Tác phẩm và dư luận

9/1
5:55 PM 2019

KHÁT VỌNG VĂN CHƯƠNG VÀ NỖI ĐAU NGƯỜI MẸ

Nguyễn Thế Khoa-Trong dịp Ban Tuyên huấn khu 5 được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong năm 2018 vừa qua, nhà thơ Thanh Thảo nói với tôi rằng nhà thơ Hữu Thỉnh cho anh biết Hội Nhà văn đã chính thức làm hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng cho nhà văn Dương Thị Xuân Quý.

                                                      Nhà văn Dương Thị Xuân Quý ở chiến trường

Còn nhớ, năm 2009, sau khi tôi hoàn thành biên soạn xuất bản cuốn sách "Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký, tác phẩm", theo đề nghị của tôi, nhà văn Đỗ Kim Cuông và nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đồng ý để Hội Nhà văn VN phối hợp với tạp chí Văn hiến VN tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8/3/1969 - 8/3/2009) tại Hội trường Hội Nhà văn VN. Đ/c Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, vừa từ miền Trung ra cũng có mặt tham dự. Nhiều ý kiến tại buổi lễ yêu cầu Hội Nhà văn VN làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho nhà văn Dương Thị Xuân Quý và nhà văn Hữu Thỉnh, trong một bài viết rất xúc động trình bày tại hội thảo cũng rất tâm đắc với các ý kiến này. 
Tuy vậy, gần 10 năm qua, cả khi nhà văn Chu Cẩm Phong ở khu 5 và nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn, nhà thơ Lê Anh Xuân ở Nam Bộ được phong tặng danh hiệu Anh hùng, không thấy Hội Nhà văn VN nói gì tới Dương Thị Xuân Quý. Rất vui là lần này, anh Hữu Thỉnh đã quyết tâm phải tôn vinh xứng đáng nhà văn Dương Thị Xuân Quý.
Tin răng, Chủ tịch Hội Nhà văn không nói suông, đến kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của chị (8/3/2019), nhà văn Dương Thị Xuân Quý sẽ được Đảng, Nhà nước ta chính thức phong tặng danh hiệu Anh hùng cao quý. 
Với niềm tin này, tôi xin chia sẻ bài viết về chị...
---------------------------------------------------------

Dương Thị Xuân Quý tình nguyện đi vào chiến trường vào đúng cái lúc mà không ai nghĩ chị có thể ra đi. Chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc, đã vào chiến trường trước đó một năm. Bé Hương Ly, đứa con đầu lòng của anh chị mới chỉ 16 tháng tuổi. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bạn thân nhất của Dương Thị Xuân Quý, kể lại, trước những lời khuyên can của chị, Dương Thị Xuân Quý vừa ôm con vừa nói trong nước mắt: “Tao là mẹ, tao phải thương bé Ly hơn mày chứ. Nhưng bé ở lại hậu phương, còn có bà, có các bác ruột thịt, rồi còn cơ quan, bạn bè, chắc chắn bé không thể khổ bằng các bé miền Nam có bố mẹ trong tù hoặc đã hi sinh… Tao không thể ôm con trong khi ông Quốc và bao người khác đang ở ngoài mặt trận”. Chị Quý còn nói thêm: “Tao viết văn, và mày biết rồi đấy tao rất mê M. Gorky, tao muốn có những trang viết đầy ắp cuộc sống như Gorky. Bây giờ đất nước mình đang sống những ngày dữ dội nhất, đang trong cuộc chiến đấu anh dũng nhất. Tao muốn được sống như một người công dân bình thường nhất, nghĩa là “Giặc đến nàh đàn bà cũng đánh”. Chỉ có như thế, tao mới hi vọng mình có thể ghi lại một chút gì của thời đại anh hùng mà chúng ta đang sống…”.
Dương Thị Xuân Quý quê gốc thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941 tại Hà Nội, trong một dòng tộc trí thức văn chương yêu nước nổi tiếng. Ông nội chị, cụ Dương Trọng Phổ và bác ruột chị ông Dương Bá Trạc, những người tham gia vận động Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Phụ thân chị, ông Dương Tụ Quán là người chủ trương tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Một người bác ruột nữa của Dương Thi Xuân Quý là nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Hai người anh con bác ruột của Quý là các họa sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương… Truyền thống dòng tộc đã khiến Dương Thị Xuân Quý hướng theo nghiệp cầm bút rất sớm. Khát vọng đi và viết đã hình thành rất sớm trong chị. Năm 18 tuổi, chị đã viết những dòng thơ này như một tâm niệm trong nhật ký:
Nếu tay run, bút cùn, mực không chảy
Thì bạn ơi hãy đứng dậy mà đi
Đi sâu trong cuộc sống đẹp diệu kỳ
Tìm ở đấy những hồn thơ rung cảm nhất
Đang học trung cấp mỏ ở Quảng Ninh, chị đã xin về khoa Báo chí trường Tuyên huấn TƯ và năm 20 tuổi đã là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Các bạn chị ở báo Phụ nữ Việt Nam ngày ấy kể rằng với chiếc xe đạp lọc lọc, Dương Thị Xuân Quý thường xuyên có mặt ở nhiều vùng nông thôn, từ Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Hưng, Nghệ Tĩnh đến ngoại thành Hà Nội. Chị về nông thôn không phải như một cô nhà báo với cuốn sổ và cây bút trong tay mà để thực sự sống đời sống của những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương. Mang thai con đến tháng thứ sáu, Quý vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), đi cấy, đi gặt với bà con xã viên. Bà con ở đây rất ngạc nhiên trước một cô gái Hà Nội cũng biết cấy gặt, biết gồng gánh như mình. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ngay tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1965. Từ những chuyến đi tâm huyết ấy, Dương Thị Xuân Quý đã có 14 truyện ký thật tươi mới xúc động về những người nông dân bình thường đang cật lực phấn đấu vượt qua đói nghèo lạc hậu, vươn lên làm chủ số phận mình và sẵn sàng bảo vệ quê hương đất nước như “Sa mạc của tuổi thơ”, “Đất cằn”, “Về làng”, “Chuyện cô Duyên”, “Đảm đang”, “Đứng vững”, “Chỗ đứng”, “Nữ dân quân Trần Phú”… Từ giữa những năm 1960, với hai giải thưởng văn chương uy tín, Dương Thị Xuân Quý đã nổi lên như một trong những nhà văn trẻ tài năng nhất trên văn đàn miền Bắc XHCN. 
Nhà văn trẻ tài năng ấy đã quyết định mình phải có mặt ở chiến trương miền Nam như một chiến sĩ.
Và để thực hiện khát vọng của một nhà văn - chiến sĩ, Dương Thị Xuân Quý đã phải chấp nhận hi sinh thiên chức lớn nhất của một người phụ nữ: Thiên chức làm mẹ. Đó là nỗi đau lớn nhất của chị.
“Rồi mình cho Ly vào giường đùa một lúc. Bỗng dưng Ly nằm xuống. Mẹ đắp chăn và vỗ vỗ cho Ly. Ly thiu thiu ngủ. Suốt cho tới sáng, Ly không hề dậy… Gần về sáng thỉnh thoảng Ly lại thò tay ôm lấy cổ mẹ. Một tay trên, một tay dưới. Ly dậy muộn hơn mọi khi vì có mẹ bên cạnh. Hai mẹ con nằm mãi. Ly cũng thích nằm chơi như thế, rất lâu rồi con mới bảo: “Dậy, dậy!”. Thương Ly ghê, chính cái niềm vui nho nhỏ ấy, con cũng phải hi sinh”.
Ta hãy đọc những dòng này trong nhật ký của Dương Thị Xuân Quý ghi về những giờ phút cuối cùng chị được bên con gái, trước lúc ra đi. Người mẹ trẻ ấy hiểu rõ rằng cuộc ra đi của chị đã làm đứa con duy nhất của chị rơi vào cảnh ngộ bất hạnh lớn nhất trong đời: Thiếu cả cha lẫn mẹ ngay cả lúc sơ sinh. Đọc gần 150 trang “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý, chúng ta hiểu rằng thách thức lớn nhất trên chiến trường đối với nữ nhà văn kiên cường này không phải là cái đói, những cơn sốt rét, đạn bom tàn khốc, cái chết rình rập, mà chính là nỗi dày vò vì cảnh ngộ bất hạnh của đứa con thơ. Gần như không lúc nào hình ảnh đứa con không hiện lên trong tâm tưởng chị, trên những trang nhật ký của chị. “Nghe nói Hà Nội có gió mùa Đông Bắc. Nhớ Ly tê tái. Ly ơi, hôm nay, mẹ xa Ly chẵn 5 tháng rồi đấy”... “Ly ơi, con lại cô đơn quá, mùa đông này con không được vòng tay vào cổ mẹ và không được mẹ ôm vào lòng như năm ngoái nữa. Khổ thân con tôi. Một nỗi ân hận vò xé lòng tôi”... “Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời con có những cái mốc thật kỳ lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn, là xa bố. Vừa nhú răng là sơ tán, Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ, vừa biết nói hai tiếng là nói “Đi Nam”... Nỗi bất hạnh của con, nỗi thương nhớ con trở thành một điểm tựa tinh thần lớn lao của Dương Thị Xuân Quý trên chiến trường. Chị đã dùng nhật ký để hằng ngày tâm sự cùng đứa con thơ như một người bạn tâm giao. Chị đã từng báo cho bé Ly ở miền Bắc xa xôi một tin mừng thế này: “Ly của mẹ! Mẹ báo một tin để con mừng nữa là ngày hôm nay mẹ bắt đầu là người của Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Khu 5, chính thức làm người lính của lực lượng văn nghệ giải phóng… Hôm nay, ngày thứ nhất của cuộc đời mới, bắt đầu từ hôm nay”. Trong nhật ký và những bức thư gửi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Dương Thị Xuân Quý hứa rằng chị sẽ đền đáp cho nỗi bất hạnh của con bằng cuộc sống và những trang viết chính đáng của mình.
Nhà văn Nguyên Ngọc gặp Dương Thị Xuân Quý có một lần, tại vùng căn cứ khu 5, giữa tiếng vọng của một trận bom B52, nhưng nhiều năm sau ông vẫn nhớ như in lần gặp gỡ duy nhất với người phụ nữ có đôi mắt kỳ diệu đó. Ông kể: “...Chúng tôi họp, bom B52 nổ rền đâu đó ở sườn núi bên kia. Quý đến muộn một chút. Chị vừa bị sốt rét rừng, gượng dậy mà đi. Thật tình hôm ấy tôi mong chờ chị đến. Đã nghe tên, quý mến mà chưa được gặp người. Một cô gái bước vào. Tôi biết ngay là Quý, không rõ vì sao. Chị gầy và xanh quá. Nói là còm cõi cũng không quá đáng. Duy có đôi mắt, tất cả là ở đó. Đôi mắt vừa đằm thắm, vừa rắn rỏi, vừa thông minh. Hay đúng hơn, nhìn vào đôi mắt ấy, anh bỗng hiểu rằng trước mặt anh là một con người có thể lặng lẽ suốt đời đi đến mục đích đã tự khẳng định của mình, bất chấp tất cả, không gì ngăn trở được...”.
Buổi gặp gỡ mà Nguyên Ngọc kể lại trên là vào dịp hội nghị sáng tác văn nghệ khu 5 giữa tháng 12 năm 1968. Khi ấy, Dương Thị Xuân Quý đã ở chiến trường vừa đúng 5 tháng, đã kịp trải qua hàng chục trận bom rải thảm, đã biết thế nào là cái đói và những cơn sốt rét của khu 5, và đặc biệt đã thấm thía nỗi đau lớn nhất của một người mẹ: nỗi đau xa cách đứa con thơ...
Đúng như lời hứa thiêng liêng của mình với đứa con thơ, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi ở chiến trường, giữa những đợt gùi cõng phát rẫy kiệt sức, giữa những đợt bom B52, trong sự hành hạ khủng khiếp của cái đói và những cơn sốt rét, giữa những cuộc chạy càn và bên ngọn đèn dầu dưới hầm bị ngập vùng địch hậu, Dương Thị Xuân Quý đã hình thành những tác phẩm đầu tiên về cuộc chiến đấu của nhân dân Khu 5 anh hùng: Truyện ngắn “Hoa rừng”, các bút ký “Tiếng hát trong hang đá”, “Niềm vui thầm lặng”, “Gương mặt thách thức”…
Cuối tháng 12 năm 1968, từ chiến khu, Dương Thị Xuân Quý lên đường xuống đồng bằng về với mặt trận Quảng – Đà, mặt trận ác liệt nhất của Khu 5 thời ấy. Nhà thơ Bùi Minh Quốc kể rằng, trước lúc ra đi, ngày 9 tháng 12 năm 1968, ngày bé Ly tròn 24 tháng tuổi, chị Quý đã lặng lẽ một mình ra suối mò được một hăng gô ốc đá về nấu cho cả cơ quan văn nghệ khu ăn để kỷ niệm ngày sinh nhật con.
Ngày được biết mình sẽ được về công tác tại mặt trận mà mỗi năm có ít nhất một văn nghệ sĩ hi sinh, Dương Thị Xuân Quý ghi trong nhật ký: “Suốt đêm bom dội và đại bác rung đất. B57, B52 xối xả. Sống giữa không khí mặt trận đầy nguy hiểm nhưng cảm giác của mình là say mê và thú vị. Lạ thế, biết nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng lao tới, dù có hi sinh. Đời người ai chả chết. Dĩ nhiên mình có nghĩ đến đau khổ của anh và bé Ly. Nhưng cái gì rồi cũng qua thôi”. Đêm 3.3.1969, từ dưới hầm bí mật của vùng đông Duy Xuyên, trong thư gửi nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý viết: “Tôi đang suy nghĩ một cái truyện vừa về Xuyên Hòa. Khi gặp anh, tôi sẽ kể xem có được không nhé (gọi là về Xuyên Hòa nhưng là về miền Nam, về khu 5 nói chung, nhưng lấy Xuyên Hòa làm nền thôi). Chuyến này tôi gặp nhiều nguy hiểm nhưng vui kỳ lạ…Địch vừa phục bắn chết bốn đồng chí của mình hôm kia và hôm qua bắn bị thương 2 đồng chí lúc qua đường...Chiều mai tôi sẽ đi Xuyên Châu với anh Tý ít ngày, tranh thủ vào quận Nam Phước. Vào ban đêm được anh à, tôi sẽ tranh thủ viết”.
Năm ngày sau, vào đêm 8.3.1969, tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, Dương Thị Xuân Quý đã bị một loạt đạn thù quật ngã khi vừa cùng đồng đội thoát ra khỏi vòng vây địch trong một trận càn. Khi ấy chị chưa tới tuổi 28. Không ai nghe được lời nói cuối cùng của chị khi ngã xuống. Nhưng nhà văn Nguyên Ngọc tin rằng lời cuối cùng của chị là tiếng gọi: Con ơi!

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *