần nữa, ở một nhà xuất bản tiếng tăm lừng lẫy: Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.
Tranh minh họa rất bắt mắt. Khổ lớn (19x27cm). Giá không rẻ: 9.500 đ (chỉ với một cái truyện đồng thoại khoảng 400 chữ với mấy tranh minh họa thôi ạ).
Mình biết chắc đây là truyện "Hoa Cúc Áo" của mình, vì tên sách y như thế (xem ảnh lấy từ trang web "Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam - CTCP Mỹ thuật&Truyền thông”, và phần thông tin chi tiết về cuốn sách ghi rõ: "Xóm Bờ Giậu từ trước tới nay vốn buồn tẻ. Nhưng rồi một hôm cả xóm bừng tỉnh. Thầy giáo Cóc, anh Dế Còm... cũng thấy ngỡ ngàng"...
Chỉ có điều:
-1. Tác giả cuốn sách tên Thu Hương.
-2. Nhà xuất bản không hề nói qua với mình một câu.
THẾ LÀ THẾ NÀO?

(Nói thêm một tí: trước khi đưa lên Fb hôm nay thì "Hoa Cúc Áo" đã được in ở một số sách báo, trong đó có cả sách của Nhà xuất bản Kim Đồng).

 

 

TRẦN ĐỨC TIẾN-THÔNG TIN THÊM VỀ VỤ HOA CÚC ÁO

Vụ này lằng nhằng, không vui vẻ gì. Tôi biết có những bạn quan tâm nên mới thông tin thêm. Bạn nào không thích bỏ qua, đừng trách tôi làm mất thì giờ của bạn.
Sau khi đưa bài “Thế này là thế nào” lên Fb, chiều qua (16-9), một người có trách nhiệm của Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông (từ đây viết tắt là CTMT) trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã gọi điện cho tôi.
Nội dung cuộc trao đổi:
1- CTMT là đơn vị trực tiếp tổ chức biên tập và xuất bản cuốn “Hoa Cúc Áo” (truyện tranh).
2. Năm 2005, tôi gửi một chùm truyện tham dự cuộc thi “Sáng tác cho lứa tuổi mầm non” của Nxb Giáo dục (và được giải Nhất), trong đó có “Hoa Cúc Áo”. CTMT đã sử dụng bản thảo “Hoa Cúc Áo” từ cuộc thi này để in cuốn sách nói trên.
3- Ngoài bìa cuốn sách chỉ in tên sách, tên nhà xuất bản. Nhưng bên trong (bìa phụ - bìa lót) có in trên đầu trang: “Thu Hương sưu tầm và biên soạn”. Dưới in: “Dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến”, và “Tranh: Nguyễn Kim Duẩn”.
4- CTMT muốn được làm việc trực tiếp với tôi để thỏa thuận giải quyết vụ việc.
5- CTMT muốn tôi gỡ bài trên Fb.
Về nội dung 1, tôi không có ý kiến.
Về nội dung 2, người của CTMT giải thích: điều lệ cuộc thi cho phép Nxb Giáo Dục được sử dụng bản thảo dự thi của các tác giả… Tôi đồng ý, nếu quả thật điều đó có ghi trong điều lệ cuộc thi (từ 2005, làm sao còn nhớ?). Tuy nhiên, đồng ý cho Nxb sử dụng bản thảo, không có nghĩa là tác giả bán đứt bản quyền cho Nxb. Mỗi lần Nxb dùng nó vào việc gì với mục đích kinh doanh thì vẫn phải cho tác giả biết và trả tiền tác quyền đàng hoàng. Tôi nghĩ thế có đúng không ạ?
Về nội dung 3, xin nói rõ thêm: hai bức ảnh kèm theo bài “Thế này là thế nào” của tôi hôm qua, là do tôi chụp lại trên trang Web chính thức của CTMT. Một ảnh bìa sách. Một ảnh giới thiệu sách. Giới thiệu sách chỉ ghi: “Tác giả: Thu Hương”. Chiều tối qua, trang Web này đã sửa lại: “Tác giả: Sưu tầm và biên soạn Thu Hương (dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến)”. Xem ra cũng không ổn lắm. Tôi nghĩ “Hoa Cúc Áo” là truyện tranh, được dựng từ truyện của tôi, thì tác giả của nó phải là đồng tác giả: tôi, họa sĩ, và có thể thêm người sưu tầm, biên soạn… Ở đây cũng phải nói ngay: tôi rất ghét khi thấy bút danh của mình được giới thiệu đâu đó mà chỉ với 2 chữ “Đức Tiến” (mất chữ Trần ở đầu). Đây là sự tùy tiện rất khó chấp nhận.
Cũng trong chiều qua, một người bạn đã gửi cho tôi ảnh chụp trang bìa và trang bìa phụ của cuốn sách. Điều đáng nói hơn cả là ở trang bìa phụ, ngoài những dòng in tên người sưu tầm, họa sĩ… như đã nói bên trên, còn có dòng: “TÁI BẢN LẦN THỨ TÁM”.
Thưa các bạn, vì dòng chữ này, tôi quyết định:
1. Tôi không làm việc với CTMT, mà nhờ Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (nơi tôi ký hợp đồng bảo hộ tác quyền) làm việc với CTMT.
2. Tôi không gỡ bài “Thế này là thế nào” trên Fb.
Tôi cho rằng CTMT không có bất cứ lý do gì để biện minh cho sự vô trách nhiệm, vô cảm của mình, khi im lặng một cách thản nhiên “luộc” tác giả đến lần thứ TÁM.

TRẦN ĐỨC TIẾN

HOA CÚC ÁO
(Rút trong tập 'Xóm Bờ Giậu")

Xóm Bờ Giậu quanh năm quạnh vắng bỗng có thêm người tới định cư: cô hoa Cúc Áo.
Cô Cúc Áo từ đâu chuyển đến không ai biết. Một sớm mai thức dậy, từ trong hang nhìn ra, cụ giáo Cóc thấy cô đứng khép nép bên con đường mòn. Thân hình cô mảnh mai với những chiếc lá xanh non bé xíu. Bấy giờ cô Cúc Áo chưa nở bông hoa nào. Cô như lẫn vào đám cỏ dại, phải là người tinh tường như cụ giáo mới nhận ra.
Mùa xuân ấm áp đang về. Anh Dế Còm tân trang lại bộ râu, diện bộ cánh xịn đi làm. Cụ giáo Cóc thôi nghiến răng vì bớt hẳn bệnh nhức xương. Bác Giun Đất cũng chui ra khỏi phòng lạnh để tận hưởng không khí trong lành. Ngày tháng qua mau. Và buổi sáng chủ nhật tuyệt vời ấy đã tới…
Cụ giáo Cóc thức dậy trong mùi hương nồng nàn. Nghe tiếng lao xao ngoài đường, cụ vội lấy gậy chống, thận trọng dò từng bước ra cửa. Chao, cô Cúc Áo như đã hoá thân thành người khác, phô bày tất cả vẻ lộng lẫy của mình qua những bông hoa vàng rực ngát hương. Bên cạnh, anh Dế Còm đứng ngây nhìn. Bác Giun Đất gật gù thán phục. Vài chị Cào Cào áo xanh áo đỏ là người xóm bên có việc đi ngang qua cũng dừng lại ngó nghiêng.
Xóm Bờ Giậu từ lâu thiu ngủ, nay bỗng dưng bừng tỉnh trong hương sắc mới.
Trưa hôm đó, Dế Còm sang chơi nhà cụ giáo Cóc. Ngập ngừng mãi anh chàng mới dám đọc cho cụ nghe bài thơ mình mới làm. Bài thơ có nhan đề “Nàng từ đâu tới”:
Nàng từ đâu tới
Nàng diện áo vàng
Vàng như nắng sớm
Hương thơm điệu đàng

Này ông Giun Đất
Này chị Cào Cào
Này cụ giáo Cóc
Bây giờ tính sao?

Tính sao thì tính
Người đẹp nhường kia
Hộ khẩu Bờ Giậu
Nhập vào miễn chê.
Cụ giáo Cóc vừa nghe vừa ho khụ khụ:
- Hết rồi à? Ôi thú vị, thú vị. Đưa được cả hộ khẩu vào thơ. Giỏi!
Nghe cụ giáo khen, Dế Còm sướng ngẩn người.
Cuộc đời kỳ diệu thế đấy: cô nàng Cúc Áo với những bông hoa xinh nhỏ, chỉ trong vòng buổi sáng đã biến anh Dế thành nhà thơ.

(Nguồn: trang Fb của nhà văn Trần Đức Tiến)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *